Chương VII.
Hình Thức Lá Thư Petrus Key: So Sánh Nét Chữ Và Chữ Ký Của Lá Thư Petrus Key Với Nét Chữ Và Chữ Ký Thật Sự Của Petrus Ký Trong Thập Niên 1870s
Nếu nội dung lá thư Petrus Key cho thấy tác giả lá thư khó có thể là một người Việt ở Nam Kỳ vì những điểm vô lý trong thư, thì phần hình thức của nó sẽ cho thấy tác giả không thể nào là ông Petrus Ký. Vì khi đem so sánh nét chữ và những chữ ký đã được chứng thực của ông Petrus Ký với nét chữ và chữ ký trong lá thư Petrus Key, ta có thể thấy rõ là hai nét chữ và hai chữ ký hoàn toàn khác nhau.
Trong chương VII này, người viết xin giới thiệu với bạn đọc ba tài liệu với chữ viết và chữ ký thực thụ của ông Petrus Ký trong thập niên 1870s, để so sánh với chữ viết và chữ ký của lá thư Petrus Key. Hai tài liệu đầu, một bằng tiếng Việt và một bằng tiếng Pháp, do người cháu cố của Petrus Ký là ông Gilbert Trương Vĩnh Tống cung cấp. Tài liệu thứ ba được lấy từ website của ông Hervé Bernard, một sử gia Pháp và là cháu của ông Henri Rieunier, người đã dẫn phái đoàn Phan Thanh Giản qua Pháp năm 1863 để điều đình chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ.
Tài liệu thứ nhất là một lá thư của ông Petrus Ký viết cho con cháu để dạy cách sống trên đời. Lá thư này đã được in lại trong nhiều sách vở về Petrus Ký, như cuốn Petrus J.B. Trương-Vỉnh Ký của Jean Bouchot hay cuốn Trương Vĩnh Ký, Nhà Văn Hoá của Nguyễn Văn Trung.[54] Lá thư này cũng đã được trích đăng nhiều lần trên mạng (dù rằng đã bị trích đăng với nhiều chỗ sai vì người trích không hiểu nghĩa những chữ được dùng của ông Petrus Ký). Ông Petrus Ký đã viết và ký tên lá thư vào ngày 23 tháng 7 năm 1872 tại Sài Gòn, như sau:
Tài liệu thứ hai là một trang chỉ dẫn cho một cuốn sách về đàm thoại tiếng Pháp và tiếng An Nam cho người du lịch. Trang này được được viết tại Saigon ngày 23 tháng 7 năm 1872 và ký tên khá rõ ràng là P. Trương Vĩnh Ký.
Tài liệu thứ ba là một lá thư viết tay rất dài của ông Petrus Ký gởi cho người chỉ huy phái đoàn Soái Phủ Pháp dẫn phái đoàn An Nam qua Pháp năm 1863 để thương nghị về việc chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Người đó là ông Henri Rieunier.
Trong chuyến đi Tây này, Petrus Ký đã dạy tiếng Việt cho Henri Rieunier, và là người thông dịch cho những cuộc đàm thoại giữa Phan Thanh Giản và Rieunier. Những câu đàm thoại của hai bên được ông Petrus Ký ghi lại và được gia đình ông Rieunier giữ cho đến nay. Một người cháu của ông, sử gia Hervé Bernard, đã cho đăng những tài liệu quí giá về chuyến đi này mà gia đình ông Rieunier còn giữ.
Và trong số những tài liệu của Rieunier do ông Hervé Bernard đăng lên mạng, có lá thư viết tay của Petrus Ký gởi cho Rieunier.[55] Người viết bài này xin chỉ đăng lại trang đầu và trang cuối của lá thư, với mục đích nhận dạng nét chữ và chữ ký mà thôi.
Lá thư gởi cho Rieunier được viết ở “Chợquán le Xbre 1876” và được ký rất rõ ràng là P. Trương Vĩnh Ký, như sau:
Do đó, chỉ cần nhìn qua hình thức của ba tài liệu này và so sánh với lá thư Petrus Key, bạn đọc có thể thấy ngay những điểm nổi bật như sau:
i. Trước hết, ông Petrus Ký lúc nào cũng thận trọng đề nơi chốn, ngày tháng của những gì ông viết, cho dù đó là những lời dạy con cháu trong nhà, cho dù đó là lời chỉ dẫn về một cuốn sách, hay cho dù đó là một lá thư gởi cho một người bạn. Trong khi đó, lá thư Petrus Key, như ta đã biết, không có nơi chốn, không có ngày tháng, và không có cả tên người nhận.
ii.. Nét chữ trong các tài liệu trên hoàn toàn khác với nét chữ trong lá thư Petrus Key.
iii. Cách viết tiếng Việt cho địa danh của ông Petrus Ký rất khác với Petrus Key: Như đã thấy trong lá thư Petrus Key, địa danh Tham Lương được viết là “Tham-Luong”, không bỏ dấu và dùng gạch nối, và cả hai chữ đều được viết hoa. Trong khi đó, ông Petrus Ký lại viết những địa danh hoặc tên người như là “Chợquán”, “Hànội”, “Batường”, tất cả đều bỏ dấu, và được viết dính nhau. Chẳng những vậy, những chữ thứ nhì như quán, nội, tường, đều không viết hoa. Đó là cách viết chữ Việt đặc biệt của ông Petrus Ký. Cách viết này, ta không thấy được trong lá thư Petrus Key.
iv. Chữ ký của Petrus Ký: Như có thể thấy trong lá thư Petrus Key, tác giả đã ký cụt lủn là Petrus Key. Trong khi đó, ở tất cả ba tài liệu viết tay dẫn ra trên đây, ông Petrus Ký lúc nào cũng ký tên mình rất rõ ràng là P. Trương Vĩnh Ký, với dấu sắc rõ ràng trên chữ Ky.
Do đó, khi so sánh hình thức lá thư Petrus Key qua nét chữ và chữ ký trong thư, với nét chữ và chữ ký thực thụ của ông Petrus Ký trong ba tài liệu trên, ta có thể dễ dàng đi đến kết luận rằng Petrus Ký không phải là tác giả của lá thư Petrus Key. Vì cách viết, nét chữ và chữ ký trong ba văn kiện này không có chút gì giống với lá thư Petrus Key.
Nhưng vì ba tài liệu trên được viết ra trong khoảng thời gian 1872 -1876, tức là khá xa sau thời gian của lá thư Petrus Key (vào năm 1859-1860), nên một câu hỏi chính đáng có thể được đặt ra về thời gian tính của các tài liệu nói trên. Vì rất có thể là ông Petrus Ký đã thay đổi nét chữ và chữ ký trong thập niên 1870s, làm cho chúng khác đi so với nét chữ và chữ ký năm 1859-1860 của lá thư Petrus Key.
Nhưng vấn đề về thời gian tính nói trên có thể được giải quyết một cách dứt khoát với một lá thư được viết bởi Petrus Ký vào ngày 4 tháng 2 năm 1859, ngay trước khi quân Pháp tấn công Sài Gòn.
Đó là lá thư Petrus Ký viết cho những bạn học ở Penang để cho biết tình hình xứ An Nam lúc bấy giờ. Xin gọi đó là “lá thư Penang” mà người viết sẽ trình bày trong Phần 2 tiếp theo đây.
[54] Nguyễn Văn Trung, Trương Vĩnh Ký, Nhà Văn Hoá, Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn, 1993
[55] http://nguyentl.free.fr/Public/Herve-Bernard/Photos-et-lettres-de-Petrus-Ky.pdf