Chương 21

Phải Chăng Tâm Trạng Lúc Sinh Thời Của Petrus Trương Vĩnh Ký Là “Ngổn Ngang Trăm Mối Tơ Vò…”

Nguyễn Trần

(Bài viết được trích từ Đặc San Tiền Giang – Hậu Giang 1998 do Hội Ái Hữu Tiền Giang và Hậu Giang thực hiện).

(nguồn: Quyển Tuyển Tập về “Hiện Tượng Trương Vĩnh Ký” – 2005)

PK tu choi quoc tich 19Lời thưa trước: Cho đến bây giờ, do hoàn cảnh của đất nước – chúng ta vẫn chưa có được một Viện Hàn Lâm đủ thẩm quyền để chính thức xác nhận vị trí lịch sử của các bậc danh nhân. Tuy nhiên, đối với một số danh nhân như Bà Trưng, Bà Triệu, như Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi… thì công nhận rộng rãi đã mặc nhiên thừa nhận các công trạng lẫy lừng do các Sử gia tên tuổi ghi chép. Chúng ta hy vọng rằng, trong thời kỳ sau này, một Viện Hàn Lâm có đủ thẩm quyền để tất nhiên phải được hình thành để làm những phần việc như tại các nước đã có những quá trình ổn định chính trị lâu dài. Riêng đối với các nhân vật lịch sử cận đại – vị trí của họ hãy còn nhiều điều chưa được dứt khoát minh bạch – do vậy trong dư luận công chúng vẫn hãy còn chịu ảnh hưởng bởi một số khuynh hướng mà đôi khi nhãn quan lại đối lập nhau. Trường hợp của Petrus Trương Vĩnh Ký, thì tuyệt đối đa số công luận đều thừa nhận tính cách bác học về ngôn ngữ của Ông trong công cuộc khai sáng chữ Quốc ngữ ở giai đoạn phôi thai trước khi được phổ biến sâu rộng và công dụng như ngày nay. Ngoài ra, trên phương diện nhãn quan chính trị – hiện vấn đề hãy còn đang được tranh luận ở nhiều mức độ khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi không có tham vọng làm công việc của một sử gia – bởi lẽ dễ hiểu là kiến thức nông cạn của bản thân. Tuy nhiên, trong những lúc gần đây – nhân được may mắn tham cứu một số tài liệu về nhân vật này – và cũng nhân dịp kỷ niệm ngày giỗ thứ 100 của một tên tuổi từng làm rạng danh một ngôi trường mà lúc thiếu thời, chúng tôi cũng từng hân hạnh là một sĩ tử – nên liều lĩnh bộc bạch ra đây đôi điều – những mong các bậc thức giả ghé mắt phủ chính cho những chỗ sai sót.

Thử phác lại những nét tiêu biểu trong khung cảnh đất nước lúc Petrus Ký sinh thời …

Trong một bài viết hạn hẹp, không thể trở về quá khứ xa xôi để truy nguyên nguồn gốc, qua vô vàn những biến chuyển, xáo trộn từ đầu thiên niên kỷ thứ nhất – trên những mảnh đất mà ngày nay là ba nước Đông Dương Việt, Miên, Lào – cũng như không thể duyệt lại sự kiện vị Giáo Hoàng La Mã đã ủy quyền cho triều đình Bồ Đào Nha mở những cuộc thám hiểm về Phương Đông – mà do đó, rất nhiều nhà thám hiểm đã phải đến triều phục Vua Bồ Đào Nha để mở những cuộc hải trình đầu tiên về Phương Đông vào thời điểm trước khi Columbus tìm ra Châu Mỹ – mở màn cho công cuộc đưa Thiên Chúa Giáo truyền bá sang tận các vùng duyên hải Thái Bình Dương.

