Mỹ Tho – Tiền Giang Qua Mấy Vần Ca Dao

Bác sĩ Phan Giang Sang

(trích TUYỂN TẬP PHAN GIANG SANG III – Y HỌC VÀ ĐỜI SỐNG 2016)

M Tho nằm về phía trái Sông Tiền, cho nên nó có tên là Tiền Giang. Và lúc còn là Gia Ðịnh thành, không có tỉnh Mỹ tho, mà chỉ có đồn quân vì nơi đây là rừng hoang, đầy thú dữ.

Ðề đốc Bonard theo ngược dòng Sông Cửu Long chiếm lấy Ðịnh Tường và ép ký hòa ước 1862, nhường Biên Hòa, Saigon-Gia Ðịnh và Ðịnh Tường.

Xưa kia nó có tên là Ðịnh Tường, vì lúc cụ Phan Thanh Giản đi sứ qua Pháp điều đình chuộc lại ba tỉnh Miền Ðông: Gia Ðịnh, Biên Hòa và Ðịnh Tường, do chính vua Minh Mạng đặt năm 1819, chớ không phải là Mỹ Tho. Còn Mỹ Tho lúc đó gồm cả Mỹ Tho, Gò Công và một phần của tỉnh Bến Tre. Thật ra Mỹ Tho là tên lấy từ tiếng Khmer: Mi Sâr mà ra, hay là xứ có nhiều cô gái da trắng đẹp: ‘Srock Mỳ xơ’ hay Xứ nàng trắng. Người Việt gọi là Mỹ Tho, cũng là tỉnh có nhiều cô gái trắng đẹp (mỹ) nhứt là vùng Gò Công. Món ăn ngon nhứt là hủ tiếu Mỹ Tho ở bờ sông, hay hủ tiếu tôm ở Trung Lương.

Theo Ðại Nam Thống Chí, thì Mỹ Tho là thành phố lớn của huyện Kiến Hưng, với nhà cửa khang trang và đình chùa xinh đẹp nhứt là chùa Vĩnh Tràng (200 năm) theo phái Cổ Sơn Môn, cho nên kiến trúc có phần khác lạ hơn Phật giáo. Nó cũng là trung tâm du lịch. Còn Tiền Giang là trung tâm thương mại, ghe thuyền tới lui tấp nập, buôn bán rộn rịp. Vua Minh Mạng mới đặt phòng thâu thuế nơi đây. Mỹ Tho cũng là địa điểm của ghe thương hồ, từ miền Tây về đây, rồi chở lên xe tải về Sài gòn.

(Lê Công Lý)

Còn theo Pháp, ‘Histoire de la conquête de la Cochinchine’ thì Sài Gòn là trung tâm quân sự. Ðể tiện đường di chuyển, Pháp mở đường xe lửa xuyên Việt tới Hà Nội.  Riêng miền Nam có nhiều sông rạch nên chỉ có xe lửa từ Sài Gòn tới Mỹ Tho vào ngày 20 tháng Bảy năm 1885, để chuyên chở hàng quá từ Mỹ Tho về Sài Gòn. Chánh quyền TT Ngô Ðình Diệm dẹp ga xe lửa ở bờ sông, kế vườn hoa Lạc Hồng năm 1958, tuyến xe lửa này bị bức tử sau 73 năm hoạt động, để lập biệt khu Hải quân, rồi nó cũng bị dẹp luôn sau 1975, và các quán hủ tiếu cũng cùng chung số phận.

Ðặc sắc của tỉnh Mỹ Tho là hàng phượng vĩ từ ngả ba Trung Lương vào thành phố, như chào đón khách viển phương, và vườn hoa nghỉ mát, với hàng phượng vĩ thắm tươi, tăng thêm vẻ mỹ miều, duyên dáng, yêu kiều cho thành phố này. Nó không có nét ăn chơi như bến Ninh Kiều ở Cần Thơ.

