TIỂU ĐOÀN BÚA THẦN
NGƯỜI ANH CỦA TRUỜNG PETRUS KÝ*
phóng sự của Hg. Trần Thuỵ Dũng**
Đoàn xe 4 chiếc quân xa thả bọn học sinh Petrus Ký chúng tôi xuống bên vệ đường. Từ đây – theo lời anh lính tài xế – để vào trại, chúng tôi phải lết bộ trên con đường đất đỏ ngoằn ngoèo dài non cây số.
Ngồi hơn nửa tiếng trên xe – mà lại là xe GMC! – thằng tôi cảm thấy khó chịu vô cùng và mệt goá xoá goà xa. Ấy thế mà nào có yên cho đâu! Vừa nhảy xuống đường, chưa kịp làm 1 phát thở hít không khí trong lành cho khuây khoả, cùng ngắm cảnh vật thiên nhiên nơi thôn dã, thì gã văn nghệ – ôi chao ơi, lại hắn! – đã hùng hục chạy đến vỗ vai tôi bồm bộp rồi quăng chiếc ampli đánh huỵch xuống đất, ra lệnh:
– Xách vô, mày!
Trời ơi, thật đúng là kiếp trâu bò! Thằng tôi vừa lặc lè khiêng cái ampli to ơi là to, vừa réo tên gã văn nghệ ra mà rủa tưng bừng hoa lá…
Đi mãi… mãi mà rồi cũng phải đến nơi. Vị Tiểu Đoàn Phó của anh em Biệt Động từ trong trại vội vã chạy ra, thân mật vỗ vai thằng này, bắt tay thằng nọ, âu yếm lau mồ hôi cho thằng kia, và thăm hỏi bọn học sinh rối rít. Cảm động không thể tả được.
Sau khi làm một phát bắt tay xã giao tối thiểu, viên Đại Úy bèn kéo tôi ra một góc vắng, nói nhỏ:
– Gớm! Mấy em đi sao mà đông thế, ngoài cả sự tưởng tượng của tụi tôi.
Tôi nghệt mặt, bèn có một sự kiểm điểm binh mã. Ừ nhẩy, kể ra chúng tôi đi cũng… hơi đông đấy chứ! Sơ sơ cũng non 200 mạng chứ bộ ít à!
Ấy thế là tôi phải toét miệng cười:
– Càng đông càng vui chứ, Đại Uý.
– Vẫn biết vậy, nhưng… nhưng…
Viên Đại Uý thân mến của tôi cứ gãi đầu, vân vê vành mũ, “nhưng nhưng…” hoài. Tôi chẳng hiểu ông ý nói gì, mà ối dồi! Hơi sức đâu đi thắc mắc làm chi chuyện vớ vẫn đó, vì: – Lính mà em!…
Ban Văn Nghệ học sinh Petrus Ký – sau đó – bèn có một sự lục tục hè nhau vác các bộ đồ nghề lên “trang hoàng” cho cái gọi là sân khấu, đã được các anh Biệt Động “cất” sơ sài từ trước với những mảnh gỗ và những miếng tôn cũ kỹ ghép lại, nằm khiêm tốn trong một góc sân, dưới tàng cây trứng cá um tùm lá.
Văn nghệ Petrus Ký mở đầu chương trình với những khúc tình ca ướt át, những bản nhạc ngoại quốc thời trang và kế đó “Lý Ngựa Ô”, một màn vũ cổ truyền của dân tộc Việt, và cũng là màn vũ độc đáo nhất của Petrus Ký.
Ở trong trường, suốt ngày cứ phải nghe bọn Văn nghệ đánh đàn đập trống tập dượt, những học sinh Petrus Ký đã nhàm tai quá xá rồi, chẳng còn thiết nghe chi nữa.
Nhưng các anh lính Biệt Động thì xem ra phục ghê lắm, vỗ tay rào rào, huýt gió tưng bừng và bis bis hoài, khiến cho tụi văn nghệ lắm lúc cứ nghệt cả mặt, đánh sai cả “tông”, chơi trật cả nhịp! Hẳn là mấy cậu cảm động ghê gớm lắm.
