Trường Nữ Sinh Mù ở Sài Gòn

Dương Thanh-Binh, PhD

1. Lời ngõ

Khi nói đến giáo dục thì không ai có thể phủ nhận tính khoa học, khai phóng và nhân bản của nền giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Trong bài này chúng tôi muốn trình bày thêm một bằng chứng về sự văn minh và tính nhân bản này. Chúng tôi muốn nhắc đến một ngôi trường rất đặc biệt, có thể nói là duy nhất, đó là Trường tiểu học Nữ Sinh Mù trực thuộc Bộ Giáo Dục, do nhà nước thành lập. Chúng tôi cố gắng tìm những tài liệu khả tín kết hợp với lời kể của nhiều nhân chứng đã cùng xây dựng và phục vụ cho các trường này để giữ lại cho thế hệ sau một tinh hoa của Người Miền Nam trước năm 1975[1].

2. Trường Nữ Sinh Mù

Trước khi nói đến trường Nữ Sinh Mù thì có lẽ chúng ta cũng cần biết sơ lược về việc dạy dỗ các trẻ em khiếm thị ở Việt Nam. Trường dạy người mù đã có rất sớm. Năm 1898 Ông Nguyễn Văn Chí, một công chức thời Pháp đã sang Pháp chữa bệnh mắt và đã mang chữ Braille[2], một loại “chữ nổi” dùng cho người mù, về Việt Nam[3]. Ông đã chuyển hóa toàn bộ mẫu tự tiếng Việt thành bộ chữ Braille và mở một trường dạy người mù bậc Sơ Học gồm lớp 1, lớp 2 và lớp 3. Trường này chỉ hoạt động đến năm 1908 thì đóng cửa[4]. Đến năm 1926 người Pháp mở trường nam sinh mù ở đường Jean-Jaques Rousseau (sau này là Trần Hoàng Quân, bây giờ là Nguyễn Chí Thanh), Chợ Lớn, gọi là École des Aveugles hay Trường Người Mù. Giám đốc là ông Luzergues. Đến năm 1945 thì trường đóng cửa. Khoảng năm 1952, Trường Người Mù được một Cha Cố người Pháp thuộc dòng Franciscain trùng tu lại thành viện mồ côi và dạy nam sinh mù. Ở đây người ta cũng dạy họ những việc thủ công như đan mây, đóng đồ gỗ, làm bàn chải gia dụng… Trường lần lượt đặt dưới sự điều hành của hai ông Nguyễn Văn Hằng và ông Trần Cúi Xên. Khoảng năm 1959 vị Cha Cố về Pháp nghỉ hưu, cơ sở vật chất lại xuống cấp, rất tốn kém nếu muốn trùng tu nên không ai muốn kế thừa. Các trẻ mồ côi trong viện được đưa về nhiều viện khác. Cùng lúc đó cựu Trung Tá Phan Văn Sương, một sĩ quan bị hỏng đôi mắt vì chiến trận, vừa trở về nước sau khi tốt nghiệp trường Trường Mù Quân Đội Pháp (École des Aveugles de Guerre). Trung Tá Sương có ý muốn lập một ngôi trường mù dành cho nam sinh. Nhờ sự giúp đỡ của linh mục Bạch Văn Lộc[5], dòng Chúa Cứu Thế và Père Olivier, Trung Tá Sương biết tình trạng của viện mồ côi này nên tìm cách xin để lập trường. Được sự chấp thuận của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và sự giúp đỡ từ Bộ Giáo Dục và phía quân đội như các binh chủng Hải Quân, Quân Cụ, Công Binh… cơ sở đã được tu sửa khang trang và trường chính thức trực thuộc Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1960 dưới sự điều hành của giám đốc Trung Tá Phan Văn Sương[6].

Nếu Trường Nam Sinh Mù được thành lập bởi một sĩ quan thương binh Việt Nam mất ánh sáng thì trường Nữ Sinh Mù lại do một phụ nữ khiếm thị người Mỹ đề xướng. Đó là Bà Genevieve Caulfield.

