Đời miên viễn 1

Phan Kỳ Long (PK 1974-81)

(Nguồn: Kỷ Yếu PKLHP 1974-81 Kỷ Niệm 40 Năm 1981-2021)

Trong đời mỗi bạn mình đều có những kỷ niệm không quên, đối với một số bạn tha phương giờ này trên xứ người, kỷ niệm vượt biển ngày nào, có lẽ sẽ là ký ức sâu sắc khó quên nhất. Long cũng vậy, hôm nay viết lại đây được, thấy nhẹ lòng. Hy vọng sẽ được đọc thêm những kỷ niệm về những ngày vượt biển của các bạn mình. Hãy viết, như một kỷ vật để lại cho các con mình được biết, thế hệ cha mẹ của chúng, vì sao, và đã đến đất nước thứ hai này như thế nào.

-%-

-Cháu được phái đoàn chấp nhận rồi, đứng lên cảm ơn ổng đi!

Bao nhiêu năm trôi qua, tôi vẫn không quên lời này của bác thông dịch viên, trong căn phòng phỏng vấn lạnh ngắt của sở di trú Hoa Kỳ, trại tỵ nạn Panat Nikhom Thái Lan, tháng 12 năm 1989. Đời một thuyền nhân trong trại tỵ nạn, được phái đoàn chấp nhận cho định cư, là điều hạnh phúc lớn lao nhất, bởi nó đã đổi lấy bằng cả một số phận đời, có khi đẫm nhiều máu, nước mắt và những mất mát. Tôi được phái đoàn chấp nhận, trong bối cảnh sàng lọc gắt gao người tỵ nạn cuối mùa, chỉ nhờ một tấm hình minh chứng người mẹ quá cố, từng làm nấu ăn cho nhân viên tòa đại sứ Mỹ trước 1975.

Mẹ đã vĩnh viễn đi xa, vậy mà những gì để lại, vẫn lo toan được cho đời con, ơn Mẹ biết đời nào đền tạ được!

Khi nhân viên sở di trú hướng dẫn sang phòng bên để chụp hình, chân tôi bước, mà nghe nhẹ như đi trên mây. Trên đường xe chở về lại trại, cả một đoạn đời, như khúc phim quay chậm lại trong tâm trí tôi…

Sau ngày mẹ tôi mất đi năm 1984, tôi là đứa con duy nhất trong gia đình, ba thì đã rời bỏ từ lúc tôi còn nhỏ, mang nổi buồn của đời cô độc, tôi bắt đầu lao ra đời, tìm-thử mọi nghề để mưu sinh. Tôi nhận ra, một người không thân thế, không vốn liếng, muốn kiến tạo một cuộc sống tự lập, là điều cực kỳ nan giải, gần như tuyệt vọng trong xã hội Việt Nam, nhất là trong những ngày tháng của đất nước vào thập niên 80 sau 1975.

Sau mấy năm lăn lộn thử đủ nghề, cuối cùng năm 1988, một người bạn thân (Nguyễn Ngọc Tuấn) giới thiệu cho một việc làm, tạm sống qua ngày : dạy học cho năm đứa con của gia đình một ông bác sĩ. Nhận việc khoảng đầu năm, tưởng kéo dài đời làm gia sư cũng yên phận, nhưng không ngờ chỉ sau vài tháng, một sự kiện bất ngờ, thay đổi hoàn toàn cuộc đời, xảy đến…

Một đêm, chợt tôi nằm mơ thấy mẹ tôi về nhà thăm, trong mơ, không có ý niệm người đã mất, tưởng như người khách quý đến thăm. Tôi mừng quá, mời mẹ dùng cơm, rồi ngại ngùng khi thấy chỉ có cơm không, tôi vội nói mẹ ngồi chơi, để đi mua thức ăn, nhưng bà cản lại và nói:” thôi, con phải cố gắng sống thanh đạm cực khổ như thế này”.

Có điều lạ, bản thân thì không thân nhân nước ngoài, lại nghèo xác xơ, vậy mà tôi lại rất thích học tiếng Anh, lúc đó hầu như ai đi học tiếng Anh, đều phải và đã có hướng xuất ngoại. Tìm được một lớp học rất hay với thầy Phạm Văn Sự (có lẽ, đây là một trong những giáo sư Anh Văn giỏi nhất của thành phố cho đến bây giờ, ngoài sự uyên bác về Anh Ngữ, thày còn thông thạo 4 thứ tiếng khác). Học được một khóa, hết tiền, nghỉ học, thầy nhắn bạn tìm đến tận nhà, khuyên tôi gắng trở lại lớp học, thầy không nhận học phí. Nhờ những ngày tháng học với thày, đã giúp tôi rất nhiều trong những ngày đầu định cư trên xứ người. Một lần nữa, xin gửi đến thầy lòng kính ơn sâu xa.

Một buổi chiều tháng Ba 1988, tình cờ gặp lại một người bạn cũ, hai thằng rủ nhau vào quán cafe vĩa hè tâm sự chuyện đời đến khuya. Hai hôm sau, đi dạy về, thấy mảnh giấy viết vội của thằng bạn nhét vào khe cửa -“rãnh ra quán…có chuyện cần”.

Tôi lật đật chạy ra quán, thằng bạn từ từ mồi thuốc, nhắp ngụm cafe rồi mặt nghiêm trọng:

– Tao cùng bà già với mấy đứa em, có chuyến vượt biên hai hôm nữa!