Mỹ tho cảnh đẹp người xinh

Quyện lòng du khách, gợi tình nước non.

Vào thế kỷ XVII, quân Mãn Châu vượt Vạn Lý Trường Thành, đánh chiếm Trung Hoa và lật đổ nhà Minh, một số quan quân bất phục lên 50 chuyến thuyền bỏ chạy xuống phía Nam, xin nhà Nguyễn cho tị nạn (1679). Chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Tấn) đưa họ về vùng đất mới khẩn hoang:

Xe lửa Mỹ Tho
  • Dương Ngạn Ðịch về vùng Mỹ Tho đại phố… có làng đặc biệt là Trấn Thanh Hà ở Biên dinh.
  • Trần Thượng Xuyên, phó tướng lên vùng Cù Lao Phố và Biên Hòa, và sau có một nhóm tự động chuyển đến chiếm vùng Chợ Lớn tạo thành trung tâm buôn bán: Tàu và Việt sống chung lập gia đình, sinh con lai gọi là Minh Hương, sống tại làng Minh Hương.

Gỏi chi ngon bằng gỏi tôm càng

Ðố ai lịch sự bằng làng Minh Hương.

Sau nhiều thay đổi, từ 1976 tỉnh Mỹ Tho đổi thành tỉnh Tiền Giang gần kề Sài Gòn 70km và Vĩnh Long 70km qua cầu dây Mỹ Thuận, của Úc xây tặng, và Bến Tre qua cầu Rạch Miễu, và cách Cần Thơ 100km nhờ Nhựt viện trợ không cần phà. Tỉnh Tiền Giang cũng nối liền với các tỉnh khác bằng sông ngòi thiên nhiên rất tiện lợi.

Ngày nay Tiền Giang có diện tích là 2,367 km2, với dân số là 1.635.700, bao gồm có:

  • Quận Châu thành Mỹ Tho.         
  • Cái Bè,
  • Cai Lậy,
  • Chợ Gạo                                                 
  • Gò Công Ðông,                        
  • Gò Công Tây
  • Tân Phú Ðông
  • Tân Phước                                            

Mỹ Tho có nhiều cây trái ngon ngọt, nổi tiếng nhiều vườn cây trái tươi xanh, như người con gái mơn mởn độ xuân thì, duyên dáng, dịu dàng như:

  • Mận hồng đào Trung Lương
  • Vú sữa Sầm Giang căng mộng, da vàng mỏng vỏ . 

Vú sữa Sầm Giang căng dáng mộng

Nắm rơm Long Ðịnh ủ ngàn sương.

  • Ổi xá lị thơm ngon An Hữu
  • Xoài cát Mỹ Thuận
  • Cam mật Cái Bè
  • Ngoài ra còn có rất nhiều là dừa, chuối, long nhãn. Nó cung cấp thổ sản và hải sản như nghêu, sò, hào, cá, tôm Gò Công.
  • Những trung tâm du lịch trang nhã xây lên rất nhiều.

Ca dao Mỹ Tho

Nói tới ca dao Mỹ Tho thì không ai quên được câu nhắc nhở của người con gái miệt vườn, sợ chàng sinh viên lên Sài Gòn bị các cô gái tân thời quyến rủ mất luôn. Nàng luôn luôn khuyên anh bồ trở về quê tu tâm dưỡng tánh cho nhu mì, không có lăng nhăng bồ bịch. Anh cứ lo học hành cho đến khi thành tài, dầu chờ đợi chín tháng hay mười năm em cũng chờ:

Ðèn Sài gòn ngọn xanh ngọn đỏ

Ðèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu.

Anh về học lấy chữ nhu

Chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ.

Còn không thì phải bị ‘trói’ lại tỉnh nhà, như theo câu này:

Anh ơi thôi ở lại nhà,

Thôi đừng vui thú nguyệt hoa chơi bời,

Còn tiền kẻ rước người mời,

Hết tiền chẳng thấy một người nào ưa.

