KỶ NIỆM 180 NĂM NGÀY SINH TRƯƠNG VĨNH KÝ: THỬ TÌM HIỂU CÁI NHÌN MỚI TỪ VIỆT NAM

Trần Thạnh

Hinh petrus ky

Đã gần 120 năm từ ngày Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) ra đi “Tìm nơi thẩm phán để thừa khai” ¹ , nhưng cuộc đời của Ông vẫn là đề tài cho nhiều cuộc tranh luận, thậm chí có những ý kiến hoàn toàn trái chiều. Năm 2001 ², một buổi tọa đàm với chủ đề “Trương Vĩnh Ký với văn hoá” diễn ra tại Sài Gòn. Các bài tham luận sau đó được in lại trong quyểnThế kỷ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký.³  

Tác giả của các bài tham luận gồm nhiều thành phần: các nhà khoa bảng (Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Giáo sư Hoàng Như Mai, Phó Giáo sư Cao Xuân Hạo, vân vân), các nhà nghiên cứu, đặc biệt là hai nhà nghiên cứu Bằng Giang và Nguyễn Đình Đầu, người đã dành nhiều năm nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký. Có lẽ do cuộc đời phức tạp của Cụ Trương, tiếng nói của các tôn giáo khác nhau cũng là điều đáng chú ý. Về phía Công giáo Linh mục Trương Bá Cần góp tiếng nói. Phía Phật giáo có ý kiến sâu sắc của Minh Chi. Về nguồn gốc địa lý của các tác giả, có người sống cả đời ở miền Nam, có người đến từ miền Bắc.

Đáng chú ý là 16 trong số 17 bài tham luận được đăng trong sách đều có cái nhìn khách quan, đề cao những đóng góp to lớn trong lãnh vực văn hoá, đồng thời ghi nhận những hạn chế về mặt chính trị của Cụ Trương. Chỉ có duy nhất một bài tham luận lên án Trương Vĩnh Ký với lời lẽ gắt gao, như những ngôn từ của giới sử gia Hà Nội trong thập niên 60 của thế kỷ trước. Tác giả của bài viết này lại là một người từng tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Huế trong thập niên 1960.

Mở đầu tập sách là thư của cựu Thủ tướng Võ văn Kiệt gửi các nhà nghiên cứu tham dự hội thảo. Bức thư có tựa đề Cần một kết luận khoa học cho nhân vật Trương Vĩnh Ký”. Sau khi dè dặt ghi nhận sự thiếu hiểu biết của mình về nhân vật lịch sử này, Ông Võ văn Kiệt viết:

 “… nếu chỉ xét đơn thuần trên lĩnh vực văn hoá thì đây cũng là một nhà văn hoá lỗi lạc của thời kỳ đó và cho cả hôm nay, không chỉ của Việt Nam chúng ta mà còn là của thế giới. Trương Vĩnh Ký đã lựa chọn con đường riêng cho cuộc đời mình, mặt dù luôn tôn vinh những vị anh hùng dân tộc như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương. Ông cũng luôn coi Nguyễn Đình Chiểu là nhà văn hoá lớn của dân tộc. Tuy nhiên chính do sự lựa chọn con đường đi của Trương Vĩnh Ký coi như nghịch lý, đó là một trong những vấn đề gút mắc lớn nhất của Trương Vĩnh Ký Bi kịch muôn đời.4

Tôi hy vọng rằng các giáo sư, nhà nghiên cứu trong buổi Toạ đàm này trao đổi nhằm tìm được một tiếng nói chung, một kết luận mang tính khoa học cho nhân vật lịch sử Trương Vĩnh Ký. Nếu như còn lại những vấn đề chưa thống nhất được thì chúng ta có thể tổ chức một Hội thảo Khoa học trong thời gian sớm nhất.”

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ lần lượt điểm qua vài quan điểm nổi bật của các bài tham luận nêu trên.

