Vài cảm nghĩ đầu xuân

Tiền Lạc Quan

Sài Gòn đã chìm trong bóng tối của một đêm lạnh lẽo cuối đông.  Riêng phố phường mang vẻ tưng bừng náo nhiệt với những đường xe nghẹt cứng, những hàng hoa đủ loại đua nhau khoe sắc, những vỉa hè chen chúc người đi kẻ lại và những quầy bánh mứt rượu trà xanh đỏ bốc mùi thơm phức bày biện thật ngăn nắp và rực rỡ vì các ngọn đèn màu chớp tắt liên hồi …  Hơn nữa tiếng động cơ xe, tiếng rao hàng inh ỏi trong máy phóng thanh tạo nên một sự ồn ào, một âm thanh hỗn độn vô ý nghĩa.

Một năm dài lặng lẽ trôi qua, mùa xuân đã trở về trên quê hương điêu tàn còn sặc mùi súng đạn nhưng ngày Tết vẫn mang nặng sắc thái thanh bình ở bên ngoài che giấu đi không khí chiến tranh, hận thù, tang tóc năm qua.  Đêm nay là đêm Ba Mươi Tết, tôi cũng như tất cả mọi người đều phải thức thật khuya để đón giao thừa, giây phút thiêng liêng, giây phút cuối cùng của một năm dài đầy nhọc nhằn khổ cực và cũng là giây phút đầu tiên của một năm mới tràn trề hy vọng (?).

Đồng hồ thản nhiên buông mười hai tiếng như không biết rằng mình vừa cho mọi người hay năm cũ đã qua và năm mới bắt đầu.  Giao thừa đến trong sự yên lặng và vắng vẻ của đêm đen.  Ngoài đường tôi chỉ còn thấy ánh đèn điện đang soi tỏ con đường tráng nhựa lồi lõm những “ổ gà” và đống rác to tướng nằm sát vách một tòa “building” cao ngất (?).  Cảnh vật thật im lìm ghê rợn với tiếng kêu rỉ rả của côn trùng.  Khác với mọi ngày, nhà nào cũng đèn đuốc sáng choang, cũng rực rỡ dưới nước sơn mới quét : mọi người vẫn còn thức !

Tôi thong thả sắp từng dĩa bánh mứt, từng gói bánh chưng lên bàn thờ cũ kỹ nhưng rực rỡ với bộ lư đồng chùi bóng loáng phản chiếu lại ánh sáng phát ra từ hai ngọn nến đỏ chói đặt hai bên.  Hơn nữa, màu xanh của quả dưa, màu vàng của cành bông vạn thọ làm tăng thêm vẻ vui tươi linh động cho nơi thờ phượng tổ tiên.  Lời cầu nguyện vang lên, theo khói trầm hương nghi ngút về tận một cõi nào thật xa xôi, ……, một nơi hư vô, một nơi mà người ta cho rằng không chiến tranh, không hận thù (?).

Dưới mái gia đình sum hợp, tất cả mọi người cảm thấy ấm cúng và hạnh phúc.  Mọi người cười nói vui vẻ, thân mật, ca hát để chào đón mùa xuân mới.  Nhưng mỗi người đều có một ý nghĩ riêng tư về ngày Tết …

Tôi vừa thưởng thức hương vị ngọt ngào của miếng mứt, vừa hớp một ngụm trà nóng, vừa ngắm cành mai với những nụ hoa hàm tiếu màu vàng xinh xắn và những chiếc lá non màu xanh lợt vừa vượt khỏi cành cây trông khô đét như vừa vọt khỏi cảnh tối tăm để chào đón gió xuân, để sống cuộc đời mới tươi đẹp.  Trong màn đen tĩnh mịch của đêm giao thừa, tôi ngồi trầm ngâm để mặc cho tâm trí nghĩ ngợi vớ vẩn những chuyện không đâu …

Người ta gọi năm nay là năm Quý Sửu tức là năm con trâu, năm có tên một con vật ngoan ngoãn hiền lành, hằng ngày cần cù làm việc, giúp cho người nông dân nghèo nàn chất phác cày sâu cuốc bẫm để sản xuất ra những hạt lúa vàng, những hạt gạo trắng thơm mùi ruộng đồng quê hương nuôi sống biết bao nhiêu người Việt Nam.  Tôi bàng hoàng hồi tưởng lại thời thơ ấu, thuở tôi còn bé bỏng, thuở mà tôi sống những chuỗi ngày êm đềm nơi quê hương, giữa đồng ruộng bát ngát, trong vườn cây trái um tùm.  Tôi còn nhớ những lúc nô đùa hồn nhiên với chúng bạn, những người bạn thơ ngây, thật thà, những buổi trưa hè nóng nực, nằm nghỉ dưới bóng mát hàng dừa sai trái, soi bóng dưới dòng sông Cửu Long trôi lững lờ …

