Ngày truyền thống P. Ký (*)

Khiếu Quốc Việt (12A2 P.Ký)**     

5-12             

Tự nhiên học sinh túa ra, xôn xao…  Từng dãy cảnh sát trên sân cỏ…  Cái gì vậy?  Xuống đường chăng? Thưa không, đó là buổi tập dượt cho ngày truyền thống Petrus Ký.

Hàng năm, cứ vào 6-12 là trường lại có một ngày truyền thống để những người đã rời xa mái trường có dịp gặp nhau: tay nắm tay nhớ ngày giỗ tổ và tưởng niệm những vị thầy đã khuất bóng.  Bên mái đầu xanh, vài mớ tóc bạc, tất cả đều là anh em.  Một chút gì ấm áp bỗng giấy lên từ đáy tâm hồn và năm nay, tại đây, thêm một lần nữa mọi người quây quần đốt nén hương thơm kể lại chuyện cũ cho nhau nghe… để cùng hãnh diện là học sinh Petrus.

Sân trường Petrus Ký trong ngày Truyền Thống 6-12-1973
(Nguồn: Lâm Văn Tý, PK 1967-1974)

Sư đoàn 5 bộ binh, đơn vị kết nghĩa của trường đang tích cực ủng hộ ngày lễ lớn nhất cho những người đã một lần trên ngực áo mang chữ Petrus.  Từng giọt mồ hôi loang loáng chảy, từng cảnh huy hoàng được dựng lên…

– Tất cả học sinh…  Nghiêm !  Ông Tổng Trưởng và quý vị quan khách đến…

Học sinh yên lặng.  Ban nhạc trổi một đoạn hùng hồn.  Thầy hiệu cùng 2 vị nữa tiến vào:

– Mời quý vị an tọa…

Lũ con ít cười ồ vì ba vị loay quay (ngó bộ phải ngồi xuống đất vì chưa có ghế)

– Làm lại, làm lại.

Thêm một màn chạy tới chạy lui.

– Học sinh nghiêm !  Ông TT đến, mời quý vị an tọa.

Vị nhạc trưởng (ban nhạc Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát) dơ cao gậy gỗ bịt đồng ngơ ngẩn chưa kịp trỗi nhạc… lại làm lại…

Cuối cùng 5 chàng chiến sĩ xuất sắc sư đoàn 5 (giả vờ ý mà) hùng dũng tiến lên lùn tịt run rẩy, vì chàng mới học lớp 6 tự nhiên bị lôi lên đóng trò nên chàng khớp.  Chuyện rồi cũng phải xong vì nắng đã đỏ rực khắp sân trường.

Đây ngày trọng đại

Ánh nắng chan hòa nhẩy múa trên 1500 bộ đồng phục. Những con dân Petrus đã đứng đó tự bao giờ dưới hàng cờ xí chỉ những mái tóc gọn gàng lay động, chiếc đồng hồ trên cổng trường đã chỉ đúng 8 giờ.

Bây giờ xin mời các bạn theo chân một chàng tuổi trẻ (vốn dòng hào kiệt) thắt nơ vàng đình hùynh đi xem xét.  Trường trang hoàng rực rỡ với mầu cờ bên hàng cây xanh mướt.  Trên hành lang danh dự đầy bích báo.  Ngang qua hành lang chúng ta đến khán đài rồi tượng đài cụ P. Trương Vĩnh Ký oai nghiêm trong bộ quốc phục khăn đống áo dài, thẳng vào tí nữa là niệm sư đài: công lao của lớp 9/5 đã sơn phết từ 2 ngày trước, là 1 chú rùa cõng tấm bia cao 3 thước có 3 hàng chữ Công Cha, Nghĩa Mẹ, Ơn thầy.  Từ hành lang danh dự rẽ qua tay trái: 1 phòng đóng im ỉm, qua bên phải: trên hai, ba cái cửa he hé đầy vẻ bí mật…

Đúng 8h15 cuộc lễ bắt đầu, diễn tiến đúng y như hôm qua nhưng sau khi chào quốc kỳ; quan khách có quyền ngồi xuống ghế….để nghe ông Hiệu Trưởng đọc diễn văn khai mạc.

Ngay sau tràng vỗ tay chấm dứt bài diễn văn, phía lớp 12A2 bỗng xôn xao. Những cái lưng ưỡn thẳng đầu rướn cao nhìn về khán đài nơi giáo sư NXH bước ra, một vài tiếng gọi khẽ : sư phụ, sư phụ. Thầy H cố vấn ban học tập đang nói về ý nghĩa ngày truyền thống và sứ mạng cao cả của học sinh là nhớ ơn thầy… bầu không khí thật trang nghiêm…

Giữa cơn nắng vàng ban mai, một cơn gió nhẹ lồng vào tiếng vỗ tay như làm trời thêm xanh.  Rồi thầy Kiệt bước lên máy vi âm chân đã run, mắt đã mờ âu yếm kể lại chuyên xưa về P cho đàn sau nghe.

