VĨNH LONG QUÊ HƯƠNG MẾN YÊU

Bác sĩ Phan Giang Sang

(trích TUYỂN TẬP PHAN GIANG SANG I – Y HỌC & ÐỜI SỐNG)

Về Miền Tây tất phải đi ngang vùng đất phì nhiêu, nổi tiếng là một trong những vựa lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long: đó là tỉnh Vĩnh Long.

Nó cũng là cái nôi đã dung dưỡng, un đúc tôi từ lúc mới sanh cho tới khi khôn lớn. Nó tồn trữ biết bao kỷ niệm thuở ấu thời của tôi. Nó ăn sâu cội rễ vào tâm khảm tôi, làm tôi không sao quên được mái nhà ấm cúng, mái trường thân yêu, khóm cây, ngọn cỏ, con sông nhỏ, cây cầu tre, vân vân … Nó luôn luôn sống lại trong lòng tôi.

Nó buộc tôi, với bất cứ giá nào, cũng phải cảm tử đeo xe đò, để về thăm nhà và sống với nó trong ba ngày Tết, vì nơi đó có mẹ già, cha yếu cùng những người thân thương đang nóng lòng chờ đợi. Thế mà gần 30 năm qua, tôi đành xa vắng, chưa có duyên trở về dù chỉ để ngắm nhìn lại quê hương mến yêu, có chăng chỉ còn trong tâm tưởng mà thôi!

Ðối với tôi, Vĩnh Long rất quyến rũ và xinh đẹp hơn bất cứ nơi nào, mặc dầu nó không phải là thành phố đẹp như An-Giang có Thất Sơn huyền bí, kho tàng Óc eo, hay hoa lệ như hòn ngọc Viễn Ðông: Saigon, hoặc thanh lịch như thành phố hoa lan Ðà lạt và dẫy đầy di tích lịch sử vua chúa như cố đô Huế. Thế nhưng tôi luôn luôn thương nhớ vì nó có cô gái quê hiền hòa, trong trắng, mỹ miều của đồng nội bao la xanh tươi, đội nón lá, chèo xuồng ba lá trên sông Cổ Chiên êm đềm, không cuồng loạn, gây tang thương lụt lội.

‘Tuy không đồi núi nhấp nhô,

Không làn suối bạc, chẳng hồ nước xanh.

Mông lung vài nét đan thanh

Vĩnh Long trông vẫn hữu tình đáng yêu…

(không rõ ai đã viết mấy câu nầy)

Thượng Tọa Giác Huệ đã tả:

‘Vĩnh long cảnh đẹp người xinh,

Quyện lòng du khách gợi tình nước non!

Từ bắc Mỹ Thuận vào tỉnh lỵ, đã cho tôi một không khí khả ái, êm ấm và trong lành. Bên vệ đường, gần mỗi cây cầu đều có một mái trường bằng lá xinh xắn, khang trang, trật tự với giàn hoa giấy rực rỡ làm cổng, còn vườn hoa nhỏ thì bao bọc xung quanh một cột cờ có lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay theo gió. Ôi nó đẹp đẽ, nó thơ mộng làm sao!

 

* Thành phố

Thành phố Vĩnh Long tuy nhỏ hơn Cần Thơ, nhưng nó lại xinh xinh, rất dễ thương. Nó không được chia ra rõ rệt làm hai khu: hành chánh và thương mại như Long Xuyên. Nhà phố khang trang, đường sá rợp bóng mát, tàng cây me rậm bóng giống y như đường Testard Trần Quý Cáp ở Sài gòn, có Trường Ðại Học Nha Y Dược năm nào.

Chúng tôi thích hái, chọi hay lượm me chua ăn. Chợ búa sầm uất chen lẫn với khu hành chánh, gom lại thành một khu phố lớn, bao quanh bởi sông ngòi, như một chiến lũy.

Nghe kể lại xưa kia nó được xây đắp bởi ông Thoại Ngọc Hầu, rồi sau đó ông Trương Văn Uyển tu bổ thêm. Các sông đó là: Cổ Chiên, Long Hồ, Cái Cá và kinh Công Xi.

Nó nối liền với khu dân chúng sinh sống bằng những cây cầu ván. Bây giờ, cầu xây bằng xi măng cốt sắt. Riêng cầu Thiềng Ðức người Pháp xây dựng trước đây, tuy bằng sắt nhưng lại lắc lư như răng bà già. Nó rung rinh, lắc lẽo như cầu tre kẽo kẹt. Âm vang chát chúa rền rĩ dưới bánh xe ngày nay khác nào tiếng gào thét, rên rỉ của người dân dưới chế độ…

Người dân không kêu chợ Vĩnh Long mà kêu chợ Vãng Long hay chợ Vãng, vì người ta húy kỵ chữ Vĩnh, trùng vào dòng vua như Vĩnh Thụy, Bảo Ðại, vân vân… Chữ Long là rồng hay vua vì xưa kia chúa Nguyễn Phúc Ánh bôn đào đây đó khắp miền Nam lại thường lui tới Vĩnh Long và Sa Ðéc. Hễ chỗ nào có vua đi qua, là người ta đặt tên có chữ long như: Vĩnh Long, Long Hồ, Long Châu, Càng Long vân vân…

Chợ được chia ra: khu trên bày bán hàng vải, thức ăn hoa mầu đầy thổ sản xanh tươi bổ dưỡng, ghe đò tấp nập, rộn rịp suốt ngày.

Nhà, villa, đẹp nhứt là dinh tỉnh trưởng, to lớn nguy nga, nhìn ra sông Cổ Chiên, trước có nhà thủy tạ để thủy phi thoàn ghé. Bên kia sông là cù lao An Thành tĩnh mịch, cũng là vườn cây trái tươi tốt nổi tiếng.

Bungalow, khách sạn sang trọng, nằm ngay ngã ba sông Cổ Chiên và Long Hồ. Kế bên là bến xe đò được dời về khu mới, có nhiều kiosques (kiosks) ngang tòa án, rồi về ngã ba Cần Thơ, nhường chỗ cho phòng thông tin. Tôi thường lai vãng xem và mua sách tại nhà sách Nam Cường, chủ tiệm gốc Chợ Lách có nhà xuất bản và tổng phát hành ở đường Kitchener Saigon.