Quan điểm đối lập duy nhất:

Trong bài Về hai thời điểm “xuất” và “xử” trong cuộc đời Trương Vĩnh Ký tác giả Nguyễn Đắc Xuân đánh giá Trương Vĩnh Ký là một siêu Việt gian làm tay sai cho Pháp, xứng đáng bị đời đời nguyền rủa. Hai trong số các lập luận đáng chú ý của tác giả là một tài liệu do Tiến sĩ Sử học Vũ Ngự Chiêu (Hoa Kỳ) sưu tầm và hai câu vè mà Nguyễn Đắc Xuân cho là của trí thức Huế đương thời khi Cụ Trương làm việc tại đó.

Tài liệu của Vũ Ngự Chiêu là một bức thư của một người ký tên là Pétrus Key 5 gửi cho “sếp lớn” của Hải quân Pháp tại Gia Định (chữ dùng của Nguyễn Đắc Xuân) để xin được phục vụ cho quân đội Pháp.6 Bức thư được lưu trữ tại thư viện Hải quân Pháp (Paris) và được Vũ Ngự Chiêu tìm thấy và công bố vào năm 1996. Đã có nhiều bài viết tranh cãi về bức thư này (có thể tìm đọc trên internet), chúng tôi không muốn đề cập lại ở đây. Chúng tôi chỉ nêu một nhận xét. Hình chụp bức thư trên internet, tuy không rõ ràng vì chữ quá nhỏ, nhưng cũng cho thấy bức thư không đề ngày. Tuy nhiên tác giả Vũ Ngự Chiêu khẳng định thư được viết vào tháng 3 năm 1859 và Nguyễn Đắc Xuân dẫn chứng lại y như vậy.

Lập luận đáng chú ý thứ hai trong bài tham luận của Nguyễn Đắc Xuân là hai câu vè mà ông cho là của giới trí thức Huế, đánh giá bộ mặt giả nhân giả nghĩa của Trương (chữ dùng của Nguyễn Đắc Xuân)

Gia Hội kiều đầu song ẩn sĩ

Đông ba quách ngoại kỷ thanh lâu.

Diễn Nôm là

Đầu cầu Gia Hội “đôi trò núp”

Ngoài cửa Đông Ba mấy mụ trùm.

Ý hai câu vè này muốn so sánh Cụ Trương (và một ẩn sĩ khác là Nguyễn văn Tạo) với hình ảnh không đẹp về người phụ nữ. Nguyễn Đắc Xuân cho biết hai câu trên được trích từ Tạp chí Sông Hương số 28 ra ngày 20 tháng 2 năm 1937, nhưng không cho biết tựa và tác giả của bài viết. Chúng tôi không có điều kiện để kiểm chứng chi tiết này.7

Hai câu vè trên làm chúng tôi nhớ đến câu vè khác từng được giới sử học miền Bắc vào thập niên 1960 (bắt đầu từ “sử quan”8 Trần Huy Liệu) cho là của người dân Nam kỳ dùng để phê phán hai đại thần Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp: “Phan Lâm mãi quốc triều đình khí dân”. Các nhà viết sử này đã dùng câu vè trên bênh vực cho nhãn quan của họ khi lên án Cụ Phan. Năm 1997, Giáo sư Sử học Phan Huy Lê (một học trò của Trần Huy Liệu) cho là cần phải xem xét lại xuất xứ của câu vè trên.9

Ý kiến của chúng tôi là các nhà nghiên cứu phải rất thận trọng trong việc sử dụng tài liệu “dân gian” để giúp cho lập luận của mình. Các tài liệu như vậy dễ bị nguỵ tạo để phục vụ cho một mục tiêu chính trị nào đó.

Quan điểm chung xem Trương Vĩnh Ký là một nhà Bác ngữ học có công, với những hạn chế về chính trị:

Ý kiến chung trong 16 bài tham luận còn lại đề cao những đóng góp to lớn của Ông đối với văn hoá nước nhà, đồng thời ghi nhận những hạn chế trong cuộc đời hoạt động chính trị của Ông. Các tác giả này cũng nhận định các đánh giá xưa nay về Trương Vĩnh Ký thiếu khách quan khoa học, đánh giá một nhân vật lịch sử mà không gắn với thời đại lịch sử trong đó người ấy sống và hành động, lại suy diễn chủ quan, có lúc bóp méo sự thật.10

Có thể tóm tắt một vài nhận định chính trong các bài tham luận như sau:

  1. Ý kiến giải thích vì sao Trương Vĩnh Ký cộng tác với Pháp.

