TIẾNG VIỆT RÒNG VÀ TIẾNG LAI-CĂNG
Nguyễn Vy Khanh
Chúng tôi trước hết sẽ nói đến một số nét đặc-thù của tiếng Việt, sau đó sẽ nêu ra một khía cạnh của tiếng Việt “ròng”, đặc Việt để phân biệt với tiếng Việt trừu tượng nhập cảng từ văn-hóa Hán-Nho và cuối cùng sẽ nói đến tiếng Việt lai căng / vong bản của Cộng-sản Việt-Nam ở trong nước từ 1945.
Cũng như một số dân-tộc khác, người Việt Nam có nhiều biểu-tượng văn-hóa cũng như tín ngưỡng, tinh thần như cách giao tiếp, xưng hô của người Việt cũng như thái độ đối với thần linh, trời đất, với tổ tiên, gia-đình của người Việt có những nét đặc thù riêng biệt. Nét đặc thù đó còn nổi bật trong ngôn-ngữ tiếng nói của người Việt – đã trở thành căn cước văn hóa đặc thù của dân tộc VN.
Trước hết, người mới học tiếng Việt thường phàn nàn tiếng ta phát âm không thống nhất, đó là vì tiếng Việt có tính đa dạng và địa phương tính. Hãy thử đọc thơ của Bình-Nguyên Lộc, Kiên Giang, Quang Dũng, Hoàng Xuân Sơn, v.v. chúng ta sẽ thấy một số đặc điểm ngôn từ khác nhau giữa họ. Vì mỗi nhà văn nhà thơ ngoài kỹ thuật và hình-thức riêng của họ, tiếng Việt họ sử-dụng phần nào mang tính địa phương gốc gác và nhờ đó mà tác-phẩm độc đáo và văn-học đa dạng, phóng túng hơn.
Ngôn-ngữ và nhất là tiếng nói thường ngày (khẩu ngữ) là một hiện tượng xã-hội, một phương tiện giao-tiếp mà ý nghĩa cũng như sự sử-dụng có lịch-sử cũng như nguyên do. Ngôn-ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng của con người, nên khi đưa vào văn-chương nhất là tiểu-thuyết, ngôn-ngữ ấy cho thấy tương quan xã-hội! Nói ngôn-ngữ có tính xã-hội là nói rằng tiếng nói đó có biến hóa theo địa-lý và thời gian – chúng tôi nói biến-hóa mà không nói là tiến-hóa, vì nghiên cứu ngôn-ngữ là tìm hiểu nguồn gốc, trạng thái, biến hóa, ảnh-hưởng, v.v. hơn là cho rằng đúng hay sai, cao hay thấp! Chúng tôi không xét về giá-trị của ngôn-ngữ sử-dụng, không đánh giá đúng sai, mà chỉ xét về mặt văn-hóa và văn-học của ngôn-ngữ sử-dụng. Và cũng cần phân biệt tiếng nói hằng ngày ở các địa phương tức khẩu ngữ với “ngôn-ngữ văn-chương, nghệ-thuật ca hát” hay “tiếng Việt văn-hóa”: ngôn-ngữ sau phải thống nhất và hoàn chỉnh. Người mỗi miền phát âm một số chữ khác nhau nhưng khi viết cần phải thống nhất một nhà.
Một số nhà văn hiện-đại và hôm nay vẫn ít nhiều vương vất câu văn có vần có đối nhưng không đáng kể nếu so với văn tiểu-thuyết của Hồ Biểu-Chánh, Hoàng Ngọc Phách hồi đầu thế-kỷ XX đã có những câu văn cổ-kính do truyền thừa Nho-học, cũng như xen lẫn một số lối nói bóng bẩy và có vần có đối của thời ấy. Đây là lời tâm sự của một cô gái, Bạch Tuyết, với người bạn Chí Đại lâu ngày gặp lại: “Con gái người ta có cha yêu, mẹ mến, từ mới biết đi biết nói cho tới chừng khôn lớn nên người, trong nhà sẵn có mẹ dạy dỗ, cha răn nghiêm, tự nhiên quen thói tục cao sang, tự nhiên nhiễm gia phong thuần hậu. Ông ngoại tôi, thì trìu mến yêu thương, mà một vài tháng mới gần gũi được một lần, hễ gặp mặt thì ông ngoại tôi khóc hoài, nên cũng không dạy dỗ chi được…” (Hồ Biểu-Chánh, Ai Làm Được).
Ngôn-ngữ văn-chương ghi chép lại lời nói và sinh-hoạt của con người ở một hoàn cảnh và địa lý nào đó! Ngôn-ngữ có cái giá trị văn-hóa, vì ý nghĩa thay đổi tùy vùng, tùy sự sử-dụng. Do đó có khác biệt về mục đích cũng như hiệu quả tùy theo người viết hay nói và cũng từ đó mới có phân biệt những loại văn bản hay tiếng nói dùng nhiều tiếng cổ, tiếng Hán-Việt, tiếng nôm na, hoặc tiếng phường tuồng, cải lương, giới anh chị, nhà quê, thượng lưu quí phái, lai-căng, v.v. Ngôn-ngữ là phương tiện giao tiếp, làm văn-hóa với người đồng thời, cả với người trước và sau, các thời đại trước sau! Lời nói ra nếu không thành ngôn-ngữ văn-chương hoặc một hình thức sao chép, nghệ thuật khác, như tục ngữ, ca dao chẳng hạn, thì đã biến mất với thời gian và đã không ảnh-hưởng gì đến xã-hội cũng như tiến-hóa văn-học!
Nói về văn viết thì từ hơn thế-kỷ nay đã có hai truyền-thống hành văn như lời nói – tức tiếng Việt ròng, và truyền thống văn-chương viết chịu ảnh-hưởng của Hán văn và Âu Mỹ nhất là Pháp(văn/ngôn-ngữ Tây quá, Mỹ quá!…).
Thuộc nhóm thứ nhất, văn Hồ Biểu-Chánh – dù sử-dụng chữ Hán, vẫn thuộc truyền-thống hành văn trơn tuột như lời nói. Lối viết trơn tuột này thể hiện trong ngôn-ngữ đối thoại của các nhân vật đã đành, mà còn cả trong văn truyện và mô tả cảnh tình, tả tâm lý (Truyện Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện sau Hồ Biểu-Chánh gần trăm năm nhưng có cùng đặc sắc là kho từ vựng và phương ngữ của miền Nam, của vùng Cà Mau và những nơi chốn gần đó).
