Tình mẫu tử của Tây!

Đoàn Xuân Thu

Tinh mau tu cua tay 01

Đến định cư ở nước Úc nầy đây có cái sướng là ăn cái gì cũng gấp hai lần. Ăn Tết cũng hai; Tết Tây rồi tới Tết ta. Ăn mừng ngày Từ mẫu cũng hai.

Mother’s Day của Úc mới ăn vào ngày Chủ Nhựt, thứ Hai của tháng Năm, tức ngày 13, tháng Năm; giờ là ngày Từ Mẫu của ta, tức lễ Vu Lan, rằm tháng Bảy âm lịch, rơi vào ngày Thứ Bảy, 25, tháng Tám, dương lịch.

Ngày Từ Mẫu ăn mới vừa xong thì lại ăn nữa; ăn mừng ngày Từ Phụ! (Father’s Day), Chủ Nhựt đầu tiên của tháng Chín, rơi vào ngày mùng 2, tháng Chín.

Ăn hoài hè; hèn chi mấy chị em mình phục phịch, ục ịch như cái hột mít; còn mấy anh em phe mình cứ vác cái thùng nước lèo è ạch đi xuống đi lên.

Nhớ coi chừng mỡ máu… Nhờ vậy, bác sĩ sẽ vui hơn vì có thêm nhiều bệnh nhân đến khám. Còn báo, tạp chí, internet, rầm rộ in truyện cảm động về tình mẫu tử, truyền hình chiếu phim, đài phát thanh kể chuyện; đề tài toàn về người Mẹ.

Dẫu không phải là ngày lễ chính thức của Liên Bang Úc; (cu li nghỉ làm được trả lương); nhưng rơi vào ngày Chủ Nhựt, nên sở sùng, trường học đều đóng cửa.

Chỉ có nhà hàng, quán cà phê, siêu thị là tưng bừng mở cửa phục vụ tận tình một năm một ngày, tạ ơn Từ Mẫu!

Tiệm bán hoa cũng làm ăn khấm khá; khách hàng vô ra nườm nượp để mua hoa cẩm chướng (carnation) để dâng tặng Mẹ mình.

Cái truyền thống tặng hoa cẩm chướng nầy là do Anna Jarvis khởi xướng vào ngày 10, tháng Năm, năm 1908, tại West Virginia Hoa Kỳ; vì hồi sanh tiền Mẹ mình rất yêu loài hoa ấy.

hinh-anh-ma-5Còn người Việt mình lại chọn hoa hồng, cài lên ngực áo, nhân ngày lễ Vu Lan là theo đề xướng của Thiền sư Thích Nhứt Hạnh trong tác phẩm “Bông hồng cài áo” viết năm 1962 ở Sài Gòn do nhà xuất bản Lá Bối ấn hành.

Hoa hồng đỏ là còn mẹ; hoa hồng trắng là mất Mẹ, là mồ côi, mồ cút.

“Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên… Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức… Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ…”

Tương tự Thương con là một cái gì rất tự nhiên… Thương con không phải là một vấn đề luân lý đạo đức… Thương con là một vấn đề hưởng thụ…”
Bởi vì cho đi là nhận lại!

***

Ma cua ta 02Báo chí Việt ngữ ở hải ngoại mình, năm nào cũng có nhiều tác giả viết rất cảm động về tình mẫu tử khi Mùa Vu Lan tới. (Nhứt là các nhà văn nữ; vì tui cũng làm Mẹ chớ bộ!)

Tình mẫu tử không có phân biệt màu da chủng tộc gì hết ráo, ai cũng như nhau. Da trắng, đen, vàng, đỏ thì Mẹ cũng thương con, con thương Mẹ đó thôi.

Tuy nhiên cách biểu hiện giữa Tây và ta nó có khác…

Dưới mắt những người con Việt, Mẹ mình là một người phụ nữ yêu chồng, thương con, nên dầm mưa dãi nắng sớm hôm tần tảo: “Quanh năm buôn bán ở mom sông; nuôi đủ năm con với một chồng. Lặn lội thân cò khi quãng vắng, Eo sèo mặt nước buổi đò đông” như bà vợ của nhà thơ Tú Xương.

Còn con Tây nhìn mẹ mình hơi khác. Thấy tài năng của Mẹ không thua gì Bố; có khi còn giỏi hơn nữa kìa… Nhưng cái nhận xét về tài năng của con Tây đối người Mẹ biến thiên hoài, lên bổng xuống trầm theo đời người năm tháng.

Lên 8 tuổi. Mẹ cái gì cũng làm được. Mẹ biết đủ thứ, biết thiệt nhiều. Biết ngay cả cái mật khẩu ‘facebook’ của bố. Biết ngay chóc ngày bố lãnh lương, được bao nhiêu tiền?