Các tác giả chú ý đến thời đại lịch sử mà Cụ Trương sinh sống để hiểu được hành động của Ông. Triều đình Huế lúc đó bài đạo Công giáo gắt gao, giết hại nhiều giáo dân. Theo Giáo sư Đinh Xuân Lâm (trang 14, sách đã dẫn) bản thân Trương Vĩnh Ký cũng đã chạy thoát chết trong vụ vây bắt ở Cái Mơn và Cái Nhum trong đêm 9.12.1858, sau khi mới từ Penang về chịu tang mẹ. Tuy nhiên tác giả này không đưa ra dẫn chứng cụ thể về biến cố này. Bài viết của Linh mục Trương Bá Cần làm sáng tỏ biến cố đó, biến cố đã được Trương Vĩnh Ký ghi lại trong bức thư bằng tiếng La tinh dài 11 trang, đề ngày 4.2.1859 gửi đồng liêu ở chủng viện Penang. Bức thư này do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sao chụp năm 1995 tại Kho Lưu trữ Hội truyền giáo nước ngoài (tại Paris) và công bố ngày 24.10.1998 tại Sài Gòn. Vì không có trong tay một bản chụp của bức thư nói trên, chúng tôi chỉ ghi lại nơi đây vài đoạn đã được trích dẫn trong bài tham luận của Linh mục Trương Bá Cần:

           Từ khi hạm đội Pháp tới Đà Nẵng (ngày 31-8-1858) đối với các Kitô hữu mà người ta phải đem đến sự cứu giúp, thì phương dược lại còn tệ hơn bệnh tật. Họ bị phân tán và phân tháp; họ trốn vào những chỗ hoang vắng và không hề được nghỉ ngơi. Người ta làm cho họ trở nên như những con cừu non không có đồng cỏ để ăn. Nhà thờ bị triệt hạ; các linh mục và các chủng sinh bị giam tù (…). Trong các làng mạc, ở cửa các đô thị và những nơi phải qua lại, người ta đặt các điếm canh để biết ai là Công giáo do thái độ tôn trọng hay chà đạp Thánh giá.

            … Do đó, sự hoảng sợ bao trùm khắp nơi và sự lo lắng làm mọi người bận tâm, chúng tôi chỉ còn sống nhờ hy vọng: bên ngoài là súng đạn, bên trong là sợ hãi. Cả vương quốc sôi sục chống Pháp và hà khắc với Công giáo.

Bức thư cũng chứa đựng chút lạc quan hy vọng của một người tin vào tín ngưỡng của mình:

            Nếu tôi không lầm, thì đã đến lúc Chúa muốn ban sự bằng an cho Giáo hội Annam là một giáo hội cho đến nay tràn trề máu hồng của các chứng nhân (martyrs). Nay Giáo hội đã được sống lại, đang trổ hoa, trổ lá (…). Có lẽ Thiên Chúa muốn trì hoãn và đặt chúng tôi trong tình trạng này, để sự an bằng hằng ao ước đến với chúng tôi quý giá hơn và cũng để đánh tan sự kiêu ngạo của những kẻ tin tưởng ở vũ khí hơn là ở sự quan phòng của Thiên Chúa. Thực vậy, họ nghĩ là vũ khí và cả ý Chúa đang đến với chúng tôi. Về phần tôi, tôi chờ đợi, trong thinh lặng và bất ổn, kết quả của các biến cố. Quả thực tôi tin là không ai có thể chống lại ý Chúa. Nếu Chúa ra tay, thì ai ngăn cản được? (Những chữ in đậm là do tác giả bài viết này muốn nhấn mạnh.)

Riêng về bản thân mình, Trương Vĩnh Ký đã viết trong bức thư:

            “Chúng tôi chạy trốn, cha Quyền Đại diện Tông toà (tức thừa sai Borelle đang ở Cái Mơn) và tôi, chạy trốn vào rừng. (Trang 76 trong sách đã dẫn.)