Nhóm sau là những tác-giả làm văn-chương, nghĩa là khuynh-hướng thiên về hình-thức và ngôn từ sử-dụng đã được trau chuốt để diễn tả những thực tại tầm thường. Văn của Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, … và thơ Nguyên Sa, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, v.v. thuộc nhóm này – dĩ nhiên đối với người đọc hôm nay vẫn dễ thông cảm và thưởng thức hơn là văn Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Học hay Hoàng Ngọc Phách trong Tố Tâm, Nguyễn Trọng Thuật trong Quả Dưa Đỏ, hoặc Nguyễn Chánh Sắt, Trần Thiên Trung, v.v.
Cũng trong nhóm 2 này có thể kể tiếng Việt của Cộng-sản Việt-Nam từ sau khi chiếm miền Bắc vào giữa thập niên 1940 và cả Việt-Nam sau 30-4-1975 – chúng tôi sẽ bàn nhiều hơn ở phần sau.
*
Ngôn-ngữ là tín-hiệu, nghĩa là có những nét đặc-thù, được dùng để nói ra và nói lên điều gì, trong một môi-trường, ngữ-cảnh (context). Tiếng láy, tiếng dùng ngắt câu hay cuối câu, v.v. đều là những phương-tiện và nằm trong diễn-trình biểu-hiện, trình bày, … cũng như những tiếng kiêng kị. Văn được bổ xung bởi những từ láy, những từ ngữ tiếp âm đơn hoặc ghép, riêng nhưng đầy lí thú của các địa phương, gây sống động và đồng thời gợi hình qua âm thanh, hình ảnh, v.v. Ngoài ra tiếng Việt còn có những từ đa-nghĩa (nhất là chữ quốc-ngữ) và những lối nói lái, tiếng lóng, v.v. Ngữ khí, một nét đặc biệt của khẩu ngữ, được các tác-giả gốc gác địa phương và thời đại khác nhau dùng ở cuối câu thường để nhấn mạnh, thí dụ trong tiểu-thuyết Hồ Biểu-Chánh: “nà, giống, hôn (mắc giống gì, sợ giống gì, làm giống gì?, sướng giống gì?, còn ức nỗi gì?, bất nhân hôn, dữ hôn, v.v.)” hoặc trong văn Vũ Trọng Phụng (Bắc): ạ (đẻ ạ!, bẩm vâng ạ!), à (đi à, ấy à?, to lắm à?), chứ (mới được chứ?), chăng, thế, nhỉ, sao, làm sao (thì đã làm sao?), gì (nước chó gì!), v.v. Ngữ-khí Huế thì nếu chỉ lật tập thơ Huế Buồn Chi của Hoàng Xuân Sơn dù chỉ mươi bài thật sự dùng tiếng miền Trung vàHuếcũng đã có thể lựa ra được những: rứa thê, chi mô, lạ rứa tề!, chi rứa, chi nờ, dữ rứa, dị rứa, lạ tề, nặng tình ni nớ, … Lm. Lê Văn Lý trong luận án Le Parler Vietnamien (1948), đã chứng minh sự phong phú và tài tình của tiếng Việt, từ một câu 5 từ “Sao nó bảo không đến?” đã hoán-vị thành 120 chuỗi-từ khác nhau dù chỉ khoảng 40 là có thể nói lên được (Không đến, nó bảo sao? / Đến bảo nó không sao! / Đến không? Nó bảo sao? / Đến, sao không bảo nó? V.v.).
Một nét đặc biệt khác trong việc sử-dụng tiếng xưng hô bằng từ biến thể trong trạng thái hợp âm, còn được gọi là hiện-tượng “nối âm, nói nhịu” (lapsus linguae): thẩy (thầy ấy), cổ (cô ấy), cỏn (con ấy), thẳng (thằng ấy), bây (ngôi hai, số nhiều và ít), v.v. Người Huế nói : Eng chía (anh chị nớ, ấy) không có nhà, Múa (mụ nớ) không có tiền, v.v. Trong đời sống thường ngày, trong Nam hay nói: tía, má nó, sắp nhỏ, má sắp nhỏ, qua (ngôi thứ nhất), hay trong giới theo Tây, xưng gọi là toa (toi), mỏa (moi), ma femme (ngôi thứ ba), theo Mỹ thì du (you), mi (me), v.v. Miền Trung (từ Huế ra đến Quảng Bình) thêm cách phát âm hai nguyên âm O và Ô cùng lúc, như: coong (con), khoóc (khóc), ôôn (ông), khôông (không), môộc (một), v.v. hoặc kéo dài âm cuối thêm G: miềng (mình), chứa chang (chứa chan), vang xin (van xin), … Nhưng về phần tiếng cổ thì miền Huế còn nhiều dấu vết: ăn lửa (ăn chịu); áo chế (áo tang); bái (vái), bấu (cấu, véo), bụ (vú), cảy (sưng), côi (trên), dôn (chồng), đọt (ngọn), tra (già), nác (nước), tởn (sợ), triêng (quang gánh), trôốc (đầu), tru (trâu), v.v. Đây là một phần lý do mà có một giả thuyết cho rằng tiếng nói ở một số vùng Quảng Trị-Quảng Bình là tiếng Việt gốc xưa nhất!
Ngôn-ngữ của con người ở các vùng đất khác nhau là những phương-ngữ phản ảnh chân dung, hình ảnh địa phương đồng thời phản ánh quá trình lịch-sử của sự phát triển một vùng đất, trong tiến trình Nam tiến. So với miền Bắc, phương ngữ Nam không có nhiều ngữ âm địa phương, nghĩa là khá thống nhất. Tiếng Việt đa dạng, địa phương ở cách nói, ở thổ ngữ của các vùng nhưng vẫn giữ được sự thuần nhất của chữ viết và qua đó, của ngôn-ngữ. Các phương-ngữ chỉ làm giàu thêm kho tàng ngữ vựng và giúp đa dạng hóa văn-chương chữ nghĩa. Nhưng tiếng Việt có tính thuần nhất, dù tiếng nói ở vùng nào thời nào cũng có thể hiểu được.
