KỶ NIỆM LỚP 6P1 -9/P1 NIÊN KHÓA 1974-1978

(Trích HỒI ỨC VỀ TRƯỜNG XƯA – Trần Hữu Hiệp 6/1-9/1- C2 khóa 1974-1981)

TrungHocPetrusKySaigon

Việc đầu tiên thầy Thẩm Túc làm trong cương vị giáo sư hướng dẫn là tổ chức cho lớp bầu ban chỉ huy. Ban chỉ huy bấy giờ gồm các vị trí sau:
Lớp trưởng
Lớp phó học tập
Lớp phó kỷ luật
Trưởng ban báo chí
Trưởng ban văn nghệ
Trưởng ban thể dục thể thao
Trưởng ban khánh tiết

Các năm sau đó rất dễ vì đã có thời gian học cùng nhau, biết cái uy và sở trường sở đoản của từng người. Năm lớp 6 thì ai cũng mới, chỉ xem mặt mà đoán người. Thể lệ là tự do ứng cử và bầu trực tiếp. Vui nhất là màn bầu lớp trưởng.  Ai nhiều phiếu nhất là trưởng lớp. Hai người có số phiếu về nhì và về ba được làm lớp phó. Ai mặt thư sinh được bầu làm lớp phó học tập, ai mặt ngầu được bầu làm lớp phó kỷ luật.

Tống Văn Minh được bầu làm lớp trưởng. Lớp phó kỷ luật là Cao Xuân Thi. Lý Khắc Thành Tín được ít phiếu nhất, chỉ có một phiếu. Cả lớp thắc mắc không biết ai đã bầu cho nó. Tui vỗ đùi cái đét, nói nó bầu cho nó chứ còn ai nữa. Cao Xuân Thi tỏ vẻ thất vọng:
– Thưa thầy, mẹ em dặn có làm lớp trưởng thì làm, không làm lớp phó.
Cuối cùng Thi cũng miễn cưỡng nhận trách nhiệm.

Kết quả:
Lớp trưởng: Tống Văn Minh (biệt tích ngay ngày 30/04)
Lớp phó học tập: Lê Minh Tân (Đang ở USA)
Lớp phó kỷ luật: Cao Xuân Thi (Đang ở USA)
Trưởng ban báo chí: Vũ Hữu Đức (Đang ở VN)
Trưởng ban văn nghệ: Nguyễn Thanh Nhựt (Đang ở VN)
Trưởng ban thể dục thể thao: Lê Ngọc Giao (Đang ở VN)
Trưởng ban khánh tiết: Thái Đức Giang (Đang ở Pháp)

Hồi xưa trưởng là trưởng, phó là phó. Danh xưng không lộn xộn như bây giờ. Không có vụ phó lớp trưởng, phó chỉ huy trưởng, phó trưởng phòng… Mỗi lần nghe mấy chức danh tào lào này, tui lại nhớ tới Cao Xuân Thi.

Ngày 08/04/1975, lớp 6/1 thi học kỳ 2 môn Pháp văn. Vì chưa học động từ demander, tui đang cắn bút câu Que demande la cigale chez la fourmi. Bỗng vài tiếng bom nổ vang lên. Ông Nguyễn Thành Trung đang ném bom dinh Độc Lập. Sau đó là lệnh giới nghiêm 24/24. Thời kỳ biến động bắt đầu.

30thang4-1975Tiếp sau đó là 30/04. Một số bạn có ba mẹ đi học tập cải tạo không biết ngày về. Rồi nhà bị đánh tư sản. Rồi nhà bị đuổi đi kinh tế mới. Rồi ngăn sông cấm chợ, sống đời tem phiếu. Đồ đạc trong nhà lần lượt ra đi không cần đội nón. Rồi đến phân biệt lý lịch trong thi cử. Chiến tranh nổ ra. Đứa đi nghĩa vụ, đứa vượt biên. Bạn bè đứa còn đứa mất lai rai. Đám còn lại nhìn nhau nhớn nhác. Thầy cô cũng kẻ ở người đi. Ước mơ tan vỡ, tuổi thơ nổi loạn. Tất cả đắm chìm trong cái phương châm đói dễ sai, dốt dễ gạt, yếu dễ ăn hiếp. Trong các tội ác, đáng ghét nhất là đạp đổ chén cơm người khác, đáng phỉ nhổ nhất là đạp đổ ước mơ của người khác. Tuổi học trò đâu chỉ có ước mơ xanh. Tuổi thơ còn là nỗi thất vọng và chúng tôi đã cùng nhau trãi qua tuổi thơ như vậy nên thương nhau lắm.

Trần Hữu Hiệp (PK 1974-81)