Chương V.
Những Sai Lầm Trong Bản Dịch Lá Thư Petrus Key Của Ông Nguyên Vũ
Sau khi có được bản chính lá thư Petrus Key, người viết đã đọc kỹ và tự dịch để so sánh với bản “lược dịch” của ông Nguyên Vũ, và để xem bản dịch của ông Nguyên Vũ có đúng với nguyên văn bằng tiếng Pháp hay không.
Như đã nói trên, ông Nguyên Vũ, với tên thật Vũ Ngự Chiêu, đã “công bố” một bản dịch của lá thư Petrus Key này trong bài viết Vài Tài Liệu Mới Về Petrus Key đăng trên tờ Hợp Lưu, và đã gọi bản dịch này là “lược dịch”. Tuy vậy, ông Nguyên Vũ không cho biết rõ ràng rằng chính ông là người dịch hay một người nào khác đã dịch lá thư. Trước đó, ông cho ta biết một “thân hữu” của ông, Luật Sư Trần Thanh Hiệp, đã “tóm lược nội dung thư”. Ông cũng cho ta biết ông Trần Thanh Hiệp đã từng nhận xét rằng “văn chương trong thư tầm thường, tư tưởng hời hợt, nông cạn.” Do đó, không biết rằng có phải ông Trần Thanh Hiệp đã dịch trọn, hay chỉ góp phần, dịch lá thư Petrus Key do ông Nguyên Vũ công bố.
Nhưng vì ông Nguyên Vũ đã cho đăng bản dịch này trong bài viết của ông và không cho biết ai là tác giả, người viết nghĩ rằng kết luận hữu lý nhất là chính ông Nguyên Vũ đã dịch lá thư với bản “lược dịch” nói trên. Hay nói cách khác, ông Nguyên Vũ chính là người phải chịu trách nhiệm cho bản “lược dịch” này, vì nó xuất hiện trong bài viết do ông ký tên.
Cần chú ý rằng ông Nguyên Vũ gọi bản dịch này là “lược dịch”, có nghĩa là dịch những ý chính và bỏ qua những chi tiết. Nhưng thật ra, bản dịch đó lại chính là một bản dịch toàn bộ lá thư. Thậm chí, có thể nói rằng ông Nguyên Vũ còn thêm vào những dòng không có trong nguyên văn lá thư Petrus Key, như ta sẽ thấy sau đây!
Như vậy, trong chương V này, người viết sẽ xin trình bày với các bạn đọc những câu dịch sai lạc của ông Nguyên Vũ, cũng như cho thấy những câu dịch sai đó đã làm thay đổi nội dung lá thư Petrus Key như thế nào.
A. ”Kẻ Thù Của Chúng Ta”
Ba lần trong bản dịch lá thư Petrus Key của ông ta, sử gia Nguyên Vũ – Vũ Ngự Chiêu đã dịch, hay nói đúng hơn, đã sửa, nguyên văn trong thư là “kẻ thù của chúng tôi” hay “kẻ thù của các ông” thành ra “kẻ thù của chúng ta”, như sau:
- Lần Đầu
Nguyên văn trong thư: “Mais je viens comme le champion de tous les Chrétiens vous offrir nos supplications; je viens vous raconter tous les maux que la cruelle tyrannie des mandarins nous fait subir, car vous êtes les vengeurs de notre liberté, vous êtes les envoyés de Dieu que, dans sa divine providence, il a choisi pour nous délivrer des mains de nos ennemis, comme jadis il envoya Samson pour venger son peuple, ou Moïse pour délivrer le peuple d’Israël de la prison d’Egypte, ou Josué pour introduire la maison du Jacob dans les champs pacifiques de Chanaan.”
“Nhưng tôi đến như là người biện hộ cho những giáo dân Thiên Chúa Giáo để đưa đến các ngài những lời thỉnh cầu của chúng tôi; tôi đến để kể cho các ngài nghe về những tai ương mà chúng tôi phải trải qua dưới bạo quyền chuyên chế của các quan lại, bởi vì các ngài là những người trả thù cho sự tự do của chúng tôi, các ngài là những sứ thần của Chúa mà, trong ý định thiêng liêng của Người, đã chọn, để mang chúng tôi ra khỏi bàn tay của những kẻ thù của chúng tôi, như trước kia Người đã gởi Sam-sông (Samson) đến để trả thù cho dân tộc của Người, hay Môi-se (Moses) để đưa những người Do Thái ra khỏi ngục tù Ai Cập, hay Gio-Duệ (Joshua) để mang căn nhà của Jacob (tức dân tộc Do Thái) đến những cánh đồng thanh bình ở xứ Chanaan.” (bản dịch của Winston Phan Đào Nguyên)
Trong khi đó, ông Nguyên Vũ lại dịch “nos ennemis” ra thành “kẻ thù chúng ta” như sau:
“Nhưng tôi xin nhân danh người đại diện cho các đạo hữu Ki-tô, dâng lên Ngài những lời than van của chúng tôi; tôi xin kể cho Ngài nghe tất cả nỗi đau khổ và bạo tàn mà chúng tôi phải gánh chịu dưới ách chuyên chế của bọn quan lại, vì quí Ngài là những người báo thù cho sự Tự do cho chúng tôi, vì quí Ngài là sứ thần của Thượng Đế, trong cõi nước Chúa, đã được Chúa lựa chọn để giải cứu chúng tôi khỏi bàn tay của kẻ thù chúng ta, giống như trước đây Chúa đã sai Samson đi rửa hận cho dân tộc ông ta, hay đã sai Moise đến giải phóng dân Israel (Do Thái) khỏi lao tù Egypt (Ai Cập), hay đã phái Joseph đến giới thiệu ngôi nhà của Jacob trong những cánh đồng bình an ở Channan (sic)….”