Vì ở nhà dễ cho nàng săn sóc từ việc ăn uống, nghỉ ngơi mà cũng không quên kiểm soát việc học hành, cho mau đỗ đạt để nàng nương thân:

Khuyên chàng đọc sách ngâm thơ,

Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu.

Còn nữa,gớm lắm chớ không dễ dàng đâu bạn:

Anh mau thức dậy học bài,

Mong cho anh sớm thành tài.

Trước làm đẹp mặt nở mày mẹ cha,

Sau là không phụ lòng ta bao ngày?

Còn đây là anh chàng khờ, vòng vo Tam quốc mới dám thố lộ tâm tình. Tuy anh ta rất là lễ độ, chào kẻ trên người trước, nhưng nếu có chàng thanh niên ngoại quốc như Tây, Úc, Mỹ thì anh ta nhào tèo, bởi họ nhào vô cái rụp là tấn công ngay cô nàng: darling, my love, mon amour, cộng thêm nhánh bông hường, thì làm sao thắng nổi?

Cúc mộc dưới sông kêu bằng cúc thủy,

Chợ Sài Gòn xa chợ Mỹ cũng xa.

Anh viết thơ thăm hết nội nhà,

Trước là thăm phụ mẫu sau đà thăm em.

 Còn chàng thương hồ nghệ sĩ tài hoa đa tình, chỉ mong gặp lại người trong mộng ngày nào:

Sông Vàm Cỏ nước trong thấy đáy,

Dòng Cửu Long xuôi chảy dịu dàng.

Ai về Mỹ Thuận Tiền Giang,

Có thương nhớ gã đánh đàn năm xưa?

Bước xuống Bắc Mỹ Tho thấy sóng nhô nước chảy,

Bước lên bờ Rạch Miễu thấy nước chảy cây xanh.

Anh biết chắc là đất Châu Thành,

Sao tìm hoài không thấy trong đám bộ hành có em.’ 

Ngày xưa, con gái mà sớm bắt bồ bịch mà không có sự đồng ý của cha mẹ, thì bị đòn là cái chắc, chớ oan uổng gì:

Vì chàng em mới bị đòn oan,

Không tin giở áo ra xem dấu lằn.

Phượng hoàng đậu nhánh vông nem,

Phải dè năm ngoái cưới em cho rồi.

Ngã tư Chợ Gạo nước hồi.

Tui chồng mình vợ còn chờ đợi ai.

Còn chàng ta cũng không ít thì nhiều:

Cha mẹ anh có đánh quần, đánh quại

Bắt anh ra treo tại cành dương

Biểu anh từ anh từ đặng

Chớ biểu anh từ người thương, anh không từ!

 Còn đây mới là bạo gan bạo phổi:

Nước Láng Linh chảy ra Vàm cú,

Thấy em chèo cập vú muốn hun.

Giữa trưa đói bụng thèm cơm,

Thấy đùi em vợ như tôm kho tàu.

Tâm tình

Mỹ Tho là xứ vườn tược, cây ăn trái, đâu đâu cũng có vườn. Anh chàng này mới thả lời ong bướm:

Ðồng Nai, Châu Ðốc, Ðịnh Tường,

Lòng anh sở mộ gái vườn mà thôi.

Chuồn chuồn bay thấp,

Mưa ngập ruộng vườn.

Nghe lời em nói lại càng thương,

Thương em anh muốn lập vườn, cưới em.

Cô ta cũng không vừa, gái Mỹ Tho xinh đẹp dịu hiền lại vừa dữ dội chớ phải chơi nha:

Khi nào anh thấy nhớ ai

Xin về chơi Mỹ đường dài dễ đi

Vườn xoài, vương ổi xum xê

Mặc tình anh…hái, anh…dòi em cho!

Sài Gòn xa chợ Mỹ không xa

Anh đi phải ghé qua nhà

Nghèo em, em chịu, làm gà đãi anh!

