Chương XIII

Tại Sao Lại Có Lá Thư Petrus Key – Cuộc Đàn Áp Giáo Dân Khốc Liệt Của Nhà Nguyễn Sau Khi Mất Thành Gia Định

Sau khi trả lời câu hỏi i) với chương XII ở trên để thấy rằng lá thư Petrus Key là một lá thư với sự cố ý giả mạo chứ không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên, câu hỏi kế tiếp được đặt ra là ii) tại sao lại có lá thư Petrus Key, hay mục đích của tác giả lá thư Petrus Key là gì.

Để trả lời cho câu hỏi tại sao lá thư Petrus Key được viết ra, ta cần phải biết khoảng thời gian ra đời của nó. Từ đó, ta có thể tìm hiểu lý do tại sao có lá thư.

Như đã biết, lá thư Petrus Key không có ngày tháng. Tuy vậy, như đã nhắc đến bên trên, lá thư này được tìm ra trong những thùng hồ sơ của Jauréguiberry, viên chỉ huy quân Pháp tại Sài Gòn từ tháng 4 năm 1859 đến tháng 4 năm 1860. Do đó, có thể đoán ra rằng lá thư Petrus Key đã được viết trong khoảng thời gian này. Và đó là một khoảng thời gian không lâu lắm sau ngày 4 tháng 2 năm 1859 của lá thư Penang.

Và đây chính là thời gian mà nhà Nguyễn đàn áp các giáo dân ở vùng Gia Định một cách khốc liệt nhất.

 

A. Cuộc Đàn Áp Giáo Dân Gia Định Năm 1859 Theo Chính Sử Nhà Nguyễn

Theo chính sử nhà Nguyễn, Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đây là những khoảng liên quan đến việc triều đình nhà Nguyễn bắt đạo, trong thời gian sau khi thất thủ thành Gia Định vào tháng 2 năm 1859:

“Quân của Tây dương bắn phá thành tỉnh Gia Định, đốt cháy dinh thự kho tàng, rồi rút lui đóng ở mạn dưới bảo Hữu Bình…

Tôn Thất Cáp đóng quân (3.753 tên) ở Biên Hòa. Vua dụ giục phải tiến nhanh đến Gia Định, hợp quân để đánh giặc….

Quân của Tây dương đến các đồn Phú Thọ (Tôn Thất Cáp mới đắp). Các đạo binh đóng ở ngoài (lính Gia Định, lính đồn điền) sợ hãi tan vỡ. Quân của Tây dương đánh phá hữu đồn, Hoàng Ngọc Chung cố sức đánh bị chết trận. Phan Tĩnh (ở tả đồn) bị đạn rút lui. … Bọn Tôn Thất Cáp đều bị giáng.

Mùa hạ, tháng 4, vua sai các quan tỉnh : Bình Định, An Giang, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường đều lấy bạc lạng, ngân tiền, ngân bài ở kho tỉnh ra, đưa đến quân thứ Gia Định để dự bị thưởng cho tướng sĩ.

Cho án sát sứ Vĩnh Long là Lê Đình Đức coi việc đàn áp dân theo đạo Gia tô ở Gia Định. Từ khi thành Gia Định không giữ được, dân theo đạo có nhiều người cậy thế, dọa nạt dân lương, hoặc có kẻ làm tay sai và mật thám cho Tây dương.

Vua cho là bọn dân theo đạo hạt ấy cần phải khu xử cho nghiêm. Nhưng chỉ chuyên ủy cho các quan ở quân thứ, sợ khó trông coi cho xiết. Bèn sai Đình Đức lấy nguyên hàm án sát, chuyên coi việc đàn áp khu xử dân theo đạo, mà lấy những viên khoa đạo, phái đi quân thứ là bọn Vũ Phạm Châu, Phạm Hoằng Đạt, Nguyễn ích Khiêm (đều người Thổ trước) theo đi để giúp việc. Lại dụ bảo các điều khoản nên làm : (Người nào đã đi theo Tây dương thì bắt giam cha mẹ vợ con, bắt phải gọi về ; người nào chưa đi theo Tây dương thì tìm nhiều cách ngăn giữ không cho chúng được đi lại với Tây dương. Người nào là hào cường đầu mục đi theo đạo thì ngầm giam giữ lại không cho đi đâu. Người già, trẻ con cùng phụ nữ, nếu yên phận giữ phép thì thôi ; nếu còn vớ vẩn trông ngóng, thì lập tức đem sáp nhập vào xã thôn không có đạo Gia tô để tiện quản thúc). Giao cho viên khâm phái châm chước mà làm. Còn 5 tỉnh thì dân theo đạo còn biết giữ phép, chưa dám sinh lòng khác : Sai quan tỉnh đều chiểu theo địa hạt phòng bị, khiến cho Gia Định được tiện việc thi hành. (Rồi thì bọn dân theo đạo ra thú rất nhiều. Những người nào ở xa đồn Tây dương thì cho xã dân sở tại kết nhận về quản thúc ; người ở gần đồn Tây dương đều chia ghép vào xã thôn khác : Viên khâm phái đều phân biệt tâu lên mà thi hành).”[94]

