ĐI VŨNG TÀU DỰ TRẠI HÈ HỌC SINH NĂM 1971 (phần 1)

Phóng sự của Trường Hải

(Nguồn: Báo Chính Luận số 2212 ngày Thứ năm 22 tháng 7 năm 1971)


Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Úc Châu chân thành cám ơn anh Võ Phi Hùng, cựu học sinh PK niên khóa 1967-74, đã sưu tầm, scan và gửi tặng.


Chỉ còn hơn một tuần lễ nữa là đến kỳ thi Tú Tài II, kẻ này đang sáng học – tối ôn, không có thì giờ nào rảnh, thì lại nhận được thơ trường mời đi dự trại…  Chết chưa!  dự trại, nhè lúc thi mà bảo đi thì ai dám ghi tên đi. Lòng kẻ này hồi hộp quá không biết trại hè được tổ chức ngày nào và bao lâu.  Bao thư vừa xé ra, tay kẻ này run run rút lá thơ, từng hàng chữ hiện ra và cuối cùng dòng “từ ngày 24-6-1971 đến 30-6-1971 tại Vũng Tàu” đập vào mặt kẻ này.  Ôi sung sướng làm thao!  Thi xong lại có dịp nghĩ mát sướng ghê.  Hình dung ra cuộc dự trại này khiến lòng kẻ này lâng lâng.

Kỳ thi này vừa chấm dứt, kẻ này liền bay ngay đến trường.  Trời ơi!  Bà con đã sửa soạn xong cả rồi.  Sao mà rắc rối thế!  Nào là phải khám sức khoẻ, chích ngừa, làm giấy cam kết của phụ huynh.  Anh nào nhẹ ký, thân hình như mấy anh ghiền thì a lê hấp về nhà “dưỡng lão”.

Bà con xong cả rồi, kẻ này cuốn quít lên chạy vào phòng ông Tổng, một màn viện dẫn lý do diển ra.  Tưởng rằng thầy Tổng sẽ “xì nẹt” cho một mách, ai dè thầy Tổng lại còn biểu mau mau kiếm mấy thằng bạn mầy thêm nữa vì túc số chưa đủ, mấy em đệ II đang sửa soạn thi, không ai đi cả. Kẻ này liền chạy vắt giò lên cổ, vòng từ Saigon qua Chợ lớn muốn hụt hơi để kiếm thêm mấy thằng bạn.

Thế là xong xuôi cả rồi.  Hồ sơ đã đầy đủ – giấy khám sức khoẻ, chích ngừa, giấy cam kết, giấy xin dự Trại.  Rõ rắc rối chưa.  Bà con đuợc lịnh về nhà chờ thông cáo mới.  Hôm sau đến thì những “rắc rối cuộc đời” lại đến nữa.  Ngày đi dời lại đến ngày 26-6-71.  Trại sinh phải đem theo nồi, niêu, xoong chảo, chén đủa, khăn tắm, quần tắm mà phải màu “sậm” (ghê chưa các ông đã đề phòng trước, sợ mấy “cụ thơ ngây” mắc tội công xúc tu sĩ, các nình bà chắc biết có điều này không cần mấy ông nhắc nhở).  Chưa hết, các trại sinh còn phải làm bảng tên:  nữ sinh thì màu xanh da trời, nam sinh thì màu đỏ da cam.  Mặt trước ghi tên, lớp học, trường.  Mặt sau ghi địa chỉ khi cấp báo.  Rõ khổ chưa.  Một số bạn bàn tán xôn xao:

     –  Ê, mầy chịu đi không mầy?  Nghe nói các trường Trung Tiểu học Saigon, Gia Định, Quốc Gia Nghĩa Tử tất cả đều tham dự.  Nào là Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Chu Văn An, Nguyễn Trải, Hồ Ngọc Cẩn, Trần Lục, Quốc Gia Nghỉa Tử, Cao Thắng, Quận 8, Quận 6, Tân Bình, Mạc Đĩnh Chi.  Nhiều quá kể sao cho hết.     
     – Đông quá, thế thì vấn đề ăn uống chắc tự túc.
     – Rõ thơ ngây, đã nói mang theo nồi chảo thì chắc mỗi trường phải tự túc lo lấy phần ăn trường mình.
     – Ô hay, vậy mình phải đem tiền theo.
     – Tiền chắc có lẽ sẽ phát từng ngày mầy ơi.
     – Mầy tin chắc như vậy?
     – Chỉ suy đoán vậy thôi, mầy cứ tin tao đi.  Thôi thì mầy mua một số đồ hộp và đem tiền túi phòng hờ là vừa.