Mặt khác, tiếng Việt có thể tự hào chính xác, đó là nhờ hệ thống các dấu được gọi là thanh-điệu (ma, má, mả, mả, mã, mạ,..). Mỗi âm-tiết tiếng Việt được thể-hiện với một thanh-điệu. Thanh điệu giúp phân biệt giai-điệu âm thanh và nghĩa của từ. Tiếng Hoa ít dấu hơn tiếng Việt, và muốn phân biệt cho rõ, họ phải cố gắng hơn trong phát-âm, dù vậy vẫn chưa đủ … rõ, do đó họ kị các con số 4 vì họ phát âm “tứ” không khác “tử” (cũng như kị số 7 – “thất“, vì nghĩa thất là mất!) và chuộng số 8 (bát, phát âm như phát). Dù vậy, cả người Hoa và Việt đều được xem là có thính-giác bén nhạy, tinh tế như một nghiên cứu mới đây của giáo sư tâm lý Diana Deutsch của đại học California, về khả năng phân biệt các nốt nhạc (1).
*
Ngôn-ngữ Việt Nam đã xuất hiện cùng Việt tộc. Trương Vĩnh-Ký vào thế kỷ XIX và các nhà nhân chủng học, ngữ học gần đây đều kết luận rằng trước khi bị người Hán đô hộ, tổ tiên ta đã có tiếng nói khác người Hán (và Hoa). Thanh Nghệ Tĩnh chính là nơi tổ tiên chúng ta định cư đầu tiên (từ phía Nam đi lên trước khi từ phía Bắc bị người Hán đánh đuổi phải rút về đồng bằng sông Hồng). Vì vậy, phương ngữ Thanh Nghệ là phương ngữ gốc của tộc Việt. Vì khi châu thổ sông Hồng hình thành, người Thanh Nghệ (chủ yếu là Thanh Hóa) đi ra, góp phần làm nên con người và tiếng nơi này. Do sống chung với nhiều sắc dân khác và cũng do thời gian hình thành quá dài nên tiếng nói Bắc Phần xa dần ngữ âm Việt cổ. Tuy nhiên, vùng đất cổ Sơn Tây lưu dấu ấn tiếng Việt cổ rất rõ do dân tụ cư lâu đời. Tiếng nói người miền ven biển Nam Định, Thái Bình khá nặng lại có nhiều từ Việt cổ vì một bộ phận dân nơi đây từ xứ Nghệ theo Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ ra lập nghiệp vào giữa thế kỷ XIX.
Tiếng Việt như được viết và nói hiện nay đã chứng tỏ khả năng tiếp nhận, giao thoa, đồng hóa và đãi lọc các ngôn-ngữ khác, biến thành tiếng Việt, từ tiếng Hán trí-thức, tiếng Hoa bình dân (Triều-châu, Quảng-đông), tiếng Pháp, Anh,… Tức là biến của người thành của ta, có khi người cũng không nghe ra được là của họ (tiếng Hán-Việt) hay đọc được (chữ Nôm)! Muốn đạt tới kết quả đó, văn-hóa Việt Nam ta luôn đã chủ động. Nhờ nguồn lực sáng suốt này mà dân-tộc ta đã trường tồn qua nhiều chiến-tranh, đô-hộ và ảnh-hưởng. Tiếp nhận văn-hóa và tiếng người, nhưng chủ động được cho nên phân biệt chủ-khách, ta-người, trong-ngoài, v.v. Cái ngoài hay của người, gần như của Hoa, Chàm, Miên, v.v., xa như của Pháp, Bồ-đào-nha, Hoa-kỳ, Nga, v.v. đã đến và ta vì hoàn cảnh địa lý, quân sự, … đã phải chấp nhận, nhưng trong thế yếu, thế kẹt đó, dân-tộc ta vẫn có khả năng tiếp nhận và đồng hóa rồi với thời-gian cái hay cái tốt sẽ ở lại, cái dở, lai-căng, … sẽ dần mất, biến dạng hoặc trở nên thuần Việt đến nỗi ít còn ai còn có thể nhận ra.
Tiếng Việt ròng rồi lai-căng …
Tác phẩm chữ Nôm xưa nhất hiện còn văn bản gốc có thể là cuốn Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông (thế kỷ XVII) của Majorica và một tác phẩm văn học xưa viết bằng chữ quốc ngữ đã in là cuốn Inê Tử Đạo Văn gồm 560 câu thơ lục bát in trong cuốn Tự Vị Latinh-Việt Tabert (1838). Nhưng qua ba tác phẩm này, người đọc có thể thấy có một thứ tiếng Việt khác phần nào với tiếng Việt hiện nay, khác về cấu trúc, khác trong cách sử-dụng chữ và thành ngữ, tiếng Hán Việt cũng ít hơn, vv.
Tiếng nói là một bộ phận chính của văn hóa một dân tộc. Tiếng Việt từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh và Nam tiến cho đến ngày nay đã có những khía cạnh cần được điều nghiên kỹ. Cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, sự mở cửa đón nhận những trào lưu văn hóa và khoa học hiện đại, tiếng Việt đã phải thu nhận vừa phải sáng chế ra thêm những từ ngữ mới. Nghiên cứu sách báo xuất bản trong Nam là nơi phải tiếp xúc văn hóa thực dân trước, cho thấy có những cố gắng du nhập trên căn bản dân tộc, những cuốn từ điển của Huình Tịnh Paulus Của, Trương Vĩnh Ký, những biên khảo giới thiệu các khoa học mới như Phép Toán, Phép Đo, Bác Học Sơ Giai của Huình Tịnh Paulus Của, rồi những phong trào Đông Du, Duy Tân xuất phát trước trong Nam. Từ 1903, các nhóm Nghĩa thục ở miền Trung rồi Đông-kinh nghĩa-thục (1907) ở Hà Nội đã bắt đầu dịch danh từ chung từ tiếng Hán.
Đàng Trong và miền Nam cho đến đầu thế kỷ XX đã thành công chận đứng xâm nhập văn hóa từ thuộc địa Pháp bằng cách phát huy những căn bản văn hóa bình dân của dân tộc. Xuất hiện sau nhưng báo chí miền Bắc có thể vì vị trí địa lý thuận tiện và cũng có thể vì giới trí thức dễ đón nhận sản phẩm văn hóa ngoại nhập dễ dàng từ hàng xóm Trung Hoa, do đó các trào lưu văn học và khuynh hướng học thuật đã dễ nhập đất “ngàn năm văn vật”, mà sau đó các trường phái văn học và tư tưởng cũng đâm bông dễ dàng hơn ở vùng đất này.
