Kỷ niệm về thầy tôi, bạn tôi

Trần Hữu Hiệp

Văn, sử, địa, toán, lý, hóa, sinh ngữ, sinh vật, công dân – triết, thể dục, âm nhạc, hội họa…

12 môn học mở ra một đại dương kiến thức. Thầy cô xưa không nhồi nhét cho bằng hết cái đại dương đó vào những cái đầu non nớt của học trò. Thầy cô đã truyền cảm xúc, khơi gợi niềm đam mê và giúp học sinh tự thân vận động để thỏa mãn niềm đam mê đó. Ai mê môn nào, lao vào khám phá sẽ giỏi môn đó. Văn có Vũ Hữu Đức, toán có Đỗ Đình Tuấn, sử có Nguyễn Thanh Lâm, Pháp văn có Phạm Trần Lân…

Rủi cho tôi là tôi thích đủ thứ, mê đủ thứ nên mãi đến hết cấp ba tôi cũng không biết mình thực sự thích môn gì nhứt. Mẹ thấy tôi mê học quá, sợ mai mốt tôi bị điên. Thực ra, có lao vào trải nghiệm mới biết khả năng mình tới đâu. Say mê nhặt nhạnh vài hòn sỏi, vài hạt cát giữa sa mạc mênh mông thì cũng đâu có gì đáng kể.

Niên khóa 75-76 có thằng bạn tên Nguyễn Bắc Sơn từ Đàng Ngoài vô học. Nó gàn dở, không quen nề nếp kỷ luật của trường. Có lần nó xếp hàng vào lớp mà còn đội nón cối. Thầy Đặng Công Hầu nghiêm nghị nóng tánh xán cho nó một bộp tay, không cho nó vô lớp.

Nói chuyện với tụi tôi, nó nói nó là người chiến thắng còn tụi tôi là cái đám bại trận. Trưởng lớp Phùng Chí Dũng quýnh nó. Ba nó vô mét, ban giám hiệu kêu Dũng lên nói chuyện kiểm điểm, đuổi học. Dũng nói một câu xanh dờn:
– Thầy khỏi đuổi, em sẽ tự xin nghỉ.

Năm ấy tụi tôi chỉ 12, 13 tuổi. Thầy Nguyễn Xuân Hoàng (dạy văn, không phải giáo viên chủ nhiệm) đã đến tận nhà Dũng để khuyên nó đi học lại. Cuối cùng nó cũng nghỉ học. Thầy Hoàng sau đó cũng nghỉ dạy, ra buôn bán chợ trời. Sau đó thầy định cư ở nước ngoài.

Bạn tôi không phải ai cũng thành công trong cuộc sống. Điều đó không quan trọng. Tôi thích nhất là cái khí chất của mỗi đứa không lẫn lộn với ai. Thỉnh thoảng tụi tôi vẫn gặp nhau ôn lại kỷ niệm xưa.

Trong tôi Phùng Chí Dũng mãi là một đại trượng phu, thầy Nguyễn Xuân Hoàng mãi là một người cha.