Tuổi 19 Sau Khi Đỗ Tú Kép (*)
HẢI GẦY (P.K)
Sau khi lãnh xong chứng chỉ Tú Tài 2 tôi phải “đối phó” với những vấn đề mới. Hoặc là đỗ vào các ngành hoặc là vào lính. Như mọi năm, trường tôi có mở lớp ôn tập lớp 12 miễn phí. Tôi ghi tên vào lớp nầy để bổ túc thêm bài vở ngoài chương trình lớp 12 để thi vào trường Cao Đẳng Kỹ Thuật. Mấy ngày đầu của chương trình nầy cảnh chen lấn xảy ra thật khủng khiếp. Số tân sinh viên của lớp nầy quá đông so với thư viện của trường được dùng làm phòng học.
Dịp nầy bạn bè gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Miệng cười hể hả. Tôi thấy Vinh, thằng bạn có hổn danh Vinh đen:
– Ê, Vinh mầy 5 mấy?
– 53.
– Mầy tính sao?
– Đi lính.
Nó cười mà miệng méo xệch, tiếp:
– Tao định đi khóa 29 sĩ quan Đà Lạt.
– Sao mầy không đi Thủ Đức?
– Tao thấy đi Đà Lạt có tương lai. Làm ông nầy ông nọ cho em út nó nhờ. Vả lại học ở đó 4 năm, với cảnh trí thơ mộng ở đó, cũng khoái.
– Thế thì mầy đi học lớp nầy làm quái gì?
– Tao muốn gặp bạn bè cho vui.
Một chiếc lá vàng rơi lao đao trước mặt tôi làm tôi không khỏi xao xuyến. Liệu mầy có như chiếc lá nầy không. Mầy ráng đạt mộng ước nhé.
Ngon trớn, tôi đi một màn phỏng vấn tiếp theo. Tôi khều Minh, bạn tôi đứng gần đó:
– Còn mầy đi lính gì?
– Bậy bạ mầy, tao mới 18 tuổi mà lính với tráng gì?
Nói xong, nó nhe răng cười:
– Mầy tưởng ai cũng 19 như mầy à? Cơ khổ. Thấy mình hố to, tôi bèn vớt vát:
– Mầy ghi tên học SPCN hả?
– Ừa!
Liền lúc đó, nó rủ tôi lên nha du học. Tôi chiều nó. Quang cảnh nha du học năm nay trông khác với năm ngoái. Có vẻ lạnh lẽo, chưa có tin tức về du học tự túc. Chỉ có một số học bổng ngoại viện dành cho tuổi 18 hay cô nhi tử sĩ. Buồn tình, tôi đi một vòng ngắm các tấm bảng nho nhỏ đặt trên khung cửa sổ. Nơi nầy nhận hồ sơ xin cấp học bổng 1/4 phần cho con quân nhân công chức đi tự túc các năm trước ở Pháp, Ý, Đức. Chổ kia dành cho ở Nhật, v.v. Có nơi dành cho ở Marốc, Tunisie, Indonesia.
Khi ấy, Minh vổ vai tôi:
– Tụi sinh viên du học Marốc học ngành gì mậy?
Tưởng nó hỏi đi các xứ ở Âu châu hay Mỹ châu mình dễ trả lời, đằng nầy. Tôi đáp bừa:
– Tụi nầy học làm đô hộp. Chẳng hạn như thịt đóng hộp, cá đóng hộp.
Đáp xong tôi thấy mình cũng có lý. Cá mồi Sumaco của Marốc ngon nhất thế giới mà.
Thỉnh thoảng có người đi xe gắn máy vào dòm lom lom mấy mảnh giấy vàng bệt gắn trong khung cửa lưới rồi bỏ đi.
Thấy ở đây không khá tôi ngoắc nó về.
Theo học lớp nầy được vài tuần lể tôi biết được nhiều bài học mới và nhiều chuyện lạ. Chúng tôi được dạy phần Toán số để thi vào ban công chánh Phú Thọ, ngoài ra có những phần như phép chia dư số, tính VSCLN, BSCBN. Phần Điện thêm định luật Kirchhoff về gút về mắt lưới. Định luật nầy dùng giải toán Điện nhanh lắm theo lời giáo sư.
Còn tôi chưa quen dùng thấy giải kiểu cũ xem ra an toàn hơn.
Nhưng trước lạ sau quen. Sau nầy tôi thấy ông thầy nói quả đúng.
Trong lớp nầy tôi biết hai anh vừa đậu xong làm đơn xin du học gửi đăng báo lung tung với lý do tuổi 18 ưu hạng, chiến tranh đang hồi tàn lụi, kinh tế hậu chiến cần chuyên viên kỹ thuật v.v.
Hai anh vội vàng quá. Nếu cho du học 2 anh coi như ưu tiên rồi.
Tôi cũng đỗ có hạng nhưng tuổi 19. Thôi 2 anh ráng nhé chúng tôi ở lại quê nhà để phục vụ các anh.
Đến tuần lể thứ 3 lớp bắt đầu vắng bớt, kể cũng lạ. Những cánh quạt xành xạch cho chúng tôi làn gió mát. Tôi thấy thoải mái.
oOo
Trường Đồng Tiến hôm nay nhộn nhịp làm sao. Những khuôn mặt già dặn tỉnh táo đứng đợi ở cửa trường. Từng người lọt qua cánh cửa nhỏ ngang hông tiến vào sân trường sau khi cho các anh Quân cảnh xem giấy. Tôi theo các bạn thi vào Đại học CTCT để tìm cái thú vị những buổi thi hôm nào.