Nhưng rồi có một anh lính mặt mũi buồn xo, đến vỗ vai tôi, nhỏ nhẹ hỏi:
– Mấy bồ chơi vọng cổ có được không?
Tôi sửng sốt, bèn làm một sự gãi đầu gãi tai ra vẻ khổ sở, rổi hùng hục chạy đi tìm gã Văn nghệ, níu hắn lại, hỏi cho ra lẻ:
– Này, Văn nghệ văn gừng của mày chơi vọng cổ có được chăng?
– Hử, kí gì?
– Vọng cổ ý mà, liệu mí bồ oánh được không?
– Đừng dỡn chứ bạn! Bộ điên đí à?
Gã Văn nghệ vừa hỏi, vừa nhìn tôi, lấy làm một sự ngạc nhiên khủng khiếp.
Ồ, nào tôi có điên đâu! Tôi chỉ muốn hỏi cho rõ để làm vừa lòng anh lính Biệt Động nọ đó thôi.
Tôi muốn kể rõ sự thực cho gã Văn nghệ được biết, nhưng chẳng hiểu sao, tôi lại chả nói gì, mà bèn phòm phọp trở về chổ cũ nhìn anh lính lắc đầu cười:
– Toàn là lũ Văn nghệ… gà mờ, chả biết chơi vọng cổ gì cả. Vả lại, ban Văn nghệ của trường tôi cũng vừa mới được thành lập nên có nhiều điều thiếu sót lắm…
– Ồ, chẳng hề gì đâu. Nếu biết chơi thì nghe vọng cổ cũng vui vui, còn nếu không thì cũng vầy vậy, vậy mà.
– Thế anh không thích những bản nhạc mới này sao? Anh lính uể oải lắc đầu, bỏ đi tuốt.
Tôi chợt cảm thấy buồn, buồn vô hạn. Đành rằng không biết chơi Vọng cổ chẳng phải là một cái lỗi, nhưng tại sao chúng ta không hát những bản tình khúc ca ngợi đất nước quê hương chúng ta, mà lại mải mê gào thét những “San Francisco”, ‘To Sir with Love”, hay “House of the Rising Sun” là những bản nhạc ngoại quốc thời trang thịnh hành?
Chúng ta nên sung sướng vì đã có Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Từ Công Phụng, Nguyễn Đức Quang, Trịnh Công Sơn, Miên Đức Thắng…
Và chúng ta cũng nên hãnh diện vì đã có những ngày đó chúng mình yêu nhau, Diễm Xưa, Bây giờ tháng mấy, Lời buồn thánh, Lá đổ muôn chiều…
Xin hát lên đi! Chúng ta hãy cùng ca những bản nhạc thuần tuý Việt Nam, chúng ta hãy cùng nhau ca ngợi quê hương của tôi, của anh, và của tất cả những người dân Việt còn nhớ gốc thương nguồn…
ĐÂY BAN “BÚA ĐẼO”
“Có đi có lại mới toại lòng nhau”, Cổ nhân ta thường bảo như thế. Và khi Petrus Ký đã gởi tiếng nhạc lời ca đến các anh Biệt Động, thì bây giờ ban nhạc Tiểu Đoàn 51 phải có ‘bổn phận” lên sân khấu làm một sự trổ tài đánh đấm để đáp lễ, cho tình Anh Em Lính Chiến – Học Sinh được thêm bển chặt.
Trong cái ban nhạc của Tiểu Đoàn 51 Biệt Động này, có nhiều sự loạ đời kinh khủng.
Từ cái tên “Búa Đẽo” thật fantaisie, đến những bộ bà ba đen của các “nhạc gia” (trông cứ như là Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn ấy thôi, mi nhon không thể tả), cùng cây đại hồ cầm dược chế tạo bằng một cây sào dài và một thùng xăng, với sự hiện diện của Trịnh Công Hải (em của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) và đôi hoàng oanh của tiểu đoàn: Tuyết Hoa, Kiều Lệ Mỹ Trinh.
