Hai thầy dạy Sử rất ấn tượng Nguyễn quang Oánh và Phạm thị Thiên Hương

Trần Công Bình

Trong những ngày Trung Quốc gây hấn lấn chiếm biển Đông, khi viết về thầy cô, tôi thực sự nhớ đến những vị thầy đã vun đắp lòng yêu nước, tình tự dân tộc qua những bài giảng về lịch sử. Trong số các thầy cô đó, tôi đặc biệt ấn tượng nhất hai người: đó là thầy Nguyễn quang Oánh và cô Phạm thiên Hương.

Thầy Nguyễn quang Oánh mập, to cao người, giọng nói rổn rảng như con nhà tướng. Thầy thường mặc quần kaki vàng sậm kiểu lính, mang giày bốt đờ sô. Thực tế thầy là sĩ quan biệt phái.

Bài giảng của thầy không chỉ diễn giải về những trận đánh thư hùng với quân Mông-Nguyên suốt trong ba cuộc kháng chiến chống xâm lược  phương Bắc mà chính qua đó chỉ rõ ý chí bất khuất kiên cường của dân tộc Việt ta, khêu gợi nên lòng yêu nước cho học sinh.Tôi được vun đắp tình tự dân tộc, lòng yêu tổ quốc quê hương, căm hờn giặc Tàu  từ thuở 14, 15 tuổi là do giọng giảng bài hấp dẫn của thầy.

Thầy quan niệm thầy giáo là ông vua trên bục giảng, do đó toàn quyền diễn giải theo xúc cảm của mình. Chính vì thế, các từ giặc “Tàu Ô”, lũ “đuôi sam” là các từ thầy thường dùng trên bục giảng lại không có trong sách giáo khoa, kể cả giáo án càng hấp dẫn cho bọn học trò nhỏ khoái lỗ nhĩ với các từ bình dân nhưng tượng hình.

Thầy rất tự do, thoải mái trong sinh hoạt lớp, tính cách phóng khoáng, khuyến khích học trò phát biểu, nhờ đó học sinh cảm thấy nhẹ nhàng, thích thú trong giờ thầy dạy.

Quả thật thầy Oánh đã truyền được cái xúc cảm cao độ về lòng yêu nước,thích thú khi học Sử  cho chúng tôi.

Người thầy thứ hai mang dấu ấn đặc biệt không phải của riêng tôi hay lớp tôi mà cả các lớp trong nhiều niên khóa: cô Phạm thị Thiên Hương. Bây giờ nghĩ lại thật sự nhiều người  thấy có lỗi với cô khi học trò hơi có ác cảm khi dám kêu lệch tên cô (dù chỉ nói lén sau lưng) chỉ vì sự nghiêm khắc, kỷ luật mang nặng tính răn đe của cô. Thương cho roi, cho vọt, đó là câu nói của ông bà mình, nhờ vậy học trò mới nên người, mới nghiêm túc trong học sử.

Lớn lên đi dạy, huấn luyện nhân viên, học trò năm xưa mới thấy cái khó nhọc của thầy cô như thế nào khi muốn chúng giỏi giang.

Xin gởi đến thầy cô, lời tạ lỗi những gì không phải của những học trò năm xưa…!