KỶ NIỆM KỲ THI ĐỆ THẤT NIÊN KHÓA 1974-1975.

(Trích HỒI ỨC VỀ TRƯỜNG XƯA – Trần Hữu Hiệp 6/1-9/1- C2 khóa 1974-1981)

Trước 1975, học sinh trường công không phải đóng tiền học. Hồi tiểu học, việc học của con không là gánh nặng của cha mẹ. Từ lớp một đến lớp ba, sách vở do nhà trường cho mượn. Đến cuối năm học, học sinh trả sách lại cho trường. Mới vào lớp một, thầy Tại, một thầy giáo già sắp về hưu ôn tồn bảo chúng tôi:
– Các con vào đây cố gắng học tốt, sau này trở thành người có ích cho xã hội. Trường lớp là do tiền thuế của cha mẹ các con đóng góp mà có. Các con phải giữ gìn cho các lớp đàn em.

Đó là bài học đầu tiên về dân chủ và ý thức công dân thầy dạy cho chúng tôi.

Mỗi ngày đi học mẹ cho tôi 5 đồng khía. Dần dần, tiền đi học tăng lên thành 20 đồng chì. Hồi xưa đi học có thêm vụ phát bánh mì miễn phí và xếp hàng uống sữa miễn phí. Trường cho học sinh mượn sách giáo khoa để học, cuối năm trả lại. Đến năm lớp 4 và lớp 5, trường không cho mượn sách nữa. Học sinh phải mua sách để học. Hồi đó tôi rất mê học. Sách vở của anh chị để lại tôi lấy ra đọc say sưa. Tôi thích bộ Khoa Học Cho Tuổi Trẻ của ban giáo sư Alpha. Nào là ánh lửa đêm đông, vầng sáng nhiệm mầu, bóng ma trong rừng Mỹ Châu, anh hùng nào giang san nấy, điệu đàn muôn thuở…Những quyển sách gợi cho tôi một niềm đam mê khoa học tự nhiên. Kế đến là các tạp chí phổ biến khoa học như thời nay, giai phẩm M và các sách giáo khoa của anh chị để lại nữa…

Huy hieu 3Năm 1973, có một người đến nhà tôi để tự vận động tranh cử vào nghị sĩ thượng viện. Một cách vận động tranh cử hơi lạ. Ba mẹ có vẻ thờ ơ. Tôi thì hiếu kỳ, lấy tờ vận động tranh cử ra xem. Ông ta là cựu học sinh trường Petrus Trương Vĩnh Ký. Ông nội nói trường là trung tâm đào tạo nhân tài cho miền Nam từ những năm đầu thế kỹ 20. Niềm mơ ước vào trường Petrus Trương Vĩnh Ký bắt đầu từ đó. Cả nhà can ngăn, sợ tôi không đủ sức, lỡ thi rớt phải đi học trường tư thục Bồ Đề thì đóng tiền mệt nghỉ. Lúc ấy tôi mới 11 tuổi nhưng đã quyết tâm lắm, ngày đêm rèn luyện cuốn 111 đề thi đệ thất của ông Nguyễn Tất Lâm chờ ngày ứng thí.

Học sinh muốn vào đệ thất phải qua kỳ thi tuyển ba môn. Đó là câu hỏi thường thức, tập làm văn và toán. Câu hỏi thường thức là câu hỏi các môn học bài như sử ký, địa lý, đức dục, vệ sinh thường thức, khoa học. Tập làm văn năm ấy là bài luận về tiết kiệm. Toán chủ yếu là hình học, diện tích, thể tích, động tử cùng chiều, nghịch chiều. Tôi thường học rất kỹ hàng ngày, thậm chí học trước. Đến cách ngày thi vài hôm là tôi bỏ hết, đi chơi giảm stress chứ không học nữa. Đến ngày thi, anh tôi hơi lo, lấy sách ra lật ngẫu nhiên một vài đề hỏi tôi. Hên là tôi vẫn nhớ và những câu anh hỏi có một số trùng với đề thi.

Đề thi năm ấy không khó. Chẳng thà khó, thi xong mình có thể đoán ngay được kết quả. Còn đề không khó thì ai cũng có thể làm được, chỉ cần cẩu thả tí là mất điểm. Mà tôi vốn là thằng cẩu thả. Bài thi chỉ cần già nửa thời gian là làm xong nhưng cũng chả lấy gì bảo đảm. Chiều hôm trước ngày chính thức thông báo kết quả thi lớp 6, tôi nóng lòng muốn biết trước nên chạy tới trường. Trên tấm bảng lớn treo phía trên, chính diện của hành lang danh dự, số ký danh 583 ghi bằng phấn trắng rõ mồn một. Tôi bàng hoàng, véo thử vào tay. Đây là sự thật, đậu rồi, con đậu rồi ba mẹ ơi. Cả nhà mừng vui như tết. Thiệt là hay không bằng hên.

