VỀ THĂM TRƯỜNG CŨ

“PETRUS KÝ YÊU DẤU”

ÁI KHANH (Petrus Ký đêm, NK 69-75)

Quá nhiều dư âm còn đọng lại khi tôi bắt đầu viết lại những cảm xúc còn đầy ắp trong tôi từ lúc bước chân qua cổng trường Petrus Trương Vĩnh  Ký năm xưa (bây giờ là trường Lê Hồng Phong) để vào thăm lại ngôi trường cũ sau 47 năm rời xa nó (1975 – 2022). Một quãng thời gian quá dài, gần nửa thế kỷ, hơn nửa đời người. Một ước mơ của tôi có từ rất lâu, tưởng chừng như không bao giờ trở thành sự thật….. Vậy mà…cuộc đời có những điều rất bất ngờ hoặc một cơ duyên nào đó.. đã biến ước mơ được về thăm lại ngôi trường cũ là ước mơ có thật…

Những người bạn đồng môn của tôi, những người bạn lớn của lớp ban ngày mà tôi đã gặp lại thật hữu duyên trong sự tình cờ từ hai bài viết về trường Petrus Ký đã giúp ước mơ xa vời đó trở thành sự thật. Một sự thật hiễn nhiên, tôi vẫn luôn xúc động mỗi khi nhớ đến những ân tình đó… Những người bạn cùng chung một tình yêu lớn cho ngôi trường thân thương đó từ lúc tuổi còn thanh xuân cho đến tận bây giờ tóc trắng màu mây, chân chồn gối mỏi, sức khỏe cũng thăng trầm trong mỗi ngày giờ…vậy mà họ cũng như tôi vẫn luôn giữ trong lòng tình yêu về ngôi trường cũ cho đến tận giờ dù cuộc sống cơm áo, gạo tiền… ít nhiều đè nặng trong đời sống thực tế cũa mỗi người. Tri âm, tri kỷ, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu phải chăng là đây ??? Rất  khó  để có những tình bạn như vậy trong thời hiện đại này, có nhiều nỗi trăn trở lặng im….

Xin dông dài một chút cho cảm xúc vẫn còn tươi nguyên trong tâm hồn từ buổi sáng thứ bảy 18/6/2022, ngày về thăm lại trường xưa cùng hai người thầy cũ (thầy Trần Thành Minh và thầy Nguyễn Ngọc Diễm) vài người bạn nhiều niên khóa khác nhau (anh Nguyễn Văn Lành NK 65-72,  anh Võ Văn Ninh NK 64-71, anh Nguyễn Minh Nghĩa NK 65-72, Ái Khanh NK 69-75, anh Trần Kim Long NK 74-81…). Làm sao diễn tả được nhiều nỗi cảm xúc khác nhau đang hiện hữu trong tâm hồn thầy và trò đang rão bước đi qua từng nơi chốn cũ trong ngôi trường rộng lớn thênh thang này ? Ai biết được ai đang nhớ lại những gì trước 47 năm và sau 47 năm ?

