Ba Phụ Nữ Trong Nghề Làm Báo Tiền Bán Thế Kỷ 20
Dương Thanh Bình
Lời nói đầu:
Trong một dịp bàn luận về các nữ lưu một thời vang danh trong tiền bán thế kỷ 20 với một anh bạn từ New Zealand sang chơi, anh đã cao hứng nói về những người phụ nữ trong nghề làm báo và kết luận: “Phụ nữ Miền Nam là tiên phong trong lãnh vực làm báo, thế nhưng không hiểu vì sao sau đó lại chìm lắng”. Câu nói gợi tò mò cho tôi để rồi sau đó khi đọc được phóng sự “Mấy bà quản lý nhà báo trong Nam” của ký giả Văn Lang tôi quyết định tìm hiểu về ba vị nữ lưu với ba tờ báo do quý bà làm nòng cốt: bà Sương Nguyệt Anh với tờ Nữ Giới Chung, bà Cao Thị Khanh với tuần báo Phụ Nữ Tân Văn và bà Bút Trà với nhật báo Saigon Mới[1].
Bà Sương Nguyệt Anh và Tờ Nữ Giới Chung
Sơ lược về bà Sương Nguyệt Anh
Thân thế:
Bà Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Khuê, sanh ngày 24 tháng Chạp, năm Quý Hợi (1864) tại xã An Đức, huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre, con gái thứ tư của Cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu; mẹ là bà Lê Thị Điền, người làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc.
Bà nổi tiếng công dung ngôn hạnh, lại có văn tài nên rất nhiều nhân vật có tiếng tăm cầu thân. Nhưng mãi đến năm 24 tuổi bà mới vu quy, làm kế thất cho ông Phó Tổng Nguyễn Công Tính ở Mỹ Tho và sanh được một gái là Nguyễn Thị Vinh. Ông Phó Tổng Tính tạ thế khi cô Vinh lên ba, bà quyết lòng thủ tiết thờ chồng nuôi con.
Bà Sương Nguyệt Anh được cha dạy chữ Hán và chữ Nôm từ nhỏ, thấm nhuần luân lý tam cương ngũ thường và tam tùng tứ đức. Trong bài “Sương Nguyệt Anh – Nữ Sĩ, Nữ Chủ Bút Tài Hoa và Trí Tuệ” [2] tác gia Lê Tâm cho rằng bà Sương Nguyệt Anh còn học cả chữ Pháp, và cho biết tài liệu này dựa vào các công bố của nữ sĩ Mai Huỳnh Hoa, người cháu ngoại mà bà đã nuôi từ nhỏ. (Mai Huỳnh Hoa tên thật là Mai Kim Ba, vợ của nhà cách mạng Phan Văn Hùm.)
Khi Cụ Đồ Chiểu mở trường dạy học ở Ba Tri, bà Sương Nguyệt Anh đã nổi tiếng về làm thơ xướng họa với các Nho sinh. Nhiều bài thơ chữ Hán và chữ Nôm được bà sáng tác với những bút danh Nguyệt Nga, Xuân Khuê, nhưng được biết đến nhiều nhất là Nguyệt Anh[3]. Khi chồng mất Bà thêm chữ Sương trước chữ Nguyệt Anh để tỏ tâm ý quyết làm sương phụ thờ chồng, không tái giá.
Năm 1918 bà được mời làm chủ bút tờ Nữ Giới Chung, tờ báo tiếng Việt đầu tiên dành cho phụ nữ. Tiếc thay tờ báo chỉ tồn tại được khoảng nửa năm rồi bị đình chỉ. Đó cũng là lúc đôi mắt của bà bắt đầu khởi bệnh. Bà về sống ở Ba Tri với em trai út là Nguyễn Đình Chiêm, mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân chúng và lấy việc sáng tác văn thơ làm vui. Cuối đời bà cũng bị mù lòa như Cụ Đồ Chiểu. Sương Nguyệt Anh mất ngày 12 tháng Chạp năm Tân Dậu (tức ngày 9/1/1922), lúc mới 58 tuổi[4]. Mộ bà ở Mỹ Nhơn, đến năm 1959 cải táng dời về cạnh mộ phần của song thân trong khu đền thờ Nguyễn Đình Chiểu.
Tác Phẩm:
Tiếng đồn bà Sương Nguyệt Anh có nhiều bài thơ cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Tuy nhiên những tác phẩm còn lưu truyền cho đến ngày nay không nhiều, có thể lược kể như sau:[5]
- a) Thơ chữ Hán:
– Đoan dương tiết cảm (Đoan Ngọ nhật điếu Khuất Nguyên)
-Linh sơn nhất Thu Mai
– Một bài thơ tứ tuyệt không rõ tựa trong sách Nam Xuân Thọ
- b) Thơ quốc âm:
– Cây mai (họa thơ ông Bái Liễu)
– Nhân vua Thành Thái vào Nam
– Cái lọng (chùm hai bài tứ tuyệt họa thơ ông Bảy Nguyện)
-Tiển ông Trần Khải đi Sa Đéc nhậm chức
– Tiết chẳng dời (một trong hai bài họa thơ ông Phủ Học)
– Thơ gửi chồng của vợ ông thầy thuốc
-Thưởng Bạch Mai
– Vịnh ni cô
– Thơ cho con rể góa vợ
– Thơ Khai bút (Vị định thảo)
– Thơ khuyến học
- c) Văn tế chồng: Gia đình chồng bà theo nghề thuốc nên khi ông mất bà đã làm một bài văn tế rất nổi tiếng. Bà dùng tên của các vị thuốc Bắc để viết lên sự thương tiếc và nỗi bi ai của một người vợ khóc chồng.
- d) Nhiều bài báo đăng trong tờ Nữ Giới Chung.
Tuần báo Nữ Giới Chung:
Năm 1918 ông Henri Blanquière, giám đốc tờ báo tiếng Pháp Le Courrier Saigonnaise, được phép xuất bản một tuần báo tiếng Việt dành cho phụ nữ, tờ Nữ Giới Chung, phát hành vào mỗi Thứ Sáu, toà soạn ở số 15 đường Taberd (nay là đường Nguyễn Du). Bà Sương Nguyệt Anh được mời làm chủ bút, và đây là vị nữ chủ bút đầu tiên của làng báo Việt Nam. “Nữ Giới Chung” có nghĩa là “Tiếng Chuông của Nữ Giới”. Trong “Mấy lời kính tỏ” đăng trong số báo đầu tiên ra ngày 1/ 2/ 1918 viết “Tờ nử báo này lại thuộc tay nử sĩ, đám hùng đàm, thêm có khách anh thơ, việc ấy nước ta bây giờ mới có”[6].
Mỗi số báo có 18 trang nội dung và 8 trang quảng cáo.
Thời đó dân trí nước ta còn thấp, số người biết đọc chữ quốc ngữ không nhiều, nhất là phụ nữ vốn ít được coi trọng trong xã hội Việt Nam. Vì vậy mục đích và tôn chỉ của Nữ Giới Chung là nâng cao tri thức cho phụ nữ. Bà Sương Nguyệt Anh ghi rõ mục tiêu của tờ báo trong “Mấy lời kính tỏ”:
- Vun trồng gốc luân lý.
- Trau giồi lẽ biết thường
- Gây dựng cuộc công thương.
- Liên lạc mối cảm tình.
Có thể khái quát các đề mục hàng tuần của Nữ Giới Chung như sau[7]:
- Xã thuyết: luận đàm về các vấn đề có quan hệ hay có lợi cho phụ nữ; về thuần phong mỹ tục hoặc cổ động việc công thương.
- Gia chánh: hướng dẫn những việc cần thiết trong nhà như may vá, nấu nướng, cách nuôi dạy con, đối xử với người giúp việc.
- Văn uyển: Viết về văn chương, chữ nghĩa để trau giồi học thức và thư giản một cách tao nhã.
- Tạp trở: Viết về cách ngôn, thành ngữ, những chuyện ngụ ngôn hay khôi hài.
- Thời đàm: luận về thời cuộc; những diễn biến trên thế giới và trong nước có liên quan đến nữ giới, do phóng viên ghi lại hay dịch từ báo nước ngoài.
- Truyện kí: nhắc về gương liệt nữ, anh thư “đem phấn son tô điểm non sông” để “làm gương cho khách hồng quần”.
- Tiểu thuyết: đăng truyện hay, ý đẹp của các đại thuyết gia.
Tuần báo Nữ Giới Chung chỉ được xuất bản vỏn vẹn 22 số. Nguyên nhân chính khiến chính quyền thuộc địa buộc tờ báo phải đình bản là báo đã đánh động tinh thần nhân bản, khai phóng và dân tộc nên có ảnh hưởng, tuy gián tiếp nhưng mạnh mẽ, đến các phong trào yêu nước. Tờ báo chính thức đình bản ngày 19 tháng 7 năm 1918. Thời gian này cũng là lúc bệnh đau mắt của Bà Sương Nguyệt Anh bắt đầu bộc phát.
Một vài nhận xét
Tờ Nữ Giới Chung đã vạch ra cho phụ nữ Việt Nam tiến trình xây dựng một nền học thuật mới, một xã hội, văn hóa mới. Đó là nền học thuật kết hợp luân lý, đạo đức Á Đông với văn minh khoa học Âu Tây. Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm, cựu Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa, viết “đạo đức của một người phụ nữ theo Nho Giáo đã được Nữ Giới Chung bảo tồn một cách uyển chuyển phóng khoáng khi tiếp nhận nền văn minh phương Tây”[8].
Những bài dịch từ tiếng nước ngoài hay chuyện thời sự chuyển hóa nếp suy nghĩ của người dân về vai trò và vị trí của phụ nữ. Những bài xã luận, thời đàm hay truyện ký giúp họ nâng cao kiến thức và kỹ năng.
