Chương II.

Những Điều Cần Ghi Nhận Về Quá Trình Công Bố Lá Thư Petrus Key Của Ông Nguyên Vũ – Vũ Ngự Chiêu: Sự Cố Ý Không Tiết Lộ Nguyên Văn Trong Khi Thêu Dệt Thêm Nhiều Chi Tiết Chung Quanh Lá Thư

A. Ông Nguyên Vũ Cố Ý Không Đưa Ra Bản Chính Lá Thư

Như vậy, từ năm 1997 là năm ông viết Paris, Xuân 1996 cho đến năm 2015 là năm ông tái bản hay viết lại cuốn Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, và cho đến tận ngày nay, tác giả Nguyên Vũ tức sử gia Vũ Ngự Chiêu chưa bao giờ công bố bản chính hay nguyên văn bằng tiếng Pháp của lá thư Petrus Key. Lá thư mà ông cho biết rằng ông là “người đầu tiên” khám phá ra. Lá thư mà theo ông là “then chốt”, là có ảnh hưởng đến cả cuộc đời của Petrus Ký. Lá thư làm cho ông “khó ngủ”, vì không biết có nên “công bố” hay không.

Thay vào đó, như ta đã thấy, là những mảnh rời rạc do ông Nguyên Vũ cung cấp, mà người đọc phải tự chắp vá, để có được một cái nhìn khái quát, như người viết bài này đã làm trong chương I.

Để biện minh cho việc này, ông Nguyên Vũ lý luận rằng không một “nhà nghiên cứu” nào lại có thể “cho in lại toàn bộ những tư liệu văn khố mình phát hiện”. Nhưng có lẽ không ai yêu cầu ông Nguyên Vũ phải cho in lại “toàn bộ những tư liệu văn khố” do ông phát hiện. Mà chỉ đơn giản là một bản sao hay ảnh chụp của lá thư Petrus Key mà thôi. Nhất là khi xét rằng đó là một lá thư mà ông đã tốn không biết bao nhiêu công phu, giấy mực, trong suốt bao nhiêu năm trời, để nói về nó, để nhắc đi nhắc lại cho người đọc phải nhớ rằng chính ông là người có công khám phá ra nó?

Với một tài liệu thuộc loại “gốc’ hay “primary source” có tầm quan trọng như vậy, theo thiển ý của người viết bài này, một sử gia chân chính ít nhất phải đưa ra bản sao hay ảnh chụp của tài liệu đó – để người đọc có thể nhận xét rằng nó có phải là tài liệu thật hay không. Trong khi đó, ông Nguyên Vũ lại chỉ đưa ra cái mà ông gọi là “phóng ảnh” “phần nào” của tài liệu này.

Và như ta sẽ thấy sau đây, lá thư Petrus Key là một lá thư dài đến 4 trang giấy viết tay, nhưng ông Nguyên Vũ đã cắt bỏ hầu hết và chỉ cho ta thấy vài hàng đầu của thư với dòng chữ “Grand Chef – Et Vous Tous …” cộng thêm vài dòng cuối có “Le très humble et inutile serviteur” với chữ ký “Petrus Key”. Tệ hơn nữa, đoạn cắt dán này lại bị chụp chồng lên bởi một phần của bản danh sách những người An Nam trong phái đoàn soái phủ Pháp đi Paris năm 1863, làm người đọc không thể nào đọc được những dòng chữ hiếm hoi này.

Kế đến, ta cũng cần lưu ý một lần nữa là tại lần đầu khi nói đến lá thư Petrus Key trong cuốn Paris, Xuân 1996, mặc dù đã dành ra gần 10 trang giấy để viết về nó, ông Nguyên Vũ lại không cho người đọc thấy được cái mà ông gọi là “phóng ảnh’ của lá thư, mà phải đợi đến năm 1999, khi ông xuất bản cuốn Các Vua Cuối Nhà Nguyễn là một “biên khảo sử học”, thì ông mới tiết lộ rằng ông có đăng một “phóng ảnh” của “phần nào” lá thư đó, nhưng nó lại được đăng trong cuốn Hồ Chí Minh, Con Người và Huyền Thoại. Người đọc ắt phải cực kỳ hoang mang là tại sao ông Nguyên Vũ không đưa “phóng ảnh” đó vào ngay trong cuốn Paris, Xuân 1996 hay cuốn Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, mà lại để nó trong một cuốn sách khác, về một nhân vật khác!

Rồi sau đó, đến năm 2001, khi viết tâm bút Ngàn Năm Soi Mặt – Góp Phần Nghiên Cứu Về Trương Vĩnh Ký, ông Nguyên Vũ cũng đã dành ra mấy mươi trang giấy để viết về Petrus Ký. Một lần nữa, ông hết lời ca tụng công lao kiếm ra lá thư Petrus Key của ông, nhưng lại cũng không cho đăng ảnh chụp lá thư hay chép lại nguyên văn của nó.

Sau cùng, mãi đến năm 2011, với bài viết Vài Tài Liệu Mới Về Petrus Key, ông Nguyên Vũ mới cho người đọc một bản dịch của lá thư Petrus Key. Bản dịch này đã được ông Nguyên Vũ gọi là “lược dịch”, nhưng thật ra đó là một bản dịch trọn vẹn cả lá thư. Và trong khi tốn nhiều công lao và giấy mực như vậy, ông Nguyên Vũ lại vẫn không chịu cho người đọc một bản đánh máy của nguyên văn lá thư, chứ đừng nói chi đến một bản sao hay ảnh chụp của nó.

Người viết bài này không phải là một “sử gia”, lại càng không phải một “sử gia” theo định nghĩa của ông Nguyên Vũ (tức là phải có bằng tiến sĩ Sử Học). Nhưng theo sự hiểu biết của người viết, thì bản dịch lúc nào cũng thiếu chính xác hơn là bản chính. Đó là điều không thể tránh khỏi, vì mỗi ngôn ngữ có những đặc điểm và cách viết khác nhau. Ngay việc dịch thuật giữa những ngôn ngữ cùng nguồn gốc Latin như tiếng Anh và tiếng Pháp, đã khó, đừng nói chi đến việc dịch thuật từ một ngôn ngữ Âu Châu là tiếng Pháp sang một ngôn ngữ Á Châu là tiếng Việt. Và vì vậy, việc “công bố” một tài liệu thuộc loại primary source như lá thư Petrus Key, bằng một bản dịch, chứ không phải bằng bản chính nguyên văn của lá thư, là một điều không thể hiểu nổi! Đặc biệt khi người “công bố” lá thư lại chính là một “sử gia” chính hiệu tốt nghiệp ở Hoa Kỳ như ông Nguyên Vũ – Vũ Ngự Chiêu.

