KỶ NIỆM VỀ MỘT NGƯỜI BẠN

Lê Nguyễn (nguồn: Lê Nguyễn Facebook)


Lời chú thích của Ban Biên Tập: Tác giả Lê Nguyễn không phải là cựu học sinh hay cựu giáo sư của trường Petrus Ký. Chúng tôi chọn đăng bài này vì bài có nhiều chi tiết thú vị về Thầy Nguyễn Minh Nhựt trong giai đoạn Thầy làm Hiệu Trưởng ở Côn Đảo, là giai đoạn mà Lê Nguyễn biết rõ nhất. Về mối quan hệ của Thầy Nguyễn Minh Nhựt với nhân vật X sau ngày 30/4/1975 và lý do Thầy rời trường Petrus Ký, xin quý độc giả xem thêm bài:

Thầy Nguyễn Minh Nhựt – Vưu Văn Tâm 

để có thêm nguồn thông tin khác. Theo ý kiến của BBT, rất có thể tác giả Lê Nguyễn đã có sai sót, theo như ông nhìn nhận trong bài. Xin nhường sự phán đoán cho độc giả sau khi đọc hết cả hai bài.


GS Nguyen Minh Nhut

Giáo sư Nguyễn Minh Nhựt

Tôi ra làm việc tại Côn Đảo vào cuối năm 1970 thì Nguyễn Minh Nhựt đã có mặt ở đảo rồi. Anh là giáo sư trung học đệ nhị cấp, đang giữ chức vụ Hiệu trưởng trường trung học trên đảo.
Chúng tôi cùng tuổi nhau, khi ấy còn rất trẻ (26-27 tuổi), nên tuy về mặt hệ cấp hành chánh, Nhựt là cấp dưới của tôi, song trong quan hệ ngoài công vụ, chúng tôi sớm trở thành hai người bạn thân thiết. Trong thời gian này, tôi say mê đọc, ghi chép lại nhiều tư liệu của gần 50 năm công báo Pháp (Bulletin officiel de la Cochinchine française), từ năm 1862 đến năm 1910, do chính quyền Pháp lưu trữ và để lại cho chính quyền Việt Nam trên đảo, còn Nhựt thì miệt mài viết luận văn Cao học sử (thuộc trường Đại học Văn khoa Sài Gòn) với đề tài “Lịch sử chế độ lao tù tại Côn Đảo”. Người hướng dẫn anh trong luận văn này là giáo sư Nguyễn Thế Anh, một cây “cổ thụ” về sử học tại miền Nam trước 1975, về sau làm giám đốc tại Trung tâm Khảo cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), một cơ sở khoa học lừng danh chẳng những của Pháp, mà còn của cả châu Âu.
Ngày ấy tuy là Hiệu trưởng trung học, nhưng tánh Nhựt rất trẻ trung, đôi khi có phần … bạt mạng. Anh đeo một tay chiếc lắc bạc, tay kia chiếc đồng hồ, áo sơ mi dài tay xắn lên, phủ ngoài quần, cặp kính cận khá nặng, thường ghé lại văn phòng của tôi trên chiếc xe “cuộc” (course, xe đạp đua), trông như một anh sinh viên trên đường phố Sài Gòn. Gặp nhau, chúng tôi nói với nhau về những tờ công báo Pháp, về luận văn cao học của anh, và nhiều chuyện trên trời dưới đất khác.