Lúc đó, tôi nghĩ bụng “tưởng gì, còn nói cho thèm”

– Thôi thì, chúc mày và gia đình lên đường bình an, tao nghe nói lúc này (1988) vượt biên khó khăn lắm, các nước không muốn nhận người tỵ nạn nữa, bắn chìm hay đuổi ghe vượt biên ra lại biển cả…

– Tại ông già tao đang ở trại Thái Lan, quen và đã trả tiền cọc cho một ông chủ tàu trong trại, chuyến ghe này la chuyến cuối cùng, vợ ông ta tổ chức, xuất phát từ kênh Năm Rạch Giá. Gia đình tao nếu không liều mạng đi chuyến này, không biết bao giờ mới đoàn tụ với ba tao được.

Tôi im lặng, lòng bâng khuâng.

– Mà mày muốn đi chung với nhà tao không? thằng bạn hỏi nhỏ. Tôi giật mình, rồi bùi ngùi trả lời :

– Hoàn cảnh tao mà được đi còn nói gì nữa, kẹt cái tao nghèo lắm, mầy biết đó, đi uống cafe với mày còn không có tiền trả, khi chưa tới kỳ lãnh lương dạy kèm, tiền đâu vượt biên?

– Bà chủ ghe đang ở nhà tao, mày theo tao về nhà, tao sẽ nói dùm cho mày đi thiếu, sang Mỹ trả, chịu không?

Tôi nghe giật mình thót tim, tưởng như chuyện thần thoại. Lòng không hy vọng gì, nhưng cũng cố gắng :

– Cảm ơn mày có lòng quá tốt, tao nghe lời mày thử coi, nhưng nếu bà chủ ghe không chịu, mày cũng yên tâm mà lên đường.

Đến nhà, gia đình bạn cùng bà chủ ghe đang bữa cơm. Ăn chưa xong chén cơm, thằng bạn tôi đã vô đề. Bà chủ ghe (có cái là lạ, cũng là người Bắc di cư, dung mạo hao hao mẹ tôi) chưa nghe dứt lời, đã lắc đầu dứt khoát “Giỡn hoài, sang đó nó không trả thì làm gì, tui có thiếu gì người ở cùng kênh, gửi con đi, trả tiền đàng hoàng, tui còn chưa muốn nhận nữa”.

Tiên liệu trước, nên tôi chẳng phiền lòng, để tránh sự ái ngại cho thằng bạn, tôi ăn vội cho xong chén cơm rồi xin phép về, không quên chúc chuyến đi bình an. Chân vừa dợm ra đến cửa, tiếng má của bạn tôi gọi giật lại, nói lớn :

– Khoan đã cháu, nè chị, thôi chị làm phước, cho cháu nó đi thiếu, tui nghe thằng con tôi kể, hoàn cảnh nó mồ côi cũng tội nghiệp, trời thương, sang được trại tỵ nạn, vợ chồng tui sẽ trả trước cho anh chị, rồi sẽ lấy tiền nó sau.

Bà chủ ghe suy nghĩ một lúc, rồi nói “thôi, chắc số trời, tui đồng ý cho nó đi thiếu làm phước, ghe tui với gia đình chị là 39 người, có nó vô cho đủ 40, đến được trại tỵ nạn là tụi tui lấy tiền liền đó nha. Đúng hai ngày nữa, người của tui lên đón nhóm người của chị”.

Chưa biết chuyến vượt biên kết quả ra sao, vậy mà khi tôi xin phép về nhà để chuẩn bị, chân bước ra cửa mà lâng lâng như đi trên mây, linh cảm cho một sự đổi đời sắp đến.

Lúc đó, chưa đến ngày lãnh lương gia sư, không có tiền để lộ phí để đi từ Sài Gòn xuống Rạch Giá, tôi định đặt điều nói dối với gia đình ông bác sĩ để xin lãnh lương sớm, nhưng thấy ngại quá, thằng bạn đến phụ tôi thu xếp nhà, nghe chuyện, nó bàn ngay “không có bao nhiêu đâu, đừng làm vậy, gia đình tao sẽ bao mày chi phí từ thành phố xuống bãi luôn”.

Thế là, tôi lên đường đi vào chuyến vượt biển Đông đầu tiên của cuộc đời, một bộ đồ quần áo màu nâu cũ, đôi dép gần đứt quai, cùng với túi rỗng không!

Nhóm gồm bẩy người, gồm gia đình thằng bạn và tôi. Chúng tôi rời bến xe Miền Tây từ sáng sớm, nhưng người dẫn đường lần lữa mãi, đến tối mới đưa xuống bến xe Rạch Giá, để tránh tai mắt của công an, du kích địa phương.

Vì quá cẩn thận, chúng tôi xuống tới bến xe thì trời đã gần nửa đêm. Thấy vẻ hốt hoảng của bác dẫn đường, mới hay “cá lớn” phải rời bến lúc một giờ sáng. Nhìn không gian vắng lặng, tối đen, với hàng cây số đường ruộng, từ bến xe đến bãi ghe ở kênh Năm, cả bọn thở dài chán nản. Phép lạ đầu đến, bổng đâu, xuất hiện đúng ba chiếc xe thồ mời khách. Bám lấy phương tiện cuối cùng, bẩy người chúng tôi nhảy lên ba chiếc xe thồ, đưa hết tiền còn lại, yêu cầu ba anh xe thồ chạy hết sức bình sinh. Có một xe phải chở đến 3 người, xe tôi chỉ có thằng bạn và tôi. Dù vậy, tôi ngồi phía ngoài, yên xe sắt thì quá nhỏ cho hai thằng thanh niên, nhiều lần tưởng đã bị hất văng xuống ruộng, tôi cũng không hiểu tại sao mình dính được trên chiếc xe thồ, được đạp hết tốc lực, băng qua màn đêm, ruộng mương, đến kênh Năm đúng lúc ghe bắt đầu chuẩn bị rời bến !