Trời mưa vần vũ tình cũ xa xôi,

Biết ai nương tựa lần hồi tấm thân.’ 

Bấy lâu anh đợi anh trông,

Thấy ai anh thấy mà không thấy nàng.

Ngọc còn ẩn đá chờ vàng,

Em còn ẩn cội huệ tàn đợi anh.

Con nhà nề nếp

Ðắng khổ qua, chua là chanh giấy,

Ngọt thế mấy cũng tiếng cam sành.

Thương em đừng dỗ đừng dành,

Cậy mai dong tới, cha mẹ đành em ưng.

Ngó lên trời mây bay vần vũ,

Ngó xuống âm phủ đủ mặt bá quan.

Ngó lên Nam Vang thấy cây trăm thước,

Nhìn sông trước sóng bủa lao xao.

Anh thương em ruột thắt gan bào,

Biết em có thương lại chút nào hay không?

Ngó lên trời, trời trong lại trắng,

Ngó xuống nước, nước trắng lại trong.

Gái như em chắc dạ bền lòng,

Lỡ duyên thì em chịu, đóng cửa loan phòng đợi anh.

Em là con cá hóa long,

Chín từng mây phủ da trời

Anh là quân tử lỡ thời

Nằm trong da trời úp cá hóa long

Anh tỉ phận anh

Thà ở lều tranh

Như thầy Tăng, thầy Lộ

Chớ không ham mộ

Của Vương Khải, Thạch Sùng

Ðạo người anh giữ vẹn, bần cùng sá bao.

 Chẻ tre bên sáo cho dày,

Ngăng ngang sông Mỹ có ngày gặp nhau.

Ai đua sông trước thì đua,

Sông sau có miễu thờ vua thì đừng.

(Tại sao kỳ vậy, là vì sông Trước là Sông Tiền, còn Sông sau là Sông Hậu, ở đây có miễu thờ vua Gia Long ở Cà Mau, trong thời gian chúa Nguyễn và Nguyễn Huệ phân tranh).

 Trách lòng con nhện lăng loàn,

Chỉ bao nhiêu sợi, mỗi đàng mỗi giăng.

Nữ nhi thường tình, ghen tương là chuyện thường phải biết mà né tránh:

 ‘Anh về em nắm vạt áo em la làng,

Phải để chữ thương chữ nhớ giữa đàng cho em.

Vùng Chợ Lớn tuy nói Tàu nhiều nhưng cũng có người mình ở chung, nên bọn thanh niên nam nữ thế nào cũng qua lại, thương yêu lập bề gia thất, mặc dầu cha mẹ họ cố tình phục quốc: phản Thanh phục Minh, như chúng ta lập phục quốc nơi đây 40 năm trước. Những cuộc tình đó sanh ra những đứa con lai giống gọi là Minh Hương. Có vùng cũng gọi là Minh Hương.

Bốn mùa bông cúc nở sai,

Ðể coi trời khiến duyên này về ai.

Bông lài trộn lộn bông ngâu,

Tiếc hường nhan bậu làm dâu bên Tàu.

       (Tửng có xu có lúi giàu em ưng?

      Tửng là đứa con trai, lúi là tiền)

 Chàng thanh niên tức khí than:

Anh đứng làm trai, nam nhi chi khí

Em đứng làm gái, em chẳng biết suy,

Lấy Tây lấy chệt làm gì?

So bề nhơn ngãi sao bì An-Nam.

Kháng chiến

Ðịnh Tường hay Mỹ Tho, hay Tiền Giang là ổ kháng chiến chống Tây, nhứt là vùng Cai Lậy, vì nó gần Ðồng Tháp Mười. Tây dẹp hoài không xong, phải cho hùm Xám Nguyễn Văn Tâm về quận Cai Lậy để dẹp nghĩa quân. Tại vì những người cầm quân ở đây hay lắm như: Trần Công Thuận, Nguyễn Thành Long, Ngô Tấn Ðược và Trương Văn Rộng, họ dùng phương châm:

 ‘Tịnh di dân, động di binh’

Hơn nữa các ông cũng nhập vào nhóm Thiên Hộ Dương, Đốc binh Kiều ở Ðồng Tháp. Có gì họ chạy vô bưng là xong.

