THẦY LÊ TRỌNG PHỎNG
Trần Quốc Hùng
Kính dâng Thầy Lê Trọng Phỏng
(nguồn: Giai phẩm Xuân Mậu Tuất 2018 – Petrus Trương Vĩnh Ký Niên khóa 1966-73)
Hay tin trên mạng thầy mất tôi thẫn thờ hồi lâu. Hình ảnh thầy chậm rãi đi lại trong lớp vẫn hiện rõ trong đầu như khi tôi vẫn còn ngồi trong lớp nghe thầy giảng Sử Trung Cổ Tây Phương.
Tôi không có dịp được thầy dạy thời trung học vì thầy chỉ dạy lớp 12B2 mà tôi lại đổi lớp B1 năm ấy để được dịp học Toán với thầy Trần Thành Minh và thầy Cam Duy Lễ. Nhưng tiếng thầy giảng bài giọng sang sảng tôi có thể nghe từ bên lớp B2. Lũ bạn trong giờ chơi cứ say sưa khoe với tôi thầy có kiến thức về Sử Địa uyên bác cỡ nào… Lúc đó qua các anh khoá đi trước tôi mới biết thầy là một trong những người được đào tạo dạy Sử Địa đầu tiên của trường Cao Đẳng Sư Phạm Sài gòn.
Vậy mà duyên cơ đến sau này tôi vào Đại Học Sư Phạm Khoa Sử Địa lại được phước thầy ăn may một năm với bộ môn Sử Trung Cổ Tây Phương! Quả thực nghe không bằng thấy tận mặt. Thầy ăn vận rất chuẩn mà không chải chuốt, tóc luôn chải mướt bóng. Thầy vóc tầm cỡ vừa cao, mũi thầy cao thanh tú chứ không thấp trẹt như đa số người Việt chúng ta. Thầy không vạm vỡ như thầy Sum, mà không hối hả như thầy Nguyễn Nhã. Đặc điểm tôi nhận ra trong trong nhân dáng thầy là vai rộng và lưng rất thẳng. Thầy giảng bài thong thả, giọng sang sảng mà trầm ấm.. Nghe giọng nói của thầy thì sau này tôi mới biết thầy lớn lên ở Huế nhưng từ đàng ngoài nên giọng trong trẻo hơn.
Sử Trung Cổ Tây Phương là môn khó nuốt vì ăm ắp tên họ địa danh và biến cố đều là ngoại ngữ… Nhưng chúng tôi thích thú qua cách diễn giảng sinh động của thầy. Các bạn đồng học trong lớp thì im lặng lắng nghe thầy giảng, thầy trông nghiêm nghị và trầm tư khi nhìn thầy bên ngoài, nhưng thầy vẫn có lúc pha trò rất khéo, các cô ngơ ngẫn rồi khi hiểu ra thì chỉ dám oà cười bẽn lẽn bằng ánh mắt. Tôi nhớ cô bạn tôi có lần thì thào bảo: “Mắt thầy Phỏng sáng lạ lùng, mà khi thầy nói đùa , nhìn ánh mắt sáng như có ánh lửa!”. Từ sự suy tàn của đế quốc La Mã đến thời kỳ Man tộc bành trướng, thầy đưa chúng tôi miên man vào những biến cố và giai thoại dù lúc ấy không có giáo cụ trực quan hay công nghiệp thông tin như bây giờ, vậy mà chỉ bằng giọng nói và ngôn phong ngữ cách, thầy cho sinh viên hấp thụ ngần ấy kiến thức một cách say sưa, cũng như lĩnh hội được kỹ năng nghiên cứu sử quan khoa học mà tôi cảm thấy may mắn gìn giữ gọi là.
Thầy cắt nghĩa những thăng trầm thời vận, hưng phế của các đế chế, vương triều.
Cả lớp thích thú lắng nghe thầy giảng với lối giải thích khoa học mà dí dỏm va bình dị, những giai thoại về vương triều trung cổ, những cuồng tín và ràng rịt lũng đoạn giữa thần quyền và thế quyền, mâu thuẫn giữa khoa học và mê tín…thời u mê trung cổ.
Rất tiếc khoá 16 của Đại Học Sư Phạm Sài Gòn mới học được nửa năm thì Miền Nam đi vào binh biến Tháng Tư. Đa số các Thầy Cô giảng dạy kẻ di tản, người vượt biên … Chúng tôi như bơ vơ bầy nghé lạc đàn… sau đó chúng tôi hay tin thầy vẫn còn lại với quê hương bọn tôi có tìm đến nơi nhà thầy tại Gò Vấp. Thầy rất cảm động khi gặp được bọn tôi. Lúc đó tôi mới biết thầy không đến trường ĐHSP vì phải trình diện ở trường PKý và bọn tôi rất mừng biết thầy có khả năng sẽ trở lại bục giảng đường vì thầy là gia đình liệt sĩ và mấy ông anh tập kết trở về trong đó có ông Lê Trọng Hoan là cán bộ giảng dạy đại học. Bấy giờ chúng tôi mới biết được thêm về cá tính của thầy.
Trong hành lang trường đến lớp chúng tôi thấy thầy đạo mạo nghiêm trang từ tốn và lặng lẽ, thì ở nhà thầy là một người lại rất cởi mở, gần gũi và vui tính… Tôi nhớ là cô cũng rất thân thiện, bình dân để tiếp chuyện. Chúng tôi còn gặp được chị của cô, giống như in, có lẽ song sinh chăng? Nhưng hai người giống nhau quá, tụi tôi cứ bị nhầm suốt! Khi chúng tôi đi học trở lại thì không còn dịp đến viếng thăm thầy thường xuyên như trước…
Chỉ có lần trước khi tôi đi nhận nhiệm sở thì chúng tôi có đến chào biệt thầy thì thầy có tỏ ý muốn giúp khi biết chúng tôi mỗi người phải đi một nơi, nhưng tôi cám ơn thầy vì không muốn phiền đến thầy. Không ngờ đó là lần cuối chào thầy.