Bóng tối thật dầy, một đêm không trăng tháng Tư năm 1988, tôi lầm lũi theo nhóm người leo xuống ghe. Khi mắt đã quen với bóng tối, tôi giật mình nhìn chung quanh, thấy chiếc ghe thật nhỏ, giống như chiếc ghe đi sông, chở chỉ 40 người mà chật cứng, người trên ghe nếu ngồi thẳng, đầu và vai nhô cao lên khỏi mạn ghe. Tôi và gia đình thằng bạn nói với nhau, chắc đây chỉ là chiếc taxi chở ra “cá lớn”.

Mọi người được lệnh khom mình sát xuống lườn ghe, anh tài công phủ tấm lá chuối dày lên trên, ghe bắt đầu xuôi dòng kênh, vượt qua các trạm gác, thẳng đường đến chỗ bãi của “cá lớn”. Quá mệt mỏi, dù trong tư thế khom mình, tôi ngủ mê thiếp đi hồi nào không hay, giật mình tỉnh dậy do ghe bị xóc mạnh từ những cơn sóng đánh vào hai mạn ghe, trời đã mờ sáng, nghe nồng mùi mằn mặn của muối – ghe đã ra đến biển, chẳng có chiếc “cá lớn” nào khác,  chiếc ghe nhỏ đi sông mong manh này cũng là “cá lớn” sẽ đưa chúng tôi vượt biển đông. Tôi nhìn thấy vẻ sợ hãi lộ rõ của má bạn tôi, bà từng tham dự nhiều chuyến vượt biên thất bại trước, nhưng đã quá muộn để thay đổi ý (cũng là số trời, nếu bà có thì giờ xuống Rạch Giá xem xét ghe trước, chắc tôi cũng chẳng có chuyến đi định mệnh này).

Ghe đi được khoảng hai ngày thì bị bão. Ghe quá nhỏ, cơn bão lớn cuộn hàng cột sóng khổng lồ, giận dữ ầm ầm dội khắp biển Đông. Đêm đó, nằm bẹp dưới sàn ghe, nhìn lên bầu trời đen kịt mây mù, nặng trĩu thật thấp, tưởng như với tay có thể đụng tới, tôi rùng mình nhìn những cột sóng cao ngất trời như những tầng lầu cao tầng (những đợt sóng tử thần này giống hệt trong bộ phim “The Perfect Storm”, bây giờ xem phim, tôi còn vẫn rùng mình, khi nhớ lại), từng đợt, từng lớp, sóng từ trời cao đen thẩm, đánh ập xuống chiếc ghe nhỏ mong manh, như lưỡi búa của thần chết. Chuyện chiếc ghe bị đánh chìm chỉ còn là vấn đề thời gian. Chỉ cần một đợt sóng đánh trúng, sẽ nhận chìm chiếc ghe ngay lập tức, vậy mà cứ mỗi lần lưỡi búa của tử thần đập xuống, lại có một cơn sóng khác, nâng chiếc ghe lên, tránh khỏi trong gang tấc. Lúc này máy ghe hoàn toàn tê liệt, mọi người kể cả anh tài công đều nằm chờ thiên mệnh. Bên cạnh tôi là cô em gái tên Ly của thằng bạn, tôi buồn bã rên rỉ “phen này chắc chết quá Ly ơi”, chợt nghe tiếng cô gái trả lời, từng chữ một, chậm rãi, bình tĩnh “nếu có đức tin, anh sẽ sống”, tôi giật mình, nhìn sang, thấy Ly khuôn mặt điềm đạm sáng ngời, nhờ vậy sau đó, tôi lấy lại được can đảm một chút (sau này mới biết Ly ăn chay trường, tu tại gia từ nhỏ cho đến giờ, đang sống ở Cali).

Không hiểu phép lạ nào đã giúp, chiếc ghe chết máy vẫn còn bồng bềnh trên biển Đông, sau khi chịu đựng sự tấn công từ suốt đêm của cơn bão “Perfect Storm”. Buổi sáng hôm sau, trời lại trong xanh, không gợn chút mây, như chưa từng có cơn bão đêm qua!

Lúc này, tới cái khổ của cái khát nước, đến buổi trưa, cái nóng như đổ lửa trút xuống cái ghe trần không mui. Đến lúc đó, chúng tôi nhận ra sự tệ hại của khâu tổ chức : ghe không có nước hay lương thực chung! mạnh ai nấy đem cho riêng mình, chúng tôi là nhóm người duy nhất từ thành phố xuống, đinh ninh mọi sự đã được chuẩn bị, không ai mang theo thức uống hay đồ ăn gì. Những người còn lại trên ghe đều là dân địa phương, từng vượt biên nhiều lần. Do kinh nghiệm, họ đem đầy đủ thức ăn, nước. Tuy nhiên, trong cuộc hành trình sinh tử, ai nấy đều cất giấu riêng phần của mình, tuy vậy, tội nghiệp mẹ bạn tôi có đứa con nhỏ, họ có san sẻ cho ít nước, củ sắn, còn thanh niên như tôi và thằng bạn, đành chỉ nuốt nước miếng và tưởng tượng cho quên sự đói khát.

Trong cơn mê sảng, tôi mơ thấy mẹ đem đến cho một ly đá chanh (đây cũng là lý do, thức uống mà bây giờ tôi thích nhất ở nhà, hay vào tiệm chỉ là một ly đá chanh), cầm từ tay mẹ, uống vào ào ạt, sao không thấy đã khát, tỉnh ra mới xót xa, khi hay chỉ là mơ. Lúc này, cảm thấy cái cổ khô khốc của mình, hình như không còn sự sống, để làm nhiệm vụ nối cho đầu và mình nữa.

Ghe chết máy bồng bềnh trôi gần một ngày, cuối cùng mọi người sốt ruột, lôi dậy anh tài công, chung nhau tìm cách sửa lại máy ghe, hì hục một hồi, cuối cùng tiếng máy nổ vang trở lại, như đem lại niềm hy vọng mới cho đoàn người vượt biển.

