Chương I.

Quá Trình Nhà Văn Nguyên Vũ Tức Sử Gia Vũ Ngự Chiêu“Công Bố Lá Thư Petrus Key Và Khẳng Định Rằng Tác Giả Lá Thư Chính Là Petrus Trương Vĩnh Ký

A. Tác Phẩm Đầu Tiên Của Ông Nguyên Vũ Về Lá Thư Petrus Key: “Paris, Xuân 1996”

Năm 1997, nhà văn Nguyên Vũ tức sử gia Vũ Ngự Chiêu, một tiến sĩ sử học Hoa Kỳ, xuất bản một quyển sách mà tác giả gọi là tập “tâm bút”, với tựa đề Paris, Xuân 1996.[6] Trong tập “tâm bút” này, ông Nguyên Vũ cho biết đã khám phá ra nhiều tài liệu đáng giá, nhưng “xúc động và ngỡ ngàng nhất” cho ông ta, là một bức thư được viết bởi Petrus Trương Vĩnh Ký gởi cho “Grand Chef”. Ông Nguyên Vũ giới thiệu lá thư Petrus Key với độc giả như sau:

“Thứ Sáu, 5/4/1996

Một tuần lễ mệt nhọc. Tìm được nhiều tài liệu đáng giá …

Xúc động và ngỡ ngàng nhất là lá thư không đề ngày của Petrus Key – một loại “thày kẻ giảng” được các giáo sĩ Pháp giới thiệu vào thông ngôn đoàn của đạo quân viễn chinh Pháp-Espania. Thư đến tay Jauréguiberry cuối tháng 3/1859. Trong thư, Petrus Key – tức Petrus Ký hay Trương Vĩnh Ký sau này – nhân danh khối giáo dân Ki-tô Việt Nam, khẩn nài quân Pháp hãy đánh chiếm ngay miền Nam, lật đổ chính quyền nhà Nguyễn hầu cứu vớt giáo dân khỏi tay bạo chúa. Cậu thanh niên 22 tuổi đời (sic), mới rời khỏi tu viện Penang, ca tụng Grand Chef (Đại Nguyên Soái hay Ông Chủ Lớn) Rigault de Genouilly (hoặc Jauréguiberry) như Samson, Moise hay Jacob (sic) đã “được Thượng Đế gửi tới giải thoát giáo dân Việt.”[7]

Nhận xét về lá thư của cậu thanh niên sôi bỏng tham vọng, tự xưng là “kẻ đầy tớ hèn mọn và vô dụng” Petrus Key, Jauréguiberry nhận định nội dung thư chẳng có gì đáng kể. Thực vậy, giống như Luật sư Trần Thanh Hiệp ghi nhận, văn chương trong thư tầm thường, tư tưởng hời hợt, nông cạn….”[8] (những chữ in đậm là do người viết nhấn mạnh).

Tiếp theo, cũng trong bài tâm bút Paris, Xuân 1996 này, ông Nguyên Vũ cho biết:

“Trọn một buổi tối khó ngủ vì tài liệu mới tìm ra. Nên hay không nên công bố? Chỉ hai năm nữa, sẽ có nhiều đoàn thể và tổ chức giỗ thứ 100 đại văn hào Trương vĩnh Ký.

Ông Trương Vĩnh Ký (1837-1898), theo tiểu sử chính thức, người làng Vĩnh-thành, huyện Tân-minh, tỉnh Bến-tre. Con ông Trương Chánh Thi. Mồ côi cha từ năm 1840, cậu bé Trương Vĩnh Ký được mẹ bán cho một giáo sĩ Pháp làm con nuôi. Năm 1847, giáo sĩ này gửi cậu bé Petrus thông minh đĩnh ngộ qua học ở Pinhalu, Cao Miên. Bốn năm sau, 1851, Petrus được du học ở Penang, với triển vọng thành một thứ thày kẻ giảng tức phụ tá hay thông ngôn bản xứ của các giáo sĩ Pháp. Không rõ Petrus đã tốt nghiệp đại chủng viện hay chưa.

Năm 1858, khi người Pháp bắt đầu biểu dương lực lượng ở Việt Nam, bề trên cho Petrus về nước, xung (sic) vào đoàn thông ngôn do Linh mục Legrand de Liraye (sic) cầm đầu. Ngày 6/3/1859, sau khi Pháp đã chiếm xong Sài-gòn và củng cố việc phòng ngự, Giám mục Lefèbvre báo cáo với Trung tá Jauréguiberry là đã tìm được cho quân Pháp một thông dịch viên, nhưng bị đau chưa tới đồn Pháp được. Cuối tháng 3/1859, cậu thanh niên Petrus Key viết cho Grand Chef một lá thư khá dài để ra mắt. Ngày Thứ Bảy, 2/4/1859, Jauréguiberry báo cáo lên Rigault de Genouilly là đã nhận được lá thư “chẳng có gì quan trọng” của viên thông ngôn đã chờ đợi bấy lâu. Từ ngày này, Petrus Key trở thành cộng sự viên đắc lực của “tân trào” Bảo hộ Pháp.[9] (những chữ in đậm là do người viết nhấn mạnh)

Người viết xin được nhấn mạnh những chỗ in đậm trong các dòng trích bên trên của ông Nguyên Vũ để người đọc dễ theo dõi, và để so với tiểu sử thực thụ của ông Petrus Ký mà ta sẽ xem đến sau.

Vì ngay trong đoạn văn ngắn ngủi khởi đầu này, ông Nguyên Vũ đã đưa ra ba sự kiện mà không hề có một chứng minh nào hết, về Petrus Ký. Thứ nhất, ông Nguyên Vũ mập mờ cho biết ông Petrus Ký đã “được mẹ bán cho một giáo sĩ Pháp làm con nuôi”. Thứ hai, ông nói rằng Petrus Ký được bề trên cho về nước năm 1858 để “xung (sic) vào đoàn thông ngôn” do linh mục Legrand de Liraye (sic)[10] cầm đầu. Thứ ba, ông khẳng định là từ đầu tháng 4 năm 1859, Petrus Ký đã trở thành “cộng sự viên đắc lực” của Pháp.

Nhưng vẫn chưa hết, vì ông Nguyên Vũ còn cho ta biết như sau:

“Để tưởng nhớ công đức với tân trào, từ năm 1946, chính phủ Nam Kỳ Tự Trị của Y sĩ Nguyễn Văn Thinh lấy tên Petrus Ký đặt cho trường trung học bản xứ lớn nhất Sài-gòn…. Hiện nay, chế độ Cộng sản thay tên Petrus Ký bằng Lê Hồng Phong – một khai quốc công thần khác của “tân trào” Cộng Sản… Ít nữa Lê Hồng Phong và Petrus Ký có một điểm giống nhau: Cả hai đều thành công trong việc thiết lập chế độ “tân trào” mà họ coi làm lý tưởng … Dẫu vậy, giáo viên và học sinh trường Trương Vĩnh Ký Sài-gòn lên tới hàng chục ngàn, nếu không phải hàng trăm ngàn. Họ nghĩ gì? Họ sẽ trách ông Trương Vĩnh Ký đã viết lá thư ra mắt Trung tá Jauréguiberry … hay trách tôi, người tìm thấy lá thư đầu tiên?”[11] (những chữ in đậm là do người viết nhấn mạnh)

Sau cùng, ông Nguyên Vũ mới cho ta biết về nội dung của lá thư Petrus Key, lá thư thuộc loại “tài liệu đáng giá” này, lá thư đã làm ông “khó ngủ” vì không biết có nên công bố hay không:

“Riêng về lá thư cuối tháng 3/1859 của Petrus Ký, tưởng cũng nên ghi nhận thêm, vài điểm.

  1. Petrus Ký đã nhân danh một người che chở, bảo vệ cho tất cả Giáo dân Ki-tô cầu cứu hạm đội Pháp như các tông đồ kêu cứu Chúa …
  2. Để giải thích lời kêu gọi cấp cứu của mình, Petrus Ký đã mô tả thảm cảnh cấm đạo, giết đạo đang diễn ra …
  1. Petrus Ký cho người Pháp biết rằng nội bộ quan quân của triều đình Nguyễn rất rối ren. Quan quân rất sợ binh lực Pháp. Lính hàng ngày bỏ trốn nếu có cơ hội…”[12]

Chỉ có thế, nhưng không phải là “ghi nhận thêm” như ông Nguyên Vũ viết, mà đó là tất cả những gì ông cho ta biết về nội dung lá thư Petrus Key, trong tập “tâm bút” Paris, Xuân 1996 nói trên.

Và không hiểu tại sao ông Nguyên Vũ lại không cho đăng một bản sao hay ảnh chụp của lá thư Petrus Key trong tập “tâm bút” nói trên. Lá thư mà ông cho biết chính ông là người đã “tìm thấy … đầu tiên”, lá thư làm cho ông “khó ngủ” vì không biết “nên hay không nên công bố”, lá thư mà ông cho là sẽ làm hàng chục, hoặc hàng trăm ngàn giáo viên và học sinh trường Trương Vĩnh Ký phải suy nghĩ, phải trách móc, hoặc ông Petrus Ký – vì đã viết lá thư này, hoặc … ông Nguyên Vũ – vì đã “công bố” nó?

