Một buổi viếng thăm nhà mồ Ông Trương Vĩnh Ký
Ái Khanh (Petrus Ký đêm – NK 69-75)
Ngày 4/2 là ngày Lễ tình bạn và thật trùng hợp cùng là ngày Ái Khanh và sư huynh Lý Hồng Giang có dịp diện kiến nhau nhân ngày anh LHG từ New Zealand về Việt Nam ăn Tết. Hai anh em cùng học chung dưới mái trường thân yêu Petrus Ký, dù khác nhau về niên khóa học, người 63-70, người 69-75, lớp ngày và lớp đêm nhưng tình đồng môn và tình cảm dành cho ngôi trường thân thương luôn hiện diện trong lòng cả hai anh em dù đã rời xa nó hơn 50 năm đối với anh LHG và tròn 48 năm đối với AK. Một khoảng thời gian hơn nửa đời người, vậy mà hai anh em vẫn có cơ hội gặp và lần đầu tiên biết mặt nhau đúng là hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Cuộc đời thực sự có những điều thật tình cờ và bất ngờ luôn dành cho những ai có cơ duyên.
Theo kế hoạch đã bàn trước khi anh về VN, hai anh em sẽ có một buổi viếng thăm nhà mồ ông Trương Vĩnh Ký trong buổi sáng ngày 04/02/2023. Điểm hẹn đầu tiên vẫn là tại cổng trường Petrus Ký và sau đó cùng đi viếng thăm nhà mồ Ông trên đường Trần Hưng Đạo, không khí Tết vẫn còn đâu đó từ những chậu hoa mai vàng rực rỡ cùng với cái nắng nóng rát mặt của tháng giêng. Thật nhiều cảm xúc khi hai anh em lần đầu gặp nhau, tay bắt mặt mừng và cùng chụp lại vài hình ảnh kỷ niệm trước cổng trường. Cổng trường không còn cái tên thân yêu Trương Vĩnh Ký của ngày cũ nhưng hình như cái hồn của những năm tháng xa xưa vẫn hiện diện trong lòng những ai vẫn còn dành tình cảm đặc biệt cho mái trường xưa, thầy cô kính yêu và các bạn đồng môn.
Dưới ánh nắng nóng chói chang, hai anh em quyết định cùng nhau đi bộ đến nhà mồ Ông Trương Vĩnh Ký vì địa điểm đến cũng không xa lắm. Từ trường Petrus Ký trên đường Nguyễn Văn Cừ đi bộ tới đường Nguyễn Trãi rồi vòng xuống đường Trần Bình Trọng rồi ra Trần Hưng Đạo (nhà mồ có mặt tiền chính trên đường Trần Hưng Đạo và mặt hông là đường Trần Bình Trọng). Vĩa hè dành cho người đi bộ chỗ nào cũng bị lấn chiếm để buôn bán, hai anh em phải đi xuống cả lề đường và xe cộ ở Saigon nhất là xe hai bánh chạy vèo vèo qua như sao xẹt…báo hại hai anh em hú vía mấy phen. Rồi cũng tới nhà mồ Ông, lần đầu tiên Ái Khanh đặt chân vào đây dù Saigon là quê gốc của mình, dù đi học ngôi trường mang tên ông từ lớp đệ lục đến lớp 12 là năm cuối cùng ngày 30.4.75…vậy mà đến giờ này lại là lần đầu tiên đến nhà mồ viếng thăm ông (cảm thấy thật có lỗi). Mà cũng không riêng gì Ái Khanh, sư huynh Lê Hồng Giang cũng cho biết thêm “…nhiều đàn anh Petrus Ký cho biết tới đầu năm 2010 qua báo chí mới biết nhà mồ ông Trương Vĩnh Ký chỉ cách ngôi trường mang tên ông khoảng nửa cây số đường chim bay…”!!


Khi bước qua vòm cổng chính để vào nhà mồ của ông, một cảm giác hụt hẫng đến lặng người. Đây là nơi chốn vĩnh hằng của ông đó ư ? Gian nhà thờ chính hình bát giác của ông nằm ngay giữa khuôn viên đất, có ba bậc thềm đá cũ màu đen xỉn, chỉ có cánh cửa nhà mồ được sơn màu xanh là còn một chút sáng sủa chạm vào mắt người nhìn….còn lại tất cả là một màu chết, tường vôi đã xuống màu, không ít dấu vết loang lỗ từ mảng tường rêu trên đỉnh vòm nhà mồ… tất cả đã phai màu theo thời gian và hình như từ rất lâu không được tu bổ hay quét lại màu vôi mới. Bên phải gian nhà mồ là một quán cà phê bình dân, được che chắn bằng những tấm bạt nhựa đã xuống màu cũ kỹ, cũng quá trưa nên không thấy khách nào, phía bên trái và sau lưng gian nhà mồ còn khoảng 60 ngôi mộ khác của gia tộc ông Trương Vĩnh Ký nằm xung quanh đó.
Cánh cửa sắt màu xanh bên ngoài nhà mồ ông đã bị khóa, hai anh em đành đứng bên ngoài nhìn vào trong, nơi có ba ngôi mộ âm dưới nền gạch bông ngã màu, nội dung ghi bên trên mộ ông Trương Vĩnh Ký tương đối còn đọc được dù nhiều chỗ đã bong tróc, còn ngôi mộ bà Trương Vĩnh Ký (nhủ danh Vương Thị Thọ) và người con trai lớn Trương Vĩnh Thế hầu như không còn thấy rõ được nội dung gì trên mặt mộ mờ mờ tối. Bàn thờ trước đầu ba ngôi mộ còn giữ được màu sơn trắng ngà, trên bàn thờ có bình bông chưng võn vẹn ba bông cúc vàng không đủ làm bớt đi khung cảnh buồn bã, thiếu đi mùi hương trầm thông thường được thắp vào những buổi sáng, cây đèn dầu leo lét gợi thêm nỗi buồn sâu thẵm trong lòng. Không vào được đài thờ để thắp cho ông nén hương vì cửa vào đã khóa, hai anh em đành đứng ngoài song cửa tưởng nhớ đến ông.