Ghe chạy được một đỗi thì trời bắt đầu tối dần. Đi trên biển Đông với chiếc ghe mong manh, mới thấy sợ đêm của biển. Trời chỉ cần vừa hoàng hôn, mặt biển yên lắng không còn nữa, thay vào đó là những cuộn sóng lớn, tuy vậy do kinh nghiệm của đêm trước, chúng tôi biết đây vẫn chưa là bão, chỉ là những cuộn sóng lớn của biển thường, nhưng vì chiếc ghe quá nhỏ, mọi người vẫn bị sóng đánh ướt toàn thân, nước lại tràn vào làm ghe muốn chìm, mọi người lớn lại hè nhau, vươn sức kiệt tát nước.

Trong đêm mờ mịt của sóng nước biển Đông, chợt chúng tôi thấy ánh sáng của con tàu lớn trong tầm nhìn. Lúc này ghe đã hoàn toàn hết nước, đồ ăn, nhiều trẻ con, phụ nữ kiệt dần sức chịu đựng. Tôi cuống quýt kêu gọi mọi người, cuốn hết quần áo làm đuốc, đốt lửa hiệu cầu cứu. Tôi đứng trên mũi tàu giơ cao ngọn đuốc lửa, không thấy dấu hiệu chiếc tàu lớn thấy được (có lẽ họ không thể thấy đóm lửa quá nhỏ nhoi giữa biển đêm, hay làm ngơ không thấy). Tôi, bạn tôi cùng một thanh niên, vội nhóm lại ngọn đuốc lửa tàn, cho lần lửa hiệu cầu cứu thứ hai, người thanh niên có lẻ vì quá mệt, không suy nghĩ, tưới vội xăng vào ngọn đuốc tàn trên tay tôi. Tay, người tôi vẫn còn đẫm ướt đầy xăng, từ lần đầu làm đuốc, thế là toàn thân bùng cháy như ngọn đuốc sống. Quá nóng, như phản xạ, tôi nhẩy đại xuống biển, dù không biết bơi. Tôi còn nhớ, chân vừa xuống mặt biển đêm lạnh ngắt, như có cái gì mềm mềm, cùng với sóng, đẩy mạnh tôi trở lại lên mặt nước, tay tôi giơ lên, chạm vào vật gì cứng như gỗ , hóa ra sóng bật tôi lại lên cao, tay đụng được mạn thuyền, như người sắp chết đuối nắm được phao cứu mạng, tôi dùng hết sức bình sinh, đu mạnh toàn thân như bay trở lại chiếc ghe. Người chạy đến ngay phụ kéo tôi lên ghe, chính là bác chủ ghe.

Tôi rơi xuống biển từ đầu mũi ghe, lúc từ biển đu lên trở lại, vào phía cuối mạn ghe!

Lúc này toàn thân, từ mặt, tay, lưng tôi đã bị phỏng nặng, vết thương đẫm nước biển, rồi nước dơ trong thuyền, trở nên nóng rát rất đau đớn, khó chịu vô tả. Anh tài công thấy tội nghiệp, cho phép tôi rời khoan ghe chật cứng lên ngồi bên khoản trống sau ghe, gần máy.

Qua câu chuyện trao đổi với anh Hùng, tên người tài công, tôi mới hay gia đình tổ chức chuyến vượt biên cũng biết ghe quá nhỏ, kế họach-chỉ mong đến được giàn khoan dầu của Mỹ trong vịnh Thái, từ đó nhờ Mỹ can thiệp để chính phủ Thái cho vào trại tỵ nạn. Lúc này đã vào năm 1988, cuối mùa tỵ nạn, ghe vượt biên nào dám chạy thẳng vào lãnh thổ Thái một mình, đều bị kéo trở ra, hay bị bắn chìm.

Cũng từ câu chuyện với anh Hùng, tôi càng nghe, càng thấy lạnh người vì sự tuyệt vọng, lúc này anh cũng chẳng buồn giấu, anh nào có biết gì về phương hướng đi biển, anh chỉ chuyên lái ghe cào đi sông, nghèo, nhận bừa chân tài công, chỉ để được đi. Tôi ngậm ngùi hỏi anh để được đi đâu, hay đi vào cõi chết?

Chiếc ghe anh lái cứ lầm lũi lướt đi vô định trong đêm, tôi nhìn bóng tối mênh mông trước mặt, như cái miệng khổng lồ của con quái vật, từ từ nuốt chừng chiếc ghe nhỏ bé, chợt nước mắt pha lẫn nước biển nhạt nhòa trên mặt, thương cho số phận con người sao phải đành rời bỏ quê hương, để đi tìm cái sống trong cái chết.

Lúc này thân thể thương tích dù đau đớn, nhưng chợt tâm hồn thật yên lắng, tôi nhìn lên trời đêm, suy tưởng mạnh mẽ về chân ảnh của Phật Quan Âm, mà từ nhỏ, tôi theo tập quán gia đình luôn thờ phượng trong nhà. Mệnh đã gần cửa tử, tâm thật thanh khiết, tôi gởi đến Phật lời niệm tha thiết “Con biết thân này là giả tạm, cõi ta bà là biển khổ, nếu mệnh số của 40 người chúng con đã hết, xin thương độ trì cho các linh hồn về nơi an lạc”. Có lẽ vì sự tập trung tư tưởng quá mãnh liệt, tôi chợt cảm một luồng điện giật mạnh từ toàn thân đến đầu.

Vừa lúc đó, tôi chợt thấy một vùng sáng rực của giàn khoan dầu ngay trong tầm mắt, giật mình, nhớ anh Hùng kể chuyện rằng ghe chỉ mong đến được giàn khoan, tôi quay sang anh đang ngủ gật, nói lớn, giọng tự tin:

– Anh Hùng, lái ghe đi về hướng này sẽ đến giàn khoan.