Thêm nữa, như ta đã thấy, mãi mười mấy năm sau khi “công bố” lá thư Petrus Key, ông Nguyên Vũ mới đưa ra thêm những cái mà ông gọi là “tài liệu mới”, để chứng minh Petrus Key chính là Petrus Ký. Nhưng rất tiếc, những “tài liệu mới” đó lại chỉ chứa toàn là những thứ chẳng ăn nhập gì đến lá thư Petrus Key, thậm chí có cái còn đi ngược lại lập luận của ông Nguyên Vũ, như lá thư về “chú Ký” của linh mục Borelle. Trong khi chính tài liệu chủ yếu cần được công bố nhất là lá thư Petrus Key, thì chẳng bao giờ ông Nguyên Vũ cho ai biết, cho đến tận ngày hôm nay.

Một cựu học sinh trường Petrus Ký, Giáo Sư Trần Thạnh ở Úc Châu, cho biết là ông đã từng viết email thẳng cho ông Nguyên Vũ để xin một bản copy của lá thư này, nhưng ông Nguyên Vũ đã từ chối. Ông Trần Thạnh thuật lại như sau:

“Cá nhân tôi (tác giả bài viết này) vào năm 2009 có gửi một email cho Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu (hiện sinh sống tại Hoa Kỳ) để xin một bản chụp của bức thư ký tên Pétrus (sic) Key dễ đọc hơn bản được lưu hành hiện nay trên internet, vì tôi có nhận xét là chữ viết trên bức thư ký tên Pétrus (sic) Key không giống bút tích của Petrus Ký sau này. Hơn nữa là một người làm nghiên cứu, tôi có thói quen sử dụng tài liệu gốc để tránh bị “nhiễu”. Vũ Ngự Chiêu đã từ chối lời yêu cầu của chúng tôi với lý do ông là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, bị ràng buộc bởi moral obligations (nguyên văn của ông) không thể phổ biến tài liệu ra ngoài giới nghiên cứu sử học. Tôi tuy làm công việc nghiên cứu và giảng dạy tại một trường đại học của Úc, nhưng không chuyên về sử học và chưa hề được nghe về cái moral obligations này trong lãnh vực nghiên cứu của mình.”[27] (những chữ in đậm là do người viết nhấn mạnh)

Như vậy, có thể thấy rằng ông Nguyên Vũ đã cố tình không cho đăng nguyên văn hay ảnh chụp của lá thư này trong suốt bao nhiêu năm qua. Trong khi chắc chắn là ông đã có nguyên bản lá thư Petrus Key, vì chính ông đã cho đăng trọn vẹn bản dịch của nó trên tờ Hợp Lưu. Nếu muốn, thì việc cho đăng ảnh chụp bản chính của lá thư, hay ít ra chép lại nguyên văn bằng tiếng Pháp, là một việc dễ làm hơn nhiều – so với việc dịch trọn vẹn và đăng bản dịch của lá thư, như ông Nguyên Vũ đã làm.

Nhưng ông Nguyên Vũ đã không làm như vậy, với lý do mà ông đã nêu trong tâm bút “Ngàn Năm Soi Mặt”, là vì ông không thể nào cho in tất cả các tài liệu văn khố mà ông phát hiện. Hay có thể vì một lý do khác, có vẻ bí hiểm hơn, như khi ông viết cho ông Trần Thạnh. Đó là vì “moral obligations” của “một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp”, nên ông “không thể phổ biến tài liệu ra ngoài giới nghiên cứu sử học” được!

Đối với người viết bài này, những lý do trên của ông Nguyên Vũ không được thuyết phục cho lắm. Vì vậy, hi vọng rằng, trong những phần tiếp theo đây, người viết sẽ trình bày đầy đủ các dữ kiện, để bạn đọc có thể tự tìm ra cho mình một lý do thích đáng hơn về sự cố tình không công bố bản chính lá thư Petrus Key của ông Nguyên Vũ.

 

B. Ông Nguyên Vũ Đã Thêu Dệt Thêm Những Chi Tiết Chung Quanh Lá Thư Petrus Key

Có lẽ điều phiền toái nhất cho một người đọc muốn nghiên cứu về lá thư Petrus Key là việc ông Nguyên Vũ đã đưa ra những chi tiết về bức thư mà không có gì để chứng minh cho những chi tiết đó.

Nói cách khác, ông Nguyên Vũ đã tự ý thêm thắt rất nhiều chi tiết chung quanh lá thư này.

Và sau đây là những chi tiết về lá thư Petrus Key đã được “sáng tạo” bởi ông Nguyên Vũ tức sử gia Vũ Ngự Chiêu.

  1. Khẳng Định Petrus Key Chính Là Petrus Ký

Điều đầu tiên và rõ ràng nhất là cách ông Nguyên Vũ đã khẳng định rằng tác giả của lá thư ký tên Petrus Key là Petrus Ký suốt từ năm 1997 cho đến nay, cho dù ông không hề có một bằng chứng khả tín nào để chứng minh rằng Petrus Key chính là Petrus Ký.

Như đã nói trên, chỉ có một bằng chứng duy nhất do ông Nguyên Vũ đưa ra mà ta có thể gọi là có liên hệ (relevant) đến việc chứng minh Petrus Key là Petrus Ký. Đó là một danh sách của những người An Nam trong phái đoàn soái phủ Pháp qua Tây năm 1863, và đã được ông Nguyên Vũ chụp chồng lên “phóng ảnh” lá thư Petrus Key mà ông đã “công bố”. Trong danh sách đó, tên của Petrus Ký được đánh máy, hay xếp chữ, là “Petrus Key”. Và đây chính là bằng chứng duy nhất của ông Nguyên Vũ cho sự khẳng định Petrus Key chính là Petrus Ký trong suốt hai mươi năm qua.

