Đôi giòng tưởng nhớ NHẠC SĨ HOÀNG LANG nhân ngày giỗ lần thứ tư
Bài của Đông Miên
nguồn: Website Lê Dinh (http://www.ledinh.ca/)
“Ai về quê tôi qua đồng lúa xanh.
Qua giòng An Giang lơ thơ hàng cau.
Quê tôi êm đềm vui sống quanh năm.
Những mái tranh nghèo san sát nhau….”
Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ đến âm điệu vui tuơi của bài nhạc đó mặc dù không biết tác gỉa bài hát đó là ai ! Sở dĩ bài hát này ghi sâu vào tâm trí tôi là vì khi còn ở Việt Nam , lúc 12, 13 tuổi ba má tôi có quen với một gia đình và thường dẫn 2 chị em tôi đến chơi với gia đình đó. Tôi quên mất tên bác trai và bác gái vì thời gian đã lâu quá rồi, có lẽ gần 38 năm qua. Nhưng gia đình đó có một cô con gái lớn mà tôi không bao giờ quên được tên chị ấy. Chị tên là Bạch Lan Hương, có nước da rám nắng, khỏe mạnh và trên môi lúc nào cũng nở một nụ cười tươi tắn. Mỗi lần đến nhà chị chơi là tôi nghe chị nghêu ngao hát bài hát này và sỡ dĩ tôi yêu mến bài hát đó vì giọng hát chị thật truyền cảm, diễn tả thật trọn vẹn hình ảnh một miền quê thanh bình, hình ảnh những người dân quê giã gạo dưới đêm trăng hay hình ảnh những em bé mục đồng nghêu ngao hát trên mình trâu…
Rồi sau đó lại nghe giọng hát của chị trên đài phát thanh, vẫn với bài nhạc “Miền Quê Tôi ” mà tôi hằng yêu thích. Sau biến cố 75 thì gia đình tôi mất liên lạc với gia đình chị Bạch Lan Hương. Thuở đó tôi vẫn thường tự trách mình là tại sao không tìm hiểu để biết thêm về bài hát đó, tác giả là ai vì đó là bài hát mà mình yêu thích! Để rồi khi sang Canada vì bận rộn sinh kế, tìm cách thích nghi với đời sống nơi xứ người, tôi vẫn không biết được tác giả của bài hát đó là ai mặc dù mỗi khi rãnh rỗi, tôi cũng thường nghêu ngao bài hát xa xưa này.
Khoảng năm 1999, trong một dịp tình cờ, tôi nghe lại được âm điệu quen thuộc của bài hát tuổi thơ năm xưa trên đài Tiếng Nói Việt Nam tại Montreal trong chương trình Nhạc Sĩ với Cung Đàn thì tôi mới biết được tác giả bài hát mà tôi yêu mến là nhạc sĩ Hoàng Lang. Nghĩa là gần 30 năm sau tôi mới biết đến tên tuổi của ong và tôi cũng khám phá ra rằng không những oâng là tác giả của bài Miền Quê Tôi mà tôi yêu thích mà ông còn viết một số ca khúc được yêu chuộng vào thời đó như “Hoài Thu” mà tôi cũng thường được nghe trình bày qua giọng ca của Thanh Thúy trên làn sóng phát thanh của Đài Sài Gòn năm xưa:
“Mùa thu năm ấy trên đường đến miền Cao Nguyên.
Đà Lạt núi rừng thâm xuyên, thác ngàn nước bạc thiên nhiên.
Chạnh lòng tôi thấy lá vàng rơi nhẹ say mơ.
Trong rừng thu đẹp nên thơ, lưng trời đàn chim bơ vơ…”
Một bài hát khác mà tôi cũng yêu thích vào lứa tuổi học trò thưở xưa là bài “Hoa Học Trò” do Hoàng Lang phổ từ thơ Nhất Tuấn :
“Bây giờ còn nhớ hay không
Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa
Ngây thơ anh rủ em ra
Bảo mình nhặt phượng về nhà chơi chung…”
Qua chương trình “Nhạc sĩ với Cung Đàn”, tôi cũng được biết ông là một nghệ sĩ tài đức, suốt đời hy sinh phục vụ âm nhạc và giáo dục. Ông đã viết hơn 150 nhạc phẩm, có bài ông tự viết lời ca và một số bài khác vời sự phụ sọan lời ca của những môn đệ của ông thưở đó như Lam Phương , Văn Trí, Thùy Linh, Trương văn Tuyên, Dương Quang Định v.v…Những nhạc phẩm của nhạc sĩ Hoàng Lang được phổ biến rộng rãi vào cuối thập niên 60 và vào đầu thập niên 70 trên làn sóng của các Đài phát thanh Sài Gòn và Đài phát thanh Quân Đội bởi những ca sĩ nổi tiếng thời đó như Minh Trang, Thái Thanh, Hà Thanh, Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Mai Hương , Quỳnh Giao…
Nhạc sĩ Hoàng Lang tên thật là Phạm Phúc Hiển, sinh năm 1930 tại Hốc Mơn, Gia Định, ông là giáo sư âm nhạc tại trường trung học Pétrus Ký từ năm 1956, trưởng ban nhạc đàn giây Hoàng Lang của Đài Phát Thanh Sài Gòn từ năm 1954 đến năm 1972. Năm 1972 ông xuất ngọai sang Thụy Sĩ để bổ túc và cải tiến nghề nghiệp trong lãnh vực âm nhạc và vì biến cố 1975, ông định cư uôn tại Thụy Sĩ cho đến ngày ông về hưu.
Trong một dịp tình cờ , vào tháng 11 năm 2004, tôi bàng hoàng khi đọc tin nhạc sĩ Hoàng Lang qua đời trên Người Việt ấn bản internet. Ông qua đời sau một thời gian mắc phải nhiều chứng bệnh, thọ 74 tuổi. Ông ra đi để lại tiếc thưông cho gia đình, bằng hữu và nhất là cho những người mến mộ nhạc của ông . Được biết những ngày cuối đời, ông đau ốm liên miên, đủ các chứng bệnh: tiểu đường, huyết áp cao, mở trong máu, thận suy, gan yếu, ông thường xuyên ra vào bịnh viện vì những cơ quan trong cơ thể của ông như gan, thận đều bị hư hại nặng, đơi mắt gần như không còn trông thấy gì cả. Cho đến lúc vĩnh viễn ra đi, ông vần sống âm thầm bên người vợ hiền, tận tụy lo lắng cho ông cho đến giờ phút cuối.
Tôi rất tiếc được biết đến ông quá muộn màng nhưng bài viết này viết gửi ông như một lời tạ tội nhân ngày giỗ 4 năm sau ngày ông mất. Ông đã ra đi nhưng những âm thanh, điệu nhạc của những bài hát mà ông cống hiến cho đời vẫn còn ở lại mãi mãi trong lòng của những người yêu mến ông , trong đó có tôi.
Tôi xin mượn bài thơ dưới đây của cố thi sĩ Vương Đức Lệ để chúc ông bình yên nơi cõi vĩnh hằng:
Thôi cứ mặc hồn tôi trôi vào giấc ngủ
Để thấy em về níu mộng xưa…
Còn không giây đợi phút chờ
Kìa ngày tháng rụng còn hờ hững theo!
Sẽ gặp lại nhau thôi
Bên kia bờ sinh tử
Trong những ngày kỵ giỗ
Hay những đêm rằm xá tội vong nhân (Âm Ty – Vương Đức Lệ)
ĐÔNG MIÊN, Tháng 11-2008