Chương X.
So Sánh Nội Dung Lá Thư Penang Và Lá Thư Petrus Key Về Quan Điểm Của Petrus Ký Đối Với Sự Xâm Lăng Của Pháp Và Việc Bắt Đạo Của Nhà Nguyễn
Nhưng quan trọng hơn cả sự đối nghịch trong hai cuộc hành trình trốn thoát trong hai lá thư là quan điểm của hai tác giả về việc bắt đạo và cuộc tấn công Việt Nam của Pháp. Vì nếu như trong lá thư của Petrus Key đầy dẫy những lời kêu gọi quân Pháp hãy dùng bạo lực và vũ khí để giải thoát những giáo dân ra khỏi sự kiểm soát của quan quân nhà Nguyễn, thì trong lá thư Penang của Petrus Ký là những điều hoàn toàn ngược lại.
A. Quan Điểm Của Petrus Ký Đối Với Sự Xâm Lăng Của Pháp Và Việc Bắt Đạo Của Nhà Nguyễn
- Phản Đối Sự Can Thiệp Bằng Vũ Lực Của Pháp
Ngay từ những dòng đầu của lá thư Penang, Petrus Ký đã nói rất rõ ràng cảm nghĩ của ông về sự can thiệp bằng vũ lực của Pháp vào Việt Nam với mục đích, hay chiêu bài, là để giúp đỡ các giáo dân Thiên Chúa Giáo. Với ông, sự can thiệp này chẳng những đã không giúp ích gì cho các giáo dân, mà còn làm cho tình hình càng tệ hại thêm:
“Ex quo enim huc venerat classis Gallica in Touron, Christianis quibus auxilium ferendum est, pejor medicina est malo!”
“Du jour où arrive la flotte française à Tourane pour les chrétiens à qui on devait porter secours, le remède est pire que le mal!”
“Từ ngày đoàn chiến thuyền Pháp tới Tourane (Đà Nẵng), đối với các giáo dân Thiên Chúa Giáo mà sự cứu giúp là cần thiết, thì thứ thuốc chữa này còn tệ hơn là chứng bệnh!”
Nhưng tại sao thuốc chữa lại tệ hơn chứng bệnh? Bởi vì sự cứu giúp thì chưa thấy đâu, mà ngay trong lúc đó triều đình Huế đã dùng lý do này để đàn áp các giáo dân một cách khốc liệt hơn trước. Trong lúc quân đội Pháp đang còn ở Đà Nẵng, thì trong Nam Kỳ nhà Nguyễn đã ra tay đàn áp các giáo dân, bất kể là họ đã có hành vi nào để tiếp tay quân Pháp hay không. Và sau đó thì nhà Nguyễn đã áp dụng kế sách “phân tháp (sáp)” các giáo dân, tức là đày họ đi vào các nơi xa xôi khỏi làng mạc của họ, bằng cách bắt họ phải di cư đến các làng của người không có đạo, để dễ bề kiềm chế. Kèm theo là hình phạt thích chữ vào mặt giáo dân, một bên là quê quán, bên kia là chữ “tả đạo”, để họ sẽ không trốn đi đâu được. Còn với những người giáo dân thuộc hạng “đầu mục” như Petrus Ký (vì đã từng đi học ở Penang), thì bị bắt giam hay xử tử là điều khó tránh khỏi. Ngay những giáo dân bình thường ở Cái Mơn, kể cả phụ nữ như bà Martha Lành, cũng đã bị bắt giam, tra khảo, bị đòn vọt chết đi sống lại, như Petrus Ký đã kể trong lá thư Penang.
Do đó, với câu văn trên, Petrus Ký đã cho các bạn học của ông ở Penang biết rằng ông phản đối sự xâm lăng bằng vũ lực của quân Pháp dưới danh nghĩa cứu vớt giáo dân Việt Nam khỏi sự bài đạo của nhà Nguyễn. Có thể ông đã thấy ra rằng sự cứu giúp của quân Pháp chưa tới, hoặc sẽ không tới đúng lúc, hoặc sẽ không bao giờ tới, vì người mang danh nghĩa cứu giúp không hề có ý muốn đó. Nhưng điều chắc chắn là ông đã thấy rằng chính vì sự can thiệp bằng vũ lực của Pháp ở Đà Nẵng, mà đời sống của người giáo dân Nam Kỳ trở nên tệ hại hơn lúc trước khi quân Pháp đến.
