Petrus Ký trong dòng văn hoá dân tộc
Trần Thạnh, PhD
(Viết lại từ bài thuyết trình ngày 24 tháng 6 năm 2018 trong buổi phát hành Tập san số 12 của Nhóm Nghiên Cứu Văn Hoá Đồng Nai và Cửu Long)
Kính thưa Quý vị, các anh chị, và các bạn,
Thật là một vinh dự lớn cho tôi khi được đóng góp ý kiến của mình về nhân vật lịch sử đặc biệt Petrus Trương Vĩnh Ký trong buổi phát hành Tập san số 12 của Nhóm Nghiên cứu Văn hoá Đồng Nai & Cửu Long. Tôi xem đây là một vinh dự vì Trương Vĩnh Ký là học giả có thể nói là uyên bác và danh tiếng vào bậc nhất trong dòng văn hoá dân tộc. Nhưng tôi cũng biết đây là một việc làm vô cùng khó khăn, vì cuộc đời của ông phức tạp, nhiều chi tiết lịch sử hiện nay vẫn chưa rõ ràng do tài liệu khiếm khuyết.
Tôi sẽ cố gắng trong phạm vi bài nói chuyện ngắn ngủi hôm nay phác hoạ lại một cách khách quan và trung thực nhất hình ảnh Petrus Trương Vĩnh Ký, không bôi đen, cũng không tô son. Để làm được việc này, tôi đã cố gắng thu thập nhiều tài liệu, kiểm tra từng dữ liệu lịch sử, cố gắng hết mức tránh lặp lại một cách máy móc, vì nhiều dữ kiện sai đã được lưu truyền từ cả thế kỷ. Trong hoàn cảnh không thể tiếp cận được vài tài liệu gốc, nhất là những tài liệu được lưu trữ tại các thư khố của Pháp và Việt Nam chưa được số hoá (digitised), tôi trích dẫn với sự dè dặt.
Trước khi bắt đầu, tôi xin thưa rằng đề tài mà tôi trình bày hôm nay đã được Nhóm Nghiên cứu Văn hoá Đồng Nai & Cửu Long đưa ra từ hơn một năm trước. Tình hình Việt Nam biến chuyển nhanh trong mấy tuần vừa qua có thể làm cho đề tài này trở nên không hợp thời. Tuy nhiên chắc quý vị cũng đồng ý với tôi là lịch sử là một cuộc đối thoại gay gắt giữa quá khứ và hiện tại. Sự hiểu biết quá khứ giúp thông suốt tình thế hiện tại. George Orwell trong tác phẩm Nineteen Eighty Four (Một Chín Tám Tư) viết từ năm 1949 “Ai kiểm soát được quá khứ thì kiểm soát được tương lai”. Vì vậy tôi mong là chúng ta có thể rút ra được một bài học bổ ích từ việc tìm hiểu nhân vật Trương Vĩnh Ký.
Tôi cũng xin nói trước về cách viết chữ Petrus. Nhiều người Pháp và người Việt biết tiếng Pháp viết Petrus có dấu sắc, Pétrus. Theo chúng tôi, Petrus là chữ Latin, là tên thánh của Trương Vĩnh Ký, tương đương với Pierre trong tiếng Pháp. Đây không phải là tên Tây của ông, vì ông không nhập Pháp tịch. Chữ Petrus theo tôi không có dấu sắc.
Bài nói chuyện của tôi hôm nay gồm các đề mục sau đây:
- Sơ lược tiểu sử.
- Những nghi vấn.
- Tài năng.
- Đóng góp cho nền văn hoá Việt Nam.
- Kết luận.
Sơ lược tiểu sử Trương Vĩnh Ký và những mốc lịch sử quan trọng
Để mở đầu và để giúp cho quý vị, nhất là các bạn trẻ chưa từng được biết về Trương Vĩnh Ký, có một khái niệm về con người, tôi xin được lược sơ về tiểu sử của ông.
Ông sinh ngày 6.12.1837, nghĩa là ba năm trước khi vị vua thứ hai của triều Nguyễn, vua Minh Mạng, qua đời. Sở dĩ tôi nhắc đến triều Minh Mạng là vì từ thời này nước ta bắt đầu cấm đạo Thiên chúa gắt gao. Trương Vĩnh Ký lại sinh ra trong một gia đình công giáo, một hoàn cảnh quan trọng ảnh hưởng đến cuộc đời ông.
Năm tuổi ông bắt đầu học chữ Nho. Năm ông lên 8 tuổi, cha ông (một võ quan) chết ở Cao Miên khi đang làm việc cho triều đình Huế. Ông bắt đầu vào học tại tiểu chủng viện Cái Nhum (Vĩnh Long cũ, nay thuộc Bến Tre) từ năm 1845 đến 1849. Chi tiết này cũng đáng chú ý, vì trong khi hầu hết các nhà nho đương thời được đào tạo theo lối cũ, từ chương trích cú, thì ông lại được đào tạo trong một môi trường khác hẳn.
Vì triều đình đàn áp, tiểu chủng viện dời sang Pinhanlu, một ngôi làng ở cách thủ đô Phnom Penh khoảng 15km.[1] Theo công báo của Cộng Hoà Pháp quốc (Journal Officiel de la République Française) năm thứ 16, số 289 ra ngày 20 tháng 10 năm 1884 trang 5540, giáo xứ Pinhalu được thành lập từ năm 1668. Cũng theo số báo này, các triều vua Cambodge chưa bao giờ đàn áp công giáo, và Tiểu chủng viện (Le petit séminaire) được xây dựng ở ngay trung tâm giáo xứ.
Tài năng của Trương Vĩnh Ký được bộc lộ, năm 1851 ông được đưa sang học ở Đại chủng viện Poulo-Penang bên Mã Lai. Bảy năm học ở đây đã giúp ông thu thập một khối kiến thức đáng kể về ngôn ngữ, triết học, và khoa học.
