Những câu đối của Thi Sỉ Giáo Sư Tạ Ký (1928 – 1979)

nguồn: Wikiquote (https://vi.wikiquote.org) Câu đối – Thơ đối đáp và Thơ xướng họa Việt Nam

ta kyTạ Ký quê ở Trung Phước, Quế Sơn, Quảng Nam, là nhà giáo, nhà thơ, giáo sư Việt văn tại trường Petrus Ký (Sài Gòn). Làng Trung Phước nằm trên hữu ngạn con sông Thu Bồn, là một vùng có nhiểu núi non, từ đây càng tiến về phía tây thì càng đi vào vùng thượng du. Phong cảnh vùng này hữu tình, đồi núi quê anh là nơi Bùi Giáng đã đi chăn dê, hai chàng thi sĩ đất Quảng xuất thân cùng một làng, thậm chí nhà ở cùng một xóm với nhau. Làm thơ tử thuở còn học tiểu học cho mãi đến những năm cuối của đời mình, cuộc đời của Tạ Ký gắn liền với thơ, cũng như với việc dạy học. Ông được giải Văn học Nghệ thuật miền Nam bộ môn thơ năm 1972 với tác phẩm “Sầu ở lại”. Từ 1975, ông đi tù cải tạo trong hai năm, đã làm nhiều thơ trong tù, rất tiếc hiện chỉ còn một số ít trong trí nhớ của các bạn đồng tù. Cuối năm 1978 Tạ Ký từ Sài Gòn đi về sống ở An Giang, và đã qua đời trong cô độc tại đây vào tháng Ba năm 1979. Hai mươi hai năm sau, vào ngày 5 tháng Tư năm 2001, gia đình và bạn bè đã dời mộ ông từ Chợ Mới, An Giang về cải táng tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức, bên cạnh mộ phần của Bùi Giáng, với ước mong đặt để trở lại chỗ nằm và chỗ đứng xứng đáng cho ông, trong cuộc đời cũng như trong lòng người.

  • Năm 1970, tại một trường trung học công lập tại một quận lẻ tỉnh Tây Ninh. Buổi trưa, các thầy cô thường tổ chức nấu ăn tại nhà vợ chồng ông Lao công của trường. Gia đình ông Lao công nghèo, không con, được nhà trường du di thu xếp một phòng học làm nơi ăn nghỉ tại trường. Một buổi nọ, cô Hồng, dạy văn trong trường, nhân lúc ăn uống vui vẻ, ứng khẩu ra một câu đối và mời mọi người đáp lại cho vui.

Cô nói: Cô Hồng cởi áo cô hồng trần

Mọi người bỗng ngừng đũa, mỉm cười nhìn nhau tinh nghịch chờ đợi câu trả lời, trong số đó có thầy Tạ Ký (nguyên Đại úy biệt phái trường Pétrus Ký). Là một người ham thích câu đối từ lúc còn nhỏ, thầy cũng cảm thấy bất ngờ, không thể nào đối đáp ngay được.

Bỗng thầy sực nhớ đến tên mình và tên thường gọi ở nhà của thằng con trai trưởng là “Lục”, thầy đáp liền đáp: Thầy Ký lột quần thầy ký lục.

Một nam giáo viên mặt nghiêm nghị, ngó thẳng vào mặt thầy Ký rồi lớn tiếng phản đối: “Người ta mới cởi áo, anh làm gì mà gấp gáp quá vậy! Lột quần người ta rồi lục lạo tùm lum là nghĩa làm sao? Anh không bị đưa ra tòa vì tội sách nhiễu tình dục cũng là may!” Mọi người đồng loạt cười vang rân thiếu điều muốn sặc.

vế đối khác 1: Anh Bạch thay quần, anh Bạch diện

vế đối khác 2: Anh Bạch vạch quần, anh Bạch đái (Câu đáp hóm hỉnh ở chỗ bệnh bạch đái là một chứng bệnh của phụ nữ)

  • Năm 1976, lúc ở “trại” HT 7590/L9/T1 Long Khánh, sau khi kho đạn của Sư Đoàn 18 BB/VNCH bị nổ, các “tù cải tạo” phải dọn các đóng gạch vụn. Trong lúc di chuyển đóng xà bần dưới trời nóng, Giáo sư Tạ Ký, ra câu đối với đám học trò cũ cùng “cải tạo”, ông nói: “Nếu thằng nào đối được thì tao thua một bi thuốc lào”.

Vế ra: Vác gạch hộc gạch

Thì ra làm việc mệt quá nên thầy mới nghĩ ra câu này, tuy nhiên đám học trò cũ chưa kịp lấy được bi thuốc lào của thầy thì đã phải chuyển trại lên Bù Gia Mập. Một hôm, đi vát lồ ô về làm láng, một anh học trò cũ nói: “Phải chi có thầy Tạ Ký ở đây thì tao được bi thuốc lào của thầy”.

Té ra, khi vát lồ ô lên dốc, anh học trò nghĩ ra câu: Leo dốc thở dốc