Chương XVII.

Có Phải Bà Pauline Jaricot – Người Sáng Lập Ra Hội Truyền Bá Đức Tin – Là Tác Giả Lá Thư Petrus Key?

Bà Pauline Marie Jaricot (1799-1862) sinh ra trong một gia đình giàu có ở Lyon. Ngoài việc thành lập Hội Truyền Bá Đức Tin, bà cũng là người sáng lập ra phong trào Chuỗi Mân Côi Sống.[115] Và có lẽ quan trọng hơn cả, bà là một người yêu viết lách, và là một người viết văn tài tình. Bà suốt đời làm việc thiện nhưng chết trong nghèo túng, vì bị lường gạt trong một công trình tạo việc làm cho người nghèo. Sau khi chết, bà được toà thánh Vatican phong làm Á Thánh, hay còn gọi là Chân Phước (Venerable).

Và như đã giới thiệu về Hội Truyền Bá Đức Tin ở chương trên, bà Jaricot chính là người có một mối quan hệ mật thiết với Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris và những giáo dân Việt Nam ngay từ khi còn rất nhỏ tuổi, qua người anh ruột là Philéas Jaricot. Bà đã tổ chức gây quỹ để gởi tiền cho các giáo sĩ ngay khi còn là một thiếu nữ. Sau đó, phương thức gây quỹ đơn giản mà hiệu quả của bà đã được Hội Truyền Bá Đức Tin do bà sáng lập áp dụng để nuôi sống công việc truyền giáo tại Việt Nam. Và những quyển Kỷ Yếu Đức Tin của Hội này cũng chính là những công cụ tuyên truyền cũng như gây quỹ cực kỳ hữu hiệu cho Hội Truyền Giáo Hải Ngoại.

Như vậy, có thể thấy rằng bà Pauline Jaricot đã hội đủ tất cả các điều kiện để là tác giả lá thư Petrus Key.

 

A. Cách Hành Văn Với Parallelism Của Bà Pauline Jaricot

Tuy vậy, để tìm hiểu xem có phải bà Pauline Jaricot là tác giả lá thư Petrus Key hay không, người viết đã tìm đọc các bài viết của bà để tìm kiếm nghệ thuật hành văn parallelism trong văn chương của bà.

Và người viết đã không thất vọng, vì trong những áng văn của bà Jaricot mà người viết tìm được, cách hành văn với parallelism xuất hiện dày đặc trong các câu văn, y như mật độ trong lá thư Petrus Key.

Sau đây là những câu điển hình với nghệ thuật hành văn này trong những đoản văn của bà Jaricot:[116]

=========================================================================

“ … sacrifice qui s’offre des milliers de fois par jour et dans des milliers d’endroits différents dans les cités, dans les campagnes, dans les camps des armées, dans les hospices des malheureux, dans les prisons de la justice humaine, sur terre et sur mer, dans toutes les contrées de l’univers, partout où il y a des hommes qui veulent en profiter.” (Le Prêtre et le Tabernacle, pp. 348-349).

“ …… sự hy sinh dâng hiến hàng ngàn lần mỗi ngày hàng ngàn nơi khác nhau trong những thành phố, trong những chốn đồng quê, trong những trại lính của quân đội, trong những bệnh viện cho kẻ không may, trong những nhà giam của luật pháp con người, trên đất liền và trên biển, trong khắp mọi nơi chốn trong vũ trụ này, bất cứ nơi nào có con người còn muốn được hưởng nó.” (Người Linh Mục và Hòm Bia Thánh, trang 348-349).

Repentez-vous de me connaître si tard; offrez vous en sacrifice d’expiation à ma justice; jetez-vous dans le sein de ma miséricorde, je n’exige rien de plus après la confession de vos infidélités.

Pour gage de ma parfaite réconciliation avec vous, je vous donne mon corps, pour imprimer dans le vôtre le principe de la résurrection glorieuse; mon sang, pour vous marquer du sceau des élus; mon âme, pour accompagner la vôtre jusqu’aux pieds du tribunal éternel; ma divinité, …” (Jésus Caché, p. 355)

Hãy ăn năn vì đã biết ta quá muộn, hãy dâng hiến một chuộc lỗi cho sự chính đáng của ta, hãy quăng người vào sự che chở của lòng khoan dung của ta, ta không đòi hỏi gì thêm ngoài sự thú nhận về những sự bội tín của các người.