Năm 1858 (không rõ tháng) ông về Cái Mơn chịu tang mẹ. Tháng 8 năm này, Pháp bắn phá Đà Nẵng lần thứ hai. Ông vào chủng viện làm việc cho Linh mục Borelle. Vì việc Pháp đánh Đà Nẵng, triều đình nhà Nguyễn càng cấm đạo gắt gao hơn. Nhiều tu sĩ và giáo dân bị giết hại: Linh mục Đoàn văn Minh bị xử trảm năm 1853, Linh mục Lê văn Lộc 1859, Linh mục Đoàn Công Quý 1859, Linh mục Nguyễn văn Lựu 1861, Linh mục Đoàn Trinh Hoan 1861, v.v.
Ngày 4.2.1859 Trương Vĩnh Ký gửi một lá thư bằng tiếng Latin cho bạn học ở Penang kể lại tình cảnh của giáo dân. Nhà thờ bị triệt hạ, các linh mục và chủng sinh bị giam tù nếu không chịu chà đạp thánh giá. Bản thân ông phải trốn trong rừng để tránh bị bức hại. Bức thư này do Nguyễn Đình Đầu phát hiện năm 1991 trong kho lưu trữ của Hội Truyền giáo ngoại quốc Paris (Société des Missions Étrangères de Paris).[2]
Tháng 2 năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định. Từ 1.10.1860 ông làm thông ngôn cho giám đốc bản xứ sự vụ Boresse.
Năm 1863 Petrus Ký cùng đi trên chuyến tàu Européen sang Pháp với đoàn sứ thần của vua Tự Đức do Phan Thanh Giản làm chánh sứ, Phạm Phú Thứ làm phó sứ, và Nguỵ Khắc Đản làm bồi sứ. Nhiệm vụ của đoàn sứ thần là xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ.
Tất cả các tài liệu đều cho biết sau chuyến đi Pháp, khi trở về Sài Gòn, năm 1864 Trương Vĩnh Ký được cử làm Giám đốc Trường Thông Ngôn. Tuy nhiên một mẩu tin đăng trên tuần báo Illustrated London News số ra ngày Thứ Bảy 29 tháng 8 năm 1863 (thời gian phái đoàn Phan Thanh Giản còn đang ở Pháp) cho biết Petrus Ký là Giám đốc Trường Thông Ngôn. Vậy ta có thể suy luận là ông được bổ nhiệm vào chức vụ này trước năm 1864.
Sau đó ông được bổ nhiệm làm chủ bút Gia Định Báo, giám đốc trường Sư Phạm, giáo sư trường Hậu Bổ. Năm 1876 ông ra thăm Bắc Kỳ, viết “Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi” và một báo cáo gửi Thống Đốc Nam Kỳ. Nhiều người lên án ông làm gián điệp cho Pháp trong chuyến công vụ này. Vì thời giờ có hạn, tôi không thể đọc lại toàn bộ bản báo cáo, đã được Jean Bouchot đăng nguyên văn trong quyển “Un savant et un patriote cochinchinoise Petrus J.B. Truong Vinh Ky” và được Nguyễn Đình Đầu đăng lại bằng tiếng Việt trong quyển “Petrus Ký nỗi oan thế kỷ”. Tiến sĩ Nguyễn văn Trung tóm tắt bản báo cáo này trong quyển “Hồ sơ về lục châu học”. Tôi kêu gọi những ai kết tội ông về bản báo cáo này hãy đọc kỹ nó với một tinh thần khách quan.
Năm 1884, hoà ước Giáp Thân được ký kết. Năm 1886 khi Paul Bert sang lãnh chức Toàn quyền Đông dương, Petrus Ký hợp tác với Paul Bert (người ông quen trong chuyến đi Pháp năm 1863) và ra Huế gia nhập Cơ Mật Viện. Năm tháng sau, Paul Bert bịnh và qua đời. Do không đồng quan điểm với người kế vị Paul Bert, Petrus Ký trở về Sài Gòn tiếp tục việc dạy học và nghiên cứu.
Năm 1890 ông về hưu nhưng vẫn tiếp tục việc dịch thuật và nghiên cứu. Ngày 1 tháng 9 năm 1898, ông qua đời tại Chợ Quán.
Những nghi vấn
- Nghi vấn thứ nhất mà tôi đặt ra là vấn đề thủ bút của Trương Vĩnh Ký.
Năm 1996 Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu (tốt nghiệp Đại học Wisconsin-Madison, Hoa Kỳ, còn có bút hiệu Chính Đạo, Nguyên Vũ) công bố một lá thư của Petrus Key gửi Đại Nguyên Soái Pháp mà ông tìm được trong thư khố của Pháp. Bức thư, theo Vũ Ngự Chiêu được viết vào tháng 3 năm 1859 (nhưng không rõ ngày), van nài hạm đội Pháp hãy tấn công các thành trì miền Nam để giải phóng giáo dân đang bị giết hại.
Tôi xin trình chiếu bức thư này với ba bút tích khác của Petrus Ký (xem Hình 1 – 4):
• Bức thư Trương Vĩnh Ký gửi bạn học ở Penang, do Nguyễn Đình Đầu tìm thấy năm 1991, mà tôi đã nói khi nãy;
• Bức thư Petrus Ký gửi Trung uý Hải quân Henri Rieunier, người cùng đi trên chiếc tàu Européen sang Pháp với phái đoàn Phan Thanh Giản, do Hervé Bernard công bố (http://ecole.nav.traditions.free.fr/pdf/rieunier_cochinchine.pdf).
• Một bút tích do gia đình họ Trương công bố (http://gilbert.tvt.free.fr/ddpk).