Nhưng, như đã nói trên, đây là một danh sách của người Pháp làm, và rõ ràng là họ đã viết sai và in sai tên ông Petrus Ký ra thành Petrus Key, cũng như họ đã viết và in sai tên của Phan Thanh Giản ra thành “Phan-Thanh-Giang” trong chính danh sách đó. Chứ không phải đây là một bằng chứng rằng chính ông Petrus Ký đã có lúc tự viết hay tự ký tên là “Petrus Key”, như chữ ký trong lá thư Petrus Key.

Đó là chưa nói đến việc sau khi có thể chứng minh được điều này rồi (là Petrus Ký có khi tự ký tên mình là Petrus Key), thì ông Nguyên Vũ vẫn còn phải chứng minh rằng chữ ký “Petrus Key” trong lá thư Petrus Key đó là do chính tay Petrus Ký viết ra.

Vì vậy, tưởng cần phải lặp lại một lần nữa, là ông Nguyên Vũ chưa bao giờ làm được việc chứng minh rằng lá thư Petrus Key là do Petrus Ký viết. Thậm chí ông cũng chưa bao giờ chứng minh được một điều dễ dàng hơn nữa, là ông Petrus Ký đã có khi nào đó tự xưng là Petrus Key.

Điều duy nhất mà ông Nguyên Vũ có thể chứng minh được qua cái danh sách nói trên, là người Pháp có khi viết sai tên Petrus Ký thành Petrus Key.

Và chỉ có vậy mà thôi. Nhưng điều này đã chẳng làm cho ông Nguyên Vũ ngần ngại khi kết luận một cách khẳng định rằng Petrus Ký chính là tác giả của lá thư Petrus Key, trong suốt hai mươi năm qua.

  1. Tên Đầu Tiên Của Petrus Ký Là Petrus Key

Thứ nhì, ông Nguyên Vũ đã táo bạo kết luận rằng ông Petrus Ký khi mới sinh ra, hay ít ra là khi được người đời biết đến, chỉ có cái tên cụt lủn là … Petrus Key. Rồi sau này, mới tự gắn thêm họ Trương và chữ lót Vĩnh vô để “Việt hoá” cái tên mình! Điều này nghe ra rất khó tin và thậm chí có vẻ khôi hài, nhưng lại được rất nhiều người tin, và đã được ông Nguyên Vũ lặp đi lặp lại trong các bài viết về Petrus Ký.

Và đương nhiên là ông Nguyên Vũ không hề có một bằng chứng nào hết cho điều khôi hài này. Thay vào đó, ông đưa ra lý luận của ông như sau: vì trước đó ông ta (Nguyên Vũ) chưa hề thấy tên Petrus Ký hay Trương Vĩnh Ký trong bất cứ tài liệu nào khác, nên suy ra Petrus Key phải là cái tên đầu tiên của Petrus Ký!

Khổ nỗi, như ta có thể dễ dàng nhìn ra: ông Nguyên Vũ chưa bao giờ chứng minh được Petrus Ký là tác giả lá thư Petrus Key, thì làm sao có thể có cái kết luận rằng đó là cái tên đầu đời của Petrus Ký! Đó là chưa nói rằng ông đã tự tiện gán cho một người Việt ở Nam Kỳ như Petrus Ký khi mới ra đời với cái tên đầu tiên lạ hoắc là Petrus Key, rồi sau đó mới tự “Việt hoá” tên mình bằng cách cộng thêm họ Trương và chữ lót Vĩnh!

  1. Lá Thư “Đề Ngày Cuối Tháng 3 Năm 1859”

Thứ ba, và rõ ràng nhất, là việc ông Nguyên Vũ đã rất nhiều lần viết rằng lá thư Petrus Key đã được “đề ngày cuối tháng 3 năm 1859”, dù rằng với chính cái “phóng ảnh” mà ông ta cung cấp, người đọc có thể thấy ngay rằng đây là một lá thư không có ngày tháng! Và cần nhắc lại là chỉ trong cuốn Paris, Xuân 1996 thì ông Nguyên Vũ mới nhìn nhận rằng lá thư Petrus Key là một lá thư không đề ngày. Còn sau đó thì trong bất cứ bài viết nào về Petrus Ký, ông Nguyên Vũ cũng đều khẳng định là nó đã được viết vào cuối tháng 3/1859.

Để tìm hiểu do đâu mà ông Nguyên Vũ có thể tuyên bố là lá thư Petrus Key được “đề ngày cuối tháng 3 năm 1859”, dù lá thư không hề có ngày tháng, người viết bài này phải trở lại cuốn Paris, Xuân 1996 và chắp vá các dữ kiện – bởi ông Nguyên Vũ không bao giờ cho ta biết tại sao ông lại khẳng định là lá thư được viết vào tháng 3 năm 1859.

Và theo cuốn “tâm bút” này, ông Nguyên Vũ đã tìm được lá thư Petrus Key trong hồ sơ văn khố Pháp, dưới mục Jean Bernard Jauréguiberry là người chỉ huy liên quân Pháp – Tây Ban Nha ở Sài Gòn từ tháng 4 năm 1859 đến tháng 4 năm 1860. Trong những thùng hồ sơ thuộc về Jauréguiberry, ông Nguyên Vũ tìm ra một lá thư của ông này viết cho viên chỉ huy của ông ta là Rigault de Genouilly, lúc đó đang trên đường trở ra Đà Nẵng sau khi chiếm Sài Gòn. Trong thư, Jauréguiberry cho biết có nhận được một lá thư dài của “Petrus” (chứ không phải Petrus Key hay Petrus Ký).

Vì cho rằng người có tên “Petrus” được nhắc đến trong lá thư trên chính là Petrus Key, và vì lá thư của Jauréguiberry được viết vào tháng 4, nên có lẽ ông Nguyên Vũ đã suy ra là lá thư “Petrus Key” phải được viết trước đó, tức là vào “cuối tháng 3 năm 1859”!