Nhưng có lẽ do vị chủ bút quá thấm nhuần tư tưởng Khổng Mạnh nên tuy rất chú trọng đến tinh thần khai phóng và nhân bản, Nữ Giới Chung cũng chỉ gói gọn vị trí của phụ nữ trong phạm vi gia đình, chưa mạnh dạn bước lên ngang hàng với nam giới. Vì vậy tờ báo chỉ đóng vai trò phát động, cổ vũ về sự tự do, bình đẳng cho phụ nữ và cùng họ trau giồi kiến thức trong giai đoạn chuyển hóa xã hội. Trong số báo đầu tiên bà Sương Nguyệt Anh viết:
“Chị em tôi vẫn biết thân phận rằng: Khôn ngoan không thể đờn bà; trận bút trường văn đâu đến khách hồng quần mà gà mái cục tác, muốn mượn tờ giấy cây viết làm chuông hối thúc kêu đoàn chị em. Thế thì trái với bổn phận thiệt.”
Bà nói thêm
“Và đang cuộc đời cạnh tranh, trách hưng vong còn đến thất phu. Huống chi đờn bà rất có quan hệ lớn ở xã hội. Há lại chẳng nên mượn ngòi bút sắt, tả tấm lòng son, đặng thỏ thẻ với bà con trong ba xứ. Bởi thế bổn báo xuất hiện ngày nay, cái chủ nghĩa cần thiết là đề xướng việc học chứ chẳng dám can thiệp đến cả chính trị, cũng chẳng đua danh với bực tài trai.”
Mặt khác, có lẽ vì thời gian tồn tại quá ngắn, Nữ Giới Chung vận động, khuyến học một cách thuần lý bằng bài viết. Tờ báo chưa có một hoạt động cụ thể cho mục đích và tôn chỉ của mình. Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi xem nhẹ vai trò khởi xướng, gióng hồi chuông đầu tiên tranh đấu cho nữ quyền. Ngược lại, Nữ Giới Chung đã xuất sắc trong việc khơi mầm, tiên phong cho cả nước về tự do ngôn luận của phụ nữ. Để sau này phụ nữ đã mạnh dạn tiếp bước làm phong phú nền văn học nước nhà trong lãnh vực báo chí dành cho phụ nữ. Điển hình là các tờ báo của nữ giới lần lượt xuất hiện như
- ở Sài Gòn: Phụ Nữ Tân Văn (1929-1935), Đàn Bà Mới (1934-1936), Nữ Lưu (1936-1937)….
- ở Hà Nội: Phụ Nữ Thời Đàm (1930-1934) Việt Nữ (1937), Phụ Nữ (1937)….
- ở Huế có tờ Phụ Nữ Tân Tiến (1932-1934)
Bà Cao Thị Khanh và tuần báo Phụ Nữ Tân Văn
Hơn mười năm sau tờ Nữ Giới Chung, một tờ tuần báo thứ hai dành cho nữ lưu được xuất bản. Đó là tờ Phụ Nữ Tân Văn do bà Cao Thị Khanh và chồng là ông Nguyễn Đức Nhuận sáng lập và điều hành.
Sơ lược về bà Cao Thị Khanh
Thân thế
Bà Cao Thị Khanh sinh năm 1900 người Gò Công, là con gái của cụ Cao Văn Nhiêu, một nhà thâm nho, giàu có; thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Mỹ. Hai cụ nổi tiếng nhân đức, hiền lành. Phu quân của bà Khanh là ông Nguyễn Đức Nhuận, sinh năm 1900, người Trà Vinh. Ông Bà Nhuận-Khanh rất trượng nghĩa, sẵn lòng giúp đỡ mọi người, nhất là người nghèo, lo cho sự tiến bộ của phụ nữ bằng nhiều hoạt động tích cực và hữu hiệu. Bà Khanh được khen là điềm tĩnh, quý phái. Bà quy tụ một đội ngũ phụ nữ trí thức có văn tài, lấy tờ Phụ Nữ Tân Văn làm phương tiện thực hiện những công trình xã hội khá quy mô. Có thể nói Bà Cao Thị Khanh là người phụ nữ mở kỷ nguyên mới vì đã sáng lập một tờ báo dành cho phụ nữ với tôn chỉ mới mẻ, độc đáo rồi dùng nó để tổ chức những hội đoàn phục vụ cho xã hội và lý tưởng canh tân môt cách hữu hiệu.
Sự nghiệp văn chương
Văn tài của Bà Cao Thị Khanh thể hiện qua các bài viết sắc bén, thấu tình đạt lý đăng trong Phụ Nữ Tân Văn, ký tên Mme Nguyễn Đức Nhuận. Bà khẳng định Vai trò của tờ Phụ Nữ Tân Văn là “Cơ quan giáo dục và phấn đấu cho phụ nữ Việt Nam” [9], luận đàm về sự nghiệp của phụ nữ như trong bài “Vấn Đề Chức Nghiệp của Đàn Bà”, thuyết giảng về quyền bình đẳng của phụ nữ trong xã hội văn minh như trong “Nữ Quyền”, khuyến khích chị em từ bỏ hủ tục như trong bài “Đàn bà ta so với sự tấn hóa của đàn bà Tàu”[10], “Luân lý xã hội chỉ buộc có một mặt?” …. Bà đã viết nhiều bài mở đầu trong mỗi số báo nói lên chủ đề và giới thiệu nội dung. Các bài xã luận trong mục thường kỳ “Ý Kiến Của Chúng Tôi Đối Với Thời Sự” cho thấy bà am hiểu thời cuộc, góp ý kiến với độc giả và khuyến khích họ nói ra ý kiến của mình…. Bà cũng làm thơ. Tiếc rằng chúng tôi chỉ tìm được một bài thơ bà làm năm 1941 không rõ tựa, được Bà Phương Lan nhắc trong quyển “Anh Thư Nước Việt” như sau
Ván cờ nước bí nghĩ thêm buồn
Không đánh mà thua mấy trận luôn
Bến Nghé ngỗn ngang xe ngựa chạy
Đồng Nai chật ních lính quân lùn
Kéo lều tàu đậu đầy hai bến
Ngậm ngùi nghĩ giận cuộc tang thương.
Ít làm thơ, nhưng bà Cao Thị Khanh đã tiếp đại thi hào Tagore[11] khi ông đến Sài Gòn, ghé thăm tòa soạn ngày 23/6/1929. Bà viết bài “Thi Sĩ Tagore Ghé Viếng Tòa Báo Phụ Nữ Tân Văn”[12], tả chân dung “tiên phong đạo cốt” của Tagore. Bà khen màu da trắng hồng và bàn tay nho nhã của ông, “ngón dài đẹp như tay những người phụ nữ khuê các”…. Bài đăng kèm hình có chữ ký tặng của Tagore, do Photo Khánh Ký chụp. Đây là một vinh dự lớn của bà và tờ báo.
Ngoài biên tập, viết xã luận, bà Khanh lấy tờ Phụ Nữ Tân Văn làm phương tiện vận động và thực hiện những việc làm từ thiện – xã hội.
Sau khi báo đóng cửa, ông bà Khanh – Nhuận sang Pháp định cư và bà mất ở Pháp ngày 24/2/1962. Cuối đời ông Nguyễn Đức Nhuận về sống ở Việt Nam và mất ngày 5/6/ 1968.
Phụ Nữ Tân Văn
Sơ lược về Phụ Nữ Tân Văn
Phụ Nữ Tân Văn do tư nhân điều hành và quản lý chứ không nhận sự trợ cấp của chính quyền thuộc địa như một số báo thời đó[13]. Số đầu tiên ra ngày 2/5/1929. Lúc đầu tòa soạn ở số 42 đường Catinat, tức đường Tự Do, bây giờ là Đồng Khởi. Đến tháng 8 năm 1931 tòa báo dời về số 48 Rue Vannier, tức đường Ngô Đức Kế, và gọi là Báo Quán. Trong mỗi số báo ngoài địa chỉ, số điện thoại còn ghi: “Sáng lập[14]: Mme Nguyễn Đức Nhuận. Chủ Nhiệm: M. Nguyễn Đức Nhuận.”
Phụ Nữ Tân Văn quy tụ một ban biên tập rất hùng hậu gồm những nữ sĩ uyên thâm như: Ðạm Phương, Cao Ngọc Môn, Trần Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Ðăng, Ðắc Hoa, Manh Manh (Nguyễn Thị Kiêm)…, với sự hỗ trợ của Ông Lê Ðức, Ðào Trinh Nhứt, Chương Dân, Nguyễn Hóa Ðàng, Hồ Biểu Chánh, Trịnh Đình Thảo, Thiếu Sơn, Quách Tấn, Thượng Tân Thị, Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải, Trần Thanh Mại… Mục tiêu của tờ tuần báo là tranh đấu cho nữ quyền và chứng minh phụ nữ có đủ khả năng và trình độ để gánh vác trách nhiệm với xã hội như nam giới. Trong lời giới thiệu đăng ở số báo đầu tiên Bà Cao Thị Khanh viết
“Ngày hôm nay, Phụ Nữ Tân Văn ra đời, là non sông thêm một tay thợ điểm tô, xã hội thêm một người lo công việc, trên trường văn trận bút thêm một đội binh đàn bà, mà trong buồng khuê các của chúng ta cũng có một cơ quan để cùng nhau phấn đấu với đời đây!”[15]
Về nội dung, ngoài những phần tương tự trong báo Nữ Giới Chung như Văn Uyển, Gia Chánh, phần dành cho nhi đồng…, Phụ Nữ Tân Văn còn có những mục thường kỳ như “Ý Kiến Chúng Tôi Đối Với Thời Sự”, “Y tế và vệ sinh” do Bác Sĩ Trần Văn Đôn đảm trách. Tin tức thời sự trong và ngoài nước được cập nhật hóa và bình luận trong các mục “Việc Thế Giới Trong 5 Tháng Nay” và “Việc Nước Nhà Trong 5 Tháng Nay”. Tờ báo phát động cả nước viết bài vinh danh gương đạo đức của những người phụ nữ đương thời để độc giả cùng bầu chọn, trao giải thưởng đức hạnh. Đây là một hoạt động văn minh nói lên sự minh bạch, nhân bản và tinh thần khai phóng. Song song với giải thưởng đức hạnh, tờ báo cũng đặt giải thưởng văn chương dành cho độc giả có bài viết xuất sắc.
