Chương VI.

Nội Dung Lá Thư Petrus Key: Những Sai Lầm Vô Lý Về Nam Kỳ Trong Thư Cho Thấy Tác Giả Lá Thư Không Phải Là Một Người Việt Ở Nam Kỳ Như Petrus Ký

Lá thư ký tên Petrus Key có thể được coi là một văn kiện thuộc loại primary source (tài liệu gốc). Thông thường, trước khi sử dụng một văn kiện thuộc loại này, nhiệm vụ đầu tiên của một sử gia là phải tự chính mình “phê phán” văn kiện đó, để kiểm soát lại coi văn kiện đó có phải là tài liệu thật hay không. Có nhiều cách để kiểm soát, hay phê phán, mà các sử gia thường dùng. Nhưng ở dạng đơn giản nhất, đó là “internal criticism” (tạm dịch là phê phán nội dung) và “external criticism” (tạm dịch là phê phán hình thức).[48]

Tuy vậy, ông Nguyên Vũ, tức sử gia Vũ Ngự Chiêu, chưa bao giờ cho thấy rằng ông ta đã dùng bất cứ cách phê phán nào để kiểm soát coi lá thư Petrus Key có phải thật sự do chính tay Petrus Ký viết hay không. Thay vào đó, như ta đã thấy, ngay từ đầu, ông Nguyên Vũ đã quả quyết rằng lá thư là do Petrus Ký viết. Chẳng những vậy, ông Nguyên Vũ còn thêm thắt hàng loạt những chi tiết không hề có trong lá thư, như đã nói ở các chương trên.

Và chỉ cần theo lẽ thông thường, mà không cần phải là một sử gia mới biết, thì người giới thiệu, hay “công bố” một văn kiện lịch sử, chính là người phải chứng minh được tính xác thực của nó. Nhưng, như đã thấy, ngay việc cung cấp nguyên văn lá thư, ông Nguyên Vũ còn không làm, thì chắc khó thể đòi hỏi ông phải làm việc chứng minh sự xác thực của tài liệu “đáng giá” do ông “công bố” này. Thay vào đó, ông Nguyên Vũ đã bắt những người nào muốn tìm hiểu xem lá thư Petrus Key có thật hay không phải tự đi tìm lấy nguyên văn lá thư để tự chứng minh! Theo ông, có làm như vậy mới là người “trí thức lương thiện”.

Vì lý do đơn giản là muốn tìm hiểu xem lá thư Petrus Key có thật do ông Petrus Ký viết hay không, chứ không phải vì muốn làm một “trí thức lương thiện”; vì không phải là một “sử gia” như ông Nguyên Vũ định nghĩa; và nhất là vì không phải là người khám phá hay công bố lá thư Petrus Key, nên người viết bài này sẽ xin chứng minh tính xác thực của lá thư Petrus Key qua hai cách kiểm soát đơn giản nhất nói trên: nội dung hình thức.

Trong chương VI này, người viết xin được trình bày những chi tiết bất hợp lý trong chính nội dung lá thư Petrus Key, những chi tiết khiến người đọc có thể đi đến kết luận rằng lá thư không thể do ông Petrus Ký, một người Việt ở Nam Kỳ trong thời gian đó, viết ra.

 

A. Toà Thành (Citadelle) Mới Gần Cầu Tham Lương

Trong chương V, khi chỉ ra những sai lạc trong bản dịch lá thư Petrus Key của ông Nguyên Vũ, người viết đã có dịp trình bày với bạn đọc việc ông Nguyên Vũ đã thêm dấu cho chữ Tham Lương trong bản dịch cho trở thành đúng với chính tả chữ quốc ngữ.

Trong chương VI này, người viết sẽ xin bàn đến một chi tiết khác, cũng cùng với hai chữ đó, và đó là chi tiết tác giả lá thư Petrus Key cho rằng có một toà thành (citadelle) mới được xây ở gần cầu Tham Lương. Xin chép lại lần nữa nguyên văn trong thư, như sau:

“Déjà nos confesseurs vaincus remplissent les prisons et de nombreux Chrétiens sont au pouvoir des ennemis. Hier, des lettres de Mandarins parcouraient les villages, ordonnant d’adjoindre chacun 10 ou 20 hommes aux soldats chargés d’arrêter les Chrétiens; et déjà plusieurs gémissent dans fers de la citadelle qu’on vient d’élever près du pont Tham-Luong.”