Trong buổi đến thăm trường cũ, được sự tiếp đón thân tình của cô Lệ Hà là Hiệu phó và cô Hồng Phương, giáo viên môn Địa lý của trường  làm hướng dẫn kiêm luôn nhà quay phim, chụp ảnh dùm cho nhóm thầy, trò lúc đi thăm lại từng nơi chốn cũ…sự thân thiện nhiệt tình vui vẻ của cô Hồng Phương làm thầy trò thoải mái tự nhiên hơn và mong muốn được cô cho đi thăm lại khắp nơi, từ hành lang danh dự thênh thang thẳng tắp, đến cánh hành lang lớp học dưới đất bên tay phải,  đi qua dãy hành lang hình chữ U, ghé phòng thí nghiệm, ra tận sân sau phía có hai hàng cây dầu cao, to nơi ngày xưa là chỗ học sinh để xe mỗi khi đến trường, nơi đó bây giờ khang trang hơn, thoáng đảng hơn do hai hàng cây dầu đã được đốn bớt, rồi ra sân thể thao xem các em học sinh đang tập luyện… Thấy thầy, trò thấm mệt vì nắng nóng, cô Phương mời vào phòng giáo viên ngồi nghỉ mệt trước khi vào phòng truyền thống thăm lại tượng Cụ Petrus Trương Vĩnh Ký (thật tình mà nói suốt bao nhiêu năm học dưới mái trường Petrus Ký thân yêu, chuyện vào phòng dành riêng cho giáo viên trước khi vào giờ dạy (lúc trước  gọi là phòng giáo sư) là chuyện không bao giờ có đối với con bé nữ sinh lớp đêm là tôi, vậy mà bây giờ đầu hai màu tóc, tuổi “hàng sáu bó” (cách gọi của cố nhà văn Hoàng Hải Thủy hay dùng cho những ai có độ tuổi 60, 70….) đình  huỳnh vào ngồi vào những chiếc ghế gỗ bóng loáng rất nặng được xếp ngay ngắn quanh chiếc bàn lớn hình oval cùng với hai thầy và các anh rồi được cô Phương chụp thêm vài tấm hình làm kỷ niệm vì chắc khó có lần thứ hai được vào lại đây.

Rồi thầy, trò cũng được vào phòng truyền thống thăm lại tượng Cụ Petrus Trương Vĩnh Ký. Bức tượng đồng đen đó có hồn chăng mà đôi mắt nghiêm trang như vương vất nỗi buồn nào đó nhìn thầy, trò chúng tôi như thầm nói “Ngoài kia mưa nắng bụi trần; Chỗ xưa như thể chưa từng có  ta !!” hàng chữ được khắc bên vai tượng Cụ Petrus Ký không hiểu ý nghĩa gì kèm con số 1888 ???

Thế là sau một buổi sáng bắt đầu vào trường từ  9g, thầy trò chúng tôi đã cùng nhau đi thăm lại khắp nơi chốn cũ trong tâm trạng vui sướng như trẻ con được quà, bỗng dưng thấy mình như trở lại thời còn đi học, kể lại cho nhau nghe hồi đó tôi học lớp này, tôi học lớp kia, riêng hai vị học trò hàng  6 , hàng 7 còn chút tính lãng mạn  là anh Lành và tôi vào lớp học cũ, ngồi vào bàn học cũ, chụp vội vài tấm hình để  “tưởng nhớ lại một thời làm học trò chỉ có sách vở cầm tay, không lo học cứ để hồn ngoài cửa lớp….”

Cảm nghĩ sau một buổi thăm lại trường xưa;

Cây phượng vĩ to cao trổ đầy hoa phượng đỏ thắm của mỗi mùa hè năm xưa không còn nữa mà thay vào đó là cây bàng cao vút đã được tỉa cành còn trơ những nhánh đang mọc lại những chiếc lá non, tại sao sân trường không có màu hoa phượng của tuổi học trò nhỉ ??? những cánh phượng mà đám học trò con gái lớp đêm ngày xưa hay nhặt ép thành con bướm phượng đỏ thắm trong lưu bút mỗi khi nghỉ hè ??

Cây Lan hoàng hậu màu tím hồng sen nhạt trồng hai bên vuông sân từ cổng trường đi vào cũng đã không còn nữa.

Từ hành lang danh dự bước xuống sân trường rộng rãi cũng không còn bốn vuông cỏ xanh rì xen lẫn đám cỏ gà là trò chơi của đám bạn tôi năm lớp đệ lục, đệ ngũ… mà thay vào đó là bốn vuông sân lát gạch hoa văn đẹp mắt… có một chút màu xanh lá của những hàng điệp vàng được trồng rãi rác khắp bốn vuông sân, chắc là để dịu mát đi vì những phiến gạch hoa văn khô nóng vào thời tiết mùa hè ??? Và một nỗi buồn nào đó nhẹ vương khi chính giữa sân trường không còn trụ bức tượng bằng đồng đen của Cụ Petrus Ký, xung quanh là các bậc tam cấp xây theo nữa vòng cung mà đám học trò ngày xưa hay ra đó chụp ảnh cùng thầy cô làm kỷ niệm…

Hai hàng cây dầu to cao rất đẹp phía bên hông trường là nơi để xe của toàn bộ học sinh ngày xưa cũng chỉ còn lại được bốn cây đứng lặng im nghe thời gian qua từng thế hệ học sinh, những khoảng trống mới được sử dụng cho phù hợp với số học sinh ngày càng đông đúc ??