Từ mé sông nhìn vô thành phố mới thấy cảnh đẹp nhờ có nhà thờ với mái ngói đỏ nhọn cùng thánh giá cao vút như ẩn như hiện, vượt lên sau hàng me, mông lung như Ðức Mẹ thánh thiện hiện về ban phép mầu!

Nhà lầu như: Hội đồng Bảo, Tòa Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục, bác sĩ Cổ Q. Gia, Quang, ông phủ Thành và nhiều nhà khác. Chỉ nhà ông phán Nuôi ở cầu Cái Cá là đồ sộ, có hàng  rào sắt, bờ sông được đóng cừ bảo vệ chống đất lở. Sau năm 1945, Tây lấy cho lính Lê dương đóng quân. Ðức Cha Ngô Ðình Thục xây lại và lập trường Nguyễn Trường Tộ tại lẫm lúa.

Có cái villa xinh xắn tại cầu Bà Ðiều có rất nhiều chậu, bình bông bóng láng tuyệt mỹ mà tôi được ngắm lúc nhỏ, sau nầy đọc sách Vương Hồng Sển mới biết đó là đồ cổ rất quí.

Còn nhiều nhà rất kiên cố và rộng lớn ở ngoại thành bị Tây lấy làm đồn lính như bót thầy Thặng (phải chăng đây là Nguyễn Viết Thặng?), bót hội đồng Thông mà lẫm lúa bị hôi ba ngày chưa hết, hồi năm 1945 khi Việt Minh về. Việt Minh là chữ tắt của Việt Nam Ðông dương Ðồng Minh Hội. V C là chữ tắt của Việt Cộng, bắt đầu có tên vào khoảng thập niên 1960.

Cầu Lộ có nhà Ba Vinh với nhiều cây kiểng bonsai, với mả đá và bốn cây vú sữa trước nhà. Trước 45 nhà tôi ở giữa biệt thự: Ba Vinh và bà Thông Tiên. Nhà ông giáo Mười Hai, có người con là thầy Mai. Tôi thường chạy theo coi biệt tài bắn chim của thầy: Thầy bắn chim, chim rơi, bắn xoài, xoài rụng, vì thầy nhắm cuống mà bắn. Việt Minh tuyển thầy làm huấn luyện viên xạ thủ. Phía bên phải nhà Hội Long Châu có hòn non bộ rất lớn chiếm cả vách phố, trình bày cảnh trí khéo léo, thật dễ thương. Nhà Dược sĩ Nguyễn Viết Cảnh có sân quần vợt, để bà vợ đầm đánh banh. Ông rất hào hoa phong nhã và là mạnh thường quân của đội cầu Vĩnh Long. Nhờ đó mà đội nhà chiếm được giải Miền Nam và cung cấp rất nhiều cầu thủ cho đội Saigon, Gia Ðịnh. Mả ông phán Nuôi nổi tiếng to lớn, có đồng ruộng bao bọc xung quanh.

 

Học Ðường

Vĩnh Long thường làm sống lại trong tôi, tuổi thơ ấu còn cắp sách đến trường. Ðương ở trường lớn có sân quần vợt và hồ bơi, chúng tôi phải sơ tán: lúc ở chùa Ông bên Thiềng Ðức, lúc ở miếu Quốc Công ngang nhà Hội Long Châu, sau chuyển về dãy nhà lá phía sau Tiểu Chủng Viện tức Dưỡng đường Thánh Minh, cạnh bãi tha ma vì hết quân Nhựt chiếm năm 1945, đến Tây chiếm sau 1945.

Dưỡng đường được thành lập bởi y sĩ Thiếu tá quân y Pháp. Ông có rất nhiều thiện chí và muốn giúp đỡ kẻ nghèo khổ. Tên ông là Guy Lesage, ông có nhờ tôi tìm tên Việt Nam và đổi lại là Lê Sanh vì Lê Khôn có vẻ hách quá. Ông có viết cuốn sách nhỏ tựa là: ‘Le Việt Nam’. Tôi có gặp ông mấy lần ở Saigon sau 1975, rồi ông xin ở lại, nguyện sống chết với đất nước Việt Nam, với người dân cơ hàn. Nghĩ ra mình còn thua tinh thần hy sinh của ông ta.

Vinh long que huong 01

(Ảnh: Huỳnh Hữu Phước)

[Ðây là ban giám học khóa I năm 1949, ngồi nghế từ trái sang phải: Các Ông: GT. Mẫn, GT…, GS Thoàn, TGT  Nguyễn Văn Kỹ Cương, Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Kính, GS Nguyễn Ngọc Sương, GS Khiêm và GS Phạm Văn Tệt].

Thi xong bằng Tiểu học, tôi lại phải thi vô Trung học Cao Tiểu Collège de Vĩnh Long (1950), cách đó 50m và kế bên cây da Cửu Hữu. Trường được khai giảng năm 1949, do Ông Nguyễn Văn Kỉnh làm Hiệu Trưởng, dưới thời Thủ Hiến Trần Văn Hữu cũng là người Vĩnh Long. Trường đổi tên là Tống Phước Hiệp và dời về trường lớn.

Trường ốc là căn nhà gạch của sở trồng trọt trước kia. Mỗi năm nó được nới rộng thêm, bằng những gian nhà lá đơn sơ lót gạch Tàu, vách ván, sạch sẽ và mát mẻ. Những tia nắng ban mai rọi vào như khai hóa tâm trí cho những mái đầu non nớt của các thiếu niên ưu tú ba tỉnh Trà Vinh, Sa Ðéc và Vĩnh Long. Nữ sinh gói ghém trong chiếc quần dài đen, áo bà ba trắng rất thanh lịch, xinh xắn, hồn nhiên, trong sáng, đầu đội chiếc nón lá… chao ơi, nó mới dễ thương làm sao! Nam sinh thì gọn gàng trong chiếc quần ‘tà lỏn’ (culotte) đen hay quần tây cụt (short), chật vật trong chiếc áo sơ-mi (chemise) trắng cụt tay nhưng đơn sơ, tao nhã, chân đi guốc vông nện xuống đường lốp cốp như tiếng gõ mõ nhật tụng, nhắc nhở phải cố gắng học hành cho thành tài, hầu đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục, chín chữ cù lao.