Trên tạp chí Nam Phong số 16 (tháng 10-1918), ông Nguyễn Háo Vĩnh, ký giả, từ Sài Gòn gửi “Thư ngỏ cho chủ bút Nam Phong” đã lên tiếng đả kích chủ trương nhu nhập ào ạt vào tiếng Việt những từ ngữ mượn từ tiếng Hán Việt mà lúc bấy giờ Phạm Quỳnh, chủ bút Nam Phong là người hăng hái nhất cùng với các cộng sự viên khác như Nguyễn Đỗ Mục, Phan Kế Bính, vv. Nam Phong đã có những ảnh hưởng rất lớn về văn chương học thuật và đã đóng góp nhiều cho sự phát triễn của chữ quốc ngữ – nhất là để sử-dụng cho lý luận, triết lý trừu tượng, nhưng đồng thời đã biến tiếng Việt phát triễn theo một con đường tuy lớn rộng nhưng đã xa lần những người Việt không đi cùng đường và người Việt trong Nam, và nhất là đã trừu tượng hóa ngôn ngữ Việt Nam. [Phạm Quỳnh có thái độ trịch thượng đối với văn viết từ miền Nam, khi giới thiệu đăng lai-cảo Thư ngỏ cho chủ bút Nam Phong của Nguyễn Háo Vĩnh (2), Phạm Quỳnh cho biết “Nay có một ông Nam-kỳ bàn về cái vấn đề ấy một cách rất «kỳ khôi» (…) đọc đến cũng không thể nhịn cười được» (…) Tuy lời lẽ có lắm chỗ quá đáng – nôm na là cha mách qué…”
Miền Nam đã là nơi trú ẩn những thành phần chống lại đô hộ văn hóa của Tống Nho, những người chỉ thu nhận những cốt lõi văn hóa của Tam giáo, sau lại là phần đất tị nạn của những người Việt theo đạo Thiên Chúa hoặc không sống được ở Đàng Ngoài. Phan Khôi đã nhìn nhận : “Đại khái chữ quốc ngữ nước ta, phát nguyên tuy từ Bắc, mà bắt đầu thạnh hành lại từ miền Nam. Cho nên bây giờ chúng ta có thể nói được rằng xứ Nam kỳ đối với lịch sử chữ quốc ngữ lại có quan hệ mật thiết hơn Trung, Bắc kỳ” (3). Xin nhắc: ông Phan Khôi đã nói như vậy vào năm 1929!
Trong khi đó nhà phê bình Vũ Ngọc Phan trong bộ Nhà Văn Hiện Đại (1941) ở phần “Những nhà văn hồi mới có chữ quốc ngữ” nhìn nhận “người Nam kỳ là những người Việt Nam đã dùng chữ quốc ngữ trước nhất” và cho rằng thứ chữ quốc ngữ do các “cố đạo Gia-Tô” đặt ra đã dùng “giọng Bắc Kỳ và giọng miền Bắc Trung Kỳ là đủ” vì “người Nam Trung Kỳ và Nam Kỳ phát âm sai“, “càng xuống miền Nam càng nhiều, càng thấy sai bấy nhiêu” (4). Họ Vũ đã không phân biệt văn nói với văn viết, và người trong Nam từ Trương Vĩnh Ký đến Hồ Biểu Chánh đã dùng tiếng Việt xưa trước thời Nam tiến.
Ông Nguyễn Háo Vĩnh trong thư nói trên đã cắt nghĩa thêm : “Khi nước Lăng-sa qua giao thông với nước ta thì trong cõi Nam-kỳ nổi lên một người là ông Trương Vĩnh Ký mượn cái xác la-tin mà dựng lại cái hồn của tiếng A-Nam còn sót lại. Cái xác la-tin ấy là chữ quốc ngữ bây giờ! Cái hồn của tiếng ta còn sót lại lần lần nhập vào xác mới và trong khoảng năm sáu mươi năm vừa qua rồi, cái xác mới với cái hồn xưa vừa ưa nhau, vừa quen hơi nhau, hiệp sức mà tiêu hóa cái sự phát ách tiếng chệt” (2). Riêng Linh mục Thanh Lãng đã ghi lại công lao của nhà văn tiền bối Hồ Biểu Chánh đã bỏ lối văn biền ngẫu “vô lối” thịnh hành thời đó như sau: “Hồ Biểu Chánh là người đầu tìên làm cách mạng: đập vỡ cái khuôn khổ văn chương đài các giả tạo ấy. Ông đặt vào miệng các vai truyện của ông những ngôn ngữ đơn sơ chất phác, lắm khi thô tục nữa là khác (…) Hơn thế nữa, Hồ Biểu Chánh còn là văn sĩ của miền Nam, dùng tiếng địa phương. Văn của ông là văn cùng chung truyền thống với Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký… tức là nói và viết “tiếng A-Nam ròng” là viết tiếng Việt “trơn truột như lời nói”. Cái chủ trương của Trương Vĩnh Ký cũng là chủ trương của các văn gia miền Nam: chống đối văn đài các miền Bắc (…)” (5).
Thật vậy, người miền Nam lúc bấy giờ đã không hiểu thứ tiếng Việt dùng trên Nam Phong tạp chí. Nhập cảng từ vựng Trung Hoa rồi Hán-Việt hóa, trong khi đó tiếng Việt đơn giản đã có lại không được dùng, cái họa bắt đầu được nhìn thấy, người còn để lại dấu vết là ông Nguyễn Háo Vĩnh, tác giả cuốn Cách Vật Trí Tri Phổ Thông Sơ Giai (1927), chủ trương báo Khoa Học Tập Chí từ năm 1924 và là chủ nhà xuất bản/nhà in Xưa Nay ở SàiGòn. Ông tố cáo tạp chí Nam Phong: “Các ngài làm thư thế thì hình như các ngài là người Tàu qua lấy nước An Nam, muốn đem tiếng nó qua mà thế tiếng ta vậy” (2).
Trong Sấm Truyền Ca, Đại Nam Việt Quấc Triều Sử Ký và Truyện Ông Gioang Ngô Kim Thạch, ta đã thấy tiếng Việt miền Nam ở thế kỷ XVII đến XX đơn giản và bình dị. Rồi trong Tuồng Cha Minh (1881, thật ra gần kịch nói hơn là tuồng), theo giáo sư Hoàng Châu Ký từng làm viện trưởng viện nghiên cứu sân khấu Hà Nội, văn đối thoại trong vở này rất gần gũi với lời nói của dân giả, mới mẻ và đơn giản hơn câu văn đầu thế kỷ XX như văn Nam Phong chuộng lối văn biền ngẫu và cách điệu. Ông nhân đó đặt lại quan niệm đã cho rằng vở kịch Chén Thuốc Độc của Vũ Đình Long diễn năm 1921 ở Hà Nội là vở kịch nói đầu tiên (6).