Thế nhưng những điều này là do người viết tự tìm ra, chứ ông Nguyên Vũ chẳng bao giờ giải thích như vậy với người đọc!

Đương nhiên, với một tài liệu giống như lá thư Petrus Key, một lá thư không có ngày tháng, thì từ một người “trí thức lương thiện” cho đến một “nhà nghiên cứu chuyên nghiệp” đều có quyền, và có thể suy đoán ra ngày tháng của lá thư – bằng cách sử dụng và trình bày sự phán đoán và lý luận của mình. Đó là điều hợp lý và hoàn toàn có thể thông cảm được.

Và do đó, việc ông Nguyên Vũ suy đoán ra ngày tháng của lá thư Petrus Key, có thể hiểu và thông cảm được, nếu như ông nói thẳng ra rằng đó chỉ là sự suy đoán của ông.

Nhưng đằng này, ông Nguyên Vũ lại không bao giờ cho người đọc biết đó là chỉ là phỏng đoán của ông. Như đã nói trên, ngoại trừ cuốn Paris, Xuân 1996, còn trong tất cả các bài viết sau đó, ông Nguyên Vũ đều khẳng định rằng đây là lá thư “đề ngày cuối tháng 3 năm 1859”.

Lý do ông Nguyên Vũ làm như vậy, có lẽ cũng dễ đoán ra. Là nếu như ngay từ tháng 3 năm 1859, giữa lúc Pháp mới vào Sài Gòn, mà ông Petrus Ký đã viết thư như trên cho họ, thì, dưới mắt ông Nguyên Vũ, dễ dàng hơn để chứng minh rằng ông Petrus Ký quả đã “góp phần cho cuộc xâm lăng của Pháp”, như ông đã tuyên bố.

  1. Lá Thư Có Mục Đích Để Tự Tiến Thân Làm Thông Ngôn Cho Pháp

Thứ tư, ông Nguyên Vũ cho rằng ông Petrus Ký, với lá thư ký tên Petrus Key, đã dùng cơ hội này để “tự tiến thân” làm thông ngôn cho Pháp, “hoặc do tự nguyện, hoặc do bề trên xúi dục”, hoặc … “cả hai”! Tóm lại, ông Nguyên Vũ cho rằng Petrus Ký đã dùng lá thư Petrus Key để xin việc làm với Pháp, và bắt đầu làm thông ngôn cho Pháp ngay từ ngày đó (tức vào cuối tháng 3 năm 1859). Và vì đã cho ông Petrus Ký được nhận làm việc với Pháp từ ngày này, ông Nguyên Vũ sẵn đà cho luôn ông Petrus Ký đi ra Đà Nẵng vào tháng 6 năm 1859 để làm thông ngôn cho Pháp!

Nhưng người viết bài này đã cố gắng tìm hết cả trong lá thư Petrus Key, thậm chí chỉ với bản dịch của ông Nguyên Vũ cung cấp, mà vẫn không tìm được một dòng chữ nào trong đó cho thấy tác giả lá thư đang đi xin việc làm với người nhận thư! Bởi nội dung và mục đích của lá thư Petrus Key rất rõ ràng: là cầu xin quân đội Pháp hãy cứu vớt những giáo dân An Nam đang bị giam giữ bởi vua quan nhà Nguyễn, kèm theo những lời khen tặng và tâng bốc công lao của người nhận thư. Trong thư có rất nhiều đề cập đến Thánh Kinh và lời kêu gọi lòng trắc ẩn của người nhận. Đồng thời, lá thư cho biết tình trạng bi đát của quân đội nhà Nguyễn, cũng như việc tác giả lá thư đã vượt qua bao nhiêu gian khổ để tìm gặp người nhận thư, mà không gặp được.

Chứ lá thư Petrus Key hoàn toàn không có đoạn nào, dòng nào, để xin việc làm, theo kiểu “tự tiến thân”, như ông Nguyên Vũ đã viết.

Đó là chưa kể đến một điều buồn cười nữa là hình như ông Nguyên Vũ đã quên rằng trước khi viết những dòng chữ trên, để cho rằng Petrus Ký đã dùng lá thư Petrus Key để “tự tiến thân”, ông cũng lại từng viết trong Paris – Xuân 1996, như sau:

“Năm 1858, khi người Pháp bắt đầu biểu dương lực lượng ở Việt Nam, bề trên cho Petrus về nước, xung (sic) vào đoàn thông ngôn do Linh mục Legrand de Liraye (sic) cầm đầu.” (những chữ in đậm là do người viết nhấn mạnh)

Nếu như Petrus Ký đã được “xung” vào đoàn thông ngôn của linh mục Le Grand de la Liraye từ năm 1858 như ông Nguyên Vũ nói, thì ông ta còn viết lá thư Petrus Key vào “cuối tháng 3 năm 1859” để “tự tiến thân” và xin làm thông ngôn, làm chi nữa![28]

Do đó, chỉ cần đối chiếu chi tiết “tự tiến thân” này với nội dung lá thư Petrus Key qua chính bản dịch của ông Nguyên Vũ cung cấp (chứ không cần nguyên văn bản chính bằng tiếng Pháp của lá thư Petrus Key), người đọc cũng có thể thấy ngay rằng chi tiết “tự tiến thân” chỉ là một sản phẩm tưởng tượng của ông Nguyên Vũ tức sử gia Vũ Ngự Chiêu mà thôi.

  1. Lá Thư Được Linh Mục Borelle Chuyển Giao Cho Jauréguiberry

Thứ năm, ông Nguyên Vũ cho ta biết, và đương nhiên là cũng không có bằng chứng, rằng lá thư Petrus Key đã được “phụ tá giám mục Borelle chuyển giao”.

Nhưng ông Nguyên Vũ lại quên rằng ông đã có giới thiệu một “tài liệu mới” là bản dịch lá thư của chính linh mục Borelle viết vào ngày 24 tháng 3 năm 1859 và gởi cho giám mục Lefèbvre ở Sài Gòn, lá thư về “chú Ký” đã được nhắc đến bên trên. Theo lá thư này, thì vào ngày viết nó, ông Borelle vẫn còn đang ở khu vực Cái Nhum và đang bị lùng bắt bởi quan quân nhà Nguyễn! Vậy thì làm cách nào mà ông ta có thể “chuyển giao” lá thư Petrus Key “đề ngày cuối tháng 3” cho ông Jauréguiberry đang ở tận Sài Gòn, như ông Nguyên Vũ cho biết, được!

