Trường xưa yêu dấu
Hoàng Đức Thịnh 6/1 – C2 (PK 1974-81)
(Nguồn: Kỷ Yếu PKLHP 1974-81 Kỷ Niệm 40 Năm 1981-2021)
Hai tiếng thân thương Trường Xưa gợi lại bao kỷ niệm xanh ngời yêu dấu của thời niên thiếu, tuổi học trò tươi đẹp nhất của mỗi người chúng ta trong giai đoạn từ tiểu học lên trung học.
Ai đã từng là học sinh dưới mái trường Petrus Ký hẳn đều có nhiều kỷ niệm đẹp, vui buồn khó quên của thời học trò ôm nhiều mơ ước cho tương lai, cộng thêm niềm hãnh diện được mang trên ngực áo trắng học sinh của mình hiệu đoàn “P. Trương Vĩnh Ký Sài Gòn” .
Ngôi trường Trương Vĩnh Ký toàn nam sinh này nổi tiếng nhất nhì, ngang ngửa với trường nữ sinh Gia Long tại Sài Gòn hoa lệ, thành phố trù phú của miền Nam Việt Nam, từng được gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông. Ngược dòng ký ức thời gian mờ bụi của hơn 46 năm, hôm nay, May 30 2021, tôi viết về những gì còn nhớ được trong tâm tưởng của một người đã sống quá nửa đời người, về ngôi trường yêu dấu luôn ngời sáng trong tâm tư với nhiều thương nhớ về một thời niên thiếu, với các thầy cô kính yêu và bạn học thân mến của thời gian được học dưới mái trường Petrus Ký mà tôi luôn luôn nhớ câu châm ngôn treo trong lớp học Đệ Thất tôi được nhìn thấy “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn”. Tuy hoàn cảnh gia đình, và do đam mê âm nhạc nghệ thuật, cá nhân tôi không được công thành danh toại nhưng cũng thành một người hữu dụng cho xã hội.
Nhớ lúc ấy, vào năm 1972, tôi còn đang học lớp 5 bậc tiểu học tại trường Trương Minh Giảng, gần hẻm chùa Miên, và chuẩn bị thi Đệ Thất lên Trung Học. Vì là con trai, nên gia đình góp ý tôi phải thi vào trường Petrus Ký mới là ngầu! Lúc đầu tôi cũng e ngại sợ mình không đậu nổi vì nghe nói trường này tuyển sinh rất khó, đòi hỏi điểm phải cao. Nhưng ba mẹ và chị Hai của tôi (là người giúp đỡ ba mẹ quán xuyến hầu hết mọi việc trong gia đình) nhất định muốn thằng con trai út thi vào trường này nên đã cho đi học khóa luyện thi Đệ Thất để chuẩn bị.
Sau mấy tháng học luyện thi trong nhiều cố gắng, rồi ngày thi vào Đệ Thất cũng đến. Sáng hôm đó tôi dậy thật sớm để chuẩn bị đi thi. Áo trắng, quần xanh, chân đi giày xăng-đan, tôi leo lên ngồi sau chiếc xe honda anh Hai – chồng chị Hai của tôi là một người lính tùy viên oai phong chở, với một cặp sách mỏng trong đựng đủ các vật dụng cần thiết: bút nguyên tử, bút chì, cục gôm … cho buổi thi Đệ Thất hôm nay, đặc biệt còn có một “bùa hộ mệnh” tôi đã cẩn thận gói kỹ trong tờ giấy trắng dành cho học trò, có những hàng kẻ màu xanh lợt, mà gia đình tôi không ai biết hôm qua tôi đã bí mật “đi thỉnh” mang về giấu kỹ để hôm nay thi đem ra xài.