Nhưng dòng đời không bao giờ trôi chảy êm đềm, có một ngày dòng đời sẽ dậy sóng, tôi nhớ có một ngày quê hương tôi ngập tràn khói lửa đao binh, chiến tranh đã làm cho tôi phải xa lánh những người thân thuộc, xa lìa nơi chôn nhau cắt rốn, xa dòng sông vẫn hững hờ trôi chảy, xa mái trường thân yêu chan chứa tình thầy bạn.

Đã hơn mười mấy năm nay tôi sinh sống ở nơi “phồn hoa đô hội”, tôi lớn dần theo thời gian, lớn lên lúc nào tôi không biết !  Tôi đã trở thành một thiếu niên cường tráng, không còn là một thằng bé con luôn nô đùa, nghịch phá, luôn chờ đợi ngày Tết để được mặc đồ mới, để được ăn thỏa thích hay được những gói “lì xì” đỏ đỏ trao từ tay những người không quen biết để rồi với những tờ giấy bạc mới thơm thơm, khi ấy tôi chẳng biết dùng vào đâu …

Sáng Mùng Một Tết, bầu không khí trong Lăng Ông thật ngột ngạt khó thở vì khói trầm hương tỏa ra mù mịt làm cảnh vật trở nên mờ ảo như trong sương mù.  Người ta chen chúc nhau đi “hái lộc đầu xuân”, đi xin xăm, coi bói, cầu nguyện cho trong năm làm ăn phát đạt …  Có kẻ ở nhà để đợi người đầu tiên đến “xông đất”, gặp nhau, họ trao nhau những tấm thiệp đủ kiểu, đủ màu sắc rực rỡ hoặc chúc nhau những câu rất lịch sự nhưng nội dung vẫn lặp đi lặp lại một cách nhàm chán mỗi năm : nào là chúc “con đông, tiền vô như nước, sống lâu trăm tuổi, …”.  Điều này đã được họ in trên những tấm lịch biểu tượng bởi hình con dơi, con nai hay một ông bồng một đứa nhỏ, một ông ăn mặc quan phục triều đình và một ông râu tóc bạc phơ với cây gậy trúc treo lủng lẳng một bầu rượu.

Ngày đầu xuân người ta chúc nhau toàn là điều lành, những điều may mắn, người ta cầu nguyện cho riêng mình, cho sự sung sướng của mình cho đến nỗi những điều mê tín như coi bói, xin xăm, họ cũng hưởng ứng nhiệt liệt …  Nhưng có lẽ trong ngày đầu xuân, không có một ai cầu nguyện cho đất nước sớm thanh bình, quốc gia thịnh vượng, người dân không còn những nỗi khổ đau để yên ổn làm ăn …  Có lẽ tất cả mọi người ai ai cũng đều biết rằng đất nước chúng ta đã trải qua hai mươi mấy năm chinh chiến, đất nước ta đã bị chia đôi, người dân Việt Nam ta đã giết nhau !  Chiến tranh đã giết đi cha mẹ của biết bao trẻ thơ vô tội, những đứa trẻ được các vị tu sĩ giàu lòng từ thiện nuôi nấng, săn sóc, dạy dỗ trong các cô nhi viện …  Chiến tranh đã giam hãm người dân chất phác vào những xóm lao động nghèo nàn, lụp sụp với những con đường hẻm chằng chịt tối tăm đọng nước …  Chiến tranh đã sản xuất biết bao sự bất công, biết bao tệ đoan xã hội …  Chiến tranh đã chôn vùi tuổi trẻ trong sự hận thù vô lý, vào cuộc sống xa hoa, đua đòi vật chất, người thanh niên sống ở thời đại này, trong xã hội này không còn lý tưởng, tương lai đối với họ thật là đen tối mù mịt, làm sao tránh khỏi sự cám dỗ, sự mê hoặc của những lạc thú, sự đua đòi, chạy theo cuộc sống vật chất, theo cái gọi là “phong trào Hippies”, cái gọi là hợp thời, với những y phục lố lăng ngoại lai không dân tộc tính … trong các quán ăn – gọi là quán ăn nhưng thật ra chỉ là các quán rượu, các “bar” sang trọng chứa đựng tất cả những gì xấu xa, tệ hại nhất của xã hội.  Người thanh niên quần áo bảnh bao, đúng “mốt”, tóc dài khỏi ót, ngồi trầm ngâm trước ly rượu mạnh và thả hồn theo tiếng nhạc kích động, theo khói thuốc lá khét lẹt như thả đi tất cả những sự uất ức (?) chứa trong lòng …