Những gì xưa cũ còn lại ????

Màu vôi  vàng cũ của ngôi trường vẫn còn giữ được sắc màu nguyên gốc mỗi khi trường được thay màu áo sơn mới. Các lớp học cũ vẫn được giữ nguyên những khung cửa gỗ ngày xưa (chỉ có các dãy bàn học là thay mới vì bao nhiêu thế hệ học sinh đã ngồi qua nó). Nền gạch hai màu đỏ trắng ở toàn sảnh hành lang và các lớp học vẫn còn nguyên màu thời gian, các vị trí phòng, ốc vẫn là hình ảnh của 47 năm về trước…

Tôi luôn nhớ trường, nhớ bạn, tình cảm đó không tàn phai theo năm tháng dù đã rời bỏ tuổi học sinh. Tuổi học trò là quãng đời vui tươi, đẹp nhất, là sự hồn nhiên, không toan tính cùng ai. Trường, lớp, thầy, cô, bạn bè, sách vở là những hình ảnh kỷ niệm sâu sắc nhất một đời người.

47 năm…một thời gian quá dài đủ để thay đổi mọi thứ, những gì tôi gặp lại hôm nay tại ngôi trường cũ như một lẽ đương nhiên của cuộc sống đa sắc màu, đa sắc thái…Có điều gì để tôi thương nhớ lâu dài đầy tiếc nuối là cái tên trường Petrus Ký đã từng có trong các bài viết tuổi học trò của tôi cách nay 50 năm chỉ còn là kỷ niệm, chỉ còn trong quá khứ…

Chỉ còn chút niềm vui là ngôi trường mang tên Petrus Ký xưa cũ của tôi vẫn là nơi đào tạo nguồn nhân tài cho xã hội, vẫn là nơi truyền thống thầy giỏi, trò giỏi như xưa, vẫn là nơi để mỗi một học sinh đặt chân vào ngôi trường đó luôn tự hào và hãnh diện mình là người trò giỏi dù chưa hoàn hảo tất cả mọi mặt nhưng luôn được xã hội công nhận…đó là ngôi trường danh tiếng nhất miền Nam trước cũng như sau….

Tôi vẫn mong được trở lại ngôi trường cũ thêm một lần nữa với những người bạn ân tình của tôi, những tri kỷ, tri âm cùng chung một tình yêu dành cho Petrus Ký yêu dấu…

     “…Tạm quên đi những nhọc nhằn
     Về thăm trường cũ một lần mà thôi.
     Miệng cười mà mắt lệ rơi
     Chao ôi, kỷ niệm bồi hồi trong tôi
     Rồi mai ở cuối cuộc đời
     Ước mơ đã trọn, thương người bạn tôi…”

Và chưa bao giờ bài hát “Trường cũ tình xưa” lại vô cùng ý nghĩa như thế này…

ÁI KHANH (Petrus Ký lớp đêm -NK 69-75)

(Qua bài viết này, xin cám ơn BGH trường TH Lê Hồng Phong, cô Lệ Hà-Hiệu phó và cô Hồng Phương – GV môn Địa lý đã tạo điều kiện và tận tình tiếp đón, hướng dẫn hai thầy Minh, thầy Diễm cùng các bạn đồng môn Petrus Ký qua các NK trước 75 thăm lại trường xưa vào ngày 18/6/2022.)


Đọc thêm: Petrus Ký yêu dấu