Bông Hồng Cài Áo
Vu Lan 2022
Trần Đình Phước
(Xin chúc mừng những ai còn Mẹ – Xin được chia sẻ với những ai mồ côi Mẹ)
Tháng Bảy, năm 2008. Tôi về Sài Gòn thăm mẹ tôi đang bệnh nặng. Lần này, tôi cố gắng dành thời giờ đi thăm nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Ông là một nhạc sĩ mà tôi ngưỡng mộ qua các bài hát của ông sáng tác như : Bóng Mát, Đan Áo Mùa Xuân, Nắng Lên Xóm Nghèo, Những Ngày Xưa Thân Ái, Tóc mây, Trăng Tàn Bên Hè Phố…
Tôi chưa một lần gặp mặt nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Tôi chỉ được nghe tên ông thôi! Phải mất hơn hai ngày tôi mới tìm ra nhà của ông, sau khi đã thăm hỏi nhiều nơi. Đó là một căn phòng nhỏ, nằm trên lầu một, phòng P11, thuộc Cư Xá Vĩnh Hội – Quận Tư.
Nhìn ông nằm trên giường bệnh, dáng điệu uể oải, mệt mỏi. Tôi thấy xót xa vô cùng. Tôi hỏi thăm cô giáo Trần Thị Lý, là vợ nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ “nguyên nhân nào đã khiến ông bị như thế.!” Cô cho biết là nhạc sĩ bị stroke tất cả ba lần. Từ đó một phần cơ thể bị liệt. Ông nằm một chỗ từ lâu rồi và việc chữa trị rất tốn kém. Cô hỏi: Tôi có quen nhạc sĩ trước không? Tìm nhà có dễ không?”Tôi nói với cô là tôi rất yêu thích các nhạc phẩm do nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác. Đặc biệt, một bài hát về Mẹ rất quen thuộc thường được hát trong dịp lễ Vu Lan và Mother’s Day. Đó là Bông Hồng Cài Áo, phổ từ ý thơ của Thầy Nhất Hạnh được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác khoảng năm 1963-1964. Vì thế bằng mọi cách, tôi phải tìm gặp cho bằng được Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ để thăm ông.
Hôm nay, may mắn có cơ duyên gặp được nhạc sĩ. Một điều hạnh phúc lớn cho tôi. Tôi ngỏ ý xin phép cô Lý được chụp hình chung với nhạc sĩ, để làm kỷ niệm. Sau vài phút đắn đo suy nghĩ. Cô Lý đã đồng ý. Cô nói với tôi “Từ khi nằm trên giường bệnh đến nay, nhà tôi chưa bao giờ chụp hình với ai lần nào!” Tôi cảm ơn cô đã cho phép. Tôi nghĩ, có lẽ đây là một trường hợp ngoại lệ dành cho tôi, một người từ phương xa, chưa hề có quan hệ thân quen với nhac sĩ? Tôi chỉ là một người hằng ái mộ ông, giống như bao nhiêu người khác.
Ngày 16 tháng 01, năm 2009. Nhạc Sĩ Phạm Thế Mỹ đã ra đi vĩnh viễn ở tuổi 79, sau những năm tháng triền miên bệnh hoạn. Khi nhận được tin ông mất, lòng tôi cảm thấy buồn vô hạn. Thôi! cũng xong một kiếp người.
Ông đã trở về cõi vĩnh hằng, thoát những cơn đau hành hạ về thể xác, để nhìn thấy Nắng Lên Xóm Nghèo, nơi đó có Bóng Mát của Những Ngày Xưa Thân Ái và những Bông Hồng Cài Áo rực rỡ vào mùa Vu Lan dành cho những ai hạnh phúc, còn có MẸ ở trên đời.
Xin nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ nhận nơi đây lòng trân quý của tôi, một người may mắn gặp ông và có được hình chụp chung với ông, trước khi ông đi về miền miên viễn.
Xin vĩnh biệt nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ trong vô vàn thương tiếc. Cầu chúc ông được an nghỉ nơi chốn bình an. Nơi không còn những phiền muộn, khổ đau của thế thái nhân tình.
Trần Đình Phước
(Mùa Vu Lan 2022 )
Xin mời bạn nghe bài hát “Bông Hồng Cài Áo”
(Trong Youtube có hình tôi đến thăm Nhạc Sĩ Phạm Thế Mỹ khi ông nằm trên giường bệnh và đốt nhang bàn thờ khi ông mất một năm.
Hình tôi ở gần thân mẫu tôi, trước khi bà mất và con đường Yên Đổ thân yêu thời thơ ấu của tôi…)
BÔNG HỒNG CÀI ÁO
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ – Ý thơ Thầy Nhất Hạnh – Tiếng hát Trần Đình Phước
Một bông hồng cho em
Một bông hồng cho anh
Và một bông hồng cho những ai
Cho những ai đang còn mẹ
Đang còn mẹ, để lòng vui sướng hơn
Rủi mai này mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm
Mẹ, mẹ là dòng suối dịu hiền
Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối
Mẹ, mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ, mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu, là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời
Rồi một chiều nào đó !
Anh về nhìn mẹ yêu, nhìn thật lâu
Rồi nói,nói với mẹ rằng
Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ có biết hay không?
Biết gì? Biết là, biết là con thương mẹ không?
Đóa hoa màu hồng, vừa cài lên áo đó anh
Đóa hoa màu hồng, vừa cài lên áo đó em
Thì xin anh, thì xin em.
Hãy cùng tôi vui sướng đi. Hãy cùng tôi vui sướng đi!