“Đã có nhiều người nhận (giảng) đạo (confessors) của chúng tôi bị bắt giam đầy các nhà tù và nhiều giáo dân đang ở trong tay của kẻ thù. Ngày hôm qua, những lá thư của các quan lại đã lan đến các làng, lệnh cho mỗi làng phải tăng thêm từ 10 đến 20 người lính chuyên việc bắt các giáo dân; và rất nhiều người đang rên rỉ trong xiềng xích của tòa thành mới được dựng lên gần cầu Tham Luong.”

Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong lá thư mà tác giả Petrus Key cho ta thấy một địa danh có thật, có liên quan đến tình hình đang xảy ra vào thời gian đó ở Nam Kỳ, và đó là địa danh Tham Lương. Vì lá thư Petrus Key không có địa chỉ, hay ít ra là nơi người viết đang ở, và vì nó không có ngày tháng, nên nếu không có địa danh “Tham-Luong” này, người đọc sẽ khó mà biết được thời điểm và nơi chốn của lá thư. Tuy nhiên, cũng từ hai chữ này mà ta sẽ thấy một điều vô lý trong nội dung lá thư Petrus Key.

Nhưng trước tiên, cần phải biết Tham Lương là gì và ở đâu.

  1. Tham Lương Trong Lịch Sử

Cầu Tham Lương là một địa danh lịch sử của vùng Sài Gòn – Gia Định. Đó là cái cầu bắc qua kinh (kênh) Tham Lương trên đường quốc lộ đi qua vùng Hóc Môn Bà Điểm, lên Tây Ninh và qua Cao Miên. Thời Tây Sơn, đã có một trận đánh rất lớn ở đó.

Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên:

“Mùa hạ, tháng 4, năm 1782 tiết chế dinh Bình Thuận là Tôn Thất Du đem Tả chi Trần Xuân Trạch, thuộc tướng là Trần Văn Tư, và thuộc tướng đạo Hòa Nghĩa là Trần Công Chương vào cứu viện. Gặp tiền binh của giặc, ập đánh, chém được hộ giá giặc là Phạm Ngạn ở cầu Tham Lương. Tham tán Hồ Công Siêu bị súng giặc bắn chết. Nguyễn Nhạc nghe tin Ngạn chết, đau như mất hai tay, cho rằng đạo quân Hòa Nghĩa toàn người Thanh, bèn sai bắt hết người Thanh hơn một vạn người ở Gia Định, không kể là lính là dân hay là người buôn bán, đều giết hết mà quăng xác đầy sông. Hơn một tháng trời, không ai dám ăn tôm cá và uống nước sông. Sự tàn sát thê thảm đến thế ! (Công Siêu được truy tặng là Tham khám).”[49]

  1. Tham Lương Trong Trận Chiến Pháp-Việt Năm 1859

Và đây là bản đồ Sài Gòn trước trận đánh chiến lũy Kỳ Hoà (Chí Hoà) của liên quân Pháp – Tây Ban Nha, trong đó có địa danh Tham Lương:

Ky Yeu PK 2018 - 109

Ky Yeu PK 2018 - 110

Ky Yeu PK 2018 - 111

Như vậy, trong cả hai tấm bản đồ trên, địa danh Tham Lương đã được viết ra thành “Tam-Leang”. Phía trước của Tham Lương nhìn về phía Sài Gòn là đại đồn, hay chiến lũy Chí Hòa. Phía sau, và rất gần với Tham Lương, là “Forts de Tong-Keou” hay “các đồn Thuận Kiều”.

Như có thể thấy trên bản đồ, Tham Lương là một vị trí trọng yếu trên đường từ tiền tuyến là chiến lũy Chí Hòa đến hậu cứ là các đồn ở Thuận Kiều, nơi chứa lương thực và vũ khí của quân nhà Nguyễn. Và trong cả hai tấm bản đồ này của Pháp, Tham Lương được biết đến như một “làng” (Village de Tam-Leang).

Theo Trần Văn Giàu trong Địa Chí Văn Hóa Thành Phố Hồ Chí Minh đã dẫn ở Chương III, thì quân nhà Nguyễn có xây phía sau chiến lũy Chí Hòa … “đồn Tham Lương, đồn Thuận Kiều, đồn Rạch Tra”.

Tóm lại, địa danh Tham Lương đã được nhắc đến trong những tài liệu lịch sử với những “Cầu Tham Lương”, “Kinh Tham Lương”, “Làng Tham Lương”, và “Đồn Tham Lương”.

