PETRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ
DƯỚI CÁI NHÌN CỦA MỘT NGƯỜI GỐC MIỀN NAM VÀO NĂM 2019
Phan Thượng Hải
Trong khoảng 100 năm, người Nam Kỳ rồi người Miền Nam luôn tin mến ông Petrus Trương Vĩnh Ký như một bậc Thầy. Bắt đầu từ năm 1975, có những hậu sinh khác lý tưởng và không ở cùng thời gian hay không gian đã kết tội nặng nề ông Petrus Trương Vĩnh Ký về phương diện chính trị. Do đó nhiều người Miền Nam đã cố gắng minh oan cho ông Petrus Trương Vĩnh Ký trong thời gian gần đây.
Cũng là một người sinh và sống ở Miền Nam trong gần 30 năm, với lòng kính mến ông Petrus Trương Vĩnh Ký, tác giả cố gắng viết rõ ràng và thứ tự về ông Petrus Trương Vĩnh Ký cho quần chúng thông thường có cái nhìn toàn thể và minh bạch cũng như mình, ngõ hầu góp phần minh oan cho ông.
Là một danh nhân văn hóa tài ba và là một cá nhân đúng đắn và sáng suốt trong môi trường chính trị (và quân sự) khó khăn lúc sinh tiền, ông Petrus Trương Vĩnh Ký đã cố gắng thực hiện một công trình văn hóa to lớn trong suốt cuộc đời của mình để làm ích lợi trực tiếp và lâu dài cho người dân Nam Kỳ và gián tiếp góp phần giúp nước Việt Nam trong tương lai. Ông hoàn toàn không có tội với dân tộc về phương diện chính trị.

DANH NHÂN VĂN HÓA
* Tiểu Sử
– Thời Kỳ Niên Thiếu (1837-1858)
Ông Petrus Trương Vĩnh Ký sinh ra và sống thời niên thiếu ở Nam Kỳ.
Ông sanh ngày 6-12-1837 tại ấp Cái Mơn thuộc tỉnh Vĩnh Long đời vua Minh Mạng, ngày nay thuộc huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre. Ông là con của quan Lãnh binh Trương Chánh Thi.
Năm 1842 (lúc 5 tuổi), ông cùng người anh học chữ Nho với một thầy Đồ trong xóm.
Năm 1845 (lúc 8 tuổi), Lãnh binh Trương Chánh Thi theo phái đoàn sứ thần sang Cao Miên và bị bệnh chết bên ấy. Theo lời khuyên của Cố Tám, ông được mẹ cho vào đạo Thiên Chúa (Công Giáo) với tên là Jean-Baptiste-Petrus Trương Chánh Ký. Về sau tên Trương Chánh Ký đổi thành Trương Vĩnh Ký. Ông vào tiểu chủng viện Cái Nhum (thuộc tỉnh Vĩnh Long) và học với Linh mục Henri Borelle (tên Việt là Hòa).
Năm 1849 (lúc 11 tuổi), ông theo Linh mục Charles Émile Bouillevaux (tên Việt là Long) học chữ La tinh ở nhà thờ Cái Nhum. Lúc đó Cha Bouillevaux mới từ Pháp sang ở Cái Nhum.
Ông Petrus Trương Vĩnh Ký đi học ở ngoại quốc từ năm 13 tuổi (1850) cho tới khi ông trưởng thành vào năm 21 tuổi (1858).
Năm 1850, ông theo Linh mục Bouillevaux sang học ở trường đạo Pinha Lu ở Phnom Penh (thuộc Cao Miên).
Năm 1851, ông được nhận sang học ở trường đạo Dulalma ở đảo Penang trong vùng biển của Nam Dương (nay thuộc nước Mã Lai).
Năm 1858 (lúc 21 tuổi), ông học xong và về nước thì vào lúc mẹ ông qua đời.
– Thời Kỳ Sống Dưới Chính Quyền Của Nhà Nguyễn (1858-1860)
Năm 1858-1860, ông bắt đầu phụ cho Linh mục Borelle dạy tại tiểu chủng viện Cái Nhum. Ông là nạn nhân của phong trào đàn áp đạo Thiên Chúa do lệnh của Chính quyền nhà Nguyễn (thời vua Tự Đức).
– Thời Kỳ Sống Dưới Chính Quyền Thuộc Địa Pháp – Giai Đoạn 1 (1860-1886)
Những biến cố lịch sử văn hóa của ông Petrus Trương Vĩnh Ký:
Năm 1860, vì bị đàn áp đạo Thiên Chúa (Công Giáo), ông trốn lên Sài Gòn sống dưới chính quyền thuộc địa của Thực Dân Pháp cho đến khi qua đời (1898).
Năm 1863, ông làm thông ngôn cho phái đoàn Pháp đi cùng với phái bộ Phan Thanh Giản của chính quyền nhà Nguyễn sang Pháp. Mục đích của phái bộ là xin chuộc 3 tỉnh Đông Nam Kỳ. Trong chuyến đi nầy, ông gặp nhiều danh nhân văn hóa ở Pháp, Bồ Đào Nha và Ý; và ông có được yết kiến Giáo hoàng tại Roma.
Năm 1865, ông xin mở tờ Gia Định Báo thì được chấp thuận. Lúc đầu tờ Gia Định Báo phải do một Giám đốc người Pháp điều hành. Đến năm 1869, ông mới được làm Giám đốc điều hành tờ báo nầy và bạn ông, ông Paulus Huỳnh Tịnh Của làm Chủ bút.
Năm 1866, ông xuất bản quyển sách chữ Quốc Ngữ đầu tiên của mình là “Chuyện Đời Xưa Lựa Nhón Lấy Những Chuyện Hay Và Có Ích”.
Năm 1874, ông được chọn đứng hàng thứ 17 trong 18 thành viên của hội ” Savants du Monde” (Hội “Những nhà Bác học của Thế giới”).
Năm 1883 (ngày 17-5-1883) ông được Hàn Lâm Viện Pháp phong làm Viện sĩ (Officier d’Académie).
Trong giai đoạn 1 nầy (1865-1885), ông Petrus Trương Vĩnh Ký viết và làm báo (Gia Định Báo); sáng tác, biên khảo và phiên dịch; xuất bản sách; và dạy học tại trường Thông Ngôn và Hậu Bổ cùng với 2 ông Paulus Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký. Chương trình văn hóa của ông được người Pháp giúp đỡ về phương diện tài chánh.
– Thời Kỳ Sống Dưới Chính Quyền Bảo Hộ Pháp – Giai Đoạn 2 (1886)
Năm 1886, ông Petrus Trương Vĩnh Ký ra Huế phụ giúp Khâm sứ Paul Bert trong chương trình khai hóa của ông nầy ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ (từ tháng 6 đến tháng 11-1886). Chương trình Văn hóa chưa kịp thành hình thì Paul Bert đột ngột qua đời (11-11-1886)
– Thời Kỳ Sống Dưới Chính Quyền Thuộc Địa Pháp – Giai Đoạn 3 (1887-1898)
Từ năm 1887, ông Petrus Trương Vĩnh Ký về sống cuộc đời của một thường dân Nam Kỳ không dư dả ở Sài Gòn và tiếp tục công trình Văn hóa của mình cùng với ông Paulus Huỳnh Tịnh Của và ông Trương Minh Ký cho tới khi ông qua đời vì bệnh (1898). Ông tiếp tục dạy học ở trường Thông Ngôn và Hậu Bổ, viết báo và ấn bản sách. Tờ Gia Định Báo vẫn còn, do ông Trương Minh Ký (học trò của ông Petrus Trương Vĩnh Ký) làm Chủ nhiệm. Năm 1888-1889, ông Petrus Trương Vĩnh Ký có xuất bản Tạp chí tư nhân đầu tiên là Nguyệt san Thông Loại Khóa Trình (Miscellanées). Tạp chí ra được 18 số (trong 9 tháng) thì phải đóng cửa vì lý do tài chánh.
