Tình tui cá lóc nướng trui!
Đoàn Xuân Thu
Miền Tây mưa hai mùa! Mùa mưa từ đầu tháng Năm. Mùa nắng từ đầu tháng Mười Một. Tháng Chạp, bà con gặt hái, lúa chất vô bồ thì gió chướng thổi, mưa thưa dần, trời se se lạnh!
Chim quốc theo về phía bên sông, trong những lùm cây, bụi rậm dọc theo các kinh, rạch hoặc theo những bãi sông. Nó kêu ‘quốc quốc’ làm cảm thương người, sau 1975, mất nước.
Vậy là đêm quê người, văng văng tiếng ‘quốc’ gọi trong mơ, nửa tỉnh nửa mê tui thả hồn về quê cũ.
***
Nhớ quanh nhà, những chùm bông so đũa nở trắng một màu thương, treo lủng lẳng trên cành. Má kêu lấy cây sào, trên đầu nó chẻ hai, nhét một khúc cây nhỏ vào để làm càng, đưa lên hái những chùm bông so đũa lunh linh rung rinh trong gió sớm, về cho Má nấu canh chua cá linh mùa nước nổi đang độ cá ra sông!
(Bây giờ chắc hàng cây so đũa quanh hè đã thêm già lão, thân khẳng khiu, da nức nẻ! Nó cũng giống như tui thôi. Thiên hạ tưởng mình chơi sang, mang giày làm bằng da cá sấu chớ thật ra lúc đó tui đi cẳng không!)
***
Miền Tây, quê mình, đường thủy nối liền từ tỉnh về đến quận, xã rồi lan tỏa ra các ấp. Trong lòng sông, kinh, rạch, ao, hồ, vuông, xẻo ấy, thiên nhiên trù phú, Trời ban cho đầy cá, tôm, cua.
Khi tiết Trời se lạnh đến chạnh lòng nhớ mùi rạ mới, sau khi đập lúa chất thành một đống rơm. Rơm để nhúm bếp, để cho trâu bò nhơi cho hàm răng nó trắng!
Nhớ tiếng cá rô quẫy, ăn móng trong những mương vườn phủ đầy cỏ, lác! (Cá rô ăn móng, dợn sóng giữa đìa. Kẻ nơm người xúc, biết dìa tay ai?)
Khi đầu làng, cuối xóm, tiếng quết bánh phồng nghe thình thịch. Trăng hạ tuần tháng Chạp là nhớ mùa tát đìa và tát mương ăn Tết.
Khi gió bắt đầu trở chướng, cá trên đồng rút xuống sông, theo con nước lớn, lội vào mương nhỏ nước sâu được chất chà. Vô đây ở đi mấy chú, rồi chờ đến cuối năm tui tát đìa, tát mương đem mấy chú lên bàn nhậu hé!
***
Nhớ Tảo mộ ông bà vào 25, tháng Chạp âm lịch, mỗi năm. Mả đất thì giẫy cỏ cho sạch, xong móc sình bồi đắp lại cho khỏi mồ xiêu mả lạc. Mả tô thì quét vôi lại cho tươm tất đàng hoàng.
Phong tục của ông bà mình truyền lại: ‘Sống cái nhà; chết cái mồ!’ Chuẩn bị ăn Tết, nhà cửa phải dọn dẹp, lau chùi, sơn phết lại thì cái mả cũng y chang.
Đi Tảo mộ không quên mang theo con gà luộc để cúng đất đai nhơn trạch. Làm xong mệt, rửa tay, đặt con gà trên đầu mộ, lâm râm khan vái mời ông bà về mà hưởng phước.
Xong, cắt vài tàu lá chuối trải ra trên mặt đất, xé con gà ra chấm muối ớt để cùng anh em ruột thịt tha phương, một năm mới gặp chú mầy, anh em xúm lại xum vầy nhậu chơi!
Rồi cũng cuối tháng Chạp, chỉ hai ba bữa nữa là Tết tới, trăng hạ tuần treo lơ lững đọt tre, nước rút bớt ra sông, nước kém thì kẻ phát cỏ, người kéo lục bình, móc chà vụt lên bờ, dọn cho sạch để chuẩn bị tát mương vườn kiếm cá tôm mà ăn Tết!
Mương vừa vừa thì ba bốn người dùng thùng thiếc tát qua mương kế cạnh. Mương trộng trộng hơn thì tát bằng gàu dai. Hai đứa nhịp nhàng, thả gàu xuống, múc đầy nước lên, đổ qua chỗ khác.
Khoái nhứt là tát với em. He he! Chu choa con gái miệt vườn, tóc mai lòa xòa rịn vài giọt mồ hôi, mắt màu khói đốt đồng, nghiêng xuống, gàu đầy nước, nhổng lên tát.
Thằng ‘cu’ miệt vườn nhìn em đắm đuối nhưng ác thay em lại đắm đuối nhìn anh, vốn là thằng dân chợ, xưa giờ chỉ biết ăn; nên em đừng trông mong anh biết tát mương vườn, bắt cá gì đâu!
Mặt trời vừa lên khỏi ngọn cau, mực nước giựt hơn phân nửa, cá bắt đầu động đậy, tôm càng nổi đỏ râu, bún nghe lách tách. Vài con cá lóc bự ế kinh, cứ trườn qua trườn lại rồi lóc lên chỗ nước lắp xắp để tìm chỗ thoát thân.
Bỏ gàu dai, tát bằng thùng thiếc đến khi mương gần cạn nước, nhìn thấy bùn non và cá tôm lủi nhủi trong bùn thì ngừng tát.
Tôi chỉ ngồi trên bờ miệng la: “Nó đó! Nó đó!”.