Sở dĩ người viết trích đăng cả một đoạn như vậy là để cho bạn đọc thấy rằng trong trọn câu văn rất dài bên trên, tác giả lá thư Petrus Key đã phân biệt rõ ràng giữa “chúng tôi” và “các ngài” mấy lần trong câu.
“Chúng tôi” đã được thể hiện từ “những lời thỉnh cầu của chúng tôi” (nos supplications) đến “những tai ương mà chúng tôi phải trải qua” (les maux que … nous fait subir), đến “sự tự do của chúng tôi” (notre liberté), đến “kẻ thù của chúng tôi” (nos ennemis).
Trong khi đó, phía bên kia là “các ngài” (vous), được thể hiện qua “các ngài là những người trả thù” (vous êtes les vengeurs), là “những sứ thần của Chúa” (vous êtes les envoyés de Dieu). Những gì thuộc về “các ngài” rõ ràng khác biệt với những gì thuộc về “chúng tôi”.
Do đó, không có lý do gì mà “kẻ thù của chúng tôi” hay “nos ennemis” trong lá thư Petrus Key lại có thể được dịch thành “kẻ thù của chúng ta”, ngoài một dụng ý là đồng hóa người viết thư và người nhận thư. Hay nói cách khác, để cho thấy ý muốn được ở cùng phe với người nhận thư của người viết thư.
Như vậy, cách dịch này của ông Nguyên Vũ, một cách rất tự nhiên, đã biến người viết thư (Petrus Key) thành một kẻ rõ ràng muốn cùng một phe với đội quân xâm lược Pháp.
- Lần Nhì
Nguyên văn trong thư:
“Nous sommes tous menacés de la mort, si vous ne chassez bientôt nos ennemis. Telle est la vie précaire que nous menons; notre esprit flotte incertain; la crainte et l’anxiété nous désagrègent et nous dissolvent.”
“Chúng tôi đang bị đe dọa với cái chết, nếu các ngài không sớm đuổi sạch những kẻ thù của chúng tôi. Đó là cuộc đời hiểm nghèo mà chúng tôi đang sống; tinh thần của chúng tôi trôi nổi vô định, sự sợ hãi và lo lắng làm phân hủy và tan rã chúng tôi.” (bản dịch của Winston Phan Đào Nguyên). Và ông Nguyên Vũ lại dịch ra như sau:
“Tất cả chúng tôi chắc sẽ chịu chết nếu Ngài không kịp đánh đuổi kẻ thù của chúng ta. Đây là tình trạng khốn khổ mà chúng tôi đang sống; tinh thần chúng tôi trôi nổi bấp bênh; mối sợ hãi và lo lắng làm héo mòn và tiêu tán dần con người của chúng tôi.” Trong trọn câu văn trên đây, có thể thấy rằng tác giả lá thư Petrus Key đã chỉ nói về những gì của “chúng tôi” mà thôi. Tác giả miêu tả sự khổ sở mà ông ta và những người An Nam đồng đạo đang trãi qua, và do đó đã kêu gọi người nhận thư hãy đánh đuổi những kẻ thù của ông ta và những người đồng đạo của ông ta. Chứ tác giả không bao giờ nói rằng kẻ thù của ông ta và kẻ thù của người nhận thư là một, như ông Nguyên Vũ đã dịch.
Nhưng cách dịch như trên của ông Nguyên Vũ, một lần nữa, đã biến người viết thư (Petrus Key) thành một kẻ muốn cùng phe với đội quân xâm lược Pháp. Mặc dù đó hoàn toàn không phải là ý muốn của tác giả lá thư Petrus Key. 3. Lần Ba
Nguyên văn trong thư: “Une armée innombrable vous entoure, il est vrai: mais vous la mettrez en fuite sans difficulté; car la peur s’est emparée de vos ennemis et les tient sous son joug.”
“Một quân đội rất đông đang bao vây các ngài, điều đó là thật; nhưng các ngài sẽ làm cho chúng bỏ chạy không khó khăn; bởi sự sợ hãi đã chiếm ngự những kẻ thù của các ngài và đè chúng xuống dưới ách nặng của nó.” (bản dịch của Winston Phan Đào Nguyên).
Câu này lại được ông Nguyên Vũ dịch như sau:
“Rất đông [quân địch] đang bao vây Ngài, nhưng Ngài sẽ chế ngự được họ không mấy khó khăn. Vì sự sợ hãi đã xâm chiếm kẻ thù của chúng ta và làm cho họ không dám đến gần.”