Có lần Nhựt kể với tôi về sự “khó tính” của giáo sư Anh, “soi” từng chi tiết trong bản thảo luận văn của anh. Tất nhiên Nhựt và tôi cùng đồng ý rằng sự “khó tính” đó là đức tính cần thiết của nhà khoa học. Vì thế, nhiều năm trước khi được Nhựt tặng quyển luận văn này sau 45 năm chia cách, tôi vẫn tin rằng đây là tài liệu viết về chế độ lao tù Côn Đảo khoa học và khả tín nhất.
Khoảng giữa năm 1971, hãng thầu Mỹ RMK vừa làm xong con đường lên núi Chúa ở Côn Đảo thì cũng hết hạn hợp đồng với chính phủ Mỹ và chuẩn bị rút khỏi đảo. Theo thỏa thuận giữa hai bên Việt-Mỹ lúc bấy giờ, phần lớn vật tư xây dựng của RMK trên toàn miền Nam được bàn giao lại cho Bộ Công chánh VNCH. Chúng tôi nhân cơ hội này, xin với chính quyền trung ương (Phủ Thủ tướng, Bộ Công chánh, Bộ Nội vụ) được giữ lại số tài sản của RMK để đáp ứng các nhu cầu xây dựng trên đảo. Về phần hãng RMK, họ cũng muốn thế, để khỏi kéo hàng trăm tấn thiết bị về giao tại Sài Gòn.
Đề nghị của đảo được chấp thuận, ngoài số xe cộ, máy xúc, máy ủi, máy xay đá, chúng tôi bất ngờ với số vật liệu xây dựng (xi-măng, cát, đá, gạch, cây gỗ) còn rất nhiều. Thế là trong một buổi nói chuyện khào, cả ông chúa đảo (Đặc phái viên hành chánh) Cao Minh Tiếp và người phụ tá của ông là tôi có chung một ý nghĩ: sử dụng số vật liệu “chùa” này xây thêm cho trường trung học Côn Sơn 2 phòng học mới.
Mọi phương tiện đều sẵn có, nói là làm ngay. Chỉ sau mấy tháng, hai phòng học khang trang đã hoàn thành. Tất nhiên, một trong những người vui nhất là Nhựt, hiệu trưởng của trường. Và anh đã âm thầm làm một việc mà cả ông chúa đảo Cao Minh Tiếp và tôi đều không hay biết. Đó là anh gửi công văn về Bộ Văn hóa-Giáo dục và Thanh niên đề nghị ân thưởng cho hai chúng tôi huy chương Văn hóa –Giáo dục bội tinh và xin tổ chức lễ khánh thành hai phòng học dưới sự chủ tọa của ông Tổng trưởng Ngô Khắc Tỉnh!
Buổi lễ khánh thành và trao gắn huy chương đã diễn ra đơn sơ nhưng đậm nghĩa tình. Chúng tôi vui không phải vì tấm huy chương, mà vì mình đã làm được một việc thiết thực cho đảo.
Giữa năm 1972, cả ông Tiếp và tôi, người trước người sau, chỉ cách nhau 15 ngày, rời Côn Đảo. Ông Tiếp được thăng Đại tá, về làm Giám đốc Nha Cải Huấn Bộ Nội vụ, tôi về tỉnh Bình Dương theo nguyện vọng.