Hầu hết những người thanh niên đều như vậy, nhưng còn người lớn ?  Người lớn cũng không hơn gì !  Họ luôn luôn dạy dỗ chúng ta điều hay lẽ phải nhưng chính họ lại là những kẻ làm điều xằng bậy mà họ đã khuyên chúng ta nên tránh (?).  Người lớn họ làm gì ?  Một số đông (chỉ một số thôi) cũng chạy theo vật chất, sống bám vào chiến tranh, buôn lậu, “bán chợ đen”, đầu cơ tích trữ và còn nhiều điều tệ hại có thể làm nền quốc gia suy sụp mà tôi không tiện nói ra …  Nhưng còn một số khác thật thà, trong sạch, hằng ngày làm lụng cần cù, cực nhọc để nuôi sống gia đình nhưng có ai đoái hoài đến họ đâu ?  Họ cũng muốn hưởng một cái Tết sung sướng, một cái Tết thảnh thơi sau một năm dài làm việc nhưng hoàn cảnh đâu chịu để yên cho họ, nhiều người vẫn phải chạy “xe ôm”, xe “taxi” … trong ba ngày Tết để kiếm thêm chút đỉnh tiền …

Ngày Tết tôi không còn được thấy cảnh người đi tấp nập vào lúc giao thừa, cây nêu không còn nữa, ngày Tết đã mất đi ý nghĩa của nó.

Đã năm năm nay, kể từ cái Tết Mậu Thân, lại cũng là một cái Tết trong chiến tranh tang tóc, những cái Tết sau đến trong yên lặng, tôi không còn được nghe tiếng nổ ròn rả (giòn giã) của pháo, mắt tôi không còn được nhìn thấy xác pháo xả đầy đường phố, tay tôi không còn được run rẩy châm cọng nhang cháy dở vào ngòi tràng pháo đỏ … nhưng Tết đã trở về trên quê hương.  Bầu trời xuân thật quang đãng, bầu trời xuân có màu xanh tươi mát, màu xanh của hy vọng, nắng xuân huy hoàng rực rỡ, ánh nắng chan hòa soi sáng khắp mọi nơi, ánh nắng làm sáng lại lòng người lạnh lẽo, chai đá từ năm qua, muôn hoa đua nở rộ, rung rinh trước làn gió mát mẻ nhẹ nhàng thổi qua.

Mùa xuân trở về, tất cả trở nên mới mẻ tươi đẹp, Tết đem lại niềm vui, một nguồn sinh khí mới cho mọi người, niềm hy vọng một ngày mai tươi sáng, cuộc đời bớt nhọc nhằn đau khổ.

Muôn chim tung cánh tự do, tiếng ca hát rộn ràng làm lòng người phơi phới, yêu đời …

Nhưng thời gian vẫn lạnh lùng trôi chảy, mùa xuân vẫn ra đi, ba ngày Tết trôi qua nhanh chóng, mọi người lại tiếp tục công việc hằng ngày một cách nhàm chán nhưng vẫn hy vọng cuộc sống sẽ tươi đẹp hạnh phúc.  Riêng tôi trở lại với sách đèn và ngẩn ngơ trước ngày thi sắp tới …

Tiền Lạc Quan

12-AB

______

Ban Biên Tập 12AB chân thành cám ơn các bạn :

Phạm Hữu Khánh – Trần Minh Đức – Lê Tiên Sinh – Nguyễn Ngọc Tiến – Trần Trung Chánh – Phạm Ngọc Thành – Đoàn Hùng Sơn …

Đã có lòng ủng hộ tích cực chúng tôi về phần vật chất vào những giờ phút chót.

Ban Biên Tập

12AB