– Ủa, ông biết đường ha? Anh giật mình từ cơn ngủ gục hỏi lại.

– Đúng, đi hướng này. Tôi chỉ tay về vùng sáng chói lòa giàn khoan, nghĩ thầm, anh tài công này chắc cận thị nặng, sao không thấy ánh sáng của giàn khoan sờ sờ trước mắt.

Anh Hùng tận tụy lái chiếc ghe đi theo hướng tôi chỉ, ghe chạy mãi đến trời mờ sáng thì…hình ảnh giàn khoan cũng biến mất, hóa ra đó là ảo ảnh chỉ một mình tôi thấy được, lúc đó tôi tưởng ảo ảnh, do ảnh hưởng của vết thương phỏng toàn thân đã bị nhiễm trùng gây ra, nhưng có lẽ không phải…

Cả ghe như gầm lên vì tức giận, nhất là anh Hùng:

– Không tội nghiệp ông bị thương vì ghe là tụi tui quăng ông xuống biển cho rồi, không biết thì làm ơn ngồi yên, ông định giết sớm cả chiếc ghe này hả.

Tôi, lúc đó đâu còn nghĩ mình sẽ sống, nên dù lòng hơi băn khoăn chuyện tận mắt thấy giàn khoan đêm qua, cũng chẳng bận tâm chuyện chiếc ghe gầm thét chửi rủa mình. Tôi còn nghĩ thầm tếu trong bụng “trước sau cũng chết, chết sớm thì tốt, sao giận dữ vậy”.

Lúc này, tình hình trên ghe đã bi đát cùng cực, đã hơn ba ngày từ lúc ghe không còn nước và đồ ăn. Mọi người nằm rũ rượi chèn đè nhau trên ghe, tôi vẫn không quên hình ảnh trên ghe lúc đó, những cháu bé nhắm ghiền mắt, mềm lả khô khốc trên tay những bà mẹ, như đã chết.

Bất ngờ, từ xa một chiếc tàu đánh cá to lớn tiến thẳng thật nhanh về phía chúng tôi, ai nấy như bừng sống lại, mọi người đều ráng đứng dậy, vẫy la cầu cứu chiếc tàu lạ.

Chiếc tàu đánh cá lớn càng đến gần, tạo ra những đợt sóng to, như muốn nhấn chìm chiếc ghe nhỏ bé, chiếc tàu phải lui lại, dừng cách chúng tôi một khoảng cách, nhìn sang, thấy hàng chục thủy thủ người Thái mặt dữ dằn, đứng đầy trên boong tàu, chỉ chỏ sang ghe, ai nấy mình trần trùng trục xâm kín, mặc chỉ quần lót, tôi nghĩ thầm “thôi rồi, tàu hải tặc, đại nạn chập chùng, số chết thì trước sau cũng chết”.

Thủy thủ trên tàu đánh cá bắt đầu dùng thang dây kéo từng người chúng tôi sang, chiếc ghe chúng tôi được cột phía sau tàu. Tôi cũng hơi ngạc nhiên, nghĩ, thường hải tặc tràn sang tấn công ngay, ít khi đưa hết người từ ghe vượt biên sang tàu của họ, chẳng lẻ có phép lạ cứu sinh chúng tôi?

Khi đưa chúng tôi vừa sang hết, tàu đánh cá đã bày trên boong tàu đầy những nồi cá luộc, những thùng nước đá, mặc kệ ra sao thì ra, mọi người trên ghe lăn xả vào đồ ăn, nước uống, lấy lại sinh lực cho thân thể kiệt sức của mình. Những bà mẹ rũ rượi, thân thể kiệt suy, vậy mà cũng chưa vội ăn, đầu tiên, lo thấm từng giọt nước lên môi, móm từng miếng cá cho con nhỏ, tình mẹ thương con bao la biết bao nhiêu.Tôi còn nhớ ngụm nước đá đầu nuốt vào cổ họng đau đớn vô cùng, nhưng sau đó là vị giác tuyệt vời của sự sống trả lại. Ước mơ khao khát mãnh liệt của mọi người lúc đó chỉ là một ly nước, mới hay, ước mơ của con người thật sự đổi thay theo mỗi hoàn cảnh của cuộc đời.

Tôi ăn không được nhiều, chỉ uống, như chưa hoàn hồn, đứng ngẩn ngơ nhìn đoàn người trên ghe đang say sưa ăn uống, tưởng tôi là chủ ghe, ông thuyền trưởng tên Tẩy, gốc người Campuchia, sống ở Thái, vợ người Việt, nói được tiếng Việt giọng lơ lớ như người Tàu, kéo lên cabin nói chuyện. Vừa vào phòng lái của ông, tôi thấy một bàn thờ Phật Quan Âm thật to, tôi chợt cảm thấy bình an, nghĩ chủ tàu đánh cá Thái này có thờ Phật, chắc không có ý hảm hại chúng tôi.

Ông Tẩy, tiếng Việt lơ lớ nói chậm rãi, đại ý:

– Đừng lo, tui không cho thủy thủ làm bậy đâu, tôi thờ Phật, làm ăn đàng hoàng. Tàu tôi trên đường đi đánh cá ngược hướng, nhìn ống nhòm, thấy ghe các ông, biết là ghe người Việt vượt biên, nhưng không thể, cũng không ý định cứu. Rồi tôi được tin thời tiết cho biết, đêm nay có bảo cấp 7,8 rất lớn trên biển, gọi về đất liền, vô tình kể lại, vợ tui la hét rồi khóc lóc buộc tui phải quay tàu lại cứu các ông(một lần nữa, gởi đến vợ chồng ông, lời tri ân cứu mạng). Rồi, ông nói một câu, làm tôi giật mình đến nổi gai ốc.