2.1 Thành lập trường Nữ Sinh Mù

  • Sơ lược về Bà Genevieve Caulfield: Bà sinh ngày 8 tháng 5 năm 1888 tại Suffolk, Virginia, Hoa Kỳ. Đôi mắt của Bà gần như hoàn toàn bị hỏng do một tai nạn khi Bà mới 2 tháng tuổi. Không đầu hàng với số phận, Bà nổ lực học tập và đã trở thành giáo viên tiếng Anh dạy các trẻ em khiếm thị. Ở tuổi 17 Bà đã vạch rõ hướng đi cho đời mình. Bà nói: “Tôi quyết định đến Nhật dạy tiếng Anh và làm bất cứ điều gì có thể để làm người Nhật và người Mỹ thân thiện hơn”. Sau 15 năm học ở trường Teachers College ở New York và Perkins School, bà trụ lại dạy cho trường Perkins School, một trường nổi tiếng dạy người khiếm thị và đào tạo giáo viên và nhân viên cho các trường mù ở Mỹ. Sau đó Bà đã sang Nhật dạy tiếng Anh cho các thương binh và trẻ em. Nghe tin người mù ở Thái Lan bị xem như vô dụng, Bà đã không quản ngại tìm đến đó để giúp đỡ mong thay đổi định kiến này. Đầu tiên Bà chuyển các mẫu tự Thái sang chữ Braille rồi tích cực giúp xây dựng trường dạy người khiếm thị và giúp họ hướng nghiệp. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, Bà vẫn tiếp tục giữ vững ý chí dù bị người Nhật và chính quyền Thái thời điểm ấy bạc đãi. Tuy vậy sau chiến tranh hoàng gia Thái Lan lại rất trân quý Bà và các hoạt động của Bà. Một công chúa Thái đã tích cực đến giúp trường mù của Bà như một nhân viên thực thụ. Bà đã thành công trong việc thay đổi định hướng và ngôi trường đó đã là cứu tinh cho nhiều trẻ bất hạnh.

Năm 1963 Bà được trao tặng giải thưởng Ramon Magsaysay Award (còn gọi là giải Nobel Châu Á) nhờ những hoạt động nhân đạo của Bà ở các nước Đông Nam Á. Đến năm 1963 Bà được Tổng Thống Lyndon B. Johnson trao tặng Medal of Freedom, huân chương dân sự cao nhất của Hoa Kỳ.

Bà mất ở Bangkok năm 1971, thọ 83 tuổi. Ngày nay tại trường Mù ở Bangkok người Thái đã dựng một bức tượng của Bà để ghi nhớ công ơn.

Truong nu sinh mu 01

Figure 1: Tượng Bà Genevia ở Bangkok

  • Thành lập trường Tiểu Học: Năm 1956 Bà Genevieve Caulfield được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa mời sang thăm Sài Gòn và giúp lập một trường phục hồi chức năng người khuyết tật. Khi được tiếp kiến Bà Ngô Đình Nhu Bà đã trình bày những vấn đề khó khăn, bất tiện của môt nữ sinh mù phải học hành và sinh hoạt chung với các nam sinh cùng cảnh ngộ. Bà đề nghị chính phủ Việt Nam mở trường tiểu học riêng cho nữ sinh mù và Bà Nhu đã vui vẻ chấp thuận[7]. Như vậy Trường Nữ Sinh Mù là trường khiếm thị đầu tiên và được Bộ Giáo Dục Việt Nam thời Đệ Nhất Cộng Hòa thành lập.