Phụ Nữ Tân Văn được xem là dư âm của phong trào Duy Tân. Tờ báo tỏ rõ mục đích đấu tranh cho nhân quyền, phản đối chính sách bóc lột của thực dân Pháp, đấu tranh cho nền tự do độc lập của dân tộc.Ông Nguyễn Ngọc Phan nói:
“Liên tiếp 14 số đầu, Phụ Nữ Tân Văn đã đăng những bài phỏng vấn các vị trí thức, học giả đương thời như cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Bá… Tất cả đều tán đồng chủ trương tiến bộ của Phụ Nữ Tân Văn, là cổ súy dân sinh dân chủ, bênh vực phụ nữ, đề cao luân lý giáo dục…”[16]
Phụ Nữ Tân Văn dám đề cao các anh hùng bị án tử hình ở Yên Bái trong bài “Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính đã bị hành hình hôm 7 Juin”[17] đăng trong số 215 ngày 7/9/1933. Sau đó tiếp tục ca ngợi tinh thần yêu nước của các anh hùng Việt Nam Quốc Đảng, đưa tin và viết bài ca ngợi Cô Giang tuẫn tiết theo Nguyễn Thái Học. Nhà báo Thiếu Sơn trong “Hồi Ký Một Đời Người” viết:
“So sánh với những báo trong Nam như Đông Pháp thời báo hay Thần Chung thì nó ôn hòa hơn. Nhưng so sánh với những báo ngoài Bắc lúc bấy giờ thì nó lại dám ăn, dám nói nhiều hơn. Bởi thế nên PNTV có rất nhiều độc giả ở Trung, Bắc. Hồi có cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái và vụ xử án những nhà cách mạng Việt Nam Quốc Dân Đảng, chính độc giả ngoài Bắc lại trông đứng trông ngồi những số báo Phụ Nữ Tân Văn từ Nam gửi ra để được nghe những lời nói can đảm binh vực cho những người đã hy sinh cho giống nòi và đất nước. Những lời nói như thế không thể có được ở báo giới miền Bắc thời bấy giờ”
Phụ Nữ Tân Văn dũng cảm lên án người Pháp cố ý tiêu diệt cả làng Cổ Am, viết bài chống chính sách thực dân một cách sắc bén. Báo tường trình việc chính quyền đàn áp những cuộc biểu tình của dân chúng ở Cao Lãnh và Mỹ Tho đòi giảm thuế và công nhân đồn điền Phú Riềng đình công đòi tăng lương. Vì vậy nên cuối năm 1930, sau khi xuất bản số 82, Phụ Nữ Tân Văn bị buộc đình bản trong năm tháng. Khi được tái bản, số 83 ra ngày 21/5/ 1931, tuần báo một lần nữa khẳng định tôn chỉ của mình trong bài “Cùng bạn cũ người xưa”:
“Tôn chỉ và việc làm của bổn báo trong 18 tháng trời về kiếp trước, sốt sắng, thành thiệt và lợi ích ra thế nào… Ngày nay bổn báo lại được tái sanh, thì cũng là theo đuổi tôn chỉ xưa, làm nổi công việc trước, đinh ninh tất dạ, sau trước một lòng chứ không vì một lẽ gì mà thay dường hay lùi bước. Tôn chỉ ấy là cùng chị em mở đường tiến hóa cho phụ nữ quốc dân… cùng quốc dân xây nền tương lai cho nhơn quần xã hội”[18]
Đến tháng 10 năm 1931 vì sự ảnh hưởng mạnh mẽ về chính trị nên Phụ Nữ Tân Văn bị nhà cầm quyền Bảo Hộ cấm lưu hành ở đất Bắc gần 2 năm từ tháng 10 năm 1931, đến tháng 8 năm 1933. Đây là một thiệt thòi cho hơn 3000 đọc giả thường xuyên của đất Bắc.
Phụ Nữ Tân Văn hoạt động được gần 6 năm thì bị đình bản vĩnh viễn vì hai nguyên nhân chính:
- Sau sự thành công vượt bực của Hội Chợ Phụ Nữ tháng 7 năm 1932 các tờ báo: Công Luận, Trung Lập, Sài Thành… viết bài tố cáo ông Nguyễn Đức Nhuận đã thâm lạm khoản tiền thu được từ hội chợ. Từ ngày 3/6 đến ngày 2/7/1932, Phụ Nữ Tân Văn ra thêm nhật báo để đáp lại luồng dư luận này, sau đó đưa nội vụ ra tòa. Tuy cuối cùng Ông Bà Nguyễn Đức Nhuận được trắng án nhưng bị mất mát rất lớn cả tài chánh lẫn tinh thần.
- Năm 1934, Phụ Nữ Tân Văn đưa tin người Pháp Homberg đút lót cho ông Bùi Quang Chiêu. Chính quyền thực dân ghép Phụ Nữ Tân Văn vào tội “mạ lỵ”. Số báo cuối cùng 273 ra ngày 21/ 4/1935[19].
Tờ báo mất đi để lại bao tiếc nối cho công chúng. Nguiễn Ngu Í[20] nhận xét: “Nếu Nam Phong là một cụ già khắc khổ, bàn những chuyện nghiêm trang sâu rộng thì Phụ Nữ Tân Văn quả là một cô gái con nhà nề nếp nhưng tính tình vui vẻ, lời lẽ bình dân, ta có thể cùng cô nói chuyện trên trời dưới đất, bốn biến năm châu hay chuyện trong nhà dưới bếp… Phụ Nữ Tân Văn chết đi nhưng vẫn còn để lại cảm tình cho người cộng sự cũng như người đọc”[21].
Các hoạt động thực tiển của Phụ Nữ Tân Văn
Phụ Nữ Tân Văn có những hoạt động thực tiển để tranh đấu cho nữ quyền, xây dựng một xã hội nhân bản tốt đẹp. Có thể nói đây là tờ báo duy nhất đã có được những công trình hữu ích mà cho tới ngày nay chưa tờ báo Việt nào có thể sánh kịp.
· Hoạt động thiện nguyện – xã hội:
- Học bổng cho học sinh: Bài “Đồng xu cho học sinh nghèo”[22] đăng trong số thứ 2 ra ngày 9/5/1929 kêu gọi sự trợ giúp gây quỹ giúp học sinh nghèo. Báo vừa phát hành thì đã trích ngay 15% lợi nhuận để cấp học bổng cho 2 học sinh Lê Văn Hai và Nguyễn Văn Hiếu sang Pháp du học. Sau đó thành lập Quỹ Học Bổng Phụ Nữ, mời nghệ sĩ Năm Phỉ tổ chức diễn tuồng “Phụng Nghi Đình” để củng cố tài chánh; mặt khác kêu gọi những hội đoàn khác lập quỹ học bổng cho học sinh nghèo.[23] Một trong những đơn vị hưởng ứng là Hội SAMIPIC[24].
- Thành lập Hội Dục Anh: để giúp đỡ và nuôi dưỡng trẻ em nghèo hay mồ côi. Giấy phép được cấp ngày 7/11/1931. Hội quán tọa lạc tại số 65, đường Massiges, nay là đường Mạc Đĩnh Chi, sau dời về đường Cống Quỳnh. Trong số 112 ra ngày 10/12/1931, bài “Chị em nên vô hội Dục Anh”, kêu gọi: “Chúng nó cô thân cô thế, không ai săn sóc chăm nom, thì ta phải săn sóc chăm nom. Chúng nó gặp cha mẹ nghèo nàn, cả ngày lo làm ăn vất vả, không nuôi nấng được chúng nó, thì ta phải nuôi nấng. Vì đó mà có Hội Dục Anh của phụ nữ Việt Nam lập ra, mà bữa nay bổn báo giới thiệu cùng chị em và hô hào chị em nên đem lòng góp sức vào công việc từ thiện nầy cho đông cho mạnh vậy.”[25].
- Thành lập 3 quán cơm miễn phí: “Chúng tôi tùy theo sức mình lập ra cách cứu giúp tạm thời để đỡ ngặt cho mấy người hụt bữa. Chúng tôi có đặt sẵn ba quán cơm tại Saigon: – Ở số 54 đường d’Ormay – Ở trước gare Tabert – Số 29 đường Amiral Roze chợ mới Saigon. Ai là người thiếu hụt, muốn dùng bữa ăn, bất hạng đàn ông, đàn bà, con nít cứ lại tại báo quán Phụ nữ tân văn ở số 48 Vannier (chợ cũ) Saigon, hỏi lấy một tấm thiệp rồi đến ngay các quán cơm kể trên đây dùng bữa. Sẽ có người tiếp dọn tử tế” (“Giúp nhau khi đói khó”, PNTV số 200, ngày 18/5/1933, tr.15).