Lạ lùng hơn nữa, là chẳng những không có bản sao hay ảnh chụp, mà ngay cả bất kỳ một đoạn trích nguyên văn nào của lá thư Petrus Key, cũng không được ông Nguyên Vũ cho đăng trong tập Paris, Xuân 1996.

Tóm lại, với cái cách “công bố” lá thư Petrus Key như trên của ông Nguyên Vũ, người đọc hoàn toàn không có thông tin gì về nội dung lá thư, ngoại trừ những điểm được ông Nguyên Vũ cung cấp và gọi là những “ghi nhận” thêm. Với những dòng thông tin như trên, người đọc thậm chí không biết được là lá thư Petrus Key được viết bằng thứ chữ gì, Pháp, Latin, hay Quốc Ngữ!

Thế nhưng, trong khi đó, người đọc lại được ông Nguyên Vũ thông báo một cách khẳng định rằng chính Petrus Ký đã viết lá thư ký tên Petrus Key nhằm cầu xin quân Pháp hãy tấn công nhà Nguyễn vào cuối tháng 3 năm 1859. Ông Nguyên Vũ cũng cho ta biết thêm là nhờ lá thư này mà sau đó Petrus Ký đã được nhận vào làm thông ngôn cho Pháp! Mặc dù ông Nguyên Vũ không hề có một bằng chứng nào cho những điều mà ông công bố như trên.

 

B. Tác Phẩm Thứ Hai Của Ông Nguyên Vũ Về Lá Thư Petrus Key: “Các Vua Cuối Nhà Nguyễn 1833-1945”

Sau đó, vào năm 1999, ông Nguyên Vũ, lần này với tên thật là Vũ Ngự Chiêu, xuất bản tác phẩm “Các Vua Cuối Nhà Nguyễn 1883-1945”. Trong tác phẩm thuộc loại “biên khảo sử học” này, tức là khác với loại “tâm bút” kiểu Paris Xuân 1996 nói trên, sử gia Vũ Ngự Chiêu tức nhà văn Nguyên Vũ viết về lá thư Petrus Key như sau:

Petrus Key, tức Trương Vĩnh Ký sau này, viết thư ra mắt “Grand Chef et vous tous” vào cuối tháng 3/1859, van nài các sĩ quan Hải quân Pháp hãy đảm nhiệm vai trò Moise và Jacob (sic) trong sứ mệnh giải phóng giáo dân Ki-tô bằng cách đánh chiếm toàn bộ Nam Kỳ.”[13] (những chữ in đậm là do người viết nhấn mạnh)

Để chú thích cho đoạn văn trên, sử gia Vũ Ngự Chiêu viết thêm như sau trong ghi chú số 32 của chương sách:

“… Tháng 3/1859, Petrus Key viết cho “Grand Chef et vous tous, très honorables officiers de la flotte francais”: Ayez pitié de nous, ayez pitié de nous. Vous êtes nos libérateurs et la main des ennemies nous a touchés. Hala! The wearer knows very well where the shoe pincheth. Nous savons aussi que ‘qui trop embrasse mal étreint;’ Et cependant nos souffrances nous poussent à invoquer votre puissance et à vous exposer du fond du coeur tout ce que je vient de soumettre à votre prudence et à votre sagesse.” Thư tháng 3/1859, Petrus Key gửi Grand Chef; SHM (Vincennes), GG2 99:2. Xem thêm chi tiết trong Chính Đạo, Hồ Chí Minh: Con người & huyền thoại, tập 1: 1898-1925, tái bản có bổ sung (Houston, TX: Văn Hóa, 1997).”[14] (những chữ in đậm là do người viết nhấn mạnh)

Và thế là đến đây, mấy năm sau tập tâm bút Paris, Xuân 1996, người đọc quan tâm về lá thư Petrus Key mới có dịp được đọc một đoạn nguyên văn bằng tiếng Pháp của nó. Và đoạn văn này đã được đánh máy lại bởi ông Nguyên Vũ, chứ nguyên văn toàn thể lá thư Petrus Key thì cũng vẫn chưa được người “khám phá” ra lá thư này cho thấy mặt mũi ra sao!

Tưởng cũng cần lưu ý rằng cuốn Các Vua Cuối Nhà Nguyễn là một tác phẩm thuộc loại “biên khảo sử học”, và do đó tác giả đã dùng tên thật Vũ Ngự Chiêu. Chứ nó không phải cùng loại “tâm bút” như cuốn Paris, Xuân 1996 mà tác giả đã ký tên Nguyên Vũ – bút hiệu mà ông đã dùng từ trước 1975 ở miền Nam. Đây là điều rất quan trọng với ông Nguyên Vũ, vì như ông giải thích:

“Từ ngày ra hải ngoại, tôi chọn cho mình ba bút hiệu. Tên thực, Vũ Ngự Chiêu, ký dưới các biên khảo sử học. Chính Ðạo để viết những nghiên cứu nhẹ tính chất kỹ thuật hơn. Và, Nguyên Vũ, như một nối dài của nghề nghiệp sáng tác cũ, từ quê nhà. Các tác phẩm ký tên Nguyên Vũ thường là tư duy của tác giả về người, việc và vật phải gặp gỡ, chứng kiến, đầy tính cách cá nhân. Ba bút hiệu trên liên hệ với nhau, và chắc hẳn luôn luôn lấy sự thực làm đường đi, dù có dị biệt về phân loại của các tác phẩm. Những tác giả thận trọng thường phân biệt kỹ càng khi trích dẫn tác phẩm của tôi….”[15] (những chữ in đậm là do người viết nhấn mạnh).

Khổ nỗi, tuy là nói vậy, nhưng trong “biên khảo sử học” Các Vua Cuối Nhà Nguyễn này, ông sử gia Vũ Ngự Chiêu tức Nguyên Vũ, cũng giống như trong “tâm bút” Paris, Xuân 1996, một lần nữa khẳng định, mà không có một chứng minh nào, rằng Petrus Key chính là “Trương Vĩnh Ký sau này”.

Chẳng những vậy, nếu như trong cuốn Paris, Xuân 1996, ít ra còn có một dòng cho biết lá thư không đề ngày, thì trong Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, sử gia Vũ Ngự Chiêu lại hoàn toàn không nhắc tới điều đó nữa. Thậm chí, ông sử gia còn khẳng định rằng lá thư Petrus Key đã được viết vào “tháng 3/1859”, như đã trích dẫn bên trên.

Điều đáng ngạc nhiên là nếu như trong thể loại “tâm bút” của Paris, Xuân 1996, với những “tư duy” “đầy tính cá nhân” (như tác giả Nguyên Vũ cho biết), cho dù có khẳng định rằng lá thư đã được viết vào cuối tháng 3 năm 1859, ít ra tác giả Nguyên Vũ cũng còn viết ra được một sự thật là lá thư Petrus Key không có ngày tháng. Trong khi đó, với một tác phẩm thuộc thể loại “biên khảo sử học”, được tác giả trân trọng dùng tên thật Vũ Ngự Chiêu, như cuốn “Các Vua Cuối Nhà Nguyễn” nói trên, sử gia Vũ Ngự Chiêu lại phớt lờ luôn sự thật kia. Và chẳng những vậy mà thôi, sử gia còn lặp đi lặp lại đến ba lần là lá thư Petrus Key đã được viết vào cuối tháng 3 năm 1859.

Sau cùng, tưởng cũng cần phải ghi nhận một lần nữa rằng trong một tác phẩm thuộc loại “biên khảo sử học” nghiêm túc được ký tên thật này, tác giả Vũ Ngự Chiêu, một sử gia, lại vẫn không cung cấp được cho độc giả một ảnh chụp, một bản sao, hay bất kỳ một bằng chứng nào về lá thư Petrus Key bí mật “đáng giá” kia.

Thay vào đó, sử gia Vũ Ngự Chiêu – Nguyên Vũ đã chú thích hay chứng minh cho đoạn văn trên bằng cách dẫn người đọc đến một tác phẩm thuộc loại “nghiên cứu nhẹ tính chất kỹ thuật hơn” là cuốn “Hồ Chí Minh: Con Người & Huyền Thoại”[16], cũng do chính ông ta viết, nhưng với một bút hiệu thứ ba: Chính Đạo.

Và tại đây mới là nơi mà lần đầu tiên mà người đọc quan tâm về lá thư Petrus Key có được một bằng chứng về sự hiện hữu của lá thư Petrus Key – cho dù gọi đó là “bằng chứng” thì hơi có vẻ dễ dãi! Vì cái “bằng chứng” này chỉ là một bản photocopy gồm vài dòng cắt xén của một lá thư viết tay không có ngày tháng, với chữ ký “Petrus Key” ở dưới. Bản photocopy của vài dòng cắt xén đó được đăng trong trang 68 của cuốn Hồ Chí Minh, Con Người Và Huyền Thoại, và sau này được ông Nguyên Vũ gọi là “phóng ảnh” của “phần nào” lá thư Petrus Key.[17]

 

C. Tác Phẩm Thứ Ba Của Ông Nguyên Vũ Về Lá Thư Petrus Key: “Hồ Chí Minh, Con Người Và Huyền Thoại”

Tác phẩm “Hồ Chí Minh: Con Người & Huyền Thoại” được xuất bản vào năm 1997, cùng năm với Paris, Xuân 1996, với bút danh thứ ba của ông Nguyên Vũ: Chính Đạo.