 

Trò Chơi

Ðá dế

Không có đồ chơi thì ra đồng bắt dế: cứ dở rơm lên là dế nhảy lung tung, chỉ có chụp lấy một con đầy oai hùng, bỏ vào hộp quẹt có cọng giá hay miếng dưa leo cho nó ăn, rồi đem về cho nó đá nhau:

–     Ðá đi con.

–     Ê dế tao hả càng, xáp trận.

–     Cắn! cắn đi con!

Thằng Năm coi mòi dế nó chịu không nổi. Không chịu thua nó nhổ sợi tóc, bắt dế ra quay cho nó bay vòng vòng, rồi nhanh nhẹn thả vào cho nó điên loạn, hả càng thiệt lớn nhào tới cắn bừa, nhưng đẩy không lại, đành bỏ chạy.

Dế tôi đắc thắng ré lên re-re.

Vui mừng tôi cũng ré lên “thắng rồi, dế tao thắng!”

Ðá gà

Ðá gà tre còn vui và hồi hộp hơn. Thấy tôi ham thích đá gà, má tôi mua cho tôi con gà tre. Tôi ôm nó đi đá gà của mấy đứa bạn. Thấy gà khác là con gà của tôi vỗ cánh, rướn cổ lên gáy rất thanh, trông rất oai vệ. Gà kia cũng không vừa: đầu hướng về phía địch thủ  rồi hạ xuống, lông cổ dựng đứng, chân hơi cong thủ thế. Gà tôi cũng thủ thế, đầu nó thụt vô thụt ra, đưa qua đưa lại tìm cách tấn công. Bọn trẻ hò hét: vô! vô! đá đi. Thình lình gà kia nhảy tới mổ vào đầu nó. Nó né, rồi mỗ lại trúng đầu con kia, liền nhảy lên nạp. Con kia thủ thế, tấn công lại, bay nhảy đá qua đá lại mệt nhừ, con gà tôi chui vào cánh con gà kia, nó vô dĩa làm gà kia không tấn công được. Thật sự không con nào còn đủ sức để chiến đấu cho ra hồn nữa, vì chúng đã thấm mệt rồi.

Tôi thấy tội nghiệp cho hai con gà, như hai anh em một nhà, không thù, không oán mà đá nhau chí tử, chỉ vì sự cổ võ của bọn trẻ. Tôi ôm gà mình về, mặc cho đứa bạn phản đối, vì gà nó sắp thắng … và cũng từ đó, tôi không đá gà nữa.

 

Các trò giải trí khác

Có khi móc đất sét nắn con trâu, con chim, con cò hoặc làm còi thổi inh ỏi hay vò thành đạn phơi khô để bắn chim, thích lắm. Bị rầy la gì cũng không bỏ tật.

Bắn cu li, thảy lỗ hay chọi đáo. Ðu tàu chuối làm Tarzan té cái ạch, đau đít thấy mồ, có lúc làm Zorro bịt mặt, bắn súng bằng cọng chuối hay lấy ống trúc bỏ trái bố vô thụt đối phương.

Thật ra vào thời đó, ở nhà quê đâu có gì mà chơi, so với trẻ em ngày nay ở đây, có đủ thứ máy điện tử computer hay café internet. Có lẽ nhờ vậy mà trẻ con ngày nay khôn ngoan hơn xưa. Theo cuộc nghiên cứu mới thì chỉ số khôn IQ (do Bs A. Binet, Pháp) tăng 15 cho mỗi thế hệ.

Ngay cả binh sĩ, trong khi chờ lên xe ra trận đánh nhau, cũng chỉ biết chọi đáo vui tươi hồn nhiên, mặc cho số kiếp vô thường cái chết trước mặt. Thật đáng thương. Thảo nào mấy anh lính Úc cũng chỉ biết chẵn lẻ, chơi hình hay chơi chữ mà thôi.

Mê đá banh muốn chết, nhưng cũng không dễ gì có trái banh ba da (tennis ball) mà đá. Chỉ lượm cùi mớp gọt tròn đá ngoài lộ dưới mưa. Vui đáo để quý vị ơi! Ðá xong nhảy xuống sông lội. Phá làng phá xóm, bị la, bị đuổi. Mát ơi là mát! Không còn gì sung sướng bằng!

Các trận đá banh, hát cải lương, hát bội, cúng đình chỗ nào chúng tôi cũng ráng tìm cách vào coi cọp cho bằng được, vì đâu có tiền mà mua vé. Nếu không được, thì đành đứng ngoài, chờ lúc gần hết tuồng, họ thả dàn cho vào xem vậy.

Trẻ con ngày nay đâu biết những niềm vui nỗi khổ nghèo nàn, những hạnh phúc nhỏ nhoi như chúng tôi trong lúc ấu thời.

 

Vĩnh Long phát triển ra sao ?

Tỉnh Vĩnh Long thu mình trong một pháo đài chật hẹp, dễ phòng thủ nhưng không phát triển được. Chính vì vậy mà cả vùng ngã ba Cần Thơ cho tới qua cầu Tân Hữu tận PhướcHậu, Cầu Vòng được chỉnh trang thành:

  • Phố xá, bến xe đò, trường Sư Phạm.
  • Nhà Thờ do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ, tọa lạc tại villa có sân quần vợt của Dược sĩ Nguyễn Viết Cảnh.
  • Trung Tâm Cần Lao Nhân Vị, một học thuyết chống lại Cộng Sản chủ nghĩa.
  • Sân vận động mới, quận Châu Thành mới dưới thời Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục và Tổng thống Ngô Ðình Diệm.

Xe đi Vĩnh Bình không chạy ngang chợ, bằng ngả Cầu Lầu (xưa) hay cầu Khưu Văn Ba mà chạy theo cầu Vòng, tới ngã ba hay cua (courbe) Long Hồ hay bót thầy Thặng.