- Tổ chức Hội chợ Phụ Nữ Việt Nam: lần đầu tiên một hội chợ với quy mô cả nước được tổ chức. Dự kiến hội chợ sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 4/5/1932 để gây quỹ cho Hội Dục Anh. Nhưng do “trong mấy hôm đó miền nam Trung kỳ như Phan Rí, Phan Rang, Đàlạt có xảy ra trận bão, lũ lụt, tai hại lớn lắm, Hội chợ bèn mở thêm một ngày nữa, 8 Mai[26], nhằm bửa chúa nhựt, để thâu tiền lời gởi giúp nạn-dân mấy nơi ấy. Một ngày đêm riêng về sự cứu giúp ấy thâu huê lợi vào phỏng được bảy hay tám trăm đồng.” (bài “Nói lược về kết quả cuộc hội chợ Phụ Nữ”, PNTV số 130 ngày 12/5/1931)
· Hoạt động tranh đấu cho nam nữ bình quyền và canh tân xã hội
Tổ chức cuộc đấu xảo nữ công của phụ nữ cả 3 miền Nam Trung Bắc đầu tiên vào đêm 7/11/1931[27] để phô trương tài năng của phụ nữ cả nước về nữ công mỹ nghệ và thể dục thể thao. Đây là lần đầu tiên người Việt tổ chức một giải tranh chức vô địch cho phụ nữ về thể thao, cụ thể là môn quần vợt, người đoạt giải là cô giáo Nam[28].
- Thành lập Hội Cựu Học Sinh Nữ Học Đường và Ủy Ban Phụ Nữ Chủ Nghĩa để phổ biến tri thức và nâng cao nghiệp vụ cho phụ nữ, bởi vì “Muốn nâng cao nữ quyền không phải chỉ mấy tiếng kêu gào, mấy bài cáo luận mà thâu lấy hiệu quả… Cần nhất là ở nử giới chúng ta phải biết tự mình nâng cao trí thức và năng lực của mình lên đã” (PNTV số 226). Đây là hội cựu nữ sinh đầu tiên của Nữ Học Đường tức trường Áo Tím. Buổi họp đầu tiên tổ chức vào ngày 1/8/1933[29].
- Nữ Lưu Học Hội: thành lập cuối năm 1933 để giúp đỡ phụ nữ nâng cao kiến thức, nghiệp vụ và hướng nghiệp. Tập hợp những bậc nữ lưu có học thức thành Ban Xướng Xuất để cổ động cho Nữ Lưu Học Hội. Bài “Nhơn dịp Nữ Lưu Học Hội sắp thành lập” ghi: “Nữ Lưu Học Hội không những sẻ có cái phận sự, cái lợi ích, giúp cho chị em có tri thức lại cũng sẽ rèn tập luôn cho chị em có chức nghiệp nữa.” (PNTV số 226, ngày 30/11/1933)
- Phong trào thơ mới được khởi xuất từ Phụ Nữ Tân Văn với bài “Tình già” của Phan Khôi đăng trong số 122 ngày 10/3/1933. Manh Manh nữ sĩ, tức Cô Nguyễn Thị Kiêm, đáp ứng mạnh mẽ bằng các bài thơ mới, không niêm luật, gieo vần tự do cùng những bài văn xuôi cổ vũ cho lối thơ mới. Phụ Nữ Tân Văn đã làm sôi nổi làng báo khắp ba miền, dấy lên một trận bút chiến gay cấn giữa phe thơ cũ và thơ mới.
- Phụ Nữ Tân Văn tổ chức và hậu thuẩn cho các buổi diễn thuyết của Manh Manh về nếp sống mới và quyền bình đẳng của phụ nữ. Điển hình là cuộc bắc du diễn thuyết vào cuối tháng 8 năm 1934. Ông Nguyễn Đức Nhuận lái xe, cùng Bà Cao Thị Khanh đưa Manh Manh ra Bắc diễn thuyết để đáp lại những chỉ trích dữ dội của tờ Phong Hóa (nhóm Tự Lực Văn Đoàn) về những tư tưởng mới của Phụ Nữ Tân Văn. Cô Kiêm diễn thuyết 3 lần: Tại Hà Nội với “Một ngày của một người đàn bà tân tiến”, tại Nam Định “Có nên tự do kết hôn chăng?” và tại Hải Phòng “Nên bỏ chế độ đa thê không?” Báo Đông Pháp viết “Tối hôm thứ bảy vừa rồi, cái tối Cô Kiêm lên diễn đàn, công chúng đã ồ ạt kéo đến hội quán Phố Hàng Trống như nước chảy, lũ lượt bọn năm bọn ba, ông có, bà có, trai có gái có đến đổi mấy bác nhà quê đi đường ngơ ngác hỏi nhau: họ đi xem hội gì đông thế?”. Tờ Ngọ Báo tả: “Trong nơi diễn đàn, ngày thường lõng chõng mấy bàn, coi rộng thênh thang, hôm nay đã gấp đôi ghế cũng chẳng đủ chỗ cho công chúng đứng ngồi. Trên gác dưới nhà, không một chỗ hở…”[30]
Một vài nhận xét
Nếu Nữ Giới Chung của Bà Sương Nguyệt Anh là tiếng chuông đầu tiên gióng lên hiệu lệnh tranh đấu cho nữ quyền thì Phụ Nữ Tân Văn là đỉnh cao của phong trào canh tân và đòi bình quyền bình đẳng.
Nữ Giới Chung là bước đầu của thế hệ phụ nữ thấm nhuần Nho Giáo vào ngưỡng cửa văn minh phương Tây. Vì thế Nữ Giới Chung còn rất khép mình trong phạm vi nhỏ hẹp, dè dặt rằng: “trận bút trường văn đâu đến khách hồng quần”, tự nhận “Khôn ngoan không thể đờn bà”, và rất khiêm nhường “chẳng dám can thiệp đến cả chính trị, cũng chẳng đua danh với bực tài trai.”
Ngược lại, Phụ Nữ Tân Văn thuộc thế hệ phụ nữ tân tiến, chịu ảnh hưởng Tây học khá sâu. Họ đã mạnh dạn khẳng định quyết tâm của mình bằng hai câu thơ in trên bìa mỗi số báo:
“Phấn son tô điểm sơn hà
Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”
Vì là bước đầu trong sự nghiệp canh tân nên Nữ Giới Chung tranh đấu với thái độ nhỏ nhẻ bằng văn chương “mượn ngòi bút sắt, tả tấm lòng son, đặng thỏ thẻ với bà con trong ba xứ”. Trong khi đó Phụ Nữ Tân Văn đi vào hành động cụ thể với các buổi thuyết trình và các trận bút chiến không nhân nhượng nên đã thực sự quảng bá tư tưởng bình đẳng một cách hiệu quả và đại trà. Phụ Nữ Tân Văn cũng đã thực hiện được một cuộc cách mạng về thi ca qua việc khởi xướng, cổ vũ và tranh đấu kiên định, đưa thơ mới lên vị trí chiếm lĩnh cho đến bây giờ.
Bà Bút Trà và nhật báo Saigon Mới
Sơ lược về bà Bút Trà
Thân thế
Bà Bút Trà, phu nhân của nhà thơ Bút Trà– Nguyễn Đức Nhuận[31], nhủ danh Tô Thị Thân, sanh năm 1903 tại Long An. Bà Thân người đẫy đà, tính tình thẳng thắn. Bà ít học nhưng thông minh, có tài kinh doanh với những ý nghĩ khác thường, táo bạo.
Bà cùng người chồng đầu tiên, một Hoa Kiều, gây dựng đến hơn 20 cơ sở kinh doanh, đa số là tiệm cầm đồ. Theo nhà văn Bình Nguyên Lộc viết trong “Hồi Ký Văn Nghệ”[32], bà Thân muốn chuyển sang nghề làm báo vì các tiệm cầm đồ bị các báo chí lên án kịch liệt. Bà tìm người “biết làm báo mà ăn lương rẻ” để giúp bà lập một tờ báo đáp trả lại luồng dư luận này. Vậy là nhà thơ Bút Trà[33]-Nguyễn Đức Nhuận, người Quảng Ngãi, đang du phương ở Saigon được Ông Bình Nguyên Lộc gián tiếp giới thiệu với bà Thân. Bình Nguyên Lộc viết “Từ bao lâu nay, con buôn nào cũng chỉ hành động có một trong ba cách: thứ nhứt cắn răng mà chịu đựng khi nào bị báo chí chưởi. Thứ nhì hối lộ cho các ký giả viết bài chưởi bới. Thứ ba thuê du côn đánh các ký giả đó. Bà Tô-Thị-Thân là người đầu tiên nghĩ ra giải pháp thứ tư. Mà bà là người chẳng viết được câu văn nào cả. Thật là oanh liệt.”
Ông Bút Trà đã có thời làm cho các báo Lục Tỉnh Tân Văn, Đông Pháp Thời Báo, Công Luận, nay làm chủ nhiêm báo Sài Thành, nhưng thực tế người điều hành là bà Thân. Bà đích thân chọn tất cả các bài báo đăng trên Sài Thành. Nhưng tuyệt nhiên bà không đăng bài nào trả đủa lại những tờ báo công kích bà. Ông Bình Nguyên Lộc cho đó là “mưu lược” của bà. Thật vậy, cách tốt nhất để người ta im tiếng nói xấu mình là chứng tỏ những lời đó không ảnh hưởng đến mình. Khi người ta chế diễu bà là Thiếm Xồi, tục danh của người chồng Tàu, bà chỉ điềm tỉnh, khẳng khái đăng báo đáp lại “Ừ, tôi tên là thím Xồi thì đã sao kia chớ? Thím ấy có làm hại xã hội bằng những bài vở khiêu dâm chăng? Có nêu gương đồi phong bại tục chăng?” Họ xoay qua chửi bà làm nghề cầm đồ. Bà đáp trên báo “Hàng ngàn người khác cho vay cắt cổ, sao cứ bà họ Tô mà chửi?”[34] Chỉ vậy mà bà thành công, không báo nào dị nghị nữa. Sau một thời gian làm báo bà ly dị người chồng Hoa Kiều, kết hôn với ông Bút Trà. Từ đó ông bà Bút Trà chuyên tâm với nghề làm báo, đưa tờ Sài Thành (sau đổi thành Sài Gòn rồi Saigon Mới) thành tờ báo bán chạy nhất. Thành công với nhật báo, bà xuất bản thêm 2 tờ tuần báo Phụ Nữ Diễn Đàn và Phụ Nữ Thời Báo do con trai của ông bà đảm nhiệm.