Trong giai đoạn 3 nầy (1887-1898), ông Petrus Trương Vĩnh Ký chật vật vì chính quyền thuộc địa Pháp không còn giúp đỡ tài chánh cho ông xuất bản sách báo như trong giai đoạn 1 (1865-1885).
* Công trình Văn hóa (1865-1898)
Dưới chiêu bài khai hóa hay đồng hóa, Thực dân Pháp muốn Nam Kỳ tách ra khỏi văn hóa Á Đông của Tàu và lệ thuộc vào văn hóa Âu Tây nhất là văn hóa Pháp để chánh quyền thuộc địa Pháp dễ cai trị. Phương tiện tạm thời và đương thời lúc bấy giờ là dùng chữ Quốc Ngữ thay thế chữ Hán và chữ Nôm. Chữ Quốc Ngữ trước đó đã được các giáo sĩ đạo Thiên chúa (Công Giáo) dùng để truyền đạo.
May mắn cho dân Việt ta, chữ Quốc Ngữ ích lợi và tiện lợi cho người dân Việt ngoài mong ước. Nó có những đặc tính:
Đơn giản và dễ học, chỉ cần một thời gian ngắn là một người bình thường có thể biết đọc và biết viết. Nó không khó khăn như chữ Hán và chữ Nôm.
Diễn tả hoàn toàn được Quốc Ngữ, ngôn ngữ của người Việt, vì nó tượng thanh.
Dùng mẫu tự La tinh như văn tự của các nước Âu Tây và viết được Hán ngữ với kỹ thuật bính âm dễ áp dụng.
Lợi dụng thời cơ nầy, ông Petrus Trương Vĩnh Ký tận dụng chữ Quốc Ngữ trong văn chương (sáng tác, biên khảo và dịch thuật) qua sách báo để không những truyền bá và phát huy văn hóa Âu Tây theo danh nghĩa đồng hóa hay khai hóa của thực dân Pháp mà ông còn truyền bá và phát huy văn hóa Á Đông của người Tàu và người Việt. Ông dùng ngôn từ bình dân của người Nam Kỳ trong văn chương của mình để người dân thường ở Nam Kỳ dễ hiểu và dễ tiếp thu. Ông muốn mọi người bình dân đều có thể học được cái hay và cái đẹp của văn hóa Đông Tây để nâng cao dân trí. Như vậy dân Nam Kỳ mới tiến bộ và trong tương lai đủ sức chống lại và đánh bại chánh quyền thuộc địa để tự lập chính quyền độc lập của người dân.
Khi bắt đầu chương trình của mình, ông Petrus Trương Vĩnh Ký cũng thấy Văn hóa nước Đại Nam ảnh hưởng từ văn hóa của Tàu lúc bấy giờ lạc hậu và khiếm khuyết rất nhiều, nhất là về phương diện Khoa học và Kỹ thuật. Nó chỉ gồm có triết lý Nho giáo bảo thủ và văn thơ cổ điển của “Kẻ sĩ”. Với văn hóa cũ nầy, người Việt không thể đánh bại được người Pháp về phương diện chính trị và quân sự để dành lại độc lập.
Đó là dự định và chương trình Văn hóa của một nhà Bác học thông thái văn hóa Đông Tây Petrus Trương Vĩnh Ký đã đem ích lợi cho người dân. Qua lời văn, ông còn biểu lộ tâm tánh hiền từ, thật thà và khiêm tốn.
Trong gần 35 năm, ông Petrus Trương Vĩnh Ký có 121 tác phẩm (đại đa số viết bằng chữ Quốc Ngữ và thiểu số viết bằng chữ Pháp) gồm có những Sáng tác, Biên khảo và Dịch thuật về Văn hóa Đông Tây. Ông Petrus Trương Vĩnh Ký còn thu dụng được 2 phụ tá đồng tình ý và chí hướng là bạn của ông, ông Paulus Huỳnh Tịnh Của và học trò của ông là ông Trương Minh Ký. Hai ông nầy cũng có nhiều tác phẩm Sáng tác, Biên khảo và Dịch thuật về Văn hóa Đông Tây như ông Petrus Trương Vĩnh Ký. Riêng ông Trương Minh Ký còn là một Thi sĩ.
Theo Văn Hóa Quốc Ngữ ở Nam Kỳ của Bằng Giang, ông Petrus Trương Vĩnh Ký là nhà Bác ngữ học.
Ông biết đọc và nói 15 sinh ngữ và tử ngữ Tây phương (Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, La Tinh, Ý, Hy Lạp…)
Ông biết viết 11 ngoại ngữ hầu hết thuộc miền Viễn Á và có viết sách giáo khoa dạy 9 ngoại ngữ Á châu (9 trong số 11 ngoại ngữ nầy): Trung Quốc, Indoustan (Ấn Độ), Tamoul (Nam Ấn Độ), Miến Điện, Xiêm (Thái Lan), Mã Lai, Cao Miên (Campuchia), Lào và Chiêm Thành. Để dạy mỗi thứ tiếng, ông soạn một bộ gồm 4 cuốn, tức là có tất cả 36 cuốn đều in thạch bản.
Tài ba về Văn hóa của ông Petrus Trương Vĩnh Ký đều được mọi người công nhận và khen ngợi. Học giả Nguyễn Văn Tố tóm tắt trong 3 tiếng: Bác học, Tâm thuật và Khiêm tốn.
Nhà văn Vũ Ngọc Phan viết:
Trong số những sách dịch thuật, khảo cứu và sáng tác của ông, người ta thấy những sách khảo cứu của ông là có giá trị hơn cả. Người ta thấy ông rõ là một nhà bác học có óc tổ chức và có phương pháp. (Trích từ bài “Trương Vĩnh Ký – wikipedia).
Linh mục Thanh Lãng viết:
Trương Vĩnh Ký không đạo mạo, không đài các, không cao kỳ; ông trai trẻ hơn, ông mới hơn… Và nhờ ông, câu văn Việt được giải phóng khỏi xiềng xích chữ Hán. Chủ trương của ông chính là “cách nói tiếng An Nam ròng” và “viết trơn tuột như lời nói”. Nếu đem phân tích theo ngữ pháp thì thấy lôi thôi nhưng so với văn xuôi khác ra đời sau ông 20, 30 năm, văn của ông vẫn còn hay hơn, mạch lạc khúc chiết hơn. (Trích từ bài “Trương Vĩnh Ký – wikipedia).
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi viết:
Những biên soạn của Trương Vĩnh Ký đã có những đóng góp quan trọng cho một số ngành khoa học đương thời, nhất là khoa ngôn ngữ học và khoa học lịch sử. Các sáng tác của Trương cũng nói lên ít nhiều cá tính một con người cần mẫn trong công việc, có cái nhìn tinh tế và óc tò mò trước sự vật, nhiều lúc có khả năng hài hước hóa mọi chuyện ở đời. (Trích từ bài “Trương Vĩnh Ký – wikipedia).
DANH NHÂN VĂN HÓA TRONG MÔI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ VÀ QUÂN SỰ
Ông Petrus Trương Vĩnh Ký với trí thông minh và tánh siêng năng đã đạt được tài ba về văn hóa và trở thành một Danh nhân. Tuy nhiên công trình Văn hóa của ông dù đem ích lợi cho người dân Việt cũng gặp phải nhiều khó khăn và riêng ông cũng bị hiểu lầm vì môi trường Chính trị quân sự trong thời gian và không gian nầy. Ông Petrus Trương Vĩnh Ký phải cố gắng rất nhiều mới giữ được một cuộc đời đúng đắn, trong sạch và sáng suốt trong khi thực hành chương trình Văn hóa của mình, không bị cấm hay gián đoạn trong khoảng gần 35 năm.
Sau khi ông qua đời, con cháu đã tìm được 1 bài thơ trong 1 cuốn sổ chép tay của ông Petrus Trương Vĩnh Ký. Bài thơ nầy được hậu thế cho là của ông làm ra và đặt cho nó tựa đề là “Tuyệt Bút Lúc Lâm Chung” mặc dù trong khi còn sống ông không được biết là có sáng tác thơ!