Bổng một bạn từ đâu nhảy xổ tới báo tin.

     – Cụ Tổng cho biết mình sẽ đi bằng tàu Hải quân anh em ơi, và ngày đầu anh em phải tự túc mang theo đồ ăn.  Qua các ngày sau, ban Tổ chức sẽ phát tiền ngày.

Đằng khác tiếng tranh luận về thi đua Trại vang lại.

     – Anh em ơi, trường mình chọn học sinh ưu tú không thì làm sao thi đua văn nghệ, thi đua thể thao theo nội quy Trại ấn định.
     – Chết chưa, lại có vấn đề thi đua nữa à!  Phải chi thi đua học tập thì trường mình nhất rồi.
     – Mầy quên rằng đã học sinh P. Ký thì học hành, thể thao, văn nghệ thường đi liền với nhau mầy ạ.
     – Rõ kiêu hảnh chưa.  Nhưng nghe nói các trường nữ, văn nghệ họ chì lắm.
     – Thì mình bây giờ tập dượt đi.  Cứ hát “Lý cây đa”, “Lý con sáo”, “Lý con bìm bịp”, “Lý con cưởng”, “Lý con ngựa què” là ăn đứt thiên hạ.

Cả đám cười rầm.

     –  Thôi đi ông nội ơi, dóc vừa vừa thôi chớ.

Thế là xong xuôi cả, thông cáo được niêm yết là tất cả trại sinh phải có mặt tại cầu tàu đối diện với khách sạn Hoản Mỹ trước 7g30 ngày 26-6-1971.

NGÀY 26-6-1971

Bảy giờ sáng – sau khi điểm tâm sơ sài, kẻ này mua đem theo hai ổ bánh mì cùng một số đồ hộp.  Rồi thì tay cầm, tay mang những xách hành trang nặng trỉu được xếp đặt từ trước, hối hả nhảy lên chiếc xe Honda 2 bánh cầu tàu trực chỉ.

Vừa quanh qua con đường Hàm Nghi, kẻ này đã thấy từ phía trước một rừng học sinh đồng phục huy hiệu chỉnh tề hoa cả mắt.  Xuống xe xong, kẻ này nhìn quanh quẩn không biết trường tâp họp nơi mô.  Đang lẩn thẩn đi về phía trước thì bổng vai kẻ này bị đập mạnh một cái đau điếng.  Xoay nhìn lại, à thì ra thằng bạn.

     – Tụi nó đâu mậy!
     – Ở bên đường kìa.  Mầy đến bao giở?
     – Mới đến, đỡ khổ gặp mầy nếu không tao tìm kiếm mất thì giờ.  Phải mình đi hai chiếc đang đậu đó không mầy?
     – Đúng rồi, hai chiếc 400 và 401 đang chờ đợi đó.
     – Đã đến giờ tập họp rồi.  Mày mau mau qua bển đi, để tao đi tìm tụi nó nữa.
     – Bốn hàng đôi, toán nào theo toán đó, đằng trước thẳng, đằng sau cong.  Ý quên, đằng sau ngay.

Tiếng anh Toán trưởng vừa dứt, hàng ngũ được sắp đặt ngay thẳng liền.  Kẻ này liền vào hàng ngay.  Sau màn điểm danh xong, bà con trông ngóng chờ lịnh lên tàu.  Kẻ này đưa mắt nhìn quanh qua một lượt.

     – Úi chà!  Bà con đem theo gậy gộc, búa đẻo dữ quá, giống như đoàn kháng chiến quân.
     – Bậy nào, dụng cụ làm lều đó cha.
     – À ra thế.

Mấy cô thì líu lo điếc cả tai, bên cạnh thì nồi chảo ngổn ngang.  Cái nào cái ấy to cở thùng nước lèo.  Các liền bà Trưng Vương thì đặc biệt quá, mỗi nình bà trang bị trên đầu một cái nón  vành rộng tua tủa, trên có sơn chữ Trưng Vương to tổ bố.  Nhìn quanh quẩn không thấy các liền bà Gia Long đâu cả.  Chắc liền bà Gia Long tập hợp ở trường rồi, xe trường chở đền.  Nhà giầu có khác.

Từng trường một lần lượt xuống tầu.  Tất cả các trường đã xuống đầy đủ vả đến lượt P. Ký xuống sau chót.  Sau khi đi qua một vòng tàu, anh em bèn leo lên phòng ăn sĩ quan ở sau tàu.  Đó là một sân rộng, sạch sẽ, mát mẽ lại thoáng khí nữa.  Kiểm điểm lại, tàu hơi gồm có trường P. Ký, Cao Thắng, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Trải, Trung Tiểu học Nghĩa Hoà, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt…, thế thì Gia Long và các trường còn lại đi chiếc 400.

