(Tản mạn ngày Xuân)

Trâu già thích gặm cỏ non

Lạng-Quạng Tiên-Sinh (Tiền Lạc Quan)

(Nguồn: Đại học Khoa Học Sài gòn – Xuân Tân Sửu 2021)

Ca dao có câu:

     Em như ngọn cỏ phất phơ,
     Anh như con nghé nhởn nhơ giữa đồng.

Trên thực tế, trâu là loài thú nhai lại nên lúc nào cũng cần ăn cỏ, tìm cỏ để ăn và nhơi cỏ trong những lúc nghỉ ngơi.

Song câu ca dao trên gợi lên hình ảnh cuộc sống yên bình trên đồng ruộng quê huơng, hình ảnh con trâu nhởn nhơ, khoan thai trên đồng cỏ, không hấp tấp vội vã, một hình ảnh đầy thi vị, đáng yêu, …

Câu ca dao diễn tả tình cảm nam nữ lãng mạn. Người con trai bao giờ cũng tìm đến người con gái để ngỏ lời trước, người con gái ví như “ngọn cỏ phất phơ” trên đồng chờ đợi … “Trâu tìm cọc, cọc chẳng tìm trâu”.

Câu ca dao không ví người con trai như con trâu, mà ví như con nghé, con trâu con. Hàm ý người con trai ở độ tuổi thanh niên, cùng trang lứa và sẽ “xứng đôi vừa lứa” với người con gái (không ví “Anh như con trâu già nhởn nhơ giữa đồng”!)

Nhưng rồi …  Thời đại mới, sinh ra nhiều cái mới, nên chi có thành ngữ thời hiện đại:

     “Trâu già thích gặm cỏ non”

Cũng phải thôi! Trâu già, răng trâu bị cùn rồi, chỉ gặm được cỏ non, chớ cỏ già cứng còng cứng ngắt nhai gì nổi!

Có lẽ câu này xuất hiện vào đầu Thập Niên 80 của Thế Kỷ thứ 20, khi Việt Nam mở cửa … người Việt tha hương bắt đầu về nước thăm viếng bà con, thân nhân hoặc làm ăn … Theo đó một số lão “già dịch” U60, U70, U80, … “ngán cơm thèm phở”, trở về “nổ long trời lở đất”, “nổ banh nóc nhà”, “nổ banh cả làng cả xóm cả chợ”, khiến cho nhiều em út “chân dài” U20, U30, … đeo bám miết, lả lơi với mấy lão tuổi đáng cha, đáng chú, có khi đáng … ông nội mình.

Mà mấy lão “già hổng nên nết” cũng “mếch” mấy ẻm lắm, “cỏ non xanh mơn mởn” mà!  Mấy lão … bày đặt lạng quạng gái gú, cặp bồ cặp bịch, chẳng ngại cặp vài ba em bồ nhí cho đời tươi hồng trẻ trung lại … Mấy lão bảo mấy ẻm “Đừng kêu anh bằng chú”, gọi nhau “Anh anh, em em”, … cùng mấy ẻm đi du lịch đây đó, tắm biển này nọ, … coi thiệt “hổng giống ai”!

     “Trâu già thích gặm cỏ non”

Nhưng mà:

     “Cỏ non lại thích tìm con trâu già”

Nên chi có nhiều câu thơ châm biếm “hiện đại” xuất hiện (lượm lặt trên Internet, không rõ tác giả):

     Cặp bồ đừng cặp gái còn non,
     Ra đường hổng biết cháu hay con …

     Lấy vợ nên kiêng lấy vợ non
     Ra đường ai biết cháu hay con
     Nhí nha nhí nhảnh đòi vàng bạc
     Bán cả bàn thờ sắm phấn son!

