Chương XV.

Những Người Có Khả Năng Là Tác Giả Lá Thư Petrus Key Nhất: Những Giáo Sĩ Và Giáo Dân Pháp Trong Các Tổ Chức Truyền Giáo Ở Pháp

Nhưng khi nói đến các giáo sĩ và giáo dân người Pháp ở Pháp, có lẽ cần phải thêm một điều kiện quan trọng nữa, là nhóm người này phải có một sự quan tâm đặc biệt đến Việt Nam, hay nói cách khác, phải có một mối liên hệ với Việt Nam. Và mối liên hệ này phải đủ mật thiết để nhóm người đó cảm thấy xót xa với tình cảnh của các giáo hữu của họ tại Sài Gòn, để thúc đẩy họ viết lá thư Petrus Key kêu gọi quân Pháp giải thoát cho các giáo hữu.

Và nhóm người tại Pháp có mối quan hệ mật thiết nhất với các giáo dân Việt tại Nam Kỳ chính là một tổ chức truyền giáo đã gởi các giáo sĩ của họ đến Việt Nam trong suốt hai trăm năm: Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris, hay còn được biết với một cái tên khác là Hội Thừa Sai Paris.

 

A. Hội Truyền Giáo Hải Ngoại (Hội Thừa Sai) Paris

Người Việt Nam ai cũng biết giáo sĩ linh mục Alexandre de Rhodes là một trong những người sáng tạo ra hệ thống chữ quốc ngữ ngày nay, qua những tác phẩm như “Phép Giảng Tám Ngày”, “Tự Điển Việt Bồ La”. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng ông cũng chính là một trong những người đã sáng lập ra một tổ chức truyền giáo có ảnh hưởng lớn nhất ở Việt Nam, đặc biệt là ở Nam Kỳ. Tổ chức truyền giáo đó có tên là Société des Missions étrangères de Paris, hay còn được gọi tắt là M.E.P., và được biết đến trong tiếng Việt với hai cái tên là Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris hay Hội Thừa Sai Paris

Là một tu sĩ thuộc Dòng Tên, sau nhiều năm truyền giáo ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài, linh mục Alexandre de Rhodes trở về Âu Châu năm 1649 và vận động với Đức Giáo Hoàng Innocent X để gởi thêm nhiều giáo sĩ đến Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu truyền giáo mà ông cho là rất lớn ở Việt Nam. Nhưng ông đã gặp rất nhiều khó khăn với mục đích này trong thời gian đầu, vì quyền bổ nhiệm các giáo sĩ truyền giáo từ lâu đã thuộc về hai quốc gia có thẩm quyền đặc biệt về truyền giáo, là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Hai quốc gia này trước đây đã được tòa thánh Vatican giao cho độc quyền bổ nhiệm các giáo sĩ truyền đạo đến các xứ chưa có đạo Thiên Chúa trên thế giới theo hai hiệp ước Padroado Real (Bồ Đào Nha) và Patronato Real (Tây Ban Nha) vào thế kỷ 15. Theo đó, Việt Nam thuộc về phạm vi truyền giáo của Bồ Đào Nha và hiệp ước Padroado Real.

Và chính vì lý do này, tòa thánh Vatican đã ngần ngại không muốn dẫm chân Bồ Đào Nha trong việc bổ nhiệm thêm giáo sĩ cho Việt Nam như Alexandre de Rhodes mong muốn. Tuy vậy, Alexandre de Rhodes vẫn kiên trì vận động trong nhiều năm. Sau cùng, năm 1658, ông mới nhận được sự ủng hộ và chấp thuận từ cơ quan chuyên phụ trách truyền giáo của Vatican. Cơ quan này tên là Sacra Congregatio de Propaganda Fide (Bộ Truyền Giáo).[100] Bộ Truyền Giáo có thế lực ở Vatican đến mức người lãnh đạo của nó, một Hồng Y, thường được gọi là “Giáo Hoàng Đỏ” (“The Red Pope”), có nghĩa rằng tuy là một Hồng Y nhưng quyền hành lớn như Đức Giáo Hoàng.