Nguyễn Nhật Vy trong quyển Ba Nhà Báo Sài Gòn trích một giai thoại khác do nhà báo Ngọa Long[35] viết trong loạt bài “10 Năm Làng Báo Sài Gòn 1927-1937” về bà Thân và nhà thơ Bút Trà. Chuyện rằng khi các báo chí tấn công các tiệm cầm đồ thì bà Thân được chủ nhân các tiệm đó cử đến thương thuyết với báo Công Luận. Tờ báo này là nơi khởi xướng việc công kích các tiệm cầm đồ, do ông Nguyễn Đức Nhuận, bút hiệu Phú Đức, làm chủ nhiệm và nhà thơ Nguyễn Đức Nhuận – Bút Trà làm thơ ký tòa soạn. Lợi dụng việc trùng tên, Chủ nhiệm Phú Đức thay vì tiếp bà Thân lại cử thơ ký tòa soạn Bút Trà ra thế. Chuyện được giải quyết tốt đẹp nên họ được giới thương nhân thết đãi. Trong buổi tiệc ấy ông Bút Trà đã tặng bà Thân hai câu thơ chữ Nho rồi dịch ra tiếng Việt, đọc to:
“Đời tôi lắm lúc không bằng mộng
Tỉnh mộng thân mình sống lẻ loi”
Ngọn lửa tình yêu đã được nhen nhúm. Kết cuộc là bà chủ tiệm cầm đồ đã trở thành bà Bút Trà rồi cùng ông khởi nghiệp làm báo.
Sau biến cố 30/4/1975, gia sản của gia đình bà Bút Trà gồm một vi la ở Phú Nhuận, rạp chiếu bóng Kim Châu ở quận Ba, một nhà bảo sanh ở Bàn Cờ, một trường tiểu học ở Khánh Hội và nhiều cơ sở kinh doanh, bị tịch thâu. Tiền bạc ông bà gửi ngân hàng cũng bị mất trắng.
Bà Bút Trà mất năm 1978 tại Sài Gòn trong cảnh nghèo khó. Cuối đời ông Bút Trà mắc bệnh quên lãng, không còn nhận được người quen. Ông mất ở Sài Gòn năm 1987.
Sự Nghiệp
Trong nghề làm báo
Nói về bà Bút Trà trong lãnh vực văn chương, tất cả các nhà báo đều khẳng định bà Bút Trà không viết một bài nào. Tuy mỗi số báo Xuân của Saigon Mới đều có một bài thơ chúc xuân ký tên Bà Bút Trà, nhưng Bà Tùng Long[36] khẳng định đó là những tác phẩm của ông Bút Trà. Và một lần, trong buổi họp do Bộ Thông Tin tổ chức, bà Bút Trà đi dự và có một bài thơ mừng Bác Sĩ Thọ vừa nhậm chức Giám Đốc, nhờ Bà Tùng Long đọc dùm. Sở dĩ Bà không tự đọc vì cho rằng ai cũng biết tác giả là ông Bút Trà. Ông Tử Vi Lang còn có thơ hài hước như sau:
“Năm nay mưa thuận gió hòa
Ông Đinh Văn Khai viết sách, Bà Bút Trà làm thơ”[37]
Tuy vậy, bà Bút Trà lại là linh hồn của tờ báo. Tổng thư ký tòa soạn báo Saigon Mới, Ông Trọng Nguyên, kể với ông Bình Nguyên Lộc: “Khi nào bà ấy quá bận việc khác, bà ấy chỉ thị cho tôi làm việc, đúng y như bà đã làm. Có tôi, bà cũng cứ thủ vai chánh. Bà chỉ cần tôi về mặt kỹ thuật mà thôi. Tôi chết đi, bất kỳ ai thay thế cũng được, bởi cứ còn bà.”
Bà điều phối ký giả đi phỏng vấn hay dự các buổi thuyết trình, họp báo, rồi theo dõi và xem các bài tường trình rất kỹ lưỡng. Tuy vậy bà đối xử với nhân viên rất khôn ngoan, tâm lý. Hoàng Hải Thủy viết về sự tế nhị của bà:
“Hai lần làm trong tòa báo của bà, tổng số 9 năm trời, tôi không một lần thấy bà Bút Trà sẵng giọng, to tiếng với nhân viên, bà không rầy la nhân viên có lỗi trước mặt đồng nghiệp của anh ta, bà cũng chẳng bao giờ than phiền một nhân viên nào làm việc bê bối với người trong tòa soạn, cần nói gì bà mời riêng nhân viên đó vào nói chuyện với bà.”
Hoàng Hải Thủy càng nể trọng bà hơn trong cách cư xử khi một lần ông không đi dự họp báo, lại còn tìm cách nói dối. Ông bị bà lật tẩy một cách thông minh. Sau đó bà đã nói riêng với ông rằng”
“Nhà báo có nhiều người. Việc nào anh không muốn đi hay anh có việc bận không đi dự được anh cứ cho biết, nhà báo cử người khác đi. Anh đừng nhận đi rồi bỏ không đi như vậy.”
Ông viết thêm” Lời chỉnh rất nhẹ. Lời chỉnh làm tôi tự thấy xấu hổ, tôi đã không làm việc tôi phải làm, tôi còn can tội nói dối. Nhưng bà không làm tôi xấu hổ quá.”
Trong một bài phóng sự đăng trên Trung Bắc Tân Văn số 18, ngày 30/6/1940, ký giả Văn Lang viết về tài quán xuyến của bà như sau:“ Có thể nói ở nhà báo Sài Gòn, chính bà Bút Trà mới thật là tổng lý, lại kiêm luôn cả ba chức nội vụ tổng trưởng, tài chánh tổng trưởng và ngoại giao tổng trưởng…. cho đến việc biên tập, cách xếp đặt và bài vở trong mỗi số báo bà cũng kiểm soát được nữa mới tài”
Ông còn cho biết thêm
“Đêm nào cũng thế, trước khi báo sắp lên máy, thợ phải vỗ một bản đưa trình bà quản lý xem sự xếp đặt như thế có được không, hay tin nào nên bỏ, lời rao (quảng cáo) nào còn thiếu.”
Ngay cả truyện kỳ đăng trong Saigon Mới cũng được bà Bút Trà để tâm góp ý kiến cho phù hợp với thị hiếu của đọc giả. Bà Tùng Long kể “Tôi đang viết một câu chuyện dài, có chiều hướng không cho hai nhân vật yêu nhau đi đến hôn nhân, thì một buổi sáng vừa để cái cặp lên bàn, toan ngồi lại làm việc thì bà Bút Trà – chị dâu của tôi mà cũng là chủ nhiệm của báo Sàigòn Mới lúc bấy giờ – cho người mời tôi vào và nói:
– Thím không định cho Yến và Thanh kết hôn sao?
Thấy tôi cười mà không trả lời thì chị tôi nói:
– Thím nên cho tụi nó kết hôn với nhau, như thế mới hợp tình hợp lý và mới đúng với cái tên tiểu thuyết mà thím đặt Gương Vỡ Lại Lành.”
Cần giải thích thêm rằng Bà Tùng Long là vợ của nhà văn Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy, em ruột ông Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận. Năm 1952 Bà Tùng Long phải một mình đưa các con từ vùng kháng chiến ở Quảng Ngãi về Đà Nẵng nên lâm vào cảnh thiếu thốn. Bà Bút Trà đã gửi một lượng vàng và tư trang để giúp đỡ em dâu. Dù món quà không đến được tay người nhận, nhưng đó là tấm lòng nhân hậu của bà Bút Trà đối với họ hàng.
Với nhân viên bà cũng rất nhân đạo. Bà giải thích với ông Hoàng Hải Thủy ký do bà cương quyết không đổi các máy in kiểu cũ qua kiểu rotative cho hiệu quả hơn: “Mỗi máy in của mình bây giờ có một anh thợ trông nom, mỗi anh thợ có một gia đình ít nhất 5 người…Mười máy in nuôi nuôi 50 người. Nay tôi dẹp đi dùng máy rotative chỉ cần 2 anh thợ thôi, tám người mất việc, 40 người nheo nhóc. Tôi không muốn thay đổi là vậy.”
Theo ông Lý Phong Miên, bà Bút Trà còn mua đất bên cạnh tòa soạn, cất nhà cho công nhân báo Saigon Mới. Về sau, các căn nhà này trở thành nhà riêng của họ.
Không phải lúc nào việc làm báo cũng suông sẻ, nhưng nhờ đã từng là một nhà kinh doanh thành công nên bà Bút Trà đã biết cách đối phó để giữ vững tờ Saigon Mới. Đơn cử các trường hợp:
- Năm 1952 Saigon Mới đăng tin “lô can”[38] một tên cướp chạy sang lãnh địa Bình Xuyên, và được che chở. Ông Bút Trà bị lực lượng Bình Xuyên bắt. May nhờ đã kết thân với Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm làm thanh thế nên ông Bút Trà chỉ bị đánh cảnh cáo rồi thả, còn tờ báo không hề hấn gì.