Bởi, nếu như cả hai người là linh mục Borelle và Petrus Ký vẫn còn đang kẹt ở Cái Nhum, nhất là Petrus Ký, và do đó phải viết thư kêu cứu quân Pháp đến giải phóng mình, như ông Nguyên Vũ đã đoán, thì linh mục Borelle làm cách nào mà “chuyển giao” lá thư đó cho Jauréguiberry lúc đó đang ở Sài Gòn được?

Nhưng vì ông Nguyên Vũ muốn vẽ ra cả bức tranh về lá thư Petrus Key theo ý mình, nên ông đã: cho Petrus Ký viết lá thư Petrus Key để “tự tiến thân” vào cuối tháng 3 năm 1859; cho linh mục Borelle đem lá thư đó lên Sài Gòn giao cho Jauréguiberry để xin cho Petrus Ký làm thông ngôn; rồi sau cùng cho Petrus Ký được nhận vào làm thông ngôn luôn từ ngày đó!

Và như các bạn đọc có thể thấy, do quá say mê trong sự sáng tạo các chi tiết nói trên chung quanh lá thư, nên ông Nguyên Vũ đã không thấy rằng chính những chi tiết do sự tưởng tượng này của ông lại tự đối chọi lẫn nhau!

Tóm lại, từ một bức thư không có ngày tháng, không có tên người nhận, được ký tên Petrus Key, với mục đích cầu xin quân Pháp hãy giải cứu các giáo dân, ông Nguyên Vũ đã vẽ ra cho người đọc một bức tranh là Petrus Ký, một chàng trai trẻ “sôi bỏng tham vọng” mới du học ở Penang về Việt Nam theo kế hoạch của “bề trên”, đã viết lá thư này để tự tiến thân với Jauréguiberry, người chỉ huy quân Pháp – Tây Ban Nha ở Sài Gòn, vào tháng 3 năm 1859, và nhờ linh mục Borelle chuyển giao. Sau đó, ông Nguyên Vũ đã vẽ tiếp là nhờ lá thư này mà Petrus Ký đã được nhận ngay vào làm thông ngôn cho Pháp.

Đó là vì chỉ sau khi thêu dệt ra những chi tiết như vậy để kèm theo cái “phóng ảnh” có một không hai của lá thư Petrus Key, thì lá thư Petrus Key mới thật sự có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của Petrus Ký, như ông Nguyên Vũ đã viết.

Nhưng, như đã trình bày, tất cả những chi tiết này chỉ là những sản phẩm tưởng tượng của nhà văn Nguyên Vũ tức sử gia Vũ Ngự Chiêu mà thôi.

Và như đã nói trên, việc suy đoán thêm những chi tiết chung quanh lá thư Petrus Key không có gì sai. Nhưng suy đoán thì cần nói là suy đoán, chứ nếu suy đoán mà viết một cách khẳng định như ông Nguyên Vũ tức sử gia Vũ Ngự Chiêu đã làm, qua các điều kể trên, không hiểu có phải là việc làm của một “sử gia” hay một “nhà nghiên cứu chuyên nghiệp” hay không? Theo thiển ý của người viết, có lẽ chỉ cần một người “lương thiện” cũng đã không làm những việc này, khỏi cần phải là một “trí thức” hay một “sử gia”!

 

C. Cách Chọn Lựa Cắt Dán Những Dòng Chữ Trong Lá Thư Của Ông Nguyên Vũ

Sau cùng, có thể nói rằng cách trình bày một tài liệu thuộc loại “primary source” như lá thư Petrus Key này, theo kiểu “in lại phần nào” “phóng ảnh” của lá thư, như ông Nguyên Vũ đã làm, quả thật là độc nhất vô nhị. Vì cả một lá thư dài 4 trang giấy lớn đã được ông Nguyên Vũ cắt xén gần hết, để người đọc chỉ còn nhận ra “Grand Chef – Et Vous Tous, Très Honorables Officiers” ở phần đầu và “Le très humble et inutile serviteur Petrus Key” ở phần dưới. Còn hầu hết những dòng còn lại đã bị che khuất bởi cái danh sách những người An Nam trong phái đoàn soái phủ Pháp, do ông Nguyên Vũ chụp chồng lên trên.

Thế nhưng lối trình bày theo kiểu cắt xén này lại hay ở chỗ là nếu một độc giả bình thường chỉ đọc thoáng qua về bài viết và tài liệu trong bài của ông Nguyên Vũ, thì cũng như phần lớn những người đọc các bài viết thuộc thể loại nghiên cứu, độc giả đó sẽ chỉ thấy nổi bật một điểm: sự tâng bốc người nhận thư và sự tự hạ mình của người viết lá thư. Từ điểm này, độc giả đó sẽ tức khắc sinh ra ác cảm với người viết thư, ngay cả trước khi đọc thư. Nhất là khi nhìn thấy dòng chữ trước chữ ký tự xưng mình là “Le très humble et inutile serviteur”, mà ông Nguyên Vũ dịch là “Người nô bộc hèn mọn và vô dụng”.

Người viết bài này, cũng như bất cứ người đọc bình thường nào khác, khi lần đầu nhìn thấy dòng chữ trên đã lập tức sinh ra ác cảm với người viết thư. Nhưng khi tìm hiểu thêm, thì người viết học được rằng đây là lối viết thư rất phổ biến ở châu Âu, đặc biệt là ở Pháp, vào thế kỷ 19.

Và thật ra, những cách tự xưng tự hạ mình như vậy đã được dùng thành khuôn khổ ở Âu Châu từ thế kỷ 17.[29]

Những dòng chữ trước chữ ký đó, còn gọi là “lời nói cuối” hay “valediction”, thường dùng những chữ sau đây trong tiếng Pháp: “votre très humble”, hay “plus obéissant”, “plus fidèles”, “serviteur”, hay “servante”. Một thí dụ điển hình là trong lá thư của một người Pháp gởi cho Thomas Jefferson để xin giúp đỡ vào năm 1803, ông ta đã tự xưng là “votre très humble serviteur”.[30]

Nhưng đương nhiên không phải ai cũng có thì giờ đi tìm hiểu những chuyện này! Nhất là với phần lớn những người đọc không quen với cách viết đó của người Pháp.