Sau lễ đặt vòng hoa ở tượng đài và lễ niệm hương, một phút mặc niệm bắt đầu.  Trong bầu không khí trong lành 1500 tinh túy của trường đang cúi mặt bên bó trầm hương nghi ngút tưởng nhớ đến những thầy đã khuất, ban nhạc cử bài “hồn tử sĩ” tiếng trompette kéo dài.  Tự nhiên lòng cảm thấy thương thầy hơn lên.

Tuổi trẻ thật dễ nhớ mà cũng thật dễ quên, từng tràng vỗ tay lại vang vang chào mừng cuộc duyệt trại của quan khách.  Sau đó là huấn thị của ông Tổng Trưởng.

Những con mắt mở to, nắng đã thật cao.

Quan khách ra về lúc 10h30 và đây, phần sinh hoạt tự do, giờ của tuổi trẻ, của anh em Petrus, không khí vui hẳn lên nhộn nhịp.

Bây giờ mời các bạn cùng người viết xông xáo vào chốn trận mạc.

Đầu tiên hãy bắt đầu từ cổng trường, chàng cứ phom phom bước vào, nhưng ơ kìa… bàn tay âu yếm kéo trở lại kèm một giọng ồ ề…

– Anh đi cửa sau đi… cửa này… cấm

Chàng còn đang ngơ ngác thì một vị nữ lưu độ tuổi tứ tuần cũng xông vào miệng cười mỉm chi.

– Học trò cũ nhớ ngày xưa trở về thăm trường mà các em..

Thế là chàng nơ vàng quên phắt ngay “du khách” trước và dàn chào du khách sau.

Ơ ! Lại bị chận…10 chàng nơ đỏ lập “tuyến phòng thủ” ngơ ngác đi vòng ngõ sau.

Cười mỉm chi chàng tuổi trẻ dễ dãi đi vòng.  Sờ lại cái bóp thì…  Ô hô ai tai, nó đã biến đi đằng nào.  Sau một hồi bóp trán thì… may quá, hình như nó được bỏ ở nhà.  Rồi cuối cùng bò vào được sân trường, “dân chúng” đông như kiến.  Buổi chào cờ hàng ngày cũng vậy mà, nhưng sao sân trường hôm nay vui vẻ lạ.

Quang cảnh đã nhộn nhịp, dưới tấm bia ở niệm hương đài chú mả(??) cất cao cổ nhìn lên tấm biểu ngữ “Công thầy bó đuốc soi đường đàn sau”.  Bộ lư đằng trước vẫn còn sáng chói nhưng không còn hấp dẫn tia nhìn khách nhàn du, mà là khán đài. Trên khán đài có ba chàng (lại chàng!) đang nhảy cà tửng trông vui vẻ ghê, nào ta hãy xem các chàng đang làm gì?  Thì ra các chàng đang hát nhạc…ngoại quốc.

Nhìn trái nhìn phải nhìn xuyên qua khán đài vào cả hành lang danh dự, áo tím áo hồng, pull, áo dài, quần Patte hèn gì sân trường chả tươi mát.

Người viết mon men lại gần một anh đang gật gù theo điệu nhạc, mồm gặm harmonica thịt (bánh mì) làm một màn théc méc:

– Thưa anh: “Giới nữ lưu đâu ra mà nhiều quá dzậy?

Anh chàng cười ruồi một cái rồi ra vẻ bí mật:

– Trái tim Pétrus Ký

Trái tim Võ Trường Toản, và 12 trời xa lạ.

Trời đất người ta viết vốn dốt chữ cho nên vội chạy dài đi dòm bảng tên là ăn chắc.  Thì ra có trường lớn đã góp mặt trong buổi văn nghệ liên trường.  Nhìn cảnh những nữ sinh Petrus Ký nói chuyện với nam sinh P.  Người viết bỗng bối rối tinh thần Petrus là trên hết không còn phân biệt nam nữ lớp ngày lớp đêm:  tất cả đều là anh em.

Đứng từ hành lang danh dự nhìn qua phải nhắm mắt lại: quang cảnh uy nghiêm của 1500 cái đầu ngước cao nhìn theo lá quốc kỳ.  Mở mắt ra thiên hạ đã bao 1 hình móng ngựa quanh khán đài rợp bóng dù (dù lớn lớn chứ không phải cái ô à nhe)

Nhìn qua bên trái ta đếm được vỏn vẹn 5 cái lều mỗi khối 1 cái.  Đặc biệt nhất là khối văn nghệ có một cái lều nhỏ tí teo. trong khuôn viên 5 khối thiên hạ thi nhau “thổi khẩu cầm” trên bàn học.  Còn mấy chiếc bàn ghế bằng tre kết theo kiểu hướng đạo chả ai thèm ngồi chổng chơ dưới những tia nắng gay gắt của tháng 12.

Bây giờ ta hãy thử “xung phong” lên hành lang danh dự…coi.  Ối chà, một đống chướng ngại vật vài anh nơ đỏ đứng trong hai anh nơ vàng đứng ngoài đeo dấu hiệu trật tự võ trang nụ cười cùng lời xin lỗi quyết tử thủ cổng ngõ vào hành lang danh dự dù hành lang đó đầy ngưòi nhàn du.