So sánh thủ bút và chữ ký trong bức thư do Vũ Ngự Chiêu công bố với ba bút tích kia, tôi thấy có sự khác biệt. Cần có sự giám định của các chuyên gia để biết rõ về tính chính xác của các tài liệu này.
Hình 1: Thư do Nguyễn Đình Đầu phát hiện
Hình 2: Thư do Vũ Ngự Chiêu phát hiện
Hình 3: Thư do Hervé Bernard công bố
Hình 4: Bút tích do gia đình họ Trương công bố
- Nghi vấn thứ hai mà tôi muốn nêu lên là “Trương Vĩnh Ký có phải là thành viên của phái đoàn của Chánh sứ Phan Thanh Giản do triều đình Huế cử đi hay không?”
Một số tác giả cho rằng Petrus Ký là thành viên của phái đoàn của vua Tự Đức gửi đi, dưới quyền Chánh sứ Phan Thanh Giản. Một số tác giả khác cho rằng Petrus Ký thuộc phái đoàn của Pháp, tham gia chuyến đi sứ theo yêu cầu của Đại thần Phan Thanh Giản. Cũng có tác giả cho rằng ông được Thống Đốc Nam Kỳ cử đi chung với phái đoàn Phan Thanh Giản.
a) Tài liệu của Hervé Bernard: Trong thập niên 2000, nhiều tài liệu của Hervé Bernard được phổ biến trên internet có liên quan đến phái đoàn của Chánh sứ Phan Thanh Giản.[3] [4] Các tài liệu này thiếu sự sắp xếp ngăn nắp và đôi khi có phần tự mâu thuẩn, mà tôi không hiểu nguyên nhân từ đâu.
• Trong tập tài liệu có tiêu đề “L’Enseigne de vaisseau Henri Rieunier et l’Ambassade Annamite de la cour de Huế de l’Empereur Tu-Duc au Palais des Tuileries” (Trung uý Hải quân Henri Rieunier và phái đoàn sứ thần An Nam của triều đình Huế của vua Tự Đức ở cung điện Tuileries), Trương Vĩnh Ký nằm trong danh sách những người An Nam ở Nam Kỳ thuộc Pháp cùng đi Pháp với phái đoàn sứ thần của vua Tự Đức (Annamites de la cochinchine française allant en France avec l’ambassade du roi Tu Duc).
Chi tiết về Trương Vĩnh Ký được ghi như sau: “Premier Interprète, Petrus Key, Professeur au collège des Interprètes français” (Thông Ngôn hạng nhất Petrus Key, Giáo sư trường thông ngôn Pháp) bên cạnh có dòng chữ nho “Nhất đẳng Thông ngôn Trương Vĩnh Ký Giáo học Tây Nam âm thoại”; xem Hình 5.
• Tuy nhiên trong một tài liệu khác dưới nhan đề “Henri Rieunier et la conquête de la cochinchine” (Henri Rieunier và việc chinh phục Nam Kỳ), dòng chữ Annamites de la cochinchine française allant en France avec l’ambassade du roi Tu Duc (Những người An Nam ở Nam Kỳ thuộc Pháp cùng đi Pháp với phái đoàn sứ thần của vua Tự Đức) lại nằm bên trên danh sách gồm Chánh sứ Phan Thanh Giản, Phó sứ Phạm Phú Thứ, và những người trong phái đoàn; xem Hình 6 và 7. Không có danh sách có tên Trương Vĩnh Ký trong tập tài liệu này.
Chính sự bất nhất này khiến tôi nghi ngờ tính xác thực của các tài liệu nói trên. Điều này thôi thúc tôi tìm hiểu về tác giả Hervé Bernard.
b) Hervé Bernard là ai? Nhật báo Sud Ouest (Tây Nam) của vùng Pays Basque, thành phố Biarritz (một thành phố ở Tây Nam nước Pháp, gần biên giới Pháp – Tây Ban Nha) số ra ngày Thứ Tư 3.5.2006 có bài “Secrets de famille” (Bí mật gia đình) cho biết ông là một người hoạt động trong ngành kỹ nghệ đã về hưu. Một hôm ông tìm thấy trên căn gác xếp đầy bụi bặm của gia đình một số thùng tài liệu xưa do tổ tiên để lại. Qua đó ông được biết cả ông và vợ ông đều thuộc dòng dõi danh tiếng của nước Pháp. Ông là cháu cố của Trung uý Hải quân Henri Rieunier, về sau trở thành Đô Đốc Bộ Trưởng Bộ Hải Quân của Pháp. Các tài liệu mà ông công bố trên trang mạng là tài liệu để lại của Đô Đốc Rieunier.
Tôi lấy làm tiếc! Phải chi ông trao tặng những tài liệu này cho Thư Viện Quốc Gia Pháp để các nhà chuyên môn kiểm chứng lại và công bố một cách khoa học hơn thì đây sẽ là nguồn tài liệu vô cùng quý giá đáng tin cậy cho những nhà nghiên cứu, nhất là những người muốn tìm hiểu về giai đoạn Pháp mới xâm chiếm Việt Nam. Một chút ngờ vực khiến tôi đi tìm thêm nguồn tài liệu khác.
c) Tây Trình Nhật Ký: Chúng ta biết, qua sử sách, sau chuyến đi Pháp trở về, phái đoàn Phan Thanh Giản có trình lên vua Tự Đức một quyển nhật ký, thường được gọi là Tây Trình Nhật Ký. Đây là quyển bút ký do Phó sứ Phạm Phú Thứ chấp bút bằng chữ nho, Phan Thanh Giản và Nguỵ Khắc Đản hiệu đính. Tôi không tìm được bản dịch sang quốc ngữ của tập bút ký này, nhưng may mắn là tôi tìm được bản dịch sang tiếng Pháp.