Khác với hai câu trên, trong câu này tác giả lá thư Petrus Key lại chỉ đang nói về “các ngài” (vous) và “của các ngài” (vos). Không có một nơi nào trong câu trên nói tới “tôi” hay “chúng tôi” cả.
Thế nhưng ông Nguyên Vũ vẫn thoải mái dịch “vos ennemis” trong câu trên thành ra “kẻ thù của chúng ta”. Nghĩa là ông đã dịch rất sai, từ “của các ngài” thành ra “của chúng ta”.
Và một lần nữa, với lối dịch như trên, ông Nguyên Vũ đã tạo cho người đọc có cảm giác là tác giả lá thư Petrus Key đang xun xoe muốn trở thành cùng một phe với người nhận thư. Nhưng đó lại không phải là những gì tác giả lá thư Petrus Key viết.
Tóm lại, không phải chỉ là một mà đến ba lần, ông Nguyên Vũ đã dịch sai lá thư Petrus Key, để biến kẻ thù “của chúng tôi” hay “của các ngài” thành kẻ thù “của chúng ta”. Nếu chỉ sai một lần, thì có thể cho rằng đó là một lỗi lầm “kỹ thuật” (hay lỗi đánh máy), nhưng nếu dịch sai tới ba lần và đều giống nhau như vậy, thì ta phải đặt câu hỏi về ý đồ của người dịch.
Và có thể thấy khá rõ ràng: đó là ý muốn biến hóa tác giả lá thư Petrus Key thành một người cầu cạnh, muốn vào chung phe với quân xâm lược Pháp. Trong khi thật sự thì tác giả lá thư Petrus Key chỉ cầu xin quân Pháp đến giải cứu ông ta và các giáo dân ra khỏi tay của quan quân nhà Nguyễn mà thôi.
Nhưng có lẽ vì đã trước sau như một khẳng định rằng tác giả lá thư Petrus Key chính là Petrus Ký, và vì đã cho rằng Petrus Ký đã tích cực “góp phần” cho cuộc xâm lăng của Pháp, nên ông Nguyên Vũ đã dịch sai như trên.
Và như đã nói, nếu không có nguyên văn bản chính lá thư Petrus Key, mà chỉ dùng bản dịch của ông Nguyên Vũ cung cấp thôi, thì người đọc không có cách nào thấy được những chỗ dịch sai nói trên.
B. “Đồi Núi Và Bình Nguyên”
Nguyên văn trong lá thư Petrus Key như sau:
“En vain, j’ai essayé de franchir les forêts, les champs, les montagnes, les vallées pour aller à vous, déjà même il m’est difficile de revenir sur mes pas.”
“Trong vô vọng, tôi đã thử vượt qua những khu rừng, những cánh đồng, những ngọn núi, những thung lũng để đến với các ngài, và giờ thì đã rất khó khăn để tôi trở lại chốn cũ.” (bản dịch của Winston Phan Đào Nguyên).
Nhưng ông Nguyên Vũ đã dịch câu trên một cách rất sáng tạo, thành ra:
“Tôi đã cố gắng vượt qua rừng rậm, đồng ruộng, đồi núi và bình nguyên để đến với Ngài, dù khó khăn cách nào đi nữa chẳng quản ngại, mà cũng không được.”
Như ta có thể thấy, nguyên văn của câu trên là “les forêts, les champs, les montagnes, les vallées”, tức là “những khu rừng, những cánh đồng, những ngọn núi, những thung lũng”.
Nhưng trong bản dịch của ông Nguyên Vũ, dịch giả đã phù phép biến hoá “les vallées” hay “những thung lũng” thành …. “bình nguyên”!, và cho “les montagnes” hay “những ngọn núi” thành “đồi núi”!
Với một người đọc không có bản chính tiếng Pháp của lá thư Petrus Key trong tay, khi mới đọc câu dịch này của ông Nguyên Vũ thì sẽ thấy rất có lý, hay ít ra nghe cũng rất thuận tai! Và vì ông Nguyên Vũ chưa bao giờ tiết lộ những dòng nguyên văn như trên trong bao nhiêu năm qua, nên có lẽ chưa có ai có thắc mắc gì về câu dịch trên đây.
Nhưng khi người viết bài này đọc nguyên văn bằng tiếng Pháp và tự dịch lá thư Petrus Key thì cảm thấy sao hơi … khác với bản dịch của ông Nguyên Vũ! Và khi so lại thì thấy rõ ràng là ông Nguyên Vũ đã dịch “les vallées” thành “bình nguyên” và “les montagnes” thành “đồi núi”, như đã nói trên.
Theo tiểu sử trên mạng, ông Nguyên Vũ hay “Lưỡng Khoa Tiến Sĩ Vũ Ngự Chiêu” có văn bằng tiến sĩ sử học từ một trường công danh tiếng ở Mỹ là University of Wisconsin – Madison.[42] Chắc chắn là ông phải rất giỏi tiếng Anh để viết luận án (PhD dissertation) và bảo vệ trước hội đồng giáo sư. Ông lại chuyên về sử Việt Nam thời Pháp Thuộc, và từng được cấp học bổng sang Pháp để tìm tài liệu trong văn khố Pháp. Với một sử gia chuyên nghiệp, một trong những điều kiện tối thiểu được đòi hỏi là phải biết thứ tiếng của những văn kiện mà mình đang dùng.
