Chương VIII.

Giới Thiệu Về Xuất Xứ Và Những Điểm Chính Của Lá Thư Penang

A. Xuất Xứ Của Lá Thư Penang

Đây là một lá thư do chính tay Petrus Ký viết bằng tiếng Latin gởi cho các bạn học tại Đại Chủng Viện Penang, nơi ông theo học từ 1852-1858. Do đó, trong bài viết này, nó được gọi là “Lá thư Penang“. Lá thư Penang sau đó được chuyển về Pháp và hiện đang được lưu trữ tại Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris (Mission Étrangère de Paris). Lá thư này do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu khám phá ra và đã từng cho in trang cuối của nó trong cuốn “Petrus Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ” phát hành vào đầu năm 2017.

Lá thư Penang được viết vào ngày 4 tháng 2 năm 1859, tức rất gần với thời gian của lá thư Petrus Key. Theo phỏng đoán của người viết, lá thư Petrus Key đã được viết trong khoảng thời gian ông Jauréguiberry làm chỉ huy liên quân Pháp – Tây Ban Nha tại Sài Gòn, tức là từ tháng 4 năm 1859 đến tháng 4 năm 1860. Do sự rất gần nhau về thời gian này, các so sánh về hình thức như nét chữ viết và chữ ký – giữa hai lá thư – sẽ có độ chính xác rất cao.

Đây là một lá thư viết tay dài 13 trang nếu tính luôn trang đầu là một trang giống như trang bìa của một cuốn sách, với những ký hiệu, trang trí, người nhận và người gởi. Lá thư có thể đã được viết ra trong nhiều ngày hay nhiều thời gian khác nhau, vì màu mực của các trang giấy nhìn khác nhau, và nét chữ cũng có thay đổi chút ít từ trang này qua trang khác.

Và đây là trang bìa, trang đầu và trang cuối của lá thư Penang, với thủ bút và chữ ký của chính Petrus Trương Vĩnh Ký:

Ky Yeu PK 2018 - 116

Ky Yeu PK 2018 - 117

Ky Yeu PK 2018 - 118

Như có thể thấy qua các hình chụp bên trên, lá thư Penang rất khó đọc, vì nét chữ đã nhòa đi rất nhiều theo năm tháng. Đã vậy, người viết là ông Petrus Ký lại còn xen vào giữa những chữ Latin rất nhiều chữ quốc ngữ – như địa danh, tên họ, chức tước, và những chữ bình dân thuần Việt rất cổ. Điều này làm cho lá thư Penang vốn đã khó đọc lại càng khó đọc hơn.

Nhưng rất may mắn là toàn bộ lá thư Penang đã được dịch ra tiếng Pháp vào năm 1995 bởi ông Antoine Lauras, một tu sĩ Dòng Tên và là giáo sư văn chương ở Paris, chuyên về ngôn ngữ Hy-La.56 Nhờ bản dịch tiếng Pháp này mà người không biết chữ Latin có thể đọc và hiểu được lá thư Penang. Tuy nhiên, vì trong thư có rất nhiều chữ Quốc Ngữ, mà ông Lauras chắc là không biết chữ Quốc Ngữ, nên đôi lúc những khoảng dịch ra tiếng Pháp gồm chữ Quốc Ngữ có thể thiếu chính xác.

Lá thư Penang được Petrus Ký viết bằng chữ Latin vì đó là ngôn ngữ chính thức được dùng ở đại chủng viện Penang. Nó không những là ngôn ngữ trong lớp học giữa thầy trò, mà còn là ngôn ngữ giữa các chủng sinh đến từ khoảng 20 sắc dân trong vùng. Tiếng Latin, do đó, vừa là ngôn ngữ học tập, vừa là ngôn ngữ dùng để đối thoại với bạn bè ở Penang của Petrus Ký.

Trong khi đó, tiếng Pháp không phải là một thứ tiếng mà Petrus Ký được học nhiều tại đại chủng viện Penang. Theo một mẩu chuyện trong cuốn tiểu sử của Petrus Ký, “Petrus J.B. Trương-Vỉnh Ký, Un Savant Et Un Patriote Cochinchinois” tác giả Jean Bouchot kể rằng sau khi vào học ở Penang, Petrus Ký mới bắt đầu tự học tiếng Pháp. Và học một cách rất tình cờ, do ông ngẫu nhiên lượm được một mảnh giấy có chữ viết tiếng Pháp, và tự mò mẫm dịch ra chữ Latin. Sau đó, ông mới được một thầy người Pháp dạy cho thứ tiếng này.[57]

Mấy mươi năm sau khi rời Penang, ông Petrus Ký vẫn dùng chữ Latin thường xuyên để trao đổi thư từ với các bạn trí thức người Pháp của ông. Điển hình là những lá thư viết cho bác sĩ Alexis Chavanne và ông Albert Kaempfen đã được giáo sư Raphael Barquissau sưu tập và cho in lại trong tập sách Correspondance inédite en latin de Pétrus Trương–vĩnh-Ký.[58]

Petrus Ký thậm chí còn viết thư bằng chữ Latin cho người bạn và cũng là thượng cấp người Pháp của ông, Tổng Trú Sứ tức Toàn Quyền Paul Bert, khi không muốn những người khác có thể đọc được thư này, theo Barquissau. Lá thư bằng chữ Latin đó được nhắc đến trong những lá thư bằng tiếng Pháp của Petrus Ký gởi cho Paul Bert, nhưng không được đăng trong sách của Bouchot, vì Bouchot không tìm được nguyên bản.