Phải chăng cầu Vòng là do xưa kia lúc còn nhỏ chúng tôi gọi vòng nhỏ, đi từ chợ ngang dinh tỉnh trưởng, qua nhà thờ bị đất lở mất, rồi đi tới ngã ba ông Cảnh, xuống cầu Lộ. Cây cầu béton cốt sắt kiên cố và xinh đẹp mà Tây hãnh diện xây xong 1935-37, lại bị ông  Kỹ sư có biệt danh Bác vật Lang gõ bâton thử xong, chê yếu sẽ sập, làm Tây phải sửa lại. Vậy mà đến thập niên 1960 nó sập thiệt.

Xuống cầu quẹo tay phải, đi vòng cua tới ngã ba Công Xi quẹo tay trái, thẳng cầu Lầu trở về chợ. Vòng lớn là đi ngã ba Cần Thơ, theo cầu Vòng tới ngã ba thầyThặng rồi trở về chợ. Hồi tí teo tôi thấy ông Hương, mã phu chiều chiều thường đánh xe song mã đưa khách đi vòng nhỏ, vòng lớn.

Ðối diện ngã ba Cần Thơ, phía lăng Ông, thờ cá Ông của dân chài, nơi có Tịnh Ðộ Ngọc Xá đầu tiên của Tổ Sư Minh Ðăng Quang mà tôi mê thích, kính nể lối tu khổ hạnh khất thực:

‘Phật giáo hoằng khai kha khá mạnh

Nhất là Khất sĩ Minh Ðăng Quang

Ðầu tiên khai mở, sau lan rộng

Bến Hải Cà Mau rộn tiếng vang.

(T.T. Giác Huệ)

Từ Phú Quới trở đi tới Bình Minh, phía bên trái vệ đường có con kinh với cây cầu tre bắc ngang, thật nên thơ:

‘Ví dầu cầu ván đóng đinh,

Cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh khó đi.

Khó đi mượn chén ăn cơm,

Mượn ly uống rượu, mượn đờn khảy chơi…’

Bên kia kinh lưa thưa những mái nhà lá lụp xụp dưới gốc cây, bụi chuối, cạnh đó có vài con trâu thảnh thơi, nhai rơm. Phía sau nhà là đồng ruộng xanh um, lúa non mênh mông phất phơ gợn sóng theo chiều gió. Nó đơn sơ nghèo nàn, thiếu thốn trăm bề, nhưng nó nên thơ, nó mộc mạc và đẹp đẽ làm sao. Bức tranh đồng quê nghèo nàn nhưng tuyệt mỹ đó, đã ăn sâu vào tâm trí tôi mãi hoài không sao quên được.

* Phà

Vĩnh Long chi phối bởi sông Cửu Long với hai nhánh: Tiền giang và Hậu giang. Ngoài ra còn vô số sông ngòi, rạch và kinh chằng chịt như mạch máu trong cơ thể của chúng ta. Nó là huyết mạch miền Nam nằm về hướng Tây, nên mọi sự lưu thông đều nhờ vào nó. Hàng hóa vận chuyển từ đây hay từ Miên sang rồi lên Saigon hay ngược lại, mà không cần phải ra cửa biển.

Về Miền Tây bằng đường bộ phải theo quốc lộ 4 và qua hai phà: Bắc Mỹ Thuận và Bắc Cần Thơ, xưa kia gọi Bắc Bassac. Tôi đã ngắm nó, nhìn sự phát triển từ đò chèo tới đò máy nhỏ, rồi đò lớn chở cả chục chiếc xe hàng hoặc xe nhà binh GMC, với hai tầng mà tầng trên dành làm chỗ ngồi. Mấy chục năm qua, tôi đã đi qua những chiếc phà đó. Tôi chứng kiến sự biến đổi của nó cùng sự phồn vinh của bến đò.

Ðứng ở mũi phà hứng gió mát, lắng nghe tiếng sóng lô nhô vỗ vào mạn phà lách tách dễ thương, ngắm nhìn bông lục bình tím nhấp nhô nhảy sóng, trôi dạt xa xa tầm mắt, lung linh khi mờ khi tỏ xinh đẹp làm sao.

Tiếng ồn ào náo nhiệt, tiếng máy xe lấn áp tiếng đàn Mandoline và giọng ca bi ai của người thương phế binh, chiến đấu, gìn giữ đất đai cho ai đây, để rồi tàn phế, sống những chuỗi ngày lầm than với cây đàn. Người ta mãi chạy đuổi theo xe, theo danh lợi gì đó mà không hề để ý, nghe thấy người thương phế binh khốn khổ!

Tất cả cây trái Miền Tây đều tụ tập về đây. Còn nữa: nào gà, nào ếch, nào  chuột đồng, nào chim sống xỏ xâu bán lềnh khênh. Ngon nhứt có lẽ là bánh mì cặp võ vẽ rô ti. Nhắc tới mà phát thèm.

Trước năm 1975, Nhựt đã tìm cách xây cầu Mỹ Thuận nhưng không thành công. Nay Úc đã xây chiếc cầu nầy y như cầuPyrmont Sydney, hay cầu ANZAC và được khánh thành ngày 21/05/2000, chắc nó đẹp và là thắng cảnh của miền Tây Việt Nam như cầu Golden Bridge của thành phố Cựu Kim Sơn?

Có chiếc phà lạ chưa từng thấy: bến phà là cái bãi, xe cứ chạy lên xuống phà luôn; phà qua sông không mái chèo, mà cũng không máy chân vịt. Nó qua sông bằng sức kéo dây cáp của phu phà. Ðó là chiếc phà cổ lỗ sĩ nhứt. Nó ở quê của nghệ sĩ cải lương mùi nhứt Miền Nam: Út Trà Ôn.

* Ruộng Vườn Cây Trái

Ðịa thế thiên nhiên ưu đãi làm cho Vĩnh Long phì nhiêu, bởi chất phù sa mang đến do hai nhánh sông Tiền giang và Hậu giang tiếp nối từ Châu Ðốc và Long Xuyên mỗi năm đổ xuống. Cũng nhờ nằm cận bờ biển Nam Hải mà nó thoát cảnh lụt lội tàn phá như An-Giang. Nó không bị nước mặn ngấm, như vài vùng ở Bến Tre. Cũng nhờ đó mà nó trù phú với các đồng ruộng mênh mông, cò bay thẳng cánh, lúa chín đòng đòng nặng trĩu, sản xuất ra những hạt gạo thơm ngon như nàng hương, nanh chồn. Còn gạo ngang hay tấm lẻ dùng nuôi gia súc.

