Chương XIV.

Loại Trừ Những Nhóm Người Có Khả Năng Là Tác Giả Lá Thư Petrus Key

Nhưng, nếu vậy, thì ai là tác giả thực sự của lá thư Petrus Key?

Có thể sẽ không bao giờ ta biết được đích xác ai là người đã viết lá thư Petrus Key. Nhưng nếu không thể tìm được đích xác một người, thì ta lại có thể tìm được một nhóm người có khả năng là tác giả lá thư, bằng cách dùng phương pháp loại trừ (elimination process). Và từ đó, ta có thể xác định rằng ai, hoặc nhóm người nào, có khả năng nhiều nhất là tác giả lá thư.

Theo người viết, tác giả lá thư Petrus Key phải là một người, hay một nhóm người, gồm có cả hai điều kiện sau đây: ý muốn khả năng để viết lá thư này.

Trước nhất, về ý muốn, ta phải tìm hiểu xem tác giả lá thư Petrus Key có mục đích gì khi viết lá thư này. Hay nói cách khác, qua lá thư trên, tác giả muốn đạt được điều gì.

Như đã nói trên, lá thư Petrus Key diễn tả thảm cảnh của những giáo dân An Nam và kêu gọi quân Pháp hãy đánh đuổi quan quân nhà Nguyễn để giải phóng họ. Tác giả kêu gọi lòng nhân đạo cũng như ca ngợi hành động này của quân Pháp. Đó là vì trong thời gian này, nhà Nguyễn đang “đàn áp” các giáo dân Nam Kỳ, đặc biệt là ở Gia Định, khốc liệt nhất.

Vì vậy, tác giả lá thư Petrus Key phải là người có ý muốn quân Pháp đánh đuổi quân nhà Nguyễn để giải thoát cho những giáo dân. Và có lẽ những người được hưởng lợi từ sự kêu gọi này rõ ràng nhất chính là những người giáo dân Nam Kỳ!

Thế nhưng đây cũng chính là nhóm người mà ta có thể loại trừ đầu tiên.

 

A. Không Phải Là Người Việt

  1. Không Đủ Khả Năng Tiếng Pháp

Trước nhất, ta có thể loại trừ ngay một nhóm người mà Petrus Key tự cho mình là đại diện: những giáo dân người Việt. Bởi một lý do đơn giản là không một người Việt nào ở thập niên 1850s, kể cả những chủng sinh đã từng đi học ở nước ngoài như Petrus Ký, lại có khả năng viết được một lá thư bằng tiếng Pháp với văn chương như vậy.

Theo ý người viết, lá thư Petrus Key là một lá thư dùng tiếng Pháp cực kỳ lưu loát, văn vẻ, có thể nói là cầu kỳ nữa là đằng khác. Và tác giả lá thư dường như đặt bút xuống là viết, xuôi rót, câu này nối tiếp câu kia một cách tròn trịa, không lỗi lầm, không ngập ngừng đắn đo. Đó là chưa kể trong thư tác giả còn dùng những câu thành ngữ tiếng Pháp cổ xưa như “qui trop embrasse mal étreint” (“kẻ ôm đồm quá thì khó giữ được gì”) mà một người mới học tiếng Pháp khó lòng biết được, chứ đừng nói là dùng đến khi viết thư.

Trong khi đó, vào giữa thế kỷ 19 ở xứ Nam Kỳ có được bao nhiêu người biết tiếng Pháp? Có thể nói là gần như không có ai! Thời gian đầu khi quân Pháp đánh chiếm Sài Gòn, vì không kiếm đâu ra thông dịch viên nên họ phải dùng các giáo sĩ người Pháp là những người mà họ không có cảm tình và không muốn dùng – nhưng phải dùng, vì không còn chọn lựa nào khác. Một thí dụ điển hình và rõ ràng nhất là trong một lá thư do người chỉ huy quân Pháp ở Sài Gòn là Joseph D’Ariès viết cho Phó Đô Đốc Charner vào năm 1861, tức là hai năm sau khi quân Pháp chiếm Sài Gòn, ông ta cho biết vẫn không thể nào kiếm ra được một người Việt nào khác có trình độ tiếng Pháp như Petrus Ký.[96] Mà Petrus Ký, thì như ta đã biết, chắc chắn không phải là tác giả của lá thư Petrus Key.