TUYỆT BÚT LÚC LÂM CHUNG
Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai
Xô đẩy người vô giữa cõi đời (*)
Học thức gởi tên con sách nát
Công danh rút cục cái quan tài (*)
Dạo hòn, lũ kiến men chân bước
Bò xối, con sùng chắc lưỡi hoài (*)
Cuốn sổ bình sinh công với tội
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai. (*)
(Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký)
1898
(*) Chú thích:
Có bản viết là “cuộc” thay vì là “cõi”.
Có bản viết là “rốt cuộc” thay vì là “rút cục”.
Có bản viết là “chắt” thay vì là “chắc”.
Có bản viết là “thưa khai” thay vì là “thừa khai”.
Bài thơ nầy, nhất là từ 2 câu cuối, gợi ý cho hậu thế lợi dụng để kết tội ông Petrus Trương Vĩnh Ký về phương diện Chính trị.
Dù ông sống dưới chính quyền nhà Nguyễn hay chính quyền thuộc địa Pháp, lịch sử đã cho thấy rõ ràng ông Petrus Trương Vĩnh Ký không hề có tội với dân Việt trên phương diện chính trị. Những luận điệu kết tội của những hậu sinh chỉ là chủ quan, không sáng suốt về thời gian và không gian của lịch sử cũng như bị ảnh hưởng bởi lý tưởng chính trị hay tôn giáo khác biệt.
* Thời Kỳ sống dưới chính quyền nhà Nguyễn (1858-1860)
Là một tín đồ đạo Thiên Chúa (Công Giáo), ông Petrus Trương Vĩnh Ký trở thành nạn nhân của phong trào đàn áp tàn bạo đạo Thiên Chúa của chính quyền nhà Nguyễn. Trong 63 năm (1820-1883), có tất cả 32 sắc chỉ của 3 vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức cấm và đàn áp đạo Thiên Chúa (đạo Gia Tô). Hậu quả là dưới triều vua nhà Nguyễn từ năm 1820 có hàng trăm ngàn tín đồ đạo Thiên Chúa (Công Giáo) bị giết hại, thương tật và tù tội.
Dưới sự bắt bớ và đàn áp đạo Thiên Chúa (Công Giáo) ở Cái Nhum, ông Petrus Trương Vĩnh Ký đã vất vả và liều mạng trốn lên Sài Gòn vào năm 1860. Từ đó ông mới thoát được khỏi phong trào đàn áp đạo Thiên Chúa (Công Giáo) của chính quyền quân chủ nhà Nguyễn vì từ năm 1860 thành phố Sài Gòn thuộc dưới quyền của chính quyền thuộc địa Pháp.
Tuy nhiên lịch sử đàn áp đạo Thiên Chúa (Công Giáo) kéo dài cho tới hết năm 1883.
Năm 1862: theo Hòa ước 1862, Nước Đại Nam phải để cho giáo sĩ Pháp và I Pha Nho được tự do vào giảng đạo và để dân gian được tự do theo đạo.
Năm 1874: có phong trào Bình Tây Sát Tả giết hại tín đồ đạo Thiên chúa của Trần Tấn và Đặng Như Mai ở Nghệ An.
Năm 1884: sau hòa ước 1884 mới có tự do tôn giáo hoàn toàn cho đạo Thiên chúa (Công Giáo) ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Sử gia Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu trong vòng hơn 20 năm nay (từ năm 1997) đã tuyên truyền rằng ông Petrus Trương Vĩnh Ký trong khi trốn chạy từ Cái Nhum lên Sài Gòn đã viết một lá thơ xin quân đội Pháp giết người Việt ở Nam Kỳ (1860) rồi ông Vũ Ngự Chiêu kết tội ông Petrus Trương Vĩnh Ký là “bán nước” và “đã góp phần trong cuộc xâm lăng Việt Nam của Pháp”. Ông Vũ Ngự Chiêu đã chỉ dựa trên bản dịch của một lá thơ ký tên “Petrus Key” mà không công bố toàn bộ nguyên văn bản chính viết bằng chữ Pháp của lá thơ nầy. Gần đây (năm 2018), Luật sư Winston Phan Đào Nguyên đã tìm ra bản chính của lá thơ “Petrus Key” nầy và chứng minh được rằng lá thơ nầy là giả mạo chứ không phải thật sự viết từ ông Petrus Trương Vĩnh Ký.
* Thời Kỳ sống dưới Chính quyền Thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ – Giai Đoạn 1 (1860-1886)
Những biến cố lịch sử của Chính quyền Thuộc địa Pháp và Chính quyền vua Nhà Nguyễn.
Ở Nam Kỳ:
Năm 1859-1867: Pháp đánh Nam Kỳ. Chiến tranh Việt Pháp chấm dứt với Hòa ước 1862 giữa Pháp và nhà Nguyễn, Pháp chính thức chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Phái bộ Phan Thanh Giản của nhà Nguyễn sang Pháp xin chuộc lại 3 tỉnh nầy nhưng thất bại. Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ (1867). Chính quyền thuộc địa Pháp trực tiếp và hoàn toàn cai trị Nam Kỳ. Chính quyền nhà Nguyễn không còn tồn tại ở Nam Kỳ.
Năm 1859-1875: Phong trào Kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ.
Ở Bắc Kỳ:
Năm 1873-1874: Pháp chiếm Hà Nội và 4 tỉnh Trung châu. Hòa ước 1874 được ký kết, nhà Nguyễn chính thức nhượng Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp. Pháp trả lại đất chiếm được ở Bắc Kỳ.
Năm 1882-1885: Pháp lại chiếm Hà Nội. Chiến tranh giữa liên quân Việt Tàu và quân Pháp ở Bắc Kỳ chấm dứt hoàn toàn sau Hòa ước Thiên Tân giữa Pháp và nhà Thanh (1885). Nhà Nguyễn ký hòa ước 1884 công nhận Pháp bảo hộ Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Pháp lập Liên bang Đông Dương: Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp; còn Bắc Kỳ và Trung Kỳ là lãnh thổ bảo hộ của Pháp. Chính quyền nhà Nguyễn ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ phải chịu dưới quyền bảo hộ của Chính quyền thuộc địa Pháp.
Những biến cố lịch sử của ông Petrus Trương Vĩnh Ký dưới Chính quyền thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ:
Năm 1862, ông được nhận vào dạy ở trường Thông Ngôn. Ông làm thông ngôn cho sứ thần Pháp thương thuyết cho hòa ước 1862.
Năm 1863, ông làm thông ngôn cho phái đoàn Pháp đi cùng với phái bộ Phan Thanh Giản của chính quyền nhà Nguyễn sang Pháp. Trong chuyến đi nầy ông gặp nhiều Danh nhân văn hóa ở Pháp, Bồ Đào Nha và Ý, và ông có yết kiến Giáo hoàng tại Roma.
Năm 1865, ông xin mở tờ Gia Định Báo thì được chấp thuận. Lúc đầu tờ Gia Định Báo phải do một Giám đốc người Pháp điều hành. Đến năm 1869, ông mới được làm Giám đốc điều hành tờ báo nầy và bạn ông, ông Paulus Huỳnh Tịnh Của, làm Chủ bút.
Năm 1866, ông xuất bản quyển sách chữ Quốc Ngữ đầu tiên của mình là “Chuyện Đời Xưa Lựa Nhón Lấy Những Chuyện Hay Và Có Ích”.
Năm 1866-1868, ông được bổ làm giáo sư dạy tiếng Pháp tại trường Thông Ngôn Sài Gòn.
Năm 1869, sau khi theo giúp phái đoàn Tây Ban Nha ký thương ước với triều đình Huế, ông có đi thăm Hồng Kông và Lưỡng Quảng.
Năm 1872, ông được Pháp phong hàm Tri huyện và phong chức Thư ký Hội đồng châu thành thành phố Chợ Lớn.
Năm 1874, ông làm giáo sư dạy chữ Pháp và Tây Ban Nha tại trường Hậu Bổ rồi là Đốc học trường nầy. Cùng năm đó, ông lãnh chức Ủy viên trong Hội đồng Giáo dục.