Anh Hồ Thái Bình PK 66-73 (chụp năm học lớp 9) trên tàu HQ-401 ra Vũng Tàu.

Vị sĩ quan sau khi bắt loa kêu gọi quý vị học sinh đừng chạy dởn khi tàu đang chạy và đứng ngồi lên thành tầu nguy hiểm, liền cho biết tàu sẽ khởi hành lúc 8g30 và sẽ đến Vũng Táu lúc 1g00.

     – Úi dà, lâu thế.  Trong khi đường bộ đi lâu lắm là 3 tiếng đồng hồ mà đường thuỷ lại đến 4, 5 tiếng.  Thôi thì cho một đoàn xe GMC đi đường bộ thì phải mau hơn không?
     – Mầy ngốc quá, đông thế này mà xe nào chịu nỗi.  Vả lại, ban tổ chức muốn thay đổi không khí một phen, đi xe hoài cũng chán bỏ bu, thôi thì cho thưởng ngoạn bằng tàu, có thú hơn không?  

Sau 3 hồi còi, tàu rời bến chậm chạp.  Saigon từ từ bị bỏ lại đằng sau.  Ra khỏi thương càng Saigon đến Nhà Bè, tàu bắt đấu chạy “Full”.  Mặc dầu đã xã hết tốc lực, tàu vẫn chạy chậm chạp, không biết tại kẻ này muốn nóng lòng tới Vũng Tàu hay thật sự tàu chạy chậm.  Tàu lượn khúc theo dòng nước.

Quanh qua, quẹo lại nhiều lần.  Hai bên bờ là Rừng Sát.  Đến 12g trưa, ngọn núi lớn hiện ra mờ mờ từ xa.  12g30 đến Vũng Tàu, tàu chạy theo sông Dinh để đến căn cứ Cát Lỡ nằm sâu phía trong.  1 giờ, tàu cặp bến.  Ai nấy đều bơ phờ vì nắng gay gắt trút xuống phía dưới lại rát.  Do đó bao nhiêu sức nóng được giữ lại chưa tắm biển mà bà con đều rạm nắng đen thui.  Nước uống lại hết, nước dưới tàu thì uống không được vì quá mặn – bà con đành chịu khát.  Mơ ước tới ly Coca mà kè này thèm nhỏ dãi.

Phái đoàn trường Petrus Ký trên boong tàu HQ-401 ra Vũng Tàu

Sau khi tàu được neo chắc chắn, bà con được lệnh lên bờ.  Cũng như lúc đi, lần này Petrus Ký lại xuống sau chót.

Một đoàn xe chờ sẳn để rước bà con về trại.  Lần này, xe P. Ký lại dẩn đầu sau chiếc công lộ rú còi inh ỏi.

2g30, xe về đến trại.  Trại nằm ở bải sau nơi nghỉ mát của Biệt Động Quân.  Trại được chia làm 4 tiểu trại: tiểu trại Nhị Trưng dành cho trường Nữ Tiểu Học, tiểu trại Triệu Nương dành cho trường Nữ Trung Học, tiểu trại Quang Trung dành cho trường Nam Trung Học và tiểu trại Hưng Đạo dành cho Nam Tiểu Học.  Chính giữa là bãi sinh hoạt chung.  Đứng đầu Trại là Trại Trưởng, kế đến là Trưởng khối Sinh Hoạt.  Đứng đầu mỗi tiều trại là Tiểu trại trưởng và Tiểu trại phó.

Sau khi nhập trại thì ôi thôi, trại chỉ là một bãi cát nóng như thiêu.  Trong khi di chuyển trên tàu, bọn này nghe một vị trong ban tổ chức bảo rằng lều trại đã được dựng sẳn mà lòng thung thướng.  Bây giờ thì chưa có gì hết, toàn cát là cát.  Thế là tụi này lại kéo vào đám phi lao để tìm bóng mát.

Tưởng thế là yên thân, các liền bà Trưng Vương lại tranh (…, chữ đọc không được, bỏ một hàng)

     – Ờ sao loạ thế, tưởng chỉ có thương phế binh mới tìm đất cắm dùi, ai dè mấy chị em lại cũng biết nữa cơ.
     – Chỗ nầy của con gái, con trai phía bên kia.

Thầy hướng dẫn P. Ký lại phân trần với cô hướng dẫn Trưng Vương.

(Xem tiếp phần 2)

Báo Chính Luận số 2212 ngày Thứ năm 22 tháng 7 năm 1971