Cho tới đầu thế kỷ XIX, khi vua Gia Long thắng được nhà Tây Sơn, thống nhất toàn cõi Nam Bắc, đóng đô tại Huế – thì nhà vua có trọng dụng một số người Pháp – mà được biết đến nhiều nhất là các ông Chaigneau và Vannier (đã được đặt tên Tiếng Việt) – công cuộc truyền giáo của giới Tăng sĩ Thiên Chúa Giáo được coi là có nhiều thuận tiện. Tuy nhiên, đến khi Minh Mạng lên ngôi thì chính sách cấm Đạo đã gây nên nhiều tổn thất nghiêm trọng ở những vùng có nhiều người tòng Đạo.

Nhiều sử gia đã nhấn mạnh đến nguyên nhân Chính trị chứ không phải nguyên nhân tôn giáo trong chính sách Cấm Đạo của các triều đại vua chúa nhà Nguyễn. Cũng nên nhớ rằng – cũng vào thập niên đầu tiên của thế kỷ XIX, vua Cao Miên Là Nặc Ông Chân đã cầu cứu với vua Gia Long vì bị áp lực hết sức nặng nề của quân Xiêm La (tức Thái Lan ngày nay) để đưa người anh em về cướp ngôi. Năm 1813, Tổng trấn Gia Định Thành là Lê Văn Duyệt theo lệnh của Gia Long đã đem 10 ngàn quân lên Nam Vang để yểm trợ cho Nặc Ông Chân – cuối cùng giữa Xiêm La và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận theo đó, Xiêm La rút quân về. Còn Lê Văn Duyệt rút quân, nhưng để một viên Phó Tướng là Nguyễn Văn Thụy cùng hơn một ngàn quân lưu lại để bảo hộ nhà vua Cao Miên. Cũng nên nhắc lại rằng, trước đây khi còn phân tranh với nhà Tây Sơn, chính Nguyễn Ánh cũng từng chạy qua Xiêm cầu viện – và quân Xiêm La cũng từng bị Nguyễn Huệ đánh cho một trận tan tành ở Rạch Gầm thuộc địa phận Định Tường ngày nay.

 

1. Phải chăng tâm trạng lúc sinh thời của PetrusTrương Vĩnh Ký

Trở lại câu chuyện tranh giành ngôi vua giữa hai anh em Nặc Ông Chân và Nặc Ông Đôn – người anh thì cầu viện nơi triều nhà Nguyễn, còn người em thì nương tựa vào thế lực của Xiêm La. Chính vì vậy mà vua Gia Long đã khiến Nguyễn Văn Thoại động viên nhân lực đào con kinh Vĩnh Tế nối liền thị trấn Châu Đốc với sông Giang Thành để điều quân ra tận thị trấn Hà Tiên để ngăn ngừa quân Xiêm La. Dưới triều Minh Mạng vào năm 1833, Xiêm La gây hấn mang trên 100 chiến thuyền tiến đánh Hà Tiên trong khi bộ binh tiến đánh sang Nam Vang để tiến xuống An Giang. Triều đình phái Trương Minh Giảng cùng Phó tướng là Nguyễn Xuân đem quân từ Gia Định chiếm lại thị trấn Hà Tiên, rồi lại đưa Nặc Ông Chân trở về ngôi báu tại Nam Vang.

Năm 1833, nghĩa tử của Cố Tổng trấn Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi dấy binh chống lại triều đình tại Gia Định cũng gieo nên tang tóc trong một thời gian khá dài. Và năm 1847, chiến thuyền Pháp đánh phá Đà Nẵng mở màn cho một giai đoạn dần dần chiếm quyền thống trị nước ta. Trong một khung cảnh như vậy, Trương Vĩnh Ký ra đời ngày 6 tháng 12 năm 1837, tại thôn Cái Mơn, làng Vĩnh Thanh, huyện Tân Minh thuộc tỉnh Vĩnh Long tức Bến Tre ngày nay. Thân sinh là Lãnh binh Trương Chánh Thi – một chức vị coi như tương đương với cấp Đại úy Đại đội trưởng ngày nay – nhưng, cũng cần lưu ý rằng dân số vào thời điểm ấy còn rất ít và súng đạn còn rất thô sơ so với súng đạn của quân Pháp – do vậy, quân đội của triều đình Nguyễn vẫn còn phải dùng rất nhiều gươm, giáo, cung tên. Như phần trên đã tường trình, Minh Mạng tiếp tục chính sách của Gia Long trong việc bảo vệ ngôi vua của Nặc Ông Chân – do vậy, Lãnh binh Trương Chánh Thi đóng quân ngay tại Nam Vang và tạ thế năm 1845 (?) vì một cơn bạo bệnh.

