ĐI VŨNG TÀU DỰ TRẠI HÈ HỌC SINH NĂM 1971 (phần 2)
Phóng sự của Trường Hải
(Nguồn: Báo Chính Luận số 2213 ngày Thứ sáu 23 tháng 7 năm 1971)
Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Úc Châu chân thành cám ơn anh Võ Phi Hùng, cựu học sinh PK niên khóa 1967-74, đã sưu tầm, scan và gửi tặng.
(Tiếp theo Phần 1)
Thầy hướng dẫn P. Ký lại phân trần với cô hướng dẫn Trưng Vương.
– Vâng chúng tôi biết rồi, chúng tôi chỉ xin khu cát trong bóng cây để trưa tránh nắng, không lẽ các cô lại để cho tụi tui chết nắng cả à.
Cuộc điểu đình tới 5 giờ chiều, cuối cùng ban tổ chức giải quyết: con trai ở ngoài nắng, con gái trong mát. Thôi thì đành ở ngoài nắng cho quen vậy.
Xong màn dành đất, lại đến màn không có lều. Không biết ban tổ chức phân phát thế nào mà P. Ký không có cái lều nào cả, chỉ có vỏn vẹn hai cái lều rách. Thôi thì tối nay ngủ ngoài sương. Đến 6 giờ, ban tổ chức lại đem đến cho 4 cái nữa lại cũng không thua gì 2 lều trước. Có lều rồi lại không có cột để dựng. Thế là dân P. Ký phải đi xin cây, cột dư của từng trường một đem về dựng lều. Rõ chán chưa! Phải chi ban tổ chức chia sẵn lều cột cho từng trường một thì đỡ biết mấy. Như vậy, điểm trang trí lều trại coi như P. Ký rơi đài vì chỉ toàn lều rách, lều dơ.
Dựng lều xong thì trời đã tối. Anh em lần lượt lãnh mỗi người 200đ đi ăn tối. Chỉ còn kẻ này ở lại trông lều. Kẻ này làm một phát tính nhẫm: 42 người mà chỉ có 6 lều, như vậy mỗi lều 7 người. Chết chửa, lều cá nhân mà nhét 7 người vào một lều thì có nước ngộp thở chết mất. Thôi thì đành thay phiên ngủ ngoài trời cho “mát”. Dân P. Ký mà.
Tối đến, phần lạ chổ, phần ở ngoài trời lạnh lẽo, anh em ngủ không được nằm nói chuyện vu vơ tới 3, 4 giờ sáng. Kẻ này chỉ chợp mắt được hơn một tiếng đồng hố.
Các học sinh Petrus Ký đang quây quân trước cổng trại.
NGÀY 26-6-71
Năm giờ sáng, anh em đều thức dậy để bắt đầu vào vịêc trang trí cổng trại vì nghe nói có Tổng Thống Thiệu đến dự buổi lễ khai mạc trại. Sau đó Tổng Thống sẽ đến thăm viếng từng trại. Nhìn chung quanh thấy bà con làm xong xuôi cả rồi. Từ Mạc Đỉnh Chi, Quốc Gia Nghĩa Tử, Hồ Ngọc Cẩn, Cao Thắng, v.v… mỗi trường một sắc thái riêng. Đến lượt P. Ký cũng không kém gì ai, cũng hàng rào cũng cổng hẳn hòi. Xong công việc thì trời đã sáng hẳn. Tiếng ô bạt lưa đọc chương trình trại hôm nay vang lên:
6g30: Thức dậy, vệ sinh cá nhân
8g00: Tập hợp, tham dự lễ khai mạc
10g00: Thăm viếng trại
14g00: Tắm biển
16g00: Thi đua kéo co
20g00: Lửa trại, thi đua văn nghệ
22g00: Yên lặng, ngủ
Tám giờ, tất cả trại sinh đều tập hợp trước khán đài làm lễ. Tiếng ô bạt lưa luôn nhắc nhở tất cả trại sinh đều không được đội nón, đeo kính râm. Chết chưa! Không được đội nón mà đứng ngoài nắng chờ đợi hai ba tiếng đồng hồ thì chắc xỉu mất. Mà quả thiệt, một vài trại sinh chịu đời không thấu xỉu dài dài.
Đến 10 giờ, ông Tổng Trưởng Giáo dục Ngô Khắc Tỉnh, đại diện Tổng Thống đến khai mạc. Sau phần diễn văn thường lệ của ông trại trưởng, đến diễn văn của ông Tổng Trưởng. Đọc diễn văn xong, Tổng Trưởng cùng phái đoàn đến khu triển lãm, và kết thúc buổi lễ khai mạc là phần thăm viếng lều trại của các trại sinh. Thầy trại trưởng hướng dẩn Tổng Trưởng thăm viếng từng tiểu trại. Sau khi viếng thăm xong tiểu trại Triệu Nương nghe các liền bà Gia Long, Trưng Vương, Lê văn Duyệt líu lo ca hát, Tổng Trưởng lại tiếp tục qua trại Quang Trung. Các anh em bụng sẵn khi ông Tổng Trưởng đến trại sẽ ca bản “đói dài, đói dài dài”, nhưng rốt cuộc cũng đành im hơi lặng tiếng nghe ông kể lại chuyện xưa. Kết thúc phần thăm viếng, Tổng Trưởng ra về.