Với đoạn chính sử trên đây, ta thấy có một điều rất đáng để ý về việc bắt đạo lần này. Đó là việc vua Tự Đức đã đặc biệt cử riêng một viên quan, là án sát Lê Đình Đức, để chuyên việc “đàn áp dân theo đạo Gia-tô ở Gia Định”.

Và đây là một đoạn sử rõ ràng nhất, chi tiết nhất về việc đàn áp giáo dân ở một khu vực rõ rệt là Gia Định. Theo đạo dụ của vua Tự Đức nhắc đến bên trên, thì tất cả các giáo dân ở Gia Định đều bị ảnh hưởng. Không chỉ những người thuộc loại “đầu mục”, mà cả những thường dân cũng bị theo dõi. Ngoài những hào cường đầu mục bị giam giữ, cha mẹ vợ con của những người đã theo Pháp (Tây dương) cũng bị bắt giam hết để làm con tin.

Với những chi tiết rất rõ ràng được miêu tả trong đoạn chính sử kể trên, có thể hình dung ra một cuộc bắt đạo khốc liệt chưa từng có trong lịch sử bắt đạo của nhà Nguyễn. Tuy được giới hạn trong khu vực Sài Gòn Gia Định, triều đình nhà Nguyễn đã chỉ dẫn rõ ràng phải làm gì với tất cả những người theo đạo Thiên Chúa, từ nam tới nữ, từ già đến trẻ, từ cha mẹ vợ con của kẻ đã theo Tây, cho tới kẻ chưa theo Tây.

Và vì biết rằng phạm vi đàn áp quá lớn, các quan chức bình thường không thể thi hành hết được tất cả các điều trong dụ – như bắt giam cha mẹ vợ con của những người theo Pháp (Tây dương), ngăn giữ những người nào chưa theo, ngầm giam giữ những cường hào đầu mục không cho đi đâu, đem sáp nhập những người giáo dân già, trẻ con, phụ nữ vào những xã thôn không có đạo – triều Nguyễn đã phải cử ra một viên quan riêng biệt chỉ để lo việc này. Chẳng những vậy, vua Tự Đức còn cử thêm vài viên quan khác, (người Thổ, không phải người Việt. phải chăng để đàn áp thẳng tay hơn?), cũng chỉ để phụ giúp cho việc bắt đạo ở Gia Định.

Về thời gian của đạo dụ nói trên, Đại Nam Thực Lục Chính Biên không nói rõ ngày tháng trong năm 1859. Tuy nhiên, theo thứ tự biên niên của cuốn sử này, thì đạo dụ nói trên chắc chắn phải xảy ra sau tháng 4 âm lịch năm Kỷ Mùi 1859. Vì, như đã trích bên trên, trước đó, vào tháng 4 âm lịch, sách chép rằng vua Tự Đức cho đưa vàng bạc kho tàng từ các tỉnh lân cận về Gia Định. Sau đó, sách mới chép đến lệnh của vua Tự Đức cử Lê Đình Đức làm nhiệm vụ chuyên đàn áp giáo dân ở Gia Định.

Như vậy, cuộc bắt đạo qui mô này ở Gia Định (Sài Gòn) đã xảy ra sau tháng 4 âm lịch năm Kỷ Mùi 1859, tức là ít nhất vài tháng sau lá thư Penang của Petrus Ký (ngày 4 tháng 2 năm 1859). Và chính chiến dịch bắt đạo qui mô này là lý do cho sự ra đời của lá thư Petrus Key.