Ban nhạc “Búa Đẽo” vừa xuất hiện trên sân khấu đã được hân hạnh đón tiếp ngay bằng một tràng pháo tay khích lệ của người anh em Petrus Ký. Và khi bản nhạc dạo đầu vừa dứt, ban “Búa Đẽo” đã để lại trong lòng các cậu học sinh Petrus Ký những nổi vừa ngạc nhiên vừa sửng sốt, vì chúng tôi không ngờ những người lính trẻ của Tiểu Đoàn 51 Biệt Động lại chơi nhạc bay bướm và du dương đến như thế.
Riêng tôi chẳng những vừa ngạc nhhên, vừa sửng sốt mà cũng lại vừa hết hồn nữa. Chẳng là bản nhạc gì mà thỉnh thoảng tôi cứ nghe “sát! sát!” ấy thôi, sợ đến lạnh người. Sau này hỏi ra mới biết đó là bản “Biệt Động Quân hành khúc”.
Tiếp đó, thể theo lời yêu cầu của toàn thể học sinh Petrus Ký, lính Biệt Động Trịnh Công Hải đã vui vẻ bước lên sân khấu, gởi đến những người bạn mới cùa anh với mối tình thân hửu mến yêu qua một nhạc phẩm nổi danh nhất của Trịnh Công Sơn, bản “Diểm Xưa”. Lính chiến lặng im, học sinh lắng nghe. Trịnh Công Hải có một giọng ca thật ấm và rất truyền cảm, khiến cho bản “Diểm Xưa” vốn đã hay nay còn hay hơn, vốn dỉ buồn, nay lại buồn hơn.
Rồi cô Kiều Lệ Mỹ Trinh đã tiếp nối chương trình với một điệp khúc ca ngợi tình lính, mà trong đó tôi nghe thoang thoáng có những gì mà “khi lính đã yêu là rừng tàn núi lở!…”. Ối trời đất ơi: lính oánh giặc đã hăng, chơi bời cũng dữ, mà lại yêu đến rừng tàn núi lở nữa thì lạy cả nón! Em phục lắm ạ, chẳng phải lính Biệt Động thì còn lính nào nữa bây giờ, phải không cô Mỹ Trinh.
Kế đến “Nữ Hoàng Tiểu Đoàn 51” Tuyết Hoa xuất hiện và đã gây bầu không khí thêm phần sôi động và hào hứng hơn bao giờ hết với những bản nhạc twist thật giật gân, Cô Tuyết Hoa chẳng những dễ thương mà nhảy lại giỏi, mí lỵ “hét” Người Lính Chung Tình hay ơi là hay, thì không phải chỉ lính chịu hết mình mà học sinh cũng ưng ra mặt nữa.
Ngồi cạnh tôi, một anh bạn học sinh Petrus đã quay sang nói với người bạn lính mới quen của mình:
– Ban nhạc của các anh chơi “gồ”quá, ăn đứt cả tụi em. Anh lính nọ dù mũi đã phồng to như quả cà chua, nhưng vẫn cứ tỏ ra ta đây khiêm tốn có thừa, bèn vội vàng xua tay:
– Đừng có khen ẩu chứ bồ! Làm sao mà hay bằng Petrus Ký được. Toàn bọn… ghẻ lở chơi nhạc không mà…
– Ghi lại nơi đây lời phê bình thật khách quan của một anh bạn Petrus Ký, tôi nghĩ rẳng đã đủ để nói lên với các bạn những lời ngợi khen tốt đẹp nhất dành cho ban Búa Đẽo của Tiểu Đoàn 51 Biệt Động Quân rồi vậy.
“MÚA RĂNG” CÙNG LÍNH: ĐỚP NHƯ ĐIÊN
Thấm thoắt thế mà mặt trời đã lên cao, giận dữ hắt những tia lửa nóng hực xuống vạn vật.
Tôi nhìn đồng hồ, vội giật mình kinh hải, không thể nào tin được: đã gần một giờ trưa rồi đó.
Nếu bây giờ có trở về Sài Gòn, thì chắc chắn chúng tôi sẽ trễ bửa cơm trưa ở nhà. Thế cho nên, khi viên Đại Uý Tiểu Đoàn Phó có nhã ý mời anh em ở lại đớp cơm cùng lính, thì bọn học sinh chịu hết mình, hoan hô quá xá cỡ.