– Ghe ông muốn đi tới giàn khoan Mỹ trong vịnh Thái Lan phải không? Đi đúng hướng lắm đó, nhưng phải hơn một ngày nữa mới tới, với lại, không sống nổi qua cơn bão đêm nay đâu.

Ghe đi đúng hướng! ông Tẩy nào có biết ghe chúng tôi không có lấy một cái hải bàn, chỉ đi theo một ảo ảnh giàn khoan trên biển đêm, hay ảo ảnh là thông điệp của Phật Quan Âm cứu độ?

Tôi chưa kịp nói, xin ông cứu giúp thêm đưa đoàn người vào đất liền, ông đã cho hay sự thật não lòng.

– Tàu tui không thể đưa ông vào Thái được, bây giờ vào là chánh phủ bắn chìm hay tịch thu bỏ tù luôn. Tui chỉ có thể kéo ghe các ông vào một đảo Campuchia gần đây, do bộ đội Việt Nam chiếm đóng, các ông phải bị trở lại Việt Nam, bị tù, nhưng còn hơn là chết trên biển, đúng không?

Tôi chuyển thông điệp của ông Tẩy đến mọi người, dù thật buồn, nhưng ai nấy cũng đồng ý, dù sao tù tội còn có ngày ra, còn hơn vùi xác trên biển cả. Đêm đó, ông Tẩy nhốt mọi người vào một phòng có cửa kính nhìn ra ngoài biển cả, chìa khóa do chính ông cất, để giữ lời ông hứa, không cho phép các thủy thủ Thái làm hại những cô gái trên ghe.

Đêm đó, dù mệt mỏi, nhưng tôi vẫn không ngủ được, một phần vì bao suy tư trong lòng, một phần vì tiếng sóng bảo gầm thét bên ngoài. Nhìn ra cửa kính, thấy chiếc tàu khổng lồ của ông Tẩy, chao đảo mãnh liệt, có lúc như muốn chìm vì những đợt sóng khổng lồ. Thầm nghĩ, đêm nay sẽ ra sao, nếu chúng tôi còn ở trên chiếc ghe nhỏ bé, tôi chợt thấy lòng trào dâng một nổi xúc động, cảm nhận và cảm tạ sự may mắn hay điều gì thiêng liêng, đã cứu sống chúng tôi trong đường tơ kẻ tóc.

Sáng hôm sau, tàu ông Tẩy đưa chúng tôi vào đảo, như ông đã đề cập tối hôm qua. Đảo mà tôi đã quên tên, thuộc vùng biển Campuchia, do bộ đội Việt chiếm đóng. Ông Tẩy không quên tặng cho những người lính bộ đội quà gồm nhiều thùng cá và thuốc lá Samit, như lời ông âm thầm gởi gấm, mong sự đối đãi tử tế cho chúng tôi.

Người bộ đội, chỉ huy trưởng đảo, trước khi sai lính đưa đoàn người vào ở trong một lô cốt trống, giải thích rõ ràng số phận của chúng tôi, với giọng ôn tồn hiền lành:

– Cứ sáu tháng thì tàu từ Phú Quốc mới ra tiếp tế một lần. Xui cho bà con, thật ra là xui cho tụi tôi, tàu vừa mới ra tháng rồi, phải chờ đến năm tháng nữa, mới có tàu ra đưa bà con về trình diện công an biên phòng ở Phú Quốc, rồi họ sẽ chuyển thẳng bà con về khám Chí Hòa. Trong thời gian chờ đợi ở đảo, chúng tôi sẽ tiếp tế thực phẩm, nước uống cho bà con đầy đủ, nhớ sống kỷ luật đàng hoàng.

Buổi tối đoàn người chen chúc trong cái lô cốt, còn hừng hực cái nóng của ban ngày, như có điều mơ hồ, nhưng lạ lùng mãnh liệt thôi thúc, tôi chợt lén một mình ra khỏi lô cốt, đi thẳng về phía căn nhà lá của ban chỉ huy đảo.

Khi tôi, thằng người đầy máu mủ lem luốc từ vết phỏng toàn thân, bất ngờ bước vào gian phòng, cả ba người bộ đội đang ngồi uống trà giật mình, sau tôi mới biết đó là ba người có trách nhiệm chỉ huy lớn nhất trên đảo, hai trưởng-phó đảo, một chính trị viên của đơn vị.

Người chính trị viên thét to làm tôi giật mình, giọng miền Bắc: – Này, thằng vượt biên này láo nhé, đi đâu sồng sộc vào phòng chỉ huy, không phép tắc gì thế này.

– Xin lỗi việc em vô phép vào đây, em có vấn đề xin trình bày với các anh. Tôi dừng lại, đứng trước ba người, nói chậm và rõ từng chữ.

Cả ba người lính, vẫn còn chưa hết ngạc nhiên, trợn to mắt, yên lặng nhìn tôi.

– Xin các anh tha cho tụi em được tiếp tục ra đi. Nếu các anh giữ tụi em ở lại đảo thêm năm tháng nữa, hao tốn thực phẩm quý hiếm của đơn vị trên đảo, rồi khi tụi em vào tù, các anh có được cấp trên khen thưởng thêm gì không? Hơn nữa, tất cả mọi người trên ghe, vượt biên, không phải vì phản quốc gì đâu anh, hầu hết, chỉ vì muốn đoàn tụ với thân nhân gia đình ở nước ngoài, trong lúc chờ đợi giấy tờ lâu quá ở Việt Nam.

– Thằng này lý sự hay lắm, thế tụi tao cứ thả tụi mầy đi không vậy à. Chỉ người chính trị viên nói, hai người trưởng và phó đảo vẫn giữ im lặng từ đầu.

Đến đây, tôi thấy mọi sự “đầu tiên” đã mở, tin rằng mọi người trên ghe có mang theo vàng, nên tôi xin phép trở về.