Cần giải thích thêm, Nguyễn Đình Đầu là một nhà nghiên cứu nổi tiếng về địa lý và lịch sử, đã bỏ nhiều công nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký. Ông cất công sang tận Pháp, vào lục lọi ở các thư viện, về tận Chaumont thuộc miền trung đông nước Pháp, là quê hương của Linh mục Charles Emile Bouillevaux (Cố Long), người chăm sóc sự học của Trương Vĩnh Ký từ lúc 11 tuổi.

Sẽ rất lý thú nếu chúng ta có dịp so sánh hai bức thư do Vũ Ngự Chiêu và Nguyễn Đình Đầu tìm thấy. Có thể so sánh tự dạng, văn phong và chữ ký trong hai bức thư. Điều đáng chú ý là bức thư viết cho bạn đồng liêu ở Penang có ngày tháng, trong khi bức thư gửi cho Jauréguiberry để xin việc thì lại không đề ngày.

  1. Ý kiến xem Trương Vĩnh Ký là người yêu nước, có tinh thần dân tộc, không vì cộng tác với Pháp mà khuất thân làm theo chỉ thị của Pháp.

Đây là nhận định của nhiều tác giả, trong đó có Đinh Xuân Lâm, Bằng Giang, Nguyễn văn Châu, Trương Bá Cần, Hoàng Như Mai, Nguyễn Đình Đầu. Các tác giả này đồng ý trên các điểm sau:

  • Tuy cộng tác với Pháp, Trương Vĩnh Ký không làm điều ác hại đối với dân lành, không lợi dụng chức vị của mình để làm giàu như nhiều người khác, trong đó có Trần Bá Lộc (Tổng Đốc Lộc), Trần Tử Ca (Đốc Phủ Ca), Đỗ Hữu Phương (Tổng Đốc Phương).
  • Trừ một vài năm đầu từ 1858 làm thông ngôn, suốt thời gian còn lại cho đến ngày mất, Trương Vĩnh Ký tập trung vào giáo dục và văn hoá, không trực tiếp tham gia việc hành chánh với dân. Dụng ý của Ông là làm trung gian cho hai dân tộc, để họ có thể hiểu nhau và cùng hợp tác. Các bài tham luận cũng ghi nhận đây là ảo tưởng chính trị của Trương Vĩnh Ký.
  • Các công trình biên soạn của Trương Vĩnh Ký là đóng góp to lớn của Ông đối với nền văn hoá nước nhà, khẳng định địa vị của Ông trên trường quốc tế.
  • Đại đa số giới trí thức và bình dân Nam kỳ coi trọng công lao văn hoá của Cụ Trương. Sau khi Ông mất Nam Kỳ Nhựt Báo dành trọn 5 số đăng bài viết, thơ, điếu về Ông.11, 12

Đặc biệt nhà nghiên cứu Bằng Giang (một nhà giáo âm thầm làm công việc giảng dạy và nghiên cứu cho đến cuối đời) đưa ra các nhận định như sau:

  • Sự nghiệp văn hóa của Trương Vĩnh Ký đồ sộ được giới học thuật đánh giá rất cao. Chính sự đồ sộ và đa dạng đã khiến tác phẩm của Ông bị “gây nhiễu”, gây khó khăn cho việc sưu tra đúng số lượng tác phẩm của Ông là bao nhiêu.13
  • Bằng Giang cũng phê phán việc đưa “sáng tác” vào việc nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký, làm ô nhiễm môi trường. Một ví dụ Ông đưa ra là có bài nghiên cứu viết Trương Vĩnh Ký từng dạy ở trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký ở Sài Gòn!
  • Theo Bằng Giang, thái độ cộng tác với Pháp của Cụ Trương là thái độ không thắng được họ thì phải sống chung với họ, tay nắm tay, dựa vào sự dìu dắt của họ để tiến bước cho đến lúc đủ sức sánh vai cùng họ và hoà nhập với thế giới (trang 27). Đó là đi với họ mà không theo họ.
  • Theo Bằng Giang, giải pháp mà Cụ Trương chọn lựa là giải pháp phi truyền thống của một trí thức mới, một giải pháp lâu dài có nét đặc trưng của cái trí. Cũng theo tác giả, sự thành công của giải pháp này tuỳ thuộc vào sự thành tâm của phía Pháp, và đó chính là sai lầm của Trương Vĩnh Ký. Theo giải pháp “truyền thống” (đứng lên võ trang chống lại quân Pháp), có thất bại cũng được tiếng anh hùng, còn theo giải pháp “phi truyền thống” mà không thành công thì bị coi là có tội.14
  1. Cái nhìn của một người Phật giáo:

Bài tham luận Nhân vật Trương Vĩnh Ký nhìn theo góc độ Phật giáo” của tác giả Minh Chi có nhiều điều lý thú. Có thể tóm lược các luận điểm trong bài tham luận này như sau:

  • Quan điểm của Phật giáo về con người và các nhân vật:
    • Mỗi con người nói chung đều có Phật tánh tức là khả năng giác ngộ và giải thoát;
    • Đối với từng con người cụ thể, Phật giáo có cái nhìn uyển chuyển: con người không chỉ là “tổng hoà các mối quan hệ xã hội mà còn là sản phẩm do bản thân anh ta tạo ra, bằng tất cả những hành vi có dụng ý từ nhiều đời nhiều kiếp. [Ở đây tác giả Minh Chi đã khéo léo đưa ý kiến chỉ trích một luận điểm trong “Luận cương về Feuerbach” (Theses on Feuerbach)15 của Karl Marx “Feuerbach hoà tan bản chất tôn giáo vào bản chất con người. Nhưng bản chất con người không phải là một cái gì trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội (Feuerbach resolves the essence of religion into the essence of man. But the essence of man is no abstraction inherent in each single individual. In reality, it is the ensemble of the social relations). Câu trích dẫn này thường được lặp lại trong các giáo trình về Duy vật biện chứng (Dialectical materialism) được giảng dạy tại Việt Nam.]
    • Phật giáo nhìn con người trong sự phát triển qua các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, với những bối cảnh lịch sử và quá trình tư tưởng chín muồi khác nhau. Nói khác đi, phải đặt nhân vật trong bối cảnh gia đình và xã hội cụ thể nhất định, trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời.
    • Phật giáo tránh lối nhận thức một chiều, đã khen thì đưa tận mây xanh, đã chê thì vùi dập xuống tận bùn đen. Thái độ như vậy theo tác giả Minh Chi là thiếu khách quan khoa học, thiếu công bằng lịch sử, mà lịch sử thì công bằng.
    • Cũng theo Minh Chi, cần nhận định công việc làm của nhân vật qua kết quả đối với xã hội, đất nước (tác giả bài này nhấn mạnh). Phải thận trọng trong việc xét đoán nội dung tư tưởng của nhân vật, vì tâm lý con người rất phức tạp, chịu ảnh hưởng bởi hành động của họ trong nhiều cuộc đời.
  • Áp dụng quan điểm của Phật giáo, tác giả Minh Chi nhận định về Trương Vĩnh Ký như sau:
    • Phật tánh ở Trương Vĩnh Ký, cụ thể là hoài bão và khả năng giải thoát và giác ngộ cho tự thân, bộc lộ rõ nét từ khi còn nhỏ tuổi. Từ 11 tuổi Ông đã thông thạo Tứ thư, Ngũ kinh, sau đó khi học ở chủng viện Penang Ông đã thông thạo đến hơn 20 thứ tiếng. Xin trích nguyên văn từ tham luận của Minh Chi Nếu nói như Lênin, biết thêm một thứ tiếng là sống thêm một cuộc đời, thì đời Trương Vĩnh Ký nếu đo bằng độ dày kiến thức, phải tính không phải bằng trăm năm như người bình thường mà tính bằng cả nghìn năm”.
    • Tác giả cũng nhận xét về diễn biến tư tưởng của Cụ Trương. Sau khi đi Pháp, được tiếp xúc với giới trí thức tiến bộ Pháp lúc bấy giờ là Renan, Littré, Victor Hugo, tiêm nhiễm tinh thần bác ái phụng sự quần chúng bình dân và người nghèo khổ của chúa Jesus, đồng thời thấy được mặt tiêu cực của Thiên Chúa Giáo La Mã (là một thiết chế quyền lực), Trương Vĩnh Ký đã tuyên bố công khai:Người An Nam đâu có thù ghét đạo Công giáo. Họ chỉ bất bình và phản đối những hành vi qúa mức của một số linh mục, dựa vào sự che chở của quân đội Pháp và chính quyền Pháp, để tiếp tục thi hành những việc bạo ngược. Bởi xét cho kỹ, Công giáo và Phật chẳng khác nhau bao nhiêu. (trang 52).Tuy nhiên tác giả Minh Chi không cho biết câu nói trên của Trương Vĩnh Ký được trích dẫn từ đâu.
    • Minh Chi cho rằng không nên so sánh Trương Vĩnh Ký với Thủ Khoa Huân, Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu, vì như vậy là bất công và khập khiễng. Ông đánh giá kết quả công việc Cụ Trương đã làm đối với xã hội như sau:
      • Cụ đã giới thiệu nền văn hoá và văn minh Âu Tây cho người Việt, đồng thời cũng giới thiệu những cái hay đẹp của nền văn hoá Việt Nam cho Pháp;
      • Cụ đã giúp người Việt hiểu hơn về đất nước và văn hoá truyền thống của mình qua việc sử dụng rộng rãi chữ Quốc ngữ.
    • Cuối cùng, tác giả Minh Chi đặt vấn đề cần phải dùng ngôn từ đúng mức khi phê phán nhân vật Trương Vĩnh Ký. Ông cũng đưa ra lời khuyên cho người Phật tử:
      • Nói thật với mình và với người, không nói dối;
      • Không nói ác, đao to búa lớn. Phê phán tội lỗi với lời lẽ hiền hoà, từ tốn, đúng mức;
      • Không nói lời chia rẽ mà nói lời hoà hợp, nhất là khi nhận định về một nhân vật tầm cỡ như Trương Vĩnh Ký, thuộc tôn giáo bạn (Kitô giáo), người Phật tử càng phải thận trọng.