Như đã nói trên, không hiểu tại sao tác giả Chính Đạo tức Nguyên Vũ tức Vũ Ngự Chiêu lại không cho đăng cái “phóng ảnh” của lá thư Petrus Key này ngay trong cuốn Paris, Xuân 1996, nơi mà lần đầu tiên ông đã “công bố” về lá thư đã làm ông “khó ngủ”; hay trong tập “biên khảo sử học” Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, nơi ông trích đăng một đoạn tiếng Pháp của lá thư. Mà ông lại cho in nó trong một tác phẩm về một nhân vật không dính líu gì đến Petrus Ký cả, là … Hồ Chí Minh!

Nhưng để tìm hiểu là lá thư Petrus Key có phải do chính tay Petrus Ký viết hay không, người viết bài này đã cố gắng tìm ra được cái mà ông Vũ Ngự Chiêu sẽ gọi là “phóng ảnh” của “phần nào” lá thư Petrus Key, nơi trang 68 của cuốn Hồ Chí Minh, Con Người và Huyền Thoại.

Và độc giả có thể dễ dàng nhìn thấy từ “phóng ảnh” này một cách trình bày tài liệu có thể nói là “có một không hai”, nhất là khi đây là một tài liệu thuộc loại “đáng giá”, đã được ông Nguyên Vũ khám phá ra đầu tiên, và đã cho rằng nó là một tài liệu “then chốt” cho cuộc đời Petrus Ký.

Bởi cái “phóng ảnh” ở trang 68 này, như đã nói trên, là một bản photocopy gồm dăm ba dòng chữ của một lá thư viết tay bị cắt khúc này dán vào khúc kia, và bị chụp chồng lên bởi một danh sách những người An Nam trong phái đoàn Soái Phủ Pháp qua Tây xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ vào năm 1863.

Điều đáng lưu ý là chung quanh cái “phóng ảnh” đó, tức là trước và sau trang 68, tác giả Chính Đạo (tức Nguyên Vũ – Vũ Ngự Chiêu) lại hoàn toàn không bàn luận gì về Petrus Ký và lá thư ký tên Petrus Key cả.

Nhưng tuy không nói gì về nội dung lá thư Petrus Key trước và sau “phóng ảnh”, tác giả Chính Đạo lại thêm vào một chú thích được in đậm ở bên hông cái “phóng ảnh” đó, như sau:

Triều đại của những tên thông ngôn và thầy kẻ giảng bỏ tu tìm danh lợi dưới bóng cờ Đại Pháp Lá thư tự tiến thân của Petrus Key, tức Trương Vĩnh Ký (1859).”

Và đây là “phóng ảnh” của “phần nào lá thư” Petrus Key, một tác phẩm cắt dán của nhà văn Nguyên Vũ tức Tiến Sĩ Vũ Ngự Chiêu, đã được cho in trong trang 68 của cuốn Hồ Chí Minh, Con Người và Huyền Thoại như sau:

Ky Yeu PK 2018 - 99

Với những lời chú thích như trên bên cạnh cái “phóng ảnh” của lá thư ở trang 68 của cuốn Hồ Chí Minh, Con Người và Huyền Thoại, một lần nữa, ông Nguyên Vũ – Vũ Ngự Chiêu, lần này dưới bút hiệu Chính Đạo, đã khẳng định rằng tác giả của lá thư Petrus Key chính là Petrus Trương Vĩnh Ký.

Đồng thời ông cũng tuyên bố thêm, mà không cần chứng minh, rằng lá thư này có mục đích để “tự tiến thân” và “tìm danh lợi dưới bóng cờ Đại Pháp“. Nói cách khác, ông Chính Đạo tức Nguyên Vũ tức Vũ Ngự Chiêu với lời chú thích trong “phóng ảnh” này, đã mặc nhiên lên án và kết tội Petrus Ký mà không cần bằng chứng.

Cũng cần biết rằng đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất mà ông Nguyên Vũ “công bố” một hình ảnh của lá thư Petrus Key. Và bằng bản photocopy cắt dán như trên, cái mà ông gọi là “phóng ảnh” của “phần nào” lá thư. Còn từ đó về sau, ông chỉ toàn viết về lá thư Petrus Key, mà không hề đưa ra bất kỳ hình ảnh nào nữa. Và cũng từ đó về sau, ông Nguyên Vũ luôn viết một cách khẳng định rằng lá thư đã được “đề ngày cuối tháng 3 năm 1859” bởi Petrus Trương Vĩnh Ký, nhằm “ra mắt” chỉ huy quân Pháp lúc bấy giờ là Jean Bernard Jauréguiberry.

 

D. Tác Phẩm Thứ Tư Của Ông Nguyên Vũ Về Lá Thư Petrus Key: “Ngàn Năm Soi Mặt – Góp Phần Nghiên Cứu Về Trương Vĩnh Ký (1837-1898)”

Năm 2002, ông Nguyên Vũ một lần nữa trở lại với lá thư Petrus Key qua một tập “tâm bút” mới mang tựa đề “Ngàn Năm Soi Mặt”, trong đó có bài viết “Góp Phần Nghiên Cứu Về Trương Vĩnh Ký (1837-1898)”.[18]

Và đây là những gì ông Nguyên Vũ viết trong “tâm bút” nói trên để giải thích về quá trình ông ta “công bố” lá thư Petrus Key từ năm 1997:

“Trong tập Các vua cuối nhà Nguyễn, tập I, ký tên thực Vũ Ngự Chiêu, tôi đã trình bày trường hợp Petrus Key khá đầy đủ. Dựa trên tài liệu văn khố mà không phải những tác phẩm và nguồn tin đã xuất bản suốt hơn trăm năm qua (thường chỉ sao chép lại những lỗi lầm của người đi trước, rồi thêm thắt chỗ này, chỗ nọ, tự nhận của mình), tôi nghĩ những gì viết về Petrus Key đã tạm đủ….

Sở dĩ trong tâm bút Ngàn Năm Soi Mặt phải trở lại vấn đề Petrus Key vì hai lý do. Trước khi hoàn tất bộ Các vua cuối nhà Nguyễn, trong tập tâm bút Paris: Xuân 1996 (1997) ký tên Nguyên Vũ, tôi đã công bố một tài liệu then chốt trong cuộc đời sự nghiệp chính trị (và từ đó, văn học) của Petrus Key. Ðó là lá thư Petrus Key viết cho Hải quân Trung tá Jauréguiberry vào cuối tháng 3/1859, do Phụ tá Giám mục Borelle chuyển giao, tự tiến thân để làm thông ngôn cho Pháp, hoặc do tự nguyện, hoặc theo lời xúi dục của các bề trên, hoặc cả hai. Bức thư này đã được in lại phần nào trong nguyệt san Quốc Dân (xuất bản tại Houston) năm 1996 và tập Hồ Chí Minh, 1892-1969, tập I (1997, tr. 68). Có người không được đọc số báo hay tập sách trên, hoặc tảng lờ phóng ảnh tài liệu trong đó, đặt câu hỏi thực chăng có lá thư “nói xấu” Petrus Ký ấy. Một câu hỏi đầy khôi hài. Vì trong cuốn Paris: Xuân 1996, tôi trưng dẫn xuất xứ khá rõ ràng: Ðó là tư liệu của Jauréguiberry, hiện cất giữ trong Văn khố sử học Hải quân Pháp [Service historique de la Marine] tại Château de Vincennes. (Xem thêm Vũ Ngự Chiêu, Các vua, tập I, tr. 110, 130chú32, 297) Muốn biết tài liệu trên có thực hay chăng, một người trí thức lương thiện chỉ cần đến Château de Vincennes, hoặc nhờ thân hữu ở Paris kiểm chứng giùm. Vì chắc chắn không một nhà nghiên cứu nào có thể cho in lại toàn bộ những tư liệu văn khố mình phát hiện.[19] (những chữ in đậm là do người viết nhấn mạnh)

Đọc đến đoạn trên, người viết bài này đã băn khoăn không hiểu mình có đọc thiếu chỗ nào trong cuốn Các Vua Cuối Nhà Nguyễn hay không! Vì như tác giả cho biết, ông ta đã “trình bày trường hợp Petrus Key “khá đầy đủ”, trong khi người viết bài này phải chạy đi tìm từ “tâm bút” này đến “nghiên cứu” khác của ông, với nhiều bút hiệu khác nhau, chỉ để tìm cho được một bằng chứng về sự hiện hữu của lá thư Petrus Key.