Nếu như không biết hoặc biết không rành, thì ít ra cũng phải tìm mọi cách để xác định là bản dịch của văn kiện trung thực với nguyên văn.
Vậy, không có lý do gì mà ông Nguyên Vũ không biết rằng “les vallées” là “the valleys” tức là “những thung lũng” chứ không phải là “bình nguyên”. Và “les montagnes” là “những ngọn núi” chứ không phải “đồi núi”, như ông Nguyên Vũ đã dịch trong lá thư Petrus Key. Cho nên, rõ ràng là ông đã cố tình dịch ra như vậy, chứ không phải vì ông không biết tiếng Pháp!
Và cũng rất rõ ràng rằng đây không phải là một “lỗi kỹ thuật” do đánh máy thiếu, hay đánh máy sai, bởi hai chữ “bình nguyên” và “thung lũng” khác nhau rất xa. Đây chỉ có thể là một sự cố tình dịch sai lá thư Petrus Key.
Người viết bài này xin mạo muội đoán lý do tại sao “những thung lũng” lại được biến ra thành “bình nguyên”, và “những ngọn núi” thành “đồi núi”, dưới ngòi bút của nhà văn Nguyên Vũ tức sử gia Vũ Ngự Chiêu. Đó là vì nếu phải dịch cho trung thực nguyên văn thì sẽ bày ra sự vô lý cùng cực của lá thư Petrus Key, lá thư mà ông Nguyên Vũ đã kết luận là do Petrus Ký, một người Nam Kỳ, viết.
Bởi bất cứ ai đã từng ở miền Nam đều thấy ngay sự vô lý của câu trên. Miền Nam là vùng đồng bằng, nhất là miền Tây toàn sông rạch chằng chịt. Lấy đâu ra “những ngọn núi”, và lấy đâu ra “những thung lũng” như trong nguyên văn lá thư?
Nếu như có vài cái có thể tạm gọi là “núi”, như Thất Sơn hay Bà Đen, thì chúng lại toàn nằm gần biên giới Miên Việt, chứ chẳng hề có cái nào trên đường từ Cái Nhum lên Sài Gòn. Và đương nhiên là chẳng hề có cái nào trên đường biển từ Penang về Cái Nhum!
Còn “thung lũng” thì mới thật là ác! Miền Tây Nam Kỳ, nếu có chỗ nào trũng, thì đã ngập nước thành bàu thành ao, lấy đâu ra “những thung lũng”, cho hợp với câu văn nói trên của Petrus Key!
Nhưng nếu tác giả lá thư Petrus Key là ông Petrus Ký như ông Nguyên Vũ cả quyết, thì chẳng lẽ ông Petrus Ký lại điên đến mức không biết xứ mình chẳng có núi non hay thung lũng, để viết ra một câu trật lất như vậy!
Và có lẽ vì lý do đó, nên nhà văn Nguyên Vũ tức sử gia Vũ Ngự Chiêu đã lấp các thung lũng cho chúng thành “bình nguyên”, và cắt bớt vài ngọn núi cho thành “đồi núi” (đồi thấp nên nghe có vẻ hợp lý hơn là núi) cho khỏi sai với địa lý xứ Nam Kỳ.
Như đã nói trên, nếu chẳng có nguyên văn lá thư Petrus Key, thì câu dịch của ông Nguyên Vũ khi đọc nghe cũng khá lọt tai. Nhưng nếu đã có trong tay lá thư Petrus Key thì sẽ thấy ngay sự phù phép trong việc dịch thuật để cắt bớt chiều cao của những ngọn núi cho thành “đồi núi” và lấp đầy những thung lũng cho thành “bình nguyên”, của ông Nguyên Vũ.
Và thật ra chẳng phải chỉ mình ông Nguyên Vũ thấy ra sự vô lý này trong lá thư Petrus Key để phải đi đến việc dịch sai nguyên văn. Cũng thú vị không kém, là chính đoạn văn trên đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trích đăng trong bài viết “Xuất Và Xử Trong Cuộc Đời Chính Trị của Trương Vĩnh Ký”, trong cuốn “Nam Bộ Với Triều Nguyễn Và Huế Xưa”[43] của ông ta, như sau:
“Trương Vĩnh Ký báo cho Jauréguiberry biết ông đã hết sức nỗ lực mà không gặp được vị cứu tinh của ông: ‘Thực uổng công của chúng tôi đã vượt qua những rừng rậm, núi đồi để tìm đến Ngài mà không được. Bây giờ thì khó mà tiếp tục, nên đành phải chờ đợi các vũ khí vô địch của Ngài… (En vain, J’ai essayé de franchir les forêts, les champs, les montagnes, les valler (sic) pour aller à vous; dejà même il m’est difficile de… mes pas. J’attents donc ici que vos armes invincibles…)’”[44]
Không biết do đâu mà ông Nguyễn Đắc Xuân có được nguyên văn của đoạn văn trên, vì ông không hề cho ta biết. Nhưng có thể thấy rằng ông Nguyễn Đắc Xuân mặc dù viết sai chữ vallées thành “valler”, ít ra cũng đã có cố gắng trích lại nguyên văn bằng tiếng Pháp của lá thư Petrus Key cho đoạn văn trên.