Từ ngã ba đi Cần Thơ phải qua bắc Cần Thơ, cạnh theo quốc lộ số 4 là đồng ruộng bao la. Dưa gan, dưa hấu, dưa leo bà Cai (loại dưa lớn trái) trồng dọc theo vệ đường. Chiều chiều nam thanh nữ tú đạp xe tới đây, xuống ruộng mua dưa gan ăn với đường thốt lốt, ngọt ngào, đượm mùi đồng quê. Cái hương vị quê hương chan hòa trong gió chiều, trong lòng người dân hiền lành mộc mạc. Hình ảnh vui tươi hồn nhiên đó không sao tả được và nó luôn luôn sống lại trong tâm tưởng tôi suốt mấy chục năm qua.

Lúc lúa vừa ngậm sữa, bông lúa căng phồng nặng hạt ngả cong, nếu hái hột lúa gậm mấp, nó thơm và ngon ngọt đáo để. Cái hương vị của ‘hạt ngọc’ vô giá, là thành quả của bao công lao mồ hôi nước mắt của nhà nông chân lấm, tay bùn. Họ phải khó nhọc: cày bừa, gieo mạ, cấy trồng, bón phân, tát nước, gặt, vác, đập, xay, vân vân… để chúng ta có gạo ăn.

Thưởng thức chén cơm hàng ngày, mới biết công lao nhà nông, mới biết là gạo quí và bổ dưỡng, nuôi sống dân ta từ ngàn xưa nhờ Vua Thần Nông đã dạy cách cấy cày, trồng trọt mưu sinh.

Thỉnh thoảng có vài ruộng ấu lóng lánh dưới ánh ban mai, ấu non ăn rất ngon ngọt dòn. Ấu già luộc chín, bán ở các bến phà, ăn không ngon bằng.

Năm 1945, gia đình tôi chạy giặc về quê bên kia bắc Cổ Chiên, sau nầy tôi mới biết đó bến Ðình Khao, nơi mà xưa kia có hai tu sĩ tử đạo: Thánh Minh và Thánh Lựu.

Tôi lấy làm lạ là sao chú Sáu lâu lâu mới đốn nứa (giống như trúc) đan rổ, nia, vân vân… còn kỳ thực là đi chơi la cà cả ngày. Không đất, không ruộng, ấy vậy mà nhà có bồ lúa mới lạ. Thì ra tới mùa gặt lúa, chú cứ đi lượm lúa gọi là mót lúa, cũng có cả bồ lúa dư dả ăn quanh năm. Chính nơi nầy, chiều nào tôi cũng ngồi mơ màng nhìn về thành phố. Tháng Ba 1978, tôi trở lại đây không còn thấy dãy nhà ở bến phà hay nhà cửa, vườn cây, vườn nứa xung quanh chi cả. Hỏi anh lái đò, anh cũng chả biết mô tê. Ngay ngã ba, phía bên chợ có gò mả cao, vì hoàn cảnh thời cuộc nên Bà Huyện Xây, nhũ danh Trần Thị Thọ được tạm chôn nơi đây, về sau được cải táng đưa về Tây Ninh, vì bà rất có công với Tòa Thánh và nổi tiếng mạnh thường quân giúp đỡ người nghèo khắp nước.

Triều đình Huế từng tặng cho bà:

‘Háo nghĩa khả gia’

 Vườn cây trái ngon ngọt nhứt của Miền Nam như: vùng An Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày, Cái mơn, Mang Thít và vân vân… Nói tới măng cụt, chôm chôm người ta chỉ biết có Lái Thiêu, còn sầu riêng thì Bình Dương, Long Thành. Không ai ngờ rằng, chính tại Vĩnh Long lại qui tụ tất cả trái ngon của lạ, từ tứ xứ mang về.

Nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký, không những uyên thâm nhiều ngoại ngữ mà còn là nhà thực vật, biết đem những cây trái ngon lạ xứ người về làm giàu cho đất nước như nhà bác học Alexandre Yersin. Chính ông đã mang chôm chôm Java, bòn bon, măng cụt từ Pénang về Cái Mơn khi ông du học ở Mã Lai (Theo Hứa Hoành: Vĩnh Long quê hương trong trí nhớ).

Thi sĩ Trần Hoan Trinh trong bài ‘Cửu Long Giang’ có đoạn nói về Vĩnh Long như sau:

‘Ðứng giữa cù lao nhìn về Vĩnh Long

Những vườn cây sai quả chĩu cành

Măng cụt, chôm chôm, thanh long, xoài tượng

Những trái sầu riêng múi ngọt thơm lừng…’

Chôm chôm tróc ngon ngọt hơn chôm chôm xưa, vừa chua lại vừa dính hột và rất chát, đã vậy vỏ dầy mà hột lại to. Sau người ta trồng giống mới, vỏ mỏng nhưng hột nhỏ gọi là chôm chôm nhãn. Bòn bon trái nhỏ, vỏ trăng trắng không như trái dâu, vừa lớn vừa chua. Nếu lột vỏ ăn liền sẽ bị chát chua vì còn mủ. Muốn ăn ngon phải xoa, mân mê trong tay… một hồi cho nó mềm mềm mới lột ra ăn. Bạn sẽ thích thú với trái cây nầy vì chỉ ngậm trong miệng sẽ có cảm giác thanh thao, thơm tho lạ kỳ. Không có trái cây nào như vậy cả.

Măng cụt chín màu rượu bordeaux bẻ hay cắt ra ăn mềm ngon ngọt, nhưng chưa có sành điệu. Ngon nhứt là lựa trái chưa chín, nhỏ, vỏ còn màu nâu. Ðể nó vô thau nước rồi mới cắt, cho mủ vàng vàng trôi đi mới ăn. Chu choa nó dòn ơi là dòn! Ngon đáo để!