Nhưng, tuyệt nhiên không hề có một sử liệu nào, bất kỳ là Pháp hay Việt, hoặc vết tích nào còn sót lại, cho thấy đã có một cái “thành” hay “citadelle” ở gần Cầu Tham Lương, như đã được viết trong lá thư Petrus Key.

Thoạt đầu, người viết bài này nghĩ rằng có lẽ tác giả lá thư Petrus Key đã viết lộn “đồn” Tham Lương ra thành “thành” Tham Lương. Nhưng nghĩ kỹ lại, thì điều đó không thể xảy ra, nếu tác giả lá thư là một người bản xứ Nam Kỳ.

Vì cả khu Sài Gòn – Gia Định từ trước cho đến thời gian đó (1859 – 1860), chỉ có mỗi một cái có thể gọi là “thành” hay “citadelle” duy nhất. Đó là thành Gia Định, hay còn gọi là thành Phụng, được vua Minh Mạng cho xây, sau khi đã phá thành Phiên An (tức thành Qui) vì vụ loạn Lê Văn Khôi. Thành Phụng ở Gia Định này chính là điểm tấn công của quân Pháp, bị Pháp chiếm ngày 18 tháng 2 năm 1859 và bị đốt ngày 8 tháng 3 năm 1859 theo lệnh của Rigault de Genouilly, như đã nói ở chương III bên trên.

Do đó, bất cứ một người Việt nào ở Nam Kỳ trong thời gian đó cũng phải phân biệt được sự khác nhau giữa “thành” tức “citadelle” với đồn tức “fort” ở Sài Gòn, một cách không mấy khó khăn. Họ chắc chắn đã thấy, và đã biết, là tòa thành đồ sộ ở Sài Gòn đã bị đốt cháy từ đầu tháng 3 năm 1859, tạo ra một đám cháy rất lớn mà tương truyền là cả năm sau vẫn còn. Trong khi đó, đồn, hay “fort”, là một kiến trúc phòng thủ nhỏ hơn rất nhiều, và được dựng lên khắp nơi, như “các đồn Thuận Kiều” đã được vẽ trong hai bản đồ ở trên.

Do đó, không thể nào có việc nhầm lẫn từ “đồn” ra “thành”, nếu tác giả lá thư là một người Việt bình thường ở Nam Kỳ, chứ đừng nói tới một học giả như ông Petrus Ký, người mà sau này đi tiên phong và viết rất nhiều khảo cứu về Sài Gòn, đặc biệt là về thành Qui và thành Phụng.

Cũng cần nói thêm là hai chữ này trong tiếng Pháp rất dễ phân biệt. Nếu một người Việt có đủ trình độ tiếng Pháp để viết một lá thư văn hoa như lá thư Petrus Key, thì không lý nào lại không đủ trình độ để phân biệt giữa “fort” và “citadelle”.

Nhưng, chữ “citadelle”, tức “thành”, lại chính là chữ mà ta gặp được trong lá thư Petrus Key.

Có thể nào tác giả lá thư Petrus Key đã nhầm lẫn và gọi “chiến lũy” hay “đại đồn Chí Hòa” thành cái “citadelle” ở gần cầu Tham Lương như trong thư chăng? Điều này càng khó thể xảy ra hơn, vì “đại đồn Chí Hòa” thật sự chỉ là một chiến lũy dài từ Lăng Cha Cả đến Chợ Lớn, được các “Đồn Tả”, “Đồn Tiền”, “Đồn Trung, “Đồn Hữu” làm điểm tựa. Chiến lũy này được xây theo chiến thuật cố hữu “đánh và giữ” của nhà Nguyễn, và đặc biệt là của Tổng thống Nguyễn Tri Phương, để từ từ lấn ép đến sát quân Pháp, như họ đã làm và tương đối thành công ở Đà Nẵng. Nhưng lũy được kiến tạo bởi nguyên liệu chính là đất, không phải gạch đá như tường thành, và rất dài, chứ không phải vuông vức như thành. Thêm nữa, khoảng cách giữa chiến lũy Chí Hòa và cầu Tham Lương rất xa, cho nên nếu có coi chiến lũy Chí Hòa là “citadelle” đi nữa, cũng không thể nào có thể viết rằng “gần cầu Tham Lương” (près du pont Tham-Luong) như trong lá thư Petrus Key được.