Cũng nên biết rằng trong thời gian đó, người Pháp đã bị bắt buộc phải dùng những thông ngôn người Việt là các cựu chủng sinh như Petrus Ký, vì ít ra những chủng sinh đó biết một thứ tiếng mà các sĩ quan người Pháp cũng có thể hiểu được chút ít: tiếng Latin. Nhưng đó cũng chính là vấn đề, vì các cựu chủng sinh chỉ được đào tạo bằng tiếng Latin ở chủng viện. Qua câu chuyện Jean Bouchot kể về cách Petrus Ký tự học tiếng Pháp ở Penang sau khi lượm được một lá thư bằng chữ Pháp nhưng không biết đó là chữ gì và phải tự mò mẫm tìm ra ý nghĩa, ta có thể biết rằng những chủng sinh ở Penang không được dạy tiếng Pháp chu đáo, ít ra là trong thời gian đầu theo học.

Phần nào vì lý do đó, những sĩ quan Pháp rất ghét những người thông ngôn là cựu chủng sinh.

Thậm chí, họ còn lưu truyền một câu chuyện tiếu lâm rằng ngày nọ, một thầy đội người Pháp được lệnh quan trên cho treo cổ bốn người An Nam. Nhưng khi thầy đội này đến nơi hành hình thì thấy có tới năm người An Nam ở đó. Cho rằng quan trên đã lầm lẫn về con số, thầy đội cho treo cổ hết cả năm người An Nam. Người cuối cùng trong năm người trước khi bị treo cổ đã la lên bằng tiếng Latin rằng: “Ego sum Petrus, Interpretus” (Tôi là Petrus, thông dịch viên). Thế nhưng, thầy đội người Pháp, vì không biết tiếng Latin và không hiểu nghĩa của chữ Interpretus là thông dịch viên, nên tiếp tục cho treo cổ ông thông dịch người Việt kia và còn lầm bầm nói rằng: “Cho mày chết, thằng (tên) Interpretus”.[97]

Theo ông Alfred Schreiner, một sử gia người Pháp sống ở Nam Kỳ, thì trừ ông Huình Tịnh Của và ông Petrus Ký, những người thông ngôn cựu chủng sinh người Việt chỉ biết được chút ít tiếng Latin, mà lại “sái nát”, cho nên người Pháp đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc cai trị Nam Kỳ. Ông Schreiner lại cho biết thêm rằng trong khắp nước An Nam, trừ các cựu chủng sinh biết được thứ tiếng Latin một cách “sái nát” đó, thì chỉ có vài người biết được chút ít tiếng Anh, mà cũng rất tệ. Đó là những người trong số 15 người con trai mỗi năm được vua Tự Đức gởi đi Singapore để học tiếng Anh, vào một thời gian trước đó.[98]

Tóm lại, ngoại trừ Petrus Ký là người duy nhất vào thời gian ngay sau khi quân Pháp đánh Việt Nam được người Pháp cho là có đủ trình độ để thông dịch (và hoặc may có thể có đủ khả năng viết lá thư Petrus Key), còn tất cả các người Việt thời đó, kể cả các cựu chủng sinh, không ai có thể viết được một lá thư bằng tiếng Pháp như vậy.

  1. Viết Tiếng Việt Không Bỏ Dấu

Một chi tiết nhỏ nhưng quan trọng trong lá thư Petrus Key tiết lộ cho ta thấy người viết thư có nhiều khả năng không phải là người Việt: đó là cách viết địa danh Tham Lương không bỏ dấu thành “Tham-Luong”. Người Việt, điển hình là ông Petrus Ký, cho dù viết thư bằng tiếng Latin trong lá thư Penang, hay bằng tiếng Pháp như trong lá thư gởi Henri Rieunier, khi viết những chữ tiếng Việt bằng chữ Quốc Ngữ, đều bỏ dấu cẩn thận. Trong khi đó, một người ngoại quốc không biết chữ Quốc Ngữ ắt sẽ gặp rất nhiều khó khăn cho việc bỏ dấu, nhất là những dấu thuộc loại đặc biệt như dấu râu cho chữ ư và ơ trong tiếng Việt. Và đó là lý do tại sao ta thấy địa danh Tham Lương được viết như sau trong lá thư Petrus Key:

Ky Yeu PK 2018 - 149

  1. Hình Ảnh Trong Thư Là Của Châu Âu

Ngoài ra, như đã nói trong chương IV ở trên, tác giả lá thư Petrus Key khó có thể là người Việt vì qua lá thư, ta có thể thấy rằng tác giả không biết gì về địa lý, địa hình Nam Kỳ. Đọc lá thư diễn tả hành trình đi tìm Grand Chef, ta có cảm tưởng như tác giả đang mô tả hành trình của một hiệp sĩ thời Trung Cổ ở châu Âu hơn là một người giáo dân Nam Kỳ.