Và có thể thấy rằng thái độ này của Petrus Ký cũng là thái độ chung của những người giáo dân ở Nam Kỳ trước sự xâm lăng của quân Pháp, chứ không phải chỉ riêng Petrus Ký. Vì cũng như bất cứ thường dân nào ở bất kỳ xứ sở nào, họ chỉ muốn được yên ổn làm ăn và tự do theo đạo của họ, chứ khó thể là họ muốn chạy theo ngay một đoàn quân xâm lăng từ phương xa để chống đối lại triều đình của họ. Vì họ đã sống với nhà Nguyễn và các quan lại từ bao lâu nay, nên dù có bị đàn áp, có bị kỳ thị, nhưng họ vẫn tìm cách để sống còn. Hơn nữa, vì là những thường dân ở xứ Nam Kỳ, họ không thể nào biết được đoàn quân viễn chinh người Pháp ra sao và muốn gì trong cuộc xâm lăng này. Họ không thể nào biết được là quân Pháp sẽ tới chiếm luôn Nam Kỳ, hay chỉ đánh vài trận rồi lại rút đi như đã làm ở Đà Nẵng trước kia! Mà thật ra, chính những người Pháp có thẩm quyền lúc đó cũng còn chưa biết họ muốn gì ở Việt Nam, chứ đừng nói gì đến những giáo dân thấp bé ở xứ Nam Kỳ. Do đó, có thể thấy rằng các giáo dân Nam Kỳ đã không tán thành hay ủng hộ cuộc xâm lăng của Pháp ngay lúc đầu.
Để kiểm chứng lại suy luận này, ta có thể đọc một trong những tài liệu hiếm hoi về tâm tình của người giáo dân Nam Kỳ trong thời gian đó, một tác phẩm có tên “Thơ Nam Kỳ”. Tác phẩm này gồm những câu thơ lục bát mộc mạc không biết tên tác giả, nhưng chắc chắn là do một hay nhiều giáo dân Nam Kỳ làm ra. Những câu thơ này cho thấy các giáo dân Nam Kỳ ngay thoạt đầu đã coi quân Pháp là “giặc” và hành động đánh Sài Gòn là “ngang ngược”, như sau:
“Nam Kỳ vừa thuở thanh nhàn
Xả dân an nghiệp mở mang gia đình
Thoả thanh nông phố thới (thái) bình
Kỷ vì (mùi) xảy thấy thình lình Tây qua
Tai nghe tiếng súng vang xa ..
Chạy vào Tắc nghĩa chẳng nài ngược ngang …
Giặc nầy đạn pháo nang (nan) cừ
Quan quân thầm lắc bấy chừ khôn toan …
Vừa rồi dân chúng khắp dành;
Đem nhau coi giặc bộ hành dầm xuân
Liết (liếc) xem giặc lạ trưng trưng
Đoái nhìn thành thị lụy trường hột sương …” [87]
Do đó, việc những giáo dân Nam Kỳ như Petrus Ký không tán thành việc quân đội Pháp xâm lăng Việt Nam vào thời gian đầu là điều có thật. Và đó cũng là điều có lý nhất. Bởi triều đình nhà Nguyễn dù đã ban hành lệnh cấm đạo từ mấy mươi năm trước, nhưng thực tế thì ở Nam Kỳ các quan lại địa phương đã không thi hành chánh sách bắt đạo triệt để theo chỉ dụ của triều đình. Theo Jacob Ramsay, các quan lại nhà Nguyễn, nhất là những người ở xa kinh đô Huế, vì muốn cho địa phương mình cai quản được yên ổn, thường cố gắng dàn xếp, hoặc nhắm mắt làm ngơ để tránh những cuộc bắt bớ giáo dân không cần thiết. Trong khi đó, các giáo dân và các giáo sĩ lại thường đút lót cho các quan chức địa phương để được yên thân.[88]
Còn theo giáo sư Nguyễn Văn Trung, ở Nam Kỳ các giáo dân thường sống lẫn lộn hoà đồng với các cộng đồng khác, chứ không tập trung thành những làng riêng biệt như ở Bắc và Trung Kỳ. Và các quan lại, nếu cũng là người Nam Kỳ, thì thường dễ dãi không bắt bớ các giáo dân một cách triệt để.[89]
Vì những lý do trên, có thể hiểu được lý do tại sao các giáo dân Nam Kỳ như Petrus Ký đã tỏ ra không tán thành cuộc xâm lăng của quân Pháp.