Nhưng khi đọc xuống đoạn dưới thì người viết thấy mình quả đã không lầm, vì ông Nguyên Vũ cho ta biết rằng ông đã “công bố một tài liệu then chốt trong cuộc đời sự nghiệp chính trị (và từ đó văn học) của Petrus Key” bằng cách cho “in lại phần nào” một “phóng ảnh” của lá thư trong trang 68 của cuốn “Hồ Chí Minh, Con Người Và Huyền Thoại”. Có nghĩa rằng, ngoài cái “phóng ảnh” này ra, không còn bản sao hay hình ảnh gì khác của lá thư Petrus Key.

Người viết bài này không khỏi thắc mắc rằng: với một lá thư có tầm quan trọng đến hầu như cả cuộc đời của ông Petrus Ký như vậy (“cuộc đời sự nghiệp chính trị và từ đó, văn học”, theo lời ông Nguyên Vũ), nó lại được người đầu tiên tìm ra nó “công bố” – bằng cách cho in một trang photocopy có vài dòng cắt dán cẩu thả và bị chụp chồng lên bởi một tài liệu khác – như thế sao!

Và người viết cũng phải thật tình khâm phục tài dùng chữ của ông Nguyên Vũ, khi ông biện minh rằng đã “in lại phần nào” lá thư này bằng cái “phóng ảnh” mà ta được thấy như trên!

Đoạn văn trích dẫn bên trên của “tâm bút” Ngàn Năm Soi Mặt, ngoài việc một lần nữa khẳng định, mà không có bằng chứng, rằng Petrus Key chính là Petrus Ký, còn có thêm hai chi tiết mới khác mà ông Nguyên Vũ cung cấp cho người đọc. Đó là lá thư Petrus Key đã được “phụ tá giám mục Borelle chuyển giao”, và nó đã được dùng để “tiến thân”, “hoặc do tự nguyện, hoặc theo lời xúi dục của các bề trên, hoặc cả hai”. Và đương nhiên là cả hai chi tiết này cũng đều không có một sự chứng minh nào, mà chỉ được trình bày như là một sự thật hiển nhiên – y như cách ông Nguyên Vũ đã trình bày về các chi tiết khác xung quanh lá thư Petrus Key từ trước đến giờ.

Cũng cần lưu ý thêm rằng, với đoạn văn trên, tác giả Nguyên Vũ cho ta biết rằng ông đã làm tròn phận sự “công bố” lá thư này, với cái “phóng ảnh” kia. Theo ông, nếu như một người “trí thức lương thiện” nào đó muốn biết lá thư Petrus Key có thật hay không, thì phải tự đi tới Paris, hoặc nhờ người khác kiếm ra nó. Chứ một “nhà nghiên cứu” như ông không có phận sự này, vì ông không thể nào “cho in lại toàn bộ những tư liệu văn khố mình phát hiện”̣!

Nhưng vẫn chưa hếṭ. Cũng trong bài tâm bút trên, ông Nguyên Vũ còn đưa ra một lý luận độc đáo hơn nữa, là ông Petrus Ký thật ra từ nhỏ chỉ có độc một cái tên ngắn ngủn là Petrus Key, như khi ông ký trong lá thư Petrus Key mà thôi. Rồi sau đó, ông mới “tự khai” cho mình cái tên “Trương Vĩnh” kèm theo. Đây là lời giải thích của ông Nguyên Vũ, cũng vẫn trong “tâm bút” Góp Phần Nghiên Cứu Về Trương Vĩnh Ký – “Ngàn Năm Soi Mặt:

“Petrus Key hay Petrus Ký?

Trước hết, cần minh định tại sao tôi dùng tên “Petrus Key” mà không “Petrus Ký” trong bài viết này.

Như chúng ta đã biết, các tài liệu viết về Trương Vĩnh Ký thường đặt trước tên ông một bí danh Latin khác là Petrus, Pétrus, hoặc kèm cả tên thánh “J.B.” tức Jean-Baptiste [Gioan Bao-xi-ta]. Người Pháp, khi viết về Petrus Key, thường ghi Pétrus Ký hay Petrus Ký. Ðây có thể do cách gọi đặt tên trước họ theo kiểu Âu Mỹ, nhưng lược bỏ những chữ “J.B. Trương Vĩnh.” Cách gọi tên này còn hàm ý ông ta theo đạo Ki-tô. Petrus Ký cũng có thể tiêu biểu thói quen gọi tên kép quen thuộc tại miền Nam, như “Paulus [San],” “Simon Của,” “André Ðôn,” “Raymond Khánh,” v.. v…. Nhưng tài liệu do tôi phát hiện năm 1996 cho thấy năm 1859, người mà chúng ta sau này biết là Trương Vĩnh Ký tự xưng, được đặt hay tự đặt cho mình tên “Petrus Key,” không có ba chữ Trương Vĩnh Ký kèm theo tên Petrus Key. Cho tới năm 1863, tài liệu Soái phủ Pháp vẫn ghi “Petrus Key,” trong khi phần Hán tự ghi thêm là Trương Vĩnh Ký. (Xem Chính Ðạo, Hồ Chí Minh, 1892-1969, tập I: 1892-1924, tr. 68; Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, tập I, tr. 297)

Sử dụng tên Petrus Key, như thế, trước hết không những chính xác hơn tên Petrus Ký hoặc Pétrus Ký, mà còn tôn trọng ý nguyện của ông ta. Thứ nữa, dùng tên Petrus Key còn có hàm ý kêu gọi những nỗ lực nghiên cứu thêm về gia thế ông. Các nhà “Petrus Key học” tương lai nên tìm hiểu, một cách rõ ràng chính xác mà đừng suy đoán vu vơ, là tại sao Petrus Key sau này tự khai (hoặc lấy lại) tên Trương Vĩnh Ký? Phải chăng “Trương Vĩnh Ký” chỉ là tên Việt hóa của Petrus Key, cho những mục tiêu nào đó (như bỏ tu, lấy vợ, trở lại xã hội)? Hay, Petrus Key đơn giản chỉ là bí danh đầu tiên của “Trương Vĩnh Ký,” như chúng ta thường hiểu? . . .

Ðáng lưu ý thêm rằng trong thư ra mắt Trung tá Hải quân Jauréguiberry vào tháng 3/1859, Petrus Key chỉ ký tên Petrus Key mà không có tên Việt “Trương Vĩnh Ký” đi kèm như ông thường dùng sau này. Trong thư ra mắt một cấp chỉ huy Pháp (Grand Chef et vous tous)– để xin việc làm, kiểu “cover letter” ở Mỹ, như ai đó lý luận–mà không ghi thêm tên thực Trương Vĩnh Ký là việc hơi khác thường. Có thể vì một lý do nào chưa biết, như muốn dấu bí mật đề phòng trường hợp thư bị lọt vào tay quan quân nhà Nguyễn? Nhưng cũng có thể vì ngày ấy Petrus Key chỉ biết mình có cái tên độc nhất và vỏn vẹn hai chữ Petrus Key. Cách nào đi nữa, bốn năm sau mới thấy chính thức xuất hiện thêm tên Trương Vĩnh Ký…[20] (những chữ in đậm là do người viết nhấn mạnh)

Tóm lại, theo cách lý luận rất độc đáo của ông Nguyên Vũ, vì “tài liệu do ông phát hiện năm 1996”, tức lá thư không ngày tháng ký tên Petrus Key, chỉ có “Petrus Key” mà không có Trương Vĩnh Ký trong đó, và vì theo ông thì “bốn năm sau đó mới thấy chính thức xuất hiện thêm tên Trương Vĩnh Ký”, nên suy ra Petrus Key “đơn giản chỉ là bí danh đầu tiên” của Petrus Ký, rồi sau đó mới được “Việt hoá” thành “Trương Vĩnh Ký”. Và đó là vì “ngày ấy Petrus Key chỉ biết mình có cái tên độc nhất và vỏn vẹn hai chữ Petrus Key” mà thôi!

Tức là, thay vì phải chứng minh rằng Petrus Key chính là Petrus Ký, ông Nguyên Vũ đã làm một cú đảo ngược ngoạn mục: bằng cách ngang nhiên cho rằng tên Petrus Key chính là tên đầu tiên, rồi sau này mới được sửa đổi thành Petrus Trương Vĩnh Ký. Và lý do là vì nhà nghiên cứu Nguyên Vũ – Vũ Ngự Chiêu không thấy có tài liệu nào trước lá thư đó cho thấy có cái tên Petrus Trương Vĩnh Ký, nên chắc hẳn Petrus Key mới là tên đầu tiên! Rồi sau đó ông Nguyên Vũ lại còn cho rằng làm như vậy là mới là “chính xác hơn”, và mới là “tôn trọng ý nguyện” của ông Petrus Ký!

Chỉ có điều hơi rắc rối là ông Nguyên Vũ quên không chứng minh rằng: 1) làm sao ông biết được từ nhỏ đến khi viết lá thư thì ông Petrus Ký chỉ có cái tên Petrus Key, và 2) như vậy thì khi nào Key mới được chuyển thành Ký.