bar_divider

Các bài tham luận được trình bày trong Thế kỷ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký cho chúng ta một nhận xét là từ gần 20 năm qua, đại đa số các nhà nghiên cứu sử ở Việt Nam đã có cái nhìn khách quan và công bằng hơn về Trương Vĩnh Ký. Tuy nhiên có vẻ như những người nắm quyền lực chính trị vẫn chưa có cái nhìn thống nhất về nhân vật lịch sử này. Tháng 1 năm 2017, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu có ý định ra mắt tại Sài Gòn quyển sách Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ”. Quyển sách đã được Cục Xuất bản cấp giấy phép. Đáng tiếc là vào phút cuối buổi ra mắt sách đã bị huỷ theo “một chỉ thị miệng”, và báo chí bị cấm đưa tin về cuốn sách này.16

Trương Vĩnh Ký mãi mãi vẫn là một nhân vật lịch sử mà tầm vóc thế giới của Ông đã khiến những người lãnh đạo cộng sản hiện nay dù muốn phủ nhận Ông cũng phải dè dặt với “chỉ thị miệng” mà không dám có một văn bản cấm đoán chính thức.

Ứng Hoè Nguyễn văn Tố, một trí thức uyên bác (một trong hai người Việt Nam được các nhà trí thức Pháp đầu thế kỷ 20 xem là érudit: Trương Vĩnh Ký và Nguyễn văn Tố), đã kết thúc bài nói chuyện của mình tại Hội Trí Tri năm 1937 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Trương Vĩnh Ký bằng đánh giá sau đây: Cuộc đời của Ông có thể được tóm lược bằng ba chữ: Bác học, Tâm thuật và Khiêm tốn (… cette vie que l’on peut résumer en trois mots: science, conscience et modestie).17

Sydney tháng 2 năm 2017

Trần Thạnh


1 Hai câu cuối trong bài thơ Đường luật của Trương Vĩnh Ký, được xem như lời tuyệt mệnh Ông gửi lại cho đời: Cuốn sổ bình sanh công với tội, Tìm nơi thẩm phán để thừa khai”.