Và để làm theo ý kiến của Alexandre de Rhodes là gởi thêm giáo sĩ tới Việt Nam mà vẫn tránh né không vi phạm hiệp ước Padroado Real, Bộ Truyền Giáo đã cùng với Alexandre de Rhodes làm cùng lúc hai việc.[101]

Việc thứ nhất là tạo ra một loại “địa phận truyền giáo” mới với tính cách tạm thời, gọi là apostolic vicariate, để phân biệt với các “giáo phận” (diocese) đã được thành lập từ trước và thuộc về sự kiểm soát của Bồ Đào Nha theo hiệp ước Padroado Real. Các địa phận truyền giáo (apostolic vicariate) này được lập ra ở những nơi mà số lượng giáo dân chưa đủ để tạo ra một “giáo phận” (diocese). Và các địa phận này sẽ được cai quản bởi một giám mục với danh phận, titular bishop, hay còn gọi là “giám mục hiệu tòa”, để phân biệt với các giám mục chính thức (“giám mục chính tòa”) ở các giáo phận (diocese), nơi mà quyền bổ nhiệm giám mục là của vua Bồ Đào Nha.[102]

Bằng cách này, toà thánh Vatican qua Bộ Truyền Giáo (Congregatio de Propaganda Fide) có thể tránh được việc đụng chạm thẩm quyền của Bồ Đào Nha theo hiệp ước Padroado Real. Và bằng cách này, hai địa phận truyền giáo (apostolic vicariates) mới đã được thiết lập ở Việt Nam. Đó là địa phận Đàng Ngoài (Tonkin), bao gồm Bắc Kỳ và các tỉnh miền Nam Trung Quốc, và địa phận Đàng Trong (Cochinchina), bao gồm Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào và Cam Bốt. Sau này, địa phận Đàng Trong lại được chia ra nữa, để cuối cùng là địa phận Tây Đàng Trong do giám mục (hiệu tòa) Dominique Lefèbvre cai quản và linh mục Henri Borelle phụ tá.

Việc thứ hai mà Bộ Truyền Giáo phải làm là phối hợp với Alexandre de Rhodes để tạo ra một tổ chức truyền giáo mới, không phụ thuộc vào các dòng tu hay chịu ảnh hưởng của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tổ chức đó chính là Société des Missions étrangères de Paris, được biết đến trong tiếng Việt với hai cái tên là Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris hay Hội Thừa Sai Paris. Mục đích chính của tổ chức này, theo Bộ Truyền Giáo uỷ nhiệm, là truyền giáo ở các xứ Á Châu bằng cách thành lập một hệ thống giáo sĩ bản xứ.

Do đó, Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris đã được chính thức thành lập vào năm 1658 với sự đồng ý của Vatican.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài trước đó, Alexandre de Rhodes đã vận động ở Pháp và được sự ủng hộ của các thế lực lớn ở Pháp, đặc biệt là một tổ chức bí mật có tên là Compagnie du Saint-Sacrement.[103]

Hai giáo sĩ trẻ người Pháp, François Pallu và Pierre Lambert de la Motte[104], trước đó đã được chiêu mộ bởi Alexandre de Rhodes để sang Việt Nam truyền giáo. Và sau khi Vatican chính thức chấp nhận yêu cầu của Alexandre de Rhodes, hai giáo sĩ này được Vatican phong làm giám mục hiệu tòa (titular bishop) để cai quản giáo phận Đàng Ngoài (Pallu) và giáo phận Đàng Trong (de la Motte). Như vậy, hai người này cùng với Alexandre de Rhodes chính là những người đầu tiên sáng lập ra Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris.

Tiếp theo,vào năm 1665, hai giám mục này đã thành lập một chủng viện ở Ayuthia, lúc đó là thủ đô của Xiêm, để đào tạo các linh mục bản xứ khắp Á Châu, theo mục đích của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris. Sau đó, vì những biến động chính trị nơi trường (chủng viện) này toạ lạc, trường đã phải dời đi rất nhiều lần. Nơi sau cùng là cù lao Penang thuộc Mã Lai.[105] Và đây chính là đại chủng viện Penang, nơi mà Petrus Ký theo học từ 1852 tới 1858. Đây cũng là nơi Petrus Ký đã gởi lá thư Penang đến các bạn học.

Một giáo sĩ khác rất nổi tiếng khác về sau này ở Việt Nam và cũng thuộc về Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris chính là Giám Mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine), người đã giúp cho Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn và thành lập vương triều Nguyễn vào năm 1802. Giám mục Bá Đa Lộc chính là Bề Trên (Superior) hay Viện Trưởng của đại chủng viện Penang từ năm 1767 đến 1774.[106] Với sự thành công của Nguyễn Ánh, thế lực của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris tăng vọt ở Việt Nam cùng với uy tín của Bá Đa Lộc.