Chỉ có điều, khi dịch câu này ra tiếng Việt, thì ông Nguyễn Đắc Xuân bèn cắt bén luôn cái “thung lũng”, chớ không thèm sửa ra thành “bình nguyên”, như bản dịch của ông Nguyên Vũ!
Người viết bài này không chắc là ông Nguyễn Đắc Xuân đã dịch đoạn trên đây, vì những câu trong bản dịch này của ông rất giống bản dịch của một người khác, nhưng vì ông không để tên dịch giả trong bài viết của ông, nên có lẽ phải coi như ông chính là dịch giả. Và do đó, có lẽ ông Nguyễn Đắc Xuân cũng chính là người đã cắt bỏ luôn “les vallées” tức những thung lũng, trong câu dịch bên trên.
Điều này cho thấy cả hai người, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và sử gia Nguyên Vũ – Vũ Ngự Chiêu, đúng là … “chí lớn gặp nhau”. Chỉ tội nghiệp cho tác giả lá thư Petrus Key, đã dụng công viết một câu văn rất đẹp đẽ văn hoa, trong đó tác giả liệt kê ra 4 loại địa hình và chia thành hai cặp đối nhau: những khu rừng và những đồng ruộng, những ngọn núi và những thung lũng. Nào ngờ khi (bị) dịch ra tiếng Việt, thì lại có những “nhà nghiên cứu” và “sử gia” vì thấy câu văn trên không đúng với thực tế địa lý Nam Kỳ, nên hoặc là dịch sai ra thành “bình nguyên”, hoặc làm ngơ cắt bỏ luôn, làm lệch lạc đi ý tưởng và nghệ thuật công phu của tác giả!
Nhưng, trở lại với câu văn trên đây, người đọc ắt phải đặt câu hỏi rằng có thể nào một người Nam Kỳ chính cống như Petrus Ký lại có thể đặt bút viết ra một câu như vậy về quê hương của mình? Với ông Nguyên Vũ, thì phần chắc là đã có câu hỏi đó trong quá trình dịch thuật lá thư Petrus Key, và vì vậy, nên “những thung lũng” mới được biến hoá ra thành “bình nguyên”, còn “những ngọn núi” lại trở thành “đồi núi”, như đã nói trên.
Không nói chi đến một “sử gia” chuyên nghiệp, phải chăng đây là việc làm của một “trí thức lương thiện”?
C. “Cấp Chỉ Huy”
Nguyên văn trong lá thư Petrus Key: “J’ai vu des soldats fugitifs et je leur ai ouï dire que dans l’armée Annamite depuis le Centurion jusqu’aux derniers soldats, presque tout le monde dit hautement que, malgré les ordres des mandarins, ils couleront leurs barques au milieu de la rivière et se sauveront à la nage.”
“Tôi đã thấy những người lính đào ngũ và tôi nghe họ nói rằng trong quân đội An Nam từ người Centurion (Bách Phu Trưởng) cho tới những tên lính cuối cùng, gần như tất cả đều nói rõ rằng, mặc cho những mệnh lệnh của các quan lại, họ sẽ đánh chìm những chiếc thuyền của họ giữa sông và bơi đi mất.” (bản dịch của Winston Phan Đào Nguyên).
Và ông Nguyên Vũ dịch là:
“Tôi đã thấy những đám lính đào ngũ, và đã nghe tin đồn rằng trong quân đội, từ cấp chỉ huy đến tên tiểu tốt, hầu hết đều nói rằng mặc dù có lệnh quan, họ neo thuyền giữa giòng sông để nếu cần sẽ lội thoát thân.”
Nhưng Centurion không chỉ đơn thuần là “cấp chỉ huy”, mà đó là tên gọi đặc biệt cho một cấp chỉ huy khoảng 100 người lính của quân đội La Mã.[45] Và tại sao tác giả lá thư Petrus Key dùng từ Centurion này mà không dùng một từ nào khác, thì người viết sẽ trình bày ở Phần 3 khi đi tìm tác giả lá thư Petrus Key. Nhưng ở đây, cần lưu ý rằng ông Nguyên Vũ đã dịch không đúng, và vì vậy, đã làm mất đi chủ ý của tác giả, là dùng một từ đặc biệt để chỉ đến một sĩ quan trong quân đội của đế quốc La Mã, chứ không chỉ đơn giản là một “cấp chỉ huy” mà thôi.
Chức “centurion” này, nếu tạm dịch, thì có thể tương đương với “bách phu trưởng” của quân Mông Cổ. Nhưng thật tình thì không có từ tương đương. Và nếu không dịch được, thì đúng lý nên giữ nguyên văn và chú thích để cho độc giả biết. Đằng này, ông Nguyên Vũ lại dịch rất gọn ra là “cấp chỉ huy”. Và nếu không có trong tay nguyên văn lá thư Petrus Key, thì chẳng ai biết được chữ đó lại là centurion.