Người viết cũng tìm được trên Internet bài thơ “Ung Thư Tư Cách” của Donna Mai Hồng Thu có cùng đề tài và cũng tiếu lâm, nên xin mạn phép trích vài câu đầu chép ra đây:

     Trâu già thích gặm cỏ non
     Cỏ non lại thích tìm con trâu già
     Đổ đồng ai cũng như hoa
     Nhìn qua nhìn lại chưa già hết non
     Tham, níu kéo chút vàng son
     Già, sồn không chịu, giả con nai vàng
     Nhìn lên nhìn dọc nhìn ngang
     Không chịu nhìn xuống, địa hàng người ta
     Mà quên kiểm lại hàng nhà
     Da nhăn, má hóp theo đà nó lăn
     Nhớ nhung nhung nhớ băn khoăn
     Tim non, mặt đã già khằn từ lâu
     Thuần phong mỹ tục làm đầu
     Chàng, nàng quên mất bể dâu cũng dời …
     ….

https://poem.tkaraoke.com/97880/ung_thu_tu_cach.html

(Người viết xin cám ơn và cũng xin cáo lỗi cùng tác giả vì đã trích một ít câu trong bài thơ trên để viết cho bài này mà không làm sao có thể xin phép tác giả trước.)

Hổng biết có bao nhiêu lão chỉ cặp bồ cặp bịch … cho vui thôi và có bao nhiêu lão rước nàng “dìa dinh”, bảo lãnh sang “quê huơng thứ hai”, để rồi … Ôi thôi! Khối những cặp … có thể xứng đôi … mà không vừa lứa, những chuyện tình dang dở, trắc trở, ná thở, … những chuyện tình éo le, tình, tiền, tài, tội, tù, tu, tự tử, … tích tịch tình tang, … họ viết đầy dẫy trên báo chí, Internet, Facebook, v.v…

Ôi những mối tình vong niên!

     Năm anh hai mươi, em mới sinh ra đời
     Ngày anh bốn mươi, em cũng vừa đôi mươi …

     Có khi “Năm anh hai mươi, em vẫn chưa ra đời”
     –
Lại có khi “Ngày anh bốn mươi, em cũng chửa đầu thai”!

Đúng như Nhạc Sĩ Y Vân đã than thở trong “Hai Mươi Bốn Mươi”:

     Ôi ! “Tình đời nhiều lúc mỉa mai”
     Ðầu vừa điểm phai, gặp nhau tưởng duyên may,

Biết rằng “duyên may gặp gỡ”, lỡ tuổi lỡ thời,

     Ngờ đâu tình duyên đã lỡ rồi
     Lỡ tuổi lỡ thời, nay ta không xứng đôi,

     Thôi thôi chờ kiếp sau.

“Thôi thôi chờ kiếp sau” cũng buồn và lâu quá! Ngặt nỗi ca dao lại cũng có câu:

     Chồng già vợ trẻ là tiên
     Vợ già chồng trẻ là duyên nợ nần.

hay

     Vợ già chồng trẻ là duyên ba đời.

Có lẽ trên đời cũng có những cặp “Chồng già vợ trẻ là tiên” thật! Để mấy lão “trâu già” nghe vậy mà ham, đua nhau đi tìm “cỏ non”

Mà gẫm lại chuyện “Trâu già thích gặm cỏ non” không phải mới mẻ gì, chẳng phải trong thời buổi hiện đại mới xảy ra đâu.

Ngược dòng thời gian, tìm về quá khứ thì từ nhiều thế kỷ trước đã từng có nhiều mối tình vong niên, yêu nhau quên đi sự chênh lệch về tuổi tác. Mà hầu hết là chàng đã già, lớn hơn nàng nhiều tuổi …

“Tình yêu không có tuổi”, “lão ấu tương giao”, không phân biệt tuổi tác, tuổi già nhưng tâm hồn vẫn trẻ trung!

     Yêu nhau có ai hỏi
     Tuổi ít hay tuổi nhiều
     Tình yêu không có tuổi
     Tuổi tình yêu trong yêu.
          (Hoàng Xuân Độ, “Tình yêu không có tuổi”
)

Ngày xưa các cụ cũng “đa tình”, hào hoa, vướng vào vòng tình ái và đã từng tự hỏi:

     Cái tình là cái chi chi,
     Dầu chi chi cũng chi chi với tình
     Đa tình là dở
     Đã mắc vào, đố gỡ cho ra
     Khéo quấy người một cái tinh ma
     Trói buộc kẻ hào hoa biết mấy …
          (Nguyên Công Trứ, “Chữ Tình”
)

Nên chi Uy Viễn Tướng Công khi về hưu, đến 73 tuổi còn “yêu say đắm” và cưới một người thiếp tuổi chỉ mới đôi mươi. Người thiếp hỏi “chàng” bao nhiêu tuổi, ông bèn làm hai câu:

     Tân nhân nhược vấn lang niên kỷ?
     Ngũ thập niên tiền nhị thập tam.