Truong nu sinh mu 02

Figure 2 Bà Genevieve Caulfield và các em Trường Nữ Sinh Mù

Truong nu sinh mu 03

Figure 3 Bà Genevieve Caulfield và các mạnh thường quân là các sĩ quan hay Cố vấn người Mỹ

  • Cơ sở và sự phát triển của trường: Trường tiểu học Nữ Sinh Mù thành lập năm 1958 và hoàn chỉnh năm 1960. Lúc đầu trường tọa lạc ở số 1 đường Nguyễn Trãi, đối diện trường Bác Ái, gần đường Cộng Hòa. Đây là một biệt thự kiểu Pháp đã được Bộ Giáo Dục thuê mướn. Ngôi biệt thự rộng lớn gồm hai tầng có nhiều phòng đủ đề dùng làm vài phòng học, phòng ngủ, phòng ăn, phòng tắm, nhà bếp… tất cả đều khang trang.. Trường được sự giúp đỡ của nhiều mạnh thường quân ở Sài Gòn cũng như các tổ chức từ thiện của Mỹ và các Cố Vấn Mỹ ở Việt Nam nữa. Dụng cụ dạy học, sách vở và trang thiết bị cũng được các trường mù ở Mỹ và ở Anh tài trợ.

Khởi đầu các học sinh bao gồm các em bé từ 8 đến 12 tuổi, học bậc tiểu học. Ngoài kiến thức phổ thông các em còn được dạy cách chăm sóc nhà cửa, cách nhận biệt sự việc, cách định hướng di chuyển, và tiền hướng nghiệp dù còn rất bé… Các em cũng được học nhiều loại đàn, học hát, học xướng âm và quan trọng nhất là phải học đánh máy chữ Braille và chữ sáng, tức chữ dùng cho người bình thường. Đó là cách hữu hiệu nhất giúp các em sống hòa nhập với xã hội sau này. Khi lên trung học các em được gửi qua Trường Nữ Trung Học Gia Long hay trường Bác Ái và cũng có vài em nhận được học bổng sang Mỹ học bậc Đại Học. Các em vẫn được ở nội trú và có xe đưa đón các em từ trường mù, qua trường Trung Học.

Đến khoảng năm 1973 ngôi nhà và trang thiết bị bắt đầu xuống cấp, chủ nhà muốn lấy lại nên trường phải dời đến địa điểm mới ở số 184 đường Trần Hoàng Quân sát bên trường Nam Sinh Mù đã giới thiệu ở phần trên[8]. Cũng nên nói thêm rằng sau khi trường Nữ Sinh Mù dọn đi, ngôi biệt thự ở đường Nguyễn Trãi đã được sử dụng để làm cơ sở 2 của Trung Tâm Văn Hóa Pháp (Centre Culturel Francais).

  • Sơ lược về Bà Hiệu Trưởng: Biết Bà Phó Thị Lang Tài tốt nghiệp ở Perkins School nên khi trường vừa được thành lập Bà Genevieve Caulfield đã đề nghị mời Bà Lang Tài làm Hiệu Trưởng. Đó cũng là vị hiệu trưởng duy nhất và đã đảm nhiệm chức vụ này cho đến năm 1975. Bà sinh năm 1932 trong một gia đình Công Giáo trí thức ở miền Bắc. Cả gia đình Bà đã sang Mỹ từ đầu thập niêm 1950, sau đó Bà và một số anh chị em đã trở về Việt Nam sống và làm việc ở Miền Nam, giữ những chức vụ quan trọng như:
    • Ông Phó Bá Long, Tổng Trưởng Lao động trong nội các Nguyễn Văn Lộc, giáo sư khoa trưởng trường Cao Học Chính Trị Kinh Doanh Viện Đại Học Đà Lạt.
    • Ông Phó Bá Hải, Giáo Sư Đại Học Luật Khoa Sài Gòn
    • Bác Sĩ Phó Bá Đa làm ở bệnh viện Nguyễn Văn Học
    • Ông Phó Bá Quan làm công chức cao cấp ở Bộ Kinh Tế.Sau năm 1975, Bà Lang Tài và gia đình sang định cư ở Mỹ cho đến ngày nay.