 

B. Những Sự Kiện Trong Lá Thư Petrus Key Phù Hợp Với Cuộc Bắt Đạo Ở Gia Định Năm 1859

Như ta đã biết, tác giả lá thư Petrus Key diễn tả rất chi tiết về việc bắt đạo khốc liệt đang diễn ra tại khu vực Sài Gòn và giải thích rằng đó chính là lý do ông ta đã viết lá thư – như một đại diện cho các giáo dân An Nam kêu gọi quân Pháp hãy tiến đánh quân nhà Nguyễn.

Lá thư Petrus Key có nói đến hai sự kiện mà ta có thể dùng để liên kết tới cuộc bắt đạo qui mô ở Gia Định năm 1859.

  1. Mỗi Làng Tăng Cường 10 Đến 20 Người Lính Chuyên Việc Bắt Giáo Dân

Trước nhất, trong lá thư Petrus Key có một đoạn về thời gian và một sự việc cụ thể về cuộc đàn áp giáo dân của nhà Nguyễn như sau:

Ngày hôm qua, những lá thư của các quan lại đã lan đến các làng, lệnh cho mỗi làng phải tăng thêm từ 10 đến 20 người lính chuyên bắt các giáo dân

“Hier, des lettres de Mandarins parcouraient les villages, ordonnant d’adjoindre chacun 10 ou 20 hommes aux soldats chargés d’arrêter les Chrétiens”.

Như vậy, theo đoạn văn trên, mỗi một làng được lệnh phải tăng thêm từ 10 đến 20 người lính mà công việc đặc biệt chỉ là chuyên bắt các giáo dân, chứ không phải để đánh Pháp, hay để giữ gìn an ninh làng xóm.

Đoạn văn trên đây trong lá thư Petrus Key rất ăn khớp với đoạn sử trích trong Đại Nam Thực Lục Chính Biên nói trên về việc vua Tự Đức cử quan Án Sát Lê Đình Đức và các quan phụ tá chỉ để chuyên việc đàn áp các giáo dân ở Gia Định. Như đã dẫn, đây là một cuộc bắt đạo qui mô chưa từng có, gồm cả việc bắt giam rất nhiều người, từ cha mẹ vợ con của những người theo Pháp cho đến những “đầu mục”. Và có lẽ đó chính là lý do cho việc cần thêm từ 10 tới 20 người lính mỗi làng, chỉ để cho việc đi bắt các giáo dân ở khu vực Sài Gòn Gia Định.

  1. Nhà Tù Ở Gần Cầu Tham Lương

Kế đến, trong lá thư Petrus Key có những dòng về một địa danh có thật ở Sài Gòn và liên quan đến việc ra đời của lá thư:

“et déjà plusieurs gémissent dans fers de la citadelle qu’on vient d’élever près du pont Tham-Luong.” 

“… và rất nhiều người đang rên rỉ trong xiềng xích của tòa thành mới được dựng lên gần cầu Tham Luong.

Như đã trình bày trong những chương trên, tác giả lá thư Petrus Key từng cho thấy sự thiếu hiểu biết của mình về địa danh Nam Kỳ, khi cho rằng có một toà thành (citadelle) mới xây ở gần cầu “Tham-Luong”.

Nhưng, sự thật là có một cái “đồn” tên là đồn Tham Lương, và đồn đó cũng mới được xây cùng với các đồn khác như đồn Rạch Tra, đồn Thuận Kiều, để làm hậu cứ cho chiến lũy Chí Hòa.[95]

Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, sau khi mất thành Gia Định, vua Tự Đức sai Thượng Thư Tôn Thất Hiệp vào Sài Gòn để đối địch. Tại Sài Gòn, Tôn Thất Hiệp cho xây một loạt ba cái đồn đối diện với quân Pháp: đồn Hữu, đồn Tiền (Trung), và đồn Tả. Theo sử Pháp, ngày 21 tháng 4, chỉ huy quân Pháp ở Sài Gòn là Jauréguiberry mở cuộc tấn công các đồn đó. Trong trận đánh này hai bên đều có tổn thất nặng nề. Tôn Thất Hiệp bị giáng chức và Jauréguiberry rút quân về đóng ở bảo Hữu Bình (Fort du Sud). Như vậy, chính Tôn Thất Hiệp chứ không phải Nguyễn Tri Phương là người bắt đầu xây phòng tuyến Chí Hoà với các đồn nói trên. Nguyễn Tri Phương thì sau tháng 7 năm 1860 mới vào Nam để hoàn tất phòng tuyến này.