     Em hỏi anh đã mấy xuân xanh?
     – Năm mươi năm trước thì anh 23 tuổi!

     Cô dâu mới hỏi chàng bao tuổi
     Năm mươi năm trước mới hăm ba.

Chứng tích “Trâu già thích gặm cỏ non” trong Văn Học khá nhiều.

Như cụ Dương Khuê (1839-1902) thì:

     Ngày xưa Tuyết muốn lấy ông,
     Ông chê Tuyết bé, Tuyết không biết gì.
     Bây giờ Tuyết đã đến thì,
     Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già.

     Hồng, Hồng, Tuyết, Tuyết,
     Mới ngày nào còn chửa biết cái chi chi
     Mười lăm năm thắm thoát có xa gì
     Chợt ngoảnh lại đã đến kỳ tơ liễu.

     我 浪 遊 時 卿 尚 少
     Ngã lãng du thời khanh thượng thiếu,

     卿 今 許 嫁 我 成 翁
     Khanh kim hứa giá ngã thành ông.
*

     Cười cười, nói nói thẹn thùng
     Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại
     Riêng một thú Thanh Sơn đi lại
     Khéo ngây ngây, dại dại với tình
     Đàn ai một tiếng Dương Tranh.
          (Dương Khuê, “Gặp người cũ”
)

* Khi xưa học Việt văn, các sách giáo khoa, các tài liệu thường chép tiếng xưng hô này là “quân” 君, nhưng quyển Thơ tình Việt Nam và thế giới của Nguyễn Hùng Trương (trang 33, bài 22) chép “khanh” 卿, người viết nghĩ rằng dùng tiếng xưng hô “khanh” nghe dịu dàng và thân mật hơn.

Ôi buồn làm sao!

     Ngã lãng du thời khanh thượng thiếu,
     Khanh kim hứa giá ngã thành ông.

Lúc anh còn trẻ vui chơi phóng túng thì em hãy còn bé lắm,

Bây giờ em đã đến tuổi lấy chồng thì anh đã già rồi!

Ôi thôi! Bây giờ thì:

     Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già!

(Thông thường người ta chỉ hiểu nghĩa đen theo lời ca của bài ca trù này. Tuy nhiên, qua bài này tác giả đã gởi gắm nhiều ẩn ý thâm thúy, muốn nói ra tâm trạng của mình trong hoàn cảnh và bối cảnh lịch sử cụ thể mà tác giả đã trải qua.)

Ngược dòng lịch sử trở về hàng thế kỷ trước thì chuyện “Trâu già thích gặm cỏ non” cũng đã xảy ra rồi!

Khoảng năm 1994-1995, khi khai quật một ngôi mộ cổ ở Trung Quốc, người ta tìm thấy bài thơ 4 câu, 16 chữ khắc trên một miếng gỗ quý để trên ngực hài cốt của một thiếu nữ khoảng 17 tuổi. Bài thơ không có tựa và không biết tác giả.

(Nguyễn Hùng Trương, 1998. Thơ tình Việt Nam và thế giới. Trang 978, Bài số 976a
Nhà Xuất Bản Thanh Niên, TP.HCM)

Nhiều tài liệu cho rằng ngôi cổ mộ được khai quật ở tỉnh Triết Giang vào năm 1994, được xác định có niên đại khoảng 2 thế kỷ.

(Hoàng Dân, “Bài thơ trên bia mộ cổ”)

Không biết vì lý do gì thiếu nữ này qua đời khi còn quá trẻ.

君 生 我 未 生Quân sinh ngã vị sinh 
我 生 君 已 老Ngã sinh quân dĩ lão
君 恨 我 生 遲Quân hận ngã sinh trì
我 恨 君 生 早Ngã hận quân sinh tảo

     Chàng sinh thiếp chửa ra đời
     Thiếp sinh chàng đã già rồi còn đâu
     Chàng buồn vì thiếp sinh sau
     Bởi chàng sinh sớm thiếp sầu ngàn thu.