Học giả Phan Khôi trong bài “Chữ quốc ngữ ở Nam kỳ với thế lực của phụ nữ” trên tờ Phụ Nữ Tân Văn số 28 (7-11-1929) đã nhìn nhận thứ chữ quốc ngữ dùng trong môi trường đạo Công giáo thống nhất một mối nghĩa là pha lẫn Bắc Nam. Ông cũng đề cao hai tiền bối Trương Vĩnh Ký và Huình Tịnh Paulus Của mà ông tôn là “đại sư” vì hai ông đều viết đúng tiếng Việt: “hai ông cùng học trường bên Đạo mà ra cho nên các ông ấy viết chữ như người bên Đạo nghĩa là viết đúng” (7). Tưởng cũng nên ghi lại ở đây, “trường phái” Trương Vĩnh Ký tiếp nối với Trương Minh Ký và Nguyễn Trọng Quản, tác giả Thầy Lazarô Phiền, tiểu thuyết đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ.
Linh mục Thanh Lãng trong các nghiên cứu cuối đời, những nghiên cứu trong tâm tình dân tộc, đã kết luận về tiếng Việt “nhà thờ” “đúng thật là tiếng Việt thông thường, phổ thông mà mọi người Việt thời xưa đã nói, tức là cái giới gọi là “nhà thờ” đó, đã nói như mọi người Việt nhà quê cái thứ tiếng nói nhà quê, tiếng nói dân gian mà mọi người Việt nhà quê nói với nhau, hiểu với nhau một cách bình thường” (8). Cũng theo ông, tác phẩm do cộng đồng Công giáo biên soạn vào thế kỷ XVII hiện còn giữ được, sách vở bằng chữ quốc ngữ chỉ có khoảng 700 trang, trong khi đó tài liệu bằng chữ Nôm còn được 14 tựa với cả 4200 trang; 4200 trang chữ Nôm gốc của thế kỷ XVII chưa bị sửa đổi theo thời gian. Ngoài các tác phẩm chữ Nôm và quốc ngữ đã giới thiệu ở trên, còn có nhiều văn bản chữ Nôm và quốc ngữ khác được lưu trữ ở Âu châu mà các giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Tạ Trọng Hiệp, linh mục Thanh Lãng, Đỗ Quang Chính, v.v. đã khám phá và chụp vi bản đem về nước. Viện Hán Nôm thuộc Viện Khoa học xã hội đã sưu tầm được 24 văn bản chữ Nôm thuộc thế kỷ XVII trong đó có những bản từng được lưu trữ ở chùa Kiểng Phước tại Vọng Các, Thái Lan. Những văn bản sau này là dấu vết chữ Nôm dùng ở đàng Trong.
Mặt khác, những người đàng Ngoài vào Nam lập nghiệp, theo chân các chúa Nguyễn, đã mang theo gia tài văn hóa trong đó có tiếng nói và chữ viết Nôm (và chữ Hán). Sự phân chia địa lý sẽ đưa đến những dị biệt hay cách biệt về văn hóa. Một văn hóa trưỡng thành song hành với những điều kiện khác biệt và với những con người thành phần tập hợp mới. Ông bà ta sẽ đồng hóa người Chiêm Thành, nhưng ta cũng đã bị ảnh hưởng trở lại về văn hóa. Tổ tiên ta cũng sẽ nuốt phần Thủy Chân Lạp. Vua chúa nhà Nguyễn sẽ mở rộng tay đón nhận con cháu nhà Minh; những người này sẽ khai phá những vùng thị tứ mới nay là Chợ Lớn, Biên Hòa, Mỹ Tho, Hà Tiên, v.v. Xa Đàng Ngoài, một tập thể người Việt mới được thành lập, trên mảnh đất đã trãi qua những văn minh Sa Huỳnh, Đồng Nai hoặc xa xưa hơn như Óc-Eo, Phù Nam; những lưu dân này sẽ giữ lại những nòng cốt văn hóa của Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo đại thừa rồi thêm ảnh hưởng của Phật giáo tiểu-thừa và đạo Bà La Môn.
Từ những lý do đó, tiếng nói lưu dân nơi vùng đất mới sẽ cập nhật theo hoàn cảnh sinh hoạt và môi trường địa lý mới. Những “hội nhập” này khiến chữ viết Nôm trong Nam đã có những biến hóa, cấu trúc khác đi theo phát âm, lối viết và phương ngữ Nam bộ. Thí dụ phương ngữ như “chả”, “dùa”, dị biệt về phát âm như “Chun, chuyến, chiền”, thay vì “chung, chiến, truyền / chuyền” (9).
Từ đó như tạo thành một “thứ” tiếng Việt của miền Nam lưu dân mà từ lâu nay vẫn bị gán là “tiếng của nhà thờ”. Ông Nguyễn Háo Vĩnh trong bài nói trên đã viết tiếp lời phê về văn Nam Phong như sau : “Coi mà chẳng hiểu thì có ích gì đâu, dần dần người ta ngã lòng trông cậy chẳng còn muốn coi nữa“. Mới nghe thì có vẻ văn “nhà thờ“, nhưng thật ra không có thứ văn nào gọi là văn “nhà thờ” mà chỉ có tiếng Việt dùng vào chốn nhà thờ cũng như tiếng Việt dùng ở chùa đình vậy thôi. Với những khám phá mới, có khi chỉ là một trở về nguồn với văn bản thời thế kỷ XVII và sau đó như đã đề cập trong bài này, có thể nói từ khi Nam Bắc phân tranh, ở Đàng Trong, tiếng nói bắt đầu xa dần đồng bào ở Đàng Ngoài; đến khi các vua Nguyễn Huệ và Gia Long thống nhất đất nước, tiếng Việt Đàng Ngoài sẽ tiếp tục phát triễn theo một hướng độc lập với người trong Nam, trở thành một tiếng nói và viết có khác biệt. Trong khi đó trong Nam, đồng bào di dân từ Bắc vào, từ các thế kỷ XVII và XVIII, vẫn tiếp tục nói tiếng nói họ mang theo vào. Đó là tiếng Việt được giới tu sĩ và giáo dân Công giáo như các linh mục Lữ-Y Đoan, Philippe Phan Văn Minh, v.v. sử-dụng cũng như mọi người trong cùng xã hội.