Truong nu sinh mu 04

Figure 4 Hình Bà Phó Thị Lang Tài

Truong nu sinh mu 05

Figure 5: Bà Hiệu trưởng (bên phải),2 giáo viên (bên trái), và các em học sinh trong đồng phục

  • Hoạt động của Trường Nữ Sinh Mù: Xuất thân từ một trường nổi tiếng ở Mỹ về cách phương pháp giảng dạy người khiếm thị, nơi đã từng đáo tạo ra nhiều danh nhân cho thế giới như Bà Helen Keller[9], Genevieve Caulfield, Bà Lang Tài đã điều hành một cách khoa học và văn minh ngôi trường khiếm thị này. Thoạt đầu chỉ có một ít giáo viên được Bộ điều xuống, còn lại đa số là các Soeurs công giáo đến giúp. Về sau Bà Hiệu Trường tuyển chọn người có trình độ và có lòng bác ái chịu thương chịu khó vì các em khuyết tật. Với sự giúp đỡ của Bộ Giáo Dục, Bộ Cựu Chiến Binh và kết hợp các Soeurs bên Công Giáo, Bà và Trung Tá Phan Văn Sương tổ chức các buổi hội thảo, nhiều khóa huấn luyện các thầy cô giáo về cách giảng dạy chữ Braille hay học các môn tâm lý. Khó khăn nhất, theo Bà Huỳnh Thị Liễu và Bà Nguyễn Thị Huệ, hai cựu giáo viên của trường, là phải nhắm mắt lại mà học tất cả mọi thứ như một người mù đích thực. Phải học từ cách dọn dẹp và sinh hoạt thông thường, đến cách tham dự một buổi tiệc quan trọng như dò biết ghế cao hay thấp, có dựa hay không, ướm thử bề cao ly nước hay ly rượu… tất cả những điều đó các giáo viên phải thuần thục để dạy lại cho các em, giúp các em sống hòa nhập với thế giới về sau. Khóa huấn luyện đầu tiên được tổ chức năm 1963 ở Sài Gòn gồm có 7 người trong đó có 2 nữ là Bà Huỳnh thị Liễu hiện định cư ở Sydney, Úc Châu và Bà Nguyễn Thị Huệ định cư ở California, Hoa Kỳ. Sau đó Bộ Giáo Dục và Bộ Cựu Chiến Binh còn tổ chức đưa các Thầy Cô dạy các trường mù đi tu nghiệp ở nước ngoài. Bà Huỳnh Thị Liễu, người được tham dự tất cả các khóa học này, cho biết:
    • Năm 1967 một khóa học về hướng nghiệp cho người mù được tổ chức ở Singapore và Kuala Lumpur, Mã Lai; gồm có Bà Huỳnh Thị Liễu và hai Soeur Maria Nguyễn Thị Thảo và Oliva Ngô Thị Nụ.
    • Năm 1969 Bà đi tu nghiệp về tâm lý người mù và phương pháp dạy toán Taylor và Abacus ở trường Perkins for the Blind và Boston College, tiểu bang Massachusetts.
    • Năm 1970 Bà được sang Luân Đôn học cách tổ chức một trường nội trú cho người khiếm thị, đặc biệt dự một khóa học về cách dạy các em hòa nhập, đồng hành với người sáng mắt. 