Phần đầu của quyển nhật ký này được Ngô Đình Diệm dịch sang tiếng Pháp lúc ông còn là học sinh trường Hậu Bổ, dưới sự chỉ định của Giám đốc Nguyễn Đình Hoè. Bản dịch được in trong Bulletin des Amis du Vieux Huế (Tạp chí Những người bạn của Cố đô Huế hay còn được gọi là Tạp chí Đô thành Hiếu cổ) năm 1919 (xem Hình 8). Phần hai được Trần Xuân Toạn dịch và đăng vào năm 1921 trong cùng tạp chí, cũng dưới sự chỉ định của Nguyễn Đình Hoè (xem Hình 9).
Hình 5: Danh sách những người An Nam ở Nam Kỳ thuộc Pháp đi cùng phái đoàn Phan Thanh Giản
Hình 6: Danh sách phái đoàn Phan Thanh Giản với tiêu đề sai
Hình 7: Danh sách phái đoàn Phan Thanh Giản
Hình 8: Bản dịch tiếng Pháp của Tây Trình Nhật Ký (phần một)
Theo bản dịch của Ngô Đình Diệm, tựa của quyển nhật ký này là Như Tây Sứ Trình Nhật Ký. Trang 171 của bản dịch này có đoạn văn sau:
Le Gouverneur nous avertit alors que le bateau de guerre a décidé de lever l’ancre le 19e jour au matin. D’autre part, il enverra M. Lý-a-nhi avec les Annamites Truong-Vinh-Ky Nguyen-Van-San comme interprètes; Ton-Tho-Tuong et Phan-Quan-Hieu, comme secrétaires lettrés, pour nous accompagner.
Quan Thống Đốc [5]cho chúng tôi biết chiếc tàu chiến [6] được dự định sẽ nhổ neo vào buổi sáng ngày thứ 19.[7] Mặt khác, ông cử Lý-a-nhi cùng những người An Nam Trương Vĩnh Ký, Nguyễn văn San làm thông ngôn, Tôn Thọ Tường và Phan Quan Hiệu là nho sĩ ký lục tháp tùng chúng tôi.
Nhưng Lý-a-nhi là ai mà được tách riêng ra khỏi danh sách những người An Nam cùng tháp tùng phái đoàn? Tìm lại trong tập hồ sơ của Hervé Bernard, tôi hiểu ra Lý-a-nhi chính là tên tiếng Việt của Trung uý Henri Rieunier (xem Hình 10).
Như vậy chúng ta có thể kết luận Petrus Key (Trương Vĩnh Ký) là thông ngôn hạng nhất thuộc đoàn những người Nam Kỳ thuộc Pháp cùng đi với phái đoàn sứ thần của vua Tự Đức. Có thể vào thời kỳ phôi thai của chữ quốc ngữ, người ta không chắc chắn chữ 記 nên được phiên âm ra chữ quốc ngữ là Key hay Ký.
Tôi không tìm được tài liệu nào cho biết Chánh sứ Phan Thanh Giản yêu cầu Trương Vĩnh Ký cùng tham gia sứ đoàn.
Hình 9: Bản dịch tiếng Pháp của Tây Trình Nhật Ký (phần hai)
Hình 10: Lý-a-nhi tức Henri Rieunier
Tài năng
Trong bài “Hành trình nhận thức về một nhân vật lịch sử: Petrus Trương Vĩnh Ký” đăng trong Tập San Nhóm Nghiên Cứu Văn Hoá Đồng Nai & Cửu Long số 12 (2018), tôi đã trích dẫn nhiều nhận xét của giới học giả quốc tế về tài năng của Trương Vĩnh Ký. Trong bài nói chuyện hôm nay, tôi chỉ xin nhắc đến ba tài liệu.
- Illustrated London News (tuần báo ra mỗi ngày thứ bảy) số ra ngày Thứ Bảy 29 tháng 8 năm 1863 có đưa một tin ngắn về Trương Vĩnh Ký với các điểm đáng chú ý như sau (xem Hình 11). [8]
• Khi Petrus Ký còn là học sinh ở Đại chủng viện Penang, Toàn quyền Poulo-Pinang rất tán thưởng luận án của ông về bản chất thiên chúa của Đức Giêsu Kitô nên gửi luận án này cho trường Đại học Oxford, đồng thời trao tặng ông 150 rupees. Tôi đã liên lạc với thư viện đại học này, nhưng họ cho biết không có một văn bản nào cho biết thư viện từng lưu trữ luận án nói trên.[9]
• Sau khi khi rời Poulo-Pinang, Petrus Ký trở về với Giám mục địa phận Isauropolis. Địa phận này ở đâu? Vị giám mục này là ai?
Isauropolis là một địa phận thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Vị Giám mục giáo phận này lúc đó, theo trang mạng http://www.gcatholic.org/dioceses/former/t0940.htm là Giám mục Dominique Lefèbvre (1810 – 1865). Trong thời gian từ 10.12.1839 đến 28.08.1864 ông đồng thời là Giám mục phó (coadjutor vicar apostolic) và Giám mục phụ tá (vicar apostolic) giáo phận miền Tây Nam Kỳ. Trang 24 của sách “Petrus Ký nỗi oan thế kỷ” cũng nhắc đến Giám mục Lefèbvre Ngãi.
• Bài báo phát hành ngày 29.8.1863 cho biết Petrus Ký đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Trường Thông Ngôn. Các sách báo trước đây đều ghi là ông được bổ nhiệm năm 1864, sau chuyến đi Pháp trở về. Cá nhân tôi cũng có sơ suất này trong bài đăng trong tập san 12.
- Trong tản văn Cảm tưởng của người Việt Nam ở Châu Âu: Nhà thông ngôn Petrus Trương Vĩnh Ký, [10] (1864) tác giả Richard Cortambert ghi lại giai thoại về việc Petrus Ký đối đáp với một chuyên gia về tiếng Latin của Pháp. Ông được tiếp kiến một vị bộ trưởng của Pháp. Được thông báo về khả năng ngôn ngữ của Petrus Ký, nhất là khả năng nói tiếng Latin của ông, vị bộ trưởng liền cho mời một nhà ngôn ngữ học, chuyên gia hàng đầu của Pháp quốc về tiếng Latin, tuổi ngoài 50, đến để khảo sát trình độ Latin của ông.