Vú sữa đỏ bordeaux hay trắng vàng bóng láng, óng ánh căng đầy nhựa sống, tòn ten trên cây, trông rất quyến rũ, ngó phát thèm, không sao chịu nổi. Quí vị có biết, Bác Hồ còn mê thích mà lị! Mê đến đỗi đem cây vú sữa ra Bắc, trồng trước chòi của bác ta để ngắm cho đỡ nhớ… Miền Nam.

Muốn ăn ngon không phải cắt ra từng mảnh như cái nóc nhà con sò tức Opera House, mà phải xoa bóp cho nó mềm, cho tươm sữa bên trong mới lấy cây dao con chó khoét vòng tròn nơi cuống rồi lấy bỏ đi. Kê miệng vào, tay bóp miệng nút. Ôi chu choa, nó ngon ngọt, nó thích thú làm sao đó, không tả nổi! Nên nhớ là: nếu sàm sỡ, hấp tấp, không khéo miệng sẽ dính mủ đấy. Rửa không ra. Muốn rửa phải lấy gạo chà lên cho nó dính cám, rồi gở ra giống như ăn mít.

Còn một thứ trái cây không thể quên được vì ngắm nhìn nó cũng lé mắt. Sao nó no tròn, mịn màng, óng ánh như làn da người con gái tuổi dậy thì: Mận da người Nha Mân phải biết:

‘Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,

Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân’.

Còn sầu riêng Cái Mơn, Man Thít thơm ngon đến đỗi người ta đồn rằng, các bà say mê. Không tiền mà ghiền sầu riêng, họ liền đem quần  lãnh Mỹ A cầm hay bán lấy tiền mua cho được, thì phải biết.

Trái cốc ăn rất dòn. Cốc xanh chấm muối ớt hay mắm ruốc ngon hết xẩy. Chúng tôi không ăn như vậy. Lúc còn nhỏ, tụi tui lấy nạng dàn thung bắn rớt xuống, cốc non nhai ăn luôn hột, nên mới có câu “đau cổ họng nuốt hột cốc sẽ hết”. Cốc già, lớn phải đem đập xuống lộ cho bể (dao đâu mà cắt với gọt), ăn ngon đáo để.

Xoài tượng (trái to như voi) cắt lát mỏng chấm nước mắm đường thẻ bào, hay đường cát mỡ gà, chấm thêm vài trái ớt đỏ xanh ngon hết xẩy. Nhớ là sau khi ăn xong, xin đừng uống nước lạnh. Coi chừng Tào Tháo rượt! Xoài Vĩnh Long tuy thơm ngon như xoài cát, thanh ca nhưng vẫn thua xoài Cao Lãnh.

‘Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh,

Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân’.

Còn nhiều cách ăn trái cây độc đáo nữa kể không xiết. Phải sống đó đây nơi nầy, nơi kia mới biết thưởng thức hết hương vị cây trái Vĩnh Long quá là ngon.

Cam quít rất nhiều, rất ngon ngọt. Vườn rộng sạch có tầm vóc nông trại đáng kể, là vườn thầy Bảo ở Chợ Lách. Xưa kia ông làm Tổng Giám thị Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ. Muốn gần nhà, ông xin chuyển về làm giám thị và dạy Sử Ðịa và chữ Hán:

‘Nhứt một gạch, nhị hai gạch.’

‘Nhơn chi sơ tánh bổn thiện’, cái miệng đòi ăn’.

Ý không phải, trật rồi. Lâu ngày chữ nghĩa cũng quên, xin trả lại thầy nha thầy. Sorry nha thầy!

Hưu trí ông lập vườn quít. Năm 1991, các cựu học sinh ở Úc có họp mặt với thầy tại Sydney, nhân dịp thầy qua Úc thăm con thầy.

 

Món ăn

An-Giang có canh chua bông điên điển, Cao Lãnh thì canh súng, Vĩnh Long độc đáo với canh chua bông so đũa. Ta tưởng so đũa chỉ để dê ăn như dương xa trong sử Trung Hoa. Tần Thủy Hoàng có mấy ngàn cung phi mỹ nữ, nên sau buổi chầu mệt mỏi lên ngồi xe dê, mặc cho nó kéo đi đâu thì đi. Có nàng Tăng Diệp xuất thân con nhà nông, biết ý dê thích ăn so đũa nên nàng rải nó tới tận phòng mình. Thế là dê ta cứ vừa đi, vừa ăn lần lần tới phòng nàng mà thôi. Thế là nàng tha hồ được ơn mưa móc.

Bông so đũa nấu canh chua tôm càng ăn hết xẩy, nhậu quắc cần câu, vì nước canh ngon ngọt kỳ lạ. Bông so đũa luộc chấm tôm càng kho Tàu, gạch tôm đỏ đỏ lơ lớ, vàng vàng, mặn mặn ngọt ngọt nó ngon đáo để. Ăn quên thôi. Chỉ có tôm Vĩnh Long mới ngon hơn nơi nào hết vì lớn và tươi rói.

Vinh long que huong 02

Hình tàu Vĩnh Long, gia bảo của nội tổ anh M.Vương 60 năm về trước.

Ði tàu sà lúp (chaloupe) mà được ăn tôm kho Tàu, với cơm vắt đựng trong mo cau mới tuyệt cú mèo, no bụng nằm tòn ten trên võng đung đưa tới Saigon hồi nào không hay. Tôm càng nướng trui: đốt lửa than cho đỏ, bỏ tôm còn ngo ngoe lên, vỏ đỏ gạch, bị khét, mùi thơm ngon nồng nặc, lấy ra lột vỏ cuốn với rau thơm rau răm, chấm nước mắm tương ớt có tỏi. Ăn ngon quên thôi. Nhậu quắc cần câu, không say không về! Hủ tiếu tôm càng còn tươi rói, bỏ vô nước sôi còn ngo ngoe, nó ngon ngọt tuyệt diệu!

Ốc gạo Vĩnh Long rất nổi tiếng ngon nhờ không có cát. Ốc lể xong đem cuốn với dừa nạo, rau thơm, bánh tráng, chấm nước mắm chanh ớt. Ngon đáo để. Nhưng coi chừng Tào Tháo rượt…nhứt là chưa chích ngừa viêm gan A. Xin xem bài ” Ði Du lịch vui khỏe và an toàn” (tr 118) Quý vị phải tới Vĩnh Long để thưởng thức các món ăn nầy mới được!