Năm 1874, ông được chọn đứng hàng thứ 17 trong 18 thành viên của hội ” Savants du Monde” (Hội “Những nhà Bác học của Thế giới”).
Năm 1876, ông đi thăm Bắc Kỳ sau khi Pháp đánh Bắc Kỳ (1873) và Hòa ước năm 1874 ký ở Bắc Kỳ. Sau đó ông viết và xuất bản sách “Chuyến Đi Bắc Kỳ Năm Ất Hợi (1876)”.
Năm 1877, ông được cử vào Ủy Viên Hội Đồng thành phố Sài Gòn.
Năm 1881, ông viết thư từ chối không vào quốc tịch Pháp.
Năm 1883 (ngày 17-5-1883) ông được Hàn Lâm Viện Pháp phong làm Viện sĩ (Officier d’Académie).
Trong giai đoạn 1 nầy (1860-1898), được chính quyền thuộc địa Pháp ủng hộ và trên danh nghĩa là công cụ đồng hóa hay khai hóa của Chính quyền thuộc địa Pháp; ông Petrus Trương Vĩnh Ký thực hành tích cực Chương trình Văn hóa của mình. Ông viết và làm báo (Gia Định Báo); sáng tác, phiên dịch và xuất bản sách và dạy học tại trường Thông Ngôn và Hậu Bổ cùng với 2 phụ tá là ông Paulus Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký.
Trong giai đoạn nầy, Chính quyền thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ đánh bại Chính quyền quân chủ Nhà Nguyễn và hoàn toàn cai trị Dân tộc và Lãnh thổ Nam Kỳ từ 2 Hòa ước ký giữa 2 Chính quyền vào năm 1862 và 1874. Công dân Petrus Trương Vĩnh Ký (cũng như Paulus Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký) thuộc về Chính quyền thuộc địa Pháp. Chính quyền quân chủ Nhà Nguyễn đã thua và bỏ rơi họ cũng như tất cả người dân Việt sống ở lãnh thổ Nam Kỳ.
Đối với chính quyền thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ, ông Petrus Trương Vĩnh Ký giữ bề ngoài là công cụ đồng hóa hay khai hóa của họ (tức là truyền bá văn hóa Âu Tây), lễ phép đối với họ, không cầu cạnh nhưng nhận những chức tước ở địa phương không có quyền lực được họ tự động ban thưởng để thực hiện dự định và chương trình Văn hóa của mình. Ông không hề dựa thế lực của chính quyền thuộc địa Pháp để hưởng lợi cho riêng mình và gia thuộc của mình hay làm “chó săn” đàn áp người dân Nam Kỳ. Ông từ chối khéo lời mời vào công dân Pháp (1881). Hơn nữa ông còn phải khôn khéo để chính quyền thuộc địa Pháp không nhìn thấy được mục đích khác cho tương lai của chương trình văn hóa của ông và các vị phụ tá. Ông Petrus Trương Vĩnh Ký không dùng phương tiện sách báo của mình để tuyên truyền chính trị cho Chính quyền thuộc địa Pháp lúc bấy giờ.
Đây là những ý kiến hữu lý mặc dù không hoàn toàn đầy đủ về ông Petrus Trương Vĩnh Ký của 2 học giả người Nam Kỳ.
Ông Vương Hồng Sển viết:
Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của là ba ông minh triết bảo thân, gần bùn mà chẳng nhuốm mùi bùn, không ham “đục nước béo cò” như ai, chỉ say đạo lý và học hỏi, sống đất Tào mà lòng giữ Hán, thác không tiếng nhơ, thấy đó mà mừng thầm cho nước nhà những cơn ba đào sóng gió còn hiếm người học trò cửa Khổng. (Trích từ bài “Trương Vĩnh Ký – wikipedia”).
Nhà văn Sơn Nam viết:
Ông Trương Vĩnh Ký từ khi đỗ đạt cho đến khi mất vẫn tỏ ra thân Pháp. Tuy nhiên người ở miền Nam không bao giờ khinh rẻ ông. Ông không gia nhập Pháp tịch; trước khi mất ông biết thân phận của học giả sống trong thời kỳ khó khăn. Ông này khi sanh tiền tuy là nhà nước tin cậy mặc dầu chớ chẳng hề ỷ thế mà hại quê hương, chỉ vẽ cho các quan Lang sa biết phong tục lễ nghĩa của con nhà An Nam, cho khỏi chỗ mích lòng nhau, làm cho mẹ gà phải thương con vịt. Đêm ngày lo đặt sách này dịch sách kia cho kẻ hậu sinh dễ học. Thiệt là quan thầy của cả và Nam Kỳ. Ngoài những tác phẩm biên khảo mang tính cách bác học, ông Trương Vĩnh Ký còn chú ý đến độc giả bình dân, lời văn theo lời ăn tiếng nói thông dụng lúc bấy giờ. “Chuyện Đời Xưa” của ông cùng là “Chuyện Giải Buồn” của Huỳnh Tịnh Của hãy còn được nhắc nhở. (Trích từ bài “Trương Vĩnh Ký – wikipedia”).
Trong hơn 15 năm (1859-1875) có Phong trào Kháng Pháp của một số người Nam Kỳ dùng vũ lực quân sự với mục đích đánh bại Chính quyền thuộc địa Pháp, chiếm lại lãnh thổ Nam Kỳ cho Chính quyền quân chủ Nhà Nguyễn. Phong trào nầy do những Sĩ phu (Nho giáo) hay cựu sĩ quan của nhà Nguyễn hướng dẫn và lãnh đạo chủ yếu là vì lòng Trung Quân (trung với vua nhà Nguyễn) mặc dù không được Chính quyền của vua Nhà Nguyễn công khai công nhận. Phong trào Kháng Pháp ở Nam Kỳ chỉ là thiểu số, không tổ chức, không kinh nghiệm quân sự, không thống nhất và liên kết, với vũ khí cũ và thô sơ và chỉ dựa trên tinh thần văn hóa Á Đông lỗi thời. Dĩ nhiên là phong trào Kháng Pháp nầy phải thất bại. Nó tạo ra những anh hùng liệt sĩ lãnh đạo hy sinh vì nước lưu danh hậu thế như ông Trương Công Định hay ông Thủ Khoa Huân nhưng nó gây tai hại cho hàng ngàn thường dân Nam Kỳ lúc bấy giờ theo hay không theo phong trào Kháng Pháp phải bị sát hại, thương tật và tù đày vì chiến tranh, thù hận và trừng phạt.
Ông Petrus Trương Vĩnh Ký không phò tá chính quyền thuộc địa Pháp về quân sự hay ngoại giao để đánh dẹp phong trào Kháng Pháp nầy ở Nam Kỳ như Tôn Thọ Tường hay Trần Bá Lộc với mục đích tư lợi hoặc trả thù (của một tín đồ Công Giáo đã bị chính quyền vua nhà Nguyễn đàn áp).
Ông Petrus Trương Vĩnh Ký hoàn toàn không có tham gia Phong trào Kháng Pháp ở Nam Kỳ trong thời kỳ nầy. Ông là một người không có sức mạnh và không là một võ sĩ, không có tài ba và kinh nghiệm quân sự và có lẽ là một người sáng suốt thấy rõ cái tai hại và vô ích của phong trào Kháng Pháp cũng như ông chấp nhận là tham sống sợ chết như con người thông thường thay vì là thành những anh hùng liệt sĩ Kháng Pháp. Ông cũng biết là phải sống sót để thực hiện công trình Văn hóa của mình.
Đây là lời một phê bình không hợp lý của Sử gia Trần Văn Giàu:
Khi mà kẻ xâm lược và kháng chiến đang chọi nhau trên chiến trường Thắng-Bại chưa ngã ngũ hẳn, khi ấy thì ai đứng hẳn về phe kẻ địch (của dân tộc Việt Nam) thì nhà chép sử nào, dù có rộng xét mấy cũng không thể lấy bất kỳ số sách vở sáng tác hay phiên dịch nào để biện bạch và giảm nhẹ trách nhiệm tinh thần của một dân nước, nhất là của một “Kẻ Sĩ” (chỉ Trương Vĩnh Ký). (Trích từ bài “Trương Vĩnh Ký – wikipedia”).