Vì với cách diễn tả “dùng nhiều người và nhiều ngựa” để vượt qua những núi non, thung lũng, trên đoạn đường tìm đến những vị cứu tinh, trước mặt là ghềnh đá cheo leo bên bờ vực thẳm, sau lưng là đàn sói đói …., những hình ảnh đó hình như là hình ảnh của một kỵ sĩ hiệp khách phương Tây, chứ không phải của một người thường dân Nam Kỳ chuyên chèo ghe trên kinh rạch.

Do đó, với ba yếu tố trên đây: không đủ khả năng tiếng Pháp, viết tiếng Việt không bỏ dấu, và dùng toàn những hình ảnh châu Âu, người viết nghĩ rằng tác giả lá thư Petrus Key nhất quyết không phải là một giáo dân người Việt ở xứ Nam Kỳ. Và do đó, có thể loại trừ các giáo dân người Việt khỏi danh sách những nhóm người có khả năng là tác giả lá thư Petrus Key.

 

B. Không Phải Những Giáo Sĩ Pháp Ở Việt Nam

Nếu đã có thể loại ra một nhóm người có nhiều lý do nhất để viết lá thư này là nhóm giáo dân người Việt, thì chỉ còn lại một nhóm người khác ở Việt Nam có cùng một mục đích với tác giả lá thư Petrus Key: kêu gọi quân Pháp hãy tiến đánh Việt Nam để giải phóng cho những giáo dân khỏi sự đàn áp của nhà Nguyễn. Và đó là những giáo sĩ người Pháp ở Việt Nam.

Điều làm cho những giáo sĩ người Pháp này có khả năng là tác giả lá thư Petrus Key hơn các giáo dân, là vì họ có đủ trình độ tiếng Pháp để viết lá thư. Tức là, khác với các giáo dân người Việt, những giáo sĩ người Pháp có đủ cả hai điều kiện, ý muốn và khả năng.

Nhưng những giáo sĩ người Pháp ở Việt Nam cũng có thể được loại trừ, vì mặc dù có cả ý muốn và khả năng để viết lá thư Petrus Key, họ lại không thể phạm hai lỗi lầm rất rõ trong lá thư Petrus Key, đó là bỏ dấu sai tiếng Quốc Ngữ và dùng toàn những hình ảnh Âu Châu trong thư.

Những giáo sĩ người Pháp này, như linh mục Borelle, như giám mục Lefèbvre, là những người đã sống rất nhiều năm giữa những giáo dân người Việt của họ tại Việt Nam. Họ đã trở thành gần như người bản xứ. Do đó, những diễn tả của họ về Việt Nam hoàn toàn chính xác. Thêm nữa, vì họ chính là những người dùng chữ Quốc Ngữ để giảng đạo, những giáo sĩ này không thể viết sai chữ Tham Lương như trong lá thư Petrus Key.

Một thí dụ điển hình về tính cách bản xứ này của các giáo sĩ là lá thư ngày 15/1/1859 của linh mục Borelle mà người viết đã dẫn ra ở Phần 2 về hành trình của Petrus Ký từ Cái Nhum lên Sài Gòn. Có một điểm toát ra từ lá thư trên của linh mục Borelle khiến người viết nghĩ rằng ông, cũng như các giáo sĩ khác ở Việt Nam, không phải là tác giả lá thư Petrus Key.