Còn nữa các bạn ơi, gái Mỹ Tho thấy dịu hiền chớ coi thường vì:

Gái Mỹ Tho mày tầm mắt phụng

Giặc tới nhà chẳng vụng quơ dao!

Cái Bè nổi tiếng chợ nổi, nhà thờ, với nơi khảo cổ thời Óc Eo, cũng là Vĩnh Thanh, Tỉnh Vĩnh Long xưa.

Trại Ðồng Tâm nơi có sở thú về rắn, để nghiên cứu, lấy nọc độc chế thuốc chủng ngừa.

 Gò Công

Gò Công rất nổi tiếng là xứ có nhiều phụ nữ xinh đẹp, trắng trẻo, được mệnh danh là nhạn trắng Gò Công. Rất nhiều phụ nữ trở thành mệnh phụ phu nhân, phi tần, hoàng hậu của nước ta.

Phải chăng Gò Công là đất tốt, vượng phu (?). Vì nơi đây có rất nhiều bà cung phi xuất thân như:

  • Vua Minh Mạng có bà Cung Phi Hồ Thị Hoa, Gò Công và ba bà khác ở Gia Ðinh: Thục Tấn Nguyễn Thị Báo, Hòa Tấn Nguyễn Thị Khuê và Cung Tấn Nguyễn Thị Xen.
  • Vua Tự Ðức có Học phi Hồ Thị Hoàng, người Vĩnh Long.
  • Thiệu Trị có bà Quý phi PhạmThị Hoàng, cũng từ Gò Công. Bà là người phụ nữ nhân từ phúc hậu, được mệnh danh là Từ Dụ, còn bà Lệnh phi Nguyễn Thị Nhâm, là người An Giang
  • Bảo Ðại: cưới bà Nguyễn Thị Lan làm hoàng hậu, vì bà vừa đẹp lại duyên dáng cao xa, du học bên Pháp về nước cùng chung chuyến tàu với Hoàng Tử Vĩnh Thụy nên được mệnh danh là Nam Phương Hoàng Hậu, hương thơm từ phương Nam.

Gái Gò Công không chỉ đẹp mặt đẹp mày mà bàn tay cũng đẹp, vì thế hầu hết các vương tôn đều hướng về Miền Nam:

Tay bậu vừa trắng vừa tròn,

Qua về nằm ngủ mỏi mòn đợi trông.

Bậu về ở xứ Gò Công,

Qua về Thành Nội nhớ trông tháng ngày.

Anh đau (tương tư) nằm trên bộ vạc,

Hồn anh thất lạc, thác xuống Diêm đình.

Diêm Vương ổng hỏi sự tình,

Tui lụy vì tình, nên mới thác oan.

Ngày nay nó không có còn là Mỹ Tho, mà là tỉnh Tiền Giang với các cù lao và quận.  Gò Công cũng là vùng đất của anh hùng liệt sĩ chống Pháp. Họ qui tụ tại khu lá tối trời.

Gò Công anh dũng tuyệt vời,

Ông Trương đám lá tối trời đánh Tây.

Phất cờ chống nạn xăm lăng

Trương Công nghĩa khí lẩy lừng trời Nam

Ðèn nào cao bằng đèn Châu Ðốc

Gió nào độc bằng gió Gò Công.

Gió nào độc bằng gió Gò Công,

Sông nào nông bằng sông Châu Ðốc.