Mọi người trên ghe nghe tôi kể lại chuyện thương lượng với ban chỉ huy đảo, ai cũng mừng như chết đi sống lại, cả ghe gom lại đưa tôi gần 40 chỉ vàng.

Sau khi nhận vàng, mọi người đến xem lại, mới hỡi ôi, ghe chúng tôi dù được kéo bằng tàu ông Tẩy, nhưng đã gần rã nát vì cơn bão lớn đêm đó. Cả bọn chúng tôi, đang buồn bã tuyệt vọng, thì người trưởng đảo giờ mới lên tiếng:

– Đừng lo, chúng tôi bắt được một ghe nhỏ đánh cá trái phép của ngư phủ Thái Lan tháng trước, cho các anh chiếc ghe đó, để tiếp tục lên đường như đã thỏa thuận.

Cả hai nhóm người, vừa bộ đội, vừa người vượt biên, xúm lại lau chùi, sửa lại máy trên chiếc ghe Thái. Đến xẩm tối, tiếng máy trên ghe nổ vang, lệnh của anh trưởng đảo, mọi người phải trở lại lô cốt ngủ, để lên đường ngày hôm sau. Sốt ruột, chúng tôi xin đi ngay (sợ ban chỉ huy đảo đổi ý, hay tàu đất liền biết đâu xui xẻo trở lại đảo ngày mai), nhưng người trưởng đảo dứt khoát từ chối, chỉ nói, đêm nay biển cũng động, đi nguy hiểm (một lần nữa xin cảm ơn anh Thuận nơi tấm lòng nhân ái, cứu đời tù tội cho chúng tôi).

Đêm cuối cùng trên đảo, có một chuyện xảy ra mà tôi vẫn nhớ đến giờ. Tôi ngủ trong lô cốt gần cửa ra vào, khoảng hơn nửa đêm, chợt nghe tiếng gọi nhỏ gấp rút “anh Long ơi, anh Long ơi”. Đêm trên đảo lạ, nghe tiếng gọi đích danh tên mình, nghe thiệt ớn quá, nhưng sợ làm kinh động bà con đang ngủ, tôi phải bò ra khỏi lô cốt, xem ai gọi mình.

Một anh lính bộ đội xưng tên Minh, kéo tôi vào một bụi cây, rồi nói nhanh, giọng người Bắc,nghe như muốn khóc :

-Xin anh cho em đi theo với.

Hóa ra anh xin đi vượt biên cùng với ghe chúng tôi, và anh tưởng tôi là trưởng đoàn hay chủ ghe.

-Anh biết không, em sống trên đảo này bẩy năm rồi, khổ và buồn lắm anh ơi, ngày lên đường vào năm 81 từ Thanh Hóa, vừa cưới vợ xong, nghèo quá, không có tiền mua nhẫn cưới, vì lệnh trên em phải lên đường ra đảo, nghe tin bố mất mà cũng không xin được phép về, bốn năm trên đảo, em cố dành dụm được đủ tiền mua nhẫn cưới cho vợ em, ngày về phép, thì đồng tiền đã mất giá, tiền em ki cóp, dành dụm bốn năm trời, không còn đủ để sắm nhẫn, mà vợ em cũng đã bỏ em, lấy chồng khác trong thành phố HCM. Em có ông anh vượt biên qua đường HongKong, hiện đang định cư ở Toronto Canada, xin anh thương cho em đi theo tàu, đoàn tụ với anh của em, thoát khỏi cuộc đời quá buồn và đau khổ ở đảo nầy.

Lúc đó, dù thật xúc động trước lời tâm tình của Minh, nhưng nghĩ đến số phận của mình và đoàn người cùng ghe, ban chỉ huy đảo chắc chắn sẽ kỷ luật và chấm dứt việc giúp đỡ, nếu chuyện giúp cho một người lính đảo đào thoát lộ ra, tôi nói nhanh lời quyết định thật nhẫn tâm:

-Chắc không được đâu anh ơi. Rồi tôi bỏ chạy nhanh trở lại lô cốt.

Đêm đó, tôi thức trắng vì nổi ray rứt, ân hận trong lòng, khi nhớ lại câu chuyện đời buồn của anh bộ đội tên Minh, và lời từ chối giúp đỡ tàn nhẫn của mình…

Sáng hôm sau, đoàn người vượt biên tiếp tục lên đường, hai bên là những người lính bộ đội tiễn đưa, viên sĩ quan chỉ huy trưởng, ngay trước lúc mọi người lên ghe, nói lớn :

– Chúc bà con lên đường bình an, đi hướng nầy rất gần là về Phú Quốc, hướng này xa hơn là đến giàn khoan Mỹ trên vịnh Thái Lan, tùy bà con quyết định.

Ghe vừa ra khuất bờ, thì nghe tiếng gọi từ một chiếc ghe tam bản nhỏ.

-Anh Long ơi, anh Long ơi, cho em đi với!

Hóa ra, anh bộ đội Minh đã ra sẳn đây từ đêm qua, để chờ ghe chúng tôi, anh Hùng có nghe tôi kể chuyện đêm qua, đồng ý với quyết định không cho anh Minh cùng đi của tôi, rồ mạnh máy ghe chạy thẳng. Lúc đó, nhìn lại bóng anh Minh mờ mịt với lời kêu tha thiết, tôi chợt thay đổi quyết định, làm một điều mà lòng tôi vẫn còn vui cho đến bây giờ, khi nhớ lại. Tôi quay lại, nắm chặt tay anh Hùng, giọng dứt khoát:

-Anh Hùng, quay ghe lại, cho anh Minh lên, mình ra xa rồi, đảo không thấy đâu.