Nhưng nếu sau này họ phải chạy đến gần quân Pháp, hay phải theo Pháp, là vì triều đình nhà Nguyễn đã xô đẩy họ vào cái thế đó. Do lo sợ những giáo dân sẽ tiếp tay với Pháp, nhà Nguyễn càng bắt đạo, càng chém giết, càng bắt giam các giáo dân ráo riết hơn, sau khi quân Pháp tấn công Đà Nẵng. Chính sách lược này đã đẩy các giáo dân vào con đường là phải theo Pháp thì mới sống còn.
Cũng có thể thông cảm là triều đình Huế đã ra tay đàn áp mạnh mẽ vì lo sợ mối hiểm hoạ những giáo dân Nam Kỳ sẽ theo quân Pháp chống lại triều đình. Tuy vậy, thay vì dùng những phương pháp ôn hoà để thu phục nhân tâm, để lôi kéo khối giáo dân này về phía mình, để toàn dân đồng lòng chống Pháp, thì vua Tự Đức lại chọn con đường mà ông nội ông là vua Minh Mạng đã vạch ra. Đó là chính sách ép buộc các giáo dân phải bỏ đạo, bằng cách trừng phạt để gây sợ hãi, thay vì để họ yên tâm giữ đạo như vua Gia Long và Tả Quân Lê Văn Duyệt đã làm ở Nam Kỳ trong suốt mấy mươi năm trước đó. Với những hình phạt khốc liệt như chặt đầu, treo cổ, xử giảo, bỏ tù, thích chữ vào mặt, đày đi xứ khác, vua Tự Đức đã làm cho những giáo dân ở Nam Kỳ như Petrus Ký không còn con đường nào khác là phải tìm sự che chở từ quân đội Pháp, dù rằng trước đó họ không muốn Pháp xâm lăng Nam Kỳ, dù rằng trước đó họ đã coi Pháp là “giặc”.
2. Chấp Nhận Việc Bắt Đạo Là Ý Chúa, Lẽ Tuần Hoàn Và Chủ Trương Bất Bạo Động
Nhưng trong khi cho rằng cuộc xâm lăng của quân Pháp làm cho tình cảnh của ông và các giáo dân Nam Kỳ trở nên xấu hơn, Petrus Ký cũng lại cho rằng những điều bất hạnh đang xảy ra với việc bắt đạo là những thử thách mà Thiên Chúa đã dành cho ông. Với ông, Thượng Đế là đấng toàn năng đã sắp đặt sẵn những thử thách cho con người. Vì vậy, ông sẵn sàng chấp nhận rằng những gì sẽ xảy ra với ông như là ý Chúa.
Và đồng thời, Petrus Ký cũng cho rằng mọi vật tuần hoàn, có cái xấu này rồi sẽ có cái tốt khác. Do đó, ông rất yên tâm chờ đợi những gì sẽ xảy ra, với sự tin tưởng rằng sau những thử thách mà ông đang trải qua, những gì sắp tới sẽ ngược lại và tốt đẹp hơn.
Đây là những gì ông viết về niềm tin đó trong lá thư Penang:
“Sed post nubila Phoebus, post tempestatem tranquillitas, cum sunt contradictoria etiam relativa, non potest unum existere quin alterum praecedat. Forsant Deo placet differe et relinquere nos in hoc statu ut magis pretiosa nobis veniant pax desiderata. Utque confundat … superbiam quorumdam qui magis ferra quam providentive divinae confidunt! Plus enim, valere putant arma quam Dei voluntatem omnipotentem! Utcunque nos ceciderit, ego utpote incertus de eventu tacitus exspecto exitum. Sae enim quod nemo possit resistere voluntati Dei; si extendit manum suam, quis avertet eam? …
… Omnia Dei voluntati et providentive … et in …. oculum dormio. Si det pacem in diebus nostris, gratias agens ingrediar – fines pacis; si placuerit ei nos probare in experimento tribulationis, hoc ipso consolabor me quoniam oporteat nos per multas tribulationes introire in regnum coelosum.”