Ba tặng một trái banh và bảo:
– Từ đây ba chỉ cần con chuyên tâm học. Mọi chuyện khác có ba mẹ, anh chị lo.
Sáng hôm sau, cả nhà kéo đến trường để chiêm ngưỡng kỳ tích của thằng quý tử. Tôi được 48 điểm rưỡi, hạng 49 trong số các học sinh thi đỗ, một thành tích ngoài sức tưởng tượng. Ngoài ra, tôi còn được nhận một suất học bổng dành cho học sinh đậu từ hạng 1 đến hạng 50.

Tran Huu Hiep - photo 3aNgày tựu trường đã đến. Từ một anh đàn anh của tiểu học, tôi bỗng trở thành thằng em út của một trường trung học. Từ một võ lâm minh chủ của trường Nguyễn Khoái quận 4, tôi bỗng trở thành một nhân vật thường thường bậc trung của lớp 6/1. Tôi biết mình phải cố gắng nhiều. Năm đó tôi cũng ráng lấy được vài cái bảng danh dự. Đến giờ, tôi vẫn gìn giữ chúng như những báu vật.

Trường có nội quy rất nghiêm ngặt. Học sinh coi thầy cô như cha mẹ, gặp thầy giám thị là không dám đến gần. Lỡ có lầm lỗi, bị la rầy, học sinh dù oan hay không cũng không than oán. Chúng tôi sợ nhất là bị cấm túc. Ngày bạn khác được nghỉ, mình phải tới trường học bài, trả bài. Sôi kinh nấu sử trong tù ngục vài lần là bị đuổi học. Sau này nghĩ lại, tôi mới thấy trường có một cách giáo dục khá đặc biệt. Giáo viên bề ngoài nghiêm khắc, bên trong thì rất thương học sinh. Thầy cô đã khơi gợi cho học sinh niềm đam mê, tự thân vận động để thoả mãn niềm đam mê đó.

Sau 75, lớp 6/1 mất đi một số bạn. Số bạn còn lại bị dao động dữ dội do thời cuộc ảnh hưởng đến gia đình. Trường tập trung lớp trong một tháng hè để bổ túc phần còn lại của chương trình lớp 6. Phùng Chí Thành là học sinh đầu tiên từ bắc “tập kết” vào nam. Đến lớp 7, đội ngũ này tăng dần lên: Bắc Sơn, Công Nguyên, Nguyễn Nhì, Minh Nam, Hoài Nam, Trọng Hiếu…Một số thầy cô cũng ra đi. Trường cũng thay tên. Ước mơ của cậu trò nhỏ ngày xưa dần trôi theo thực tế khắc nghiệt.

Huy hieu 2Thế hệ giao thời đầu Pé, đuôi Lê chúng tôi (hay ít ra là tôi) tự nhận uyên bác không bằng đàn anh, giỏi giang không bằng đàn em. Chỉ được cái trãi qua tuổi thơ dữ dội, chúng tôi đủ sức tồn tại như cỏ dại, quăng đâu cũng sống được. Có một vài bạn hỏi tôi về bí quyết học tập. Tôi chia sẻ một thực tế là ai có niềm đam mê môn học và có khả năng tự học tốt để thỏa mãn niềm đam mê, người đó sẽ học giỏi. Còn về phương pháp, tốt nhất là nghiên cứu bài học trước khi đến lớp nghe thầy cô giảng, cái gì lờ mờ cứ hỏi, hết tiết là học thuộc bài, về nhà làm hết bài tập. Tuần sau đáo tiết, chỉ cần liếc sơ qua là lên trả bài ro ro.

Học hết ga, vui chơi cũng hết cỡ, quậy nhộn nhưng không hổn láo mất dạy. Đó là tóm lược những gì tôi trãi qua tại ngôi trường đã hun đúc tuổi thơ tôi. Và khổ nhất đời học sinh không phải là bị thầy cô la hay điểm kém mà là phải học thuộc lòng những điều dài thoòng loòng mình không hiểu.

Trần Hữu Hiệp (PK 1974-81)