          (Mai Văn Tạo dịch)

Các bản dịch của Hoàng Nguyên Chương:

     Chàng sinh, em chưa sinh
     Em sinh, chàng đã già
     Chàng hận em sinh muộn
     Em hận chàng sinh sớm.

     Chàng sinh từ lúc em chưa sinh
     Em sinh chàng đã hết ngày xanh
     Chàng mang hờn oán em sinh muộn
     Em hận chàng sinh trước tuổi mình

Theo một tài liệu văn học, bài thơ chỉ có 4 câu được tìm thấy trông ngôi mộ cổ là khổ đầu của bài thơ đề quạt, gồm 4 khổ, mỗi đoạn 4 câu, do một kỷ nữ ở đất Tân Hoài viết ra từ đời nhà Đường, khi quen biết một khách tình đã trọng tuổi.

Nhưng trong tạp chí “Kiến thức ngày nay”, số 361, ngày 28 tháng 08 năm 2000, các tác giả cho rằng các nhà khảo cổ khai quật được một ngôi mộ táng kép ở Thiên Tân, ngày 6 tháng 10 năm 1998, có niên đại 6.000 năm. Người ta đã tìm thấy trong ngôi mộ hai bộ hài cốt táng cạnh bên nhau. Hài cốt thứ nhất của một người đàn ông khoảng 50 tuổi, hài cốt thứ hai của một cô gái khoảng 18 – 20 tuổi.

Bài thơ 16 câu trên được khắc trên tấm bia mộ, có tựa là “Thiên cổ hận”.

(Theo Lưu Khâm Hưng, “Bài thơ tình trong ngôi mộ cổ”)

君 生 我 未 生Quân sinh ngã vị sinh 
我 生 君 已 老Ngã sinh quân dĩ lão
君 恨 我 生 遲Quân hận ngã sinh trì
我 恨 君 生 早Ngã hận quân sinh tảo
  
君 生 我 未 生Quân sinh ngã vị sinh
我 生 君 已 老Ngã sinh quân dĩ lão
恨 生 不 同 時Hận sinh bất đồng thời
日 日 與 君 好Nhật nhật dữ quân hảo
  
君 生 我 未 生Quân sinh ngã vị sinh
我 生 君 已 老Ngã sinh quân dĩ lão
我 離 君 天 涯Ngã ly quân thiên nhai
君 隔 我 海 角Quân cách ngã hải giác
  
君 生 我 未 生Quân sinh ngã vị sinh
我 生 君 已 老Ngã sinh quân dĩ lão
化 蝶 去 尋 花Hóa điệp khứ tầm hoa
夜 夜 棲 芳 草Dạ dạ tê phương thảo.

Dịch nghĩa:

     Quân sinh ta chưa sinh, ta sinh quân đã lão
     Quân hận ta sinh muộn, ta hận quân sinh sớm

     Quân sinh ta chưa sinh, ta sinh quân đã lão
     Hận không sinh đồng thời, ngày ngày cùng quân hảo

     Ta sinh quân chưa sinh, quân sinh ta đã lão
     Ta xa quân chân trời, quân cách ta góc bể

     Ta sinh quân chưa sinh, quân sinh ta đã lão
     Hóa điệp đi tìm hoa, đêm về đậu cỏ thơm.

          (Theo Hoàng Dân, “Bài thơ trên bia mộ cổ”)

Dich thơ:

     Chàng sinh từ lúc em chưa sinh
     Em sinh, chàng đã hết ngày xanh
     Chàng mang hờn oán em sinh muộn
     Em hận chàng sinh trước tuổi mình.

     Chàng sinh từ lúc em chưa sinh
     Em sinh, chàng đã hết ngày xanh
     Hận sao không được sinh cùng lứa
     Để được ngày ngày vui với anh.

     Chàng sinh từ lúc em chưa sinh
     Em sinh, chàng đã hết ngày xanh
     Em xa chàng mãi chân trời vắng
     Chàng cách xa em góc biển tình.

     Chàng sinh từ lúc em chưa sinh
     Em sinh chàng đã hết ngày xanh
     Ước cùng hóa bướm tìm hoa đẹp
     Sát cánh đêm đêm đậu cỏ nhành.