Sau đó hai anh em đi ra khuôn viên sân phía trái quay lại toàn bộ các ngôi mộ trong gia tộc ông Trương Vĩnh Ký, đa số là mộ đá với cây thập tự giá bên trên, có mộ được khắc bia nhũ vàng tên tuổi rõ ràng, có mộ bay mất màu chữ khắc không còn thấy rõ được nội dung gì. Khung cảnh thật tiêu điều lạnh lẽo, những ngôi mộ ngoài sân nằm trơ trọi thi gan cùng nắng mưa gió bụi, những vết nứt, rạn, bể ở vài ngôi mộ làm chạnh lòng người đến thăm viếng, cây cỏ dại xung quanh cũng góp thêm nỗi buồn vì mọc không hàng lối, những sào quần áo phơi phóng giữa lối đi hai hàng mộ, vài rọ sắt nhốt gà với tiếng gáy trưa lãnh lót giữa không gian vắng lạnh hoang tàn, nền đất lồi lõm ẩm thấp lấp loáng bóng nắng giữa trưa càng tăng thêm nỗi buồn cho những ai cám cảnh những người muôn năm trước giờ linh hồn họ đã về đâu hay hồn phách vẫn còn vương vấn nơi đây để nhìn sự lạnh lẽo buồn thãm từ nơi yên nghĩ vĩnh hằng của cả gia tộc họ Trương ??
Theo lời sư huynh Lý Hồng Giang vẫn còn một địa điểm để đến tưởng nhớ ông. Đó là ngôi nhà cũ mà gia đình ông từng ở lúc sinh thời, cùng nằm trên con đường cách nhà mồ chính khoảng hơn 100m. Đa số sách báo đều nói ông TVK lúc còn sống ở căn nhà phía sau trong khuôn viên nhà mồ. Tuy nhiên theo nghiên cứu sưu tập các bài viết có liên quan của anh Võ Phi Hùng (HungVo), tháng 12 năm 1937, Thống đốc Nam Kỳ Pagès gắn bảng công nhận nhà số 95 đường Galiéni (nhà ông TVK đối diện số 606 Trần Hưng Đạo) …là nhà trước kia của ông. Ngôi nhà này bây giờ có thể là 3 địa chỉ của 3 cơ sở thương mại khác nhau… hiện tại là cơ sở của Ngân hàng Bản Việt, vẫn theo lời sư huynh Lý Hồng Giang…đối diện ngôi nhà cũ của ông Trương Vĩnh Ký là một cơ sở thuộc nhà nước quản lý khuôn viên đất cũng khá lớn vẫn còn số nhà cũ (606) để làm mốc xác định. Đứng ở thời hiện tại để hình dung lại thời quá khứ đúng là khó có thể hình dung ngày xưa cũ ngôi nhà gia đình ông sinh sống được xây dựng như thế nào.
Giữa Sài Gòn phồn hoa đô hội, tấc đất tấc vàng, toàn bộ khuôn viên nhà mộ rộng hơn 2000m2 là nhà thờ ông Trương Vĩnh Ký mà bây giờ lại là một khung cảnh buồn bã, lạnh lẽo tiêu điều thêm phần nhếch nhác bằng những hình ảnh thiếu trang trọng, tôn nghiêm từ cuộc sống đời thường của con cháu chắt mấy đời của ông đang cư ngụ nơi đó ….làm cho những người còn một tình yêu dành cho ông không khỏi ngậm ngùi thương xót. Rồi lớp hậu duệ tiếp nối sau và sau nữa của ông, ai sẽ hết lòng gìn giữ để nơi nhà thờ của ông sẽ không trở thành hoang phế thêm hơn ??? Thêm nữa đời sống cơm áo gạo tiền có làm làm con cháu ông lực bất tòng tâm ???
Riêng bao lớp học trò xưa cũ đã thành nhân và thành công vẫn luôn dành một tình cảm thương mến cho ngôi trường xưa mang tên Petrus Trương Vĩnh Ký, vẫn bằng cách này hay cách khác luôn gìn giữ cái tên Petrus Ký thân thương để không bị lãng quên theo thời gian vô tình theo cách riêng của mỗi người luôn yêu mến ông.
Hai anh em kết thúc buổi viếng thăm nhà mồ ông với tâm trạng ngậm ngùi buồn bã đọng lại trong lòng, hôm nay như vậy rồi ngày mai sẽ như thế nào nữa, sẽ được sáng sủa, trang trọng, tôn nghiêm hơn hay vẫn một màu u ám hoang tàn lạnh lẽo??? Nhà thơ Nguyễn Du đã từng cảm thán về mình bằng hai câu thơ ” Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như…” và với ông Trương Vĩnh Ký và nhà mồ là nơi yên nghĩ vĩnh hằng của ông hiện tại như bài viết trên có còn ai còn chút tình ngậm ngùi thương nghĩ đến ông trong những năm tháng về sau chứ không dám nói đến vài trăm năm nữa ?? ?./.
Ái Khanh – Petrus Ký đêm (NK 69-75)