Đại Nam Thực Lục Chính Biên không cho biết những đồn Tham Lương, Rạch Tra, Thuận Kiều là do ai xây và vào lúc nào. Nhưng rất có thể là cũng chính Tôn Thất Hiệp đã xây các đồn này cùng lúc với các đồn nói trên. Và như vậy, đồn Tham Lương có lẽ đã được xây sau khi Tôn Thất Hiệp theo lệnh vua Tự Đức vào Gia Định, sau khi quân Pháp chiếm và đốt thành Gia Định, tức là cũng cùng khoảng thời gian với lá thư Petrus Key.

Và đây cũng chính là thời gian quan Án Sát Lê Đình Đức được vua Tự Đức cử làm nhiệm vụ chuyên việc “đàn áp” các giáo dân Gia Định. Như đã trích, trong điều dụ có chỉ thị rõ ràng phải giam giữ tất cả cha mẹ vợ con của những người giáo dân đã theo Tây, cũng như giam giữ các “cường hào đầu mục”. Với số người phải bị giam giữ đông như vậy, đến mức phải tăng thêm từ 10 tới 20 người lính cho mỗi làng chỉ để bắt những người này, đương nhiên phải có nơi để giam giữ họ. Một trong những nơi đó, rất có thể chính là đồn Tham Lương, hay chính xác hơn, “tòa thành gần cầu Tham-Luong” theo lá thư Petrus Key.

Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả, khi địa danh Tham Lương được nhắc đến trong lá thư Petrus Key, là những điểm sau đây: nó cho thấy là tác giả lá thư Petrus Key đã biết về địa danh này ở Sài Gòn (mặc dù viết sai, và mặc dù gọi sai là “thành” thay vì là “đồn”), biết rằng những giáo dân đang bị giam giữ tại địa danh này, biết rằng địa danh này đang thuộc khu vực kiểm soát của nhà Nguyễn, và biết rằng quân đội Pháp đang đóng gần đó và có thể tiến đánh để giải phóng các giáo dân đang bị giam cầm.

Như vậy, chính vì những cuộc đàn áp và giam cầm giáo dân khu vực Gia Định – Sài Gòn này của nhà Nguyễn vào thời gian sau khi mất thành Gia Định, tác giả lá thư Petrus Key đã phải viết một lá thư khẩn thiết kêu gọi quân Pháp hãy tiến đánh quân nhà Nguyễn để giải phóng các giáo dân.

Tóm lại, phối hợp chính sử nhà Nguyễn với những chi tiết được nhắc đến trong lá thư Petrus Key, ta có thể thấy rằng lý do lá thư Petrus Key được viết là bởi cuộc bắt đạo ở Gia Định với qui mô chưa từng có của triều đình nhà Nguyễn.

Do đó, lá thư Petrus Key là một lá thư có thật được viết vào năm 1859, với những chi tiết về cuộc bắt đạo phù hợp với bối cảnh lịch sử ở Sài Gòn trong thời gian đó. Lá thư này tuy là một lá thư mạo danh Petrus Ký, nhưng nó không phải là một văn kiện được ngụy tạo sau này nhằm mục đích bôi xấu Petrus Ký. Vì, nếu có những ai muốn làm việc này, thì chắc chắn cái tên được ký ở cuối thư sẽ là Petrus Trương Vĩnh Ký, theo lối ký suốt đời của ông Petrus Ký, chứ không thể chỉ là “Petrus Key” như trong thư. Và có lẽ lá thư sẽ có nhiều chi tiết hơn về những hành vi “bán nước”, thay vì chỉ là sự cầu khẩn quân Pháp giải cứu mà thôi.


[94] Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Đệ Tứ Kỷ, Quyển XX, trang 730.

[95] Trần Văn Giàu, “Địa Chí Văn Hoá Thành Phố Hồ Chí Minh”, NXBTPHCM, 1987, tập I, p. 252