Gần đây lại có một ý kiến đã chủ quan thổi phòng và viết thêm để kết tội ông Petrus Trương Vĩnh Ký liên quan tới việc Chính quyền thuộc địa Pháp đánh Bắc Kỳ.
Tác giả bài “Trương Vĩnh Ký của Wikipedia” viết:
Năm 1876, Thống đốc Nam Kỳ Duperré (Dupré ?) cử ông (Petrus Trương Vĩnh Ký) ra Bắc Kỳ tìm hiểu tình hình miền Bắc. Khi về Sài Gòn, ông viết cuốn “Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876)”. Trong đó mô tả tài nguyên Bắc Kỳ đồng thời kêu gọi Pháp nên giành lấy xứ nầy như đã làm với Nam Kỳ.
Trong cuốn sách nầy, ông Petrus Trương Vĩnh Ký có mô tả Tài nguyên Bắc Kỳ nhưng không có viết câu nào kêu gọi chính quyền thuộc địa Pháp nên giành Bắc Kỳ. Đây là sách công khai xuất bản chứ không là “mật thám” cho Pháp. Hơn nữa, chính quyền thuộc địa Pháp đã đánh Bắc Kỳ 3 năm trước đó (1873).
Sau khi hoàn toàn chiếm Nam Kỳ (1867), Chính quyền thuộc địa Pháp đã muốn chiếm Bắc Kỳ để tiện cho việc Thương mại (Buôn bán) nhất là với miền Nam nước Tàu. Thống đốc Nam Kỳ là Hải quân Thiếu tướng Dupré đã từ lâu có ý định nầy. Sau khi thám hiểm trong hơn 1 năm và thấy đường sông Cửu Long không thể áp dụng được cho việc thông thương, Thống đốc Dupré nghĩ tới đường sông Hồng Hà từ kinh nghiệm của Thương gia người Pháp tên là Jean Dupuis (tên Việt là Đồ Phổ Nghĩa).
Việt Nam Sử Lược (quyển II, trang 280) viết:
Đến khi Millot (người cộng tác với Đồ Phổ Nghĩa ở Bắc Kỳ) về Sài Gòn kể công chuyện ở Bắc Kỳ, Thiếu tướng lại điện về Paris nói rằng: “Việc Đồ Phổ Nghĩa ở Bắc Kỳ đã thành công rồi. Cần phải lấy xứ Bắc Kỳ và giữ lấy con đường thông sang Tàu. Không cần phải viện binh. Thành công chắc lắm.”
Ngay sau đó (năm 1873), Thống đốc Nam Kỳ Tướng Dupré sai Đại úy Francis Garnier đem quân ra Bắc Kỳ. Garnier chiếm Hà Nội và 4 tỉnh ở Trung châu. Chính quyền nhà Nguyễn nghị hòa và được Chính quyền thuộc địa Pháp đồng ý khi Garnier bị phục binh giết chết ở Cầu Giấy. Hòa ước 1874 ký giữa 2 bên có những điều khoản chú trọng với Kinh doanh Thương mại theo ý của chính quyền thuộc địa Pháp. Đây là những điều khoản trích từ Việt Nam Sử Lược (quyển II, trang 287):
Khoản XI: Vua nước Nam phải mở cửa Thị Nại (Qui Nhơn), cửa Ninh Hải (Hải Phòng), thành Hà Nội và sông Hồng Hà cho ngoại quốc vào buôn bán.
Khoản XIII: Nước Pháp được quyền đặt Lĩnh sự ở các cửa bể và các thành thị đã mở cho ngoại quốc vào buôn bán (Sau đó có tòa Lĩnh sự Pháp ở Hà Nội và ở Hải Phòng của Bắc Kỳ).
Khoản XV: Người nước Pháp hay là người ngoại quốc hễ có giấy thông hành của quan Lĩnh sự Pháp và có chữ quan Việt Nam phê nhận thì được phép đi xem các nơi ở trong nước.
Là người Nam Kỳ, ông Petrus Trương Vĩnh Ký muốn đi thăm Bắc Kỳ để viết sách khảo cứu vào năm 1876 thì phải có giấy thông hành của Chính quyền thuộc địa ở Nam Kỳ theo đúng Hòa ước 1874. Cuốn sách nầy của ông Petrus Trương Vĩnh Ký (năm 1876) chỉ chú trọng tới Tài nguyên ở Bắc Kỳ. Nó không phải là nguyên nhân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất trước đó (1873) và lần thứ nhì (1882) sau đó. Kinh doanh Thương mại (Buôn bán), nhất là với Tàu theo sông Hồng, là nguyên nhân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất và cũng là nguyên nhân chánh Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhì (1882).
Về nguyên nhân Chính quyền thuộc địa Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhì (1882), Việt Nam Sử Lược (quyển II, trang 295) viết:
Vả về sau, sự cai trị ở Nam Kỳ đã thành nếp, giặc giã đã yên cả; ở bên Pháp thì thế lực đã mạnh, và đã có nhiều người bàn đến việc bên Viễn Đông nầy và việc bảo hộ ở Bắc Kỳ. Lại nhân có những nước I-ta-ly, I-pha-nho, Anh-cát-lợi và Hoa Kỳ muốn sang thông thương với nước Nam mà có ý không muốn chịu để quan Pháp phân xử những việc can thiệp đến người những nước ấy.
Tháng 6 năm Kỷ Mão (1879), Thống đốc Nam Kỳ mới là Le Myre de Vilers (không thuộc quân đội) sang nhậm chức ở Sài Gòn.
Ở Bắc Kỳ thì người Pháp đã ra vào buôn bán, nhưng vì quan ta không biết lo sự khai hóa, việc thông thương không được tiện lợi nhưng ở mạn Thượng du thì quân Cờ Đen tuy là mượn tiếng theo lệnh quan ta nhưng kỳ chúng làm gì cũng không ai ngăn cấm được. Bởi vậy chính phủ Pháp mới lấy những điều đó mà trách quan ta và sai quan đem quân ra Bắc Kỳ (1882), lấy cớ nói ra mở mang sự buôn bán, kỳ thực là ra kinh doanh việc (buôn bán) ở vùng ấy (Bắc Kỳ).
* Thời Kỳ sống dưới Chính quyền Bảo hộ Pháp ở Huế (Trung Kỳ) – Giai Đoạn 2 (1886)
Những biến cố lịch sử của Chính quyền Bảo hộ Pháp và Chính quyền vua Nhà Nguyễn.
Ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ:
Sau khi vua Tự Đức chết (1883), 2 quan Phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường thao túng triều đình Huế, giết vua Dục Đức và vua Hiệp Hòa và giết quan Phụ chính Trần Tiễn Thành. Sau đó vua Kiến Phúc rồi vua Hàm Nghi chỉ là bù nhìn, được 2 quan Phụ chính nầy lập làm vua. Quân nhà Nguyễn thua ở Bắc Kỳ và chiến tranh ở Bắc Kỳ chấm dứt ở Bắc Kỳ sau hòa ước 1884.
Năm 1885, Phụ chính Tôn Thất Thuyết giận quan Pháp ở Huế, khởi binh đánh đồn Mang Cá của quân Pháp ở Huế nhưng bị thua. Ông đem vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở và truyền hịch Cần Vương rồi tự mình trốn lánh sang Tàu. Phong trào Cần Vương bắt đầu với sĩ dân kháng Pháp rãi rác tạo nên chiến tranh khắp nơi ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ.
