Thôi Chia Ly Từ Đây

Vưu Văn Tâm

Có những cuộc chia ly, dù không biết sẽ ra sao ngày sau, nhưng người trong cuộc bao giờ cũng mong mỏi một cuộc tương phùng. Cụ Nguyễn Du đã miêu tả trong truyện Kiều những cuộc chia tay áo não qua những vần thơ tuyệt vời. Vườn Thúy là nơi chốn gặp gỡ và cũng là nơi đánh dấu buổi biệt ly nhuốm màu nước mắt khi Kim Trọng về quê thọ tang thúc phụ ..

“Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”

Dòng đời đưa đẩy thuyền quyên gặp tao nhân, nhưng lửa uyên ương chưa được thắm nồng, Thúc Sinh phải về quê thăm viếng vợ nhà. Buổi tiễn đưa xót xa lòng người đi, kẻ ở ..

“Người về chiếc bóng năm canh

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi”

Dù muốn, dù không, hai người chia hai hướng đời và mỏi mong sớm ngày gặp lại. Tiếc thay, tơ duyên ngắn ngủi, bình vỡ gương tan, ngày tao ngộ chỉ là nỗi thương sầu !

Trong “Chinh phụ ngâm khúc”, tác giả Đặng Trần Côn cũng khắc họa cảnh đất nước chiến chinh, chí làm trai bọc nghìn da ngựa. Chàng ra đi để bảo vệ non sông, thiếp ở lại quê nhà mỏi mòn mong đợi :

“Dấu chàng theo lớp mây đưa

Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn”

Ảnh hưởng những dòng thơ cổ, nhạc sĩ Y Vân cũng viết lên khung nhạc “Xa vắng” sắc màu chia ly muôn thuở :

“Đợi chàng một hai năm

Hay là cả đời xuân xanh

Ngày nao đầu pha tuyết sương

Vẫn mong tái ngộ một lần”

Chia ly, tao ngộ hình như đã gắn liền với đời sống con người, đi về như một vòng tuần hoàn của vũ trụ. Tất cả đã giúp cho cuộc sống này thêm phần ý nghĩa và ai nấy đều nuôi dưỡng một niềm hy vọng, một sự đoàn viên. Nhưng ở đời này vẫn có những cuộc chia ly vĩnh viễn không bao giờ được một lần tái ngộ.

Những chiếc thuyền nhỏ bé, mong manh vượt đại dương đi tìm tự do giữa hai miền sanh tử. Bão tố giữa biển khơi mãi mãi là vách ngăn không cho thuyền xuôi về bến đỗ. Đáy biển sâu là chốn vỗ về những tâm sự suốt đời côi cút, bơ vơ.

Người lính biên phòng nhìn lên ngọn thác hùng vĩ và nói :

– Thác của mình mà bây giờ phải xẻ làm đôi, phần của mình xấu xi và khiêm tốn như người vợ lẻ !

Một cụ già râu tóc bạc phơ bùi ngùi nhắc lại những ngày tháng xuân xanh :

– Không chỉ ngọn thác mà dãy núi bên kia cũng là của mình. Ngày tôi còn trẻ với túi thơ và bầu rượu, dù đường sá xa xôi cách trở không quản ngại nắng mưa. Đã bao lần, tôi dìu bước người thương, đi dạo quanh triền núi và nhìn xuống thác. Một cảm giác thích thú như lạc vào một cõi khác, cảnh vật hùng vĩ, non xanh nước biếc một màu trác tuyệt. Giờ đây, muốn ngắm thác từ trên núi phải làm cuộc du lịch xuyên qua biên giới. Thác của người ta, núi của người ta, đất nước này rồi cũng là của người ta. Dân mình rồi sẽ đi về đâu !

Trong một chương trình quảng cáo du lịch, một phóng viên đã không biết thẹn thùng, xấu hổ mà còn huênh hoang :

– Chương trình du lịch tham quan thác Bản-Giốc của nước ta và của nước bạn. Ngọn thác chính là của bạn, ngọn thác phụ là của ta. Hai đất nước cùng chung tay dựng xây một đường biên giới an lành.

Giờ học sử ký ngày xưa vẫn còn âm vang trong cõi nhớ, lời thầy tôi vẫn sang sảng như chỉ mới hôm nào “Đất nước ta nối liền một dãy từ ải Nam-Quan đến mũi Cà-Mau”. Buổi phân ly, tan đàn xẻ nghé được đánh dấu từ mùa xuân loạn lạc năm đó, thuở đất trời nổi cơn gió bụi.

31.05.2020