Anh Hùng nhìn tôi trợn tròn mắt vì ngạc nhiên, rồi có lẽ vì lòng nể tôi với những nổ lực cứu mọi người, anh đổi hướng ghe, quay trở lại cho anh Minh lên. Lên ghe, khi mọi người lăn ra vì say sóng trở lại, Minh tỉnh bơ, chạy đi, chạy lại, lăn xăng từ đầu đến cuối ghe, săn sóc, nấu cháo đem đến tận tay cho mọi người, ai cũng cảm kích, và vui với sự có mặt bất ngờ của Minh trong đoàn người vượt biên. Minh, giờ đang định cư tại Toronto Canada qua sự bảo lãnh của người anh, sống hạnh phúc với người vợ mới và hai con, làm chủ một tiệm Hair Salon.

Ghe đi bình an thêm hơn một ngày, đến chiều tối của ngày 11 tháng 4 năm 1988, chúng tôi ai cũng thấy rực rỡ ánh lửa của giàn khoan dầu Mỹ trong vịnh Thái, lần nầy là sự thật không phải là ảo ảnh nữa. Nhìn những nhân viên Mỹ tại giàn khoan, mặc đồng phục màu cam, chạy tràn xuống cứu cấp cho chiếc ghe chúng tôi giữa biển đông của đêm ấy, như những thiên thần. Nhân viên Mỹ tại giàn khoan cấp tốc đưa tôi lên phòng cấp cứu, do vết phỏng lúc ấy đã bị nhiễm trùng nặng (một lần nữa, xin tri ơn sự cứu giúp của người Mỹ và đất nước Hoa Kỳ).

Chúng tôi được giữ tại một xà lan bên cạnh giàn khoan trên biển, trong lúc chờ đợi công ty dầu Mỹ thương lượng với chính phủ Thái về số phận của đoàn ghe. Nhóm người chúng tôi 40 người trên xà lan, sau đó lên đến hơn 300 người, nhiều ghe vượt biên vẫn tiếp tục được giàn khoan vớt sau đó. cuối cùng sau hơn hai tháng chờ đợi, qua sự trả tiền từng đầu người của công ty cho chính phủ Thái, chúng tôi được phép di chuyển vào bờ, chuyển thẳng đến trại tỵ nạn Banthad, một trại mới được thành lập, nằm dọc theo biên giới TháiMiên, ngay trong vùng giao tranh đỏ lửa của bộ đội Việt Nam và lực lượng Khờ Me đỏ. Giam người tỵ nạn Việt ở đây, sát cạnh chết chóc của chiến tranh, chính phủ Thái hy vọng làm nản lòng, chặn đứng được làn sóng tỵ nạn Việt Nam tràn ngập vào Thái vào những năm 86-88.

Chúng tôi lại sống thoi thóp trong hồi hộp lo âu, giữa vùng giao tranh hai bên, nhiều đêm nghe tiếng pháo đạn súng cối sát kề, có hôm phải gồng gánh, chuẩn bị di tản vì chiến tranh lan gần đến trại (có một số người vì sợ quá mà phát điên, cùng trại có nghệ sĩ cải lương hồ quảng Thanh Bạch, Bạch Lê, con trai của ca sĩ Nhật Trường, tên Trần Thiện Anh Chương, sau lấy tên Thanh Toàn khi làm cho đài radio Little Saigon). Trại tỵ nạn biên giới tên Banthad, nhưng cao ủy tỵ nạn đến sớm chiều là rút chạy về Bangkok vì lý do an ninh. Mãi đến tháng 6, năm 1989, nhờ hiệp ước Geneva, chúng tôi cuối cùng được chuyển đến trại chính Panat Nikhom, chính thức được gặp các phái đoàn phỏng vấn cho đi định cư.

(Hiệp ước Geneva mở ra con đường sống cho nhóm người chúng tôi, nhưng cũng là sự khai tử cho chương trình người tỵ nạn Việt Nam. Hội nghị đề ra mốc điểm ngày 14 tháng 3 năm 1989, ai đến đảo sau ngày này, không còn đương nhiên được coi là người tỵ nạn, phải trãi qua sự thanh lọc của chính quyền địa phương, nhiều người không qua được thanh lọc, phải bị cưỡng bách hồi hương, hàng trăm vụ tự sát vì oan uất. Ngày tôi rời Thái sang Mỹ, nhìn thấy biết bao là nước mắt lúc tiễn đưa, đầy tủi hận của bạn bè, của hơn 2000 người Việt ở cùng trại, còn kẹt lại hay đã rớt thanh lọc, vì đồng bào đã vượt biên đến Thái sau ngày mốc điểm, có người đến lúc 12:30 sáng ngày 15, tháng ba 1989!).

Giờ này, đã gần mười bốn năm trôi qua trên đất Mỹ. Chuyện vượt biển Đông năm nào chỉ còn là kỷ niệm. Xin thêm một lần kính ơn Phật Quan Âm, tính danh của Thượng Đế trong niềm tin và hiểu biết hẹp hòi của tôi, tạ ơn ngài điều huyền diệu, cho phép chúng tôi được tiếp tục sống, bình an qua khổ nạn đêm nào trên biển Đông. Tôi chợt suy nghĩ, lý do nào, đã cho phép mình được tiếp tục sống, trong lúc hơn nửa triệu người Việt phải chết thảm trên biển cả vì bảo táp, vì hải tặc, vì đói khát..? Có phải, chính vì cái chết, thật ra chẳng phải là điều bất hạnh, chỉ là bước chuyển tiếp sang một thế giới khác tốt đẹp hơn; cũng như, những người được tiếp tục sống từ biển Đông năm xưa, được trao một sứ mệnh gì phải hoàn thành. Không lẽ được sống, để tiếp tục ăn ngủ, ôm chuyện tham sân si với thế gian, rồi lại cũng chết, buồn quá.