2 Tài liệu mà tác giả bài viết này có trong tay là quyển Thế kỷ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký do Nhà Xuất bản Hồng Đức liên doanh với Tạp Chí Xưa và Nay in năm 2013 (tái bản lần thứ 3, in 500 cuốn). Toàn bộ quyển sách không cho biết buổi toạ đàm được diễn ra ở đâu, trong thời gian nào. Nhưng trang mạng                         http://www.caimon.org/Suutam/TVK_CM/tcbtdam.htm cho biết buổi toạ đàm diễn ra ngày 31/1/2001 tại hội trường Quận 5 số 207 An Dương Vương (Sài Gòn?). Chúng tôi ghi lại đây với tất cả sự dè dặt.

3 Dường như có một sai sót khi cuối Lời Giới Thiệu ghi Lời giới thiệu của bản in lần thứ 1, năm 2008. Vì theo trang mạng worldcat.org quyển này được in năm 2002, hiện còn lưu giữ tại một số thư viện lớn trên thế giới. Trang openlibrary.org lại cho biết có một bản in năm 2006. Rất tiếc tất cả những chi tiết này đều không được ghi rõ trong quyển tái bản năm 2013. Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21. Thật đáng tiếc nếu 100 năm sau con cháu của chúng ta lại sẽ đi tìm trong “sương mù” các dữ kiện liên quan đến cuộc hội thảo này, như tác giả Bằng Giang đã phải đối diện khi Ông bỏ công đi tìm các tác phẩm của Trương Vĩnh Ký viết và xuất bản từ cuối thế kỷ 19, và ghi lại trong tác phẩm Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký”.

4 Trương Vĩnh Ký – Bi kịch muôn đời là tựa một quyển sách của tác giả Hoàng Lại Giang.

5 Petrus, tên thánh của Cụ Trương Vĩnh Ký, là tiếng La Tinh nên không có dấu sắc, dù vẫn phát âm như Pétrus. Chú ý đây là tên thánh của Cụ, không phải tên Tây, vì Cụ không vào dân Tây. Cách viết này đã được một người cháu cố của Cụ hiện còn sinh sống tại Sài Gòn xác nhận với chúng tôi vào năm 2005. Trên bia mộ của Cụ ở góc đường Trần Hưng Đạo – Trần Bình Trọng Sài Gòn cũng ghi rõ như vậy. Tuy nhiên ở đây chúng tôi giữ nguyên cách viết của Nguyễn Đắc Xuân (và Vũ Ngự Chiêu) là Pétrus Key.

6 Cá nhân tôi (tác giả bài viết này) vào năm 2009 có gửi một email cho Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu (hiện sinh sống tại Hoa Kỳ) để xin một bản chụp của bức thư ký tên Pétrus Key dễ đọc hơn bản được lưu hành hiện nay trên internet, vì tôi có nhận xét là chữ viết trên bức thư ký tên Pétrus Key không giống bút tích của Petrus Ký sau này. Hơn nữa là một người làm nghiên cứu, tôi có thói quen sử dụng tài liệu gốc để tránh bị “nhiễu”. Vũ Ngự Chiêu đã từ chối lời yêu cầu của chúng tôi với lý do ông là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, bị ràng buộc bởi moral obligations (nguyên văn của ông) không thể phổ biến tài liệu ra ngoài giới nghiên cứu sử học. Tôi tuy làm công việc nghiên cứu và giảng dạy tại một trường đại học của Úc, nhưng không chuyên về sử học và chưa hề được nghe về cái moral obligations này trong lãnh vực nghiên cứu của mình.