Bầu trời hôm ấy sao thật xanh trong, nắng vàng rực rỡ với nhiều mây trắng lững lờ. Gió buổi sáng sớm thật mát lành, thổi bay đầu tóc húi cua của tôi với những sợi tóc lòa xòa trước trán khi xe anh Hai chở thằng em út chạy từ nhà trên đường Trương Minh Giảng, qua Kỳ Đồng, ngã Sáu Dân Chủ, vô đường Lý Thái Tổ, ngang bùng binh (vòng xoay) Ngã Sáu tiếp giáp với đường Cộng Hòa, giờ là đường Nguyễn Văn Cừ, cắt ngang đường Hồng Thập Tự (Xô Viết Nghệ Tĩnh), rẽ trái vào đường Cộng Hòa rồi dừng trước cổng trường đã đông gần kín các phụ huynh và con em tới trước chúng tôi, đang tuần tự đi vào cổng phụ bên hông ngôi trường Trương Vĩnh Ký đồ sộ, tường quét vôi vàng, mái ngói đỏ nổi bật dưới những tàng cây điệp xanh lá. Tôi xuống xe và tự trấn tĩnh mình trước nỗi lo âu căng thẳng cho ngày thi hôm nay, anh Hai chúc tôi may mắn, rồi vọt xe đi làm.
Nhờ đọc một quyển sách tự truyện mà tôi được tác giả Lâm vĩnh Thế vừa tặng, ông cũng là một cựu học sinh Petrus Ký bậc tiền bối của chúng ta, cậu của một người bạn thân tôi quen, có tựa là “Trường Petrus Ký Trong Tâm Tưởng” với nhiều chi tiết rất đặc biệt không có trường nào có, về trường Petrus Ký từ năm ông thi đậu vào Đệ Thất năm 1953, mà có lẽ nhiều học sinh thế hệ chúng ta chưa biết hết, các bạn nên tìm mua quyển sách này của ông mới vừa xuất bản tháng Tư, 2021.
Nhờ vậy tôi mới nhớ lại trường mình có một điểm rất đặc biệt mà không có trường nào có, đó là có bãi đậu xe rộng lớn, khang trang dành cho học sinh và nhất là có nhiều các thầy giám thị cho từng lớp, theo sát giúp đỡ học sinh trong mọi việc cần thiết, trong nhiệm vụ nâng đỡ từng học sinh trong việc học hành, và bảo vệ an ninh cho trường, lớp. Bởi thế tôi mới nhớ sáng hôm đi thi, tôi rất ngỡ ngàng khi vừa đi qua khu đậu xe thật rộng với bao nhiêu là xe đạp xếp hàng thẳng lối, rồi bỡ ngỡ đi vào trong khuôn viên khang trang rộng lớn của trường với những hành lang đầy các lớp học tiếp nối nhau, mà không biết lớp nào tôi sẽ vào để làm bài thi. Cũng may, chắc thấy vẻ ngơ ngác của tôi, một thầy giám thị đã tiến tới hỏi tên tôi và kiểm tra danh sách thí sinh & phòng thi, rồi thầy đã chỉ tôi tới ngay lớp tôi cần vào ở trên lầu, vừa qua cổng từ bãi đậu xe, quẹo tay mặt, đi lên lầu, hình như phòng thi này nằm ở khoảng giữa hành lang trên lầu.
