BÉ TONY
Phan Giang Sang
(trích TUYỂN TẬP PHAN GIANG SANG I – Y HỌC & ÐỜI SỐNG)
Bé Tony, 3 tuổi 3 tháng, khác lạ hơn các em kia. Theo như ba má Tony kể lại: Họ rất buồn rầu tủi nhục với bạn bè vì bé gầy ốm không ăn mà chỉ bú sữa thôi. Bé chẳng những không chịu ăn, dầu thức ăn có ngon cách mấy hay mắc đến đâu bé cũng chỉ nếm qua thôi. Trái lại Tony rất thích lượm giấy, lượm đất, lượm cả đá bỏ vô miệng.
Cha mẹ Tony rầy la, hăm dọa, thậm chí tức quá đánh, Tony cũng không bỏ tật ăn kỳ lạ nầy. Nó rất khôn, chớ đâu có khùng mà sao nó kỳ lạ quá. Mẹ bé rất đau khổ và tủi thân khóc vì cho hai vợ chồng không điên mà sao sanh con khùng. Mẹ bé cho rằng không làm điều ác nhơn ác đức mà sao con mình như vậy?
Cân đo cho thấy bé cao trên 3 %, sức nặng lại dưới 3 %. Bé ốm, xanh xao lờ đờ không lanh lợi, chỉ nói từng tiếng một ở nhà…
– Ngoài ăn giấy đất bé còn có tật gì nữa không?
– Không thấy gì nữa hết.
– Tony có cậy vách tường ăn không? Bác sĩ hỏi.
– Bé không cạy vách. Nhưng rồi mẹ bé chực nhớ điều gì nên thêm: Nó liếm vách mới chết! Mẹ bé trả lời.
– Vậy à, cũng còn đỡ.
Bác sĩ hỏi làm mẹ bé quýnh lên vì sợ ông cho con mình điên khùng mới liếm vách tường. Bác sĩ liền giải thích, còn đỡ là bé không cạy vách ăn, nếu ăn còn nhiều vấn đề khác như vách cây sơn cũ kỹ nhứt là ở Queensland có chứa chất chì, sẽ gây ngộ độc chất chì rất nguy hại.
Ðây là trường hợp thiếu chất sắt nặng do bú sữa bình, sữa tươi. Bịnh nầy có rất nhiều ở trẻ con Á Châu như Việt Nam vì người Á Ðông còn có bịnh thiếu máu di truyền Thalassemia.
Bịnh thiếu chất sắt thường xảy ở trẻ con lớp mẫu giáo. Tỷ lệ là 16 %. Chất sắt rất cần thiết cho sự khôn lớn của trẻ con, thai phụ và sản phụ cho con bú.
Có vị nọ mang con 3 tuổi tới hỏi ý kiến. Bé nghịch hay lấy gạo sống ăn. Ðây cũng là hình thức thiếu máu do thiếu chất sắt.
Triệu chứng
Trẻ mắc bịnh nầy, coi nó lờ đờ nửa tỉnh nửa mê, không lớn, yếu kém. Trẻ con thiếu tháng thường thiếu chất sắt.
Bị nặng sẽ như bé Tony và đứa bé trên. Chứng nầy rất hiếm, nó gọi là pica. Pica là gì?
Pica có nghĩa là thèm thuồng đói khát đồ ăn kỳ cục như: vôi, đất sét, giấy.
Tới đây tôi nhớ lại hồi mấy chục năm về trước ở Việt Nam, có nhiều thai phụ hay ăn cơm cháy, gạo sống (amylophagia), ăn nước đá (pagophagia), ăn nấp nồi đất (geophagia).
Ðịnh bịnh
Ðịnh bịnh bằng lâm sàng. Ăn giấy, đất, cạy vách tường ăn.
Trẻ con bú sữa mẹ hấp thụ 50 % trăm chất sắt, còn trẻ bú sữa bình, sữa tươi còn ít hơn , cỡ 10 %. Vào khoảng 4-6 tháng tuổi, trẻ con cần nhiều chất sắt để tăng trưởng và dự trữ.
Bú sữa mẹ sẽ không thiếu chất sắt trong sáu tháng đầu. Sau đó nó không thiếu nếu mẹ nó dùng thêm chất sắt.
Sữa hộp có thêm chất sắt chỉ tạm đủ cho sáu tháng đầu mà thôi. Sau đó phải cho thêm 7-12mg cho mỗi lít sữa.
Thức ăn nào chứa nhiều chất sắt?
Thực phẩm có nhiều chất sắt như: gan, thịt, cá, gà. Chúng nó có chứa haem. Loại không có haem như rau cải và ngũ cốc 45-50mg/100g. Cải có nhiều chất sắt là loại Spanish nhứt là Spinach. Muốn loại nầy được hấp thụ phải dùng chung với sinh tố C. Trẻ con ăn chay bị thiệt thòi nhứt.
Tóm lại, tốt nhứt là phải bú sữa mẹ 12 tháng. Sữa bình phải có thêm chất sắt. Phải cho ăn thêm tất cả các loại thực phẩm chớ đừng có cho ăn thuần có một món từ 4-6 tháng tuổi. Trẻ con ăn chay, phải thêm sinh tố C.
Các thai phụ và sản phụ ráng chịu khó uống chất sắt thêm, tuy nó nóng và bón nhưng nó rất cần thiết cho sự phát triển tâm thể, khôn lớn của con trẻ. Xin quí vị nên nhớ là thuốc Bắc hoàn toàn không có chất sắt. Một lần nữa xin quí vị hãy vì tương lai con trẻ mà hi sinh thêm một chút.