Pháp lập vua chủ hòa Đồng Khánh và vào cuối tháng 1-1886 chính quyền Pháp ở Paris cử một văn thần là Paul Bert sang làm Khâm sứ Trung Kỳ và Bắc Kỳ (An Nam et Tonkin). Paul Bert chủ trương nghị hòa với vua cũ là Hàm Nghi và dùng chính sách hòa giải ngoại giao và khai hóa để chấm dứt chiến tranh và ổn định Trung Bắc Kỳ. Quân Pháp ngưng tấn công nghĩa quân Cần Vương. Vua Đồng Khánh và sau đó Đại thần Hoàng Kế Viêm (người đã cầm đầu quân nhà Nguyễn đánh Pháp ở Bắc Kỳ trước năm 1885) cố gắng nghị hòa với vua Hàm Nghi, với các sĩ quan theo phò tá và với các sĩ phu lãnh đạo phong trào Cần Vương (như ông Phan Đình Phùng) để chấm dứt chiến tranh vũ lực của phong trào Cần Vương nhưng việc không thành.
Ngày 11-11-1886, Khâm sứ Paul Bert đột ngột qua đời vì bệnh Kiết lỵ (Dysenterie). Việt Nam Sử Lược (quyển II, trang 330) viết:
Thống đốc Paul Bert ở Huế đến cuối trung tuần tháng 4-1886 lại ra Hà Nội, rồi một mặt thì lo đánh dẹp, một mặt thì mở Pháp Việt học đường, lập Thương Nghiệp cục, đặt lệ đồn điền. Chủ ý của Thống đốc là muốn khai hóa đất Bắc Kỳ cho chóng được thạnh lợi. Nhưng cũng vì Thống đốc phải lo nghĩ nhiều việc, vả lại nay đi kinh lược chỗ nầy mai đi kinh lược chỗ nọ, thành ra khí lực suy nhược đi, cho nên mới cảm bệnh nặng, đến ngày Rằm tháng 10 năm Bính Tuất (11-11-1886) thì mất.
Những biến cố lịch sử của ông Petrus Trương Vĩnh Ký dưới Chính quyền bảo hộ Pháp ở Trung Kỳ:
Năm 1886 (cuối tháng 1), Paul Bert (Nghị sĩ, Hội viên Hàn Lâm, Bác học gia Sinh vật học và cựu Bộ trưởng Giáo dục) được cử sang làm Khâm sứ Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Vốn là bạn từ trước nên Paul Bert mời ông Petrus Trương Vĩnh Ký, một người Nam Kỳ (thuộc địa Pháp) ra Huế giúp việc. Khoảng đầu tháng 6-1886, ông Petrus Trương Vĩnh Ký ra Huế thì được vua Đồng Khánh phong chức Cơ Mật viện Tham tá sung Hàn Lâm viện Thị giảng Học sĩ. Hàn Lâm viện điều hành về Văn hóa và văn học.
Sau khi Paul Bert đột ngột qua đời 5 tháng sau đó (tháng 11-1886), ông Petrus Trương Vĩnh Ký bỏ về Nam Kỳ. Phong trào Cần Vương tiếp tục kéo dài trong hơn 10 năm sau đó cho tới năm 1895.
Ông Petrus Trương Vĩnh Ký đã thực hiện chương trình Văn hóa của mình dưới sự chấp thuận và đúng theo chương trình khai hóa và đồng hóa của Chính quyền thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ trong 20 năm (1865-1885). Ông thấy hậu quả thất bại, gây tai hại cho người dân, và không thức thời của chiến dịch quân sự từ phong trào Kháng Pháp Cần Vương do giới sĩ phu lãnh đạo. Khâm sứ Paul Bert chủ trương khai hóa ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ và ông chủ hòa với vua cũ là Hàm Nghi cũng như với các quan lại và sĩ phu trong phong trào Cần Vương. Khâm sứ Paul Bert và vua Đồng Khánh hứa sẽ dùng họ trong chính quyền của nhà Nguyễn chứ không trừng phạt hay sát hại. Chủ trương của Paul Bert là đúng với tâm chí của ông Petrus Trương Vĩnh Ký, một người của thuộc địa Nam Kỳ, không phải là dân của Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Paul Bert còn chủ trương mở rộng quyền hành của chính quyền nhà Nguyễn (dĩ nhiên phải tuân theo chính sách khai hóa và hòa bình của chính quyền bảo hộ Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ). Ông Petrus Trương Vĩnh Ký được Paul Bert mời ra Huế làm việc chứ không tự nguyện hay tình nguyện.
Khác với tình trạng ở Nam Kỳ trước đó, ông Petrus Trương Vĩnh Ký bắt buộc phải làm việc với chính quyền nhà Nguyễn (Triều đình Huế) vì vua Đồng Khánh, đồng ý với chính sách của ông Paul Bert, đã bổ nhiệm ông Petrus Trương Vĩnh Ký vào Cơ Mật Viện của triều đình. Nhiệm vụ của ông Petrus Trương Vĩnh Ký là làm chắc chắn chính sách chủ hòa và nhất là khai hóa của Paul Bert cũng được chính quyền nhà Nguyễn hưởng ứng và thực hiện. Vua Đồng Khánh rồi Đại thần Hoàng Kế Viêm cố gắng nghị hòa với vua Hàm Nghi và các sĩ quan lãnh đạo phong trào Cần Vương nhưng chưa thành công. Riêng ông Petrus Trương Vĩnh Ký phải tư vấn thay đổi một số quan lại ở triều đình cho đúng với chính sách hòa bình và khai hóa. Trong giai đoạn 6 tháng nầy, ông Petrus Trương Vĩnh Ký đã gặp nhiều khó khăn và hiểu lầm nhiều nhất trong suốt gần 35 năm thực hiện công trình Văn hóa của mình.
Sau khi Khâm sứ Paul Bert qua đời, ông Petrus Trương Vĩnh Ký từ bỏ quan chức bổng lộc mà trở về Nam Kỳ sống chật vật tiếp tục công trình Văn hóa của mình ở Nam Kỳ. Ông không tham quyền cố vị mà nịnh bợ chính quyền bảo hộ Pháp cũng như vua nhà Nguyễn. Ngoài những tư vấn ở triều đình Huế trong giai đoạn 6 tháng nầy, ông Petrus Trương Vĩnh Ký chưa phát động được chương trình Văn hóa cũng như ông không có liên hệ gì tới phong trào Cần Vương (thuộc phương diện chính trị và quân sự). Chính quyền bảo hộ Pháp và các nhà lãnh đạo Chính trị của Chính quyền vua nhà Nguyễn (như vua Đồng Khánh và các Đại thần Hoàng Kế Viêm và Nguyễn Thân) nghị hòa rồi giao chiến với các lãnh tụ của phong trào Cần Vương (như vua Hàm Nghi, ông Phan Đình Phùng…) sau khi ông Petrus Trương Vĩnh Ký đã từ chức.
Tuy nhiên ông Petrus Trương Vĩnh Ký cũng bị nói xấu và kết tội từ những Sử gia hiện đại đã mượn thời cơ từ giai đoạn 6 tháng nầy (từ tháng 6 đến tháng 11-1886) với những luận điệu chỉ trích chủ quan, chỉ thổi phòng hay từ tưởng tượng; dễ gây hiểu lầm của quần chúng hậu sinh không hiểu rõ về ông Petrus Trương Vĩnh Ký và việc đã làm của ông ở Nam Kỳ trong hơn 20 năm trước đó (1865-1885) cũng như không thấy rõ tình hình chính trị trong giai đoạn lịch sử nầy ở Huế, Trung Kỳ (An nam) và Bắc Kỳ.
Đây là những luận điệu chủ quan từ bài “Trương Vĩnh Ký – wikipedia”:
Ông Petrus Ký coi phong trào Cần Vương là dân phiến loạn không hiểu thời cuộc.
Ông Petrus Ký cho rằng về phương diện chính trị và kinh tế, nước Pháp là người đi đồng hóa còn người An nam là kẻ chịu đồng hóa.
Ông Petrus Ký tin rằng việc người Pháp tấn công Việt Nam là một “sứ mệnh mà Thiên Chúa giao phó”. Và người Pháp với tư cách là “chủ nhân”, cần giảng dạy người An nam những tư tưởng và khái niệm cần thiết cho việc cải tạo người An Nam.