Vị chuyên gia hỏi Petrus Ký: “Nước Pháp, thánh địa của văn học, là đất nước của tri thức của ông, chẳng phải nó cũng là quê hương thực sự của ông hay sao?”
Petrus Ký trả lời: “Con người ta có hai quê hương, một của lý trí và một của con tim. Người ta nâng niu quê hương này, nhưng đồng thời tha thiết với quê hương kia. Từ sâu thẳm trong tâm hồn, tôi nhận rõ rằng tôi sinh ra ở Đông phương và quê hương đích thực của tôi là ở đó”.
Buổi nói chuyện diễn ra trước mắt vị bộ trưởng, Petrus Ký càng lúc càng tỏ ra lưu loát trong khi vị chuyên gia hàng đầu của Pháp quốc càng lúc càng tỏ ra lúng túng, có lúc phải tìm cách dịch từ tiếng Pháp ra tiếng Latin. Cuối buổi nói chuyện, trong khi Petrus Ký vẫn dùng tiếng Latin thì vị chuyên gia ngôn ngữ chuyển sang trả lời bằng tiếng Pháp. Kết thúc mẩu giai thoại này, Cortambert kể:
Quay sang vị bộ trưởng đang thích thú theo dõi cuộc tranh tài, vị chuyên gia ngôn ngữ nói:
◊ Viên thông ngôn trẻ này sử dụng nhiều từ ngữ hiếm dùng, nhưng nói chung hiểu biết tiếng Latin khá sành sỏi.
Vị bộ trưởng tinh nghịch đáp lời:
◊ Đúng vậy, tôi còn có cảm tưởng ông ta hiểu biết tiếng Latin hơn nhiều nhà ngôn ngữ học của Pháp.
Hình 11: Báo Illustrated London News
- Le Biographe:
Nhiều tài liệu ghi lại chi tiết Petrus thông thạo hơn 20 ngôn ngữ Á và Âu. Chi tiết này chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, tạp chí Le Biographe năm 1873 – 1874, nhân dịp bình chọn 18 người thông thái nhất của năm, trong đó Petrus Ký sắp hàng thứ 17, có ghi nhận các ngôn ngữ mà ông thông thạo. (Xem Hình 12 và Bảng 1. Nguồn tài liệu do con cháu Trương Vĩnh Ký công bố: http://gilbert.tvt.free.fr/ddpk).
Hình 12: Le Biographe (theo trang mạng Dòng Dõi Petrus Ký)
Ngôn ngữ phương Tây | |
Tử ngữ | Sinh ngữ |
Hy Lạp cổ, Latin | Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Ý |
Ngôn ngữ phương Đông | ||
Tử ngữ | Sinh ngữ | Chữ viết |
Phạn ngữ, Bali
|
Quảng, Malay, Tamoul, Miến Điện, Champa, Khmer
|
Hán, Nôm, Malay, Tamoul, Miến Điện, Champa, Khmer, Nhật, Mãn Châu, Phạn, Khmer, Champa, Thái |
Bảng 1: Các ngôn ngữ và chữ viết mà Petrus Ký thông thạo (theo Le Biographe)
Đóng góp cho nền văn hoá Việt Nam
Trong suốt cuộc đời nghiên cứu và biên thuật, Petrus Ký đã hoàn thành 118 tác phẩm, ngắn dài đủ loại. Là một người làm nghiên cứu tôi hiểu được công sức để hoàn thành số lượng tác phẩm khổng lồ này, nhất là trong hoàn cảnh làm việc rất khó khăn của Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX. Con số 118 tác phẩm, dù là ngắn, cũng là một con số lớn theo tiêu chuẩn ngày nay, khi các nhà nghiên cứu có đầy đủ phương tiện, từ máy vi tính đến internet. Cùng thời với Petrus Ký, Abel des Michels (1833-1910), giáo sư trường Ngôn Ngữ Đông Phương, người đã dịch nhiều tác phẩm quốc ngữ ra tiếng Pháp, trong số đó có Kim Vân Kiều Tân Truyện, Lục Vân Tiên Ca Diễn, và nhiều trước tác khác của Trương Vĩnh Ký. Hành trang khoa học của Michels vào khoảng 1/3 số lượng của Petrus Ký, cũng với các đề tài tương tự (ví dụ: dịch Truyện Kiều ra Pháp văn).
Tôi xin được tóm lược một số đề tài quan trọng trong số các tác phẩm của Trương Vĩnh Ký.
- Phát triển chữ quốc ngữ: Đóng góp to lớn nhất của Petrus Ký trong dòng văn hoá dân tộc là việc phát triển chữ quốc ngữ. Chữ quốc ngữ tuy được các nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha và Pháp sáng tạo từ đầu thế kỷ 17 (Francisco de Pina, Gaspar do Amaral, Alexandre de Rhodes), nhưng trước thời Petrus Ký thứ chữ này chỉ được dùng chủ yếu trong việc truyền bá kinh thánh. Đến thời Petrus Ký, chữ quốc ngữ được dùng trong văn học, báo chí. Những đóng góp của ông bao gồm:
• Dịch nhiều tác phẩm chữ Nôm ra quốc ngữ (Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Phan Trần, v.v.);
• Dịch nhiều tác phẩm Hán văn ra quốc ngữ (Tứ Thơ: Đại Học, Trung Dong, Mạnh Tử, Luận Ngữ, v.v.);
• Soạn Từ điển Pháp – Việt , sách dạy tiếng Việt, văn phạm tiếng Việt;
• Viết hàng chục giáo trình giảng dạy tiếng Việt.