“Mais après les nuages le soleil, après la tempête la tranquillité, comme sont les choses contradictoires et relatives. L’une ne peut pas exister sans être précédée par l’autre. Peut-être plaît-il à Dieu d’attendre et de nous laisser dans cet état pour que nous viennent davantage de désirs précieux pour confondre et frapper la superbe de certains qui se confient davantage dans les armes que dans la providence divine. En effet, il pense que les armes ont plus de force que la volonté du Dieu tout puissant! (L’une et l’autre nous sont arrivées). Quant à moi, j’attends dans le silence et l’incertitude le résultat de ces événements. Je sais en effet que personne ne peut résister à la volonté de Dieu. S’il étend sa main, qui la détournera? …
Je remets toute chose à la volonté et à la providence de Dieu et je dors de mes deux yeux. S’il nous donne la paix aujourd’hui j’entrerai dans le territoire de la paix en lui rendant grâce. S’il lui plaît de nous éprouver dans l’épreuve de la tribulation, je me consolerai car il nous faut grâce à nombreuses tribulations entrer dans le royaume des cieux.”
“Nhưng sau những đám mây là mặt trời, sau trận bão là sự tĩnh lặng, như những điều đối nghịch mà liên quan. Điều này không thể hiện hữu, nếu không có điều kia đi trước. Có lẽ Thiên Chúa muốn đặt chúng tôi trong hoàn cảnh này, để sự mong muốn quí giá đến với chúng tôi và để đánh tan sự hợm hĩnh của những kẻ tin vào vũ khí hơn là Thiên Chúa. Quả là họ nghĩ rằng vũ khí mạnh hơn ý của Chúa Toàn Năng! (Cả hai điều này đang đến với chúng tôi). Về phần tôi, tôi chờ đợi trong im lặng và không chắc chắn về kết quả của các sự kiện. Tôi biết rằng không ai có thể chống lại ý Chúa. Nếu Ngài ra tay, có ai thay đổi được? …
Tôi đặt tất cả vào ý Chúa và ngủ với cả hai mắt . Nếu Ngài muốn cho chúng tôi sự bình yên ngày hôm nay, tôi sẽ đi vào khu vực bình yên đó và cám ơn Ngài. Nếu Ngài muốn trắc nghiệm chúng tôi qua những thử thách, tôi sẽ tự an ủi rằng chúng ta cần những thử thách đó trước khi được lên thiên đàng.”[90]
Có lẽ điều rất đáng ngạc nhiên ở đây là một thanh niên mới 21 tuổi đầu như Petrus Ký lại có những ý nghĩ như vậy, và lại có thể viết ra được những câu diễn tả sự suy nghĩ của mình như vậy, trong lá thư gởi cho các bạn học cùng lứa.
Và những ý tưởng này đã được Petrus Ký lặp lại 23 năm sau, trong tác phẩm Bất Cượng Chớ Cượng Làm Chi, tuy có phần chi tiết hơn, và “Chúa” đã được ông thay thế bằng “Trời” hay “tạo hóa”, như sau:
“Trên đầu có đấng tạo hóa (tục hay kêu tắt là Trời) ta ở tay người như cá ở trong nước… Nên người xây-định cho ta thể nào, thì phải chịu vậy mà thôi, chẳng nên cượng cầu mà khốn…”
“Vì-vậy cho-nên kẻ có trí hay xét, không hề dám cượng cầu điều gì hết. Phận mình phải sao chịu vậy, trên không oán trời, dưới không trách người, phân-bì ganh gổ ai.”
Và lẽ tuần hoàn trong đời cũng được ông giải thích cặn kẽ hơn:
“Phải biết điều nầy: là việc dầu bất-thành (chẳng nên), hay là việc rủi, việc dữ đi nữa mà đã qua rồi thì cũng đều là có ích, chẳng nên trách, chẳng nên tiếc; vì nó làm nề làm pháo cho việc sau, nó là cuộc ghẹo cuộc sinh cuộc mới cho ta. Như tôi đã có nói bữa hổm, trong đời có âm có dương đắp-đổi nhau luôn-luôn; mỗi giờ mỗi khắc đều có….”