Nghĩa là cho đến giờ này, ông cũng vẫn chưa bao giờ cho ta thấy mối liên hệ giữa Petrus Key trong lá thư và ông Petrus Ký thật ngoài đời, ngoại trừ điều duy nhất là cả hai đều có cái tên Petrus!

Tưởng cũng nên biết rằng Petrus là một cái tên cực kỳ phổ thông của những giáo dân Thiên Chúa Giáo. Petrus là chữ Latin, tên của vị giám mục đầu tiên của thành Rome (La Mã), tức cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên. Ông này có tên thật là Simon, về sau được chúa Jesus đặt tên lại là Petrus tức là Đá. Theo tiếng Việt thông dụng thì đó là “ông thánh Phê rô” (có lẽ vì gọi phiên âm theo tiếng Bồ Đào Nha/Tây Ban Nha của những giáo sĩ đầu tiên đến Việt Nam là Pedro). Các ngôn ngữ có nguồn gốc Latin đều có cái tên này, như Peter trong tiếng Anh, Pierre trong tiếng Pháp, và Pedro trong tiếng Tây Ban Nha/Bồ Đào Nha. Trong lịch sử Việt Nam, Petrus là một cái tên rất thường thấy trong những người Việt theo đạo Thiên Chúa vào thế kỷ 19. Thí dụ như trong danh sách thông ngôn người An Nam của soái phủ Pháp năm 1863, gồm chỉ có hai người, thì cả hai đều có tên Petrus: Petrus Key tức Trương Vĩnh Ký và Petrus (Nguyễn Văn) Sang (Xem Mục E dưới đây). Và chỉ cần nhìn danh sách các thánh tử đạo Việt Nam thì trong số 119 người đã có rất nhiều người có tên là Petrus (Pierre).[21] Một trong những người đó là linh mục Đoàn Công Quí, mà ta sẽ thấy ở phần sau của bài viết này.

Thế nhưng hình như ông Nguyên Vũ không biết, hoặc cố tình không biết điều đó. Vì cũng trong tâm bút Ngàn Năm Soi Mặt – Góp Phần Nghiên Cứu Về Trương Vĩnh Ký nói trên, ông cho ta thấy rằng nếu trong những tài liệu về thời gian đó mà ông đọc được, có bất kỳ người Việt nào mang tên Petrus, thì ông Nguyên Vũ cũng cho là … Petrus Ký tuốt! Nhất là khi người mang tên Petrus đó có bất kỳ dính líu gì với quân Pháp! Hãy đọc đoạn văn sau đây của ông Nguyên Vũ trong cùng bài viết để thấy điều đó:

Trước năm 1996, nhiều người tin rằng Petrus Key chỉ bắt đầu làm thông ngôn cho Pháp từ ngày 20/12/1860. Lá thư viết vào cuối tháng 3/1859 gửi Trung tá Jauréguiberry và một số tư liệu khác do tôi phát hiện trong dịp làm việc tại Văn Khố Hải Quân Pháp tại Chateau de Vincennes năm 1996 không những phủ nhận niềm tin này mà còn khiến chúng ta phải xét lại đoạn đời “tham chánh” của Petrus Key dưới một ánh sáng khác. . .

Trong một phiếu trình lên Rigault de Genouilly, Jauréguiberry cho biết một thông ngôn tên “Petrus” phải uống thuốc quinine để chữa trị bệnh sốt rét, và ông ta định đưa “Petrus” ra Ðà Nẵng để thẩm vấn các quan viên Việt bị Pháp bắt giữ. Tháng 6/1859, Petrus Key tháp tùng Linh mục Legrand de la Liraye (cố Trường) ra Ðà Nẵng làm thông ngôn cho Louis Jules Lafont, tùy viên của Rigault de Genouilly, khi thương thuyết với Nguyễn Tri Phương về việc ký Hiệp định nhưng không thành công. (Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, I:106-7) Từ sau ngày này, Petrus Key trở lại Sài Gòn, tiếp tục làm việc cho ban thông dịch của Jauréguiberry (dưới quyền Cố Trường, tức Th. Le Grand de la Liraye).”[22] (những chữ in đậm là do người viết nhấn mạnh)

Do đó, nếu để ý, người đọc sẽ thấy rằng trong đoạn văn trên đây, ông Nguyên Vũ đã trích dẫn mập mờ để làm lẫn lộn giữa một thông ngôn người Việt có tên “Petrus” bị bệnh phải uống quinine và “Petrus Key”, cũng như ông đã sáng chế ra thêm một chi tiết là Petrus Key đã ra Đà Nẵng làm thông ngôn vào tháng 6/1859.

Và, như ta đã thấy, cũng theo ông Nguyên Vũ, người mang tên “Petrus Key” sau đó đã trở thành Petrus Ký sau này! Tất cả chỉ vì cái tên “Petrus”.

 

E. Tác Phẩm Thứ Năm Của Ông Nguyên Vũ Về Lá Thư Petrus Key: “Vài Tài Liệu Mới Về Petrus Key”

  1. Ba Tài Liệu “Khẳng Định Petrus Key Là Trương Vĩnh Ký Sau Này”

Nhưng ông Nguyên Vũ vẫn chưa dừng lại ở đó.

Vào năm 2011, một lần nữa với tên thật Vũ Ngự Chiêu, ông Nguyên Vũ đã cho đăng bài viết “Vài Tài Liệu Mới Về Petrus Key (Trương Vĩnh Ký) (1837-1898)” trên tờ Hợp Lưu.[23] Và trong bài viết này, lần đầu tiên kể từ khi “công bố” lá thư Petrus Key trong Paris, Xuân 1996, ông Nguyên Vũ mới cho ta thấy một bản dịch (chứ không phải nguyên văn bằng tiếng Pháp) trọn vẹn của lá thư Petrus Key. Ngoài ra, cũng trong bài viết trên, ông Nguyên Vũ đã đưa ra thêm những tài liệu mới “có vẻ” như để chứng minh rằng Petrus Key chính là Petrus Ký sau này.

Đây là những gì ông Vũ Ngự Chiêu tức Nguyên Vũ viết trong bài:

“1. Thứ nhất, người mà chúng ta biết như Petrus Ký hay Trương Vĩnh Ký, Pétrus Trương Vĩnh Ký, hay Pierre J.B. Trương Vĩnh Ký hiện nay thoạt tiên chỉ xuất hiện với cái tên ngắn ngủi “Petrus Key,” hoặc “chú Ký.”

a) Có ba tài liệu giúp khẳng định Petrus Key là Trương Vĩnh Ký sau này.

(1) Tài liệu thứ nhất là thư Petrus Key gửi cho Hải Quân Trung tá Jean Bernard Jauréguiberry vào tháng 3/1859.

Đây là lá thư ra mắt của Petrus Key với Jauréguiberry và quan tướng Pháp, ca ngợi công ơn binh đội Pháp như những thiên thần được Thượng đế gửi xuống cứu giúp giáo dân Ki-tô Việt Nam. (Đã công bố trên nguyệt san Quốc Dân năm 1996, và bị trộm cắp trích đăng đó đây)

(2) Tài liệu thứ hai là danh sách phái đoàn thông ngôn của Soái phủ Pháp, dưới quyền Trung tá Henri Rieunier, được cử tháp tùng sứ đoàn Phan Thanh Giản qua Pháp và rồi Espania vào tháng 7 năm 1863.

Danh sách này xếp chữ typo, với phụ chú chữ Hán ở phía tay trái, và có chữ ký chứng thực của Rieunier. Phần sắp chữ typo, chỉ đề tên “Petrus Key, Giáo sư trường Thông ngôn.” Phần chữ Hán, có thêm chi tiết: nhất đẳng thông ngôn Trương Vĩnh Ký. (Đã trích đăng trong Chính Đạo, Hồ Chí Minh: Con người & Huyền thoại, tập I (1997); & Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, tập I (1999))

(3) Tài liệu thứ ba là bản dịch thư sứ đoàn Việt gửi “Phó vương” Alexandrie, cảm tạ sự tiếp đón nồng nhiệt sứ đoàn.

Dưới bản dịch Pháp ngữ này có chữ ký Petrus Trương Vĩnh Key; và lời thị thực của Trung tá Rieunier.” (những chữ in đậm là do người viết nhấn mạnh)

Vậy, theo ông Vũ Ngự Chiêu tức Nguyên Vũ, có đến ba (3) tài liệu “mới” “giúp khẳng định Petrus Key là Trương Vĩnh Ký sau này”.

Nhưng trong ba tài liệu “mới” để chứng minh Petrus Key là Petrus Ký như ông Nguyên Vũ cho biết, thì tài liệu thứ nhất lại chính là lá thư ký tên Petrus Key. Và như ta đã và sẽ thấy, tự trong lá thư đó chẳng có một chỗ nào cho thấy sự liên kết giữa Petrus Key và Petrus Ký. Do đó, lá thư này chẳng thể nào là một tài liệu giúp khẳng định Petrus Key là Petrus Ký sau này – như ông Nguyên Vũ đã nói – được!

