Kỷ niệm ngày xanh

Nguyễn Việt Dũng

Petrus Ký 1964-71

Nhà sách Khai Trí trước 1975

Nhân chuyện của người lại nhớ chuyện của ta. Tôi đã đọc bài đăng trong trang web Petrus Ký Úc châu đã được đăng những hai lần về một cậu học sinh Petrus Ký lấy sách của tiệm sách Khai Trí ở Sài Gòn vào khoảng năm 1959-1960. Tôi hồi tưởng lại chuyện mình đã làm cũng trong nhà sách Khai Trí khoảng năm 1969-1970, mười năm sau đó. Chuyện này nếu tôi không nói ra thì cũng chẳng ai biết, vì đã không bị phát hiện. Thật ra, cũng chẳng có gì ghê gớm vì đây không phải là một vụ ăn cắp sách mà là một vụ lén lút đổi sách.

Số là hồi còn học ở bậc tiểu học tôi đã bắt đầu ngưỡng mộ ông Trương vĩnh Ký nên khi lớn lên tôi cũng muốn bắt chước ông, học nhiều ngôn ngữ. Trước tiên, tôi ước ao thi vào trường trung học Petrus Trương vĩnh Ký vào năm 1964. Tôi xuất thân ở làng Chợ Đệm, quận Bình Chánh, tỉnh Gia Định. Tất cả các bạn học của tôi đều thi vào trường Mạc Đĩnh Chi. Tôi thì không. Ai cũng sợ tôi sẽ không đậu, ít ra  ngay lần đầu tiên. Vậy mà tôi đã đậu vào trường Petrus Ký ngay lần đầu tiên năm 1964, hạng 400. Năm ấy trường Petrus Ký chỉ lấy chính thức 400 học sinh vào lớp Đệ Thất. Nhưng thật ra, có vài chục học sinh nữa cũng được cho vào lớp Đệ Thất năm ấy, gọi là đậu vớt, chẳng hạn có bạn đậu hạng 416 cũng được vào học. Lớp Đệ Thất 2 của tôi có đến 54 học sinh. Và đã có đến 8 lớp Đệ Thất năm ấy, 4 lớp chọn Pháp văn làm sinh ngữ, 4 lớp kia chọn Anh văn làm sinh ngữ. Nếu như mỗi lớp đều có trên 50 học sinh như Đệ Thất 2 thì số học sinh trúng tuyển chính thức và dự khuyết phải trên 400, thậm chí gần 450 người.

Lên lớp Đệ Tam (sau đó đổi thành lớp 10), tôi lại chọn Đức ngữ thay vì Anh văn làm sinh ngữ 2, và giấc mơ theo gót chân ông Trương vĩnh Ký được kích hoạt. Tôi không học Anh văn trong lớp ở trường petrus Ký nhưng tôi chọn tự học riêng ở nhà theo sách giáo khoa hiện hành. Thời đó có nhiều sách giáo khoa lắm, nào là English for Today, hoặc sách dành cho chương trình Pháp, L’anglais vivant, tha hồ mà chọn. Ngoài ra tôi cũng muốn tự học thêm, tiếng Tây Ban Nha, rồi tiếng Ý, rồi tiếng Nga và tiếng Hoa. Tôi chỉ giới hạn có 7 thứ tiếng vì một tuần lễ chỉ có 7 ngày, và mỗi ngày tôi học chỉ một thứ tiếng thôi: Thứ Hai, tiếng Pháp; Thứ Ba, tiếng Đức; Thứ Tư, tiếng Anh; Thứ Năm tiếng Tây Ban Nha; Thứ Sáu, tiếng Ý; Thứ Bảy, tiếng Nga và Chủ nhật, tiếng Hoa. Để học tiếng Tây Ban Nha tôi đã mua cuốn sách dành cho người Pháp là L’éspagnol sans peine. Sau này tôi tìm được một cuốn sách có phương pháp hay hơn là El buen camino, nên tôi muốn trả lại cuốn đầu tiên  L’éspagnol sans peine để lấy cuốn Le russe sans peine  để học tiếng Nga, mà không cần phải trả tiền thêm. Không biết giải thích ra sao với nhân viên tiệm sách tôi bèn kẹp cuốn sách L’éspagnol sans peine giấu trong cái áo mưa xếp gọn dưới nách và sau đó bỏ nó xuống kệ và đem cuốn Le russe sans peine về nhà, qua lọt cửa, không bị ai phát hiện. Thật ra, tôi đã trả tiền rồi lần trước, lần này chỉ tùy tiện đổi sách thôi, chứ không có lấy cắp. Hai sách có cùng giá nên không phải là vấn đề.

Tôi đúng là một con mọt sách. Tôi đã bỏ tiền ra mua rất nhiều sách. Một trong những sách mà tôi dám mua là sách Le piéton de l’espace do Alexei Leonov người Nga viết (bằng tiếng Nga và được dịch sang tiếng Pháp) để kể lại chuyến đi bộ trong không gian ngày 19 tháng 3 năm 1965, trong đó ông kể lại cảm giác của ông khi ở trong không gian, ông cố định ra vị trí của nước Việt Nam từ không trung. Tôi đã mua sách đó ở nhà sách Xuân Thu nằm ở đường Tự Do với giá 700 đồng thời bấy giờ. Thời đó mỗi tháng tôi chỉ nhận được 500 đồng để chi tiêu vặt, tức là đúng một ông Trần Hưng Đạo. Tiền giấy thời đó (khoảng năm 1969-1970) có mệnh giá cao nhất  là 500 đ (sau này lên đến 1.000 đ, 5.000 đ). Tờ 200 đ có in hình ông Nguyễn Huệ và tờ 100 đ có in hình ông Lê văn Duyệt. Vậy là để mua sách đó tôi đã tiêu hết một ông Trần Hưng Đạo và một ông Nguyễn Huệ, hoặc 3 ông Nguyễn Huệ với một ông Lê văn Duyệt, hay 7 ông Lê văn Duyệt.

Tôi cũng mua cuốn Madame Curie do Ève Curie viết. Hồi còn học tiểu học tôi bắt đầu ngưỡng mộ bà Marie Curie là người đã từng khám phá ra chất polonium và radium. Tôi thấy thích thú về một vài chi tiết trong tiểu sử của bà. Bà sinh ngày 7 tháng 11 năm 1867, hưởng thọ 67 tuổi. 1867 + 67 = 1934. Đúng, bà mất ngày 4 tháng 7 năm 1934. Có gì lạ trong đó? Ngày bà sinh là ngày 7; năm bà sinh chấm dứt bằng con số 7. Ngày bà mất là ngày 4; năm bà mất chấm dứt bằng con số 4. Ngày bà sinh là ngày 7, tháng bà mất là tháng 7. Ngày bà mất là ngày 4, ngày bà sinh là ngày 7; 4 + 7 = 11; 11 là tháng bà sinh. Có những sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tôi thật lẩm cẩm khi để ý đến những chi tiết như thế. Dù sao đó là cả một quãng đời thơ ấu của tôi, những ngày xanh đã qua đi mất rồi.

Nguyễn Việt Dũng

Petrus Ký 1964-1971

Ngày 11.11.2021