Vì vậy, cách tuyển chọn những dòng phản cảm nhất của lá thư để làm “phóng ảnh” hay “in lại phần nào” như trên của ông Nguyên Vũ, đã chứng tỏ rất hiệu quả cho việc tạo ác cảm với người viết lá thư, mà ông Nguyên Vũ đã cả quyết là Petrus Ký.

 

D. Kết Quả Của Lá Thư Petrus Key Qua Cách Trình Bày Và Thêm Thắt Chi Tiết Của Ông Nguyên Vũ

Với cách trình bày lá thư Petrus Key theo kiểu cắt xén hay “in lại phần nào” như trên, cộng với việc thêm thắt những chi tiết chung quanh lá thư Petrus Key (mà người đọc không có cách nào kiểm chứng vì không có nguyên bản lá thư), ông Nguyên Vũ đã khá thành công trong việc tạo ra nghi vấn có phải Petrus Ký chính là tác giả của lá thư ký tên Petrus Key hay không. Và phải nói là không ít người, kể cả những người ủng hộ Petrus Ký nhiều nhất, cũng đã tin luôn những chi tiết được ông Nguyên Vũ thêu dệt chung quanh lá thư.[31]

Trong khi đó, với những người thấy được cách trình bày lá thư Petrus Key một cách có dụng ý của ông Nguyên Vũ, và với những người muốn tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này để có thể phản bác một cách có hiệu quả, thì họ lại thiếu một tài liệu quan trọng nhất, đó là bản chính của lá thư Petrus Key. Bởi, cho dù đã nhìn ra cách trình bày lệch lạc của ông Nguyên Vũ, cho dù có nghi ngờ những chi tiết do ông Nguyên Vũ đưa ra, họ cũng sẽ rất ngần ngại. Vì có thể rằng đâu đó trong lá thư Petrus Key quả thật có đề ngày cuối tháng 3 năm 1859 chăng, có thể có chỗ nào đó trong thư mà tác giả lá thư quả đã “tự tiến thân” chăng, hoặc có gì dính dáng tới người nhận là Jauréguiberry hay người chuyển giao là Borelle chăng? Tất cả chỉ vì không có bản chính lá thư Petrus Key.

Và như đã nói trên, có lẽ ít ai có bản chính của lá thư Petrus Key. Phần lớn chỉ có được bản “lược dịch” của lá thư do ông Nguyên Vũ cung cấp mà thôi. Và cũng vì ông Nguyên Vũ viết là “lược dịch”, tức là dịch tóm tắt, nên không ai biết được trong nguyên văn lá thư Petrus Key thật ra còn có gì những điều gì khác nữa!

Kế đến, vì cái “phóng ảnh” của ông Nguyên Vũ đưa ra chứa quá ít số chữ của Petrus Key, và trong khi đó hiện nay không có thủ bút của ông Petrus Ký vào những năm 1859-1860 để so sánh, nên những người như giáo sư Trần Thạnh, dù muốn, cũng khó lòng chứng minh ngược lại những gì ông Nguyên Vũ tuyên bố về lá thư Petrus Key.

Và do đó, trong suốt 20 năm qua, không có bài viết nào phản bác hiệu quả những lời tuyên bố của ông Nguyên Vũ về lá thư Petrus Key. Năm 2002, ông Nguyên Nguyên có viết một bài với tựa đề “Thử nhận xét về “Tâm Bút” phê phán Petrus Ký”[32], trong đó ông đã nêu lên rất nhiều điểm bất hợp lý của lá thư Petrus Key.

Nhưng vì không có bản chính của lá thư Petrus Key, cũng như không có thủ bút của ông Petrus Ký, ông Nguyên Nguyên chỉ có thể nêu lên rất nhiều câu hỏi về lá thư Petrus Key, mà không thể nào phản bác hiệu quả được với cái “phóng ảnh” lá thư Petrus Key của ông Nguyên Vũ.

Trong khi đó, với những người chuyên đả kích Petrus Ký, thì lá thư Petrus Key trở thành một tài liệu vô giá. Điển hình là nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Hãy xem những gì ông Nguyễn Đắc Xuân viết về lá thư Petrus Key:

“Theo sử biên niên, sau chiến dịch bắn phá Đà Nẵng (01.91858), Regault (sic) de Genouilly xuôi tàu vào chiếm Gia Định ở Nam bộ (17.01.1859) (sic), Genouilly giao cho Trung tá hải quân Jean Bernard Jauréguiberry và 800 quân ở lại giữ Gia Định còn y trở lại đánh phá Đà Nẵng lần thứ hai. Lúc đó chàng trai 23 tuổi (sic) Trương Vĩnh Ký đang ở Cái Mơn (Bến Tre) bèn bí mật ‘vượt qua những rừng rậm, núi đồi’ lên Gia Định tìm gặp Jauréguiberry để cầu mong hải quân Pháp về ‘giải phóng’ cho ông và những người đồng đạo của ông. Nhưng có lẽ chung quanh khu đóng quân của ông Jauréguiberry lúc đó đang bị quân Nguyễn bao vây chặt nên Trương Vĩnh Ký không thể tiếp cận được kẻ thù số một của dân Nam bộ lúc đó. Trương Vĩnh Ký dùng cái khả năng tiếng Pháp tuyệt vời của mình viết cho Jauréguiberry một cái thư rất thống thiết, ký tên là Pétrus (sic) Key. Thư viết vào cuối tháng 3/1859, sau khi Pháp chiếm thành Gia Định hơn một tháng. Đây là lá thư đầu tiên của Trương Vĩnh Ký gởi cho thực dân Pháp và chưa hề được trích dẫn trên sách báo xuất bản tại Việt Nam trong hơn một thế kỉ qua. [1]