Ông Petrus Ký tư vấn Paul Bert ép vua Đồng Khánh nhượng cho Pháp khu đất giữa trấn Bình Đài và Linh Hựu Quán để xây thêm doanh trại, đồn bót, nhà thương và kho hậu cần…
Và đây là nguyên văn luận điệu chủ quan của Sử gia Trần Huy Liệu:
Về phẩm cách cá nhân của một sỹ phu lúc ấy, không phải chỉ nhìn ở sinh hoạt thông thường mà chủ yếu là phải lấy thái độ đối với dân tộc, đối với giặc cướp nước làm tiêu chuẩn. Là người học rộng, Trương không làm tay sai như kiểu Trần Tử Ca, Trần Bá Lộc… mà đóng vai trò mưu sĩ bày cho giặc (Pháp) những thủ đoạn thâm trầm dùng người bản xứ trị người bản xứ, dùng danh nghĩa Nam triều (nhà Nguyễn) để đánh nghĩa quân. Cái học vấn của Trương càng uyên bác bao nhiêu thì tác hại của Trương càng lớn bấy nhiêu… (Trích từ bài “Trương Vĩnh Ký” – wikipedia)
* Thời Kỳ sống dưới Chính quyền Thuộc địa Pháp – Giai Đoạn 3 (1887-1898)
Những biến cố lịch sử của Chính quyền Thuộc địa Pháp và Chính quyền vua nhà Nguyễn:
Năm 1886-1895: Phong trào Cần Vương ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Những biến cố lịch sử của Cá nhân Petrus Trương Vĩnh Ký dưới Chính quyền thuộc địa Pháp:
Từ năm 1887, ông Petrus Trương Vĩnh Ký về sống cuộc đời của một thường dân Nam Kỳ không dư dả ở Sài Gòn và tiếp tục Chương trình văn hóa của mình với 2 ông Paulus Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký. Ông tiếp tục dạy học ở trường Thông Ngôn Hậu Bổ, viết báo (Gia Định báo và Thông Loại Khóa Trình) và xuất bản sách. Việc viết và xuất bản sách của ông gặp khó khăn về tài chánh vì phải tự lập và không còn được Pháp hỗ trợ. Nguyệt san tư nhân Thông Loại Khóa Trình của ông phải đóng cửa sau khi chỉ ra được 18 số (9 tháng) vì thiếu tiền.
Ngày 1-9-1898, ông Petrus Ký qua đời vì bệnh, thọ 62 tuổi. Mộ phần và nơi thờ phượng ở chỗ nhà ở, gần nhà thờ Chợ Quán, ở góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng.
Trong giai đoạn 3 nầy (1887-1898), ông Petrus Trương Vĩnh Ký không còn bị hậu sinh chỉ trích vì ông không còn liên hệ chính trị với Chính quyền thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ. Phong trào Cần Vương xảy ra ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ xa xôi trong khi Nam Kỳ không có chiến tranh và biến loạn.
DANH NHÂN VĂN HÓA VÀ CÔNG NGHIỆP
* “Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ Quốc Ngữ”
Trong gần 35 năm vào hậu bán thế kỷ 19, dù trong một môi trường Chính trị và quân sự rất khó khăn và phức tạp, ông Petrus Trương Vĩnh Ký đã cùng 2 ông Paulus Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký để lại một công nghiệp Văn hóa to lớn đem ích lợi cho người dân Việt (nhất là người Nam Kỳ) bằng cách khởi đầu và tận dụng chữ Quốc ngữ qua sách báo. Văn hóa Âu Tây cũng như Á Đông được truyền bá và phát huy. Ông còn dùng ngôn ngữ bình dân của người Nam Kỳ trong văn chương để tất cả người dân thường ở Nam Kỳ dễ hiểu và dễ tiếp thu. Ông muốn mọi người bình dân đều có thể học được cái hay và cái đẹp của văn hóa Đông Tây để nâng cao dân trí. Như vậy người dân mới tiến bộ và trong tương lai đủ sức chống lại và đánh bại chánh quyền thuộc địa để tự lập chính quyền độc lập của người dân.
Khi bắt đầu công trình của mình, ông Petrus Trương Vĩnh Ký cũng thấy Văn hóa nước Đại Nam của Chính quyền quân chủ nhà Nguyễn ảnh hưởng từ văn hóa của Tàu lúc bấy giờ lạc hậu và khiếm khuyết rất nhiều nhất là về mặc Khoa học và Kỹ thuật. Với văn hóa cũ nầy, người Việt không thể đánh bại được người Pháp về phương diện chính trị và quân sự để dành lại độc lập qua phong trào Kháng Pháp Cần Vương. Do đó ông Petrus Trương Vĩnh Ký đã sáng suốt mượn thời cơ khi Chính quyền thuộc địa Pháp muốn khai hóa hay đồng hóa người dân Nam Kỳ theo Âu Tây mà thực hiện được công trình của mình một cách khôn khéo trong gần 35 năm.
Sau ông Petrus Trương Vĩnh Ký và 2 phụ tá của ông, trong tiền bán thế kỷ 20 cũng có những Chương trình Văn hóa cùng ý hướng dựa trên chữ Quốc Ngữ.
Năm 1906-1908, Phong trào Duy Tân của ông Phan Châu Trinh (và Đông Kinh Nghĩa Thục) áp dụng một chương trình văn hóa ở Bắc Kỳ giống như ông Petrus Trương Vĩnh Ký. Tiếc thay phong trào thất bại vì chính quyền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ đã khám phá ra được thâm ý chính trị của nó. Sau nầy khi sang Pháp rồi về nước ở Nam Kỳ (1925), ông Phan Châu Trinh cũng có cùng một chí hướng như ông Petrus Trương Vĩnh Ký nhưng nhấn mạnh nhiều tới mục đích chính trị của việc nâng cao dân trí.
Đông Dương tạp chí (1913-1919) và Nam Phong tạp chí (1917-1934) ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ cũng có cùng công trình văn hóa giống như của ông Petrus Trương Vĩnh Ký đã làm hàng chục năm trước đó ở Nam Kỳ.
Gần 20 năm sau khi ông Petrus Trương Vĩnh Ký qua đời, ông Nguyễn Văn Vĩnh của Đông Dương tạp chí cũng cùng ý chí như ông Petrus Trương Vĩnh Ký khi ông nói:
Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ Quốc Ngữ.
Công nghiệp văn hóa của ông Petrus Trương Vĩnh Ký là khởi đầu giúp ích cho người dân Nam Kỳ và Việt Nam trưởng thành về Dân trí rồi 50 năm sau (bắt đầu hậu bán thế kỷ 20) dành lại độc lập từ chính quyền thuộc địa Pháp khi thời cơ chín mùi. Đây là một công nghiệp ích nước lợi dân.
Khi chưa có Chính quyền dân chủ (mà chỉ có Chính quyền quân chủ của vua nhà Nguyễn và chính quyền thuộc địa của Thực Dân Pháp trong lúc đó), làm ích lợi cho dân là nâng cao dân trí để người dân trưởng thành dành độc lập lãnh thổ và lập Chính quyền Dân chủ chính là thể hiện lòng ái quốc làm ích lợi cho quốc gia vậy. Một quốc gia gồm có Dân tộc, Lãnh thổ và Chính quyền; giúp ích cho Dân tộc trong lúc đó và nhờ đó Dân tộc trưởng thành và dành lại Chính quyền và Lãnh thổ trong tương lai chính là hành vi Ái quốc. Đó là hành vi của ông Petrus Trương Vĩnh Ký và 2 phụ tá đồng sự là ông Paulus Huỳnh Tịnh Của và ông Trương Minh Ký. Như vậy thì làm sao người dân Việt, sau khi dành lại lãnh thổ và chính quyền, có thể kết tội cho ông Petrus Trương Vĩnh Ký là phản quốc được?
* “Sic Vos Non Vobis” (Không phải cho Tôi)
Tình ý và chí hướng làm lợi ích cho dân Việt của ông Petrus Trương Vĩnh Ký được thể hiện qua Câu văn của ông viết trong bức thơ bằng chữ La tinh gởi cho bạn mình, Bác sĩ Alexis Chavanne (vào tháng 10, năm 1887).