D. “Joseph”, Và “Ngôi Nhà Của Jacob”
Nguyên văn trong lá thư Petrus Key:
“… comme jadis il envoya Samson pour venger son peuple, ou Moïse pour délivrer le peuple d’Israël de la prison d’Egypte, ou Josué pour introduire la maison du Jacob dans les champs pacifiques de Chanaan.”
“… như trước kia Người đã gởi Sam-sông (Samson) đến để trả thù cho dân tộc của Người, hay Môi-se (Moses) để đem dân Do Thái ra khỏi ngục tù Ai Cập, hay Gio-Duệ (Joshua) để mang căn nhà của Jacob (tức dân tộc Do Thái) đến những cánh đồng thanh bình ở xứ Chanaan.” (bản dịch của Winston Phan Đào Nguyên).
Ông Nguyên Vũ dịch là:
“giống như trước đây Chúa đã sai Samson đi rửa hận cho dân tộc ông ta, hay đã sai Moise đến giải phóng dân Israel (Do Thái) khỏi lao tù Egypt (Ai Cập), hay đã phái Joseph đến giới thiệu ngôi nhà của Jacob trong những cánh đồng bình an ở Channan (sic) …”
Ông Nguyên Vũ đã dịch sai hai lần trong câu trên.
Trước tiên, ông đã viết sai chữ nguyên văn trong lá thư là “Josué” (tức Joshua hay Gio-Duệ theo tiếng Việt) thành ra Joseph, làm cho câu văn hoàn toàn mất tính chính xác của nguyên văn. Theo nguyên văn, tác giả lá thư Petrus Key đã viết về nhân vật Gio-Duệ ngay sau nhân vật Môi-se trong thư, vì chính Gio-Duệ là người đã tiếp theo Môi-se để dẫn dắt dân Do Thái vào xứ Canaan (Chanaan), là vùng đất hứa của họ, sau khi Môi-se chết. Trong khi đó, ông Nguyên Vũ, có lẽ đã không tìm hiểu về Cựu Ước, nên đã viết bừa cho Josué ra thành Joseph.
Kế tiếp, có lẽ vì không hiểu rằng thuật ngữ “ngôi nhà của Jacob” cũng có nghĩa là “dân Do Thái”, nên ông Nguyên Vũ đã dịch thẳng theo nghĩa đen. Và vì vậy, câu ông dịch, “giới thiệu ngôi nhà của Jacob trong những cánh đồng bình an ở Channan (sic)”, chẳng có ý nghĩa gì cả!
Theo Cựu Ước, Jacob là ông tổ của dân Do Thái. Vì sau này ông có thêm tên khác là Israel, nên thuật ngữ “ngôi nhà của Jacob” (la maison du Jacob), (house of Jacob) thường được dùng để chỉ đến dân tộc Do Thái.[46] Còn nhân vật có tên Joseph thì lại chính là một trong những người con của Jacob. Ông làm quan lớn ở Ai Cập, và đã đem cả gia đình qua Ai Cập để tránh nạn đói. Sau này, Joseph chết ở Ai Cập. Khi Môi-se dẫn người Do Thái thoát khỏi Ai Cập, đã đem xương ông ta theo.[47]
Do đó, có thể thấy rằng tác giả lá thư Petrus Key là một người rất thuộc Thánh Kinh, và đã dẫn chứng rất chính xác trong thư. Trong khi đó, ông Nguyên Vũ, có lẽ vì không hiểu biết về Thánh Kinh, đã viết đại cho Josué thành Joseph, và dịch thẳng “ngôi nhà của Jacob”, mà không có chú thích rằng đó là để chỉ dân Do Thái.
Và rõ ràng là nếu không có nguyên văn lá thư Petrus Key, mà chỉ theo bản “lược dịch” với nhiều sai lầm của ông Nguyên Vũ, thì người đọc chắc chắn không thể nào hiểu được lá thư Petrus Key và tác giả của nó. Bởi những câu văn, những điển tích đầy dụng ý của tác giả đã bị ông Nguyên Vũ dịch sai một cách thảm hại, như đã nêu trên.
E. Thêm Dấu Để Biến “Tham-Luong” Trong Nguyên Văn Lá Thư Thành Ra “Tham Lương” Trong Bản Dịch
Kế đến, ông Nguyên Vũ đã tự tiện thêm dấu cho chữ “Tham-Luong” trong nguyên văn lá thư Petrus Key trở thành “Tham Lương” trong bản dịch của ông, để cho đúng chính tả chữ Quốc Ngữ!
Nguyên văn chữ này trong lá thư Petrus Key như sau: “Hier, des lettres de Mandarins parcouraient les villages, ordonnant d’adjoindre chacun 10 ou 20 hommes aux soldats chargés d’arrêter les Chrétiens; et déjà plusieurs gémissent dans les fers de la citadelle qu’on vient d’élever près du pont Tham-Luong.”
“Ngày hôm qua, những lá thư của các quan lại đã lan đến các làng, lệnh cho mỗi làng phải tăng thêm từ 10 đến 20 người lính chuyên việc bắt các giáo dân; và rất nhiều người đang rên rỉ trong xiềng xích của tòa thành mới được dựng lên gần cầu Tham Luong.”(bản dịch của Winston Phan Đào Nguyên).