Tóm lại, việc tác giả lá thư Petrus Key viết rằng có một cái “thành” hay “citadelle” ở gần cầu Tham Lương, trong khi trong thực tế không hề có một cái “thành” nào ở gần cầu Tham Lương hay thậm chí ở cả Sài Gòn, khiến cho ta phải thắc mắc về tính xác thực của lá thư, hay đúng hơn là về tác giả của lá thư. Bởi khó thể một người Nam Kỳ nào, không cần phải là học giả về Nam Kỳ như ông Petrus Ký, lại có thể viết được những dòng vô lý nổi bật như vậy.

 

B. Dùng Nhiều Người Và Nhiều Ngựa

Trong lá thư Petrus Key, có một đoạn chắc hẳn phải gây ngạc nhiên cho người đọc, vì tác giả cho biết đã dùng “nhiều người và nhiều ngựa”, (“hommes et chevaux”) để đi đến đích của cuộc hành trình tìm gặp Grand Chef. Nguyên văn trong thư như sau:

“Et moi, votre très humble et inutile serviteur, qui m’empresse de me rendre auprès de vous, je suis contraint de m’arrêter après avoir fait les trois quarts du chemin. J’ai essayé hommes et chevaux pour parvenir au terme de mon voyage; mais des postes militaires sont établis partout;”

“Và tôi, người làm công khiêm nhường và vô dụng của các ngài, người đang vội vã đến với các ngài, tôi đã buộc phải ngừng lại sau khi đi hết ba phần tư đoạn đường. Tôi đã thử nhiều người và nhiều ngựa để đến cuối cuộc hành trình; nhưng các trạm lính canh được đặt ra ở mọi nơi.”

Đây là một câu văn rất vô lý, vì nó hoàn toàn không phù hợp với thực trạng Nam Kỳ trong thời gian đó, và lại càng cực kỳ vô lý với một giáo dân đang trốn lánh quan quân nhà Nguyễn như Petrus Ký.

Với câu văn này, có lẽ cách hiểu đơn giản nhất là Petrus Key đã dùng nhiều người và nhiều ngựa như là những phương tiện giao thông cho cuộc hành trình đi tìm Grand Chef.

Nhưng cả hai phương tiện giao thông mà Petrus Key dùng để diễn tả cách đi tìm Grand Chef trong lá thư đều không phù hợp với thực tế của Nam Kỳ vào thời gian đó, cũng như hoàn cảnh của Petrus Ký.

Trước nhất, dùng hay thử “nhiều ngựa” thì còn hiểu được, chứ còn dùng hay thử “nhiều người” là thế nào? Ở Nam Kỳ thời đó, có lẽ chỉ có thể hiểu là dùng sức người để khiêng kiệu, hay khiêng võng. Và chữ “người” trên đây chỉ có thể được hiểu rằng tác giả muốn nói đến việc đã dùng kiệu hay võng như một phương tiện di chuyển. Nhưng nếu như chỉ dùng kiệu và võng (người) hoặc dùng ngựa, cả hai phương tiện di chuyển này đều rất vô lý cho một người như ông Petrus Ký vào thời gian đó ở Nam Kỳ. Vì cả hai đều là những phương tiện chỉ dành cho những người sang trọng, uy quyền hay có nhiều tiền của thời đó.

Cần nhớ rằng Petrus Ký lúc đó chỉ là một thanh niên 21 tuổi mới chân ướt chân ráo từ Penang, Mã Lai trở về Nam Kỳ. Ông đang làm phụ tá dạy học cho linh mục Borelle thì bị quân nhà Nguyễn bố ráp, phải bỏ trốn lên Sài Gòn. Tiền đâu mà mướn người khiêng kiệu khiêng võng? Tiền đâu mà mua hay mướn ngựa? Mà phần chắc là ông làm gì biết cỡi ngựa! Hãy thử tưởng tượng ra cảnh cậu thư sinh Petrus Ký áo dài khăn đóng lượt thượt leo lên lưng ngựa! Đó là chưa nói rằng không phải chỉ dùng một mà là nhiều con ngựa, theo lá thư Petrus Key!

Do đó, việc tác giả Petrus Key cho biết đã dùng, hay “thử” nhiều người và ngựa, là một điều cực kỳ vô lý, vì đơn giản là Petrus Ký không thể có điều kiện để di chuyển theo những kiểu đó.

Kế đến, câu văn trên càng tỏ ra vô lý hơn vì nó cho thấy tác giả Petrus Key đã dùng đường bộ để đi đến gặp Grand Chef.