Em đang mò dưới mương hỏi: “Đâu đâu?”
Tôi bèn chỉ tay vô mình nói: “Đây nè! Bắt tui nè!”.
Em hứ nghe cái cốc, mắng yêu:“Anh nầy! Đồ quỷ nè!”
Dưới mương, nước đã cạn, bùn lún tới gối, mạnh ai nấy mò, cá bắt được cho vào giỏ. Nào là cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặt, tôm tép mà còn có lươn, cua, rùa, ốc.
Trên bờ, tui sợ bù mắt cắn, ngồi chong ngóc chỉ có thò lỏ con mắt ra mà dòm! Ngoài tui ra, còn có đám con nít ke, đứng quanh mương thấy cá nó lóc, tôm nó nổi râu, là la chói lói.
Người lớn bắt cá lớn xong; còn sót lại, cá hủng hỉnh, mấy đứa con nít chừng 10, 11 tuổi mới được cho lội xuống để bắt hôi! Đứa nào mình mẩy cũng lấm lem bùn đất.
Mùi bùn non xộc vào mũi. Nhưng mùi bùn non trên ngực áo của em lại thơm thơm hơn mới chết! He he!
Bắt cá xong, cả đám vác thùng thiếc đựng chiến lợi phẩm, leo lên bờ mỗi đứa vấn một điếu thuốc rê, bự bằng sâu kèn, cỡ ngón tay cái, ngồi phun khói mù mịt để đuổi bù mắt!
Xong, cắt mấy tàu lá chuối trải lên mặt đất, bắt trong thùng tôm cá ra chia. Chủ mương được 6 phần. Bà con lối xóm đến tát phụ được 4 phần. Con nào còn nhỏ thì thả xuống ao kế bên để nuôi tiếp cho năm sau.
Cá mang về rộng đầy lu, đầy khạp. Cá nhỏ ăn một bữa không hết, phơi nắng làm khô ăn cho tới ra Giêng. Cá, tôm bự chảng thì lựa, để qua một bên để con vợ đi chợ bán, lấy tiền mua trà, thuốc rê hiệu ông Tề, bánh mứt cho ba bữa Tết.
Chỉ chừa chừng 4, 5 con cá lóc trộng trộng đem nướng trui cho cả đám vừa tát mương xong, xúm lại nhậu chơi!
Em rề rà tới cạnh bên tui, nói nhỏ: “Anh Hai!”
“Không! Tui thứ ba!”
“Ờ anh Ba, khoan về, ghé vô nhà nhậu với Tía em!”
“Bậy nè! Tía em Ba không kêu tui nhào vô nhậu chực kỳ lắm!”
(Tui có tâm địa tối đen nên cho em cùng thứ với tui mà em đâu có hiểu!)
“Hông! Em thứ Hai, tên Bông! Hai Bông! Em biết ý Tía em rồi! Tía em khoái gả em về Chợ hè!”
***
Em Hai Bông xăng xái: “Bắt con cá lóc nướng trui! Làm mâm rượu trắng đãi người tình xa”.
Cá không mổ bụng, không cạo nhớt, không đánh vảy và cũng không ướp gì ráo. Chỉ rửa sạch cá, xong xiên một thanh tre tươi từ miệng đến đuôi cá; rồi ghim cái đầu cá xuống đất, phủ rơm khô lên đốt!
Chừng 15 phút, cá không còn rỏ nước xuống, rơm đã cháy tàn tro là cá vừa chín tới. Mùi thơm của cá nướng mùi khen khét của rơm vừa mới cháy hết.
Dùng rơm khô có sẵn tại đồng, chà sạch lớp vảy khét! Đừng chà mạnh quá làm rách lớp da cá đã chín giòn. Nhiêu đó cũng đủ mồi cho một xị rượu đế!
Dùng dao rọc dọc theo đường xương sống cá, xẻ cá ra làm đôi sao cho thịt cá không bị nát. Lấy tay bóc chấm với muối hột.
(Cách ăn đó có vẻ miền Tây hoang dã nhưng quá đã; có cả hàng trăm năm trước, từ khi ông bà mình từ miền Trung vào khẩn hoang lận!)
Bây giờ nhà cửa đàng hoàng thì cá nướng trui, chuối chát, rau dại ngoài vườn cuốn bánh tráng chấm nước mắm me!
Làm vài chung rượu đế là tui gan hè! Thấy Tía em bận ra trước cửa săm soi mấy chậu bông vạn thọ, tui thừa cơ chui xuống bếp để nói thơ với em Hai Bông:
“Ngó lên trời con chim hóa phụng! Ngó xuống biển có con cá hóa long.
Anh đi lục tỉnh giáp vòng. Đến đây sao khiến đem lòng thương em?”.
Bữa nhậu nhà em năm đó là bữa nhậu cuối cùng của tui ở Việt Nam. Tháng Ba năm đó, tui rù quến, dắt em Hai Bông ‘dông’ luôn ra biển.
***
Em Hai Bông, tức con vợ của tui bây giờ, chỉ là một phụ nữ Miệt vườn, nhan sắc cũng bình thường như bao nhiêu người con gái khác. Nhưng tui gắn bó dài lâu với em, chẳng qua em có cuốn thiên thư do Má em truyền lại, chỉ rằng: “Muốn đến tim của thằng chồng con; là con phải tìm đường qua cái bao tử của nó!” Cái bao tử của tui đã chấm em Hai Bông với món cá lóc nướng trui từ độ ấy!
Tình tui cá lóc nướng trui; hồ dễ đã hơn 40 năm, hai đứa má tựa vai kề trên bước đường lưu lạc. Thế nên dù ai nói ngả nói nghiêng; tình tui vẫn vậy hổng nghiêng bao giờ.
Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.