Để thế chấp cho sự hoà giải toàn diện giữa ta và các người, ta cho các người thân xác của ta, để in vào các người nguyên lý của sự phục sinh huy hoàng; máu của ta, để ghi vào các người con dấu của sự lựa chọn; hồn của ta, để đi cùng các người đến bước chân của sự phán xét sau cùng, sự thiêng liêng của ta …” (Chúa Giê-Su Ẩn, trang 355)

“Aussi rien ne rebute ce Dieu généreux pour habiter avec nous: ni la poussière dans laquelle son tabernacle est comme enseveli, ni les lambeaux qui couvrent ses autels, ni la malpropreté et la négligence qui règnent dans tout ce qui sert au saint sacrifice, ni la solitude et le délaissement où il est réduit dans une multitude d’églises de campagne.” (Le Tabernacle dans les Campagnes, p. 373)

“Nên không có gì ngăn cản vị Chúa khoan hồng này sống với chúng ta: không phải thứ bụi bặm mà hòm bia thánh của người chìm ngập trong đó, không phải những manh vải vụn che phủ những bàn thờ của người, không phải sự thiếu tinh khiết và bất cẩn ngự trị trong toàn thể sự cúng tế, không phải sự cô đơn và bị bỏ bê ở những nhà thờ chốn thôn quê.” (Hòm Bia Thánh ở Những Chốn Thôn Quê, trang 373).

Les simples fidèles se reposent sur leurs pasteurs, les pasteurs sur les chefs du royaume, les chefs du royaume sur leur roi, les rois sur la force de leurs armées, et personne ne veut se dévouer soi-même pour votre gloire.” (Amour de Jésus-Christ, p. 397).

Những tín đồ bình dân trông cậy vào những giáo chức của họ, những giáo chức vào những lãnh đạo của vương quốc, những lãnh đạo của vương quốc vào những ông vua, những ông vua vào sức mạnh của những quân đội của họ, và rồi không ai dâng hiến cuộc đời cho sự vinh quang của ngài.” (Tình yêu của Chúa Giê-Su, trang 397).

… Considérez donc ce que vous êtes, ce que sont les impies, ce que sont les chrétiens, ce qu’est l’Eglise, ce qu’est la société, ce que nous allons tous devenir, si Jésus-Christ ne se montre pas. Reconnaissez vos torts envers le Sauveur, de qui vous avez tout reçu, à qui vous n’avez rien donné, de qui vous avez tout à attendre, à qui vous ne demandez presque rien.

Cessez, cessez de vous appuyer sur des bras de chair, d’espérer dans les hommes, quels qu’ils soient, quelle que soit leur puissance, quels que soient leurs talents, pour ne plus espérer que dans le Dieu qui a sauvé le monde et qui seul peut le sauver encore… (Le Salut, pp. 407-408).

… Nên hãy xét xem các ông là gì, những kẻ không tín ngưỡng là gì, những tín đồ Ki-Tô là gì, giáo hội là gì, xã hội là gì, chúng ta sẽ trở thành gì, nếu chúa Giê-su Ki-tô không xuất hiện? Hãy nhìn nhận những sai lầm của các ông với Đấng Cứu Thế, từ Người các ông đã nhận được tất cả, đến Người các ông đã chẳng trao lại gì, từ Người các ông phải chờ đợi tất cả, đến Người các ông gần như chẳng hỏi chi.

Hãy ngưng, hãy ngưng nương tựa vào những cánh tay bằng thịt, hi vọng vào những con người, bất kể họ là ai, bất kể quyền lực của họ thế nào, bất kể tài năng của họ ra sao, để chỉ hi vọng vào Chúa người đã cứu thế và là người duy nhất có thể cứu thế thêm lần nữa… (Lời Chào, trang 407-408).