Đó là vì trước nhất, đường bộ gần như không có để đi từ Cái Nhum lên Sài Gòn vào thế kỷ 19, trong khi đường thủy bằng ghe thuyền trên sông rạch mới là phương tiện di chuyển duy nhất ở miền Tây Nam Kỳ.

Thứ hai, dùng đường thủy thì dễ dàng trốn tránh tai mắt của quân Nguyễn hơn là phi ngựa hay mướn người khiêng kiệu khiêng võng đi nghênh ngang trên đường lộ.

Một sử gia sống ở Nam Kỳ, ông Alfred Schreiner, đã miêu tả thực trạng giao thông ở Nam Kỳ vào thời gian đó (khi phê phán Nguyễn Tri Phương đã sai lầm khi chọn khu vực Phú Thọ để xây chiến luỹ Chí Hòa), như sau:

“… Les vraies routes étaient et sont encore aujourd’hui: pour Mỷ-Tho et Phnom-Penh, le fleuve,

sans compter le réseau des rạch et canaux; pour Hue, la mer. Les troupes impériales n’ont jamais suivi d’autre chemin, sauf durant la révolte de Khôi, où Minh-Mang, tout en se servant de la voie maritime, achemina une partie de ses troupes par la route mandarine. Non, cet ouvrage ne commandait rien, n’avait aucune importance stratégique; par contre, il avait un but tactique bien déterminé et très visible. Les Français étaient à Saigon-Chợ-Lớn, il fallait les en déloger sinon leur offrir la bataille dans des conditions de bonne chance et aussi de possibilité de retraite. Cette retraite ne devant s’opérer que vers le Nord, soit dans la direction de Thuận-Kiều, Trảng-Bàng. A Thuận-Kiều (environ 5 kilom. du camp) se trouvaient d’ailleurs les grands magasins de l’armée, la meilleure indication sur la ligue de retraite. Celle-ci ne pouvait viser directement ni Biên-Hòa, avec la rivière de Saigon et le Đồng-Nai à traverser, ni Mỷ-Tho, avec les deux Vaico à franchir. En présence de cette situation, Nguyen-Tri-Phuong fit travailler et manoeuvrer dans le sens du délogement, il n’y réussit point et dut subir la balaille qu’il perdit, comme nous verrons plus loin.”[50] (những chỗ in đậm do người viết nhấn mạnh)

Người dịch sách của ông Schreiner ra tiếng Việt, ông Nguyễn Văn Nhàn, đã dịch đoạn văn trên như sau:

“ … Đường thật trong khi ấy cùng lúc này nữa: đi xuống Mỷ-Tho và lên Nam-Vang, thì là sông, không kể tới đám kinh rạch; còn ra Huế, thời là biển, binh nhà vương thuở trước không có theo đàng nào khác, trừ ra trong lúc ngụy Khôi, khi đức vua Minh-Mạng dùng đàng thuỷ, thì người có sai một phần binh đi theo quan lộ đặng vào mà thôi. Không, đồn ấy chẳng quản suất sự chi hết, nó không có một điều ích lợi nào về phép thau lược, song nó có một ý chỉ về đồ trận đã quyết định cùng minh kiến lắm. Là phải đánh đuổi người langsa ở tại Sài-Gòn với Chợ-Lớn đi, bằng chẳng thì khiêu chiến cách làm sao cho may mắng cũng hồi cho quân được. Sự binh có lui đặng và phải thối về như vậy, thời là qua phía Bắc mà thôi, nghĩa là hướng Thuận-Kiều, Trảng Bàng. Vã chăng, tại Thuận-Kiều (cách trại binh chừng 5 ngàn thước tây) có nhiều kho lẩm lớn của đại binh, đó là dấu chỉ rỏ hơn hết nơi đường binh rút . Đường này không băng ngay Biên-Hoà đặng, vì phải trẩy qua hai sông Sài-Gòn với Đồng-Nai, hay là nhắm thẳng xuống Mỷ-Tho được, bởi bị hai Sông Vàm Cỏ phải vượt qua. Gặp gỡ thì sự như vậy, nên ông Nguyễn Tri Phương dạy đào hào đắp lủy cùng hành quân theo cách thế đuổi binh langsa ra khỏi chổ đóng, song người làm không nên việc và phải chịu đánh thua đi,như chúng ta sẽ thấy sau này.”[51] (những chỗ in đậm do người viết nhấn mạnh)

Như vậy, trong đoạn văn trên, ông Schreiner đã cho ta biết cách di chuyển tại Nam Kỳ của thời đó (1859-1861), và ngay cả trong thời gian ông ta viết cuốn sách trên, vào năm 1905-1906: Để đến Sài Gòn từ miền Tây (Mỹ Tho), phương tiện duy nhất là đường thủy, vì phải vượt qua hai con sông Vàm Cỏ.