Học sinh đi thi, sau khi ngồi vào chỗ, nghe thầy giám thị căn dặn nội quy trong phòng thi xong, thì ai cũng được phát cho đề thi. Các bạn học sinh khác hối hả mở đề thi rồi cắm đầu làm ngay, còn tôi nhớ lời thầy dạy lớp luyện thi căn dặn, chậm rãi đọc kỹ bài thi. Vì khá về môn Văn, nên tôi liền làm trước. Còn bài toán đố khó hơn nhiều, làm tôi nhức đầu do suy nghĩ, tôi chợt nhớ và khẽ lấy ra “bùa hộ mệnh” của mình, thầy giám thị thấy tôi có hành động đáng ngờ, liền đi tới bên cạnh dò xét, nhưng chỉ thấy tôi lấy ra từ cặp táp mỏng một gói giấy học trò xếp ngay ngắn, cẩn thận mở ra để lộ một bông hoa hoàng lan vàng rực đã héo, hãy còn mùi thơm thoang thoảng… thầy mỉm cười nhìn tôi và bước trở lại bàn của thầy. Tôi cũng mỉm cười nhìn thầy tỏ vẻ cảm ơn. Rồi lấy ra bông hoàng lan kia đưa lên mũi ngửi… mùi hương thơm nhẹ nhưng đằm thắm của loại hoa vương giả này len vào mũi tôi, tôi hít mạnh vài hơi để hương thơm này vào tận buồng phổi, khiến tâm tư tôi thật khoan khoái, cảm thấy bớt căng thẳng rất nhiều, và đầu óc tôi như sáng ra. Lấy lại tinh thần, tôi suy nghĩ cẩn thận về bài toán đố hóc búa, viết ra giấy nháp cách giải, rồi cẩn thận kiểm lại vài lần, chép vào bài thi, xong xuôi tôi im lặng ngồi nhìn ra cửa sổ lớp ngắm sân trường, những cây phượng vĩ tàn lá mát xanh rung rung trong nắng vàng buổi sáng, như đang rầm rì kể chuyện gì đó cho những lớp học chứa đầy các học sinh đang cặm cụi làm bài thi, như đang âm thầm lắng nghe…
Ngồi chờ cho nhiều bạn nộp bài thi trước, rồi tôi mới từ từ bước lên bàn thầy giám thị nộp bài của mình. Thầy giám thị đang nghiêm nghị nhìn xuống cả lớp, bỗng nở một nụ cười tươi nhận bài thi của tôi, khiến tôi cảm thấy thầy thật dễ mến, tôi cũng cười, cúi đầu chào thầy nói cảm ơn, rồi bước ra khỏi phòng thi. Sau đó nôn nóng mong cho tới ngày có kết quả cuộc thi, chị Hai chở tôi trở lại trường để dò tên thí sinh thi đậu, và thật quá mừng rỡ, tôi và chị tìm thấy tên tôi trong danh sách thí sinh đậu hạng 26 vào lớp Đệ Thất của trường Petrus Ký! Chị tôi xem ra còn mừng rỡ hơn tôi nhiều, chi cười thật tươi nhìn tôi la lên “Trời ơi em trai chị giỏi quá! Mau mau đi về nhà báo tin vui này cho ba má biết!”. Cả gia đình tôi ai cũng đều mừng rỡ, tôi được ba má thưởng cho một chiếc cặp táp bằng da, màu nâu sậm thật xịn, có nhiều ngăn và khóa đồng sáng loáng mà tôi rất thích, và hai bộ quần áo học sinh, hai đôi giày da mềm đen mang rất thoải mái, mới toanh để đi học. Tôi sung sướng lắm, và tự hứa sẽ học thật giỏi cho ba má, anh chị Hai, và các anh chị khác vui lòng. Trong xóm lao động nghèo của tôi cũng ồn ào với tin tôi thi đậu vô trường Petrus Ký, khiến vài đứa bạn trong xóm nhìn tôi với ánh mắt ngưỡng mộ. Tụi nó bỗng thân với tôi hơn, và bớt ăn hiếp tôi trong những trò chơi thuở đó như bắn bi, tạt lon, kéo co, nhảy cừu, mổ tường v..v…
Thời gian đầu đi học, anh Hai hoặc chị Hai tôi chở tôi tới trường, lúc về thì tôi lội bộ tà tà về nhà. Ngày nhập học lớp Đệ Thất năm 1974 là ngày đáng ghi nhớ nhất của đời tôi. Trí nhớ tôi không giỏi như nhiều bạn trong lớp nên môn Toán tôi thường bị điểm xấu. Còn môn Văn thì khá hơn nhiều. Sau ngày nhập học khoảng vài tháng tôi mới biết lớp mình đa số đậu hạng cao trong đợt thi vừa rồi, hèn chi các bạn tôi ai cũng giỏi hết biết! Như anh Lê Minh Tân, Trần Hữu Hiệp (có một trí nhớ siêu việt), Âu Nhựt Luân, Trân Trương, Vũ Hữu Đức, Nguyễn Chí Thượng, Phạm Văn Thông, Phan Bảo Định, Lê Đức Long, Đặng Quý Mão (giỏi Văn nhất lớp) Cao Trọng Ni, Lâm Văn Thọ, và nhiều bạn khác nữa… mà tôi không nhớ hết.