Truong nu sinh mu 06

Figure 6  Đi tu nghiệp ở Mã Lai năm 1967

2.2 Con đường học tập của các em nữ sinh:

Như trên đã nêu, Trường Nữ Sinh Mù chỉ nhận học sinh nội trú với nhiều lứa tuổi khác nhau và chỉ dạy đến hết bậc tiểu học. Khi học xong đa số các em trở về với gia đình, sống hòa đồng với xã hội khá dễ nhờ những thành tựu đã học được[10]. Riêng các em muốn tiếp tục học lên cao thì có hai trường hợp: một số được gửi đến các trường trung học trong nước để học chung với các học sinh bình thường; một số ít khác có học bỗng sang Mỹ hoặc sang Anh du học ở những trường trung học của người khiếm thị và sau đó vào college học như người sáng. Trường Nữ Trung Học Gia Long và trường Bác Ái đã từng đón nhận những học sinh khiếm thị từ trường Nữ Sinh Mù. Các chị này vẫn được tiếp tục cư ngụ nội trú. Trong trường mới các chị được Thầy Cô đặc biệt chú ý và được các bạn sáng mắt hết lòng giúp đỡ. Các chị được trang bị tương đối đầy đủ: mỗi người một cặp da có quai đeo trên vai, một cây gậy xếp gọn được, một đồng hồ đeo tay có chữ Braille chỉ cần sờ nhẹ là đọc được giờ, một thẻ viết chữ Braille và quan trọng nhất là một máy đánh chữ loại xách tay gọn nhẹ. Khó khăn nhất là học môn toán với các hình vẽ chi tiết và các công thức vật lý, hóa học mà người sáng mắt cũng còn khó nhớ. Để giúp các chị có thể theo kịp bạn bè các giáo viên cũ ở trường mù đã phải theo sát từng bài học để dạy trước cho các chị. Đến kỳ thi các giáo viên dạy khiếm thị sẽ đến trường mới rất sớm trước giờ thi khá lâu, nhận đề thi rồi đánh máy bằng chữ Braille cho các chị đọc. Các chị sẽ đánh máy bài làm bằng kiểu chữ sáng cho các giáo sư chấm mà không cần chuyển ngữ. Sau khi tốt nghiệp trung học có nhiều chị học tiếp hệ trung cấp ở Việt Nam. Các chị đi du học thì được hưởng nhiều tiện nghi hơn, được tiếp xúc với xã hội bên ngoài nhiều hơn và được lên đến bậc đại học[11]. Có thể nói các chị rất tự tin, khả năng được phát triển tối đa. Và dù là du học ở phương xa hay vẫn còn trong nước các chị vẫn xem mái trường tiếu học, nơi các chị có được những bài học đầu đời, như gia đình thứ hai của mình. Các chị vẫn giữ liên lạc, khoe kể thành tựu hoặc chia sẻ khó khăn với trường Nữ Sinh Mù của mình.Tiếc thay đến năm 1975, cùng với số phận của đất nước sau ngày 30 tháng 4 trường không còn được như xưa nữa.

