NHỚ VỀ THẦY CÔ
Cô Phạm Thị Thiên Hương
Nguyễn Năng Tín
(Nguồn: Giai Phẩm Xuân Mậu Tuất 2018 – Petrus Ký 1966-73 http://veque.com.free.fr/)
Cô Thiên Hương dạy Sử Địa có lẽ là một trong những thầy cô nổi tiếng nhất của trường Petrus Ký mà chắc ai học ở trường đều biết. Cô nổi tiếng vì rất nghiêm khắc với học sinh nên thường được đám học trò gọi là “bà Thiên Lôi”.
Tuy nhiên nhờ sự nghiêm khắc và phương pháp dạy hơi “cao siêu” của Cô đối với đám học sinh lớp Đệ Ngũ đã giúp tôi cải thiện rất nhiều về kết quả và phương pháp học tập .
Những năm đầu Petrus Ký của các lớp đệ nhất cấp trung học, tôi không siêng học lắm và cũng còn rất ham chơi. Về đến nhà buông cặp là chạy ra ngõ để chơi với đám bạn hàng xóm đủ thứ trò tùy theo mùa trong năm từ đánh đáo, thả diều, bắn bi, ném bông vụ… đến khi ba tôi đi làm về là phải xếp re chạy lẹ về nhà tắm rửa.
Hơn nữa vì bị hơi cao nên thường thầy cô xếp ngồi bàn cuối hoặc kế cuối lớp chung với mấy đại ca sinh 1953 như LP Minh, HL Hùng, NT Hùng… đã qua tuổi “dậy thì” trong khi mình vẫn còn “ngây thơ chưa biết gì”. Ngồi xa khó nghe tiếng giảng bài của thầy cô mà dễ nghe đám đại ca nói chuyện người lớn nên rất hay bị lo ra. Do đó kết quả 2 năm đầu ráng lắm chỉ đạt hạng trung bình.
Lớp Đệ Ngũ là mới bắt đầu có ý thức hơn trong việc học (chắc là đến tuổi biết gì rồi). Trước khi bước lên lớp Đệ Ngũ, đã nghe danh Cô Thiên Hương từ các lớp đàn anh nên giờ học của Cô là cả lớp đều im re không ai dám ồn ào nói chuyện riêng. Cô giảng bài và minh họa trên bảng nhưng không đọc bài cho chép như các thầy cô khác . Do đó môn Sử Địa của cô phải có thêm một quyển tập nháp để ghi chép thật nhanh cho kịp những điều Cô giảng.
Về nhà mới soạn lại và tóm tắt nội dung ghi vào quyển vở chính. Thỉnh thoảng Cô xét cả hai quyển tập và có bạn không ghi chép nên bị Cô xé tập quăng ra cửa sổ và còn bị lảnh thêm mấy cú khẻ tay bằng thước bảng.
Với cách học này, sau năm học với Cô tôi đã tiến bộ rất nhiều trong tốc độ ghi chép và sau khi soạn bài đã nhớ được những ý chính và đỡ phải học bài , tôi vốn không thích học bài thuộc lòng.
Ngoài ra khi kiểm tra cuối học kỳ, phải nhớ và vẽ lại các bản đồ để minh họa. Bắt buộc tôi phải học cách vẽ bản đồ đơn giản và dễ nhớ. Sau này tôi vẫn còn nhớ cách vẽ bản đồ Việt Nam đơn giản không sai nhiều .
Phương pháp giảng của Cô giống của sinh viên Đại học nhưng phương pháp dạy của Cô (thương cho roi cho vọt) lại giống của học sinh Tiểu học. Tuy nhiên nhờ học qua lớp của Cô, tôi thấy việc học trở nên dễ dàng hơn và kết quả học tập cũng cải thiện dần ở các năm sau .
Bảy năm của đời học sinh trung học 1966-1973 thời đó thấy thật dài: khi mới vào trường còn là con nít và khi ra trường là hầu như trưởng thành. Bảy năm đó cũng đã trải qua mấy biến cố chiến tranh năm 1968 và 1972. Bây giờ khi đã qua tuổi 60 nhìn lại bảy năm chỉ là giai đoạn ngắn của đời người nhưng đó lại là thời gian quan trọng nhất để hình thành nhân cách lúc trưởng thành.
Cảm ơn các thầy cô của trường Petrus Ký luôn hết lòng tận tụy với sự nghiệp giáo dục, trong đó Cô Thiên Hương là người tôi vẫn luôn ghi nhớ .
Nguyễn Năng Tín