“Mà kẻ có trí thì lại làm khác: may thì sợ, rủi thì lại mầng…. vì hễ hết ngày thì tới đêm, hết đêm tới ngày; hết bão thì tạnh; tạnh rồi lại bão. Nên người trải đời khi thấy mình thạnh, sởn-sơ, chèo xuôi mát mái, thì giựt mình sợ-e hết thạnh có đến suy chăng; còn khi đang sân-sẩn đâu vùng nó khiến mắc sự chi rủi-ro, thì lại thêm lòng mầng, vì biết cái ấy là cái nó chế cho khỏi cho bớt sự khốn khó….Cho nên, hễ cái sướng ít, thì cái cực khi nó đổi phiên nhau, nó cũng ít; mắc họa lớn rồi lại được phước lớn.”[91]
Tóm lại, trong lá thư Penang, Petrus Ký cho rằng sự bắt đạo làm cho ông phải lâm vào tình trạng khốn cùng như vậy, thật ra chỉ là một thử thách mà Chúa của ông muốn cho ông phải trải qua mà thôi. Và do đó, ông sẵn sàng chấp nhận những gì sẽ xảy ra với ông, cho dù đó là cái chết.
Nhưng không vì vậy mà ông buồn phiền than trách. Bởi ông cho rằng mọi vật, mọi điều trên đời đều xảy ra theo lẽ tuần hoàn. Nên sự khổ sở mà ông đang trải qua sẽ là điều tất yếu để cho những sự bình yên theo sau.
Chứ ông không hề có một lời nào kêu gọi hay tỏ ý muốn dùng vũ lực hay vũ khí để giải quyết việc bắt đạo mà ông đang phải trải qua. Ngược lại, với lời lẽ trong thư ở đoạn trích bên trên, ông cho thấy rõ ràng có một ý tưởng bất bạo động, phản đối việc dùng vũ khí hay bạo lực để giải quyết vấn đề.
B. Đối Chiếu Quan Điểm Của Petrus Ký Trong Lá Thư Penang Với Quan Điểm Của Lá Thư Petrus Key Về Cuộc Xâm Lăng Của Pháp Và Việc Bắt Đạo
Trong khi đó, như đã thấy trong lá thư Petrus Key, tác giả lá thư đã kêu gọi quân đội Pháp hãy mau dùng vũ lực để giải phóng những giáo dân khỏi gông xiềng của nhà Nguyễn. Từ đầu đến cuối, tác giả có một luận điệu nhất quán về quan điểm này.
Trước tiên, ở đầu thư, tác giả ca ngợi hành vi dùng bạo lực đi chinh phục của ba vị anh hùng trong Cựu Ước: Sam-sông (Samson), Môi-se (Moïse) (Moses) và Gio-Duệ (Josué) (Joshua) (chứ không phải Joseph như ông Nguyên Vũ đã chép sai). Cả ba nhân vật này đều có những võ công oanh liệt. Sam-sông đánh quân Philistine, Môi-se dẫn dân Do Thái thoát ra khỏi Ai Cập và tiêu diệt dân Midianites trước khi trao quyền lại cho Gio-Duệ, người sau đó đã chinh phục vùng đất hứa Canaan cho dân Do Thái.
Kế đến, tác giả lá thư Petrus Key diễn tả cảnh bắt đạo của nhà Nguyễn. Tác giả cho biết là các giáo dân sẽ chết hết nếu không có sự cứu giúp của quân Pháp, và cho rằng niềm hy vọng duy nhất của các giáo dân bây giờ là ở sự can thiệp của quân đội Pháp. Tác giả ca ngợi quân Pháp là có những vũ khí vô địch (invincibles), và kêu gọi họ hãy dùng những vũ khí đó để cứu giúp các giáo dân An Nam. Tác giả cho rằng mặc dù nhà Nguyễn có số quân đông hơn, nhưng nếu quân Pháp tiến đánh, họ sẽ run sợ bỏ chạy. Vì vậy, quân Pháp cần phải vươn cánh tay đầy sức mạnh của mình để giải phóng các giáo dân, và để tên tuổi được ghi nhớ đời đời.