 

Ðình, Chùa và Miếu

Vì đây không phải là bài nghiên cứu, mà là tạp ghi những gì mình biết, mình nhớ. Nếu có sai, xin quí bà con chỉ bảo, rất cám ơn.

 

Miếu Bảy Bà?

Ðây là một cái miếu nhỏ ngay chân gốc đa to trên mô đất cao chừng chục thước. Rễ to ngoằn ngoèo ôm lấy các cục gạch và đá. Chung quanh có con đường trải đá to lởm chởm. Khi màn đêm buông xuống, nó vắng tanh, nó âm u ghê lắm. Không ai dám bén tới đây chơi vì sợ … ma.

Miếu rất linh thiêng. Ai mà làm gì sai trái, không dám tới đây thề, vì sợ Bà cây da về bẻ cổ. Chúng tôi đi ngang phải cất nón chào. Miếu nhỏ nầy được hai vợ chồng ông Bảy từ, không con, có cái nhà nhỏ kế nhà thầy giáo Long, lo việc hương khói. Nhà thầy giáo Lai, phía trước bi-da Bảy Thế, kế bên là trường tư thục Long Hồ do kỹ sư Lê Minh Ký sáng lập.

Tục truyền nơi nầy là Cây da Cửa Hữu hay Cửu Hữu do Tổng Ðốc Trương Văn Uyển làm căn cứ, để phóng nhìn mọi chuyển động của đối phương. Sau trận thư hùng đẫm máu trong ba ngày 20, 21, 23/03/1862. Thất thủ, dân quân bị sát hại nhiều quá, Tây gom lại chôn thành nấm mồ tập thể. Dân chúng sau đó lập miếu thờ ở phía sau cây da.

Khi vào miếu, phá phách nổi tiếng như: nhứt quỉ, nhì ma, thứ ba học trò như chúng tôi cũng sợ ớn gáy, nhứt là phía sau chỗ có nấm mồ. Nó rất âm u, đượm mùi tử sĩ yêu nước chết oan ức bởi Tây bội ước tấn công, trong lúc cụ Phan Thanh Giản đang điều đình ở trên tàu với chúng. Chúng tôi đi lẻ tẻ, cũng ít dám đi ngang qua con đường nầy. Sau 1945, Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ lập trụ sở nơi đây, các đạo hữu tề tựu xây nhà trên vũng sình lầy, trước trường Cao Tiểu.

 

Miếu Quốc Công

Miếu thờ ông Tống Phước Hiệp, khang trang sạch sẽ, có tường bao quanh, có chỗ thờ cúng, có rạp hát để cúng đình với dàn ghế và sân khấu hẳn hoi. Hằng năm chúng tôi đến để dự lễ phát phần thưởng, cho nam nữ học sinh tiểu học và trung học.

 

Ðình Long Ðức Ðông

Ðình biệt lập sát mé sông, giữa chợ và bắc Cổ Chiên. Nó ẩn mình dưới tàng cây sao cao ngất, bao quanh bởi ruộng lúa xanh tươi trên đường đi Cái Sơn. Các công thần được thờ nơi nầy.

 

Văn Thánh Miếu

Văn Thánh Miếu là di sản của nền văn học, đạo thánh hiền. Miếu thờ Ðức Khổng Tử và các bậc nho học của ta. Văn Thánh nằm ở miệt cầu Lầu, trên đường liên tỉnh đi Vĩnh Bình, gần đất bổn bang (bốn bang) hay nhị tì, mà hằng năm má tôi dắt tôi đi cúng Thanh minh và lễ Ðông chí.

Ðây là nhà lầu bằng cây, do cụ Phan Thanh Giản xây cất. Cụ Phan Thanh Giản cũng được thờ tại đây. Cụ là người Minh hương, cha là người Hải Nam làm quan thanh liêm bị hãm hại, phải trốn bằng ghe buồm vào Trung lập nghiệp. Cụ là người tài năng, thanh liêm, khí khái, đức độ, đáng được kính phục.

 

Trung Tâm Fatima

Trung tâm được xây vào thời Ðức Cha Thục, để hằng năm làm lễ hành hương. Từ đó, nó trở thành trung tâm du lịch.

Nhà thờ Chánh Tòa là một công trình nghệ thuật tuyệt mỹ, của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người từng lãnh nhiều giải thưởng ở Âu Châu.

 

Lược sử Vĩnh Long và Nam Kỳ Lục Tỉnh

  • Năm 1698, Nguyễn phúc Chu, đặt toàn miền Nam là phủ Gia Ðịnh,
  • Năm 1732, chúa Nguyễn phúc Trụ, đặt dinh Long Hồ tại Cái Bè, năm 1780 đổi thành trấn Vĩnh Thành, trấn thủ là Thoại ngọc Hầu.
  • Năm 1802, Gia Long đổi lại là trấn Gia Ðịnh.
  • Năm 1808 lại chia ra làm 5 trấn: Phiên An (Gia Ðịnh),

 Biên Hòa, Ðịnh Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Vĩnh Thanh gồm có Vĩnh Long và An Giang, tức Vĩnh Long,

Long Xuyên, Châu Ðốc, Sa Ðéc, Trà Vinh với dinh Long Hồ đặt tại Cái Bè sau dời về Vĩnh Long ngày nay. Cần Thơ được gọi là Tây Ðô chỉ có sau nầy thôi.

Năm 1832, vua Minh Mạng chia lại làm sáu tỉnh: Phiên An, Biên Hòa, Ðịnh Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Nam Kỳ Lục Tỉnh bắt đầu từ đây.

Ngày 20/03/1862, tướng Bonard tấn công Vĩnh Long, sau khi chiếm ba tỉnh miền Ðông. Tổng Ðốc Trương văn Uyển dàn binh chống trả nhưng đánh không lại.