Như vậy, Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris đã có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tôn giáo và cả chính trị tại Việt Nam, từ khi bắt đầu được thành lập ở thế kỷ 17, cho đến mấy trăm năm sau. Hội này chẳng những đã gởi phần lớn các giáo sĩ người Pháp qua Việt Nam, mà còn đào tạo các linh mục bản xứ ở Nam Kỳ, qua việc thành lập và điều hành Đại Chủng Viện Penang.

 

B. Hội Truyền Bá Đức Tin Và Kỷ Yếu Đức Tin

Tuy vậy, từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19, Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris đã bị suy yếu rất nhiều tại Việt Nam bởi hai lý do: cuộc cách mạng Pháp và việc bắt đạo ở Việt Nam. Nhưng hội này đã được vực dậy và trở thành lớn mạnh ở Việt Nam nhờ sự trợ giúp về tài chánh của một tổ chức Thiên Chúa Giáo khác cũng ở Pháp và cũng ở dưới sự kiểm soát của Bộ Truyền Giáo của Vatican. Tổ chức đó tên là Hội Truyền Bá Đức Tin (L’Oeuvre de la Propagation de la Foi).

Hội Truyền Bá Đức Tin được sáng lập vào năm 1822 tại Lyon, Pháp, với mục đích gây quỹ ủng hộ cho việc truyền giáo tại các xứ không có đạo Thiên Chúa ở Á Châu và Mỹ Châu. Hội này được thành lập bởi sự kết hợp của những nhân vật thế lực ở Lyon và các chức sắc trong giáo hội Pháp. Và người được công nhận là người sáng lập hội là một thiếu nữ ở Lyon, tên Pauline Jaricot.

Bà Pauline Jaricot sinh ra trong một gia đình quyền thế ở Lyon, một thành phố kỷ nghệ của Pháp. Bà có một người anh ruột rất thân thiết tên Philéas Jaricot. Ông Philéas Jaricot có nguyện vọng làm giáo sĩ truyền đạo tại các xứ Á Châu, và do đó đã xin theo học tại chủng viện St. Sulpice tại Paris. Ông là bạn thân với các giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris. Trong những thư từ trao đổi với cô em gái Pauline khi đang theo học tại Paris, ông cho biết sự khổ sở của các giáo sĩ thừa sai Pháp ở Á Châu như thế nào. Qua lời thuật lại của anh mình về sự khốn khó của các giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris, bà Pauline Jaricot đã đứng ra tổ chức gây quỹ ủng hộ cho các nhà truyền giáo thuộc Hội Truyền Giáo Hải Ngoại. Cách gây quỹ của bà là lập ra những tiểu tổ gồm mười người, mỗi người đóng góp 1 xu mỗi tuần.[107] Bà thành lập hệ thống này đầu tiên tại Lyon, nơi gia đình bà làm chủ nhiều hãng xưởng, với những thành viên đầu tiên là những thiếu nữ trong các hãng dệt, từ những năm trước 1822. Sau này, vào năm 1822, khi Hội Truyền Bá Đức Tin được thành lập, cách gây quỹ này của bà Jaricot đã được chính thức áp dụng cho Hội.

Như đã nói, Hội Truyền Bá Đức Tin được sự ủng hộ và lãnh đạo bởi những nhân vật rất giàu có ở Lyon và những chức sắc trong giáo hội Pháp. Từ những thành viên đầu tiên là các công nhân hãng dệt, tổ chức này trở thành lớn mạnh và lan ra khắp Âu Châu, với số tiền đóng góp rất dồi dào. Và nguồn tiền này đã góp phần rất lớn cho việc nuôi sống công cuộc truyền giáo đang bị bức hại ở Việt Nam, bắt đầu từ triều vua Minh Mạng.

Và chẳng những chỉ đóng vai trò gây quỹ, Hội Truyền Bá Đức Tin còn đóng một vai trò quan trọng không kém là tuyên truyền cho việc truyền giáo. Một phương pháp để vừa gây quỹ vừa tuyên truyền của Hội Truyền Bá Đức Tin do bà Pauline Jaricot sáng lập là việc in ra những quyển Kỷ Yếu Đức Tin (Annales de la Propagation de la Foi) nhiều kỳ mỗi năm. Những quyển Kỷ Yếu này chủ yếu đăng những lá thư của các giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo Hải Ngoại đang ở các xứ sở mà họ đang truyền đạo, như giám mục Lefèbvre và linh mục Borelle ở An Nam.[108] Và để được thay phiên nhau đọc các quyển Kỷ Yếu nói trên, với những tường thuật hấp dẫn về việc bắt đạo ở những xứ sở xa lạ, các thành viên của Hội Truyền Bá Đức Tin phải đóng góp một số tiền quyên góp, như đã nói trên.