Tánh tôi vốn ít nói, sống nội tâm nhiều và hay ngại ngùng, do thể chất không được khỏe mạnh từ nhỏ, lại ham thích ca hát, thiên về nghệ thuật, văn học, chứ không thích hợp với các môn thể thao mạnh bạo nên tôi cũng ít có bạn hơn những bạn nam khác, và thường hay bị mấy bạn phá phách đặt cho hỗn danh là “chị T.” Ngoài ra, các bạn cũng quý tôi vì tính điềm đạm ít nói, và chắc cũng nhờ có gan lên bục giảng đứng hát văn nghệ giúp vui cho mấy bạn nghe…hehehe… Có lẽ vì vậy mà tôi lại rất thân với Trần Chí Nguyện, một người bạn hiền ngoan, viết chữ rất đẹp và có tâm hồn mẫn cảm như tôi. Tôi còn nhớ thường trước khi nghỉ hè mãn khóa một năm học, Nguyện thường hay làm một quyển sổ Lưu Bút Ngày Xanh bằng vở học trò, và trang trí hoa văn, tô màu rất đẹp rồi đưa cho tôi kêu viết cảm nghĩ của mình vào đó làm kỷ niệm. Nguyện cũng luôn nghe lời tôi, và thích ra chơi đi cùng tôi trò chuyện, hay vô câu lạc bộ của trường để mua thức ăn vặt, nước giải khát. Vì nghỉ học ngang sau năm 1980 để thi vào trường kịch (tôi sẽ kể ở đoạn sau). Và rời Việt Nam vào tháng 6 năm 1983 do tôi đi diện đoàn tụ gia đình do một người anh ruột ở Canada bảo lãnh, nên hoàn toàn bị mất liên lạc với các bạn trong lớp học của mình. Mới cách đây khoảng 2 năm, nhờ tìm lại được các bạn cùng lớp, tôi mới biết tin bạn ấy đã mất, và rất đau lòng! Thầm nguyện xin Ơn Trên cho hương linh bạn ấy được yên nghỉ trong Cõi Vĩnh Hằng đầy hạnh phúc, không còn những đau khổ của trần gian.
Tôi còn thân với bạn Phùng Trí Thành, nhắc tới Thành tôi mới nhớ ra chúng tôi thân nhau cũng thật lạ. Vì Thành là con cán bộ nhà rất giàu, ba nó đưa nó từ miền Bắc vô Nam và nhập học vào lớp tôi hình như năm lớp 7. Lúc đầu, cái giọng miền Bắc của Thành cứ bị tôi theo chọc hoài, Thành rất tức giận và rất ghét tôi, hay chửi tôi bằng câu “tao xem mày như con chó ấy!” tôi cũng nhại lại, làm các bạn cùng lớp bật cười. Ai ngờ chúng tôi sau này lại thân nhau vì nhà nó ở gần cổng xe lửa số 6, phía trên đường Trương Minh Giảng, đi học nó phải đạp xe ngang qua nhà tôi ở hẻm cạnh nhà sách Thanh Đạm, gần chợ Trương Minh Giảng cho nên nó ghé ngang nhà tôi rủ tôi đi chung, và hai đứa thay phiên chở nhau đi học trên chiếc xe đạp xịn của nó. Thỉnh thoảng Thành cũng rủ tôi lại nhà nó chơi, cho ăn mấy món rất ngon như chè đậu xanh đông đá mát lạnh, và khuyên tôi muốn trẻ lâu thì nên ăn nhiều trái cây như mấy dì, mấy cậu nhà bạn ấy. Sau Thành thì lớp tôi lần lượt có thêm các bạn nữ và một số bạn nam từ miền Bắc vào học chung.
