“THƯƠNG THÌ NÓI EM THƯƠNG “
( Tưởng nhớ Thầy Nguyễn Thanh Lương, Giáo Sư Petrus Trương Vĩnh Ký ).
Lâm Thụy Phong
Năm 1968, tôi học toán với Thầy Nguyễn Thanh Lương trong lớp tứ 2. Thầy đã mất bên Bỉ.
Cáo phó của gia đình Thầy Nguyễn Thanh Lương
Năm đó, nhiều biến động về tình hình đất nước: cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân đầy máu và nước mắt. Và với chúng tôi, những đứa con trai bắt đầu trỗ mã, trên khuôn mặt xuất hiện những cái mụn, đổi giọng ồ ồ như vịt Xiêm. Có đứa đêm về không ngủ, nhìn trời sao xẹt, những ánh mắt hỏa châu, ca bài ” Bao Giờ Biết Tương Chao “.
Nói văn chương hơn, ở tuổi 15, con gái thích ô mai, còn con trai tụi tui thích hột é !
Thầy Lương có dáng người tầm thước, vẻ mặt mô phạm như các Ông Thầy khác của chúng tôi. Ông không khó và cũng không dễ, vừa đủ uy quyền để cả lớp nghe. Thầy giảng những định lý, định đề, phương trình, công thức toán học.
Và hơn thế nữa, Ông là Giáo Sư hướng dẫn của tứ 2/1968.
Sau hai giờ toán khô khan, những phút còn lại nếu có, Thầy hay kể chuỵện đời. Như ” Chương Trình Lúc Không Giờ ” của cô minh tinh ” Người Đẹp Bình Dương ” Thẩm Thúy Hằng trên băng tầng số 9. Thầy phân tích cho chúng tôi nghe cái thật và cái không thật, trong vở kịch ma quái không cần thiết cô diễn viên chánh phải mặc chiếc áo ngủ xuyên suốt con mắt người xem.
Dưới lớp có những tiếng hít hà vừa đủ nghe để cả lớp cùng cười trong buổi trưa nắng còn gắt ngoài sân trường.
Thầy là người miền Bắc, không tiếc lời khen tánh tình của người miền Nam nói chung và người Saigon nói riêng. Thầy so sánh một cách khôi hài cách ” cua” gái của hai miền đất nước. Rằng, các cô Hà Nội ” màu mè, chảnh chọe ” bao nhiêu thì các cô miền Nam sông nước không ” technicolor” bấy nhiêu: ” Em ưng, em nói em ưng – Hổng cưng, đừng hỏi tui cưng ! “.
Quả thật vậy, tình cảm trai gái của con gái đồng bằng sông Cửu Long đong đầy như phù sa hai con sông Tiền và sông Hậu, nếu lở bên này cũng chỉ để bồi đắp bên kia. Êm đềm đơn giản như đám lục bình trôi, châu về hợp phố, một ngày nước rút rồi lên.
Cái tình đó, không trau chuốc bóng bẩy mà đi thẳng vào lòng hai trái tim mơ hòa cùng một nhịp. Như món ăn bình dị đến mức tầm thường nhưng ngon vô cùng: chuối còn xanh luộc ăn với mỡ hành; hoặc là chuối xanh luộc nghiền nhỏ trộn với cái dừa vừa đủ chín, thêm chút đậu phọng tăng thêm độ béo.
Tất cả hương vị đó tìm được trong mỗi nhà, mỗi góc vườn. Thật gần, thật quen thuộc. Như tiếng chim kêu phơi nắng sau hè, tiếng ểnh ương kêu trăng trong đêm tối.
Quê nội tôi, Hà Tiên, do Mạc Cửu người đất Lôi Châu, ” phản Thanh, phục Minh ” khai khẩn từ một vùng lâm sơn chướng khí, thành một tiểu vương quốc văn hóa sáng rực một thời, với đỉnh điểm là Chiêu Anh Các, tương đương với Tao Đàn của vua Lê Thánh Tôn.
Đứng đầu là Mạc Thiên Tích, mang hai dòng máu Trung Hoa-Việt Nam, viết lên bài thơ Đường trau chuốc, lọc lõi, tuyệt mỹ như sau :
Một hồ lẽo lẽo tiết thu sang
Giữa có vầng trăng nổi rõ ràng
Đáy nước chân mây in một sắc
Ả Hằng nàng Tố ló đôi phương
Rạng Thanh đã hứng thuyền Tô Tử
Lạnh lẽo càng đau kiếng Nhạc Xương
Cảnh một mà tình người dễ một
Kẻ thì ngã ngớn , kẻ sầu thương .
(Đông Hồ Ấn Nguyệt/ Văn Học Hà Tiên / Đông Hồ tái bản 1999 )
Quê ngoại tôi, Tân An, những người di dân trong cuộc Nam Tiến vĩ đại, tầm ăn dâu của Chúa Nguyễn, dùng mồ hôi xây đời mới.
Đất rộng bao la, thiên nhiên ưu đãi đã hun hút tâm tình, cá tính của người miền Nam, đặc biệt nơi con gái Nam Kỳ.
Theo Jean Larteguy: ” Một pha trộn hài hòa gần như tuyệt phẩm : tình yêu và đam mê”.
Họ ( con gái miền Nam ) thật thà khi nói, thật lòng khi yêu. Họ có đam mê, nhưng không mê muội. Cởi mở nhưng không lả lơi, suồng sã. Dù trong đam mê, họ biết dừng ở chỗ phải dừng.
Chính vì những nhận xét của một nhà văn, nhà báo Pháp đã nêu tên ở trên đã nhiều năm làm việc tại Đông Dương, tôi mang ý tưởng đó viết lên bài nầy để nhớ mãi ân tình bình dị, sâu lắng, cô đọng như chuối xanh luộc ăn với muối ớt mỡ hành.
Và để kính dâng Thầy tôi, cố Giáo Sư Nguyễn Thanh Lương, đã cho tôi hiểu thêm ” Tình Yêu Nam Kỳ “.
Phân Ưu của Hội Petrus Trương Vĩnh Ký Úc Châu đến gia đình Thầy Nguyễn Thanh Lương
Lâm Thụy Phong
(PK 1964-1971 )
TPTV 4/3/2021