Truong nu sinh mu 07

Figure 7 Chị Thanh Phương ngày vào Gia Long

Truong nu sinh mu 08

Figure 8 Anna Kim Lan và Theresa Quang trong ngày tốt nghiệp College

  • Các thành quả viên mãn: Cho đến năm 1975, sau hơn 20 năm hoạt động những nữ sinh đầu tiên của trường Nữ Sinh Mù đã trưởng thành. Không ít các chị đã là người hữu dụng cho xã hội. Họ đã là những người vợ, người mẹ đảm đang trong gia đình riêng. Một số chị cũng có nghề nghiệp ổn định với những vai trò mà ngay cả người sáng mắt cũng không dễ đạt đươc. Có chị sau khi học trung học hay trung cấp ở Việt Nam đã được nhận vào làm trong các bưu điện ở Lái Thiêu, Long Khánh… Một vài trường hợp tiêu biểu cho sự thành công này có thể kể như sau:
    • Maria Chiên được trường Bác Ái cấp học bổng và sau đó lại nhận được học bổng sang Mỹ học trường Perkins. Xong trung học, chị tiếp tục vô College học ngành Tâm Lý Học (Psychology). Chị làm việc ở một bệnh viện tại San Francisco cho đến lúc nghỉ hưu.
    • Trần Thị Hoa cũng du học ở Mỹ ngành sư phạm và trở thành cô giáo dạy cho một trường trung học ở Mỹ. Vì thiếu ánh sáng nên khi chị Hoa dạy học phải có một người phụ dạy.
    • Theresa Quang, sau khi tốt nghiệp đại học ở Mỹ chị về nước và được Tòa Đại Sứ Mỹ tuyển dụng làm thơ ký riêng của Ông Đại Sứ. Công việc của chị là thu băng những điều ông Đại Sứ nói rồi đánh máy lại thành vằn bản. Đến năm 1975, chị và các nhân viên Tòa Đại Sứ di tản sang Mỹ.
    • Anna Kim Lan cũng có học bổng sang Mỹ. Xong trung học chị vào Đại Học Cộng Đồng Emmanuel (Emmanuel College). Ra trường chị thành hôn với một công dân Mỹ và giúp chồng điều hành một công ty riêng của gia đình. Album ảnh đám cưới của cô dâu khiếm thị và một người thành đạt với đôi mắt sáng ngời, nụ cười hạnh phúc được Bà Lang Tài gìn giữ cẩn thận. Được bạn bè và người thân khích lệ, chị đã thực hiện được ước mơ của mình, viết một tác phẩm bằng tiếng Anh: Miles from Home. Quyển sách kể về cuộc đời chị và những phấn đấu của bản thân cũng như của các bạn cùng cảnh ngộ để vượt qua số phận.
    • Nguyễn Thị Hoàng Yến và Nguyễn thị Thanh Phương tốt nghiệp Trung Học Gia Long và cùng làm công chức ngành Bưu Điện. Sang chế độ mới các chị bị cho thôi việc. Tuy có khó khăn hơn những bạn may mắn định cư ở nước ngoài nhưng nhờ có kiến thức ở trình độ trung học nên các chị cũng có cuộc sống tương đối ổn định, và bây giờ đã là bà nội, bà ngoại của những đứa cháu ngoan.
    • Nguyễn Ngọc Nuôi và Nguyễn Thị Thu Vân, sang Gia Long học cho đến ngày 30 tháng 4 thì bỏ dỡ vì trong chế độ mới các chị không được ban giám hiệu mới cho học tiếp. .