Đó cũng là tiếng Việt mà các nhà văn nhà báo và trí thức trong Nam từ Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Paulus Của đến Nguyễn Trọng Quản, Trương Minh Ký, Nguyễn Háo Vĩnh, các nhà báo của tờ Nam Kỳ Địa Phận, v.v. sử-dụng. Đó cũng là tiếng Việt mà những cộng đồng người Việt lưu vong ở Miên, Lào và Xiêm vẫn nói từ khi họ phải rời đất nước. Tiếng Việt đó là tiếng Việt thống nhất mà Phan Khôi trên Phụ Nữ Tân Văn nói đến và khởi từ đó ông phê bình những nhà báo ở Sài Gòn lúc bấy giờ viết sai tiếng Việt – nghĩa là sai tiếng Việt của Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Paulus Của, tiếng vẫn bị coi là của “nhà thờ”! Nếu có ai muốn phê người Nam viết sai nói sai – là chuyện có, có những nhà văn nhà báo viết sai theo tiếng nói sai, tức chỉ một phần trong số các nhà văn miền Nam, từng là đối tượng chỉ trích của học giả Phan Khôi nói ở trên, thì không nên tổng quát hóa, mà nên phân biệt với tiếng Việt thống nhất này, tiếng xưa nay đã có nhiều dấu vết ở trong Nam!
Như vậy, vì hoàn cảnh canh tân, hiện đại, tiếng Việt đã phát triển mạnh từ những năm 1920 với sự nhập cảng ồ ạt từ vựng mới của Trung Hoa (và Nhật) với tạp chí Nam Phong, sau đó theo đà Âu Tây hóa, các báo của Tự Lực Văn Đoàn, Tân Dân, nhóm Hàn Thuyên, rồi phân chia Nam Bắc, tiếng Việt đã phải bổ túc thêm nhiều từ mới. Nhưng tiếng Việt trước 1920 bị xem là tiếng “nhà thờ” và bị bỏ quên, các hoàn cảnh biến cố tiếp sau đó đã tiếp tục đẩy đưa cái khuynh hướng này. Cùng tiếng nói nhưng có những dị biệt về chữ viết, thành ngữ và phát âm khiến không hiểu nhau trọn vẹn. Đây cũng cùng trường hợp với tiếng Pháp dùng ở Canada là tiếng Pháp cổ thế kỷ XV do những di dân từ mẫu quốc sang vẫn sử-dụng. Đế quốc Pháp thua Anh, bỏ rơi luôn dân của họ. Bên này Đại Tây Dương, người mẫu quốc phát triễn tiếng nói và xa dần hẳn tiếng Pháp của “anh em họ” (cousins) ở Canada.
Mặt khác, cùng trường hợp với văn học Việt Nam trước khi có chữ quốc ngữ đã có hai dòng bình dân và bác học “nói chữ”, tiếng Việt trước 1920 đơn giản, bình dị thế nào thì tiếng Việt canh tân sau 1920 trừu tượng hơn nhiều, dù từ những thế kỷ XVII đã có nhu cầu sáng chế nhiều từ Hán Việt và từ Tây phương hóa (phiên âm theo tiếng Tây phương) để theo kịp đà tiến hóa và tiếp xúc với Tây phương. Trừu tượng, đó là lý do khiến ký giả Nguyễn Háo Vĩnh phàn nàn với ông Phạm Quỳnh.
Một “học sanh về điện máy chuyên nghề”, Nguyễn Duy Thanh ở Paris, góp ý trên Phụ Nữ Tân Văn số 119, đã chỉ trích Phạm Quỳnh làm tối tiếng Việt. Ông đưa ra những thí dụ những tiếng Việt dễ hiểu như “màng ngăn bụng, mạch máu nhỏ tí, mạch máu đi, mạch máu về” hay “chung của” bị ông Phạm Quỳnh thay thế bằng “hoành cách mô, vi ti huyết quản, hồi huyết quản, khứ huyết quản” và “cộng sản” (10). Theo ông, người Tàu phát âm ngọng vì có những âm không có trong tiếng nói của họ, nên đã phiên âm sai nhiều danh từ riêng và địa lý như Hoa Thịnh Đốn (Washington), Anh Cát Lợi (England), Bỉ Lợi Thì (Belgium), nay Phạm Quỳnh “theo đuôi” người nói ngọng thì lại càng đi xa từ gốc (11).
Trong số những độc giả phản đối Phạm Quỳnh còn có hai ông Nguyễn Văn Ngọc và Dương Quãng Hàm lúc đó hãy còn là sinh viên cũng đã lên tiếng phản bác chủ trương/khuynh hướng nói chữ mà họ cho là “lố bịch” của Nam-Phong. Và nhiều từ Hán-Việt do Nam-Phong tạp chí xướng lên đã rơi vào quên lãng, như: liễu kết, chuâu tuần, diên mạn, phó nạn, (kẻ) hậu tấn, v.v. Đó là với người có học; còn người bình dân chắc còn ít hiểu tường tận những chữ như “ý thức hệ, thủy quân lục chiến” chẳng hạn, dù họ nghe đã quen và biết là nói cái gì. Rồi chính chữ quốc ngữ cũng trở thành một trở ngại cho sự phát triển kiến thức, có thể cả tinh thần, vì so với chữ Nôm, chữ quốc ngữ không “hồn”, thường hay trùng chữ trùng âm và không gợi hình, rất hợp cho tưởng tượng thơ văn và “chơi chữ” nhưng xa dần căn bản ý nghĩa của văn tự dễ đưa đến những diễn văn không nội dung hoặc “ông nói gà bà nói vịt”! Văn học Việt Nam cổ kim có những nhà văn thơ lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, v.v., tư tưởng tâm tình rất tổng hợp về tín ngưỡng, về nguồn cảm hứng. Đến các tác giả miền Nam của thời văn học quốc ngữ tiên phong cũng tỏ ra rất tổng hợp và khai phóng về văn hóa. Văn học đã tổng hợp, khai phóng, người nghiên cứu không thể không có được cái tinh thần chủ động căn bản của nền văn học đối tượng nghiên cứu đó.
Chúng tôi chủ trương phải thống nhất tiếng Việt, để mọi người có thể hiểu nhau và nếu chúng ta còn muốn hiểu nhau! Thống nhất đồng thời phải chấp nhận có những đặc thù địa phương phải tôn trọng. Về tiếng nói cũng như văn học sử. Có chủ động thì dễ tránh khỏi bị vong bản văn-hóa; mà ngôn-ngữ một dân-tộc nào có khả năng tiếp thu và đãi lọc thì sẽ sống còn và có cơ giữ được tổng thể, cốt lõi!