Và nên nhớ là ông Petrus Ký lúc đó đang ở Cái Nhum thuộc Vĩnh Long ngày nay. Để lên được Sài Gòn, ông còn phải vượt qua hai con sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông thuộc sông Tiền (Giang) mới đến được Mỹ Tho. Tức là ông phải vượt qua cả thảy 4 con sông lớn. Đó là chưa kể đến rất nhiều kinh rạch, vì lúc đó chưa có cầu như ngày nay, để tới Sài Gòn.

Trong khi đó, tác giả Petrus Key lại cho ta biết trong thư là ông đã dùng đường bộ, và đã thử “nhiều người và nhiều ngựa” để tìm đến Grand Chef. Làm cách nào để người và ngựa vượt qua 4 con sông nói trên và vô số kinh rạch khác để đến Sài Gòn, là nơi “Grand Chef” đang đóng quân?

Theo Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí, thì nhà Nguyễn đã có làm con đường thiên lý với ngựa trạm từ Huế tới Sài Gòn, và từ Sài Gòn tới Mỹ Tho. Nhưng từ Sài Gòn trở xuống thì đường trạm trên sông là chính, đường trạm trên bộ là phụ. Và từ Mỹ Tho trở xuống miền Tây thì không có đường trạm trên bộ mà chỉ có trên sông![52]

Và đường thiên lý cho ngựa trạm thì đương nhiên phải có quân binh canh gác ở các trạṃ. Nếu theo như trong lá thư Petrus Key, ở các ngã tư đường, quan quân nhà Nguyễn đã đặt thánh giá để bắt giáo dân, thì chắc chắn đường thiên lý cũng phải có rất nhiều trạm gác như vậy. Một kẻ trốn tránh quan binh như Petrus Ký chẳng lẽ lại liều lĩnh phóng ngựa hay mướn người khiêng kiệu khiêng võng ngay trên đường thiên lý để dễ bị bắt?

Do đó, câu văn trên đây là một câu văn cực kỳ vô lý với tình hình Nam Kỳ, và với hoàn cảnh một giáo dân đang trốn chạy quan quân nhà Nguyễn lúc đó như ông Petrus Ký. Và vì có lẽ tác giả lá thư Petrus Key đã không biết đến hoàn cảnh trốn chui trốn nhủi từ Cái Nhum lên Sài Gòn tị nạn của ông Petrus Ký, nên đã thuật lại trong thư là ông ta đã đi ngựa, dùng người, thay ngựa, thay người, đi đàng hoàng trên đường bộ, và vượt qua những núi non, thung lũng trên đường đi tìm Grand Chef. Điều này chứng tỏ rằng tác giả lá thư Petrus Key không biết gì về địa lý Nam Kỳ cũng như thực trạng của người giáo dân Nam Kỳ lúc bấy giờ. Trong khi đó, ông Petrus Ký, một giáo dân người Việt sinh ra ở miền Tây Nam Kỳ, thuộc nhóm người chuyên đi lại bằng đường thủy trên sông rạch, lẽ nào lại có thể viết ra một câu văn cực kỳ vô lý như vậy?

Và một điều thú vị liên quan đến câu văn trên đây là cách ông Nguyên Vũ cũng thấy được sự vô lý của nó. Nhưng ông ta lại đem câu văn này ra để cười chế nhạo Petrus Ký, mà không hề nghĩ hay đặt trường hợp rằng lá thư này vốn không thể được viết bởi Petrus Ký!