Người viết đánh bạo tiến lên tay sổ tay viết ra vẻ ta đây phóng viên lững thững đi vào tỉnh bơ (trong lúc bụng lo ngay ngáy lỡ bị đuổi ra thì “xệ” lắm) phòng triển lãm đóng kín phóng viên gà mờ này đành đi coi bích báo. Từng tấm từng tấm những tờ bích báo chữ nhỏ li ti treo trên cao thành chả đọc được gì ngoài những cái đề bài và tên lớp thành thử yêu cầu du khách chịu khó xem hình thức thôi nội dung mà làm gì.  Những giòng chữ nhỏ nhưng xinh xắn nhẩy múa trên lá trên hoa trên giấy trên xốp trắng đã đủ tạo cho bích báo một cái gì phong phú vô cùng vì làm bích báo rẻ và dễ làm nên nhiều lớp đã chú tâm hẳn vào bích báo mong giật giải.

Lại bị lôi khỏi hành lang danh dự rõ ra tình ngay mà ký gian có cái thẻ Mai Bê Bi (MBB) lại bỏ ở nhà mất rồi, có gì mà “dọa” thiên hạ.  Người viết đành chạy ào qua phòng triển lãm he hé mắt dòm… Ý eo! ghê quá một chú khủng long to bằng con chó đang thò dài đầu mở miệng đỏ lòm nằm trên khu rừng phi châu rậm rạp rộng… từ thời tiền sử, rồi bản đồ nổi, rồi hình danh nhân bằng xốp, đó là triển lãm phần môn sử địa. Qua lãnh vực khoa học: cái này mới là nghề của các chàng, chuông điện, volt kế, máy móc, cân đo được bầy la liệt…

Chợt một đám đông ào đến, người viết nhón chân hết cỡ mà cũng không thấy khủng long nữa đành ra xem xét phần văn nghệ. Đi hoài.  A, bây giờ ngồi vắt chân chữ ngũ coi thiên hạ hát cũng hay.  Sau đây chỉ xin ghi ra những màn đặc biệt (không phê bình) theo nhận xét cá nhân:

Tinh thần dân tộc có ở màn kiếm Mê Linh của LVD hay TV mà người viết quên mất.  Lê Quý Đôn vũ một màn mà bài hát đệm quen thuộc với giới Hướng Đạo, đó là bài: “Tính tính tính, tình tang tang tang”.  Và đã có một nữ giáo sư lên góp vui với đám học trò.  Riêng ban kỹ thuật sư đoàn 5 thì lúc nào cũng cặm cụi điều chỉnh âm thanh.

Nhón chân nhìn lên hàng ghế danh dự, quan khách đã về hết chỉ còn Thầy hiệu và những học sinh đã học tại trường từ lúc những kẻ đang học lớp 12 bây giờ vừa mới ra đời; nhiều người đã nên danh phận nhưng vẫn trở lại giúp đỡ và ủng hộ trường cùng khuyên nhủ đám đàn em còn đang theo học.  Điển hình là Huynh trưởng TVL và giám đốc công ty Shell đã từng mở những cuộc chiếu phim có giảng giải về mọi vấn đề dầu hỏa.  Những cuốn phim màu nói tiếng Việt tuy không hay như phim tuồng nhưng cũng đã biểu dương được tinh thần Petrus mãnh liệt trong tinh thần tương thân tương ái.

Trời đã về chiều rồi sập tối đèn được đốt lên mở đầu cho đêm lửa trại, tiếng đàn guitare bập bùng, giọng hát vang cao, mọi người quây quần kể cho nhau nghe chuyện vui chuyện buồn, thầy xưa lớp cũ, trong lúc ngày trọng đại trôi qua nặng nề như một tuổi đời.

Thêm một lần nữa ngày Petrus Ký đã đến, đã đi và sẽ lại để mọi người cùng quây quần nhìn nhau trong thương yêu tràn đầy tinh thần con dân Petrus Ký.

Khiếu Quốc Việt

7-12-74

*** 

(*) Bài được đăng trên trang Mai Bê Bi, báo Chính Luận trong số báo 3263 ngày 25-12-1974, được chụp lại từ microfifm do trưòng ĐH Cornell, New York lưu giữ trên microfilm. Cảm ơn anh Võ Phi Hùng – cựu học sinh Petrus Ký (67-74) chụp lại từ microfilm của Thư Viện Đại Học Cornell và anh Dương Kế Toại (PK 1967-1974) đã giúp đánh máy lại để mọi người dễ đọc.

(**)  Anh Khiếu Quốc Việt là học sinh Petrus Ký lớp 12A2 nk 1974-1975, trước đó anh là học sinh Phan Châu Trinh, Đà Nẳng, và có sáng tác nhiều thơ văn, câu đố cho trang Mai Bê Bi, báo Chánh Luận.