Lên 12 tuổi. Té ra có vài điều mẹ không có biết. Chẳng hạn như bố hay ngóng qua hàng rào, nhìn cô hàng xóm đang tô hô nằm tắm nắng. Thiên hạ ai cũng biết mà Mẹ lại là người không biết?

Lên 16 tuổi. Mẹ mình xưa quá! Mặc thời trang, quần jean xé rách vài miếng vậy mà Mẹ chê xấu hoắc, Mẹ lạc hậu mất rồi! Cứ bắt con ăn mặc y theo ý Mẹ mới được hè.

Nên mới có chuyện: Kìa nhìn đứa kia tóc ngắn, quần jean rách hai miếng ở đầu gối, cũng gọi là thời trang, chẳng cách chi phân biệt được là trai hay gái!?” “Nó là con gái của tui đó!”

“Xin lỗi ông! Tui không biết ông chính là cha của cô bé ấy!” “Không phải cha đâu. Tui là Mẹ của nó!”

Lên 25 tuổi. Con gái Tây hỏng biết thằng bạn trai mình có phải dòng giõi Bùi Kiệm làm biếng học, thi rớt hoài hay là Sở Khanh, chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao, trước khi quyết định trao thân ngà ngọc về cho nó vọc… là phải hỏi ý Mẹ mình mới được. Cái nầy chắc Mẹ em cũng biết!

Lên 45 tuổi. Muốn đập bể cây đàn, dứt gánh sang ngang vì thằng chồng tối ngày chỉ lo ăn nhậu… Sao cứ mãi ngần ngừ… Thôi nó rồi; biết có còn kiếm được ai khác hay không? Ruột rối tơ vò phải hỏi ý Mẹ mình mới được.

Lên 65 tuổi. Không còn Mẹ nữa. Tài sản quý nhứt cuộc đời đã lẳng lặng ra đi, coi như con chịu cảnh mồ côi. Vui chẳng dám cười mà buồn chẳng dám than! Hu hu!

***

Tinh mau tu cua tay 02Tây hay ta gì cũng vậy, đều đồng ý là: Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào.

Thương con như con gà mái xòe cánh ra che chở đàn con trước con diều hâu vần vũ ở trên đầu. Con mình hư mà Mẹ cứ binh chằm chằm hè.

Chuyện rằng: Thằng nhóc Johnny vừa nghỉ hè xong, trở lại trường đi học. Hai ngày sau, thầy giáo điện thoại mắng vốn rằng: nó rất cứng đầu không chịu nghe lời dạy bảo gì ráo.

Mẹ Johnny trả lời: “Nè nè! Tui với thằng Johnny suốt ba tháng Trời dài đăng đẳng vậy mà lúc nào nó cứng đầu không chịu nghe lời dạy bảo; tui có bao giờ gọi cho Thầy để mắng vốn đâu?”

“Má ơi! Bữa nay ở trường có bị phạt về chuyện con không làm!” “Cái gì? Mẹ phải nói chuyện ra ngô ra khoai với Thầy giáo con mới được. Nhưng mà con không làm chuyện gì mà lại bị phạt.” “Con không làm bài tập cho về nhà đấy ạ.”

Rồi thằng nhóc than phiền về trường lớp; Mẹ nó cũng giơ hai tay lên đồng ý với con mình cái rụp.

Ngày đầu tiên đi học về, Mẹ hỏi: “Bữa nay con học được gì rồi?”

“Chưa xong Mẹ à. Ngày mai con lại phải tới trường. Mà Thầy giáo con không biết gì hết cả? Cái gì cũng phải hỏi tụi con hết ráo hè!”

***

Con ta, Mẹ cho tiền thì lấy chớ ít dám xin; chớ con Tây cứ tưởng Mẹ mình là nhà băng, tiền vô thiên lủng, nên: Mommy! Bữa nay con đã làm rất nhiều việc có ích và để công bằng với công sức con đã bỏ ra, Mẹ phải trả cho con những khoản tiền như sau: Nhổ cỏ trong vườn: 5 đô, đi chợ đẩy xe cho Mẹ: 10 đô. Trông em trong lúc Mẹ nấu ăn: 10 đô. Kéo thùng rác ra vô: 5 đô. Dọn phòng ngủ của con: 2 đô, Học giỏi: 20 đô. Mẹ nợ con tổng cộng là: 52 đô.”

Mommy Tây cầm bút lên, lật mặt sau của tờ giấy và viết: ‘Chín tháng mười ngày’ con trọ trong bụng Mommy: Miễn phí. Những đêm Mommy phải thức trắng chăm sóc và cầu nguyện khi con ốm đau: Miễn phí. Những giọt nước mắt khi con không vâng lời Mommy: Miễn phí. Những đêm Mommy không ngủ vì lo lắng cho tương lai của con: Miễn phí. Tất cả những đồ chơi, quần áo Mommy dành dụm từng đồng để mua cho con trong suốt mấy năm qua: Miễn phí.