Trong các thầy cô thì tôi nhớ nhất là thầy Nguyễn Xuân Hoàng dạy Văn với phong cách lãng tử của thầy, và cô Trần Thị Huyên, người có ảnh hưởng lớn đến tôi như một thần tượng. Từ những năm lên lớp 8/1, 9/1 chúng tôi được cô Trần Thị Huyên, cô giáo dạy môn Sinh Vật – làm cô chủ nhiệm lớp. Tôi nhớ nhất những tiết được học với cô, được nghe lời cô dạy bảo cả lớp chúng tôi phải sống thế nào cho xứng đáng là những người hữu dụng. Tôi cũng thường được cô khuyến khích lên hát cho cả lớp nghe những khi lớp có liên hoan cuối năm. Nhờ cô động viên mà tôi trở nên mạnh dạn hơn, và cố gắng tập hát nhiều hơn để vui lòng cô và các bạn trong lớp thường khen ngợi, cổ võ. Từ lực đẩy của cô và các bạn cùng lớp, tôi trở nên đam mê ca hát nhiều hơn, và đã hân hạnh được tham gia vào ban nhạc Lửa Hồng ca hát giúp vui trong chương trình văn nghệ cho toàn trường vào dịp Lễ Mãn Khóa niên học 1979-1980. Khi học xong lớp 11, vào năm 1980, do tôi chán học và thấy mình học không vô nữa, tôi có trình bày cho ba mẹ và gia đình ý thích của tôi, ba mẹ tôi cũng vì thương thằng con út, nên không ngăn cản. Và để thực hiện mơ ước của mình trong lĩnh vực văn nghệ, tôi xin nghỉ ngang để thi vào ngành kịch nói, trường Nghệ Thuật Sân Khấu 2 tại Sài Gòn, và tôi đã đậu vào Lớp Kịch 1 của thầy đạo diễn Thành Trí, cùng lượt với Công Hậu, Phương Dung, Quốc Tuấn. Mới vào học được hơn 6 tháng, tôi phải xin dời hộ khẩu về lại nhà để xin đi diện đoàn tụ gia đình với người anh ruột là sinh viên du học tại Canada. Anh đã làm hồ sơ bảo lãnh cho ba mẹ tôi và những anh chị em nào còn độc thân. Trong thời gian chờ đợi đi Canada, tôi tham gia vào sinh hoạt ca hát ca đoàn Thánh Giuse nhà thờ Mai Khôi, ban Văn Nghệ Nhà Văn Hóa Quận 3, Ban Nhạc Phường 14 Quận Phú Nhuận… ca hát giúp vui trong các hội chợ Tết hay lễ lớn.
Trong thời gian chờ đợi đi định cư, nhờ rảnh rỗi tôi thường hay tới nhà cô Huyên thăm cô, và học hỏi được nhiều điều rất hay từ sự chỉ bảo của cô về cách sống trong gia đình từ cha mẹ, vợ chồng, con cái thế nào v..v…Ngoài ra, cô còn cho tôi được thưởng thức những món ăn ngon do chính tay cô nấu, và còn dạy tôi cách châm cứu để chữa bệnh nhưng tôi cũng không có điều kiện để thực hành nhiều. Tôi rất nễ phục cách sống và cách tu tại gia của cô. Có lần cô nhịn ăn và nhịn nói một tháng trời ròng rã, bạn bè của cô tới nhà thăm cô đều phải viết ra giấy điều gì cần hỏi, và cô viết lại trả lời. Cũng nhờ cô mà tôi có thể tìm tới nhà anh Lê Minh Tân (lúc này anh Tân đã đi vượt biên) xin phép mẹ anh cho tôi những phim chụp, và hình ảnh của cả lớp tôi trong những dịp chụp hình chung với thầy, cô chủ nhiệm, hoặc chuyến đi chơi chung ở Sở Thú Sài Gòn để mang sang Canada làm kỷ niệm. Lúc tôi mới đi Canada, có liên lạc được với cô ở Mỹ, và cô thường bảo tôi cô sẽ về Việt Nam ở luôn. Sau đó vì tôi thay đổi chỗ ở vài lần, nên mất liên lạc. Năm 1992 tôi lập gia đình, và có gửi vài tấm hình đám cưới cho cô Huyên xem. Sau đó cô có gửi tặng tôi hai tấm tranh cẩn xà cừ rất đẹp là “Tổ Ấm” và cảnh đẹp “Xứ dừa Quê Hương”. Viết đến đây tôi rất nhớ cô, cô Huyên ơi, em xin dâng nén hương lòng tưởng nhớ cô. Nguyện xin hương linh cô an nghỉ hạnh phúc nơi Cõi Vĩnh Hằng trường cửu. Cách đây gần 4 năm, nhờ liên lạc lại với các bạn học cùng lớp, tôi được anh Lê Minh Tân gửi tặng 2 quyển sách do cô viết với bút hiệu Uyên Cơ có tựa là “Vương Bụi Hồng và “Đường Trần Quyện Gót”.