Tiếng Việt ròng/gốc và tiếng Việt của Cộng-sản Hà-nội
Từ khi chiếm xong lục địa Trung-quốc, Mao Trạch Đông đã giản hóa chữ Hán khiến người Đài Loan, Việt-Nam Cộng-Hòa không đọc và không hiểu được – dĩ nhiên với thời-gian người nào muốn đọc sẽ học theo. Cụ Đoàn Thêm lúc sinh tiền, kể mỗi sáng ông lấy tàu điện ngầm xuống Phố Tàu ở Montréal lấy báo chợ về đọc, chữ Hán các báo này là của thời trước Trung-Cộng, người Việt đã quen đọc, vì gần phân nửa tiếng Việt có gốc từ chữ Hán. Từ vựng Hán-Việt vay mượn, tức chữ Hán, đã bị Việt Hóa, khác với chữ / tiếng Hán giản thể của Trung-Cộng sau 1949.
Ảnh-hưởng tiếng Hán của Trung-Cộng:
1- thêm “hóa” sau danh từ, động từ: bê tông hóa, giàu hóa, nghèo hóa, v.v.
2- Hán hóa tiếng Việt không cần thiết (Xem vài dẫn chứng phần tiếp theo).
3- nửa nạc nửa mỡ như: phó quay phim, nữ nhà báo,
4- pha chế bừa bãi, Việt-cộng-hóa chữ dùng ở miền VNCH và trước đó: một mem của diễn đàn, cửa hàng nem(name), tổ lái – phi hành đoàn; xưởng đẻ, con sâu mỡ lạp xưởng, lớp trưởng – trưởng lớp; nhóm trưởng – trưởng nhóm); giao hợp – giao thiệp và hợp tác; kích cầu – kích thích nhu cầu, siêu rẻ (rất rẻ), siêu bền (rất bền), Vi sóng (vi ba hay sóng ngắn), tốt –giỏi, được, hay, đẹp, ngon; v.v.
5- Đảo ngược chữ đã quen dùng: “triển khai”, thay vì “khai triển”; thấp điểm (“giao thông giờ cao điểm, giao thông giờ thấp điểm”) – ít, ở dưới; v.v.
6- phiên âm địa danh và tên người ngoại quốc… rùng rợn – tại sao không viết tên gốc? Vả lại cách dịch ở Việt Nam trước khi Cộng sản đến và ở miền Nam quốc gia ít ra theo Hán-Việt – có nguồn dịch:
Croatia = Cờ-râu-ấy-sà, Hờ-vua-xờ-ka;
Moscow = Mát-xít-cơ-va, Mốt-xờ-cu;
Washington = Oa-sinh-tơn;
Marxist = Mát-xít;
Michael = Mai-cơn, Mai-cồ;
Yersin = Y-éc-xanh;
Mozart = Mo-daYoga;
Gabriel Garcis Márquez = Gabrien Gacxia Macket;
Chekhov = Tsekhốp, Sô Khốp;
Beckett = Bếckét;
Shakespeare = Sếchxpia;
Leningrad = Lê-nin-rát; v.v.
Ghi lại đây tiếng Việt của trong nước, những từ thường gặp:
ấn tượng – cảm kích, phản ứng;
bảo quản – giữ gìn, che chở;
biên tập viên (không hẳn có viết) – MC, xướng ngôn viên;
bức xúc – dồn nén, bực tức;
cảm giác – nghĩ, cảm nghĩ;
căn hộ – căn nhà;
chất lượng – phẩm-chất và số-lượng;
chính chủ – người chủ;
chủ đạo – chính, chính yếu;
chức năng – trách nhiệm, chức trách (“cơ quan chức năng” không gợi nghĩa “cơ quan có trách nhiệm”, “cơ quan hữu trách” như trước 1975);
công nghệ – kỹ thuật;
cơ bản – căn bản;
cứ liệu – chứng cứ, tài liệu dẫn chứng;
đại trà – rộng rãi, quy mô;
động viên khuyến khích;
đăng ký – ghi danh, ghi tên;
đề xuất – đề nghị;
đột xuất – bất ngờ;
giải phóng (sau “giải phóng miền Nam”) – giải tỏa ;
giao lưu – nói chuyện, đối thoại, đàm thoại;
hiển thị – xem;
hoành tráng – to lớn, nguy nga, tráng lệ, đồ sộ;
hưng phấn (>“ức chế hưng phấn”?) – phấn khởi, vui sướng;
khẩn trương – nhanh lên;
kiệt suất – xuất sắc, vượt trội;
lao động nhà văn, trí thức – sức làm việc, sáng-tác;
liên hệ – liên lạc;
mặt bằng (“giải phóng mặt bằng” > “mặt bằng dân trí”?) – khu đất/nghệ nhân – nghệ sĩ, thợ;
nhất quán – đồng nhất;
phương án – kế hoạch;
quá tải – quá nặng;
quy trình – tiến trình;
quán triệt – hiểu rõ;
sự cố – chuyện không may;
tham gia lưu thông – lái xe ra đường;
tham quan – đi chơi, thăm viếng;
thống nhất – đồng ý;
tranh thủ – cố gắng;
trải nghiệm – thử
triều cường – con nước lớn, con nước đang lên, thủy triều;
X quang – tia X
xử lý – giải quyết; xử lí thông tin, xử lí vết thương; xử lý vệ sinh môi trường = dọn rác, …
*
Muốn “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” thì nguy cơ và vấn đề của tiếng Việt hiện nay theo tôi, là việc sử dụng sai tiếng Việt – bị bộ Giáo dục và tố chức văn hóa, ngữ học bỏ rơi, mặt khác Nhà nước có chính sách và khuynh hướng dùng tiếng Trung-Cộng thay cho tiếng Việt ròng, từ văn thư, truyển thông, báo chí lan ra công chúng và học sinh.
Dùng sai tiếng Việt: Có thể vì chiến tranh liên tục và hàng ngàn lý do khách quan, chủ quan, giới hữu trách về ngôn ngữ quốc gia ở Việt Nam chưa tổ chức được những cuộc tham khảo rộng lớn các nhà chuyên môn về ngữ học, do đó chưa thể thống nhất chữ dùng cho cả nước và áp dụng vào nhà trường (dĩ nhiên các phương ngữ vẫn có giá trị và vị trí của chúng). Dùng sai vì không muốn dùng lại từ của “ngụy”, như trực thăng, bán công, mặt tiền, v.v. Dùng sai còn có lý do vọng ngoại như tiếng Việt đã có từ sạp hay quầy, quầy hàng, vậy mà nhiều nơi người ta ghi lên bảng hiệu nào là công toa, ki-ốt (comptoir, kiosque), v.v.