Tình yêu của Mommy dành cho con, tất cả đều ‘Miễn phí’luôn con trai ạ!

***

Tinh mau tu cua tay 04Nhưng lớn lên, con Tây cũng hiếu thảo như con Việt mình đấy thôi!

Nên có chuyện rằng: Ba đứa con đã trưởng thành, ra riêng, mần ăn, mánh mung, chụp giựt và trở nên giàu có.

Nhân ngày Từ Mẫu, thằng con cả nói: “Tao sẽ xây cho Mẹ một cái nhà thiệt bự!” Thằng thứ hai: “Em sẽ mua cho Mẹ một chiếc Mercedes, và mướn một viên tài xế!”

Còn thằng Út cười hè hè: “Món quà của thằng em nầy ăn đứt hai anh rồi! Mẹ của chúng ta là người rất thích hát karaoke. Em sẽ cho Mẹ một con vẹt, thuộc tới 100 bản tình ca từ Phạm Duy cho tới Trịnh Công Sơn.

Mẹ chỉ cần yêu cầu bản “Chuyện tình buồn! Năm năm rồi không gặp từ khi em lấy chồng…” thơ Phạm Văn Bình, nhạc Phạm Duy; hay bản “Em còn nhớ hay em đã quên’ của Trịnh Công Sơn do cụ bà Khánh Ly hát cũng được tuốt.

Phải mất tới 10 năm và hơn một trăm ca, nhạc sĩ mới huấn luyện được con vẹt nầy đó nhe. Tốn hết cả thảy là 100 ngàn đô Úc lận đó! Em chắc là Mẹ sẽ rất thích, mê tơi món quà tặng của em.”

Quả nhiên, chẳng bao lâu sau, người mẹ viết thơ cám ơn mấy đứa con mình về quà tặng như vầy: “Thằng cả à! Căn nhà con xây cho Mẹ bự quá quá xá. Mẹ chỉ ở có một phòng mà phải quét dọn, lau chùi hết cả căn nhà.”

“Còn thằng hai! Mẹ già rồi đâu còn muốn đi đâu. Ở nhà suốt hè. Gởi chiếc Mercedes mà chi? Phần thằng tài xế nầy cực kỳ thô lỗ, mở miệng ra là chửi thề bốp trời thiên!”

“Còn thằng Út của Má! Con thật là tế nhị, để ý biết mẹ mình thích cái gì! Cám ơn con yêu. Thịt con vẹt nầy lăn bột chiên ngon hết xẩy, ngon hơn cả gà chiên KFC nữa đó!”

***

Tinh mau tu cua tay 03Nói nào ngay, chủ nghĩa tư bản làm giàu dựa trên sự tiêu thụ của khách hàng. Càng đông càng tốt, nên nhân ngày Mother’s Day của Tây hay lễ Vu Lan của mình nó định nghĩa Mother, Mẹ, là Mẹ ruột đương nhiên; Mẹ nuôi cũng được; Mẹ kế cũng xong.

 (Sở dĩ Tây nhiều mẹ như thế vì Bố Tây có rất nhiều đời vợ. Chính vì vậy mới có ‘stepmother’. Bố cứ đi thêm ‘step’ (bước) nữa là nó có thêm một Mẹ kế.)

Con Việt nó đâu chịu hè. Từ ‘Mẹ’ thiêng liêng lắm đâu ai muốn được là được.

Vợ kế của bố, con Việt gọi là dì ghẻ. Rất dễ hiểu là vì bả có ghẻ. Mấy đời bánh đúc có xương; mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng? Không thương nó, nó ghét lại là phải rồi.

Ngoài ra, có người, theo luật, con Việt dù muốn hay không cũng phải gọi là Mẹ, “Mother- in- law”; (Mẹ vợ hay Mẹ chồng) toàn là người dưng nước lả nên đâu có ‘quởn’ mà thương.

Nên có chuyện rằng: “Anh yêu! Em có cái tin tuyệt vời nầy cho anh. Không bao lâu nữa căn nhà nầy sẽ có ba người chớ không phải là hai.”

Anh chồng Tây thiệt là phấn khích, hỏng ngờ súng mình tốt thiệt, bắn đâu trúng đó; cười toét miệng: “Thiệt vậy hả cưng!”

“Em rất hài lòng khi thấy anh vui! Bắt đầu từ sáng mai, Mẹ em sẽ dọn vô ở với vợ chồng mình!” Thiệt là cái tin sét đánh ngang mày làm xây xẩm cả mặt mày.

Dẫu sao mùa Vu Lan nầy, mấy anh mình, bất luận Tây hay Việt, chỉ cần thương Mẹ ruột của mình thôi là đã đủ. Còn Mẹ vợ mình thì để con vợ mình nó thương nhe!

đoàn xuân thu.

melbourne