          (Hoàng Nguyên Chương dịch)

Trong bài thơ, 2 câu đầu đã được lặp đi lặp lại cho cả 4 khổ thơ một cách có chủ ý, có thể để nhấn mạnh về sự nghiệt ngã của thời gian đối với con người sinh ra trong cõi đời:

君 生 我 未 生Quân sinh ngã vị sinh 
我 生 君 已 老Ngã sinh quân dĩ lão

     Chàng sinh, em chưa sinh
     Em sinh, chàng đã già …

Nội dung, ý tưởng của bài thơ tình lãng mạn này có thể khiến cho các nhà xã hội học, đạo đức học, tâm lý học, triết học, … phải suy nghiệm lại về “sự phức tạp của người đời và đời người trước thời gian”.

“Phải chăng thơ tình cũng là tấm gương soi thời gian, soi rõ được tâm hồn muôn nơi muôn thuở của nhân loại. Nó cho ta thấy rõ được cái hay, cái đẹp, cái xấu, cái dở cũng như những suy tư ước vọng, hy vọng, tuyệt vọng …và cả những điều phức tạp khó hiểu nhất của con người?!” (Hoàng Nguyên Chương)

Nhiều tài liệu nói về bài thơ tình đặc biệt được tìm thấy trong ngôi mộ cổ này, không thống nhất và có thể có nhiều dữ kiện không chính xác và không đáng tin cậy.

Tuy nhiên, nhìn chung đây là một bài thơ tình lãng mạn nói lên tâm sự của một người con gái trong độ tuổi thanh xuân, không biết vì sao lại đem lòng yêu thương một ông già tuổi đáng cha chú của mình …

Những mối tình giữa hai tình nhân vong niên, dù có thể là những sự phiêu lưu trong tình yêu, vì nghe theo tiếng gọi của con tim chớ không theo lý trí …, có lẽ cũng là những mối tình đẹp, tình cảm của họ có thể vô cùng sâu đậm, nhưng dở dang vì sự cách biệt tuổi tác quá lớn, vì dư luận xã hội, … khiến hai kẻ yêu nhau đau khổ vì không đến được với nhau …

Người viết không biết nhiều về chữ Nho, không phải là “Hán(g) rộng”, nhưng khi thưởng thức bài thơ tình trên, cũng cảm thấy đồng cảm với những mối tình vong niên chân thật, nên cũng “điếc không sợ súng”, nhắm mắt làm liều “múa rìu qua mắt thợ”, thử dựa theo đề tài này mà “tối tác” ít dòng thơ chữ Nho, đặt là “Tình Hận Ca”, đồng cảm với nỗi đau buồn tương tư giữa hai tình nhân cách biệt nhau về tuổi tác và cách biệt nhau nghìn trùng, khó có thể đến với nhau, chỉ đêm đêm sầu tương tư và nhớ nhau …

Bài thơ chữ Nho nguyên bản trên đây là lời của người thiếu nữ nói với tình nhân, xưng là “ngã” (tôi, em, thiếp, …), gọi người tình là “quân” (anh, chàng, …). Người viết dựa vào nội dung làm bài thơ “version” khác, muốn bày tỏ lời của chàng nói với nàng, tuổi nhỏ hơn mình nhiều, dùng tiếng xưng hô là “khanh” (em, nàng, …).

Người viết đã đưa cho một người bạn làm chung là người Hoa, nói tiếng Quan Thoại (Mandarin), xem để góp ý và sửa đổi câu văn và dùng từ ngữ thích hợp. Người bạn có đề nghị dùng một số từ ngữ rất hay và rất thích hợp với nội dung và ý tưởng bài thơ. Cũng xin cám ơn người bạn ấy. Người viết thử làm bài thơ này để … chơi !  Nếu có sai sót, kính xin quý độc giả chỉ giáo cho.