Ở tại quê nhà, Trương Vĩnh Ký được bà mẹ tảo tần nuôi dưỡng và cho đi học chữ Hán. Hai năm sau, tức năm 1847, lúc Trương Vĩnh Ký được 10 tuổi thì một hôm, có một vị linh mục trước đây từng hàm ơn Lãnh binh Thi, vì lòng nhân ái mà che chở giúp cho được thoát nạn trong chính sách Cấm Đạo của Triều Đình – ghé thăm và xin mang ông về nuôi và dạy học. Thế là cuộc đời của Trương Vĩnh Ký bước vào một khúc quanh quan trọng và cũng vì thế mà trở thành tín đồ Thiên Chúa Giáo.

Ông được nhiều linh mục dạy chữ quốc Ngữ và chữ La Tinh nên tỏ ra xuất chúng trong việc học hỏi. Đến đây, thiết tưởng cũng nên nghĩ đến cái chết đột ngột của Lãnh binh, và chính tình trạng mồ côi cha nên cuộc đời của Trương Vĩnh Ký mới tiếp cận với các vị Linh mục và trở thành tín đồ của Thiên Chúa Giáo. Nếu ông được chính người cha nuôi dưỡng và đào luyện thì hẳn nhiên là cuộc đời sẽ diễn tiến khác hơn như đã xảy ra.

Duyệt qua tiểu sử đề tìm hiểu tâm trạng

Cũng cần nhấn mạnh một lần nữa rằng, thời điểm mà Trương Vĩnh Ký ra đời là cả một khung cảnh xã hội loạn lạc triền miên. Mà nguyên nhân là cả một bản mục lục khá dài liên hệ đến nội tình đất nước, khi cuộc nội chiến chưa kết thúc được bao lâu – đến những cuộc phân tranh với Xiêm La cũng gây ra vô vàn những tổn thất – rồi nạn giặc giả chống lại triều đình mà tiêu biểu là vụ khởi loạn của Lê Văn Khôi. Chính sách Cấm Đạo của Triều đình cũng gây không ít những xáo trộn trong cảnh nhiễu nhương. Và sau hết là các mưu toan xâm lấn của bọn thực dân Pháp. Tất cả những điều đó cộng chung với chính sách thiển cận của triều Nguyễn đối với nhiều lĩnh vực, khiến cho khung cảnh xã hội Việt Nam vô cùng rối ren. Trương Vĩnh Ký sinh ra và lớn lên trong một môi trường như vậy – và lại được giới tăng lữ Thiên Chúa Giáo nuôi dưỡng từ thuở lên 7, lên 8 – được gởi đi học trường đạo ở Cao Miên, học trường Giáo Hoàng (Collège Constantinien) Pénang (là một Chủng viện cho Á Đông thiết lập tại đảo Poulo Pénang, ngoài khơi Ấn Độ Dương thuộc quyền thống trị của người Anh). Trương Vĩnh Ký học ở đó trong sáu năm, từ năm 1852 đến 1858 – học tiếng Hy Lạp, được coi là một trong những ngôn ngữ khó nhất- rất tinh thông tiếng La Tinh – đồng thời học thêm các thứ tiếng Pháp, Anh, Nhật và Ấn Độ. Khi ông trở về là lúc Pháp chiếm Đà Nẵng năm 1858 và chiếm Sàigòn năm 1859, sau đó lần lượt chiếm luôn ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ .

Do chỗ gần như là người duy nhất thông thạo tiếng Pháp đến độ nhuần nhuyễn và cũng do chỗ là tín đồ Thiên Chúa Giáo, cho nên Ông được vị Giám Mục Sài Gòn lúc bấy giờ là Lefèbvre tiến cử làm thông ngôn cho Phan Thanh Giản được Triều Đình Huế cử sang Pháp làm sứ giả thương thuyết với triều đình Pháp – thì Ông được triệu dụng sung chức “Sứ bộ Trung dịch” để thông ngôn. Chuyến đi này đối với Trương Vĩnh Ký được coi là rất quan trọng, vì nhờ đó, Ông được tiếp cận với nền văn minh của phương Tây qua các cuộc tiếp xúc, trao đổi với một số danh nhân nổi tiếng lúc bấy giờ như sử gia Duruy, các văn hào Littré và Victor Hugo và nhất là khoa học gia Paul Bert.

Trở về Sài Gòn. Ông được người Pháp bổ nhiệm làm Giáo sư, rồi Giám đốc trường Thông Ngôn trong những năm 1866 – 1868, kế đó làm chủ bút tờ công báo quốc ngữ đầu tiên là tờ Gia Định Báo. Năm 1872, trong buổi giao thời hình thành hệ thống công chức giúp việc cho nhà đương cuộc Pháp, Ông được bổ nhiệm hạng ngạch Trị Huyện hạng nhất, giữ chức vụ Thư Ký Hội đồng Thành Phố Chợ Lớn, kế đó làm giáo sư trường Hậu Bổ (École des Stagiaires) dạy chữ Quốc ngữ và Hán văn. Năm 1876, Ông được Thống Đốc Nam Kỳ La Duperré biệt phái ra Bắc để thăm dò cuộc diện chính trị ở đây trong hơn ba tháng. Khi trở về, Ông được Duperré cử vào làm Hội viên Hội Đồng thành phố Sài Gòn.

Năm 1886, Paul Bert bấy giờ là Nghị sĩ, nhân viên Hàn Lâm Viện được chính phủ Pháp cử sang Đông Dương làm Tổng Trú Sứ Bắc và Trung Kỳ. Vì đã có quen biết với Trương Vĩnh Ký khi Ông tháp tùng phái bộ Phan Thanh Giản sang Pháp, nên khi tới Sài Gòn – Paul Bert đã tìm cách gặp Ông để thương lượng sự cộng tác. Vào thời điểm ấy, sau khi Tự Đức băng hà kéo theo những xáo trộn trong chốn cung đình – ba vị vua Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc, đều chỉ ở ngôi trong các khoảng thời gian thật là ngắn ngủi với những cái chết đầy mờ ám… cho đến khi Hàm Nghi lên ngôi với sự thao túng của hai ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Sau khi xuất bôn ban chiếu Cần Vương… để rồi bị phế đi .. tới vua Đồng Khánh lên ngôi thì hầu như mọi việc đều bị người Pháp chi phối cả. Do vậy, Trương Vĩnh Ký được Paul Bert cử vào Cơ Mật Viện. Trong thời gian ở bên cạnh vua Đồng Khánh, ông đã có cơ hội quan sát cặn kẽ mọi việc trong triều chính, cũng như mọi mưu toan chi phối của người Pháp. Lưu ngụ tại Huế đến tháng sáu năm 1886, Ông cáo bệnh trở về Sài Gòn được vua Đồng Khánh ban cho nhiều bảo vật và tặng cho danh hiệu là Nam Trung Ẩn Sĩ. Biết được việc này Paul Bert từ Hà Nội viết nhiều thư hối thúc Ông trở ra Huế, nhưng Ông không phúc thư và tảng lờ đi. Đến tháng 11 năm đó, Paul Bert lâm trọng bệnh và chết tại Hà Nội và do đó kết thúc những liên hệ chính trị với người Pháp của Trương Vĩnh Ký.

Trong mười năm cuối cùng của cuộc đời, Ông dốc hết tâm trí vào việc dịch thuật và trước tác, trong đó có nhiều tác phẩm giáo khoa và nhiều bản dịch ra Quốc ngữ các tác phẩm cổ điển căn bản của Hán học.