***

Sau năm 1975, tôi đi xa nhà 7 năm, khi trở về thì vật đổi sao dời, bạn bè tứ tán khắp nơi, có người đang xây dựng cuộc sống mới trên xứ người, có người đã làm mồi cho cá biển, người còn ở lại đất nước thì vất vưởng bên lề cuộc sống. Nhớ đến Nhựt, tôi cũng không biết tìm bạn ở đâu.
Mãi đến tháng 10.2017, tình cờ qua vài người bạn Facebook từng là học trò của Nhựt, tôi nối lại liên lạc với anh sau 45 năm bặt tin nhau. Lúc ấy (và cho đến bây giờ), anh sống trong một căn nhà cho thuê ở Long Hải (Vũng Tàu), bản thân anh không có smartphone, không có internet. Chúng tôi nói chuyện với nhau qua đường điện thoại liên tỉnh vào một đêm nọ, câu chuyện dông dài giúp tôi nắm được nhiều điều về bạn mình sau bao nhiêu thăng trầm dâu biển.
Theo lời kể của Nhựt, điều đáng tiếc nhất của anh là đầu năm 1975, anh được một học bổng nghiên cứu tại Pháp, trong lúc các thủ tục chưa hoàn tất thì xảy ra sự kiện ngày 30.4.1975, chương trình bị gãy đổ, tổ chức ở Pháp không chờ được, đã chuyển học bổng của anh cho người khác.
Nhựt cũng kể rằng trong thời gian anh làm hiệu trưởng ở Côn Đảo, cũng như nhiều cơ quan chính quyền khác, trường anh sử dụng một số phạm nhân có trình độ văn hóa làm công tác văn phòng. Trong số này, có một anh phạm nhân chính trị, tạm gọi là anh X, được Nhựt tin dùng.
Khoảng tháng 9-10 năm 1972, tức khoảng 3-4 tháng sau khi tôi rời Côn Đảo, Nhựt cũng xin đổi về đất liền, dạy tại trường trung học PK. Một vài người bạn FB của tôi học anh trong thời gian này.
Sau ngày 30.4.1975, anh phạm nhân X làm việc ngày nào với Nhựt tại trường trung học Côn Sơn – tất nhiên – không còn là phạm nhân nữa. Song điều oái oăm là X lại được cử làm hiệu trưởng trường PK, nơi Nhựt đang dạy. Mối quan hệ đảo ngược không còn được êm đẹp như ngày nào, Nhựt xin chuyển trường, về dạy tại trường TKN. Định mệnh trêu ngươi, không lâu sau, ông X lại chuyển sang làm hiệu trưởng trường TKN!
Không rõ bao lâu sau những tình huống cười ra nước mắt ấy, Nhựt chạy khỏi trường TKN, không tìm thêm trường khác mà tìm đường vượt biên nhiều lần và sự thất bại trong những toan tính này khiến anh tán gia bại sản.
Những chuyện trên tôi nghe Nhựt kể chỉ một lần, lại qua đường điện thoại, nếu có sai sót, mong chị Nhựt và các học trò cũ của anh bổ sung, đính chánh cho.
Những năm gần đây, anh và gia đình ở nhà thuê, sống heo hút ở miền đất Long Hải (Vũng Tàu) và đôi khi đắp đổi phần nào cuộc sống vật chất bằng hảo tâm của những người học trò cũ, nay cũng đã trên 60, vẫn còn giữ vững trong tâm khảm tình nghĩa thầy trò. Một thứ tình sư đệ quý hiếm trong cuộc sống lắm lọc lừa này.
Chính một người học trò của anh báo cho tôi hay tin anh qua đời đột ngột vào sáng sớm ngày 30.3.2020. Bốn giờ rưởi sáng, anh đạp xe ra Dinh Cô tập thể dục, 5 giờ sáng, anh bị đột quỵ tại nơi tập và vĩnh viễn ra đi.
Nghe kể rằng chủ nhà trọ không cho mang xác anh về nhà, có lẽ do mùa đại dịch, gia đình phải đưa thi thể anh đi hỏa táng ngay trong ngày. Chiều ngày 30.3, giờ VN, người học trò cũ của Nhựt gửi cho tôi mấy dòng tin nhắn:
“Em có ra đến Nhà Hoả Táng Bà Rịa lúc 2h chiều thì việc hoả táng đã xong. Có gặp được cô và 2 người con trai của thầy tại nơi hoả táng! Tro cốt được rãi tại đúng Dinh Cô là nơi thầy mới tập thể dục 12 tiếng trước! Tất cả đều hết sức bất ngờ”
Cuộc đời Nhựt đã kết thúc gọn gàng như thế!
Có lẽ tài sản Nhựt để lại cho đời chỉ duy nhất tập luận văn cao học sử về chế độ lao tù ở Côn Đảo, dưới bàn tay hướng dẫn của nhà sử học Nguyễn Thế Anh. Tất nhiên, đó không phải là một tài liệu tuyên truyền, mà là một tư liệu học thuật nghiêm túc rất cần cho những ai muốn tìm hiểu một cách khách quan những gì đã diễn ra trên hòn đảo lịch sử này.
Trong danh sách bạn bè của tôi trên trang FB, có nhiều bạn sinh ra và lớn lên tại Côn Đảo vào những năm 1971-1972, hẳn có bạn từng là học trò của Nhựt. Xin hãy thắp cho người thầy cũ của mình một nén hương, tiếc nhớ một kẻ có tài nhưng số phận nhiều cay đắng.
Riêng với tôi, bài viết này cũng là nén tâm hương thắp cho bạn như một lời vĩnh biệt.
Luôn thanh thản ở cõi trời hạnh phúc bên kia Nhựt nhé!

Lê Nguyễn
31.3.2020

GS Nhut 08
Nguyễn Minh Nhựt là người ngồi giữa