Nguyên bản tiếng La tinh:
Unum et unicum quaero, esse sulicet posse utilem, quamvis dicendum sit: Sic vos non vobis. Haec est mea sors et consolatio.
Dịch bản tiếng Pháp của Barquissau:
La seule et unique chose que je cherche, c’est de pouvoir être utile, quoiqu’il faille dire: “sic vos non vobis”. Tel est mon sors et ma consolation.
Từ nhiều năm nay có 2 Dịch bản sai nghĩa và thêm nghĩa của Khổng Xuân Thu:
Dịch bản 1: Điều duy nhất và đơn độc (về chính trị) mà tôi tìm kiếm, là có ích đúng như câu châm ngôn La tinh: “Sic vos non vobis (Ở với họ mà không theo họ)”. Đó là định mệnh của tôi và điều tự nhủ chính bản thân tôi.
Dịch bản 2: Điều độc nhất mà tôi tiến đến là làm sao giúp ích, làm sao để thực hành câu “theo họ nhưng không lệ thuộc họ” (sic vos non vobis). Đó là số phận của tôi, là điều an ủi của tôi.
Gần đây mới có 1 Dịch bản đúng nghĩa của Winston Phan Đào Nguyên:
Điều duy nhứt mà tôi theo đuổi là làm sao thành có ích, tuy phải nói thêm rằng: (ích lợi đó) không phải cho tôi. Đó là số phần và niềm an ủi của tôi.
Khổng Xuân Thu đã dịch 2 lần hoàn toàn sai phần chánh yếu “Sic vos non vobis”:
Sic vos non vobis = Ở với họ mà không theo họ
= Theo họ nhưng không lệ thuộc họ
Họ = ám chỉ Thực dân Pháp)
Từ phần dịch sai lầm nầy của Khổng Xuân Thu, hậu thế chỉ chú trọng tới sự liên hệ giữa ông Petrus Trương Vĩnh Ký và chánh quyền thuộc địa Pháp. Từ đó sinh ra những tranh cãi thiển cận và không thực tế về “Cá nhân Petrus Trương Vĩnh Ký trong môi trường chính trị”. Qua những dữ kiện lịch sử đã nêu ra trong bài nầy, chúng ta đã thấy là sự liên hệ của ông Petrus Trương Vĩnh Ký với chính quyền thuộc địa Pháp không có gì sai lầm như những phê phán kết tội một cách thiển cận của nhiều hậu sinh trong khi ông thực hành công trình văn hóa có ích cho dân chúng của mình . Tâm tình và công nghiệp của một nhà Bác học như ông Petrus Trương Vĩnh Ký còn cao cả và sâu rộng hơn nhiều.
Winston Phan Đào Nguyên dịch đúng đắn và chính xác phần chánh yếu “Sic vos non vobis”:
Sic vos non vobis = (ích lợi đó) không phải cho tôi.
Với câu đó, Winston Phan Đào Nguyên muốn nhấn mạnh tới công trình văn hóa ích lợi cho dân chúng và cho quốc gia trong lúc đó và trong tương lai của ông Petrus Ký.
“Ích lợi đó không phải cho tôi” chính là tình ý và chí hướng không ích kỷ của ông Petrus Trương Vĩnh Ký. Ông Petrus Trương Vĩnh Ký không tự mình mà còn biết dùng 2 người đồng sự cùng tình ý và chí hướng là ông Paulus Huỳnh Tịnh Của và ông Trương Minh Ký. Cái công nghiệp văn hóa ích lợi cho dân cho nước của 3 ông khởi đầu từ bậc Thầy là ông Petrus Trương Vĩnh Ký.
Tuy không phải là một giáo sĩ truyền đạo và sống đời mình trong một xã hội với phong tục Nho giáo nhưng cũng là một tín đồ chân chính của Công Giáo, ông Petrus Ký đã sống đúng theo câu trong kinh Hòa Bình của Thánh Francis:
Lạy Chúa từ nhân, xin cho Con biết mến thương và phụng sự Chúa trong mọi người
Lạy Chúa, xin hãy dùng Con như khí cụ bình an của Chúa.
Thiện tâm bác ái của Công Giáo không khác gì Đức Nhân (thương người) của Nho Giáo và Trí tuệ Từ bi của Phật Giáo.
KẾT LUẬN
Trong cùng thời với ông Petrus Trương Vĩnh Ký có nhiều Danh nhân chính trị quân sự (xấu hay tốt) như:
Văn quan võ tướng trung với vua nhà Nguyễn (thí dụ: Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Trương Công Định…).
Sĩ phu trung quân báo quốc (thí dụ: Thủ Khoa Huân).
Kẻ Sĩ yêu nước từ thơ văn (thí dụ: Nguyễn Đình Chiểu và Thủ Khoa Nghĩa).
Gian thần theo Pháp làm hại dân chúng (thí dụ: Trần Bá Lộc).
Nịnh thần theo Pháp (thí dụ: Tôn Thọ Tường).
Riêng ông Petrus Trương Vĩnh Ký chỉ là một Danh nhân văn hóa trong guồng máy chính trị và quân sự mà thôi. Tuy vậy ông vẫn sống một cuộc đời sáng suốt, đúng đắn, trong sạch và hiền từ. Hậu thế thấy rõ ràng điều nầy và kính mến ông.
Trong suốt cuộc đời của mình, ông Petrus Trương Vĩnh Ký chỉ là một người thường dân đem kiến thức Văn hóa của mình để giúp ích cho Dân tộc của mình trong cơn biến loạn và thất thế của nước nhà. Hậu thế thấy rõ ràng điều nầy và ghi nhận công ơn của ông.
Vào hậu bán thế kỷ 20, những Chí sĩ hay Nhà cách mạng thành công dành lại độc lập cho nước nhà cũng như những Học giả trí thức thành danh nhờ chữ Quốc Ngữ cũng phải cảm tạ cái công ơn ông Petrus Trương Vĩnh Ký đã sơ khai dùng chữ Quốc Ngữ nâng cao dân trí hơn 50 năm về trước.
Dù sao chỉ có hậu sinh sáng suốt mới nhận định được công trình sáng suốt và kính mến đức độ của ông Petrus Trương Vĩnh Ký. Sự sáng suốt nầy có được khi hậu sinh không bị thiên lệch và chủ quan vì lý tưởng cũng như về thời gian và không gian. Những người Nam Kỳ trong thời Pháp thuộc và những người sống ở Miền Nam trong thời VNCH dễ có ý kiến nhận định sáng suốt về ông Petrus Trương Vĩnh Ký. Mong rằng hậu sinh ngày nay trong và ngoài nước có sự sáng suốt vượt qua khỏi lý tưởng chủ quan và suy nghĩ thích hợp với thời gian và không gian.
PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Tài Liệu Tham Khảo:
Trương Vĩnh Ký – Wikipedia
Minh Oan Cho Petrus Trương Vĩnh Ký (Winston Phan Đ Nguyên) – phanthuonghai.com
Petrus Key và Petrus Ký – Chuyện Một Lá Thư Mạo Danh Trương Vĩnh Ký Vào Thế Kỷ 19 (Winston Phan Đào Nguyên) – phanthuonghai.com
Văn Học Quốc Ngữ Ở Nam Kỳ 1865-1930 (Bằng Giang) – Nhà Xuất Bản Trẻ xuất bản (1998).
Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim) – Bộ Giáo Dục Trung Tâm Học Liệu xuất bản. In lại từ Đại Nam CO, Glendale CA USA.
Trương Vĩnh Ký và Trương Minh Ký (Phan Thượng Hải) – phanthuonghai.com
Chuyện Khôi Hài Cổ Điển từ Petrus Ký (Phan Thượng Hải) – phanthuonghai.com
Trương Vĩnh Ký 1837-1898 (Khổng Xuân Thu) – Tân Việt xuất bản (Sài Gòn 1954).
Thư ông Trương Vĩnh Ký – Diễn Đàn Thế Kỷ.