Ngày 20/06/1867, Phó Đề đốc De La Grandière đem chiến thuyền tiến chiếm Vĩnh Long. Cụ Phan thanh Giản dùng thuốc độc tử tiết để lại danh thơm muôn đời, ngày 4 tháng 8 năm 1867. Cụ bảo gia quyến chỉ ghi là: ‘Ðại Nam hải nhai lão thơ sinh Phan công chi mộ’ (Mộ phần của người học trò già ở biển Ðại Nam) và bài thơ tuyệt bút như sau:

‘Thời trời, lợi đất, lại người hòa,

Há dễ ngồi coi phải nói ra.

Làm trả ơn vua, đền nợ nước,

Ðành cam gánh nặng ruổi đường xa.

Lên gềnh xuống thác thương con trẻ,

Vượt biển trèo non cam phận già.

Cũng tưởng một lời an bốn cõi,

Nào hay ba tỉnh lại chầu ba.

Thi sĩ Nguyễn Ðình Chiểu đã khóc vị quốc vong thần như sau:

‘Non nước tan tành hệ bởi đâu?

Dàu dàu mây trắng cõi Ngao châu,

Ba triều công cán vài hàng sớ,

Sáu tỉnh cang thường một gánh thâu

Trạm Bắc ngày chiều, tin điệp vắng

Thành Nam, đêm quạnh tiếng quyên sầu.

Minh sanh chín chữ lòng son tạc,

rời đất từ đây mặc gió thu’.

 

* Nhân tài

Tỉnh Vĩnh Long hun đúc biết bao nhân tài cho đất nước từ trước và sau 30/04/1975. Xin kể ngắn gọn mà thôi.

Pétrus Trương Vĩnh Ký

Nhà bác học uyên thâm.

Trần Văn Hữu

Ông là con của đại điền chủ đi du học bên Pháp và đậu bằng kỹ sư. Ông làm Thủ Tướng từ 1950-1952. Ông mang quốc tịch Pháp lại rất nhân từ, yêu nước lo cho dân. Nghỉ việc, ông sang Pháp sinh sống và qua đời ở đó.

Trần Văn Hương

Ông sanh trong gia đình nghèo ở khu kho xăng Văn Thánh trên đường đi Vĩnh Bình. Ông được mạnh thường quân giúp đỡ cho ăn học. Ông tốt nghiệp trường Cao Ðẳng Sư Phạm Hà Nội, về dạy tại trường Collège Le Myre de Vilers, sau đổi tên là Nguyễn Ðình Chiểu.

Dầu làm chánh trị, ông vẫn là người có nghĩa khí, chánh trực. Ông làm rất nhiều chức vụ: Hai lần Đô trưởng Sàigòn, hai lần Thủ tướng (1965+1968), Phó Tổng thống rồi Tổng thống trong thời gian ngắn ngủi, bi đát nhứt lịch sử, ngày tàn của Miền Nam. Cứng rắn chống lại mọi áp lực ngoại lai không được, cụ đành miễn cưỡng trao quyền cho Dương Văn Minh, người học trò mà ông không bao giờ tin. Dầu ai mời cụ lưu vong, cụ cũng từ chối và nhứt quyết ở lại sống chết trên mảnh đất quê hương. Cụ đã mãn phần nhiều năm trước đây.

Nguyễn Văn Lộc

Ông sanh trong gia đình giàu có, tại làng Long Châu, sang Pháp học Luật, về nước hành nghề luật sư. Có một thời làm Thủ Tướng (1967-68). Ông làm Viện Trưởng Viện Ðại Học Tây Ninh. Ông từng đi học tập cải tạo và vượt biên sang Mỹ, sau sang Pháp và từ trần tại Pháp, năm 1991.

Kháng Chiến

Cụ Phan không quên khuyên ba người con của cụ là Phan Liêm, Phan Tôn và Phan Ngữ, lập nghĩa quân chống Pháp. Sau khi cho hai thân tín là Ðỗ Hữu Phương rồi tới Tôn Thọ Tường làm tham biện để lấy lòng dân không xong, Pháp bổ Salicelli thay thế. Năm 1872, tên tham biện tức tỉnh trưởng Salicelli bị giết tại Cầu Vòng. Vũng Liêm nổi lên chống giặc Tây, Trần Bá Lộc được phái tới dẹp nghĩa quân. Ông ta tàn sát hết, đem chôn vô một cái hố, làm nấm mồ tập thể. Dân chúng Vũng Liêm và Tam Bình sôi sục thù hận và nổi lên chống thựïc dân Tây và bè lủ.

Ðây là cái nôi cách mạng Miền Nam, từng làm bọn Tây và tay sai khiếp đảm với những nhà yêu nước thương dân như:

– Trương Duy Toản cũng là soạn giả cải lương.

– Tống Phước Ðịnh, Huỳnh Hưng trong phong trào Ðông Du của vua Duy Tân.

– Huỳnh Quang Thành hết lòng cung phụng Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể tại đây, trong những ngày bôn ba hoạt động phong trào cách mạng Ðông Du, tìm đưa người sang Nhật học.

Còn rất nhiều nhà cách mạng khác nữa xuất thân từ Vĩnh Long. Sau 75, còn nhiều người lảnh những chức vụ cao cấp trong chánh phủ cũng xuất thân từ Vĩnh Long như Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt.

Có xa quê hương mới biết quê cha đất tổ là nơi tôi kính yêu. Lúc nào cũng nhớ tới Vĩnh Long thương mến, nhớ tới mái nhà thân yêu, mái trường, con sông, cây cầu, bạn bè…Ôi biết bao kỷ niệm ngày xanh, nó vẫn còn canh cánh trong lòng tôi! Tôi mơ ngày trở lại Vĩnh Long, để gặp lại bà con cô bác, để hồi tưởng lại một thời thơ ấu xa xưa. Và để thành tâm đốt nén hương, tạ tội trên mộ song thân mà tôi bất hiếu đã từ bỏ ra đi, và cho đến nay vẫn chưa có cơ duyên trở về!

‘Nhớ nước đau lòng con Quốc Quốc,

Thương nhà mỏi miệng cái Gia Gia…

Dừng chân, ngoảnh lại: trời, non, nước.

Một mảnh tình riêng, ta với ta.’

(Bà Huyện Thanh Quan)