Truong nu sinh mu 09

Figure 9 Bà Huỳnh Thị Liễu dạy nữ sinh khiếm thị  học toán đại số

  • Những khó khăn vì thời thế: Sau năm 1875 cơ sở của Trường Nam Sinh Mù bị lấy làm trường Sư Phạm Mẫu Giáo nên hai trường Nữ Sinh Mù và Nam Sinh Mù bị xáp nhập thành một và đổi tên thành Trường Mù Nguyễn Đình Chiểu. Các em nhỏ đang được chăm sóc một cách hoàn hảo đã phải rời gia đình thứ hai của mình để bước vào một môi trường mới không mấy khả quan. Thiếu tiện nghi vì phải sử dụng chung với các nam sinh mù; thiếu Thầy Cô và người chăm sóc vì đa số các vị này đã từng đi tu nghiệp ở nước ngoài nên trong chế độ mới họ bị nghi kỵ, không được dạy học nữa mà chuyển thành nhân viên trông nom việc ăn ngủ cho học sinh; chương trình học lại bị thay đổi gần như toàn bộ; tất cả những điều đó khiến học sinh bị hụt hẩng. Cuộc sống phức tạp do phòng ngủ của nam sinh và nữ sinh không đủ cách biệt. Các cựu nữ sinh lớn tuổi bị đưa đến những trung tâm dành cho người khuyết tật và đã rất khó khăn trong cuộc sống mới vì mất đi nơi nương tựa và những người thầy thân thương. Ngay cả những chị đang làm công chức cũng bị cho thôi việc, tự bương chãi tìm cách sinh tồn. Một số may mắn được nương nhờ vào những tổ chức xã hội của các Soeur, các Cha trong những dòng tu ít ỏi còn được phép hoạt động. Một số khác đi kinh tế mới hoặc về quê trồng trọt chăn nuôi. Cũng có những chị được nhận vào những tổ hợp sản xuất đồ thủ công như đan áo, vớ,  đan sọt, giỏ đệm, làm chổi… Một số khác bất hạnh hơn bị tập trung vào trại “dành cho người tàn tật” ở Thủ Đức. Nơi đây họ bị đối xử không khác gì những trại tập trung cải tạo tội phạm hình sự. Nhiều chị em không chịu nổi sự khắc nghiệt nên tìm cách trốn trại, đi bán vé số, hát dạo lang thang không nhà cửa và luôn luôn phải tránh né sự lùng bắt, càng quét của chánh quyền trong những đợt có “phong trào làm văn minh thành phố”. Trường hợp chị HV là rất thương tâm, chị bị “hốt” khi đang đi bán vé số và bị đưa lên Chánh Phú Hòa, phải ở đó “cải tạo” như những tội phạm.
  • Tìm lại nhau: Đã gần 50 năm sau cơn quốc biến một số giáo viên của trường và các cựu nữ sinh Trường Mù và Trường Gia Long may mắn được định cư ở nước ngoài dần dần tìm lại được nhau. Họ thường xuyên liên lạc với nhau họ đã kết hợp với Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Gia Long New South Wales Úc Châu để cố gắng tìm và giúp đỡ những cựu học sinh mù kém may mắn đang tản lạc khắp nơi trong nước. Họ đã tìm được chị HV kể trên cùng với nhiều chị khác và hiện nay chị HV đã được đưa về trại dưỡng lão “Mái Ấm Nhân Hậu” của các Soeur ở Bình Dương. Họ tổ chức quyên góp, gây quỹ đưa về Việt Nam giúp các chị. Có những cựu giáo viên của trường Nữ Sinh Mù và cựu giáo sư của trường Gia Long ở hải ngoại, nay đã trên dưới 80, thường xuyên trợ giúp học trò mình bằng tiền hưu bỗng ít ỏi. Họ thật đáng được ngưỡng mộ. Khi xưa họ đã chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình một cách đáng khâm phục. Giờ đây dù các thầy cô ấy đã trên dưới 80 nhưng tấm lòng thương yêu lo lắng cho học trò cũ vẫn không hề suy giảm mà ngược lại còn sâu đậm hơn. Chị Võ Thị Kim Huỳnh, một học sinh của Bà Huỳnh Thị Liễu, còn ở lại Việt Nam đã cảm kích nói“Học trò sáng mắt giờ là chỗ dựa cho Thầy Cô của họ ở tuổi xế chiều. Riêng chúng con với số phận không may nên Thầy Cô đến tuổi này rồi mà còn phải lo lắng ngược lại cho chúng con. Quả thật Thầy Cô là chỗ dựa cả tinh thần lẫn vật chất của chúng con. Chúng con không biết nói sao để tỏ lòng biết ơn, chỉ cầu mong cho Thầy Cô luôn khỏe mạnh và sống lâu trăm tuổi.”Thật vậy, đó chẳng những vì cái “nghiệp” mà còn là hành động của một “thiên sứ” giúp đời nữa. Chúng tôi xin mượn lời Bà Huỳnh Thị Liễu để kết thúc phần này như sau“Nghề thì đã xong rồi, giờ còn lại cái nghiệp, như là một “sứ mệnh”.Tôi tâm nguyện sẽ giúp các em cho đến cuối đời tôi.”

Truong nu sinh mu 10

Figure 10 Bà Huỳnh Thị Liễu (thứ hai từ trái) và các cựu nữ sinh Gia Long thăm học sinh khiếm thị ở Việt Nam năm 2014

Truong nu sinh mu 11

Figure 11 Cựu nữ sinh Gia Long họp mặt với đồng môn khiếm thị ở Việt Nam năm 2019