Trương Vĩnh Ký cho biết ông đã viết lá “Thư gởi Đại nhân và tất cả các sĩ quan tôn kính của Đội Hải thuyền Pháp quốc trong hoàn cảnh: ‘… giữa đường tôi không được chuẩn bị gì, không có giấy, không có sổ ghi chép, không có mực vừa ý, không có bú (sic) thích hợp. Nhưng tôi nhân danh là người đại diện cho tín hữu Ki tô kính dâng lên Ngài lời cầu xin của chúng tôi, tôi đến để tế lể (sic) cùng Ngài nỗi thống khổ mà chúng tôi hằng gánh chịu dưới bạo quyền của các quan lại triều đình gây ra, vì Ngài sẽ là người phục thù và mang lại tự do cho chúng tôi’ (au milieu de la route, je n’ai rien à ma disposition, ni papier, ni bonne notes, ni encre convenable, ni plumes approprieés. Mais je vien come champion de tous les Chrétiens vous offrir nos supplications, je viens vous raconter tous les maus que la cruelle tyrannie des mandarins nous fair subir, car vous êtes les vengeurs de notre liberté…).

Trương Vĩnh Ký trình bày với tên lính viễn chinh Pháp cảnh ông và gia đình ông (sic) ‘đang sống giữa đàn chó sói đói ăn [2] (au milieu des loupes rapaces)’ và ‘giữa những sợ hải triền miên đó, giữa những nguy hiểm không ngừng đó (au milieu de ces craintes continuelles de ces dangers incessants)’, ông ‘chỉ còn hy vọng sự giúp đỡ” (seule notre esperance en vous nous soutientt) của Hải quân Pháp ‘mới nâng đỡ được tinh thần’ cho ông. Ông báo động với kẻ thù dân tộc lúc đó là: ‘Tất cả chúng tôi chắc sẽ chịu chết nếu Ngài không kịp đánh đuổi kẻ thù của chúng ta [3] (Nous sommes tous menacés de la mort si vous ne chassez bientôt nos ennemis).

Trương Vĩnh Ký báo cho Jauréguiberry biết ông đã hết sức nỗ lực mà không gặp được vị cứu tinh của ông: ‘Thực uổng công của chúng tôi đã vượt qua những rừng rậm, núi đồi để tìm đến Ngài mà không được. Bây giờ thì khó mà tiếp tục, nên đành phải chờ đợi các vũ khí vô địch của Ngài… (En vain, J’ai essayé de franchir les forêts, les champs, les montagnes, les valler (sic) pour aller à vous; dejà même il m’est difficile de… mes pas. J’attents donc ici que vos armes invincibles…)’.

Kết thúc lá thư, Trương Vĩnh Ký hạ một lời kêu cứu khẩn thiết và khẳng định Jauréghuiberry (sic) là người giải phóng cho Trương Vĩnh Ký: ‘Hãy thương xót chúng tôi ! Hãy thương xót chúng tôi ! Ngài sẽ là người giải phóng chúng tôi…’ (Ayez pitié de nous! Ayez pitié de nous! Vous êtes nos liberateurs).”[33]

Không hiểu ông Nguyễn Đắc Xuân có được tài liệu này từ ông Nguyên Vũ, hay đã tự kiếm ra lá thư Petrus Key, nhưng người viết nhận thấy rằng ông có trích nhiều đoạn trong thư bằng tiếng Pháp hơn là ông Nguyên Vũ, và những câu dịch cũng có khác bản lược dịch của ông Nguyên Vũ.[34]

Ông Nguyễn Đắc Xuân là một thí dụ điển hình của những người trong suốt 20 năm qua đã dùng lá thư Petrus Key này để công kích Petrus Ký và để kết luận là Petrus Ký đã làm “tay sai cho giặc”. Đối với các nhà nghiên cứu này, lá thư Petrus Key do tiến sĩ sử học Vũ Ngự Chiêu giới thiệu mặc nhiên được chấp nhận như là một sự thật.[35] Không một ai trong bọn họ nêu lên một câu hỏi nào về xuất xứ hay về nguyên văn của lá thư.

Và do đó, trong suốt 20 năm qua, kể từ khi ông Nguyên Vũ “công bố” lá thư Petrus Key cho đến nay, lá thư này đã được dùng như vũ khí số một để công kích Petrus Ký.

Như vậy, phải nhìn nhận rằng, với uy tín tiến sĩ sử học, cùng với bằng cấp tiến sĩ luật học ở Mỹ, và với cách trình bày tài liệu theo kiểu vừa thêm thắt vừa cắt xén như trên, ông Nguyên Vũ – Vũ Ngự Chiêu đã khá thành công trong việc tạo ra được một nghi vấn về cuộc đời cũng như về ý thức chính trị của Petrus Ký – khiến cho ngay cả những người ủng hộ Petrus Ký cũng phải tin rằng đó là sự thật.

Tuy vậy, nếu chỉ cần chịu khó bỏ thì giờ đọc cẩn thận những gì ông Nguyên Vũ tức sử gia Vũ Ngự Chiêu “công bố” từ năm 1997 đến nay, như người viết bài này đã trình bày bên trên, một người đọc bình thường không có thiên kiến, sẽ dễ dàng nhận ra những chi tiết đã được thêm thắt chung quanh lá thư, và từ đó sẽ đặt câu hỏi rằng có thể nào ông Petrus Ký là tác giả của lá thư Petrus Key hay không.

Từ chỗ đặt câu hỏi đó, người viết bài này đã đi đến bước kế tiếp là tìm cho ra bản chính lá thư Petrus Key. Vì chỉ với bản chính này, người viết mới có thể dùng nó để so sánh với nội dung bản dịch lá thư của ông Nguyên Vũ.

Nhưng trước khi đi vào nội dung lá thư Petrus Key, để hiểu rõ thêm vấn đề, và để đi đến kết luận có phải ông Petrus Ký là tác giả của lá thư đó hay không, người viết xin cung cấp một số dữ kiện lịch sử về nước An Nam, về xứ Nam Kỳ, và về ông Petrus Ký trong thời gian hậu bán thế kỷ 19, vào cuối thập niên 1850s.