Theo đúng chương trình thì 2 giờ mới được tắm biển, nhưng kẻ này cùng một số bạn nóng lòng quá, đi từ hôm qua tới nay chưa có dịp tắm, mồ hôi ra nực nồng. Thôi thì leo rào một phen. Bàn tính xong xuôi, cả bọn đồng loạt thay quần áo và đem theo khăn tắm chun rào ra bãi sau.
Ngâm mình xuống dòng nước, kẻ này thấy khoan khoái lạ. Thế mới biết thú tắm biển lôi cuốn nhiều người. Mãi đến 2 giờ, bọn này lủ lượt kéo về thì lúc đó bà con mới sữa soạn đi tắm. Sau màn đóp hít ở câu lạc bộ, cả bọn kéo về lều nằm nghĩ. Vừa chui vào lều là cả bọn lật đật chun ra, đứa nào đứa nấy nhìn lắc đầu.
– Nóng quá chịu không nổi.
– Lò nướng bánh, người anh em ơi.
Nhìn qua trại của các liền bà, anh em đều thèm thuồng. Những tàn phi lao bít cả ánh mặt trời thật là mát mẻ, ngã lưng bên trong mà nghỉ thì sướng nhất đời. Thế rồi, cả bọn kéo nhau nằm dọc phía sau lều, kẻ đờn người hát. Trong lúc đó, hai ba chàng P. Ký xâm nhập cấm địa Gia Long để xin nước. Ơ kìa, xin nước gì mà lâu thế. Thôi đi, xin can mấy ông mượn cớ xin nước để làm quen. Ha, biết lắm mà.
Một lát sau mấy ông trở về. Một màn hạch hỏi diễn ra.
– Sao mà lâu thế, không sợ mấy cô bắt cóc sao.
– Các nàng hiền lắm, không có dữ đâu mà sợ. Mà này anh em: Gia Long đồng ý cho mình mượn nồi nấu chè nhưng với điều kiện là phải trả lại nữa nồi chè.
– Khôn qúa, không được các liền bà Gia Long phải qua đây ăn.
– Vâng, tôi đã nói mà các cô đã đồng ý.
Thế là màn ngoại giao đầu tiên đã thành công. Nghe một chàng P. Ký lại cho biết.
– Nghe nói anh toán trưởng tụi mình đã gởi các cô Lê Văn Duyệt nấu chè rồi mà.
– Sao bồ không nói trước? Nhưng chả sao, càng nhiều càng no bụng. Chứ đến 4 giờ chiều cuộc thi co bắt đầu.
Cuộc thi rất là hào hứng, gồm hai giải: một giải nam và một giải nữ. Bên nam thì có các trường Quận 8, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Trải, Quốc Gia Nghĩa Tử, Chu Văn An, Cao Thắng, Mạc Đỉnh Chi, và Petrus Ký tham dự. Bên nữ thì chỉ có hai trường Gia Long và Trưng Vương tham dự, mỗi trường gởi hai đội tham dự. Mỗi đội gồm tối đa năm người. Tất cả các lực sĩ tham dự đứng hàng dài trình diện bà con khán giả. Đội P. Ký nỗi bật nhất với những anh chàng to con, có lực sĩ đô vật wrestling. Bà con nhìn thấy là khiếp vía.
Sau khi bắt thăm, cuộc thi vòng loại sẽ bắt đầu. Theo kết quả cuộc rút thăm thì các trường đấu với nhau như sau: P. Ký – Chu Văn An, Quận 8 – Mạc Đỉnh Chi, Cao Thắng – Hồ Ngọc Cẩn, Quốc Gia Nghiã Tử – Nguyễn Trải. Cuôc thi vòng loại bắt đầu, đầu tiên là trường Mạc Đỉnh Chi và Quận 8. Keo đầu, Mạc Đỉnh Chi ở dưới gốc, nên thắng Quận 8 rất dễ dàng. Keo nhì, Quận 8 lại ở dưới dốc nên Quận 8 gở lại được 1-1. Nhưng lần 3 thì phần thắng về Mạc Đỉnh Chi. Kế đến là trận đấu P. Ký – Chu Văn An. Tội nghiệp các lực sĩ tí hon Chu Văn An mà gặp P. Ký thì đâu còn gì hứng thú. P. Ký kéo hai keo là Chu văn An đại bại. Tiếp theo là phần tranh tranh tài của các con cháu Trưng Triệu, đấu thật đồng sức đồng tài nhưng cuối cùng Gia Long thắng và đoạt giải luôn. Lần lượt Hồ Ngọc Cẩn và Quốc Gia Nghĩa Tử vào bán kết. Cuộc thi đến đây tạm ngưng và tiếp tục vào chiều mốt. Trận đấu chung kết sẽ diễn ra ở bãi biển cùng các cuộc thi đua chạy bộ khác.