Ông Nguyên Vũ đã dịch ra như sau:
“Hôm qua, văn thư của các quan lại lưu truyền khắp các làng mạc, cho lệnh tăng cường thêm từ 10 tới 20 người cho các toán lính chịu trách nhiệm lùng bắt tín đồ của Chúa; và đã có nhiều người đang phải rên xiết dưới gông cùm trong tòa thành mà người ta mới dựng lên gần cầu Tham Lương.”
Xin các bạn đọc lưu ý rằng trong nguyên văn, tác giả lá thư Petrus Key viết rất rõ ràng là “Tham-Luong”, với gạch nối giữa hai chữ và đặc biệt là thiếu hẳn hai dấu râu cho chữ ư và chữ ơ. Thế nhưng, ông Nguyên Vũ đã tự tiện viết lại trong bản dịch của ông là “Tham Lương”, bỏ đi dấu gạch nối, và thêm hai dấu râu cho đúng chính tả Quốc Ngữ!
Có lẽ các bạn đọc sẽ cho là người viết bài này đã quá khó tính khi nói lên điểm này! Thế nhưng, khi đặt câu hỏi rằng có phải tác giả của dòng chữ trên là ông Petrus Ký hay không, thì ta có thể chắc chắn rằng ông Petrus Ký không thể nào viết chữ Quốc Ngữ sai như vậy! Người viết bài này sẽ trở lại với cách viết sai chính tả này trong Phần 3 khi đi tìm tác giả của lá thư. Ở đây, chỉ xin lưu ý các bạn đọc rằng ông Petrus Ký, một trong những người tiên phong dùng chữ Quốc Ngữ, khó có thể là tác giả của những chữ viết sai chính tả một cách ấu trĩ như trên.
Và, có lẽ vì cũng biết như vậy, nên ông Nguyên Vũ đã tự tiện sửa chữ “Tham-Luong” trong nguyên bản thành ra “Tham Lương” trong bản dịch của ông. Nhưng, sửa chữa như vậy là làm sai lạc đi giá trị lịch sử của lá thư.
F. Phóng Đại Những Chi Tiết Trong Lá Thư
Sau cùng, như các bạn đọc có thể thấy qua sự so sánh cả hai bản dịch (của ông Nguyên Vũ và của người viết) với nguyên văn lá thư Petrus Key, ông Nguyên Vũ có khuynh hướng phóng đại những chi tiết trong thư, làm cho người đọc có cảm giác tác giả lá thư là một người nịnh bợ, hèn hạ. Những nơi đó ông Nguyên Vũ dịch không sai nguyên văn, nhưng lại không hoàn toàn trung thực. Người viết xin trình bày những chi tiết đó sau đây:
- “Ngài” và “quí Ngài“
Trong nguyên văn lá thư, tác giả Petrus Key chỉ dùng độc một từ “vous” để xưng hô với những người nhận thư. Chữ vous này trong tiếng Pháp là ngôi thứ hai, có thể là số nhiều hay số ít, dùng để gọi những người không đủ thân mật cho số ít, và dùng cho số nhiều, bất kể thân mật hay không. Trong thư, tác giả Petrus Key đã dùng chữ vous phần lớn để nói đến cả người Grand Chef (Đại Quan) và “officiers” (những sĩ quan) là những người mà ông gởi lá thư đến. Vì vậy, tác giả đã dùng chữ vous cho ngôi thứ hai số nhiều. Và đó là lẽ đương nhiên. Bởi đây là lá thư gởi cho những người không quen biết, và lại là những người có quyền lực mà tác giả lá thư đang cầu xin. Do đó, việc tác giả lá thư Petrus Key gọi những người nhận thư bằng chữ “vous” là một điều hoàn toàn hợp lý.
Nhưng, như vậy thì “vous” không có nghĩa là “Ngài” hay ‘quí Ngài” như ông Nguyên Vũ đã dịch. Theo ý của người viết, chữ vous được dịch ra “các ngài” là vừa đủ sự kính trọng, và vừa tương xứng với “chúng tôi” của tác giả.
Nhưng ông Nguyên Vũ thì lại dùng “Ngài” (số ít, viết hoa) để chỉ một người, và “quí Ngài” (cũng viết hoa) để dịch một chữ “vous” bình thường trong cả lá thư Petrus Key, khiến cho người đọc phải có cảm giác rằng tác giả lá thư là một người nịnh bợ, tâng bốc quá đáng, nhất là với một vị Đại Quan nào đó.
Dịch như vậy là thiếu chính xác, là phóng đại, và tạo ác cảm cho người đọc với người viết lá thư Petrus Key. Nhưng, hình như đó cũng chính là dụng ý của ông Nguyên Vũ!
- “Bụng Dạ”, “Nhai Nuốt”, “Chiếu Nằm”
Trong lá thư Petrus Key, tác giả đã viết một cách rất văn chương như sau:
“Plus de repos du corps, plus de repos d’esprit! Et en effet! L’homme qui voit sans cesse la hache suspendue au dessus de sa tête, peut-il savourer la douceur des mets? L’homme agité par de continuelle frayeur goûter les délices de la campagne.”