Bằng cách đó, Hội Truyền Bá Đức Tin, cơ quan tuyên truyền của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris, đã cung cấp thông tin tuyên truyền cho dân chúng Pháp về tình hình truyền giáo và những cuộc bắt đạo ở các xứ sở xa lạ – theo cách nhìn của các giáo sĩ, cũng như của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại (vì những lá thư có thể được sửa chữa trước khi cho in trong Kỷ Yếu).

Một trong những cách tuyên truyền rất hữu hiệu của Hội Truyền Bá Đức Tin là sự so sánh cuộc bắt đạo ở Việt Nam với cuộc bắt đạo ở La Mã vào thế kỷ thứ 1-2, thời kỳ đạo Thiên Chúa bắt đầu được thành lập ở Âu Châu.[109]

Những quyển Kỷ Yếu này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc chiêu mộ thêm các tân linh mục để Hội Truyền Giáo có thể gởi đi đến các xứ như Việt Nam. Vì chính những thành viên/độc giả của những quyển Kỷ Yếu này đã được thôi thúc, khích lệ sau khi đọc những lá thư của các giáo sĩ diễn tả những thảm cảnh mà họ đã phải trải qua. Từ đó, những thành viên này đã tình nguyện gia nhập hàng ngũ giáo sĩ để được gởi đi truyền đạo.

Những quyển Kỷ Yếu Đức Tin đồng thời cũng là một cách gây quỹ cực kỳ hữu hiệu cho Hội Truyền Giáo Hải Ngoại. Số tiền rất lớn do rất nhiều thành viên đóng góp để được đọc những quyển Kỷ Yếu này đã giúp cho Hội Truyền Giáo Hải Ngoại chi phí cho công việc truyền giáo tại hải ngoại như trả lương cho các giáo sĩ, nuôi các giáo dân bị bắt giam, hoặc thậm chí để hối lộ cho các quan địa phương của nhà Nguyễn.[110]

Tóm lại, có hai tổ chức Thiên Chúa Giáo tại Pháp cùng ở dưới sự chỉ đạo của toà thánh Vatican qua cơ quan Bộ Truyền Giáo (Congregatio de Propaganda Fide) và có quan hệ trực tiếp với việc truyền giáo ở Việt Nam.

Tổ chức đầu, Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris, là một tổ chức có ảnh hưởng vô cùng lớn lao đến tình hình tôn giáo và chính trị tại Việt Nam trong suốt mấy trăm năm, từ khi nó được thành lập vào thế kỷ 17 cho đến khi quân Pháp đánh Việt Nam. Hội này chính là cơ quan tôn giáo độc nhất ở Pháp đã đào tạo và gởi các giáo sĩ người Pháp sang truyền đạo ở Việt Nam. Hội này cũng là chủ nhân của Đại Chủng Viện Penang, nơi đào tạo ra những linh mục bản xứ người Việt.

Tổ chức thứ hai là Hội Truyền Bá Đức Tin, một tổ chức của các nhân vật quyền thế ở Pháp với mục đích gây quỹ và tuyên truyền cho việc truyền giáo ở các xứ Á Châu. Hội này đã quyên góp được rất nhiều tiền để nuôi sống công cuộc truyền giáo tại Việt Nam trong những thời gian bị bắt đạo ngặt nghèo nhất. Quan trọng không kém, hội này chính là cơ quan tuyên truyền hữu hiệu cho Hội Truyền Giáo Hải Ngoại, qua việc ấn hành các Kỷ Yếu Đức Tin với tin tức của các nhà truyền giáo, nhằm vận động quần chúng Pháp và chiêu mộ thêm giáo sĩ.

Cả hai tổ chức này, do đó, có một mối quan hệ cực kỳ mật thiết với các giáo dân ở Việt Nam. Mối quan hệ này được thành lập từ người sáng lập Hội Truyền Giáo Hải Ngoại là linh mục Alexandre de Rhodes, người đã nhiều năm truyền giáo ở Việt Nam, cho đến người sáng lập Hội Truyền Bá Đức Tin, là bà Pauline Jaricot, người đã đứng ra gây quỹ cho các giáo sĩ tại Việt Nam.