情恨謌Tình hận ca
緣 起 春 尚 至Duyên khởi xuân thượng chí
有 情 初 遇 時Hữu tình sơ ngộ thì
相 憐 情 愛 好Tương liên tình ái hảo
情 深 愁 相 思Tình thâm sầu tương tư
卿 恨 我 生 早Khanh hận ngã sinh tảo
我 恨 卿 生 遲Ngã hận khanh sinh trì
相 見 我 已 老Tương kiến ngã dĩ lão
卿 尚 少 年 姿Khanh thượng thiếu niên tư
年 歲 不 相 若Niên tuế bất tương nhược
猶 恨 遙 別 離Do hận diêu biệt ly
恨 居 不 同 處Hận cư bất đồng xứ
恨 生 不 同 時Hận sinh bất đồng thì
人 生 似 促 旅Nhân sinh tự xúc lữ
朝 暮 手 相 執Triêu mộ thủ tương chấp
夜 夜 愁 相 思Dạ dạ sầu tương tư …
 (TLQ)

Ý thơ:

     Duyên tình duyên buổi đầu xuân gặp gỡ
     Mến yêu nhau tình chớm nở đẹp sao
     Thuở ban đầu mà tình ái đậm sâu
     Rồi tương tư … để buồn đau … tình hận!

     Em hận anh sao chào đời quá vội
     Anh hận em sinh quá đỗi muộn màng …
     Anh gặp em, đời ngã bóng chiều tàn
     Em thùy mị tuổi thơ ngây dịu dàng bé bỏng …
     Ôi cách biệt! Anh và em sao không cùng tuổi mộng
     Lỡ tuổi lỡ thì để biệt ly tình hận …
     Hận biệt phương trời, hai kẻ ở hai nơi
     Hận tháng năm lỗi hẹn lúc chào đời
     Như lữ khách, cõi nhân gian một kiếp người vội vã …
     Để sớm chiều cùng vấn vương tình hận
     Để đêm đêm buồn nhớ mãi tương tư …

Giữa hai người trong nhiều cặp đôi vong niên, có thể có những dị biệt, khác biệt về sở thích, lối sống, quan điểm về mọi mặt của cuộc sống, v.v… hai thế hệ cách biệt …

 Những quan điểm xã hội, đạo đức, những phạm trù đạo đức, luân lý, quan điểm xã hội, v.v… có thể cho rằng đó là những yêu đương lăng nhăng, tìm hoan lạc, vi phạm đạo đức, hay lợi dụng nhau qua những trò đùa tình ái, …

Nhưng trên đời cũng đã có biết bao mối tình éo le đầy oan trái của những cặp tình nhân cùng trang lứa, cũng xứng đôi vừa lứa, môn đăng hộ đối lúc ban đầu, nhưng rồi …

Nói đi thời cũng phải nói lại, phàm việc gì cũng có hai mặt, nên không quơ đũa cả nắm. Không phải là tui binh mấy lão “già dịch, già dê”, nhưng chuyện gì cũng xảy ra trên đời, không có gì lạ dưới ánh mặt trời.

Tình cảm con người quả thiệt khó hiểu thay! Nhiều khi mình dành tình cảm cho một người nào đó mà không thể hiểu vì sao!

Xét về mặt tâm lý, tâm sinh lý, … điều chủ yếu là được chia sẻ những nỗi buồn vui, quan tâm lẫn nhau, lo cho nhau trong cuộc sống, và cảm thấy gần gũi, thoải mái, dễ chịu, bình yên, … và hạnh phúc khi bên nhau …

Chuyện “Trâu già thích gặm cỏ non”, những chuyện tình vong niên chênh lệch tuổi tác, thường là chàng đã có tuổi và hơn nàng nhiều tuổi, có lẽ từ ngàn xưa tới nay, từ đông sang tây, khắp trên thế giới nơi nào cũng có.

Thiên tài văn chương Nga Fyodor Dostoevsky, lúc 45 tuổi, yêu và kết hôn với người vợ thứ hai là Anna Snitkina 20 tuổi, chênh lệch tuổi tác đến 25 tuổi! Anna cũng yêu ông thật lòng, luôn bên cạnh ông suốt quảng đời còn lại của ông và đã giúp ông thành công rất lớn trong sự nghiệp văn chương.