Về tài liệu thứ hai, danh sách những người An Nam trong phái đoàn Pháp qua Paris năm 1863, quả nhiên có những chữ “Petrus Key”, và ta có thể xác định những chữ đó dùng để chỉ định Petrus Ký, bởi chức vụ nhất đẳng thông ngôn (nhị đẳng thông ngôn là Petrus Sang, đã nói trên). Đây cũng chính là cái danh sách đã được chụp chồng lên cái “phóng ảnh” của “phần nào” lá thư Petrus Key mà ông Nguyên Vũ cho đăng trong trang 68 của cuốn “Hồ Chí Minh, Con Người và Huyền Thoại” đã được dẫn ra ở trên. Như vậy, tài liệu này cũng chẳng có gì mới![24]

Và tài liệu này cũng chẳng hề chứng minh được rằng Petrus Key chính là Petrus Ký. Nhưng một điều quan trọng cần được nêu ra về tài liệu này: đó là một danh sách do người Pháp làm ra và in ra. Vì vậy, tên của ông Petrus Ký đã bị in sai thành “Petrus Key”, cũng như tên ông Phan Thanh Giản đã bị in sai ra thành “Phan-Thanh-Giang”. Chứ không phải là ông Petrus Ký đã tự viết, hay tự ký tên mình là “Petrus Key”, trong danh sách này. Và đây là một điểm khác biệt rất quan trọng mà người viết bài này sẽ trở lại trong phần 3 của bài viết, khi đi tìm tác giả lá thư Petrus Key.

Dưới đây là hình chụp danh sách nói trên:

Ky Yeu PK 2018 - 100

Ky Yeu PK 2018 - 101

Nhưng dù sao cũng phải ghi nhận rằng, đến đây, mười mấy năm sau khi viết Paris, Xuân 1996 và khẳng định rằng Petrus Key chính là Petrus Ký mà không có gì để chứng minh – thì giờ này, ít ra ông Nguyên Vũ cũng cho thấy là ông có “một” bằng chứng để kết nối hai cái tên Petrus Key và Petrus Ký, thay vì chỉ “khẳng định” khơi khơi như trước kia. Chỉ có điều, đây là một bằng chứng rất yếu ớt, như đã nói trên.

Sau cùng, về tài liệu “mới” thứ ba nhằm chứng minh rằng Petrus Key chính là Petrus Ký, ông Nguyên Vũ – Vũ Ngự Chiêu cho biết rằng đó là “bản dịch thư sứ đoàn Việt gửi “Phó vương” Alexandrie, cảm tạ sự tiếp đón nồng nhiệt sứ đoàn. . . Dưới bản dịch Pháp ngữ này có chữ ký Petrus Trương Vĩnh Key; và lời thị thực của Trung tá Rieunier”.

Chỉ có điều, giống y như khi “công bố” lá thư Petrus Key, ông Nguyên Vũ chỉ nói khơi khơi, mà không cho thấy, hay chứng minh những gì ông nói! Nghĩa là không có một bản sao hay ảnh chụp nào của tài liệu này để người đọc có thể kiểm chứng rằng đó có phải là chữ ký của Petrus Ký hay không.

Thậm chí lại không có cả chú thích là tài liệu đó ở nơi nào, để một người “trí thức lương thiện” lỡ thắc mắc có thể tìm ra nó, như ông Nguyên Vũ đã từng có ý kiến.

Thành ra, không hiểu rằng đây có phải quả thật là một “tài liệu để giúp khẳng định Petrus Key là Trương Vĩnh Ký sau này” hay không – hay là ông Nguyên Vũ chỉ thông báo cho người đọc biết là ông nói vậy mà thôi!

Người viết bài này có tìm được một bản viết tay bằng chữ quốc ngữ và chữ Pháp với nội dung cám ơn sự tiếp đãi phái đoàn Việt Nam ở xứ Ai Cập. Bản viết này được nhà nghiên cứu Hervé Bernard, cháu của ông Henri Rieunier, trưởng phái đoàn Soái Phủ Pháp năm 1863, đăng lên mạng.[25] Phần chữ quốc ngữ được ông Bernard cho biết là chữ viết của Petrus Ký, còn chữ Pháp là của Rieunier. Nhưng không hề có chữ ký của bất cứ ai trong trang giấy này.

Và đây là bản viết nói trên:

Ky Yeu PK 2018 - 102

Như vậy, bản viết tay này, nếu nó chính là “tài liệu thứ ba” nhằm chứng minh Petrus Key chính là Petrus Ký của ông Nguyên Vũ, thì rất tiếc là trong bản viết đó không hề có một dòng nào có cái tên “Petrus Trưong Vĩnh Key” như ông Nguyên Vũ cho biết.

Và do đó, nó cũng không phải là một thứ “tài liệu” hay bằng chứng gì để chứng minh rằng Petrus Ký chính là Petrus Key, như ông Nguyên Vũ kết luận.

  1. Lá Thư Của Borelle Về “Chú Ký”

Cũng trong cùng bài viết“Vài Tài Liệu Mới Về Petrus Key (Trương Vĩnh Ký) (1837-1898)” nói trên, ông Nguyên Vũ còn giới thiệu thêm một tài liệu khác. Theo ông Nguyên Vũ, đó là một lá thư viết bởi linh mục Borelle và gởi cho giám mục Lefèbvre. Nhưng một lần nữa, ông Nguyên Vũ lại chỉ cho người đọc thấy một bản dịch của lá thư trên, chứ không phải nguyên văn của nó.

Và lý do ông Nguyên Vũ giới thiệu lá thư này là vì trong đó có nhắc đến một “chú Ký”, như sau:

“Chú Cam [?]cùng về với chú Ký năm ngoái [1858] hiện trở thành tay nghiện cờ bạc và ăn trộm lớn, và tôi cũng chẳng ngạc nhiên lắm. Chú ta đã từng bị trừng phạt ở trường Pinang vì tội trộm cắp). . .

Tài liệu này có hai điểm đáng ghi nhận:

Năm 1858, Petrus Key đã về tới Cái Mơn, Vĩnh Long. Cùng từ trường Pinang về có ba “chú” khác bị sa thải vì hạnh kiểm.

Năm 1859, Borelle gọi Petrus Key là “chú Ký” mà không phải “Cha Ký” (như trường hợp “Cha Lựu.” Điều này có nghĩa Petrus Key chưa được thụ phong linh mục, và như thế không tốt nghiệp Chủng viện Pinang.

Phải chăng Petrus Key chính là loại “thày kẻ giảng bị trục xuất vì lý do hạnh kiểm” mà Đề đốc Rieunier sau này nhắc đến?”

Hai điểm “đáng ghi nhận” nói trên của ông Nguyên Vũ – Vũ Ngự Chiêu thật ra chỉ có một mục đích. Và đó là nhằm đánh đồng “chú Ký” – mà theo ông chính là Petrus Ký – cùng với ba người đồng học ở Penang đã có những hành vi không tốt đẹp. Để từ đó nêu lên khả năng Petrus Ký, cũng như ba ông kia, đều thuộc loại “thày kẻ giảng bị trục xuất” vì hạnh kiểm xấu.

Nhưng mà, trong sự cố gắng để hạ bệ Petrus Ký bằng bất cứ tài liệu nào, cũng giống như việc đã cho tất cả các “Petrus” thành Petrus Ký như ta đã thấy bên trên, lá thư của linh mục Borelle này lại là một tài liệu đi ngược lại với sự khẳng định của chính ông Nguyên Vũ – Vũ Ngự Chiêu.

Bởi, ông Nguyên Vũ đã từng khẳng định ngay trong bài viết này rằng Petrus Ký từ nhỏ chỉ có cái tên “Petrus Key”, như trong lá thư, rồi sau này mới tự đặt thêm cho mình cái tên Trương Vĩnh Ký. Như ông Nguyên Vũ đã tuyên bố, mấy năm sau đó mới thấy cái tên Trương Vĩnh Ký xuất hiện.

Nhưng, như vậy thì cái “chú Ký” trong lá thư tháng 3 năm 1859 của linh mục Borelle mà ông Nguyên Vũ vừa giới thiệu đó là ai? Chẳng hoá ra là Petrus Ký thật tình đã có cái tên “Ký” từ hồi nào rồi, ít nhất là từ hồi theo học ở Penang vào đầu thập niên 1850s? Chứ không phải là lúc đầu chỉ có tên “Key” như ông Nguyên Vũ đã khẳng định?

Thành ra, trong nỗ lực hạ bệ Petrus Ký bằng cách đặt nghi vấn rằng có thể Petrus Ký cũng là loại “thày kẻ giảng bị trục xuất” vì hạnh kiểm xấu, ông Nguyên Vũ lại tự đánh đổ cái kết luận trước đó của mình!

Nhưng, trở lại với lá thư Petrus Key, điều đáng ghi nhận nhất trong bài viết Vài Tài Liệu Mới Về Petrus Key (Trương Vĩnh Ký) (1837-1898) là, cuối cùng, sau mười mấy năm trời kể từ Paris, Xuân 1996, người đọc mới được thấy một … bản dịch của lá thư Petrus Key!