=========================================================================

Do đó, qua những đoản văn trên, các bạn đọc có thể thấy rằng cách hành văn chuyên dùng parallelism của bà Pauline Jaricot rất giống cách hành văn trong một lá thư của Hội Truyền Bá Đức Tin do chính bà sáng lập đã được dẫn ra ở trên.

Và quan trọng hơn nữa, cách hành văn của bà Pauline Jaricot rất giống với cách hành văn của tác giả lá thư Petrus Key. Cả hai đều dùng rất nhiều, hay phải nói rằng, một cách áp đảo, nghệ thuật parallelism, cho văn chương của họ.

Theo nhận xét của người viết bài này, có thể nói rằng khó mà kiếm được một người nào ưa chuộng nghệ thuật hành văn với parallelism này một cách thái quá như bà Pauline Jaricot. Và từ một điểm chung cực kỳ đặc biệt này của lá thư Petrus Key và văn chương của bà Pauline Jaricot, người viết không thể không đặt câu hỏi rằng có phải chăng bà Pauline Jaricot chính là tác giả lá thư Petrus Key?

B. Nét Chữ Của Bà Pauline Jaricot

Nhưng đó là cách hành văn, còn nét chữ viết thì thế nào? Người viết bài này đã tốn rất nhiều công phu để tìm ra được chữ viết thực thụ của bà Pauline Jaricot, nhằm mục đích so sánh với nét chữ viết tay của lá thư Petrus Key.

Sau nhiều tháng trời, cuối cùng người viết đã tìm được một lá thư của bà Jaricot viết vào năm 1833. Và khi so sánh nét chữ trong lá thư này với lá thư Petrus Key, người viết nhận thấy rằng có nhiều điểm rất giống nhau, tuy cũng cần ghi nhận rằng có nhiều điểm khác nhau.

Nhưng vì hai lá thư có thời gian cách nhau là 26 năm, sự cách biệt khá xa về thời gian đó có thể giải thích những chỗ khác nhau trong nét chữ của hai lá thư.

Và đây là lá thư năm 1833 của bà Pauline Jaricot:

Ky Yeu PK 2018 - 150

Nhằm so sánh hai nét chữ trong hai lá thư, dưới đây là nét chữ trong lá thư Petrus Key (trên) và nét chữ trong lá thư năm 1833 của bà Pauline Jaricot (dưới):

Ky Yeu PK 2018 - 151

Ky Yeu PK 2018 - 152

 

Và dưới đây là những chữ viết rất giống nhau giữa hai lá thư Petrus Key và lá thư năm 1833 của bà Pauline Jaricot. Cột bên trái là nét chữ của bà Jaricot ,và cột bên phải là nét chữ trong lá thư Petrus Key.

Ky Yeu PK 2018 - 153

Do đó, sau khi biết rằng bà Pauline Jaricot có một mối quan hệ mật thiết với các giáo sĩ và giáo dân ở Việt Nam từ việc gây quỹ cho đến việc thành lập ra Hội Truyền Bá Đức Tin, sau khi so sánh cách hành văn đặc biệt với nghệ thuật parallelism cũng như nét chữ viết của bà Pauline Jaricot và lá thư Petrus Key, người viết bài này đã đi đến kết luận rằng bà Pauline Jaricot chính là người có khả năng là tác giả lá thư Petrus Key nhiều nhất.

Như đã giải thích ở trên, là người sáng lập ra Hội Truyền Bá Đức Tin, một cơ quan tuyên truyền cho Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris, tổ chức truyền giáo lớn nhất tại Việt Nam, bà Pauline Jaricot chắc chắn phải rất nóng ruột trước việc các giáo hữu của bà đang bị triều đình nhà Nguyễn bức hại gắt gao, sau khi quân Pháp chiếm thành Gia Định vào tháng 2 năm 1859. Bà và các giáo sĩ khác thuộc Hội Truyền Giáo Hải Ngoại có thể càng nóng lòng thêm, vì sau đó quân Pháp vẫn giữ thế phòng thủ ở Sài Gòn – trong khi các giáo hữu người Việt của bà ở ngay những vùng lân cận tại Sài Gòn, ngoài khu kiểm soát của Pháp, đang bị giết hại và giam cầm bởi cuộc bắt đạo với qui mô chưa từng có của nhà Nguyễn.