“Thân thể không còn phút nghỉ ngơi, tinh thần không còn phút yên tĩnh! Và thật vậy! Một người luôn thấy lưỡi búa treo trên đầu, làm sao có thể thưởng thức được sự ngon ngọt của thức ăn? Một người bực bội bởi nỗi lo sợ triền miên, làm sao có thể hưởng được sự thú vị của chốn đồng quê.” (bản dịch của Winston Phan Đào Nguyên).
Thế nhưng ông Nguyên Vũ lại dịch đoạn trên ra thành:
“Chẳng còn sự nghỉ ngơi thân xác! Chẳng còn được sự an bằng tinh thần! Thật đúng vậy! Bụng dạ đâu mà nhai nuốt, hay cách nào thưởng thức sự êm ái của chiếu nằm khi con người luôn luôn thấy lưỡi gươm đang treo trên đầu họ?”
Như vậy, từ một đoạn văn rất lưu loát hoa mỹ trong nguyên văn lá thư, ông Nguyên Vũ đã dịch ra thành một đoạn diễn tả sự ăn uống, ngủ nghỉ một cách rất … phàm phu tục tử! Không hiểu ông lấy ở đâu ra những thứ như “bụng dạ”, “nhai nuốt”, “chiếu nằm” cho câu dịch bên trên, bởi nguyên văn lá thư Petrus Key chẳng hề có những từ ngữ đó!
Và không hiểu rằng có phải chính vì lối dịch này mà lá thư Petrus Key đã trở thành “hời hợt”, “nông cạn”, “tầm thường” như lời nhận xét của thân hữu của ông Nguyên Vũ là ông Trần Thanh Hiệp hay chăng?
- “Dù Khó Khăn Cách Nào Đi Nữa Chẳng Quản Ngại”
Ở một đoạn đã trích bên trên, có lẽ bạn đọc tinh ý đã nhận ra là ông Nguyên Vũ đã thêm vô bản dịch của ông cả một câu “dù khó khăn cách nào đi nữa chẳng quản ngại”, một câu không hề có trong nguyên văn. Xin trích lại lần nữa đoạn văn đó:
“En vain, j’ai essayé de franchir les forêts, les champs, les montagnes, les vallées pour aller à vous, déjà même il m’est difficile de revenir sur mes pas.”
“Trong vô vọng, tôi đã thử vượt qua những khu rừng, những cánh đồng, những ngọn núi, những thung lũng để đến với các ngài, và giờ thì đã rất khó khăn để tôi trở lại chốn cũ.”(bản dịch của Winston Phan Đào Nguyên).
Trong khi đó, ông Nguyên Vũ dịch thành:
“Tôi đã cố gắng vượt qua rừng rậm, đồng ruộng, đồi núi và bình nguyên để đến với Ngài, dù khó khăn cách nào đi nữa chẳng quản ngại, mà cũng không được.”
Theo nguyên văn lá thư Petrus Key, tác giả cho biết ông ta đã bị kẹt trên con đường đến tìm Grand Chef, và bây giờ thì không thể trở lại chỗ cũ của ông ta ở nữa, nên ông phải cầu xin Grand Chef và các sĩ quan hãy mở một con đường đến chỗ ông ta ở hiện giờ. Trong khi đó ông Nguyên Vũ lại dịch ra là “dù khó khăn cách nào đi nữa chẳng quản ngại”.
Câu văn này rõ ràng không hề có trong nguyên văn lá thư, nhưng lại được thêm vào trong bản dịch, nhằm cho thấy một lần nữa sự nịnh bợ của tác giả lá thư. Phải chăng đây cũng là dụng ý của người dịch?
Tóm lại, với bản dịch lá thư Petrus Key đầy dẫy những sai lạc như trên, ông Nguyên Vũ đã gieo ác cảm cho người đọc với tác giả lá thư, mà ông quả quyết, chứ chưa hề chứng minh được, là Petrus Ký.
Và hình như ông Nguyên Vũ đã khá thành công trong việc này. Bởi, như đã dẫn ra bên trên, nhiều nhà nghiên cứu về Petrus Ký đã chấp nhận, và đã dùng một cách thoải mái những câu dịch của ông, mà không hề có thắc mắc về nguyên văn của nó.
Thế nhưng, cũng nhờ vào những sự cố tình sửa đổi, những sai lạc nói trên trong bản dịch lá thư Petrus Key của ông Nguyên Vũ, mà người đọc có thể nhìn ra ngay những vấn đề nổi bật với nội dung lá thư. Những vấn đề mà ông Nguyên Vũ có vẻ muốn che dấu. Nói cách khác, chính những sự vô lý trong nội dung lá thư Petrus Key cho ta thấy rằng tác giả của nó không thể là một người Việt, và nhất là một người Việt ở miền Tây xứ Nam Kỳ, như ông Petrus Ký.
Trong chương VI tiếp theo sau đây, người viết sẽ trình bày với bạn đọc những điểm vô lý nổi bật đó trong chính nội dung lá thư Petrus Key.
[42] http://www.vietnamvanhien.org/chinhdao.html
[44] Nguyễn Đắc Xuân, Ibid
[45] https://en.wikipedia.org/wiki/Centurion