Trường Đồng Tiến chiếm 1 khu đất khá rộng. Từ trên lầu cao trông xuống bải cỏ xanh rì quả mát mắt. Hai hàng cây bàn trẻ đem bóng mát từ cửa trường đến tận lớp học.
Bây giờ tôi thấy thật bình thản. Nhớ lại ngày thi Tú đơn năm ngoái tôi hơi xúc động. Hồi ấy tôi vừa lo vẩn vơ vừa thích thú.
Chuông reo, tôi nhận được đề thi. Sáng nay thi luận phổ thông hệ số 4 thời gian 3 giờ. Đề như sau: “Cuộc chiến tranh xâm lăng nào cũng tàn khốc, phi lý và mang một chiêu bài đẹp đẽ. Hãy cho biết hậu quả đối với kẻ xâm lăng và kẻ bị xâm lăng trên bình diện quốc gia và quốc tế”.
Tôi mỉm cười. Đề hợp thời trang quá. Nhờ theo dỏi tin tức chiến sự và nhất là đọc kỹ mục ý kiến ở báo Chính Luận nên bài luận của tôi trơn tru lắm. Hay hay không chưa biết. Nhưng trong phần dẫn chứng đem thằng Cộng Sản ra là ăn chắc.
Bố mầy Cộng Sản, tương lai tao mờ mịt vì mầy đó.
Quanh tôi trừ một số ít dân sự còn bao nhiêu là ở Thủ Đức ra cả.
Bên cạnh tôi, một anh tóc đẩy cao, đầu có vài vết sẹo. Tôi hỏi nhỏ:
– Anh ở Thủ Đức ra?
– Vâng.
– Hồi nào?
– Mới sáng nầy, đến đây thì thi ngay.
– Anh khóa mấy?
– Khóa 5 mới vô có mấy ngày.
Qua vài mẩu chuyện vụn vặt, tôi biết anh là sinh viên Vạn Hạnh năm thứ 2. Vì lý do riêng anh rất thiết tha đi CTCT. Có lẻ anh muốn trổ tài hùng biện. Chúc anh thành công.
Buổi chiều có một bài dịch từ Việt ra Anh hoặc Pháp tùy thí sinh chọn. Bài tựa “Tổ quốc tôi”. Bài văn xem ra át ướt dữ. Có câu như: “Tổ quốc tôi là một Quốc gia bé nhỏ nằm khiêm nhường dưới trời Đông Nam Á mơ màng bên bờ Thái bình dương … tôi yêu nước tôi với một mối tình bao la đầm thắm…
Dịp nầy, bửu bối được tung ra. Cuốn tự điển khổ nhỏ loại bỏ túi được trọng dụng. Một anh vẻ mặt hiền lành, nhìn về xa xăm như muốn nhớ lại vốn liếng ngữ vựng của mình. Thỉnh thoảng anh liếc nhìn các sĩ quan giám thị và khẻ vuốt vài cọng ria hàm. Cuốn tự điển được mở banh ra rời sau đó nằm yên dưới cái nón kết để trên bàn. Hết giờ trang giấy đầy ấp chữ.
Được biết ngành CTCT được xem quan trọng từ năm 1968. Hằng năm có tổ chức thi tuyển để đào tạo sĩ quan CTCT. Đến nay có 4 khóa thi. Số thí sinh năm nay là 4000 chen nhau giành 200 chổ ngồi. Số thí sinh càng đông chứng tỏ ngành nầy có uy tín nhiều và hữu hiệu.
Ngày thi tuyển vào các đại học gần kề. Bọn bạn tôi đứa nào cũng học phờ người ra. Có tên ngay sau khi thi xong (Tú kép) lôi cuốn vạn vật 12A dầy 4 phân tụng. Nó bảo: mặc dù đi ban B nó phải học Vạn vật để thi nhiều ngành. Tôi chửi nó:
– Bộ mầy muốn chiếm chổ hết không chừa tao cái nào à.
Nó chỉ cười hô hố.
Có tên vác bút xuống Cần Thơ nộp đơn thi vào ngành Huấn Luyện giáo sư Đệ I cấp. Nó định bụng xuống xứ đi xe lôi dễ ăn hơn.
Nói chung với lớp tuổi 19 tên nào cũng nhất quyết phải đỗ vào các ngành có thi tuyển để có thể tiếp tục học. Học đã khó mà muốn được học lại càng khó hơn. Nhiều tên sợ rớt nên chọn nghiệp lính trước.
Đứa chọn Đà Lạt, đứa chọn CTCT, đứa đi Cảnh Sát, đứa “khoái” Pilot, (không khoái cũng không được). Còn tôi nếu “rủi” mà đậu vào ngành thì thôi, còn không thì đi Thủ Đức, hy vọng giải ngủ về tiếp tục học lại. (Học đến khi nào vợ không cho thì thôi).
Nắng chiều le lói. Tiếng xe cộ ồn ào. Tôi thót lên gác. Khi ấy bọn bạn đến rủ nhậu “Nhậu để lấy lợi sức”, tụi nó bảo. Tôi gạt sách vở qua một bên, khoác vội chiếc áo.
Tôi phóng lên chiếc PC rồ ga vừa lẩm bẩm:
– Tưởng gì còn suy nghĩ lại, chứ nhậu thì … ờ ờ phải đi ngay kẻo mất phần.
HẢI GẦY (P.K)
(*) Bài nầy được đăng mục Phóng Sự trên báo Chính Luận – Ngày Thứ Ba 5-9-1972
Cảm ơn anh Võ Phi Hùng – cựu học sinh Petrus Ký (67-74) chụp lại từ microfilm của Thư Viện Đại Học Cornell, New York.