Xin xem bài “Thiên tài và thử thách” của Phạm Ngọc Khôi (Mục “Biên Khảo Sưu Tầm”) trong trang Đặc San Xuân Tân Sửu này:

https://sites.google.com/a/khoahocsaigonds.com/dhac-san-xuan-tan-suu/home/bien-khao—suu-tam/thien-tai-va-thu-thach—pham-ngoc-khoi

Xét về “Đạo lý” của Thiên Nhiên, dưới con mắt Sinh Vật Học, thì Đạo lý của Thiên Nhiên là duy trì và truyền lưu nòi giống, sinh con đẻ cái càng nhiều càng tốt. “Hiện tượng xã hội” nam giới bị thu hút bởi nữ giới trẻ đẹp hơn cũng là bình thường theo quy luât tự nhiên, là bản năng sinh tồn của loài người. Từ khi loài người xuất hiện, quy luật tự nhiên đã “program” cho loài người bản năng này để truyền lưu và phát triển nòi giống, sinh sản ra thế hệ con cái khỏe mạnh và xinh đẹp, …

Thực tế, trên phương diện Y Khoa hay xét về mặt sinh lý thì đàn ông dù quá tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn còn khả năng sinh sản bình thuờng. Nhất là ngày nay tuổi thọ trung bình của loài người đã tăng rồi. Có người trên 70 vẫn còn phong độ, “tuổi mới đi vào đời”.

Độ tuổi U70, U80 ngày nay không còn là “lứa tuổi thất thập cổ lai hy” nữa!

     60 chưa phải là già
     60 là tuổi mới qua dậy thì
     65 hết tuổi thiếu nhi
     70 là tuổi mới đi vào đời
     75 là tuổi ăn chơi
     80 là tuổi yêu người yêu hoa

Trong khi đó đàn bà đến độ tuổi này thì …

Một đôi tình nhân hay vợ chồng, nếu người đàn ông lớn tuổi hơn thì còn có thể “coi được”, chớ đàn bà mà lớn tuổi hơn thì “coi sao được!”, có thể là vì cảm quan, não bộ con người đã được thiên nhiên “program” rồi, vì điều này không hợp với “đạo lý của tự nhiên”. Người ta gọi là “phi công lái máy bay bà già”.

     Chồng già vợ trẻ là tiên
     Vợ già chồng trẻ là duyên nợ nần.
     (Vợ già chồng trẻ là duyên ba đời).

Ôi thôi! Kệ người ta đi!

Tình cảm mỗi người nảy sinh thế nào, ai mà biết được. Yêu thiệt lòng hay “yêu giả lòng” thì có trời mới biết! “Vợ già chồng trẻ” thì âu cũng là “duyên nợ nần” hay “duyên ba đời” vậy!

Những chuyện tình “Trâu già thích gặm cỏ non” từ xưa cho đến nay, từ Đông sang Tây không nhất thiết đều “dị hợm” hoặc “không có kết quả tốt đẹp” theo cảm quan thông thường. Có nhiều chuyện tình vong niên rất thơ mộng, lãng mạn, … và họ vẫn luôn hạnh phúc bên nhau …

Những chuyện tình cảm “Trâu già thích gặm cỏ non” không chỉ nảy sinh trong tim mấy lão “An-nam-mít” hải ngoài về quê hương “hái chùm khế ngọt”, mà ở nhiều nước khác trên thế giới cũng đầy dẫy những chuyện tình loại này.

Quý vị nào quan tâm vấn đề này có thể tìm thấy trên Internet, ngày nay đầy dẫy.

Thí dụ trang bài viết “6 chuyện tình ‘trâu già thích gặm cỏ non’ dậy sóng dư luận”, Trong đó có nhiều cặp đôi số tuổi chênh lệch nhau đến 40 năm hay hơn nữa!

https://danviet.vn/6-chuyen-tinh-trau-gia-thich-gam-co-non-day-song-du-luan-7777730392.htm

Nói chung ở đâu có loài người là có tình yêu, và tình yêu thì không biên giới và tình yêu thì không có tuổi!

Xuân này, “xuân hồi sinh”, thế giới hy vọng sẽ hồi sinh sau cơn đại dịch Covid-19, có thể nào được “hồi xuân” trong mùa “xuân hồi sinh” không!

     60 chưa phải là già
     60 là tuổi mới qua dậy thì
     65 hết tuổi thiếu nhi
     70 là tuổi mới đi vào đời
     75 là tuổi ăn chơi
     80 là tuổi yêu người yêu hoa
     90 mới bắt đầu già
     Đêm, Ngày vẫn cứ mặn mà yêu thương
     100 có lệnh Diêm Vương
     Cứ ở trên ấy yêu thương thỏa lòng
     Bao giờ đạn hết lên nòng
     Từ từ đi xuống là xong là vừa!!!

Lạng-Quạng Tiên-Sinh