Khi chúng ta theo dõi sách báo trong nước như trên Internet hoặc nếu có dịp quan sát, đọc, nhìn và nghe tiếng nói, chữ viết của người trong nước; một mặt chúng tôi bi quan về hiện trạng mọi người sử dụng từ ngữ bị “Hán cộng hóa”, mặt khác chúng tôi không tin rằng có nguy cơ diệt vong củatiếng Việt Sài Gòn và miền Nam cũ, ở trong nước cũng như ở hải ngoại! Ở ngoài nước, một phần tiếng Việt miền Nam sẽ bị tiếng Việt trong nước thay thế vì người di dân từ trong nước ngày càng tăng và sự chống đối việc sử dụng tiếng Việt trong nước ngày càng giảm phần nào vì sự giao lưu văn hoá, văn nghệ và thông tin qua sách báo, internet TV, Youtube, v.v. Khi người Việt hải ngoại ngày càng bớt sử dụng tiếng Việt – vì người lớn tuổi và rành tiếng Việt lần lượt mất đi trong khi lớp sinh trưởng ở xứ người không dùng, và văn học hải ngoại bị lão hóa hoặc không còn sinh hoạt, tiếng Việt cũng sẽ lần hồi yếu đi nhưng biến mất thì không. Phần tiếng nói, chữ dùng có thể bị thay thế đó là phần thời thượng, vô thức hoặc do người sử dụng vô tình hay vô ý thức, là phần sẽ bị thời gian đào thải.
Vào khoảng cuối thập niên 1910, Phạm Quỳnh và tạp chí Nam Phong đã nhập cảng Hán-tự thay thế các từ tiếng Việt đã có, dù rằng vào thời đó tiếng Việt có nhu cầu diễn tả và thông-dịch ra tiếng Việt các từ ngữ mới về khoa học, chính trị, v.v. Các ông Phan Khôi và Nguyễn Háo Vĩnh trên Nam Phong và Phụ Nữ Tân Văn đã từng phản đối! Miền Bắc từ 1954 và cả nước từ 1975 đã cơ chế hóa ngôn ngữ hành chánh và quốc gia theo khuôn mẫu từ ngữ của đàn anh Trung cộng – từ sau 1949 đã đơn giản hóa chữ Hán vẫn được sử dụng ở Trung Hoa trước đó và chế ra những từ ngữ mới. Từ đó, họ viết và sử dụng một số từ ngữ khác với “đồng chủng” của họ ở đảo Đài Loan. Việt Nam ta theo Trung cộng, do đó sử dụng lại từ ngữ của người Trung cộng, dù trong tiếng Việt đã có từ ngữ tương đương. Có thể nói đó là lý do có những từ sự cố, tư liệu, thiết kế nội thất, v.v. Nhưng trong thực tế, các từ này được dùng nửa nạc nửa mỡ, nghĩa là pha chế với tiếng Việt ròng, như nội thất phòng tắm, v.v.
Một bài báo viết về nhũng lạm trong việc xây dựng cầu đường mà lại dùng toàn từ ngữ và cấu trúc từ ngữ Trung cộng trừu tượng để nói đến xi-măng, cát, nhựa đường và cách pha chế, gian lận, thể thức đấu thầu, thực hiện, v.v. Không hiểu đây có phải là cố tình chăng, để dân chúng không thể hiểu hết ngọn nguồn? Thứ tiếng Việt bị chế độ đảng Cộng-sản cầm quyền hiện nay cơ chế hóa, Hán-cộng hóa cần được… cởi trói, trở về với dân tộc, như phần nào trong lãnh vực văn học từ sau 1987 vậy! Vì ngôn ngữ là một trong những thành tố chính tạo thành một quốc-gia, một dân-tộc, mà là một thành tố độc đáo, khác biệt với các dân tộc khác. Chế độ nào nếu tồn tại lâu sẽ “thành công” bôi xóa tàn tích của chế độ thù nghịch trước đó, như Gia Long đối với nhà Tây Sơn, nhưng ai cũng biết rằng luật đào thải của thời gian và lịch sử còn mạnh hơn nữa!
Hiện nay, trong nước nhất là ở miền Nam, những từ trực thăng, bán công, mặt tiền, tài liệu, v.v. đã bắt đầu được sử dụng nhiều và trở nên quen… tai, quen mắt! Sách miền Nam đã được công khai in lại, được giới nghiên cứu và sinh viên tham khảo, rồi người trong nước tham khảo sách báo và internet ngoài nước, cuối cùng luật tự nhiên sẽ cân bằng trở lại; đấy là lý do chúng tôi vẫn không bi quan!
Chú-thích
1- http://deutsch.ucsd.edu/psychology/
2- Nam Phong tạp chí, số 16, 10-1918, tr. 198-209.
3- Phan Khôi. “Chữ Quốc-ngữ ở Nam kỳ với thế lực của phụ nữ” Phụ-Nữ Tân-Văn số 28 (7-11-1929). Trích từ Thanh Lãng. 13 Năm Tranh Luận Văn Học (1932-1945) (Tp HCM: NXB Văn Học, 1995).T. 2, tr. 470.
4- Thăng Long tái bản, Sài-Gòn, 1960, tr. 36-37.
5- Thanh Lãng. “Hồ Biểu Chánh”. Văn số 80 (15-4-1967), tr. 16.
6- Về Sách Báo Của Tác Giả Công Giáo (Thế Kỷ XVII-XIX). Tài Liệu Tham Khảo. Tp HCM: Trường Đại học tổng hợp tp HCM. Khoa Ngữ Văn, 1993, tr. 132.
7- Trích từ 13NTLVH Sđd, t 2, tr. 473.
8- VSBCTGCG Sđd, tr. 6.
9- X. thêm Vũ Văn Kính. “Vài nét sơ lược về chữ Nôm miền Nam”, tr. 328-331 in 5 Năm Hán Nôm 1991-1995. TpHCM: Trung Tâm Nghiên Cứu Hán Nôm, 1995.
10- Phụ Nữ Tân Văn số 119, 18-12-1932, tr. 5-10.
11- Trích từ 13NTLVH. Sđd, t. 2, tr. 100-118.
Nguyễn Vy Khanh
Ngôn Ngữ 18, 1-3-2022