Đây là đoạn ông Nguyên Vũ viết về câu văn trên, trong phần mở đầu tập tâm bút Góp Phần Nghiên Cứu Về Trương Vĩnh Ký – Ngàn Năm Soi Mặt:

“Ðọc tài liệu trường Collège général de Pinang (Ðại chủng viện Pinang) mới rõ chương trình huấn luyện các thầy kẻ giảng bản xứ và đại cương về các chủng sinh. (Nên không thể không đặt câu hỏi Petrus Key tốt nghiệp trường Pinang chưa mà không được thụ phong linh mục hay thầy kẻ giảng ở Pinang, đã phải vội vã “cưỡi ngựa”, vượt sông vượt biển về Cái Nhum chờ đón những sứ giả “Moises và Jacobs” mà “Thiên chúa” gửi sang “giải phóng” giáo dân Việt năm 1858?…”[53]

Với đoạn văn trên đây, có thể thấy rằng theo ý ông Nguyên Vũ thì lá thư Petrus Key đã được Petrus Ký viết ở Cái Nhum, sau khi đã “cưỡi ngựa” “vượt sông vượt biển” từ Mã Lai (Penang) về Cái Nhum! Và cái hành trình tìm gặp Grand Chef và phải “đổi ngựa và người” mà ông Nguyên Vũ cho đăng trong bản dịch của ông đó, chính là cuộc hành trình từ Penang về Cái Nhum!

Từ đó, ông Nguyên Vũ đã cười vì cho rằng Petrus Ký đã viết một câu rất ngu xuẩn như thế trong lá thư Petrus Key. Mà ông lại không hề nghĩ rằng đó chính là lý do cho thấy Petrus Ký không phải là tác giả lá thư, vì Petrus Ký không thể viết ra một câu như vậy. Nhưng, vì đã quả quyết rằng Petrus Ký chính là tác giả lá thư Petrus Key, ông Nguyên Vũ đã không thể nào thấy được điểm đó.

Tóm lại, câu văn “dùng nhiều người và nhiều ngựa” trên đây trong lá thư Petrus Key, vốn tự nó đã vô lý, lại càng vô lý gấp mấy lần nữa, với lối dịch và cách diễn giải của ông Nguyên Vũ. Nhưng, mặc dù với một sự vô lý tràn trề như trên, ông Nguyên Vũ vẫn không hề đặt câu hỏi rằng có thể nào một người Việt ở Nam Kỳ lại có thể viết ra được một câu như vậy.

Và thay vì đặt câu hỏi rằng phải chăng lá thư này do một người ngoại quốc viết, thì ông Nguyên Vũ lại quả quyết là do Petrus Ký viết. Rồi khi thấy vô lý quá thì một là đổi câu dịch, biến thung lũng thành bình nguyên, hai là quay ra cười chế nhạo Petrus Ký đã ngu xuẩn viết rằng đã “cưỡi ngựa”, “vượt sông vượt biển” từ Penang về Cái Nhum!

 

C. Những Hình Ảnh Tây Phương Trong Thư: Thung Lũng, Núi Non, Đàn Sói, Bầy Cừu, Ghềnh Đá, Vực Thẳm

Trong chương V bên trên, người viết đã trình bày việc ông Nguyên Vũ thay đổi “thung lũng” thành “bình nguyên” khi dịch lá thư Petrus Key. Đó có lẽ là vì ông Nguyên Vũ cũng thấy ra sự vô lý là miền Tây Nam Kỳ không làm gì có “thung lũng”, cũng như chẳng có những ngọn núi nào như tác giả Petrus Key đã viết trong thư.

Nhưng điều sai lầm này chỉ vô lý nếu tác giả là một người Việt ở Nam Kỳ như Petrus Ký. Điều vô lý này sẽ không còn nữa, nếu ta đặt giả thuyết rằng tác giả lá thư là một người Âu Châu.

Vì nếu đọc kỹ, ta sẽ thấy rằng trong lá thư Petrus Key có rất nhiều hình ảnh Tây Phương, trong khi hầu như không có những hình ảnh Việt Nam hay Á Châu.

Trước nhất, tác giả lá thư Petrus Key có vẻ rất quen thuộc với một loài thú là chó sói. Trong thư, tác giả hai lần nhắc đến chó sói như sau:

“Car nous sommes en ce moment comme des brebis au milieu des loups rapaces …”

“Vì chúng tôi trong giờ phút này giống như bầy cừu giữa đàn sói đói

“Devant nous, le précipice, derrière, les loups!

“Trước mặt chúng tôi, ghềnh đá (trên vực thẳm), sau lưng, đàn sói!”

Với những dòng trên, tác giả lá thư Petrus Key đã dùng nghệ thuật parallelism trong văn chương để đối chọi những hình ảnh một cách điêu luyện: bầy cừu và đàn sói, ghềnh đá và đàn sói.

