Chương III.
Tiểu Sử Petrus Ký Và Bối Cảnh Lịch Sử An Nam – Nam Kỳ Trong Giai Đoạn 1859-1861
Petrus Trương Vĩnh Ký sinh ngày 6 tháng 12 năm 1837 tại Cái Mơn, Vĩnh Long, dưới thời Minh Mạng.
Năm 1845, vào tiểu chủng viện Cái Nhum học với linh mục Henri Borelle (tên Việt là Hoà).
Năm 1849, học với linh mục Charles-Émile Bouillevaux (tên Việt là Long) lúc đó mới từ Pháp sang Cái Nhum.
Năm 1850, đi cùng linh mục Bouillevaux sang học tại chủng viện Pinhalu bên Cao Miên.
Năm 1851, được nhận vào học ở đại chủng viện Penang (Poulo Pinang, Pulau Penang) tại Mã Lai.
Năm 1858, vào mùa thu, trở về Cái Mơn vì mẹ ông vừa qua đời. Trong thời gian mấy tháng đầu sau khi trở về, Petrus Ký phụ linh mục Borelle dạy học tại tiểu chủng viện Cái Nhum.[36]
Vào khoảng thời gian đó, liên quân Pháp – Tây Ban Nha bắt đầu tấn công Đà Nẵng. Cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1858, dưới quyền chỉ huy của Phó Đô Đốc (Vice Amiral) Rigault de Genouilly[37], liên quân chiếm bán đảo Sơn Trà và bắt đầu cuộc chiến với triều đình nhà Nguyễn. Sau khi thấy không thể tiến đánh Huế được, Rigault de Genouilly chuyển hướng qua tấn công Nam Kỳ, vựa lúa của nhà Nguyễn. Giữa tháng 2 năm 1859, phần lớn liên quân di chuyển vào Nam và tiến vào cửa biển Cần Giờ. Ngày 18 tháng 2 năm 1859, liên quân chiếm thành Gia Định.
Sau khi chiếm được thành Gia Định, cho rằng không thể giữ được thành vì có số quân quá ít, Rigault de Genouilly cho đốt thành vào ngày 8 tháng 3 năm 1859. Khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 1859, ông ta quay trở ra Đà Nẵng và giao Sài Gòn lại cho Capitaine de Frégate (Hải Quân Trung Tá) Jean Bernard Jauréguiberry. Sau đó, liên quân Pháp – Tây Ban Nha dưới sự chỉ huy của Jauréguiberry rút về đóng ở đồn Hữu Bình (Fort du Sud) tại khu cầu Tân Thuận, nhưng vẫn kiểm tra được một khoảng đất kéo dài từ sông Thị Nghè đến Chợ Lớn dọc theo kinh Tàu Hủ (Arroyo Chinois, Tân Bình Giang, Rạch Vàm Bến Nghé) và từ Đường Trên (đường Nguyễn Trãi ngày nay), xuống tới kinh Tàu Hủ.
Bản Đồ Về Cuộc Tấn Công Sài Gòn Năm 1859. Nguồn: Colonel Henri De Ponchalon, Souvenirs De Voyage Et De Campagne, p. 141, Alfred Mame Et Fils, Tours, 1896
Sau khi liên quân Pháp – Tây chiếm thành Gia Định, dân chúng Sài Gòn bỏ chạy di tản, chỉ còn sót lại những làng có giáo dân như làng Nhơn Giang tức Chợ Quán. Người lãnh đạo Thiên Chúa Giáo ở Nam Kỳ lúc đó, Giám mục Dominique Lefèbvre, tập hợp những giáo dân mới tị nạn đến Sài Gòn và lập thành khu giáo dân mới Xóm Chiếu ở sát với nơi đóng quân của liên quân tại đồn Hữu Bình, gần khu Chợ Quán.
Như vậy, sau khi liên quân Pháp – Tây chiếm thành Gia Định, họ đã kiểm soát được một khu vực từ Sài Gòn đến Chợ Lớn dọc theo kinh Tàu Hủ, có các làng giáo dân vây quanh giống như trái độn. Các giáo dân người Việt này ở gần liên quân để được bảo vệ khỏi sự truy bắt của quan quân nhà Nguyễn. Cần lưu ý rằng lúc nào liên quân Pháp – Tây cũng kiểm soát và giữ liên lạc với khu Chợ Lớn, vì từ nơi đây các thương gia người Hoa đã cung cấp những vật dụng và thực phẩm cần thiết cho đội quân viễn chinh.
Trong khi đó, về phía nhà Nguyễn, sau khi thất trận ở thành Gia Định, hai vị thống lãnh là Hộ Đốc Võ Duy Ninh và Án Sát Lê Từ đều bỏ chạy khỏi thành, rồi sau đó tự tử. Tàn quân Nguyễn rút về đóng ở đồn Thuận Kiều gần cầu Tham Lương, tức là rút về phía Hóc Môn Bà Điểm trên đường đi Tây Ninh và Cao Miên. Một số khác rút về Biên Hoà.