[27] Trần Thạnh, Kỷ Niệm 180 Năm Ngày Sinh Trương Vĩnh Ký

https://petruskyaus.net/ky-niem-180-nam-ngay-sinh-truong-vinh-ky-tran-thanh/

[28] Hy vọng rằng đây không phải là do “lỗi kỹ thuật” của người đánh máy cho ông Nguyên Vũ đã quên không đánh đoạn: “và rồi, từ cuối tháng 3 năm 1859” ở trước đoạn “xung vào đoàn thông ngôn”, như lúc trước người đánh máy đã quên về vụ chính phủ Nguyễn Văn Thinh đặt tên cho trường Petrus Ký, đã được bàn đến trong ghi chú số 11 ở trên!

[29] http://lettresmodernes.univ-rouen.fr/wp-content/uploads/2013/11/secretaire_a_la_mode-exraits-2.pdf

[30] https://founders.archives.gov/documents/Jefferson/01-41-02-0343

[31] Như đã cho thấy trong phần nhập đề của bài viết này, những người đã tin tưởng vào ông Nguyên Vũ về lá thư Petrus Key gồm có cả những giáo sư và nhà nghiên cứu danh tiếng ở Việt Nam. Về phần những người ủng hộ ông Petrus Ký nhưng lại tin lá thư Petrus Key là của Petrus Ký, và cho lá thư vào trong tác phẩm của mình, gồm có ông Hoàng Lại Giang, “Trương Vĩnh Ký, Bi Kịch Muôn Đời” Nhà Xuất Bản Văn Hoá Và Thông Tin, 2001. Đây là những gì được viết trong cuốn tiểu thuyết này về lá thư Petrus Key: “Trong tâm trạng buồn lo, ông (Lefèbvre) bức xúc khuyên anh (Petrus Ký) viết thư cầu cứu viên đô đốc người Phangsa … Chính vào lúc ấy, lúc trái tim của anh tan nát, … anh đã tìm giấy, viết …. (lá thư Petrus Key) … Trong cơn phẫn uất tới tột cùng, không chỉ với anh mà với một bộ phận của đồng bào anh – của giáo dân An Nam, anh đã viết và viết như trút một nỗi đau khổ, như chia xẻ một lời cay đắng, như một tiếng kêu cứu, như một lời cầu nguyện! Anh không ngờ, anh không biết rằng anh đang rơi vào tội lỗi!” Ibid, pp. 293-294. Dù biết rằng đây chỉ là một cuốn tiểu thuyết, và tác giả chỉ là một nhà văn, nhưng rõ ràng tác giả đã đồng ý rằng chính Petrus Ký đã viết lá thư Petrus Key, và tác giả cũng kết luận luôn rằng Petrus Ký đã “rơi vào tội lỗi” khi viết lá thư trên. Nếu tác giả cuốn sách, ông Hoàng Lại Giang, một người đã nhận được rất nhiều kỳ vọng của những người ủng hộ Petrus Ký để viết một tác phẩm về ông, lại tin tưởng rằng lá thư Petrus Key là do Petrus Ký viết, một cách không cần phán xét như vậy, có thể nói rằng ông Nguyên Vũ đã rất thành công.

[32] https://petruskyaus.net/thu-nhan-xet-ve-tam-but-phe-phan-petrus-ky/

[33] Nguyễn Đắc Xuân, “Xuất Và Xử Trong Cuộc Đời Chính Trị Của Trương Vĩnh Ký”, Nam Bộ Với Triều Nguyễn Và Huế Xưa, Hồng Đức, pp. 110-116. Chú ý những chữ in đậm trên là của tác giả Nguyễn Đắc Xuân chứ không phải của người viết.

[34] Đồng thời, ông Nguyễn Đắc Xuân trình bày những chi tiết về Petrus Ký và lá thư Petrus Key sai lạc nhiều hơn ông Nguyên Vũ. Như các bạn đọc có thể thấy, trong phần người viết trích dẫn nguyên văn những gì ông Nguyễn Đắc Xuân viết bên trên, chỉ trong vài đoạn văn mà ông đã có rất nhiều lỗi lầm. Những chỗ sai lầm đó đã được người viết bài này trích lại nguyên văn và có thêm vào chữ (sic) kế bên để cho thấy ông Nguyễn Đắc Xuân đã viết sai y như vậy. Một thí dụ điển hình là ông Nguyễn Đắc Xuân không hiểu vì lý do nào lại có câu “tôi đến để tế lễ” (sic) bên trên, trong khi ý ông thì chắc là muốn nói rằng “tôi đến để kể lể”!

[35] Một nhà nghiên cứu khác ở Việt Nam, ông Cao Tự Thanh với bút hiệu “Tầm Dương”, đã viết như sau về Petrus Ký và lá thư Petrus Key: “Những lá thư của ông trong văn khố Pháp với chữ ký Pétrus (sic) Key mới được công bố cho thấy lúc ra cộng tác với Pháp năm 1859, giống như không ít giáo dân Thiên chúa, ông đã nhìn thấy ở sự thống trị của người Pháp sự “tự do” cho cộng đồng mình. Đây là một bi kịch của những người công giáo Việt Nam trong lịch sử – quyền tự do tín ngưỡng của họ chỉ được thừa nhận về mặt pháp lý khi đất nước đã rơi vào tay kẻ thống trị ngoại nhân, và một số giáo dân Thiên chúa Việt Nam đã rơi vào bi kịch tiếp tay cho quân xâm lược để sinh tồn nhưng lại sống còn trong tư thế của những kẻ phản quốc. Con đường từ giữ mạng đổi đời tới phản dân hại nước mà lịch sử đã tàn nhẫn vạch ra cho họ nói trên là một lộ trình tất yếu, và sự háo hức dấn thân của Trương Vĩnh Ký trên con đường bi thảm ấy là một điều có thể hiểu được dù rằng không phải đáng khen.” Cao Tự Thanh, “Trương Vĩnh Ký trong quá trình tái cấu trúc xã hội ở Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX”, September 23, 2015. Có thể xem ở đây: https://www.facebook.com/494634687283438/posts/tr%C6%B0%C6%A1ng-v%C4%A9nh-k%C3%BD-trong-qu%C3%A1/919872394759663/