Cũng theo ông Raphael Barquissau, tiến sĩ văn chương, cựu Hiệu trưởng trường Chasseloup Laubat tại Sài Gòn, người đã sưu tập và cho in những lá thư bằng chữ Latin của Petrus Ký, thì ông Petrus Ký rất giỏi Latin. Nhận xét về chất lượng và vốn liếng Latin của Petrus Ký, ông Barquissau viết là “rất rộng” và rất “hùng biện theo kiểu Ciceron”. Trong khi đó, ông Barquissau chê không thương tiếc bản lãnh Latin của người viết thư đối thoại với ông Petrus Ký là ông bác sĩ nghị viên người Pháp, Alexis Chavanne.[59]

B. Những Điểm Chính Trong Lá Thư Penang

Nội dung lá thư Penang có thể được tóm tắt với ba điểm chính sau đây:

i. Thứ nhất, lá thư thuật lại những cuộc lùng bắt các giáo sĩ của quan quân nhà Nguyễn vào ngày 9 tháng 12 năm 1858 tại Cái Mơn/Cái Nhum, và tại Đầu Nước (Cù Lao Giêng), Châu Đốc, vào đầu năm 1859. Sau đó, phần lớn lá thư thuật lại rất chi tiết những cuộc xét xử và đánh đập tra tấn các giáo dân, gồm cả các nữ tu, và sự kiên cường không chịu bỏ đạo để được tha của những người bị bắt. Đây là phần chính của lá thư Penang và chiếm hầu hết các trang giấy ở khoảng giữa thư. Có những nhân vật lịch sử được nhắc đến trong thư như quan tòa là “ông Thượng”, tức Tổng Đốc Long Hồ (Vĩnh Long) Trương Văn Uyển, và những người bị tra tấn như “bà nhứt” Martha Lành. Những cuộc xét xử này được kể lại trong thư với đại cương rất giống với hai nguồn tài liệu khác, một là theo lời kể của một linh mục người Việt, và còn được lưu giữ ở trang caimon.org[60], và hai là lá thư của linh mục Henri Borelle (cố Hoà), người đã chạy trốn cùng lúc với Petrus Ký khi bị quân nhà Nguyễn lùng bắt vào ngày 9 tháng 12 năm 1858.

ii. Thứ hai, lá thư cho biết – một cách gián tiếp – hành trình của Petrus Ký, từ lúc trốn chạy cuộc lùng bắt ngày 9 tháng 12 năm 1858 ở Cái Nhum cho đến khi viết lá thư Penang vào ngày 4 tháng 2 năm 1859, tại một nơi trú ẩn tương đối an toàn ở Sài Gòn.

iii. Thứ ba, lá thư nói lên những cảm nghĩ của Petrus Ký về sự bắt đạo của nhà Nguyễn cũng như về cuộc can thiệp/xâm lăng vào Việt Nam của liên quân Pháp – Tây Ban Nha. Theo tác giả Petrus Ký, sự bắt đạo, tuy rất tàn ác, nhưng lại là một điều tất yếu phải xảy ra, cũng như một cơn mưa bảo trước một sự yên bình, hay nói cách khác, là một thử thách của Chúa. Và với sự can thiệp bằng vũ lực của Pháp, ông hoàn toàn phản đối. Với ông, cách dùng vũ khí và bạo lực để can thiệp của quân Pháp là một giải pháp còn tệ hơn là bạo lực bắt đạo của vua quan nhà Nguyễn.

Về điểm chính thứ 1 của lá thư Penang, việc diễn tả những cuộc xét xử và tra tấn các giáo dân, vì rất dài và không thuộc phạm vi của bài viết này, người viết sẽ không bàn đến.

Nhưng điểm chính thứ 2 và 3 của lá thư, về hành trình và quan điểm của Petrus Ký, sẽ được người viết xem xét kỹ lưỡng trong hai chương IX và X sau đây, để so sánh chúng với hành trình và quan điểm của Petrus Key theo nội dung lá thư Petrus Key.


[56] http://data.bnf.fr/12012693/antoine_lauras/

[57] Jean Bouchot, Ibid, p.8

[58] Raphael Barquissau, Correspondance inédite en latin de Pétrus Trương–vĩnh-Ký, Publication de la Société des Etudes Indochinoises, Saigon 1934

[59] Ibid

[60] Hạnh Tích Bà Nhất Matta Lành, Cuộc Đời Thánh Hiến Của Một Số Tu Sĩ, http://caimon.org/