Và do đó, những người Pháp, thành viên của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại cũng như Hội Truyền Bá Đức Tin, chính là những người có đủ tất cả các điều kiện để là tác giả lá thư Petrus Key. Trước nhất, là những người lãnh đạo tinh thần cho các giáo dân người Việt, họ chắc chắn có ý muốn cho những giáo hữu của họ được giải thoát bởi quân Pháp. Kế đến, họ có đủ khả năng dùng tiếng Pháp để viết lá thư Petrus Key. Và sau cùng, vì ở Pháp, không rành địa lý Nam Kỳ, họ đã có những lỗi lầm trong lá thư Petrus Key mà những giáo sĩ người Pháp tại Việt Nam không thể mắc phải. Tóm lại, những người thuộc Hội Truyền Giáo Hải Ngoại và Hội Truyền Bá Đức Tin có đủ ba điều kiện cần thiết để là tác giả lá thư Petrus Key.

Và theo người viết, chính xác hơn nữa, những người làm công việc tuyên truyền thuộc Hội Truyền Bá Đức Tin, những người nhận được các lá thư từ các giáo sĩ ở Việt Nam, sau đó chỉnh sửa và cho in trong những quyển Kỷ Yếu Đức Tin, chính là nhóm người có khả năng nhiều nhất là tác giả lá thư Petrus Key.

Đó là vì cách hành văn của Hội Truyền Bá Đức Tin, và đặc biệt là của người sáng lập Hội này, bà Pauline Jaricot, có một nét đặc biệt giống hệt như cách hành văn của lá thư Petrus Key.

Và đó là cách dùng nghệ thuật Parallelism.


[100] http://www.newadvent.org/cathen/12456a.htm

https://en.wikipedia.org/wiki/Congregation_for_the_Evangelization_of_Peoples

[101] George Dutton, Vietnamese Moses, Philiphê Bỉnh and the Geographies of Early Modern Catholicism, 2017, University of California Press, pp. 27-29. Trong cuốn sách này, tác giả George Dutton đã diễn tả rất rõ mối liên hệ và xung khắc giữa các thế lực truyền giáo ở Việt Nam, và lý do tại sao một linh mục người Việt là Philiphê Bỉnh phải lưu vong qua Bồ Đào Nha.

[102] Apostolic vicariate thường được dịch là “hạt đại diện tông tòa”. Với người viết, tên gọi này hơi tối nghĩa, nên xin gọi là “địa phận truyền giáo” để dễ phân biệt với giáo phận (diocese).

[103] https://en.wikipedia.org/wiki/Company_of_the_Blessed_Sacrament

[104] https://en.wikipedia.org/wiki/Paris_Foreign_Missions_Society

[105] http://www.collegegeneral.org/aboutus/history.htm

[106] https://en.wikipedia.org/wiki/Pierre_Pigneau_de_Behaine

[107] Edward John Hickey, The Society for the Propagation of the Faith, Dissertation, The Catholic University of America, 1922, pp. 10-25.

[108] Nola Cooke, Early Nineteenth Century Vietnamese Catholics and Others in the Pages of the Annales de la Propagation de la Foi, Journal of Southeast Asian Studies, vol. 35(2), pp.261-285, June 2004.

[109] Ibid. Cần chú ý đến một chi tiết trong lá thư Petrus Key đã được nhắc đến trong Chương V, Phần 1 khi xét về những lỗi lầm trong bản dịch của ông Nguyên Vũ. Đó là việc tác giả lá thư Petrus Key đã làm một sự so sánh cuộc bắt đạo ở Việt Nam với cuộc bắt đạo tại La Mã, qua việc dùng danh từ Centurion trong lá thư. Centurion, chữ Latin centurio, là một chức danh chỉ huy quân đội lê dương đặc thù của đế quốc La Mã. Và điều cần lưu ý ở đây là tác giả lá thư Petrus Key lại dùng chức danh này cho viên chỉ huy quân đội An Nam! Chắc chắn tác giả lá thư Petrus Key phải biết rằng quân đội An Nam không làm gì có một chức danh chỉ huy của quân đội La Mã như vậy. Nhưng rõ ràng tác giả lá thư Petrus Key đã cố tình dùng từ “Centurion” này với mục đích so sánh quân đội An Nam với quân đội La Mã, và sự bắt đạo ở Việt Nam với sự bắt đạo ở La Mã. Sự so sánh này chính là một trong những mục tiêu trong việc tuyên truyền của Hội Truyền Bá Đức Tin. Do đó, việc dùng danh từ “centurion” này là một tín hiệu cho ta thấy tác giả lá thư Petrus Key chắc chắn phải có liên hệ mật thiết với Hội Truyền Bá Đức Tin. Và do đó, nếu chỉ dịch “centurion” ra thành “chỉ huy” như ông Nguyên Vũ, thì sẽ không thấy được chi tiết này.

[110] Ramsay, Mandarins and Martyrs