Được tin thất trận, vua Tự Đức cử thượng thư Tôn Thất Hiệp (tức Tôn Thất Cáp) vào làm chỉ huy quân Nguyễn ở Gia Định để đối phó với quân Pháp, vì Nguyễn Tri Phương lúc đó vẫn còn phải chỉ huy mặt trận Đà Nẵng. Sau khi vào Nam, Tôn Thất Hiệp khởi sự xây đồn Tả, đồn Hữu và đồn Trung ở khu vực Chí Hoà để bắt đầu lấn tới phòng tuyến và khu kiểm soát của liên quân Pháp – Tây, và cũng để cắt đứt liên lạc giữa liên quân và Chợ Lớn, nơi cung cấp lương thực và các vật dụng cần thiết cho liên quân.
Tháng 10 năm 1859, Đề Đốc (Contre Amiral) Thégène Francois Page được cử thay thế Rigault de Genouilly làm Tổng tư lệnh liên quân Pháp – Tây Ban Nha tại Việt Nam. Page giao chiến vài trận lớn với nhà Nguyễn ở Đà Nẵng. Sau đó, vì Pháp cần thêm quân cho cuộc chiến tranh Nha Phiến (Opium War) cùng với Anh để đánh Tàu, Page phải bỏ luôn Đà Nẵng và kéo đại quân qua Tàu phụ cho Phó Đô Đốc (Vice Amiral) Léonard Victor Joseph Charner. Phần quân sĩ còn lại được dùng để tăng cường cho đội quân nhỏ đóng ở Sài Gòn, lúc đó vẫn còn đang ở dưới sự chỉ huy của Jauréguiberry.
Tháng 4 năm 1860, Joseph D’Ariès được cử thay thế Jauréguiberry làm chỉ huy liên quân ở Sài Gòn. Liên quân Pháp – Tây bắt đầu mở rộng thêm phòng tuyến và lấn về phía quân Nguyễn ở Phú Thọ. Họ chiếm các chùa chiền để lập ra cái gọi là “phòng tuyến các chùa”, chạy dài từ chùa Cây Mai trong Chợ Lớn đến chùa Kiểng Phước (Clochetons), chùa Hiển Trung (Mares) và chùa Khải Tường (Barbé).
Ngày 3 và 4 tháng 7 năm 1860, quân Nguyễn phục kích liên quân Pháp – Tây tại chùa Kiểng Phước (Clochetons) nhưng thất bại và bị đẩy lui. Tôn Thất Hiệp bị giáng chức và Nguyễn Tri Phương được cử vào Nam làm Tổng Thống (và cũng vì lúc đó quân Pháp đã bỏ Đà Nẵng). Nguyễn Tri Phương đem thêm rất nhiều quân lính vào Nam và khởi công xây chiến lũy hay đại đồn Chí Hòa (Kỳ Hòa) kéo dài từ Lăng Cha Cả tới chùa Cây Mai trong Chợ Lớn.
Theo Trần Văn Giàu thì sau khi Nguyễn Tri Phương vào Nam:
“Từ Đại đồn Chí Hoà về phía chùa Cây Mai, ta đào đắp một chiến lũy dài và xây ‘đồn hữu’ làm điểm tựa. Từ Đại đồn Chí Hoà về phía rạch Thị Nghè, ta cũng đào đắp một chiến lũy dài và xây ‘đồn tả’ làm điểm tựa. Đàng sau Đại đồn Chí Hoà ta xây nhiều đồn nhỏ yểm trợ: đồn Tham Lương, đồn Thuận Kiều, đồn Rạch Tra.”[38]
Tháng 2 năm 1861, sau khi kết thúc chiến tranh Nha Phiến, Phó Đô Đốc Charner kéo đại quân Pháp từ Tàu về tập trung đánh vỡ chiến lũy Chí Hòa. Ngay sau đó, liên quân Pháp – Tây đánh chiếm luôn đồn Thuận Kiều, hậu cứ của quân Nguyễn. Quân Nguyễn chạy về đóng ở Biên Hòa.
Và đó là bối cảnh lịch sử cho lá thư ký tên Petrus Key.
[36] Jean Bouchot, “Petrus J.B. Truong-Vinh-Ky, Un Savant Et Un Patriote Cochinchinois”, Nguyễn Văn Của, Saigon, 1927, pp. 4-12. Những dòng tóm tắt tiểu sử Petrus Ký được trích từ cuốn sách này.
[37] Chức này, có người dịch là Hải Quân Trung Tướng, có nơi lại dịch là Phó Đô Đốc hoặc Trung Đô Đốc. Vì hệ thống quân giai của mỗi nước mỗi khác, nên rất khó dịch cho chính xác. Và thật sự ra, theo tài liệu chính thức của Bazancourt trong “Les Expeditions de Chine et de Cochinchine”, pp. 291-292, thì Rigault de Genouilly được Bộ Trưởng Bộ Thuộc Địa Pháp gởi lệnh thăng chức vào ngày 17 tháng 8 năm 1858 nhưng đến tháng 10/1858 mới nhận được. Do đó, lúc đánh Đà Nẵng, ông ta vẫn còn là Contre Amiral (Đề Đốc, Chuẩn Đô Đốc, Hải Quân Thiếu Tướng).
[38] Trần Văn Giàu, “Địa Chí Văn Hoá Thành Phố Hồ Chí Minh”, NXBTPHCM, 1987, tập I, p. 252