Do đó, khi đối chiếu quan điểm của hai lá thư về cuộc xâm lăng của Pháp và việc bắt đạo, ta có thể thấy rằng những ý chính trong lá thư Petrus Key hoàn toàn trái ngược với những ý chính của Petrus Ký trong lá thư Penang.
Nếu Petrus Ký tin tưởng vào Chúa, thì Petrus Key tin tưởng vào quân đội Pháp.
Nếu Petrus Ký cho rằng sự can thiệp của quân Pháp làm cho tình hình tệ hại thêm, thì Petrus Key cho rằng chỉ có sự can thiệp bằng vũ khí của Pháp mới giải quyết được vấn đề.
Nếu Petrus Ký cam chịu mọi khổ sở thử thách, thì Petrus Key phải dùng “nhiều người và nhiều ngựa” chạy đi kiếm cho bằng được Grand Chef để cầu xin.
Nếu Petrus Ký cho rằng những điều tốt đẹp hơn sẽ tới sau những thử thách cam go, thì Petrus Key cho rằng giáo dân sẽ chết hết nếu quân Pháp không cứu giúp.
Nếu Petrus Ký dẫn ra những thí dụ về ý Chúa thắng cả những đế quốc và vương quyền mạnh nhất như Hy Lạp và La Mã, thì Petrus Key lại dẫn ra những vị anh hùng chuyên dùng sức mạnh để đạt mục đích như Samson và Josué.
Tóm lại, tất cả những quan điểm của Petrus Key và Petrus Ký về cuộc xâm lăng của Pháp và việc bắt đạo, như đã được diễn tả trong hai lá thư có thời gian gần nhau, hoàn toàn trái ngược nhau. Cũng cùng một sự việc là hành động xâm lăng của quân Pháp với chiêu bài giải phóng giáo dân, hay cuộc đàn áp bắt đạo của nhà Nguyễn, hai lá thư có hai cái nhìn hoàn toàn đối nghịch.
Và do đó, sau khi so sánh nội dung hai lá thư Petrus Key và lá thư Penang về hai điểm chính: hành trình trốn thoát nhà Nguyễn (trong chương IX) và quan điểm về việc bắt đạo và cuộc xâm lăng của Pháp (trong chương X), người viết bài này chỉ có thể đi đến một kết luận duy nhất:
Petrus Ký không phải là tác giả lá thư Petrus Key.
Kết luận này càng rõ ràng hơn nữa, khi cộng thêm những điều vô lý trong chính nội dung lá thư Petrus Key như đã nêu ra ở chương VI.
Nhưng, để cho kết luận này hoàn toàn không có một sự nghi ngờ nào nữa, người viết xin xét đến phần hình thức của lá thư Petrus Key, và so sánh nó với hình thức của lá thư Penang, trong chương XI dưới đây.
[87] Thơ Nam Kỳ; Ou, Lettre Cochinchinois, Traduit Par M. D. Chaigneau, Imprimerie Nationale, Paris, 1876. Những chữ trong ngoặc đơn là của người viết chú thích. Những chữ in đậm là của người viết nhấn mạnh. Ngoài ra, người viết vì tôn trọng nguyên tác nên đã giữ nguyên những chỗ sai chính tả trong các câu thơ.
[88] Jacob Ramsay, Mandarins and Martyrs, The Church and The Nguyen Dynasty in Early Nineteenth Century Vietnam, Stanford University Press, 2008
[89] Nguyễn Văn Trung, Hồ Sơ Lục Châu Học, Chương IV
[90] Theo nguyên văn Latin của lá thư Penang thì người viết không thấy có câu “L’une et l’autre nous sont arrivées” (Cả hai điều này đang đến với chúng tôi) như trong bản dịch tiếng Pháp của ông Lauras. Do đó, người viết để câu trên trong ngoặc.
[91] P.J.B. Trương-Vĩnh-Ký, Bất Cượng Chớ Cượng Làm Chi, Guilland Et Martinon, Saigon, 1882