Về cung cách, Trương Vĩnh Ký được coi là một người ôn hoà, thuần hậu, hết sức tinh tế trong nhận thức và vô cùng tế nhị trong cách xử sự giao tiếp trong nhân quần xã hội. Xin đặc biệt nhấn mạnh các đặc điểm sau đây:

– Tuy là tín đồ Thiên Chúa Giáo và từng là chứng nhân của nhiều vụ đàn áp, cấm đạo của Triều đình, nhưng Ông không có thiên kiến. Khi quyền lực của người Pháp đã áp đảo được triều đình Huế, thì một vài họ Đạo ngoài Trung đã chớm có nhiều hành vi lộng quyền mà Ông đã hay biết – thì lập tức Ông thông báo cho người Pháp, đồng thời lên án các hành vi này. Trong mọi tác phẩm của Ông, người ta không tìm thấy dấu vết của một sự giảng Đạo hay truyền Đạo nào.

– Ông đã khéo léo tìm mọi cách khước từ sự mời mọc của người Pháp để không nhập Pháp tịch, như trong một bức thư đề ngày 15 tháng 9 năm 1888 gởi cho một thân hữu người Pháp tên P. Siefert, Ông đã từ chối việc thay đổi quốc tịch.

– Ông cũng hết sức chê trách thái độ của Tôn Thọ Tường sự a dua, xum xoe ca ngợi những tiến bộ kỹ thuật của người Pháp.

– Và sau hết là bài thơ tuyệt mạng đã nói lên rất rõ rệt nỗi niềm tâm sự của Ông:

Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai,

Xô đẩy người vô giữa cuộc đời

Học thức gởi tên con mọt sách,

Công danh rút cuộc cái quan tài.

Dạo hòn lũ kiến men chân bước,

Bò xối con sùng chắc lưỡi hoài.

Cuốn sổ bình sanh công với tội,

Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.

Trong báo Đồng Nam số 33 xuất bản tháng 6 năm 1933, có một bút hiệu ký tên là Huyền Mặc Lão Nhân đã viết về bài thơ Tuyệt Mạng rằng: “Đọc kỹ ta thấy vô hạn cảm khái, vô hạn sầu bi, hiện ra cái vẻ điếu tử minh ai mà cái nỗi tâm sự nan minh như còn trong sau ta có người tri kỷ …”

Từ những sự kiện trên đây, có thể hiểu tâm trạng Petrus Trương Vĩnh Ký như thế nào! Trước hết, dứt khoát Ông không phải là một phần tử chạy theo danh lợi. Chính vì hám danh, hám lợi mà chính trường miền Nam trước 1975 đã bị ung thối, đầy rẫy những kẻ hoạt đầu cơ hội thao túng đã là một trong những nguyên nhân chủ yếu đưa đến thảm họa 30 tháng 4. Cũng chính vì hám danh, hám lợi mà bọn đầu xỏ tiếm quyền đất nước, bán rẻ tài nguyên đất nước để thu vén trong cảnh chợ chiều, bất chấp mọi hậu quả về sau.

Do vậy, đối với những ai thực sự coi thường danh lợi, cần phải được một sự kính trọng tương xứng. Điều nguy hiểm cần nhấn mạnh ở đây là trường hợp đa số quảng đại quần chúng chỉ chuyên chú vào những lợi ích riêng tư, mà hết sức thờ ơ trong các hoạt động cho các lợi ích công cộng – bởi đó là dấu hiệu báo nguy cho tình trạng suy sụp của bất cứ cộng đồng nào lâm vào hoàn cảnh như vậy.