Tối đến là đêm lửa trại, ngay từ chiều các trường đã tập dượt ráo riết để chuẩn bị cho buổi thi đua văn nghệ. Sau khi tất cả trại sinh tham dự đông đủ, lửa trại được đốt lên. Tiếng anh tác động vang đều trên micro, gây hào hứng cho đêm lửa trại.
– Để mở đầu cho đêm lửa trại là chương trình văn nghệ của trường Gia Long. Xin mời, xin mời…
Sau màn đơn ca đến màn hợp ca, và cuối cùng là màn vũ dân tộc. Tiếp đến là chương trình của P. Ký. Phần văn nghệ P. Ký nặng về hoá trang hơn là trình diển. Nhưng khổ nổi ánh lửa bập bùng đã làm luốt mất vẻ hoá trang. Nếu là ánh đèn sân khấu thì khỏi chê.
Lần lượt mỗi trường lên trình diển, trường nào cũng có vẻ đặc sắc, độc đáo riêng. Đến 10 giờ, số trại sinh tham dự thưa thớt bớt. Nhất là sau khi trường Quốc Gia Nghĩa Tử lên xe ra về, quang cảnh lại càng thưa thớt hơn nữa.
Tàn lửa trại, anh em P. Ký liền tổ chức ngay “đêm chè giao cãm”. Các trường đã tề tựu đông đủ, thế mà P. Ký tìm ra không đủ chén cho các bạn. Đã nói trước là các trường tự túc đem theo chén mà không trường nào đem theo cả. Quả là chơi trát P. Ký rồi đa. Nhưng không sao, đã có chén Trưng Vương và Lê Văn Duyệt tiếp tế. Đặc biệt là Lê Văn Duyệt khiêng qua hai nồi chè: một đậu xanh, một đậu đen để tiếp sức với P. Ký nữa. Tội ba chàng “ngoại giao” kiếm anh toán trưởng ra chủ toạ nhưng anh từ chối và than mệt. Ba chàng không biết làm sao đành khai mạc buổi chè bằng cách đớp hít liền. Từng giá này đến giá nọ, ba chàng múc không rành tay cho các cô.
Kết thúc đêm chè là những trò chơi, sinh hoạt chung thật là vui vẻ. Xong cuộc, chén bát ngỗn ngang, ba chàng (lại cũng ba chàng) tảo thanh chiến trường thu dọn chén bát đem rửa. Hỏi ra ba chàng ăn được gì không thì một anh cho biết được một nàng Gia Long đút cho một muổng chè. Thế là xong hết một đêm nữa. Anh em chun vào lều mà soạn ngủ.
Anh Hồ Thái Bính đang nhận quà từ quan khách
NGÀY 28-6-71
Năm giờ sáng, chúng tôi thức dậy. Sau những chuyện lặt vặt, anh em thu xếp đồ đạc vì theo chương trình hôm nay ngoài các cuộc viếng thăm còn có tắm biển nữa.
Bảy giờ sáng, tất cả trại sinh ra tập thể dục. Sau vài cử động, chúng tôi thấy khoan khoái lạ.
Tám giờ, đoàn xe khởi hành. Trên xe, bọn này được một uỷ viên tác động tập ca những bài nhạc mới. Từng chuổi vổ tay, chuổi cười làm anh em quên đường xa. Địa điểm đầu tiên là trại Chí Linh nơi huấn luyện cán bộ Quốc gia gần bãi sau. Sau khi các trường lần lượt xếp hàng viếng nơi thờ đức Thánh Trần cũng là nơi ghi ơn các người đã bỏ mình vì nước. Tất cả ra thẳng bãi biển. Mình được biết tại trại Chí Linh có điện Dã Tràng rất huy hoàng, nhưng đã bị cháy nên không viếng được, rõ uổng ghê.
Bãi biển nơi đây thật đẹp, cả bọn tha hồ lấy ảnh lưu niệm, xong tắm biển. Thầy hướng dẩn dạy những bạn chưa biết bơi cách giữ thăng bằng và nổi trên nước.
Mười hai giờ, chúng tôi dùng cơm trưa tự túc. Vì trời mưa, bánh mì đem theo hơi thấm nước thành dai, anh em phải “gặm” đở, muốn rụng cả răng.
Xế trưa đoàn xe lên đường, xa xa đã thấy ẩn hiện tượng đức Phật ở Thích ca Phật đài. Tới nơi, ban tổ chức cho phép các cô, các cậu tự do đi viếng, nhưng đúng 3giờ30 phải trở lại xe. Riêng tụi này, phải “hướng dẩn” các cậu nhỏ, các cậu sợ lạc mà lỵ. Các cậu rờ rẩm từ viên đá, gốc cây … và đòi khắc tên lưu niệm nữa.
(Xem tiếp Phần 3)
Báo Chính Luận số 2213 ngày Thứ sáu 23 tháng 7 năm 1971