- Đóng góp cho các ngôn ngữ khác:
• Soạn tự điển và sách dạy tiếng Thái, Cambodge, Hán, Mã Lai, Miến Điện, Chiêm Thành, Lào. Việc biên soạn này cho thấy mức độ thông thạo của ông đối với các ngôn ngữ này.
• Biên khảo sách nghiên cứu sự khác biệt về tiếng nói, chữ viết, tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc Đông Dương.
• Viết nhiều sách và bài khảo cứu về ngôn ngữ học. Đây là lãnh vực mà Trương Vĩnh Ký tỏ ra uyên bác nhất.
- Soạn sách sử ký và địa lý: Năm 1875, Trương Vĩnh Ký ấn hành hai quyển Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ và Giáo trình Lịch sử An Nam dành cho các trường Nam Kỳ (Hình 13).
Hình 13: Giáo trình địa lý và sử ký của Petrus Ký
a) Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ:
Đây là tác phẩm đầu tiên thu thập nhiều dữ liệu quan trọng về Nam Kỳ, như các dữ liệu về núi non, sông ngòi, cửa biển, dữ liệu về việc phân chia chính trị và hành chính thời chúa và vua nhà Nguyễn, và phân chia chính trị và hành chính thời Pháp thuộc.
Trong phần giới thiệu về lịch sử hình thành Nam Kỳ, Trương Vĩnh Ký cho biết vào năm 1780 dưới đời chúa Võ Vương, Nam Kỳ có ba trấn: Biên Trấn (Biên Hoà), Phan Trấn (Gia Định và Định Tường), và Long Hồ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Sang đời vua Gia Long, ba trấn này được chia lại thành năm trấn: Phan Trấn (Gia Định), Biên Trấn (Biên Hoà), Vĩnh Trấn (Vĩnh Long, An Giang), Định Trấn (Định Tường), và Hà Tiên. Đời vua Minh Mạng, Nam Kỳ có tám trấn: An Giang (Châu Đốc), Vĩnh Thanh (Vĩnh Long hay Long Hồ), Định Tường (Mĩ Tho), Phan Yên (Gia Định), Biên Hoà (Đồng Nai), Hà Tiên, Gò Sặt (Pur-sặt), và Nam Vang (Pnom-pénh). Đời vua Thiệu Trị, hai trấn Gò Sặt và Nam Vang được trả về cho Cambodge.
Giáo trình này, tuy chỉ có 51 trang, hiện vẫn còn giá trị cho những ai muốn tìm hiểu về lịch sử Nam Kỳ. Tôi đặc biệt chú ý cách trình bày rất khoa học, rõ ràng của Petrus Ký. Trong Hình 14, tôi tái tạo lại cách trình bày của ông khi giới thiệu bốn phủ và chín huyện của Gia Định tỉnh. Năm tỉnh còn lại của Nam Kỳ lục tỉnh thời nhà Nguyễn đều được ông trình bày rõ ràng như vậy. Gần một thế kỷ rưỡi trước, ông đã có cách viết giáo trình không kém các giáo trình có giá trị nhất hiện nay.
Hình 14: Trích Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ (trang 13)
b) Giáo trình Lịch sử An Nam dành cho các trường Nam Kỳ:
Giáo trình này gồm hai cuốn. Cuốn một in năm 1875 bao gồm lịch sử Việt Nam từ năm 2874 trước công nguyên đến năm 1428 sau công nguyên (nghĩa là thời Hậu Lê). Cuốn hai in năm 1877 gồm triều Hậu Lê và Nguyễn.
Tôi muốn giới thiệu ở đây lời mở đầu bằng chữ quốc ngữ để quý vị thấy cách viết văn đơn giản của Petrus Ký vào cuối thế kỷ 19. Nó cũng cho thấy tính sư phạm và tính khiêm tốn của ông.
CHO HỌC TRÒ
CÁC TRƯỜNG ĐẤT NAM-KÌ
Ớ các trò trai trai, ta xin kiếng sách nầy cho các trò, vì làm nó ra là làm cho các trò coi. Dùng tiếng Pha-lang-sa là tiếng đã rộng mà lại hay mà chép truyện đất nước ta ra cho anh em coi cho quen-thuộc tiếng ấy, trông rằng lấy cái tiếng anh em đang lo học mà thuật lại truyện anh em đã biết thì sẽ giúp anh-em cho dễ thông ý-tứ léo-lắt và hiểu rõ cốt-cách tiếng ấy hơn.
Nói tắt một lời, ta muốn làm ích cho anh em, chớ chi ước làm vậy mà được như làm vậy ….
Đến sau, khi anh em học đã thành tài, biết bắt biết hạch được, thì xin hãy dong thứ cho kẻ lớp trước anh em, vì những kẻ ấy thưở trước chẳng có được những phương tiện mà học-hành như anh em bây-giờ nhờ Nhà-nước đầy lòng lo-lắng đã liệu biện cách rộng-rãi cho làm vậy đâu.
Tại Chợ-quán, ngày 25 tháng 2 năm 1875.
P.-J.-Trương-Vĩnh-Ký
Đánh giá về giáo trình này, trong bài tường trình năm 1879 – 1880 tại Đại hội Thường niên của Hội Á Châu ngày 30 tháng 6 năm 1880, vị đồng thư ký của Hội, ông Ernest Renan, [11] đã có nhận xét như sau:
Ông Trương Vĩnh Ký trình bày cho chúng ta một cách rõ ràng tư tưởng của người An Nam đối với lịch sử nước mình. Chúng ta kinh ngạc thấy trong tập sách nhỏ của ông một tinh thần minh bạch, một sự công minh hiếm thấy ở Á Đông. Nhiều quốc gia Âu Châu không viết được cho các trường tiểu học của mình một quyển tóm lược hoàn hảo như quyển sách của Trương Vĩnh Ký.[12]
- Soạn sách văn học: Petrus Ký sáng tác rất nhiều, tôi chỉ xin nhắc đến vài tác phẩm mà tôi được đọc. Trong hai tác phẩm Chuyện khôi hài (1909) và Chuyện đời xưa lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích (1927), Petrus Ký đã ghi lại bằng chữ quốc ngữ những câu chuyện dân gian, trong đó có những câu chuyện mà thuở học trò nhiều người trong chúng ta quen thuộc, như chuyện Cống Quỳnh, Tú Xuất.