Và đây là lần đầu tiên mà ta có được nhiều hơn là vài dòng trích đăng đó đây trong các bài viết rải rác trước đó của ông Nguyên Vũ.

Xin mời các độc giả hãy đọc trọn bản dịch lá thư Petrus Key của ông Nguyên Vũ mà người viết đăng lại dưới đây. Bạn đọc có thể kiểm chứng qua trang báo Hợp Lưu trên mạng.[26]

Bản Dịch Lá Thư Petrus Key Của Ông Nguyên Vũ:

=========================================================================

Lược Dịch Thư Petrus Key

Gửi Đại Nguyên Soái Pháp

Kính gởi Đại quan (Ông chủ lớn)

Và các sĩ quan tôn kính của Đoàn Chiến Hạm Pháp Quốc,

Đáng lẽ tôi không được phép viết thư cho một người giữ chức vụ cao quý như Ngài; nhưng khi cái chết đang đe dọa từng bước chân, khi những hiểm nguy dồn dập đang vây quanh chúng tôi khắp nơi, tôi tin chắc rằng tấm lòng độ lượng của Ngài sẽ miễn thứ cho tôi được gởi đến Ngài những dòng chữ này. Tôi không dám hành động do lòng kiêu căng vô lối mà chỉ do sự dẫn giắt của ích lợi chung, và những hiểm nguy đang bao vây chúng tôi đã thúc đẩy tôi có hành động này.

Thuở xa xưa, khi các tông đồ bị bão tố dồi đẩy, đã van xin một cách tin tưởng với Thượng đế An lành “Hãy cứu chúng con, chúng con đang bị đắm chìm.” Nhưng nhu cầu khẩn thiết bất chấp các luật lệ. Mảnh giấy thô thiển này, lá thư vụng viết này sẽ trình bày rõ với Ngài hoàn cảnh thật khốn khổ của tôi; thực ra, ở đây, dọc đường đi, tôi chẳng có gì trên người, không giấy, không tài liệu, không cả nghiên mực đàng hoàng, không ngòi bút thích hợp. Nhưng tôi xin nhân danh người đại diện cho các đạo hữu Ki-tô, dâng lên Ngài những lời than van của chúng tôi; tôi xin kể cho Ngài nghe tất cả nỗi đau khổ và bạo tàn mà chúng tôi phải gánh chịu dưới ách chuyên chế của bọn quan lại, vì quí Ngài là những người báo thù cho sự Tự do cho chúng tôi, vì quí Ngài là sứ thần của Thượng Đế, trong cõi nước Chúa, đã được Chúa lựa chọn để giải cứu chúng tôi khỏi bàn tay của kẻ thù chúng ta, giống như trước đây Chúa đã sai Samson đi rửa hận cho dân tộc ông ta, hay đã sai Moise đến giải phóng dân Israel (Do Thái) khỏi lao tù Egypt (Ai Cập), hay đã phái Joseph đến giới thiệu ngôi nhà của Jacob trong những cánh đồng bình an ở Channan….

Chiêm nghiệm sự thụ mệnh Thượng Đế, nhìn lại biết bao đại dương Ngài đã vượt qua, biết bao xứ và vương quốc Ngài đã đặt chân, biết bao mối hiểm nguy, trên đất liền cũng như ngoài biển cả, để đến được với chúng tôi, chúng tôi có một niềm tin và hy vọng sẽ được Ngài bảo vệ. Hiện nay, chúng tôi giống như bầy cừu non giữa đàn chó sói đói mồi; sự chết truy đuổi không ngừng; sự khủng bố dầy phủ chốn cư ngụ; và lưỡi gươm chờ trực trước cửa. Giữa bầu không khí sợ hãi triền miên đó, giữa những nguy hiểm bất tận đó, trợ lực duy nhất của chúng tôi là hy vọng vào Ngài. Chiến dịch bài đạo ngày càng gia tăng, nơi đâu cũng có đặt Thập tự Giá dưới bước chân của chúng tôi, và [quan binh] căn cứ trên thái độ kính mến hay khinh bỉ Thập tự Giá mà nhận diện chúng tôi; những tòa án chờ đợi chúng tôi ở mọi ngả đường. Chúng tôi ngã xuống, chết vì những đòn vọt; chúng tôi bị vất vào ngục thất để chờ chết. Ngày thì phải lo việc sưu dịch nặng nhọc, ban đêm thì phải canh gác bảo vệ an ninh làng xóm, và thật ít khi có được giấc ngủ. Họ tên chúng tôi bị niêm yết trên những bản cáo thị, ngày đêm bị kiểm soát, không phút giây xao lãng. Tôi còn biết nói gì hơn…? Ngày và đêm trĩu nặng ưu tư. Lưỡi dao của đao phủ đe dọa. Trước mắt là hố thẳm, sau lưng đàn sói! Và chúng tôi kẹt giữa ngục đá và sự tử đạo dưới lưỡi dao đang dơ cao. Nhiều nhà truyền giáo đang bị giam cầm trong ngục thất và rất nhiều đạo hữu Ki-tô đang ở trong tay kẻ thù. Hôm qua, văn thư của các quan lại lưu truyền khắp các làng mạc, cho lệnh tăng cường thêm từ 10 tới 20 người cho các toán lính chịu trách nhiệm lùng bắt tín đồ của Chúa; và đã có nhiều người đang phải rên xiết dưới gông cùm trong tòa thành mà người ta mới dựng lên gần cầu Tham Lương. – Tất cả chúng tôi chắc sẽ chịu chết nếu Ngài không kịp đánh đuổi kẻ thù của chúng ta. Đây là tình trạng khốn khổ mà chúng tôi đang sống; tinh thần chúng tôi trôi nổi bấp bênh; mối sợ hãi và lo lắng làm héo mòn và tiêu tán dần con người của chúng tôi. Chẳng còn sự nghỉ ngơi thân xác! Chẳng còn được sự an bằng tinh thần! Thật đúng vậy! Bụng dạ đâu mà nhai nuốt, hay cách nào thưởng thức sự êm ái của chiếu nằm khi con người luôn luôn thấy lưỡi gươm đang treo trên đầu họ?… Phần tôi, kẻ nô bộc hèn mọn của Ngài, đang nôn nóng tìm gặp Ngài, đã buộc phải dừng lại sau khi đã đi được ba phần tư chặng đường, sau khi đã đổi ngựa và người để đi cho đến đích cuối của cuộc hành trình. Các đồn binh được dựng lên khắp mọi nơi, những cuộc khám xét thường xuyên dài theo các trục lộ mà tôi phải vượt qua, và tôi như một con cá đang lội trong một dòng sông khô cạn, chẳng còn phương tiện để tiếp tục. … Tôi đã cố gắng vượt qua rừng rậm, đồng ruộng, đồi núi và bình nguyên để đến với Ngài, dù khó khăn cách nào đi nữa chẳng quản ngại, mà cũng không được. Chỉ đành biết chờ đợi các vũ khí vô địch của Ngài đến giải cứu tôi. Trên đây là những nỗi khó khăn của chúng tôi, mà theo chỗ tôi hiểu, có lẽ Ngài không phải không biết đến. Nếu trái tim Ngài chưa khép kín sự Bác ái mà Chúa Jésus Christ đã từng rao giảng, để làm tròn sự mong đợi của Giáo hội, thì xin Ngài hãy mở rộng bàn tay cứu giúp, giương rộng cánh tay đầy quyền năng, và Ngài sẽ xứng đáng với Chúa và Giáo hội. Rất đông [quân địch] đang bao vây Ngài, nhưng Ngài sẽ chế ngự được họ không mấy khó khăn. Vì sự sợ hãi đã xâm chiếm kẻ thù của chúng ta và làm cho họ không dám đến gần. 

Tôi đã thấy những đám lính đào ngũ, và đã nghe tin đồn rằng trong quân đội, từ cấp chỉ huy đến tên tiểu tốt, hầu hết đều nói rằng mặc dù có lệnh quan, họ neo thuyền giữa giòng sông để nếu cần sẽ lội thoát thân. Cả dân tộc, kể cả kẻ ngoại đạo, đang rên xiết và đòi hỏi hòa bình với những lời thảm thương. Họ nói: “Nếu vì quyền lợi vương quốc thì họ phải cho chúng ta thấy có một ông vua đem lại sự thái bình cho chúng ta, chấm dứt những công việc khổ nhọc… mà các quan lại đòi hỏi để phục vụ chiến tranh – Tại sao lại phải làm việc không công suốt ngày? Ai muốn ngồi trên ngai vàng cũng được miễn là họ làm nhẹ được gánh nặng của chúng tôi?” Xin đừng chần chừ nữa, xin mở rộng bàn tay giải phóng của Ngài để chấm dứt những nỗi cơ cực của dân tộc chúng tôi. Sự quang vinh và danh dự của Ngài đòi hỏi Ngài phải làm, những mối ưu khổ của chúng tôi cũng đòi hỏi Ngài phải làm nhiệm vụ đó. Và các thế kỷ sau sẽ nói đến chiến công của Ngài, sự tưởng nhớ Ngài sẽ không bao giờ phai, những lời tán dương về Ngài sẽ lưu truyền trong lịch sử Giáo hội, và tên Ngài sẽ được tôn vinh đời này qua đời khác, và quan trọng hơn cả là Ngài sẽ xứng đáng sống đời đời trên cõi Trời, cuộc sống hằng cửu, mà người thường khó đạt được.