Đó là rất khác, và có thể nói là đối nghịch với lá thư Petrus Key, linh mục Borelle cho thấy ông biết, và diễn tả rất rõ ràng cảnh vật, địa lý, những chi tiết xung quanh ông ta và cuộc trốn chạy của ông ta, một cách cực kỳ xác thực, đúng như hoàn cảnh Nam Kỳ thuở đó. Thí dụ như khi quan quân nhà Nguyễn vây bắt ông và Petrus Ký ở Cái Nhum vào tháng 12 năm 1858, linh mục Borelle cho biết là phải nhảy xuống sình giữa ban ngày để trốn tránh. Sau đó, khi đang lẩn trốn, ông cho biết một tiếng chó sủa, một tiếng dừa rụng cũng khiến ông giật mình lo sợ, cả cho ông và cả cho người đang che giấu ông. Cuối cùng, ông cho biết tin tức về giám mục Lefèbvre là ông ta đang trốn tránh trong một khu vực có dăm ba ngôi nhà và vây quanh bởi loài cọp dữ.[99]

So sánh những diễn tả xác thực này với lá thư Petrus Key, ta thấy không thể nào mà một người đã và đang sống ở Nam Kỳ cùng với các giáo dân trong bao nhiêu năm, và đã tỏ rõ những sự hiểu biết đó như trên, lại có thể viết ra những dòng như “dùng nhiều người và nhiều ngựa” để vượt qua “núi non, thung lũng” với hoàn cảnh “trước mặt là ghềnh đá trên vực thẳm, sau lưng là đàn sói”, như ta đã thấy trong lá thư Petrus Key.

Do đó, mặc dù các giáo sĩ người Pháp ở Việt Nam như Borelle và Lefèbvre có thể có cả hai ý muốn quân Pháp tiến đánh và khả năng viết tiếng Pháp, họ lại không thể mắc phải một sai sót rất lớn của tác giả lá thư Petrus Key là không am hiểu xứ Nam Kỳ.

Tóm lại, qua những suy luận trên, người viết nghĩ rằng những giáo dân người Việt những giáo sĩ người Pháp ở Việt Nam đều không phải là tác giả lá thư Petrus Key. Bởi tác giả lá thư Petrus Key phải có những đặc điểm sau đây: 1) Phải có ý muốn quân Pháp đánh Nam Kỳ; 2) Phải có khả năng viết tiếng Pháp rất giỏi; 3) Phải không am hiểu Nam Kỳ. Với điểm số 1), có thể loại trừ Petrus Ký. Với điểm số 2), có thể loại trừ tất cả giáo dân người Việt còn lại. Với điểm số 3), có thể loại trừ các giáo sĩ Pháp đang sống tại Việt Nam.

Những sự loại trừ này dẫn ta đến một nhóm người duy nhất hội đủ điều kiện từ 1) tới 3): đó là những giáo sĩ và giáo dân người Pháp ở ngoài xứ Nam Kỳ, hay đúng hơn, những giáo sĩ và giáo dân người Pháp ở Pháp.

Những người đó chắc chắn có ý muốn quân Pháp tiến đánh quân nhà Nguyễn để giải thoát các giáo hữu của họ. Những người đó đương nhiên là có khả năng viết tiếng Pháp giỏi. Và những người đó, vì là những người sống ở Pháp, sẽ có những lầm lẫn nói trên khi mạo danh một người xứ Nam Kỳ như Petrus Ký.


[96] Lá thư đề ngày 21 tháng 5 năm 1861, do ông Nguyễn Đình Đầu kiếm ra và cho in lại trong cuốn Petrus Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ, trang 240-241. Nguyên văn: “Parmi les annamites qui parlent notre langue, il n’y a qu’un certain Pétrus Ky qui la sache assez bien pour pouvoir occuper les fonctions que vous voudriez créer près nos juridictions militaires.” Dịch: “Trong số những người An Nam nói được ngôn ngữ của chúng ta, chỉ có một người tên Pétrus Ky là biết đủ để có thể làm những chức việc mà ông muốn tạo ra bên cạnh phạm trù quân sự của chúng ta”

[97] Câu chuyện này được một người Pháp kể lại và ông Tim Doling dịch ra tiếng Anh trong website của ông ta tại đây: http://www.historicvietnam.com/a-visit-to-petrus-ky/.

Câu chuyện này cũng được ông Alfred Schreiner kể lại trong cuốn Abrégé de l’histoire d’Annam (Đại Nam Quốc Lược Sử). Và một lần nữa, có thể thấy rằng Petrus là một cái tên rất thông thường.

[98] Alfred Schreiner, Abrégé de l’histoire d’Annam, pp. 200-201, Đại Nam Quốc Lược Sử, pp.338-339, chữ “sái nát” là chữ dịch của ông Nguyễn Văn Nhàn

[99] Đã nói đến trong chương IX