Và trong khoảng thời gian đó, một thanh niên người Nam Kỳ, cựu chủng sinh trường Penang thuộc Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris, đã viết một lá thư gởi cho các bạn học ở Penang để thông báo tình hình tại Việt Nam. Trong thư, thanh niên người Nam Kỳ đó ký tên thật là Trương Vĩnh Ký, kèm theo một ký hiệu khá đặc biệt nhưng dễ đọc hơn với người Pháp, là “Pet. Kéy”. Lá thư đó (lá thư Penang) đã được chuyển về Hội Truyền Giáo Hải Ngoại ở Pháp, và được lưu trữ đến tận ngày nay.

Cùng lúc với lá thư Penang của Petrus Ký, nhiều lá thư khác của các giáo sĩ Pháp ở Việt Nam cũng đã được gởi về Hội Truyền Bá Đức Tin để được đăng trong Kỷ Yếu Đức Tin, như đã được làm trong nhiều năm trước đó.

Bà Pauline Jaricot, người sáng lập ra Hội Truyền Bá Đức Tin, là một người có biệt tài về văn chương, nhất là lối văn thuyết phục. Bà có lối hành văn rất đặc biệt là dùng nghệ thuật parallelism một cách áp đảo và dày đặc trong các văn kiện của bà. Có thể vì nhận thấy đây là một cơ hội để thuyết phục các sĩ quan Pháp hãy động lòng trắc ẩn mà tiến đánh các vùng do quân Nguyễn chiếm đóng để giải cứu các giáo dân người Việt, bà Jaricot đã viết một lá thư đến cho họ, và dùng tên của người thanh niên Nam Kỳ vừa viết lá thư Penang. Có lẽ trong sự suy nghĩ của bà, lá thư mang tên người bản xứ này sẽ có tính thuyết phục hơn là một lá thư do chính bà hay Hội Truyền Bá Đức Tin, ký tên.

Và do đó mà ta có lá thư Petrus Key. Và vì vậy, lá thư này đã diễn tả rất nhiều về việc bắt đạo, nhưng phần lớn là nói chung chung. Lá thư rất văn hoa điêu luyện, nhưng lại bỏ qua nhiều chi tiết sơ đẳng trong nghệ thuật viết thư. Lá thư cho thấy tác giả của nó không biết nhiều về xứ Nam Kỳ, và không biết chữ quốc ngữ. Lá thư dùng toàn những hình ảnh rất Tây Phương chứ không có gì là Việt Nam. Và sau cùng, lá thư viết sai cả cái tên mà nó muốn mượn: từ “Pet. Kéy” trở thành “Petrus Key”.

Và đó là sự suy đoán của người viết bài này trong việc đi tìm tác giả lá thư Petrus Key, dựa trên những tài liệu mà người viết có được hiện thời.

Pauline Marie Jaricot

Ky Yeu PK 2018 - 154


[115] https://www.google.com/search?rlz=1C5CHFA_enUS758US759&ei=PeN7WuCMC-G4jAPixrtY&q=M%C3%A2n+c%C3%B4i+Jaricot&oq=M%C3%A2n+c%C3%B4i+Jaricot&gs_l=psy-ab.3…11313.12864.0.15696.5.5.0.0.0.0.103.410.4j1.5.0….0…1c.1j4.64.psy-ab..0.0.0….0.-FhYLZTvdF4

[116] Tấc cả những câu văn của bà Pauline Jaricot trích đăng trên đây được lấy từ tập sách La Fondatrice de la Propagation de la Foi et du Rosaire-Vivant, Pauline-Marie Jaricot, Société Générale de Librairie Catholique, pp. 341-414. Tất cả những câu dịch ra tiếng Việt là của người viết bài này, Winston Phan Đào Nguyên. Bạn đọc có thể đọc cuốn sách nói trên tại đây: http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k6497057m/f7.image