Hai quyển Cổ Gia Định phong cảnh vịnh (1882) và Kim Gia Định phong cảnh vịnh là hai tiểu phẩm mà Petrus Ký ghi lại bằng chữ quốc ngữ những điệu vịnh của Gia Định tỉnh, trong đó ông ghi chú rõ ràng về các địa danh. Ví dụ, để giải thích địa danh Nhà Bè, ông ghi (http://gilbert.tvt.free.fr/ddpk)
Nhà-bè là ngả-ba sông Nhà-bè, lên Đồng-nai là Biên-hoà. Kêu Nhà-bè là vì thưở xưa dân-cư ở thưa rải-rác, nên ghe đi qua Biên-hoà nhiều khi lỡ bữa không biết mua cơm-gạo đồ-ăn ở đâu; nên Võ-thú-Hoằng là người phú-hộ mới ken tre làm bè cất nhà lên trữ gạo củi đồ-ăn để cấp cho kẻ đi đường, lần-lần sau người-ta bắt-chước làm nhà bè đến hai ba chục cái ở mà bán đồ thành ra cái chợ ngoài vàm sông Biên-hoà nên lấy đó mà đặt tên là Nhà-bè. Đến sau khi đường bộ thông, cùng có giặc Tây-sơn vào đánh mới tan mới nát nhà bè đi.
- Các tác phẩm văn hoá và khoa học khác: Ngoài ra Trương Vĩnh Ký còn viết về nhiều đề tài khác.
a) Bài thuyết trình Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs (Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng lân cận) mà ông trình bày tại Hội nghị tổ chức tại Trường Thông Ngôn năm 1885 là một tài liệu có giá trị cho những người muốn tìm hiểu về lịch sử Sài Gòn. Bài thuyết trình có năm phần: Tên của Sài Gòn, Sài Gòn trước thời Gia Long, Sài Gòn thời Gia Long, Việc xây thành cổ Sài Gòn, Sài Gòn thời Minh Mạng.
Về tên Sài Gòn, ông đã dựa vào Gia Định Thành Thông Chí (Trịnh Hoài Đức, 1765 – 1825) để giải thích. Sài là Hán tự 柴 có nghĩa là củi, Gòn là chữ tiếng Việt của len, bông (ouate và ouatier). Ông cũng cho biết Sài Gòn khi xưa (trước thời Pháp thuộc) là tên chỉ Chợ Lớn, còn Sài Gòn thời Pháp thuộc (và hiện nay) xưa kia có tên là Bến Nghé. Cây gòn xưa được trồng nhiều ở quanh chùa Cây Mai (Phú Lâm ngày nay).
Saigon était le nom donné à la ville chinoise actuelle. D’après l’auteur de la Description de la Basse-Cochinchine (Gia-định-thông-chí), Sài est emprunté au mot en caractère chinois 柴 qui veut dire bois; gòn est en annamite le nom de la ouate et du ouatier. Ce nom vient, dit-on, de la quantité de ces cotonniers que les Cambodgiens plantaient tout autour de leurs anciennes fortifications en terre, dont les traces restent encore sur la pagode de Cây-mai et aux environs.
b) Các bài khảo cứu khoa học khác bằng tiếng Pháp bao gồm: Kiến vàng và kiến hôi (1866), Hạt và gỗ để nhuộm (1870), Rau câu (1876), Phong tục và tập quán của người An Nam (1878), Tổng và xã thôn (1878), Chữ viết ở An Nam (1878), v.v.
Chúng ta đọc được trong các tác phẩm này nhiều chi tiết thú vị.
• Trong Kiến vàng và kiến hôi ông hướng dẫn cho người nông dân biết cách dùng kiến vàng để diệt rầy và kiến hôi, là hai loại côn trùng phá hoại mùa màng, đồng thời ông cũng chỉ cách để tránh bị kiến vàng cắn.
• Trong Chữ viết ở An Nam ông cho biết người An Nam xưa có một lối chữ viết nay đã thất truyền. Lối chữ ấy theo ông không theo cách tượng hình, mà theo cách ghi âm giống như lối chữ của lân bang ở phía nam và phía tây, đó là các dân tộc Miến Điện, Ai Lao, Xiêm La, Chăm Pa và Campuchia.
• Trong Phong tục và tập quán của người An Nam ông cho chúng ta biết
◊ Về đơn vị đo trọng lượng của người Việt xưa: 1 cân = 624 gram, 100 cân = 1 tạ;
◊ Về đơn vị đo chiều dài: Có hai loại thước, thước dài 0,424 mét cũng gọi là coudée (khuỷu tay), bằng với chiều dài của 18 đồng tiền, và thứ thước dài 0,636 mét dùng để đo vải, bằng với chiều dài của 28 đồng tiền.
◊ Về tiền tệ: 1 quan = 10 tiền = 600 đồng.
◊ Về tôn giáo: Đạo Hồi theo chân người Mã Lai và Ấn đến Nam Kỳ sau khi Pháp chiếm. Đền của người Hồi Sunni ở đường Mac-Mahon (trước 1975 là đường Công Lý, nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Đền của người Hồi Shia ở đường Thủ Đức (trước 1975 là đường Thái Lập Thành, nay là đường Đông Du). Hai ngôi đền này hiện nay vẫn còn ở Sài Gòn.