3. Lời kết

Tiến Sĩ Phan Văn Song đã nhắc một câu nói “Người ta đo lường được chế độ văn minh của một quốc gia khi người ta nhìn thấy chế độ đối đãi đối với các người tàn tật” rồi ông kết luận rằng “Chương trình và sự thành công của Trường Mù thời Việt Nam Cộng hòa là biểu tượng của sự Văn minh của xã hội Miền Nam trước năm 1975”. Quả đúng như phát biểu trên, nền giáo dục nói chung và phương cách đặc biệt dùng giảng dạy người khuyết tật kể trên là một biểu hiện của sự ưu việt, tính nhân bản của một xã hội văn minh, nhân đạo. Người khuyết tật không bị bỏ rơi, không bị xem là vô dụng, ngược lại họ được quan tâm giúp đỡ để hòa nhập với cuộc sống và giúp ích cho xã hội. Tiếc thay những điều tốt đẹp này đã trở thành quá khứ, thành hoài niệm của những người từng xây dựng nó hay đã từng chứng kiến sự tồn tại của nó. Chúng tôi hy vọng bài viết này góp một phần nhỏ nhoi trong việc gìn giữ những công trình quý giá của thời ấy.

Sydney tháng 2 năm 2020.

Dương Thanh Bình, PhD

 

Tài liệu tham khảo

  1. Không Gian Ảo, tác giả Tiểu Đĩnh http://www.bienkhoi.com/so-40/khong-gian-ao.htm
  2. https://www.nytimes.com/1972/12/15/archives/genevieve-caulfield.html https://www.rmaward.asia/awardees/caulfield-genevieve/
  3. Mile frome Home, Anna Kim Lan McCauley; Wakefield, Mass: AKLM Publications, c1984.
  4. Báo Việt Luận số 2263 ra ngày thứ Sáu 16 tháng 5 năm 2008, bài “Chị Huỳnh Thị Liễu Giáo Sư Trường Mù trong 18 Năm”
  5. Giám đốc trường trên đường Trần Hoàng Quân

http://vietspringuniversityproject.com/2019/08/24/fw-giam-doc-truong-tren-duong-tran-hoang-quan-saigon/

 


[1] Tác giả thành thật cám ơn Tiến Sĩ Phan Văn Song, Bà Huỳnh Thị Liễu, Bà Nguyễn Thị Huệ, chị Anna Kim Lan, chị Theresa Quang, Ông Võ Văn Hai đã cung cấp tài liệu qua điện đàm hoặc văn bản để chúng tôi thực hiện bài viết này.

[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Louis_Braille

[3] Theo tài liệu của Ban Nghiên Cứu và Giáo dục đặc biệt.  http://recese.vnies.edu.vn/tin-tuc-su-kien/ngay-chu-noi-braille-the-gioi-1

[4] Theo tập sách “Những Khái Niệm Cơ Bản về Khiếm Thị” do hội Mái Ấm Thiên Ân biên soạn lưu hành nội bộ cho tập huấn “Thấu Hiểu Của Bạn, Ánh Sáng Của Tôi”. Tập sách không ghi năm biên soạn.

[5] Cha Bạch Văn Lộc có một thời gian là Viện Trưởng Viện Đại Học Minh Đức.

[6] Theo bài “Cựu Trung Tá Phan Văn Sương, Người Sáng Lập trường Nam Sinh Mù Đầu Tiên tại Việt Nam” đăng trong Việt Báo ngày 13 tháng 7 năm 2010, với sự xác nhận qua một cuộc điện đàm của tác giả với Tiến Sĩ Phan Văn Song, con trai của Trung Tá Sương, hiện sống ở Pháp.

[7] Theo Caulfield, GenevieveInternational understanding. Vietnam.1961

[8] Theo tạp chí Biển Khơi số 40, tháng 10 năm 2008

 http://www.bienkhoi.com/so-40/khong-gian-ao.htm

[9] Một phụ nữ tàn tật vừa câm điếc, vừa mù lòa đã vượt qua số phận để trở thành một học sinh suất sắc của trường Perkins School, thành người rất nổi tiếng và đi diễn thuyết nhiều nơi trên thế giới.

[10] Các nữ sinh tiểu học khiếm thị có độ tuổi rất chênh nhau do việc học của họ rất khó khăn.

[11] Cummunity College tạm dịch là Đại Học Cộng Đồng, một loại giáo dục sau trung học của Hoa Kỳ. Chương trình học gồm hai năm, sau khi tốt nghiệp sinh viên mới có thể vào Đại Học (University).