- Tháng 11 năm 1960, trong cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm thất bại, báo Saigon Mới đăng bản tuyên cáo của phe đảo chánh. Tưởng rằng tờ báo đã phải đình bản. Chủ nhân đã biện luận rằng làm báo thì phải đăng tin, báo không ủng hộ mà cũng không chống ai cả. Nhờ vậy tòa soạn chỉ phải chấp nhận hai “ký giả” của chính phủ đưa xuống làm “cố vấn” để được tồn tại.
- Đầu thập niên 1960, vì đăng bài phóng sự bị cho là thiếu khả tín, tờ Saigon Mới bị các tờ báo khác “đánh hội đồng”. Ký giả Nguyễn Hoạt của nhật báo Tự Do nói với Vũ Hoàng Chương:“Cả bọn chúng tôi xúm vào đánh bà Bút Trà mà bà ấy chẳng hề hấn gì, cứ như là châu chấu đá voi.”
Và thi sĩ đã làm ngay hai câu thơ
“Hai chân tanh tách làm luôn mãi
Một đống lù lù cứ thế thôi. [39]”
Hoạt động xã hội
Ngoài việc làm báo phục vụ người lao động, bà Bút Trà còn có những hoạt động xã hội như:
- lập Hội Phụ Nữ Việt Nam năm 1952 và làm Chủ Tịch vĩnh viễn cho tới khi bị xáp nhập vào Hội Phụ Nữ Liên Đới của Bà Ngô Đình Nhu, năm 1963[40]. Nhờ sự cổ động của Saigon Mới, Hội Phụ Nữ Việt Nam hoạt động mạnh mẽ. Đầu thập niên 60 gần như mỗi tỉnh đều có một chi hội, phục vụ cho các chị em bình dân.
- sáng lập và làm chủ tịch vĩnh viễn Bình Dân Học Hội để hỗ trợ cho Hội Phụ Nữ Việt Nam.
- Một trường tiểu học, Trường Bình Dân Học Hội ở Khánh Hội, cũng được bà thành lập để giúp trẻ em nghèo, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ. Ông Phạm Lộc đã viết cho Hoàng Hải Thủy một bức thư có đoạn sau: “Bà má tôi là giáo viên dậy ở Trường Bình Dân Học Hội số 266 đường Tôn Ðản của BÀ BÚT TRÀ. Tôi phải viết hoa BÀ BÚT TRÀ vì nhờ mẹ tôi có việc làm ở trường của bà nên mẹ tôi mới có tiền nuôi tôi ăn học, tôi có bằng Tú Tài, vô lính lên đến Ðại Uý. Tôi vẫn cám ơn BÀ BÚT TRÀ và cầu nguyện mong Bà được yên vui trong cõi vĩnh hằng.”[41]
Tháng Chạp mỗi năm Hội Phụ Nữ Việt Nam liên kết với Bình Dân Học Hội vận động các tiệm buôn, các chị em có lòng từ thiện tài trợ để tổ chức “Cây Mùa Xuân”cho các em nghèo liên hoan.
Nhận xét của vài nhà văn về bà Bút Trà
Với thành công lớn trong nghề nghiệp, bà Bút Trà không tránh khỏi lời khen chê của các đồng nghiệp. Người ta chê bà ít học, không viết nổi một câu văn, lấy nghề nghiệp và vị thế của bà ra dè biểu “Thiếm Xồi”, “chị Tư Bồn Binh”[42]. Người ta còn chê tờ báo của bà không xuất sắc, chỉ trích lối cạnh tranh bằng cách tặng phụ bản. Nhưng họ không thể phủ nhận tài năng của bà Bút Trà. Bình Nguyên Lộc viết “Rõ ràng đó là một người đàn bà oanh liệt. Và tờ báo bán mạnh là nhờ cả ở bà, chớ ông Bút Trà chẳng trổ tài được lần nào hết…. Thiên hạ đều chê bà Bút Trà, đều chửi bà, tôi cứ thấy là bà có lý của bà, và cái lý ấy, không là cái lý điên cuồng đâu. Bà là người buôn bán chứ đâu phải và nhà văn hóa. Và người buôn bán ấy cứ tiếp tục giỏi buôn bán, giỏi ngoài thương trường và giỏi cả trong làng báo”.
Khi bị từ chối đề nghị được cộng tác với Saigon Mới, ông không buồn lòng, ngược lại còn nể phục bà đã cương quyết giữ vững lập trường “viết cho chị bán cá đọc cũng hiểu”. Bình Nguyên Lộc viết “Có thể nói mà không sợ sai là chính tôi đã tạo ra bà Bút Trà. Và ngược lại chính bà Bút Trà đã tạo ra Bình Nguyên Lộc”
Hoàng Hải Thủy, người đã cộng tác 9 năm với Saigon Mới, rất khâm phục bà Bút Trà, ông nói
“Tôi kính phục bà Bút Trà. Tôi coi bà là bà chủ của tôi. Trọn một đời làm báo của tôi, tôi đã làm với khoảng trên dưới mười ông bà chủ báo, chỉ có một bà Bút Trà được tôi coi là chủ nhân của tôi”.
Từ Chung, một nhà báo khoa bảng có bằng Tiến Sĩ Kinh Tế[43], nói về tài năng của bà Bút Trà: “Bà là một người làm báo, một nữ quản trị có tài bằng bốn người khác.”[44]
Nhật Báo Saigon Mới
Lịch Sử của tờ báo
Có nhiều tài liệu khác nhau về năm ra đời của tờ Sài Thành, tiền thân của Saigon Mới. Trong tác phẩm Ba Nhà Báo Sài Gòn, Trần Nhật Vy trích Hối Ký của nhà báo Ngọa Long trong loạt bài “10 năm Làng Báo Sài Gòn 1927-1937”, rằng khởi đầu tờ Sài Thành là của ông Mạnh Tự Trương Duy Toản, đến năm 1930 nhường lại cho ông Bút Trà[45]. Ông Thanh Việt Thanh[46] trong “Ba nhà báo cùng tên Nguyễn Đức Nhuận” lại cho rằng tờ Sài Thành của Bút Trà đã xuất hiện từ năm 1929, đến năm 1931 đổi tên là Sài Gòn[47]. Đến cuối năm 1946, lại đổi tên lần thứ hai thành Saigon Mới. Lúc đầu tòa soạn ở số 23 đường Filippini[48], nay là Nguyễn Trung Trực, Saigon, sau dời về 39 đường Colonel Grimaud tức Phạm Ngũ Lão, gần bùng binh chợ Bến Thành. Nơi đây vừa là tòa soạn, vừa là nhà in và cũng là nơi cư ngụ của gia đình Bút Trà.
Cuối năm 1963, khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ, tòa báo Saigon Mới bị đập phá và phải lấy lại tên cũ là Sài Gòn. Qua năm 1964, sau cuộc chỉnh lý của tướng Nguyễn Khánh, tờ Sài Gòn bị đóng cửa vì “tội cấu kết với Độc Tài”. Nhờ tài xoay sở của bà Bút Trà, tờ báo tái sinh một lần nữa, trở về tên Saigon Mới. Đến năm 1972 báo phải đình bản vĩnh viễn vì không ký quỹ 20 triệu đồng cho Nha Ngân Khố[49] theo luật báo chí mới thời đó. Như vậy, nhật báo có nhiều tên (Sài Thành- Sài Gòn- Saigon Mới) của Bà Bút Trà tồn tại hơn 42 năm, có tuổi thọ dài nhất trong lịch sử báo chí của Miền Nam trước năm 1975.
Chủ trương và các sáng kiến của Sai Gòn Mới.
Saigon Mới là tờ báo thành công nhất ở Sài Gòn trước năm 1975. Thời cực thịnh, từ năm 1957 đến 1963. Đối tượng của tờ báo là quần chúng ít học, người lao động và các tiểu thương. Quan điểm này thể hiện rõ trong lời từ chối của bà Bút Trà khi Bình Nguyên Lộc xin được cộng tác với Sai gòn mới “Tôi chỉ đăng bài mà chị bán cá có đọc cũng hiểu. Cậu viết khó hiểu, người bình dân không đọc đâu”.
Tờ báo được sự cộng tác của nhiều cây bút rất được ưa chuộng như Bà Tùng Long, Hồng Tiêu, Thiếu Lăng Quân, Hàn Mạc Tử, Hoàng Hải Thủy, Phi Long (Ngọc Sơn), Thanh Phong, Hoa Đường, Jean Baptiste Đồng, Trọng Nguyên, Vũ Bình Thư, Mộng Đài, Nguyễn Vỹ…. và cả những nhà thơ nổi tiếng như Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, ký giả nổi tiếng tường thuật bóng đá, Huyền Vũ, cũng là biên tập viên mục thể thao của Sàigòn Mới.
Một yếu tố quan trọng khác giúp các tờ báo của gia đình bà Bút Trà thành công là những sáng kiến của người điều hành và các cộng sự:
- Mục Gỡ Rối Tơ Lòng: do Bà Tùng Long đề nghị và phụ trách và đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Ông Trần Quân cho rằng “Độc giả của bà (Tùng Long) thuộc nhiều thành phần khác nhau, phần đông ở giới lao động, ít học, những người nội trợ muốn tìm cái chìa khóa hạnh phúc, những kẻ không có phương tiện để đến trường nghe lời giảng dạy của các thầy giáo, cả những quân nhân ở những vùng xa xôi hay những thủy thủ thiếu mái ấm gia đình”.