Trở lại tính cách Petrus Trương Vĩnh Ký, chính bản chất ôn hòa, thuần hậu đã giúp cho Ông bình tâm khảo sát mọi vấn đề cách thận trọng, dè dặt và cũng không kém phần thận trọng khi rút ra những kết luận để suy nghiệm. Chính vì vậy mà tuy được nuôi dưỡng bởi các cố đạo và được giáo dục bởi các chủng viện, nhưng ảnh hưởng của tư tưởng Thiên Chúa Giáo không chi phối được nhãn quan nhận thức về cuộc diện thời cuộc của Ông. Do hoàn cảnh khách quan thúc đẩy Ông không thể không đảm nhận công việc làm thông ngôn cho nhà đương cuộc Pháp, nhưng Ông đã khéo léo cắt đứt mọi hợp tác với Toàn quyền Paul Bert khi nhận ra sự bất lực của mình không thể làm gì được để cứu vãn tình trạng suy sụp đất nước. Trong cuộc sống nội tâm, phần tín ngưỡng tôn giáo được coi là rất chừng mực nhưng phần suy gẫm và cuộc diện nước nhà đã dệt thành một tâm trạng ngổn ngang trăm mối tơ vò… trước khung cảnh khắp ba miền đất nước – vì Ông từng ra tận đất Bắc, mục kích tận nơi, nạn giặc giã, trộm cướp, loạn lạc trong tình trạng bất lực của hệ thống quan lại nhũng lạm và chèn ép lấn quyền của guồng máy thống trị thuộc địa đang hình thành – còn việc triều chính tại Huế thì ngày càng suy sụp, chỉ còn chút bã hư danh… trong khi trong Nam dù phong trào sĩ phu kháng Pháp đang suy tàn, nhưng dư âm và ảnh hưởng vẫn chi phối tâm tư tất cả những ai còn nặng lòng với đất nước.

Trước năm 1975, mấy lần trong những cuộc tiếp xúc ngẫu nhiên, chúng tôi có hỏi vài văn hữu và học giả trong giới Công giáo – thì được biết không ai tìm được di cảo nào của Petrus Trương Vĩnh Ký liên hệ đến sự tín ngưỡng tôn giáo của Ông, trái lại, cung cách của Ông cho thấy ảnh hưởng của Khổng giáo vẫn còn tiềm tàng trong nội tâm Ông. Do vậy, Ông đã dịch chữ Hán văn ra Quốc ngữ để truyền bá tư tưởng này trong giai đoạn được coi là một phương cách chỉnh đốn chữ Quốc ngữ cho được thông dụng và tiên dụng hơn. Những sách được Ông dịch thuật có thể kể đến như: Trung Dung (năm 1875), Mạnh Thường Tạp Chú (Năm 1875), Đại Học (năm 1877), Tam Tự Kinh Quốc Ngữ Diễn Ca (năm 1884), Minh Tâm Bửu Giám (năm 1883). Cố học giả Nguyễn Văn Tố từng bình phẩm về hai cuốn Đại Học và Trung Dung như sau: “Ông đã biết giữ cho những tư tưởng ấy cái vẻ linh hoạt và biết theo cả thể văn mà làm cho câu tiếng Việt đi sát với nguyên văn, không suy chuyển đến văn vẻ, vì Ông đã hiểu rằng cái điều thú vị trongTứ Thư không kể đến ly thuyết chính là những cái đột ngột, bất thường, không theo luật câu văn và cái đặc điểm ấy cần phải phản chiếu từng li từng tí trong bản Quốc ngữ.

 

2. Nỗi niềm ưu tư ngổn ngang chưa tìm ra lối thoát …

Tất cả nỗi sầu bi của Petrus Trương Vĩnh Ký đã gói ghém trong bài thơ TUYỆT MẠNG, bởi vì cho đến những giờ phút cuối đời, Ông vẫn chưa tìm ra một lối thoát nào khả dĩ êm đẹp và ổn thoả cho đất nước. Do vậy, Ông mới mô tả, mới than thở qua hai câu kết, rằng:

Cuốn sổ bình sanh công với tội,

Tìm nơi thẩm phán để thừa khai

Việc Ông chưa tìm được lối nào cho đất nước vào thời điểm ấy giống Đức Khổng Tử không thể nào giải đáp nổi câu hỏi về sự kiện cái Mặt Trời lúc mới mọc trông to lớn mà không nóng,nhưng khi đứng bóng trông nhỏ xíu mà nóng ghê! Tại sao? Ngài chỉ phán: “Hậu sinh khả úy.” Điều mà đấng “Vạn Thế Sư Biểu” không thể giảng giải nổi lúc ấy, chớ bây giờ thì bất cứ một cậu học trò trung học bình thường nào cũng có thể lý giải dễ dàng. Thật vậy, cái lối thoát mà Petrus Trương Vĩnh Ký chọn vào thời điểm ấy có thể chỉ là những mường tượng thoang thoảng mà thôi… Sự mường tượng thoang thoảng ấy… là kết quả của những năm tháng suy tư triền miên… những kết hợp của nhiều nhận thức – có thể kể cả những lần tiếp xúc, trao đổi với hàng thức giả dương đại lúc bấy giờ như Duruy, Littré, V. Hugo … là những nhân vật đã chịu rất nhiều ảnh hưởng của cuộc cách mạng lừng lẫy 1789 tại Pháp với các khẩu hiệu đầy hấp lực mà cho đến ngày nay, nhân loại vẫn còn đang đấu tranh để những mong thành tựu như: TỰ DO, BÁC ÁI, CÔNG BẰNG.

Do vậy, hẳn nhiên trong những cuộc tiếp xúc trên, Trương Vĩnh Ký đã được tiếp cận với các luồng tư tưởng mới, nhưng do khung cảnh xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, hẳn nhiển là Ông không thể tiêu hóa được dễ dàng, dù rằng tinh thần bác học thiên phú lỗi lạc bẩm sinh từng giúp Ông xông pha khá dễ dàng trong lĩnh vực ngôn ngữ học. Tuy nhiên, dù sao chăng nữa Ông vẫn có thể nhận ra sự khác biệt giữa những người Pháp cấp tiến với tinh thần phóng khoáng trên đất Pháp với những kẻ thực dân đang dùng bạo lực và mưu mô để xâm lược đất nước Ông.

Chính những điều này mà Petrus Trương Vĩnh Ký đã mường tượng trong suy ngẫm vào thời điểm kể trên – có thể được coi là mầm mống sơ khởi để sau này trong công cuộc vận động chính trị bằng phương cách uyển chuyển, linh hoạt – danh nhân Phan Chu Trinh đã từng chủ trương “Pháp Việt đề huề” chú trọng vào việc nâng cao dân trí và đấu tranh “bất bạo động” để giành lại chủ quyền độc lập cho nước nhà mà không phải dùng đến bạo lực. Nhìn sang nước láng giềng khổng lồ Ấn Độ, chánh khách Gandhi mà người ta tôn lên bậc Thánh cũng từng chủ trương như vậy và đạt được thành tựu khi người Anh trao trả quyền độc lập lại cho nước này.

Tóm lại, nỗi ám ảnh vấn vương trong tâm não Petrus Trương Vĩnh Ký trước tình trạng đất nước suy vong khiến cho ông luôn nghĩ đến chuyện Công và Tội đối với những người hiểu biết mà bó tay thúc thủ, tuy lòng vẫn mong muốn làm được điều gì đó cho đất nước quê hương. Chính vì vậy mà Ông đã rời khỏi Cơ Mật viện, mặc dù đã được sự tín cẩn khá đáng kể của vua Đồng Khánh, để trở về Sài Gòn sống cuộc đời ẩn dật cho đến lúc rời bỏ cuộc đời. Có lẽ, trước khi giã từ nhà Vua, Ông cũng đã thổ lộ nỗi niềm tâm can ấy, cho nên nhà Vua đã tặng cho Ông biệt danh là Nam Trung Ẩn Sĩ .

Bộc bạch đôi điều như trên trong dịp giỗ lần thứ 100 của Petrus Ký – chúng tôi chỉ muốn thưa với Ông rằng những đóng góp của Ông đối với đất nước là rất quan trọng – Công thì đáng kể, còn Tội thì chưa tìm được điều gì.