Nhưng những hình ảnh này không có một chút gì là … Việt Nam, hay thậm chí là Á Châu. Mà đó là hình ảnh của Âu Châu với bầy cừu, với đàn sói, với ghềnh đá cheo leo trước vực thẳm, và đàn sói đói rượt theo sau lưng. Trong khi đó, ở miền Tây thuộc xứ Nam Kỳ của ông Petrus Ký, không có “đàn sói”, không có “bầy cừu”, cũng như không có ghềnh đá cheo leo trước vực thẳm (précipice), mà chỉ có cọp, có cá sấu, có sông rạch, có ao hồ.

Đã đành rằng trong lúc viết thì tác giả có thể dùng trí tưởng tượng hoặc dùng những gì đã được đọc trong sách vở ra áp dụng vào câu văn. Nhưng có thể nào chỉ dùng trí tưởng tượng mà không dùng thực tế hay chăng? Tại sao tác giả lá thư Petrus Key, nếu là một người Nam Kỳ như ông Petrus Ký, lại không nói đến cọp, đến cá sấu, mà lại dùng hình ảnh chó sói? Tại sao không nói về sông rạch, ao hồ, mà lại dùng ghềnh đá, vực thẳm, là những thứ không có ở Nam Kỳ?

Phải nói rằng việc tác giả lá thư Petrus Key đem những hình ảnh Tây Phương xa lạ trên vào trong thư không phải là một điều mà tự nó hoàn toàn vô lý, như những chi tiết về “thành” Tham Lương, về việc dùng “người và ngựa”, hay về “núi và thung lũng”, như đã nói trên. Nhưng khi cộng điều này với những chi tiết kia, ta không thể không đặt câu hỏi rằng phải chăng tác giả lá thư Petrus Key không phải là người Việt, nhất là một người ở Nam Kỳ như Petrus Ký? Điều này sẽ được thể hiện rõ ràng hơn khi ta đọc một lá thư thật sự được viết bởi Petrus Ký, nơi mà những hình ảnh Nam Kỳ hiện ra rõ rệt trong từng câu văn.

Tóm lại, trong chương VI, nội dung lá thư Petrus Key cho thấy tự nó có rất nhiều điểm vô lý, nếu tác giả lá thư là một người Nam Kỳ như Petrus Ký. Trước nhất, lá thư nói đến một cái “thành” hay “citadelle” mới xây ở gần cầu Tham Lương tại Sài Gòn, trong khi cả Sài Gòn lúc đó chẳng còn cái thành nào, vì thành Gia Định đã bị đốt ngay trước đó. Kế đến, lá thư Petrus Key cho biết tác giả đã dùng đường bộ, và chi tiết hơn, bằng “ngựa và người”, để đi tìm gặp Grand Chef. Trong khi đó, xứ Nam Kỳ, nhất là từ miền Tây lên Sài Gòn, chỉ có đường sông rạch là phương tiện di chuyển chính yếu. Sau cùng, lá thư Petrus Key đưa ra những hình ảnh giống với Âu Châu hơn là những hình ảnh của xứ Nam Kỳ, với những đàn sói, bầy cừu, ghềnh đá trên vực thẳm.

Do đó, những điểm bất hợp lý nổi bật nói trên đã cho thấy rằng tác giả lá thư Petrus Key không thể nào là một người Nam Kỳ chính gốc như ông Petrus Ký.


[48] https://en.wikipedia.org/wiki/Historical_method

[49] Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ Nhất Kỷ, Quyển 1, trang 188. “Người Thanh” ở đây chỉ người Hoa, để phân biệt với “Hán nhân” chỉ người Việt. Đoạn sử trên đây nói về việc nhà Tây Sơn tàn sát người Hoa ở Gia Định. Xem thêm chi tiết về cầu Tham Lương ở đây: http://www.baomoi.com/qua-cau-tham-luong-nho-ve-nhung-tran-chien-vang-lung/c/21915798.epi

[50] Alfred Schreiner, Abrégé de l’histoire d’Annam, Deuxième Édition, Saigon, 1906, pp. 150-151

[51] Alfred Schreiner, Ibid, Người Dịch Nguyễn Văn Nhàn, Đại Nam Quốc Lược Sử, Saigon 1905, pp. 257-258

[52] Lê Quang Định, Hoàng Việt Nhất Thống Dư ĐỊa Chí, Người Dịch Phan Đăng, Nhà Xuất Bản Thuận Hóa 2003, Quyển Hai, pp. 88-106

[53] Đây là phần trích từ “Lời Tác Giả (L.T.G.) ở đầu bài viết, http://nhandanvietnam.org/view.php?storyid=872