Ngoài Nguyện và Thành, tôi còn thân với Lâm Quốc Dũng. Nguyên nhân là khi cả đám con trai lớp tôi được tới chơi nhà bạn ấy rất rộng rãi, bề thế trên đường Trần Hưng Đạo, mẹ của Dũng và các chị, em gái bạn ấy tiếp đón chúng tôi rất nhiệt tình, niềm nở với những cuộc họp mặt đầy tính chất văn nghệ văn gừng thật vui vẻ, náo nhiệt. Đám con trai bạn học lớp tôi người thì đánh đàn guitar giỏi như Tăng Như Thịnh, Đỗ Cao Lữ thì đệm cho các bạn khác hát với những cuốn Nhạc Tuyển đầy đủ các bài hát mà nhà Lâm Quốc Dũng có sẵn. Dũng đánh đàn guitar classic rất hay, cũng thỉnh thoảng trổ tài cho chúng tôi nghe những bài guitar classic thật tuyệt! Chị Oanh của Dũng thì đệm đàn dương cầm, hai cô em gái Thủy và Hà cùng hồ hởi tham gia ca hát, cả lớp cũng được tham gia party nhảy nhót vui hết biết, trong khi dưới nhà phải canh chừng công an dân phố! Phải nói một điều đặc biệt mà cho tới ngày hôm nay tôi còn nhớ là các chị của Dũng rất khéo tay trong việc bếp núc. Tôi nhớ mãi được ăn món “mứt bó” làm từ các loại vỏ trái cây bó lại, hương vị thơm ngon tuyệt vời hơn tất cả các loại mứt Tết mà tôi từng được ăn, và hình như cả món bò kho do chị Oanh nấu cũng ngon tuyệt!
Nhờ hay tới nhà Dũng chơi, tôi nhìn thấy có nhiều sách Học Làm Người của nhà văn Nguyễn Hiến Lê, nên đánh bạo hỏi Dũng mượn đọc. Tánh Dũng rất hào phóng, vui vẻ nhận lời ngay, và bảo tôi vô tủ sách mà tìm, thích quyển nào thì đem về nhà đọc. Sau đó chúng tôi cũng hay chia sẻ với nhau những điều hay từ những quyển sách Học Làm Người, và rất tâm đắc với những điều đẹp đẽ, thực dụng và hữu ích học hỏi được từ những quyển sách quý giá này. Hơn nữa, Dũng với tôi cùng đạo Công Giáo nên sau này, tụi tôi hay hẹn nhau đi lễ chung vào sáng Chúa Nhật, khi thì nhà thờ Huyện Sĩ, khi nhà thờ Đức Bà, sau đó đi ăn sáng chung rồi mới chia tay, nên chúng tôi trở thành đôi bạn thân hồi nào không hay! Lâm Quốc Dũng đi vượt biên mấy lần đều bị bắt, sau đó bỏ trốn khỏi trại giam về Sài Gòn phải sống trốn tránh không dám về nhà, vì sợ công an bắt lại. Thấy hoàn cảnh bạn mình cũng đáng thương, tôi dẫn Dũng đến gặp vợ chồng anh chị Hai của tôi có nhà gần chợ Lê Văn Sĩ để xin phép cho bạn ấy đến ở nhờ trong thời gian chờ đi chuyến tiếp theo. Ngày tôi rời Sài Gòn đi đoàn tụ gia đình, Dũng và Hà có tới phi trường tiễn tôi. Sau đó bạn ấy cũng vượt biên được tới đảo Pulau Bidong và có liên lạc với tôi qua soeur Lê Thị Tríu. Rồi hắn được Mỹ nhận định cư ở California, nhờ có anh rể là anh Ngọc, chồng chị Oanh bảo lãnh. Sau khi qua