Hãy thương xót chúng tôi. Hãy thương xót chúng tôi. Quí Ngài là những nhà giải phóng của chúng tôi và bàn tay của kẻ thù đã xâm phạm đến chúng tôi! Than ôi! Người đi giày biết rất rõ chiếc giày thốn đau ở chỗ nào. Chúng tôi cũng biết là “Kẻ nào ôm đồm quá nhiều thì giữ không được chặt.” Nhưng những nỗi khổ đau của chúng tôi đã khiến chúng tôi phải kêu cứu đến quyền lực của Ngài và đệ trình lên Ngài, tự đáy lòng của chúng tôi, tất cả những sự việc kể trên mong chờ sự thận trọng và minh triết của Ngài phán đoán.

Người nô bộc hèn mọn

và vô dụng.

Petrus Key


[6] Nguyên Vũ, Paris, Xuân 1996, Nhà Xuất Bản Văn Hoá, Houston, 1997

[7] Ibid, p. 67. Chữ sic trong ngoặc là do người viết thêm vào trong câu trên để cho biết ông Nguyên Vũ đã viết y như thế. Và đó là vì ông Nguyên Vũ đã sai lầm về tuổi của Petrus Ký. Petrus Ký sinh ngày 6 tháng 12 năm 1837. Do đó, tháng 3 năm 1859, ông chỉ mới 21 tuổi! Còn chữ sic thứ hai do người viết thêm vào là để cho biết ông Nguyên Vũ cũng đã sai lầm trong đoạn văn trên đây vì cái tên được viết trong lá thư Petrus Key là Josué tức Joshua tức Gio Duệ, chứ không phải Jacob như ông Nguyên Vũ đã trích dẫn. Người viết sẽ nói đến sự sai lầm này với nhiều chi tiết hơn trong những chương sau.

[8] Ibid

[9] Ibid, pp. 68-69.

[10] Tên đúng của nhân vật này là Théophile Le Grand de la Liraye

[11] Ibid, pp.70-71. Ông Nguyên Vũ đã sai lầm khi cho rằng trường Petrus Ký được đặt tên này vào năm 1946 bởi chính phủ Nam Kỳ Tự Trị (một chính phủ thân Pháp) của Nguyễn Văn Thinh. Trong thực tế, theo nghị định của thống đốc Nam Kỳ De La Brosse vào ngày 18 tháng 12 năm 1927, trường Collège Franco Indigene tại Chợ Quán mới được đổi tên thành “Collège Pétrus Ky”. http://gilbert.tvt.free.fr/ddpk/wa_files/hommage.pdf. Như vậy, ngôi trường này được mang tên Petrus Ký lần đầu tiên là vào năm 1927-8 chứ không phải tận năm 1946 như ông Nguyên Vũ đã viết. Cần nói thêm là vì sự sai lầm rất rõ ràng này, nên sau đó, trong bài viết “Góp Phần Nghiên Cứu Về Trương Vĩnh Ký” – “Ngàn Năm Soi Mặt”, ông Nguyên Vũ đã đính chính như sau:”Trở lại với những chi tiết viết về Petrus Key trong tập Paris: Xuân 1996. Do lỗi kỹ thuật, khi đánh máy (trang 70, dòng 7) mất hàng chữ “thập niên 1920, chế độ Bảo hộ Pháp, và rồi,” nên chỉ còn “từ năm 1946, chính phủ Nam Kỳ Tự trị của Y sĩ Nguyễn Văn Thinh đã lấy tên Petrus Ký đặt tên trường trung học bản xứ lớn nhất Sài Gòn.” Như vậy, ông Nguyên Vũ đã cho rằng sự sai lầm nói trên là do lỗi đánh máy, chứ không phải tại ông! Tuy nhiên, nếu bạn đọc ráp lại trọn câu mà ông đã sửa thì nó sẽ thành như sau: “Để tưởng nhớ công đức với tân trào, thập niên 1920, chế độ Bảo hộ Pháp, và rồi, từ năm 1946, chính phủ Nam Kỳ Tự Trị của Y sĩ Nguyễn Văn Thinh lấy tên Petrus Ký đặt cho trường trung học bản xứ lớn nhất Sài-gòn.” Bạn đọc có thể thấy ngay rằng sự sửa chữa này là một khỏa lấp chữa thẹn khá vụng về. Bởi có lẽ vì sửa chữa khá vội vàng, nên ông Nguyên Vũ đã quên không thêm một dấu phẩy sau chữ Thinh. Làm như vậy, thì câu được sửa mới có nghĩa là cả hai chế độ Bảo Hộ Pháp và chính phủ Nguyễn Văn Thinh đều lấy tên Petrus Ký để đặt cho trường trung học bản xứ vào hai thời điểm khác nhau, chứ không phải chỉ có chính phủ Nguyễn Văn Thinh đặt tên trường như ông Nguyên Vũ đã viết lúc đầu! Và thật ra, cho dù ông Nguyên Vũ đã có cố gắng khỏa lấp sai lầm bằng cách cộng thêm vào đoạn “thập niên 1920, … , và rồi”, thì phần chính của câu trên, như đã thấy, vẫn còn là “chính phủ Nam Kỳ Tự Trị của Y sĩ Nguyễn Văn Thinh lấy tên Petrus Ký đặt cho trường trung học bản xứ …” Trong khi đó, chính phủ Nguyễn Văn Thinh hoàn toàn không có liên hệ gì với việc đặt tên trường Petrus Ký cả! Tại sao ông Nguyên Vũ lại phải lôi chính phủ Nguyễn Văn Thinh vào đây, nếu không phải vì lý do muốn gán ghép ông Petrus Ký với một chính phủ bù nhìn do Pháp dựng lên? Xin các bạn đọc tự kết luận!

[12] Ibid, pp. 72-73

[13] Vũ Ngự Chiêu, Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, 1833-1945, Tập 1, Văn Hoá, Houston, 1999, p. 110.

[14] Ibid, p. 130.

[15] Nguyên Vũ, “Góp Phần Nghiên Cứu Về Trương Vĩnh Ký (1837-1898) – Ngàn Năm Soi Mặt”, 2002, 2010.

http://www.vietnamvanhien.net/gopphannghiencuvetruongvinhky.html

Hay http://nhandanvietnam.org/view.php?storyid=872

[16] Chính Đạo, Hồ Chí Minh, Con Người & Huyền Thoại, Văn Hoá, Houston, 1997.

[17] Nguyên Vũ, Góp Phần Nghiên Cứu Về Trương Vĩnh Ký 1837-1898 (Ngàn Năm Soi Mặt)

[18] Nguyên Vũ, “Góp Phần Nghiên Cứu Về Trương Vĩnh Ký (1837-1898) – Ngàn Năm Soi Mặt”, 2002, 2010.

http://www.vietnamvanhien.net/gopphannghiencuvetruongvinhky.html

Hay vào trang này nếu link trên không còn: http://nhandanvietnam.org/view.php?storyid=872

Chú ý là trang mạng nhandanvietnam nói trên cắt bài “Góp Phần Nghiên Cứu Về Trương Vĩnh Ký (1837-1898) thành nhiều phần. Những đoạn bị cắt nằm bên tay phải trong ô chữ màu xanh.

[19] Ibid.

[20] Ibid, phần “Petrus Key Hay Petrus Ký, http://nhandanvietnam.org/view.php?storyid=873

[21] https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1c_th%C3%A1nh_t%E1%BB%AD_%C4%91%E1%BA%A1o_Vi%E1%BB%87t_Nam

[22] Ibid, phần “Tham Chánh Trong Tân Trào”, http://nhandanvietnam.org/view.php?storyid=875

[23] Vũ Ngự Chiêu, “Vài Tài Liệu Mới Về Petrus Key (Trương Vĩnh Ký) (1837-1898)”, Hợp Lưu, 17/2/ 2011

https://hopluu.net/a183/vai-tai-lieu-moi-ve-petrus-key-truong-vinh-ky-1837-1898

[24]http://nguyentl.free.fr/Public/Herve-Bernard/HENRI_RIEUNIER_ET_LES_SOUVENIRS_DE_TRUONG_VINH_KY.pdf

[25] http://nguyentl.free.fr/Public/Herve-Bernard/HENRI_RIEUNIER_ET_LA_CONQUETE_DE_LA_COCHINCHINE_(1858-1863).pdf

[26] Ibid, https://hopluu.net/a183/vai-tai-lieu-moi-ve-petrus-key-truong-vinh-ky-1837-1898