- Mục Vận Số Trong Tuần: do người anh ruột của bà Bút Trà, ông Tôn Văn Khuê[50], phụ trách. Ông Khuê là một trong những ngưới sáng lập Hội Trưởng Hội Tam Tông Miếu, ở số 42 đường Cao Thắng, Bàn Cờ. Lịch Tam Tông Miếu -có chú thích ngay giờ lành, dữ và những việc nên hoặc kiêng làm trong mỗi tờ lịch ngày nên rất được ưa chuộng- do nhật báo Saigon Mới độc quyền phát hành.
Giải Đáp Pháp Luật: do Luật Sư Diệp Văn Kỳ, cũng là luật sư riêng của báo Saigon Mới, phụ trách.
- Giải Đáp Y Tế: Theo ông Trần Quảng Á thì đây cũng là một trong những sáng kiến mới chưa tùng có trong làng báo Việt Nam.
- In phụ bản tặng kèm mỗi số báo: Phụ bản in offset màu mè, vui mắt tặng kèm theo tờ báo. Lúc đầu in hình bản đồ Việt Nam rồi đến bản đồ Nam Kỳ; về sau in tranh ảnh, chim muông, thú vật…. Nhờ vậy mà số độc giả tang vọt. Nhiều người mua báo chỉ để lấy phụ bản dán lên vách trong nhà. Tết 1962 Saigon Mới vất vã lắm mới được phép độc quyền in hình đại gia đình Tổng Tống Ngô Đình Diệm, cũng vì vậy mà sau biến cố 1963, tờ báo gặp rắc rối về tội “ủng hộ chế độ độc tài” như đã viết trong phần trên.
Ảnh hưởng của Saigon Mới
Saigon Mới đáp ứng tức thời nhu cầu tinh thần của giới bình dân. Người lao động không có thói quen đọc sách, nhưng lại thích xem nhật báo Saigon Mới với dủ thứ tin tức từ chuyện linh tinh trong xóm đến các tài liệu hữu ích, cả các chuyện lạ khắp năm châu. Những tiểu thuyết đăng nhiều kỳ hấp dẫn, phù hợp với đạo lý và phong tục người Miền Nam. Saigon Mới lại có thể giúp độc gia giải quyết được nhiều bế tắc qua mục Gỡ Rối Tơ Lòng. Trong hồi ký của mình Bà Tùng Long đã trích bài viết của ký giả Trần Quân như sau:
“Khi tiếng gà vừa gáy đợt đầu, một người đàn bà đã già mở cửa một cái chòi và sai một đứa bé đi mua một cái gì đó. Mấy phút sau đứa bé chạy về với hai bàn tay không và sẳn sàng chống đỡ những lời rầy la của bà. Bà ta đã đưa cho nó hai đồng bạc để mua cho bà một tờ Sai Gòn Mới, tờ báo mà ai cũng biết xuất bản vào buổi sáng, và thằng bé đã lấy tiền đó để mua một khúc bánh mì… Người đàn bà đã không dằn được tức giận, bảo tại sao nó không chịu ăn sáng với cơm nguội như mọi người trong gia đình và để tiền mua tờ báo. Tờ báo đối với bà thật sự là một bữa điểm tâm tinh thần, cũng như một hơi thuốc lá và một tách cà phê nóng vào buổi sáng của những người thượng lưu.”
Như vậy Saigon Mới đã trở thành một nhu cầu tinh thần của người lao động. Thật ra nó cũng có ảnh hưởng lớn đến cả thành phần trí thức và doanh nhân:
- Dương Hà, một cây bút mới, với tiểu thuyết Bên Dòng Sông Trẹm đăng trên Saigon Mới, đã từng làm cho cả giới trí thức cũng phải say mê. Vì vậy khi truyện vừa đăng hết trên báo thì đã xuất bản ngay thành sách và đến bây giờ vẫn còn tiếng vang.
- Trong hồi ký của mình, Bà Tùng Long viết “Đọc giả của tôi (qua Saigon Mới) không phải là người những người bình dân ít học như người ta thường nói mà trong giới trí thức cũng có người là độc giả trung thành của tôi” và bà cho biết đã gỡ rối cho những gia đình trí thức như giáo chức, thương gia…; đã thức tỉnh được một vị bác sĩ đã có vợ còn biểu hiện tình cảm khác thường với một bệnh nhân là em của bạn mình. Bà còn giúp một bà cụ giải tỏa được sự bế tắc giữa mẹ chồng và người con dâu trí thức vừa góa chồng. Bà cụ tha thiết xin gặp mặt người giúp mình, khi đó Bà Tùng Long mới nhận ra bà cụ chính là một cô giáo cũ dạy bà hồi tiểu học.
Bà kể chuyện mình lấy kinh nghiệm dạy học của bản thân để trả lời cho một giáo viên. Không dè ông Hiệu Trưởng trường Sư Phạm cũng là đọc giả nên dùng nó làm tài liệu dạy học và có nhã ý mời bà đến trường thuyết trình.
Như vậy Saigon Mới cũng đã từng có ảnh hưởng rất lớn đến đại chúng. Nhờ thế mà tờ báo có tuổi thọ dài nhất với số báo tiêu thụ nhiều nhất, giúp cho gia đình bà Bút Trà một tài sản đồ sộ trước năm 1975.
Lời kết:
Ba người phụ nữ điển hình cho ba tầng lớp: bà Sương Nguyệt Anh khuê các nho phong, bà Cao Thị Khanh tân tiến quý phái, bà Bút Trà bình dị thiết thực; đã giữ những vai trò quyết định trong tờ báo của họ và làm vẻ vang làng báo Việt Nam. Họ đã hoàn thành sứ mạng trong thời đại của mình bằng ba phong thái:
Sương Nguyệt Anh từ khung cửa Nho Giáo bước vào nền văn minh phương tây khiêm nhường và uyển chuyển. Nữ Giới Chung gióng hồi chuông đầu tiên khởi xướng việc làm báo để đấu tranh cho phụ nữ.
Bà Cao Thị Khanh, một phụ nữ trí thức, chịu ảnh hưởng Tây học, tiếp nối sự nghiệp đấu tranh cho nữ quyền một cách mạnh mẽ bằng ngòi bút và bằng hoạt động thực tế. Cao Thị Khanh với hoài bão lớn lao, quần tụ chị em trí thức trung lưu và thượng lưu quyết chen vai với nam giới “đem phấn son tô điểm sơn hà” giúp người, làm đẹp đời. Tờ Phụ Nữ Tân Văn và các hội đoàn vệ tinh hoạt động một cách bác học, đả phá hủ tục, cổ vũ tư tưởng tự do, bình đẳng trong quan hệ nam nữ, đổi mới trong văn thơ và dũng cảm thực hiện tâm huyết “làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”.
Bà Bút Trà ít học, mộng ước bình thường, tạo sự nghiệp bằng nghề làm báo. Bà chọn thành phần lao động làm đối tượng để phục vụ. Các tờ báo cùng với các hội đoàn do bà sáng lập, phụ trách là những bàn tay trực tiếp giúp đỡ, đáp ứng tức thời nhu cầu tinh thần của giới bình dân. Ngược lại bà cũng đã làm cho Saigon Mới trở thành một nhu cầu hằng ngày của họ.
Để kết thúc bài viết chúng tôi xin trích hai ý kiến sau:
Ý kiến thứ nhất: trích phóng sự “Mấy bà quản lý nhà báo trong Nam”, của ký giả Văn Lang đăng trong Trung Bắc Tân Văn số 18, ngày 30/6/1940. Ông so sánh phụ nữ Nam, Bắc trong nghề làm báo như sau:
“Chắc hẳn chị em Bắc Hà ta phải chịu mình thua kém phụ nữ phương Nam về tài nghệ kinh doanh một tờ báo. Làng báo ta ngoài này tuy cũng có một vài bạn phụ nữ đứng quản lý một vài tờ báo nhưng chỉ coi đại thể bề ngoài hoặc giúp việc tòa soạn, thử hỏi có một bà nào, cô nào đảm đương nổi vận mạng lý tài của một tờ báo như mấy bà nữ quản lý kể chuyện trên chưa?”
Y kiến thứ hai: trích kết luận của ông Trần Quảng Á trong bài “Bút Trà trong làng báo Việt Nam” (http://www.nuiansongtra.com/index.php?c=article&p=536), viết về công lao của báo chí thời trước 1975 nói chung và các tờ Nữ Giới Chung, Phụ Nữ Tân Văn và Saigon Mới nói riêng:
“Đứng ra đảm đương một tờ báo từ những thập niên đầu thế kỷ XX, thời báo chí Việt Nam còn sơ khai với chữ Việt vừa mới được công nhận là quốc ngữ, với số lượng người viết báo chưa tới hàng trăm và với tên đầu báo có thể đếm trên đầu ngón tay, cùng với những tờ báo Việt Ngữ khác, các báo của ông bà Bút Trà nhờ có nội dung ăn khách, đã làm được những việc mà bộ Giáo Dục và các trường học chưa làm được: hàng triệu đồng bào ít học nhờ ghiền báo mà
dần dần đọc thông tiếng mẹ đẻ”.
Sydney, tháng Giêng năm 2016
Dương Thanh-Bình
Tài liệu tham khảo:
- http://chimviet.free.fr/truyenky/ngthanhliem/ntln050.htm
- Thiếu Sơn – Hồi ký một đời người, tạp chí Phổ Thông số 13, ngày 15/6/1959.
- Anh Thư Nước Việt Từ Lập Quốc Đến Hiện Đại, Bà Phương Lan, cơ sở xuất bản Đại Nam, in ở Đài Loan.