Một nồi nước bự được các anh lính hì hục đun sôi, rồi thảy vào đó từng bịch cơm hấp thật to. Những hộp thịt gà nho nhỏ được chúng tôi mở ra xoành xoạch, và rồi mọi người đồng ý chia ra thành từng nhóm nhỏ, ngồi bệt cả xuống đất, đớp như điên, đớp thật tận tình, mặc đất cát được gió cuốn ào ào! Càng ở bẩn càng sống lâu mà lỵ (sic!)
Bữa cơm thật đạm bạc, thật đơn giản nhưng tôi ăn ngon vô cùng, và tưởng chừng như chưa bao giờ được bữa cơm thật ngon lành như thế.
Chúng tôi không có đũa, chúng tôi chẳng có muổng. Chúng tôi chỉ có những cành cây khô đã gãy để làm đủa. Chúng tôi chỉ có những miếng thiếc nhỏ để làm muổng, và những bàn tay để mả bốc. Chúng tôi ăn thật … sơ khai, ăn thật bẩn! Nhưng không một ai dám chê chúng tôi, vì những người bạn của chúng tôi: học sinh thì sẵn sàng thông cảm, và lính chiến thì … đã quá quen thuộc với những cảnh như thế từ khuya rồi!
Chỉ có gã phó nhòm của phái đoàn là… ở bẩn mả thôi. Hắn đã lợi dụng những giờ phút này đề mà bấm máy tí toách, thu hình lia lịa. Hắn bảo cùng tôi:
– Kỳ này thì mày chết. Những tấm hình ni, ông mà hứng lên gởi đến cho cái con nhỏ ở Pasteur, thì dù có “iu” mày cách mấy, em cũng hãi mà … vén váy chạy dài!
… Làm xong một bữa cơm đến căng cả bụng, một tay bê Coca hộp, một tay cầm thanh Chocolate, chúng tôi bèn rủ nhau đến ngồi dưới bóng râm mà hản huyên tâm sự. Tôi đã kể cho anh lính nghe về những hình ảnh đẹp của Sài Gòn, những câu chuyện tếu trong môi trường Truơng Vĩnh Ký, và các mối tình lẩm cẩm giữa tôi cùng nhưng người con gái nào đó…
Để bù lại, anh lính đã kể cho tôi nghe những cảm xúc qua các buổi hành quân truy kích, những giờ lội qua đồng lầy, những phút sống dưới hầm hố, và những giây ghì súng xiết chặt cò bên thây người đồng đọi vừa gục ngã.
Dưới mắt tôi, bây giờ những người lính chiến oai dũng và uy nghi lạ. Tôi yêu thật nhiều những người trai đó, và tôi cũng nể thật nhiều những người lính của Tiểu Đoàn Búa Thần 51 Biệt Động, những người lính chẳng cứ đánh giặc cừ, mà chơi nhạc lại hay và kể chuyện cũng có duyên nữa…
* Bài phóng sự được đăng trên báo Chính Luận số 1528, ra ngày 29-3-1969. Tiểu đoàn 51 Biệt Động Quân được thành lập vào tháng 12 năm 1963 tại miền Tây, trực thuộc vào quyền điều động của các Liên đoàn 3, 5 và sau cùng là LĐ 6 BĐQ tại vùng IV, III và II. Những tháng đầu năm 1969 (trong thời điểm cùa bài phóng sự này), tiểu đoàn 51 BĐQ đang hành quân tại Biên Hoà (nguồn: https://vietbao.com/a72776/tieu-doan-51-biet-dong-quan-va-cac-ky-luc-chien-truong)
** Tác giả Hg. Trần Thuỵ Dũng – có thể cũng là anh Hoàng Trần Thuỵ Dũng, người viết bài ký sự “Viết về Petrus Ký” đăng trên Giai Phẩm Xuân Kỷ Dậu Petrus Trương Vĩnh Ký, năm 1969.
https://petruskyaus.net/xuan-pk-1969-viet-ve-petrus-ky/