Hình 15: Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng lân cận
Kết luận
Qua phần trình bày vừa rồi, tôi hy vọng đã thuyết phục được quý vị rằng Petrus Ký là một học giả toàn diện có tầm vóc thế giới. Ông đã có những đóng góp to lớn cho nền văn hoá Việt Nam trên nhiều phương diện: ngôn ngữ, văn hoá, và khoa học. Con đường ông chọn không giống nhiều nhà nho đương thời, hoặc võ trang chống Pháp, hoặc lui về ở ẩn. Petrus Ký muốn tạo sự cảm thông giữa hai dân tộc, mong dựa vào Pháp để canh tân Việt Nam.
Chưa ai chứng minh được các nhà nho đương thời (kể cả Nguyễn Đình Chiểu) tỏ ra xem thường ông. Theo nhà nghiên cứu Bằng Giang việc Petrus Ký tham gia làm việc cho Pháp là một giải pháp “phi truyền thống của một trí thức mới, một giải pháp lâu dài có nét đặc trưng của cái trí”. Theo giải pháp “truyền thống” (đứng lên võ trang chống lại quân Pháp), có thất bại cũng được tiếng anh hùng, còn theo giải pháp “phi truyền thống” mà không thành công thì bị coi là có tội.
Theo tôi, chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của Phan Châu Trinh cũng là một giải pháp phi truyền thống. Trong tương quan lực lượng thời bấy giờ, việc dùng giải pháp truyền thống không thể thành công nếu không dựa vào thế lực của nước khác. Các phong trào cần vương chống Pháp đều thất bại. Đảng cộng sản đã dựa vào Liên xô và Trung quốc mới đạt được mục đích của họ. Nhưng hậu quả là họ đã du nhập vào đất nước một học thuyết ngoại lai.
Tình hình đất nước hiện nay cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào Trung quốc. Điều này cho thấy cái trí của Trương Vĩnh Ký (và Phan Châu Trinh) hơn một thế kỷ trước.
Là một người thấm nhuần triết lý Á Đông, Trương Vĩnh Ký đã gửi gắm tư tưởng “Tận nhân lực tri thiên mệnh” trong tản văn “Bất cượng, chớ cượng làm chi”, với lời tựa bằng tiếng Pháp “Fais ce que dois, advienne que pourra” (Do what you should, come what may). Theo tôi đây là tâm niệm mà ông đeo đuổi đến cuối đời.
Sydney ngày 6 tháng 7 năm 2018
(Viết lại từ bài thuyết trình ngày 24 tháng 6 năm 2018 trong buổi phát hành Tập san số 12 của Nhóm Nghiên Cứu Văn Hoá Đồng Nai và Cửu Long)
[1] Henri Mouhot, Notes on Cambodia, the Lao Country, bản dịch tiếng Anh của Thomas Hodgkin, The Journal of the Royal Geographical Society of London, Vol. 32 (1862), pp. 142 – 163.
[2] Nguyễn Đình Đầu, Petrus Ký nỗi oan thế kỷ, Nhà xuất bản Tri Thức, 2017.
[3] http://ecole.nav.traditions.free.fr/pdf/rieunier_cochinchine.pdf
[4] http://nguyentl.free.fr/Public/Herve-Bernard/public_herve-bernard_fr.htm
[5] Thống đốc Nam Kỳ lúc đó là Phó Đô Đốc Bonard. Người ký quyết định, theo tài liệu do Hervé Bernard công bố, là Phó Thống Đốc de la Grandière.
[6] Tức tàu Européen chở phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp.
[7] Ngày 19 tháng 5 năm Quý Hợi, nhằm ngày 4 tháng 7 năm 1863.
[8] Phái đoàn của Đại thần Phan Thanh Giản rời Sài Gòn ngày 4.7.1863. Theo A. Delvaux, L’Ambassade de Phan Thanh Gian en 1863 d’après les documents français (Bulletin des Amis du Vieux Huế, 13è année, no 1, Jan – Mar 1926, pp 69 – 80) đoàn sứ thần trở về lại Sài Gòn ngày 18.3.1874. Vì vậy có thể suy luận là bản tin của Illustrated London News phát hành lúc phái đoàn Phan Thanh Giản đang ở Pháp.
[9] Emails trao đổi với Ms Charlotte Goodall (Bodleian Classics Librarian, University of Oxford) ngày 12 tháng 4 năm 2018 và ngày 17 tháng 4 năm 2018.
[10] Đây là một đoản văn nằm ở cuối quyển “Impressions d’un Japonais en France, Suivies des Impressions des Annamites en Europe” do Richard Cortambert thu thập, in năm 1864 bởi Achille Faure, Libraire – Editeur, Paris. Tác phẩm này được Nguyễn Vy Khanh tìm thấy và giới thiệu đến độc giả Việt Nam, được Nguyễn Đình Đầu nhắc lại trong tác phẩm Petrus Ký Nỗi Oan Thế Kỷ. Tác phẩm của Cortambert dài 205 trang, phần cuối về Petrus Ký từ trang 179 đến 205, mỗi trang khoảng 200 chữ.
[11] Hội Á Châu (Société Asiatique) là một hội học thuật của Pháp chuyên nghiên cứu về Á Châu học, được thành lập từ năm 1822. Từ năm 1884 đến 1892, Ernest Renan là Chủ Tịch của Hội. Ông là một nhà triết học và văn hào danh tiếng của Pháp, cũng là hội viên của Viện Hàn Lâm Minh Văn và Văn Chương Pháp (Académie des Inscriptions et Belles-Lettres). Nguồn: http://www.aibl.fr/societe-asiatique/histoire/liste-des-presidents/?lang=fr
[12] Journal Asiatique, Juillet 1880, page 73. Tạp chí này là một ấn phẩm của Hội Á Châu.