- https://hoanghaithuy.wordpress.com/2015/01/29/thang-tan-nam-cung/
- Báo Chí Việt Nam //www.hobieuchanh.com/pages/baochiVN.html
- http://chuyencuachi.blogspot.com.au/2010/06/dong-bao-phu-nu-truoc-cach-mang-thang.html?m=1
- http://baotanglichsu.vn/portal/vi/Tin-tuc/Nhan-vat-lich-su/2013/10/3A923B99/
- http://www.dongnaicuulong.org/nhanVat/nhanVat_detail.php?nhanVatId=9
- http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=1631:sng-nguyt-anh-n-s-n-ch-but-tai-hoa-va-tri-tu&catid=63:vn-hc-vit-nam&Itemid=106
- http://phapluattp.vn/van-hoa-giai-tri/van-sach/ba-ky-nhan-cua-lang-bao-sai-gon-581284.html
- Ba Nhà Báo Sài Gòn, Trần Nhật Vy, NXB Văn Hóa Văn Nghệ. TPHCM-2015
- Hồi Ký Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc
http://www.binhnguyenloc.de/pages/TruyenNgan/HoiKyVanNghe/HoiKyVanNghe_OngBaButTra.htm
- Hồi Ký Bà Tùng Long; ebook.
- Viết ở Rừng Phong, Hoàng Hải Thủy
https://hoanghaithuy.wordpress.com/category/uncategorized/page/6/
[1] Tác giả xin cám ơn anh Lý Hồng Giang và bạn Nguyễn Thị Thùy Nhiên đã tìm giúp các tài liệu hữu dụng.
[2] http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=1631:sng-nguyt-anh-n-s-n-ch-but-tai-hoa-va-tri-tu&catid=63:vn-hc-vit-nam&Itemid=106
[3]月英,có tài liệu phiên âm sai là Nguyệt Ánh.
[4] Cũng có tài liệu cho rằng bà mất ngày ngày 20/1/1921
[5] Về các tác phẩm của Bà, độc giả có thể tham khảo
[6] Trích nguyên văn bài “Mấy lời kính tỏ”. Trong bài viết này, khi trích nguyên văn các bài báo cũ, chúng tôi giữ nguyên những chữ sai chính tả để tôn trọng sự trung thực. Đó cũng là cách để so sánh sự tiến triển của chữ quốc ngữ theo thời gian.
[7] Các chữ in nghiêng là trích nguyên văn bài báo của Bà Sương Nguyệt Anh.
[8] http://chimviet.free.fr/truyenky/ngthanhliem/ntln050.htm
[9] Các chữ in nghiêng trong đoạn này là tựa bài báo. Có thể xem thêm bài viết của Bà Cao Thị Khanh trong các tờ Phụ Nữ Tân Văn ở Thư Viện Báo Chí
http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=cl&cl=CL1&sp=HtCq&e=——-vi-20–1–img-txIN——
[10] Bà Cao Thị Khanh bàn chuyện phụ nữ Tàu đã dám vứt bỏ hủ tục bó chân, bỏ quan niệm hủ lậu “nam nữ thọ thọ bất thân”. Phụ Nữ Tân Văn số 87 ngày 18 tháng 6 năm 1931.
[11] sinh năm 1861, mất năm 1941 là một nhà thơ Bengal, triết gia Bà La Môn và nhà dân tộc chủ nghĩa được trao Giải Nobel Văn học năm 1913, là người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel.
[12] Đăng trong số 10, ngày 4 tháng 7 năm 1929 http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=HtCq19290704.2.6&srpos=&e=—–1933–vi-20-HtCq-1–txt-txIN-H%E1%BB%99i+c%E1%BB%B1u+h%E1%BB%8Dc+sanh+n%E1%BB%AF+h%E1%BB%8Dc+%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng+—–
[13] Theo ông Thiếu Sơn trong Đuốc Nhà Nam, số 1, ngày 9 tháng 10 năm 1968
[14] Sau sửa lại là “Chủ Nhơn”
[15] http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=HtCq19290502&e=——-vi-20–1–img-txIN——#
[16] http://www.sachhay.org/cao-thom/ChiTiet/2788/phan-son-to-diem-son-ha
[17] Đăng trong số 215 ngày 7 tháng 9 năm 1933
[18] http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=HtCq19310521.2.2&srpos=&dliv=none&e=——-vi-20–1–img-txIN——
[19] http://lainguyenan.free.fr/pk1929/tieudan.html
[20] Theo Bà Tùng Long, cách dùng chữ I thay cho Y là cách chế biến kỳ lạ của Nguiễn Ngu Í.
[21] Nguiễn Ngu Í, Thử Nhìn Lại 100 Năm Báo Chí, tạp chí Bách Khoa Thời Đại, số 217 ngày 15/1/1966
[22] Thời đó 1 giạ lúa giá chưa đến 1 đồng bạc.
[23] Trong bài Bội Thực Nhơn Tài, quỹ học bổng của P.N.T.V đã đến ngày kết quả
[24] Xem bài Hội Trí Đức Thể Dục Nam Kỳ SAMIPIC, tập san Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai – Cửu Long số 9.
[25] http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=HtCq19311210.2.2&e=——-vi-20–1–img-txIN——#
[26] Tiếng Pháp, nghĩa là ngày 8 tháng 5.
[27] http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=HtCq19311119.2.2&srpos=&dliv=none&e=——-vi-20–1–img-txIN——
[28]Bài tường trình Cuộc Đấu Xảo Nữ Công do PNTV tổ chức và ảnh đăng trong PNTV số 109, ngày 19/11/1931
[29] Phụ Nữ Tân Văn số 218 ra ngày 10 tháng 8 năm 1933
[30] Phụ Nữ Tân Văn số 259 ra ngày 20 tháng 9 năm 1934
[31] Thời đó có 3 ông làm báo cùng tên. Nguyễn Đức Nhuận, phu quân bà Cao Thị Khanh, chủ nhiệm tuần báo Phụ Nữ Tân Văn; nhà thơ Bút Trà – Nguyễn Đức Nhuận phu quân bà Tô Thị Thân chủ nhiệm nhật báo Saigon Mới; và nhà văn Phú Đức – Nguyên Đức Nhuận, chủ nhiệm báo Công Luận.
[32] Trong bài này các trích dẫn liên quan đến Bình Nguyên Lộc đều trích từ Hồi Ký Văn Nghệ của ông.
[33] Nhà thơ Nguyễn Đức Nhuận ghép tên núi Bút Sơn và sông Trà Khúc làm bút hiệu.
[34] Hồi Ký Văn Nghệ- Bình Nguyên Lộc http://maxreading.com/sach-hay/hoi-ky-van-nghe/ong-ba-but-tra-40311.html
[35] Ngọa Long tên thật là Trần Kim Lượng, là con trai của chủ nhiệm “Công Luận Báo”
[36] Trong bài này các trích dẫn liên quan đến Bà Tùng Long đều được trích từ Hồi Ký Bà Tùng Long.
[37] Theo Hồi Ký Bà Tùng Long thì Tử Vi Lang ngạo ông Đinh Văn Khai, chủ nhiệm báo Tiếng Chuông vừa ra 1 quyển sách ký tên mình nhưng do người khác viết, còn thơ của Bà Bút Trà là do ông Bút Trà làm.
[38] Hoang Hải Thủy, Viết ở Rừng Phong.
[39] https://hoanghaithuy.wordpress.com/2012/09/
[40] Hồi Ký Bà Tùng Long.
[41] https://hoanghaithuy.wordpress.com/2012/09/25/ba-but-tra/
[42] Vì bà kiên quyết ở luôn trong tòa soạn báo, đường Phạm Ngũ Lão, ngay bùng binh gần chợ Bến Thành, dù bà có một biệt thự sang trọng bỏ không.
[43] Từ Chung tên thật là Vũ Nhất Huy sinh năm 1924 người Sơn Tây, là tổng thư ký của nhật báo Chính Luận, một tờ báo chống cộng nổi tiếng. Ông bị ám sát năm 1965. http://minhduc7.blogspot.com.au/2013/03/tuong-niem-tu-chung-tai-quan-cam-1997.html?m=1
http://minhduc7.blogspot.com.au/2013/03/tu-chung-va-quyen-tu-do-bao-chi.html
[44] Từ Chung-“Nói chuyện với những bạn thích làm báo”. Tạp chí Bách Khoa Thời Đại số 217 ngày 15/6/1965
[45] Trong tác phẩm này Trần Nhật Vy trích nhiều nguồn khác nhau về những năm ra đời của tờ Sài Thành, nhưng theo chúng tôi đây là tài liệu khả tín nhất.
[46] Thi sĩ Thanh Việt Thanh tên là Lưu Ngọc Thành, người Tây Ninh, sinh năm 1930, từng cộng tác với các tờ báo Phổ Thông (của Nguyễn Vỹ), Nhân Loại, Ngày Mới, Thời Luận, Nhân Quyền…
[47] http://tanmanvanchuongthephong.blogspot.com.au/2012/05/ba-nha-bao-cung-ten-nguyen-uc-nhuan-bai.html?m=1
[48] Có thể đây là tòa soạn thời Sài Thành còn là của ông Trương Duy Toản.
[49] Theo điều 4 của sắc luật số 007/TT ngày 4/8/1972 số tiền này để bảo đảm việc thanh toán các án phí hay tiền bồi thường thiệt hại dân sự. 20 triệu đồng rất lớn vì vàng thời đó chỉ chừng 16 ngàn/lượng
[50] Theo Trần Nhật Vy trong Ba Nhà Báo Sài Gòn thì cha và các anh chị em của Bà Bút Trà đều họ Tôn và không rõ vì sao bà lại đổi thành họ Tô.