Kính dâng Hương Hồn Cô Thiên Hương

Lâm thụy Phong – (Đệ ngủ 2, niên khóa 1966 -1967)

Làm học trò Petrus Ký thuộc thế hệ của tôi, nếu không qua “đoạn đường chiến binh” với Cô Thiên Hương, có thể nói là chỉ mới ăn cơm dưới đất, chưa thông hiểu chuyện thiên văn, sấm sét trên trời !

Từ lúc có may mắn được Cụ Trương Vĩnh Ký cho phép hảnh diện mang trên ngực áo tên nhà bác ngữ lừng danh thế giới của đất Cái Mơn, tôi đã được nghe danh Cô Tướng Nhà Trời. Né không được, thấy “xe” Cô,  em muốn kêu xe khác không xong. Thôi đành chấp nhận “Định mệnh đã an bài” làm kiếp “mọi rừng, trâu cầy, ngựa kéo”.

Ba anh em tôi, ba phù hiệu Petrus Ký, đều “dính” Cô. Mỗi khi nhắc về Cô, dù biển xanh đã biến thành ruộng dâu, vẫn một “ấn tượng” bình tỉnh mà run của một thời quần xanh áo trắng.
Ngày nay, “mọi rừng” trên đầu hai màu tóc, rụng rất nhiều, mọc lại không bao nhiêu. Muối một nắm tay, tiêu còn vài ba hột chỉ để tìm an ủi cho vui. “Trâu, ngựa” cũng đã già,  cầy nhà không xuể, hy vọng gì cầy ruộng kế bên ?
Nhắc về Cô nơi đây, giữa mùa Đông lạnh lẽo trên xứ người, để tỏ lòng BIẾT ƠN Cô, đã để lại trong lòng đám học sinh “khả ố” của Cô,  thật nhiều “ấn tượng” sấm sét, tia chớp nhứt.

Lớp đệ ngủ 2, “đến hẹn lại lên”, thật sự trong lòng từng đứa đều mong “Cô cứ hẹn, nhưng Cô đừng đến nhé!”, thứ tư hàng tuần chương trình “Sấm Sét Giữa Trưa”, từ 14 giờ tới 16 giờ, giờ của năm 1966.

Cả lớp im phăng phắc. Tiếng ruồi thì thầm “Je t’aime, moi non plus” còn nghe được.
Sách vở xếp ngay ngắn kế bên, hai tay để trên bàn, nhìn thẳng lên bảng, tuyệt đối không động tịnh. Cô đi một vòng giữa ba hàng ghế, “từng bước chân âm thầm”. Xóm nhà lá, xóm nhà gạch, thuộc “đẳng cấp, số má” nào cũng nín re, thun được chỗ nào thì cứ bình tỉnh mà thun.
Trả bài. Ấp úng, phải lo né  thước bảng hay lượm tập dưới đất lên.
Sử: Thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Tôi học cả tuần, vô lớp, tự nhiên bài vở đều gởi gió cho mây ngàn bay. Sợ quá, quên hết!
Muốn xin phép đi vệ sinh cũng không dám. Cho nên, chỉ còn nhớ câu sấm truyền của Cụ Trang Trình, mở màn cho công cuộc Nam Tiến Tầm Thực của ông cha ta: “Hoành Sơn nín đái, ráng đợi nghe con.”

Địa: bản đồ phải vẽ đúng tiêu chuẩn màu mè, lằn ranh biên giới. Nếu sai, “mọi rừng vẽ lại!”

Hai giờ thật nặng nề rồi cũng đi qua như hai thế kỷ dưới sấm sét. Khi tiếng chuông reo báo hiệu em tan giờ rồi, tôi phóng thật nhanh xuống nhà vệ sinh. Xối xả, nhẹ cả người, và mới biết rằng đời còn một cái nầy để khoái!

Hai giờ sau là Pháp văn với “Ông Ngoại Châu”. Ngoại hiền lắm. Giảng bài “sujet móc nối với verbe và complement”. Trong lớp, góc này một móc nối, góc kia cũng móc nối! 
Cùng nhau cười, thoải mái!

Một thời để thương và để nhớ.

Lâm Thụy Phong
(PK 1964 -1971)