Gió Gò Công độc địa là vì thuở xưa có vùng Rừng Sát, âm u, sình lầy nước động, ô nhiễm, muỗi mòng, độc hại gây bịnh sốt rét, nóng lạnh, bụng báng rồi chết. Người ta cho rừng thiêng, âm u ẩm thấp, nước đọng, âm dương chướng khí. Thật ra là vì nước ở đây, có nhiều muỗi gây bịnh sốt rét, Tây gọi là maladie de l’air, hay mal de l’air, nhập lại thành malaria.

Gió nồm là gió nồm Nam

Trách người quân tử ăn tham không mời.

Từ tháng Ba đến tháng Chín Âm lịch, lúc gió nồm thổi từ hướng Ðông Nam, là mùa nghêu ở Gò Công. Ý nói là bắt được nghêu ăn một mình, không rủ bạn bè chia vui.

Gò Công giáp biển mắm tôm chà

Mắm tôm chua ai ai cũng chắt lưỡi hít hà

Sài Gòn chợ Mỹ ai mà không hay.

Trường trung học Mỹ Tho

Trường trung học Mỹ Tho: Ðây là trường lâu đời nhứt Miền Nam, trước cả Petrus Trương Vĩnh Ký, nó được thành lập từ ngày 17.3. 1879 với tên College de My Tho, đổi lại College Le Myre De Vilers năm1942, và cuối cùng là Nguyễn Ðình Chiểu từ năm 1953 cho tới nay. Nơi đây từng đào tạo nhiều anh tài cho đất nước. Còn trường nữ Lê Ngọc Hân khánh thành ngày 26.8.1957.

Trường trung học Lê Ngọc Hân

Nhân tài:

  • Võ Tánh là nhân tài Gò Công, theo Gia Long bị Tây Sơn giết.
  • Lễ bộ Thượng Thư Pham Ðăng Hưng, Ngô Tùng Châu
  • Hoàng Thái Hậu Từ Dụ
  • Sĩ phu Nguyễn Hữu Huân (1830-1975) kháng chiến chống Pháp.
  • Anh hùng dân tộc Trương Công Ðịnh, kháng Pháp.
  • Sĩ phu Nguyễn Hữu Hào.
  • Nam Phương Hoàng Hậu,
  • Hồ Bửu Chánh, nhà văn Miền Nam
  • Trần Văn Khê, Trần văn Trạch
  • Trần Hữu Thế, GS ĐHKH, Tổng Trưởng GD
  • Đổ Bá Khê, GS, Tổng Trưởng Văn Hóa GD
  • Nguyễn Thanh Liêm,TS GS, Tổng Trưởng GD
  • Nữ nghệ sĩ Cô Bảy Nam, Phùng Há và cuộc đời xa hoa ngông cuồng của Bạch công tử, George Lê Công Phước đến chết không mảnh đất chôn thân.
  • Việt Khang, nhạc sĩ can đảm dám chống cộng (1973-) với bàica Việt Nam tôi đâu và Anh là ai? lưu danh hậu thế.

Sách đọc

  1. Hồng Khanh: Ca dao Tục ngữ Việt Nam Ba Miền.
  2. Hồng Khanh-Kỳ Anh: Tục ngữ ca dao Việt Nam.
  3. Hồng Vũ Lan Nhi 1&2 Phong Thùy HKH: Văn Học dân gian Ðồng bằng sông Cữu Long, Khoa ngữ văn đại hoc Cần Thơ, NXB Giáo Dục1997.
  4. Kiều Văn; Ca dao dân ca Việt Nam.
  5. Lê Diệu Hà: Nét riêng của yếu tố địa phương trong ca dao.
  6. Lê Công Lý: Mỹ Tho qua ca dao.
  7. Mã Giang Lân: Tục ngữ ca dao Việt Nam.
  8. Phan Tấn Tài: Ca dao Miền Nam.
  9. Thọ Ân: 300 năm hội nhập của người Hoa tại Miền Nam VN.
  10. Trần Phông Diêu: Tánh cách người Nam Bộ qua ca dao.
  11. Vikipedia: Mỹ Tho