Mỹ, Dũng có gọi phone nói chuyện với tôi vài lần, rồi vì tôi thay đổi chỗ ở, rồi lập gia đình, đổi số phone, nên cũng mất liên lạc với bạn ấy. Sau này, vào năm 2013 tôi nhờ người bạn quen trên Net tìm tới nhà bạn ấy hỏi thăm tin tức, qua hai chị của Dũng, mới biết bạn ấy đã mất. Năm 2015 có dịp đi đám cưới cháu tôi ở San Diego, tôi có liên lạc được với chị Oanh, ghé thăm anh chị, và được vợ chồng anh chị dẫn đường tới thăm Dũng, do vợ và các con Dũng giữ hộp tro cốt Dũng trong nhà. Tôi tin chắc Dũng được lên Thiên Đàng, vì cả đời bạn ấy sống quá tốt với gia đình, bạn bè cùng lớp, nhưng lại chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ trong ngục tù cộng sản thời gian đi vượt biên bị bắt, bị đánh lên đầu bằng dùi cui nhiều lần, đây là nguyên nhân chính dẫn đến cơn bệnh đau đầu của bạn ấy đến nỗi bị tử vong! Dũng ơi, bạn còn nhớ đã hứa những gì với tôi không? Là hãy chăm lo làm việc, xây dựng đời sống sung túc để hy vọng sẽ gặp lại nhau. Nhưng không ngờ chúng ta đã không còn cơ hội này! Bạn hãy yên nghỉ trong tình yêu của Chúa nơi Thiên Đàng hạnh phúc vĩnh cửu, bạn nhé!
Tháng 12 năm 2019, tôi về VN dự tang lễ mẹ vợ tôi, nhân dịp được gặp lại các bạn trong hình này. Phải nhờ bạn Trần Hữu Hiệp nhắc dùm, tôi mới có thể ghi tên các bạn. Cảm ơn Hiệp rất rất nhiều! Anh em bạn bè cùng lớp sau hơn 40 năm mới gặp lại, tình đồng môn thân thiết kể sao cho hết! Rất tiếc vì tôi đi gấp quá nên không có dịp gặp lại những bạn khác.
Đứng: Nguyễn Văn Hiển 6/1, Đoàn Kim Sáng 6/4, Hoàng Đức Thịnh 6/1, Trần Minh Hoàng 6/1, Cao Minh Trí 6/1Phan Anh Khanh 6/1, Trần Kim Hảo 6/1, Trần Quang Hiếu Thuận 8/1,
Ngồi:Nguyễn Hữu Tiến 6/1, Nguyễn Văn Thuận 6/1, Lê Văn Bảy 6/1, Huỳnh Quang Phúc 6/1.
Đó là tất cả những gì tôi còn nhớ được tới hôm nay khi viết về mái trường xưa Petrus Ký, thầy cô, lớp học và các bạn yêu dấu của tôi, khi đang bước gần tới tuổi lục tuần, Ngoài ra, còn rất nhiều những kỷ niệm vui buồn khác mà các bạn đã viết trong Kỷ Yếu này. Mãi mãi, tôi luôn nhớ về tất cả các bạn, về thời học trò trung học đầy vui vẻ, với nhiều kỷ niệm không bao giờ quên.
Tuy mỗi người chúng ta đang sống xa nhau, có bạn đã ra đi về miền miên viễn, nhưng trong tâm tư tôi luôn thầm cầu nguyện cho các bạn và gia đình luôn được an vui, khỏe mạnh và nhiều hạnh phúc vượt qua cơn đại dịch này, để hy vọng chúng ta sẽ có cơ hội được gặp lại nhau, hàn huyên những chuyện vui, buồn của lớp mình, và cuộc sống nơi xứ người, hay trên Quê Hương. Hãy cùng cầu nguyện cho nhau các bạn nhé!