7 Cần lưu ý là hai câu vè trên không nêu tên của “song ẩn sĩ”. Không rõ dựa vào đâu Nguyễn Đắc Xuân kết luận “song ẩn sĩ” này là Trương Vĩnh Ký và Nguyễn văn Tạo.

8 Chúng tôi dùng chữ “sử quan” vì thiết nghĩ Trần Huy Liệu thiếu sự khách quan trung thực của một sử gia mà tỏ ra là một quan chức, một nhà tuyên truyền cho mục tiêu chính trị của đảng phái, bất chấp sự thật lịch sử. Ông chính là “tác giả” của “nhân vật anh hùng trẻ tuổi” (không có thật) Lê văn Tám. Nhưng vì tôn trọng người thuộc thế hệ trước, tôi không thể dùng chữ nào khác hơn. Chữ “sử” trong Hán tự được viết là 史 bao gồm chữ “trung” nghĩa là ngay thẳng, không thiên vị.

9 Phan Huy Lê, Phan Thanh Giản con người, sự nghiệp và bi kịch lịch sử, Tạp chí Xưa và Nay số IX-1997, trang 15.

10 Thế kỷ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký, trang 9, 11.

11 Tác giả bài viết này nhận xét là Cụ Đồ Chiểu, người sống cùng thời với Cụ Trương và là người nổi tiếng với ngòi bút “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, không hề có một nhận định xấu nào về Cụ Trương.

12 Đám tang của Trương Vĩnh Ký thể hiện rõ nhất tình cảm của người dân Nam kỳ lúc đó dành cho Ông. Henry Cordier viết trong Nécrologie: Petrus Trương Vĩnh Ký (tạp chí T’oung Pao, Second Series, Vol. 1, No. 3,1900, pp. 261-268) là báo Le Courrier de Saigon số ra ngày Thứ Tư 7 tháng 9 năm 1898 (một ngày sau khi Petrus Ký mất) có bài tường thuật về đám tang của Ông. Theo Cordier, rất đông người bản xứ và những đại biểu chính phủ khắp mọi nẻo của Nam Kỳ đã đến viếng tang.

Rất tiếc tuy đã cố gắng truy tìm, chúng tôi cũng chưa tìm được số báo Le Courier de Saigon nói trên để xem tờ báo tường thuật như thế nào về tình cảm của người dân Nam Kỳ trước cái chết của Cụ Trương. Xin xem thêm bài T’oung Pao và Ai Từ về Petrus Trương Vĩnh Ký của Trần Thạnh trên Đặc San 8 của Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Úc Châu phát hành năm 2013, có đăng lại trên trang mạng của Hội https://petruskyaus.net/dac-san-8/

13 Xem Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký của Bằng Giang, Nhà Xuất bản Văn học, 1994, 313 trang.

14 Luận bàn thêm về phân tích này của Bằng Giang:

1) Chủ trương của Phan Chu Trinh (Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh) có thể được xếp vào loại giải pháp phi truyền thống chăng?

2) Giải pháp truyền thống võ trang chống Pháp có thể được phân làm hai loại: tự lực và dựa vào thế lực nước ngoài. Các phong trào khởi nghĩa (Trương Định, Thủ Khoa Huân, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, vân vân) là tự lực và đã thất bại. Việc dựa vào nước ngoài (Liên Xô và Trung quốc) và chủ thuyết cộng sản đã đưa đảng Cộng sản Việt Nam đến thành công. Nhưng hệ quả là một học thuyết ngoại lai được du nhập vào Việt Nam đưa đến tình trạng xã hội như hiện nay, đất nước chịu trong vòng kiềm toả của Trung quốc.

Lịch sử cần công minh khi đánh giá các giải pháp truyền thống và phi truyền thống này.

15 Ludwig Andreas Feuerbach (1804 – 1872) là nhà triết học Đức.

16 BBC tiếng Việt 10.01.2017: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38561438

17 Nguyễn-văn-Tố, Petrus Ký (1837 – 1898), Bulletin de la Société d’enseignement mutuel du Tonkin, Tome XVII, No 1-2, Janvier – Juin 1937, Pages 25 – 67, Imprimerie Tân Dân, Hà Nội 1937.