Trên Đỉnh Mùa Đông

Vưu Văn Tâm

Câu chuyện về đại úy Nguyễn Văn Đương, anh hùng tiểu đoàn 3 nhảy dù tuẫn tiết ở mặt trận Hạ Lào ngày 25 tháng hai năm 1971 được ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh đưa vào âm nhạc và nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán, thính giả khắp bốn vùng chiến thuật.

Hòng đáp lại sự ủng hộ và thương mến từ mọi nơi, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã quyết định thực hiện một cuốn phim ca nhạc kịch dựa trên nội dung bi hùng của bài hát “Anh không chết đâu em”. Cuốn phim đầu tay này với sự góp mặt của các ca, kịch sĩ hữu danh như Thanh Lan, Bích Thuận, Vũ Đức Duy, Minh Ngọc, Khả Năng, Kiều Hạnh, Phương Hồng Ngọc, Hồ Hiệp, nhóm Tiếng hát đôi mươi và Nhật Trường. Nội dung phim là mối tình thơ mộng, đẹp đẽ của đôi trai tài, gái sắc được lồng trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt nhất ở miền Nam Việt-Nam.

Trong một lần nghỉ phép về thăm Sài-Gòn, hai người bạn thân từ thuở nhỏ cũng như trong quân ngũ là thiếu úy Đương và chuẩn úy Toàn chở nhau trên chiếc xe gắn máy và gây ra tai nạn cho một nữ sinh viên Văn khoa tên Lệ.

Không lâu sau đó, Lệ theo chân đoàn em gái hậu phương ra tận tiền đồn heo hút để ủy lạo chiến sĩ và tình cờ gặp lại Đương. Họ cảm mến nhau và những cung bậc yêu thương cũng âm thầm nảy nở theo ngày tháng. Cả hai đã vượt qua những trở ngại từ gia đình bên Lệ để rồi nàng từ giã mái trường đại học về làm vợ anh lính dù nghèo khó và quanh năm biền biệt nơi chiến trận miền xa.

Trong chiến dịch Hạ Lào, đơn vị của Đương phải đối phó với những đợt tấn công của cộng quân và thiếu nguồn tiếp viện. Giữa tình thế tuyệt vọng, Đương yêu cầu những anh em đồng đội rút hết để mình anh ở lại nghi binh. Sau đó, Đương đã tuẫn tiết trên đồi 31.

Có lần trong giấc chiêm bao, Lệ thấy Đương trở về trong hình hài đầy thương tích và nói lời cuối với vợ hiền, con dại. Đến khi nhận được tin báo tử, Lệ mới hay Đương không bao giờ trở lại với hình hài xương thịt và nàng chỉ còn gặp lại chồng trong giấc mơ ngập tràn nước mắt với niềm đau vô tận.

Ngoài nhạc phẩm “Trên đỉnh mùa đông”, những ca khúc nổi tiếng khác của Trần Thiện Thanh như “Mùa đông của anh”, “Chiều trên Phá Tam Giang”, “Người chết trở về”, “Anh không chếƭ đâu em” cùng hai ca khúc của các nhạc sĩ khác đã góp phần cho cuốn phim được trọn vẹn và phong phú hơn.

Cuốn phim dài 60 phút do ca, nhạc sĩ Nhật Trường, Trần Thiện Thanh xuất vốn với sự yểm trợ kỹ thuật và nhân lực của đài truyền hình số 9 được xem là viên gạch đầu tiên cho việc thực hiện phim truyện truyền hình tại Việt-Nam.

Đề tài chiến tranh bao giờ cũng buồn bã và gây ra những hệ lụy như vợ trẻ để tang chồng, con thơ mất cha, gia đình ly tán cũng như những mất mát không thể nào bù đắp được. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, dù tiếng súng đã chấm dứt trên một dãy đất tang thương nhưng quê hương vẫn tan tác và số phận người dân nơi đó mãi lầm than, khổ sở. Mùa xuân với lá xanh và hoa thắm sẽ thôi không về nữa trên đất mẹ.

TV, 27.03.2023